Hôm nay,  

Mừng Năm Mậu Tuất: Chó và Người

18/02/201806:55:00(Xem: 15808)

 

Tác Giả: Lê Nguyễn Hằng

Bài số 5315-19-31161-vb8021818

 

Mùng Ba Tết năm Tuất, mời đọc chuyện chó và người của Lê Nguyễn Hằng, bài viết của tác giả từng nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2017, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.

 

nha-ca-le-nguyen-hang

Tác giả Lê Nguyễn Hằng nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2017, do Nhã Ca trao tặng.

 

***

 

Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị di chuyển, kéo xe cho người ở những nơi tuyết dày phủ kín, chiến đấu cùng binh lính ngoài mặt trận, làm việc với cảnh sát để truy lùng hung thủ hay những vật phạm pháp nhất là tìm ra những người bị tai nạn.

Nhưng điểm nổi bật nhất của chó là lòng trung thành mà không có một loài động vật nào có thể sánh được. Chó không phân biệt chủ giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay bệnh hoạn, trong bất cứ hoàn cảnh nào chó cũng luôn ở bên cạnh người đã nuôi nấng nó, thậm chí có những con chó thương yêu người chủ đến nỗi dần mòn chết theo khi họ qua đời. Chó rất thông minh, trung thành, can đảm và nhiều tình cảm nên luôn là bạn của gia đình và cũng là nguồn an ủi đặc biệt cho những người lớn tuổi cô đơn.

Không phải tự nhiên hay tình cờ mà loài chó được ban tặng những đức tính như vậy mà có lẽ tạo hóa đã sinh ra loài chó với những tính tốt đó. Đã có bao nhiêu chuyện kể về tình thân thiết sâu đậm giữa người và chó; cũng không thiếu lời ca tụng sự trung thành của chó khiến người đọc và nghe phải chẩy nước mắt và có vô số lần chó đã cứu người thoát sự hiểm nguy khiến chúng ta xúc động và ngưỡng mộ sự can đảm và trung thành mà những “bạn chó” dành cho con người.

Trước tiên phải nói đến sự chiến đấu anh dũng của các chàng “lính bốn chân” của Hoa Kỳ hay còn gọi là K9, như chuyện chú chó Cairo, chú được Hải Quân Hoa Kỳ huấn luyện từ lúc còn nhỏ để trở thành đồng đội của toán đặc nhiệm Navy SEAL, Cairo đã được mặc bộ áo giáp đặc biệt cùng Navy SEAL Team 6 tấn công tư dinh của Osama bin Laden ở Pakistan. (1)

Nào là chuyện chú chó Dexter trong lúc công tác ở Afghanistan đã phát hiện một xe tải đổ rác chứa đầy chất nổ và cứu hàng ngàn thường dân lẫn binh sĩ. Dexter đã về hưu và được Danny Scheurer, người từng làm việc với quân khuyển khi còn trong quân ngũ, nhận đem về nhà nuôi ở Spring Grove, Illinois. (1)

Rồi đến chuyện chú chó Hawkye có mối quan hệ vô cùng thân thiết keo sơn với người chủ kiêm huấn luyện viên Jon Tumilson, một hải kích toán Navy SEAL của Hoa Kỳ. Anh đã thiệt mạng khi chiếc trực thăng Chinook bị bắn rơi. Trong tang lễ của Tumilson vào tháng 8 năm 2011, trước mặt hơn 1.500 người tham dự, Hawkye đến nằm phủ phục buồn bã bên cạnh quan tài cho thấy sự trung thành của nó tới giây phút cuối với người chủ thân yêu. (2)

Trước năm 1975, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng có Cục Quân Nhu phụ trách huấn luyện và cung cấp quân khuyển, các chú chó chiến đấu bên cạnh những chiến sĩ xông pha trận mạc, những chàng “lính chó” này rất dũng cảm, đánh hơi quân địch rất nhạy bén, đã mang lại nhiều chiến tích cho quân đội VNCH. Khi bị thương được những bác sĩ thú y của ngành Quân Nhu chăm sóc chữa bệnh, hoặc nếu chết cũng được chôn cất và tưởng niệm rất trân trọng.

Nói về tính trung thành và can đảm của loài chó, phải kể đến những chuyện xảy ra sau đây mà chó đã đóng vai trò anh hùng cứu chủ và ngay cả người xa lạ.

Đây là lời kể của ông Nguyễn Công Phước, 67 tuổi, cư dân Santa Rosa, tiểu bang California, về những gì xảy ra sáng ngày thứ hai, 9 tháng 9 năm 2017: “Tôi đang ngủ, lúc đó khoảng 1 giờ 30 sáng, con chó Chihuahua của tôi nó đến cào cửa phòng. Tôi nói: “Con quậy gì vậy, để cho ba ngủ.” Thế rồi tôi ngủ thiếp đi. Đến chừng 3 giờ sáng, nó đập cửa mạnh quá, tôi phải thức dậy, ra mở cửa. Trời ơi, cả phòng khách toàn là lửa. Tôi liền ôm con chó chạy ra, không kịp mặc áo. Vừa ra ngoài cửa, cả mái nhà sập xuống.” Con chó Chihuahua nhỏ xíu đã cứu mạng ông Phước. (3)

Ngày tang thương của đất nước Hoa Kỳ, 11 tháng 9 năm 2001, chú chó Dorado đã cứu chủ mình là ông lão mù Omar Eduardo Rivera đang làm việc trên tầng 71 của tòa tháp Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Nữu Ước, ông bị mắc kẹt khi chiếc máy bay đầu tiên do bọn khủng bố điều khiển đâm vào tòa tháp, ông Rivera biết rằng một ông lão mù như mình không thể nào chạy thoát được, nên ông đã tháo dây xích cho chú chó Dorado và ra lệnh cho nó chạy ra ngoài để thoát hiểm, nhưng lần đầu tiên Dorado đã không làm theo lời chủ, mà cố gắng hướng dẫn ông lần mò đi xuống 70 tầng cầu thang và chạy ra ngoài an toàn chỉ vài phút trước khi tòa nhà đổ ập xuống. (1)

Trong lãnh vực thính giác, chó lại chứng minh sự bén nhạy của giòng giống nhà bốn chân, ngày 6 tháng 5 năm 2017, với giác quan đặc biệt, chó đã phát giác ra một sự sống, chú chó đào bới bên một lề đường vắng người qua lại, cứu một cậu bé sơ sinh 1 tháng tuổi, cuộn trong một tấm vải trắng, miệng dính đầy cát còn thoi thóp thở, chủ của chó đến kịp đưa em bé đến trạm xá cấp cứu, người ta cảm động trước sự trong sáng của chú chó, thấy người gặp nạn là cứu. (4)

Một trận động đất mạnh 7.1 độ Richter vào trưa ngày 19 tháng 9 vừa qua đã làm rung chuyển miền Trung Mexico. Chú chó Frida, làm việc cùng SEMAR, một đơn vị chó cứu nạn của Hải quân Mexico, Frida đã dũng cảm tìm kiếm và cứu được hơn 50 người sống sót sau trận động đất kinh hoàng. (5)

Thêm chuyện chú chó Hachiko, ngày ngày đưa chủ là ông Eizaburo Ueno, một giáo sư tại Đại học Tokyo ra bến tàu Shibuya đi làm và mỗi chiều lại đến đó đón ông về. Một ngày nọ, ông Ueno bất ngờ bị xuất huyết não trên giảng đường và không bao giờ trở về nữa, nhưng Hachiko vẫn ngày ngày đều đặn tới ga tàu để chờ đón ông. Cuối cùng, gần mười năm sau, Hachiko đã chết lặng lẽ một mình ngay gần ga xe lửa chỗ nó hằng ngày đưa đón chủ. (6)

Và còn vô số chuyện thật cảm động về sự trung thành và can đảm của loài chó khắp nơi trên thế giới.

Gia đình tôi rất thương chó, có khi vợ chồng tôi và các con nuôi cả thảy 8 con chó một lúc, đủ loại, từ german shepherd, golden retriever, malamute wolf đến chihuahua.

Tôi chỉ xin kể chuyện về hai con chó của gia đình tôi, Dorky và Bi.

Khi mới mua căn nhà đầu tiên ở San Jose năm 1980, các con tôi năn nỉ xin được nuôi chó, nhưng tôi vẫn luôn bảo là khi nào các con dọn ra ở riêng thì làm theo ý mình, chứ còn ở nhà với ba má thì không được vì ba má đi làm rất vất vả, không có sức và thì giờ để chăm sóc và theo sau lưng nó mà dọn dẹp, với lại còn tốn tiền mua thức ăn, rồi chích ngừa, rồi chữa bệnh…như nuôi một em bé, không được đâu.

Thế mà một hôm đi làm về, tôi vừa bước vào nhà đã nghe có tiếng kêu ăng ẳng vọng ra từ phòng của Uyển, cô con gái thứ nhì, tôi vội chạy vào xem, thì ra là tiếng kêu của một con chó nhỏ lông màu đen bóng mượt, Uyển vội vàng lên tiếng: “Má ơi, con thấy con chó của Sương dễ thương quá nên mượn về chơi vài giờ.” Đúng hai tiếng đồng hồ sau con tôi đem chó đi trả.

Uyển tiếp tục mượn chó như thế trong suốt một tuần lễ. Phần tôi, vì thấy mình chỉ cần chơi giỡn với con chó bé bỏng, ngoan ngoãn, dễ thương mà không có trách nhiệm và bổn phận gì nên tôi vẫn ôm ấp, cưng chiều và cho nó ăn uống.

Chiều hôm đó đi làm về, tôi cho mọi người biết tin vui là tôi mới được lên chức, vừa ngồi xuống chiếc ghế bành là con chó đã nhảy vào lòng, dụi đầu vào đùi tôi, lớp lông đen như mun, mềm óng của nó làm tôi thấy êm ả, dễ chịu, Uyển bèn nhân cơ hội này tung ra một quả bom:

- Nó là chó của Má đó.

- Sao? Cái gì? Tôi hỏi.

- Gặp con chó này là con mê nó liền nên con xin và Sương đã cho, nhưng sợ Má không bằng lòng nên con phải nói dối là mượn của Sương, bây giờ thấy Má thương nó rồi con mới dám nói thật.

- Ai nói là má thương nó?

- Nhìn Má là con biết, Má vuốt ve nó, Má nói chuyện với nó, Má mua đồ chơi cho nó, thỉnh thoảng Má vừa ăn vừa đút cho nó, vậy chẳng là thương thì là gì hả Má?

Tôi đành chịu thua, bằng lòng nhận con chó và cùng các con đặt cho nó một cái tên xấu xí là “Dorky” cho dễ nuôi.

Dorky thuộc loại retriever, là một giống chó giỏi trong việc đi tìm và cứu người; chúng hiền lành, nhanh nhẹn và giàu tình cảm, rất hợp với những người muốn nuôi một con chó làm bạn, nó đem lại niềm an ủi cho những người bị bại liệt, tật nguyền hay đi đứng khó khăn.

Dorky lớn rất nhanh và thật thông minh. Chiều chiều, nó ngồi ngay cửa phòng ăn thông ra garage chờ tôi đi làm về. Khi nghe tiếng xe của tôi là nó đi lòng vòng chờ tôi mở cửa là nó lăn sả vào, đuôi ngoe nguẩy sủa chào đón tôi ngay và tôi cũng phải nói “Hi Dorky” thì nó mới vui lòng theo tôi vào nhà. Một hôm, con gái tôi đứng ngay cửa nên tôi nói “Hi Uyển” thế là Dorky sủa inh ỏi. Nhìn vào mắt nó, tôi biết nó muốn nói rằng: “Con đứng ngay đây nè, sao Má không chào con trước? Con là cục cưng út ít trong nhà mà?” Tôi phải vừa vỗ đầu vừa vuốt lưng nó mới im. Các con tôi đều đã lớn nên Dorky được cả nhà chiều chuộng vô cùng.

Sau một ngày làm việc căng thẳng ở sở làm, tôi thường ngồi trên chiếc ghế bành nghỉ một lát trước khi vào bếp sửa soạn cơm tối cho gia đình, Dorky đến sát cạnh, kê đầu lên đùi tôi, tai nó ngoắc ngoắc có vẻ hài lòng, tôi gãi đầu nó, cô nàng ngước mắt nhìn tôi như an ủi vỗ về, thảm lông mềm óng của nó dụi dụi vào người tôi, làm cho những sự mệt nhọc và lo toan cả ngày trong đầu tôi từ từ tan biến khiến tôi thấy thật thoải mái, nhẹ lòng. Tôi bảo nó: “Má thấy khỏe và trong lòng bình an rồi con ạ, cám ơn con.”

Mỗi bữa ăn, nó được ngồi trên một chiếc ghế nhỏ cạnh tôi, thỉnh thoảng tôi lại gắp thức ăn bỏ vào cái đĩa riêng của nó. Nó rất ngoan và lễ độ, chỉ lấy thức ăn dành cho mình chứ không bao giờ với vào đĩa thức ăn của người lớn. Khi tôi ăn xong đứng lên là nó cũng đi theo.

Buổi chiều sau bữa ăn, tôi ra làm vườn, lúc nào nó cũng quanh quẩn bên cạnh bảo vệ tôi. Nó thông minh và hiểu tiếng Việt rất rành, thỉnh thoảng tôi tinh nghịch đánh lừa nó mà nó vẫn làm đúng. Khi tôi nói: “Hôm nay mình làm vườn sau, trước”, là nó lập tức kéo tôi ra vườn sau. Có khi tôi bảo: “Hôm nay má làm vườn trước, trước”, nó liền đi đúng hướng mà không bao giờ bị lừa. Hình như lúc nào nó cũng đoán được ý tôi. Trông Dorky hiền lành như vậy thế mà một lần kia, khi tôi đang nhặt cỏ ở sân trước, thấy một người đàn ông lạ đến gần tôi đưa giấy quảng cáo là nó nhẩy cẫng lên, nhe hai hàm răng gầm gừ trông rất dữ tợn, dù nó đang bị xích, người đó cũng hoảng sợ bỏ đi ngay.

Buổi tối khi tôi ngồi trước cái computer là nó cũng ngồi ngay dưới chân, thỉnh thoảng lại ư ử vài tiếng cho tôi biết là có nó bên tôi. Khi nào tôi đi ngủ nó mới nhẩy vào giường của nó ngay trước cửa phòng vợ chồng tôi.

Mỗi Giáng Sinh tôi đều cho Dorky mặc áo có hình ông già Noel hay người tuyết. Dorky cũng có một cái “stocking”, trong đó tôi nhồi vào bánh, đồ chơi và những thức ăn cho chó gặm. Dorky cũng có quà như mọi người khác trong gia đình.

Vào một sáng thứ bẩy, tôi mới ngủ dậy, Dorky đến cọ lưng vào chân chào tôi như thường lệ thì tôi thấy lành lạnh, nhìn kỹ hóa ra lưng nó ướt, tôi dòm vào giường của nó thì thấy có nước. Từ bé đến giờ, nó có bao giờ làm “bậy” trong nhà đâu, sao hôm nay lại hư thế! Tôi nghĩ chắc hôm qua nó uống nước nhiều nên bị “tai nạn” đấy thôi. Tôi đem giường nó ra giặt và phơi. Mấy ngày sau cũng xảy ra y như vậy, tôi lại nghĩ chắc nó chỉ “đái dầm” như con nít thôi, nên buổi tối tôi phải lấy giấy báo lót thật dầy vào giường nó để khỏi mất công giặt giũ nhiều. Mỗi sáng trước khi đi làm, tôi xem nếu ướt thì lấy khăn ấm lau người nó rồi thay báo sạch trong khi Dorky đứng bên cạnh cào cào chân vào đùi tôi và liếm tay tôi, nhìn tôi một cách trìu mến như ân hận và muốn nói: “Con xin lỗi đã làm khổ Má quá!” Tôi hiểu ý và thầm thì: “Má biết con không cố ý mà.”

Vài tuần sau, một hôm đi làm về không thấy Dorky đón tôi ở cửa, đó là chuyện lạ chưa bao giờ xảy ra, tôi vào tìm thì thấy nó còn nằm trong giường, ngước nhìn tôi buồn bã và mắt long lanh ướt như là vừa khóc, Tôi ngồi xuống cạnh giường, nó giơ chân lên cào cào vào đùi tôi hình như muốn nói là nó bệnh nên không ra đón tôi đi làm về.

Chiều hôm đó Dorky bỏ ăn, nó ủ rũ và rên ư ử nên sáng hôm sau tôi đem nó đi bác sĩ khám thì được biết là thận nó bị suy và gan cũng có vấn đề nên phải ở lại nhà thương hai ngày cho bác sĩ theo dõi và chữa trị. Khi tôi chào bác sĩ ra về, Dorky cứ giơ chân lên cào vào tay tôi và rên rỉ, ánh mắt như cầu khẩn van lơn: “Má ơi con muốn về nhà với Má.” Được vài tháng, Dorky lại không ăn và rên rỉ nhiều hơn, trở lại gặp bác sĩ thì ông cho biết cuộc đời nó chỉ còn tính ngày thôi.

Ba hôm sau, tự nhiên Dorky ngồi dậy bước khỏi giường chậm rãi liêu xiêu đi quanh từ vườn trước ra vườn sau, ngửi ngửi từng lùm cây, ngọn cỏ, chậu hoa, như để nhìn lại những nơi thân thuộc lần cuối, mệt quá nằm xuống nghỉ một chút rồi từ từ đi vào trong nhà trèo vô giường, tôi đến bên vỗ về an ủi nó. Chiều hôm đó, Dorky gầm gừ vài tiếng, vợ chồng tôi vội chạy ngay đến giường của nó, tôi ngồi bệt xuống sàn nhà cho Dorky kê đầu lên đùi, chồng tôi xoa nhẹ vào lưng nó trong khi tôi thầm thì chuyện trò với Dorky, nó nằm yên thoải mái, một lúc sau nó giẫy nhẹ một cái và đầu ngoẻo qua một bên, mắt vẫn nhìn về hướng vợ chồng tôi, tôi ôm nó và òa lên khóc, chồng tôi vội điện thoại báo cho các con biết cái tin đau đớn này.

Con rể thứ hai của chúng tôi đến giúp lo phần hậu sự cho Dorky, mấy ngày sau đem tro của nó về nhà trong một hộp gỗ vuông, bên trên có tượng của thiên thần và đặt ngay trên cái bàn nhỏ ở phòng gia đình để mọi người đều có thể thấy được Dorky. Tôi cứ nhớ đến những lúc cho nó ăn, tắm rửa, thay báo lót giường, bây giờ cái giường của nó cũng trống rỗng như cõi lòng tôi.

Con cái mình sinh ra nhiều khi còn cãi lại hoặc làm trái ý mình, có khi còn giận dỗi, riêng chó lúc nào cũng nghe lời, dù bị la mắng nó cũng không bao giờ giận hờn mà vẫn bám cạnh mình, Dorky đã là nguồn an ủi, thuốc an thần cho tôi bao nhiêu năm nay. Tôi thương nhớ khóc lóc cả tuần lễ và tự hứa sẽ không bao giờ nuôi một con vật gì mà gắn liền tâm tình của mình vào nó để rồi đau thương khi ly biệt.

Không sinh vật nào trong cõi đời thoát khỏi vòng sanh lão bệnh tử. Dorky ơi, Má cầu xin cho con kiếp sau được làm người dù cũng có khổ đau nhưng còn nói ra được cho người khác hiểu. Nhưng nếu con chưa trả hết nghiệp mà kiếp sau vẫn phải làm chó, thì xin cho con được sinh vào một gia đình cũng thương yêu con như ba má và các anh chị của con.

Liêm, chồng tôi kể thuở nhỏ anh có nuôi 2 con chó xin của một người chú họ, con vàng tên Bo, con vện tên Bi. Năm đó khoảng 1948, Tây chiếm vùng La Kham, tỉnh Quảng Nam rồi đóng đồn ở Vân Ly cách nhà Liêm độ 3, 4 cây số nên ông Khải, ba của Liêm đưa chị em Liêm chạy về quê ngoại ở Vĩnh Trinh cách một con sông và 5, 6 cây số đường bộ để tránh giặc, trong khi bà Khải, mẹ của Liêm nhất định không di tản, bà nói nhà này là nhà từ đường và bà là con dâu trưởng nên phải ở lại giữ nhà, với lại bà đã già thì bọn Tây cũng chẳng làm gì hại bà.

Tây không giàu như Mỹ nên khi đóng căn cứ chỗ nào là cần lấy gỗ về xây đồn, thấy nhà Liêm lớn nên họ đòi dỡ nhưng Mẹ anh nhất định không cho, bà bảo đám lính Tây: “Mày muốn thì giết tao chứ không được phá nhà tao”, rồi bà lăn đùng ra giữa sân giãy đành đạch và la làng, bọn lính Tây chịu thua bỏ đi. Lúc đó hai con chó đều ở lại La Kham với bà Khải để giữ nhà, con chó Bo thấy bọn lính lớn tiếng nạt nộ bà Khải và bà la khóc thì nó sủa inh ỏi, bọn Tây tức giận nhưng không dám bắn bà Khải vì lúc đó chắc họ còn muốn lấy lòng dân nên họ bắn chết con Bo. Con chó Bi thấy vậy bèn vọt chạy mất tăm. Trước đó chị của Liêm đã một lần dẫn con chó Bi qua Vĩnh Trinh thăm ông Khải và Liêm, nhưng con Bi nhất định không chịu, chắc nó không muốn bỏ bà Khải ở lại một mình, nó giẫy giụa cho đến khi chị dỗ dành bảo là “tao đưa mày đi thăm anh Liêm mà”, nó mới chịu yên lặng cho chị dẫn đi, nhờ vậy mà nó biết đường qua Vĩnh Trinh.

Hôm đó, ông Khải nằm đọc sách mỏi mắt quá nên nghỉ một lúc, khi nhìn qua bên cửa hông thì bỗng nhiên ông nói với Liêm là Ba vừa thấy con chó nào lọt đầu qua cửa trông giống hệt con Bi, Liêm nói con Bi đang ở với Má bên La Kham mà, chắc là Ba mới thiếp ngủ nên lẫn lộn giữa mơ và thực vì đường đi từ La Kham qua Vĩnh Trinh phải băng qua một con sông, rồi đi trên cây cầu tre (chỉ có một cây tre), người ta đi còn trượt ngã, rồi lội thêm 5, 6 cây số đường ruộng lồi lõm. Nhà người bà con mà ông Khải tá túc là nhà giàu nên nuôi 5 con chó rất dữ, không hiểu sao con Bi có thể qua mặt được 5 con chó đó. Con Bi chỉ âm thầm không một tiếng động thò mặt vào cho ông Khải trông thấy rồi nó biến mất nên ông Khải nửa tin nửa ngờ. Buổi chiều ông qua chơi nhà anh Lập ở bên cạnh, cách nhau cái hàng rào thì con Bi chạy ra liếm chân ông mừng rỡ, ông cúi xuống hỏi nó: “Sao con qua được đây?” Nó ngoắc đuôi chạy lại với Liêm như muốn nói điều gì. Ngày hôm sau, chú Năm, người trai bạn trong nhà gánh thức ăn từ bên La Kham qua tiếp tế, nói cho biết con Bo bị bắn chết và con Bi chạy mất tiêu rồi. Ông Khải liền dẫn chú Năm qua nhà Lập và nói “Con Bi đây nè.” Chú Năm cũng lấy làm lạ là làm sao con Bi có thể nhớ đường, một mình vượt cầu tre qua sông, rồi băng ruộng để tới đây báo tin cho ông Khải.

Đến khi Tây rút đi thì mọi người lại quay về La Kham. Một thời gian ngắn, tình hình càng ngày càng tệ hại, mất an ninh, chiến tranh lan rộng. Gia đình Liêm lại quay trở lại Vĩnh Trinh ở nhờ nhà của Lập để tránh giặc.

Ngày đó, do kinh nghiệm, mọi người đều có thể phân biệt được tiếng máy bay tiếp tế, thám thính hay oanh tạc khủng bố để biết lúc nào phải rúc xuống hầm tránh đạn. Ông Khải đã lớn tuổi lại hay say rượu nên bao giờ cũng chậm chạp, dù nghe tiếng máy bay khủng bố trên đầu, trong khi con Bi lúc nào cũng cuống quít ngoạm vào ống quần của ông và kéo ông xuống hầm, rồi nó rúc vào bụi tre gần đó canh chừng, khi nào máy bay đã đi xa nó lại xuống hầm ngoạm vào ống quần kéo ổng lên.

Một lần có tiếng máy bay từ xa, mọi người đã chạy hết xuống hầm trong khi ông Khải còn đang ngủ, con Bi chạy tới kéo ống quần ông giật giật thật mạnh đánh thức và cắn vào vạt áo ông lôi ông xuống hầm. Có một hôm ở dưới hầm lâu quá ngộp thở, cuồng chân, ông Khải trèo đại lên thì con Bi lập tức chạy tới lôi chân ông kéo xuống hầm vừa kịp lúc máy bay quay trở lại và thả bom gần đâu đó. Đã mấy lần con Bi cứu ông thoát chết.

Ông Khải vẫn thường nói con Bi khôn như người, chỉ tội nó không biết nói thôi. Khi Việt Cộng bắt đầu theo dõi gia đình địa chủ, họ không muốn chó sủa lúc họ đi rình mò ban đêm nên ra lệnh mọi nhà phải giết hết chó và tội nghiệp con Bi cũng chịu chung số phận.

Đối với gia đình tôi, dù chó chết vì bất cứ lý do gì, bị giết hay bệnh tật, chúng tôi cũng đau lòng một thời gian dài, các con tôi vẫn tiếp tục nuôi chó khác nhưng tôi thì không, cái chết của Dorky thân yêu đã khiến tôi nhụt chí vì tôi biết nhược điểm của mình là khó có thể dằn lòng trước những con chó ngoan hiền, trung thành với chủ.

Đã biết đời là vô thường, có sanh thì có diệt nhưng sao tôi vẫn yếu đuối khi phải đối diện với sinh ly tử biệt. Tôi vẫn tự nhủ lòng là không nên quá gắn bó với những gì thân thiết với mình và phải tập buông bỏ cho lòng được nhẹ nhõm, không vướng víu. Bây giờ đã lớn tuổi, tuy có vững chãi hơn ngày còn trẻ nhưng tôi vẫn cương quyết giữ lời tâm nguyện là không bao giờ nuôi chó nữa.

Tại Mỹ, vai trò của chó đóng góp cho nền kinh tế không phải ít. Tiền bác sĩ, chích ngừa và khám bệnh, tiền dành để mua thực phẩm cũng như quần áo, đồ chơi, tỉa lông…phải đến hàng tỷ dollars mỗi năm. Vai trò của chó trong lãnh vực điện ảnh cũng không phải nhỏ, những phim như “Homeward Bound” và “Marley and Me” đã làm tôi rơi nước mắt khi con chó Marley chết. Mặt khác chó cũng vui cùng chủ nhân tham dự những buổi “Dog Show” ngoài trời và trên truyền hình mà thỉnh thoảng chúng ta được xem.

Trong khi con chó biết trung thành, bảo vệ và cứu giúp con người thì con người lại đánh giết lẫn nhau. Hằng ngày đọc hoặc nghe tin tức, thấy quá nhiều bạo lực và giết chóc hàng loạt một cách dửng dưng không gớm tay. Gần đây có bao nhiêu vụ nổ súng giết người kinh hoàng khắp mọi nơi, nhất là những chỗ đông người như trạm xe lửa, nơi thờ phượng, chỗ trình diễn văn nghệ, tiệm ăn, ngay cả trường học. Trước kia, đem con đến trường xong là bố mẹ yên tâm đi làm việc của mình, bây giờ bố mẹ lúc nào cũng thấp thỏm âu lo cho sự an toàn của con cái. Vụ nổ súng gây tử vong cho 58 người và hơn 500 người bị thương ở Las Vegas trong ngày 1 tháng 10 vừa qua khiến người ta thất vọng và kinh hãi vô cùng. Tôi thường băn khoăn, ngậm ngùi tự hỏi: “Thiện tính của con người đã biến đâu mất rồi?”

Trái tim ơi! Xin hãy mở lòng cho tình yêu được luân lưu hòa hợp khắp nơi trên thế giới, cho con người thương yêu, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau và cùng nhau chung sức xây đắp hòa bình yên vui trên toàn cầu. Xin hãy thắp sáng niềm tin cho nhân loại nguồn hy vọng được hưởng một cuộc sống an bình và hạnh phúc.

Người Việt Nam ta có câu:

Mèo đến nhà thì khó

Chó đến nhà thì sang

Trước thềm năm mới Mậu Tuất, xin chúc mọi người một năm yên bình, thịnh vượng nhờ cái “sang” của chó đem tới và nhất là thân tâm thường an lạc.

Lê Nguyễn Hằng

 

(1) Miss Cellania, July 7, 2011

http://mentalfloss.com/article/28163/8-wonderful-dog-stories

(2) Elisha Hartwig, March 12, 2013 on Mashable

http://mashable.com/2013/03/12/dog-mans-best-friend/#S_9kCd3CwGqL

(3) Đỗ Dzũng, Người Việt

(4) Chú chó anh hùng cứu sống bé trai sơ sinh, Tin Tức 4H TV

https://www.youtube.com/watch?v=qwzjEF2BvtE

(5) Chó cứu sống 52 trong trận động đất ở Mexico

http://blogdongtay.com/chu-cho-sieu-anh-hung-cuu-song-52-nguoi-khoi-2-tham-hoa-dong-dat-lien-tiep-o-mexico

(6) Maria, Nerd Nomads, June 13, 2017

https://nerdnomads.com/hachiko_the_dog

Ý kiến bạn đọc
20/02/201817:08:08
Khách
Trời ơi! Sao VB lại cho đăng một loạt những câu thô tục và điên khùng của Một người tên Lưu Vong thế này? Những câu viết chẳng liên quan gì đến bài viết để xây dựng hay bình luận đứng đắn! Tôi rất sửng sốt, không đam tin vào đôi mắt mình!!! Phải dụi nắt năm bảy lần để xác định là chuyện có thật!
Xin VB vui lòng kiểm duyệt và không đăng những lời phê bình thiếu đứng đắn như thế bày để giữ uy tín và sự trong sáng của Việt Báo!
20/02/201810:38:13
Khách
Một bài viết công phu và thật cảm động về sự trung thành của chó đối với chủ.
Chúc anh chị năm Mậu Tuất May Lành Vạn Sự Như Ý.
20/02/201804:56:44
Khách
Tôi hoàn toàn đồng ý với chị Iris, Việt Báo không thể để cho những kẻ phá hoại quăng rác rưởi vào vườn hoa văn hoá mà Việt Báo đã xây dựng và giữ gìn trong bao năm qua.
19/02/201816:11:05
Khách
Yêu cầu Việt Báo kiểm soát các ý kiến. Nếu không phải là một lời góp ý đứng đắn, dù là khen hay chê, xin không đăng. Nếu không thể kiểm soát, yêu cầu bỏ luôn mục này, để đừng làm phiền lòng những độc giả khác.
19/02/201815:48:39
Khách
Gui độc giả Liu Vong,

Tôi rất ngạc nhiên là tại sao lại có thể viết những lời nhố nhăng chẳng dầu chẳng đuôi và thật là tục tĩu lên mục góp ý, làm cho bộ mặt của tờ báo cũng như bài viết bị hoen ố! tôi không hiểu nổi vậy người độc giả này có thể giải thích cho tôi biết được không? nếu không bằng lòng với bài viết thì có nhiều cách để phản đối, là không có ý kiến , nếu có ý kiến thì hãy chỉ ra những điểm không đồng ý, hoặc viết lời chê bai có học một chút, tôi có lời khuyên nếu độc giả này không thích tác giả này thì lần tôi nếu thấy tên tác giả thì đừng đọc nữa là hay hơn, chứ đừng viết bậy bạ như một người điên như vậy. Tôi đề nghị tòa soạn nếu có thể xoá bỏ lời góp ý của độc giả này và lần tới nếu có những comment như vậy không nên đăng vì sẽ làm tổn hại tình cảm của độc giả dành cho tờ báo cũng như vô tình nổi tay cho những kẻ phá hoại như độc giả này vào dòng gìn giữ văn hóa Việt Nam mà quỷ báo đang truyền tải.
Cảm ơn.

Tiền
19/02/201804:04:05
Khách
Cám ơn tác giả Lê Nguyễn Hằng đã cho đọc một bài viết về “Chó” trong dịp “Năm Mậu Tuất” này! Bài viết gom góp nhiều chi tiết và những câu chuyện về chó xảy ra khắp noi rất thú vị và cảm động.
Có điều này tôi cảm thấy rất là lạ lẫm, người độc giả có nick “Liu Vong” hình như là người không được bình thường, viết comment dùng những lời lẽ tục tiẻu không đầu không đuôi chẳng ... nhập nhĩ vào đâu, mà sao VB lại cho đăng vào đây? Kỳ thật!
Một độc giả
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,260,804
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến