Hôm nay,  

Ăn Tết

17/02/201806:45:00(Xem: 7859)

 

Tác Giả: Nguyễn Thị Thêm

Bài số 5314-19-31160-vb7021718

 

Mùng Hai, tiếp tục ăn Tết. Mời đọc bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất. Tác giả quê ở Biên Hòa Việt Nam, cựu học sinh Ngô Quyền. Là nhà giáo trước 1975. Qua Mỹ năm 1991. Bắt đầu viết VVNM từ năm 2010, nhận giải danh dự năm 2015.

 Nguyen-Thi-ThemA

 

***

Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết. Và chỉ hai chữ đơn giản đó đã gói ghém hết những gì người ta làm, vui và hưởng thụ trong mấy ngày Xuân.

Từ khi tờ lịch cuối cùng treo trên vách được lột xuống là mọi người VN đều có cùng ý nghĩ “Sắp Tết rồi”.

Sắp Tết rồi thì phải lo chuẩn bị chớ. Nghèo đến đâu, ba ngày Tết cũng phải có với người ta. Gì thì gì trong lu, trong khạp cũng phải có gạo. Bàn thờ phải có đủ hương, hoa, quả. Nhà cửa sạch sẽ, quần áo tinh tươm và trong vườn cũng nuôi vài ba con gà, con vịt.

Ăn Tết đối với người nghèo là một bi kịch. Nhất là trong thời buổi gạo châu củi quế. Đó là một gánh nặng mà những người chủ gia đình phải thao thức cả đêm.

Đối với phong tục VN ta, ngày Tết là ngày quan trọng nhất trong năm. Con cái thế nào cũng phải có một bộ đồ mới. Nếu cũ cũng phải lành lặn, sạch sẽ. Nhưng nghèo quá, cái ăn không có thì làm sao có cái mặc. Tuy nhiên làm cha mẹ, đâu nỡ cho con quá thua thiệt với bạn bè. Vay mượn hay bán cái gì đó để cho con có manh áo lành ngày tư ngày Tết với người ta.

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, thời kỳ tem phiếu sau 75. Mẹ tôi đi làm công nhân được mua hai mét vải theo tiêu chuẩn cả năm trong dịp Tết. Từ kho vật tư đem ra là chỉ còn 1 mét 9. May quần thì ngắn, may áo thì dư. Cầm xấp vải dở khóc dở cười. Vải này cũng không thể may cho em tôi quần hay áo. Thực là trớ trêu cho giai cấp công nhân.

Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm công nhân có thêm vài lạng đường, vài gram bột ngọt, nửa lít nước mắm, nửa lít dầu hôi, vài lạng xà bông và nhất là nửa ký thịt heo. Thật ra nửa ký thịt heo này có nhầm nhò gì với những nghi thức cúng kiến và ước mơ được ăn ngon, no đủ trong ba ngày Tết của mấy em tôi.

Cho nên để chuẩn bị cho Tết, để có tí thịt ngày Xuân, má tôi đã chơi hụi heo bắt đầu từ tháng giêng năm trước.

Thế hụi heo là gì? Như thế này. Ở quê tôi, mấy gia đình thân quen hùn nhau chơi một chân hụi. Chân hụi đó được gọi là hụi heo. Nghĩa là hụi để mua heo ăn Tết. Một người được tin cậy sẽ đứng tên chân hụi đó. Hụi heo có thể đóng bằng tiền. Nhưng nếu không có tiền sẽ được quy ra bằng gạo. Tiêu chuẩn công nhân 18 kg gạo một tháng. Thôi thì độn thêm khoai vào với cơm, bớt ra 1 kg gạo để chơi hụi heo ăn Tết.

Tính toán thế nào để hụi dứt vào khoảng tháng 11 hay đầu tháng Chạp. Khoảng 20 Tết cả nhóm tìm mua một con heo theo số tiền mình có. Heo được đem về làm vào 27 Tết. Tất cả thịt, lòng đều được chia đều. Như vậy mỗi nhà đều có thịt ăn trong ba ngày Tết.

Chiều 28 Tết được lãnh lương, má tôi đi chợ mua vội vàng vài thứ cho có với người ta. Còn thì trong nhà cũng đã chuẩn bị trước. Lúa xen canh để dành, chị tôi đem đi chà sạch. Gà, vịt cũng có vài con trong chuồng, đề phòng có khách đường xa đến thăm và ở lại.

Mứt nhà làm bằng mấy lạng đường tiêu chuẩn. Bông hoa, trái cây, cây nhà  lá vườn có gì chưng nấy. Cây mai trước nhà ba tôi lặt lá từ những ngày giữa tháng Chạp. Bông vạn thọ má tôi trồng một đám trước nhà. Cắt vài nhánh mai chưng trên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật. Bứng vài gốc vạn thọ trồng hai chậu để trước nhà. Chặt một quày chuối sứ dú cho kịp Tết. Chuối chưng với cam, quít, bưởi  cắt từ vườn nhà ngoại. Vậy là gia đình tôi đã ăn một cái Tết bĩ bàng hơn nhiều gia đình khác.

Ngày Tết đối với chúng tôi thật nhiều kỷ niệm. Cả nhóm ra đường chạy chơi thỏa thích. Một chiếc xe chạy qua, bụi mù trời vậy mà chúng tôi không thấy mất vệ sinh chút nào. Tết được ăn đặc biệt, có thịt kho tàu hũ, khổ qua hầm, dưa giá... Má nấu một nồi kiểm chay ăn ngày mồng một  Mệ nội gói bánh Tét, bánh chưng ăn với dưa món ngon ơi là ngon. Cơm ba ngày Tết không độn khoai nên quá ư là no bụng. Tết của nhà nghèo nhiều kỷ niệm hơn những người giàu, vì nó in sâu trong ký ức không thể nào quên.

Qua Mỹ ngày Tết không thiếu quần áo hay thức ăn. Nhưng thiếu hương vị quê nhà và cái hồn của Tết.

Xóm tôi toàn là người Mỹ và Mễ. Tết VN vắng lặng, buồn thiu. Mấy năm đầu chưa quen ai nhiều, chùa chiền không có. Chỉ gia đình quây quần vui Tết. Nếu không có Mệ nội nhắc nhở và lo cúng bái thì chắc chẳng ai nhớ Tết.

Vài năm sau ba chở gia đình đi hội chợ Tết ở vùng Little Sài Gòn. Không khí Tết bắt đầu sôi động. Chùa được một vài vị sư lập ra trong khu vực gần nhà. Ngày đầu năm cả gia đình được dịp đi lạy Phật mừng Xuân rồi dẫn nhau đi chơi hội chợ.

Khi chúng tôi lớn hơn vào đại học. Chúng tôi tham gia các hội đoàn văn nghệ Tết sinh viên. Ngày Tết trở nên náo nức, bận rộn và có ý nghĩa hơn.

Bây giờ, chúng tôi đã lập gia đình và có con. Chúng tôi cố gắng tạo cho con chúng tôi quay về nguồn cội. Mà Tết là một hình thức về nguồn ý nghĩa nhất của người VN.

Đại gia đình tôi tháng 12 âm lịch là tháng bận rộn nhất. Kỵ giỗ dồn trong tháng này. Không hiểu sao gia tộc tôi lại rũ nhau về cõi Vĩnh Hằng trong những ngày cuối năm.

Khi mọi người coi ngày 23 tháng Chạp, đưa ông Táo về trời, là bắt đầu chuẩn bị Tết. Thì gia đình tôi phải chuẩn bị từ ngày 19. Bởi vì ngày 20 là ngày kỵ giỗ ông ngoại tôi.

Má tôi sẳn sàng mọi thứ để gói bánh tét vào ngày 18 tháng chạp hàng năm. Má mua lá chuối về rửa sạch lau khô. Má cẩn thận lau từng lá và sắp ra từng cái bánh. Thịt heo má ướp trước một ngày. Dây nhợ sẳn sàng, đậu xanh và nếp được ngâm trong đêm để sáng mai má dậy sớm bắt đầu.

Chỉ một mình má. Vâng chỉ một mình má tôi vật lộn với bao nhiêu là thứ. Có năm tôi phụ được, có năm không. Mà tôi có phụ được gì đâu, chỉ cột dây mà cũng không xong. Má rờ rờ, nắn nắn rồi tháo ra làm lại.

Bánh má tôi gói không giống bánh tét hay bánh chưng bán ngoài chợ. Tụi tôi hay nói đùa bánh này “Made in cô Chín”. Bánh tét má gói chặt tay, rất dẻo. Đậu xanh và thịt vừa phải nên ăn không ngán. Đặc biệt má không dùng nước dừa nên để ngăn tủ đá cả năm cũng không sao. Cứ lấy ra bỏ vào Microwave hâm nóng là ăn như bánh mới.

Bánh tét má làm, ngoài để ăn với dưa món còn để chiên. Vâng! Dùng một sợi dây nhỏ cắt bánh ra từng lát, bỏ vào chảo có tí dầu đang nóng. Chiên vàng lên ăn giòn rụm. béo béo, thơm thơm thật tuyệt vời. Bánh tét tự tay má gói là món độc nhất em trai tôi rất mê, không ăn bánh nào khác. Chỉ “Bánh tét cô Chín” mới có hương vị này. Đậm tình quê hương xứ Huế, đậm tình mẹ con.

Có lẽ cách gói bánh của má tôi giống bà nội vì cách gói bánh của bà ngoại và bà nội tôi khác nhau.

Bà ngoại tôi dân miệt vườn miền Nam nên thường gói bánh tét có nước dừa. Nào là mứt dừa, bánh ít nhân dừa, bánh tổ, cà ri gà, kiểm, thịt kho tàu...Những món ăn thuần túy trong gia đình miền Nam trong dịp Tết đều phải có dừa.

Vườn nhà ngoại tôi nhiều cây ăn trái và lá chuối không phải mua. Cứ lấy một cái lưỡi liềm cột vào  cây sào là ra vườn mặc sức lấy lá. Ưu tiên lá chuối sứ vừa to bảng, vừa chắc , gói bánh thật thơm. Lá chuối lửa, chuối hột, chuối già, chuối chua cũng được dùng, nhưng không phải là lá tốt nhất. Lá cứ để nguyên tàu như vậy mà phơi. Trở vừa hơi se mặt là đem vào rọc. Lá tốt to bảng gói bánh tét. Lá nhỏ hơn gói bánh ít. Lá vụn gói bánh bột lọc, bánh nậm và còn lại là lót nồi hay để trên mặt cho giữ hơi. Cọng lá chuối được rọc ra, phơi héo để cột.

Má tôi đi chợ lựa thịt ba chỉ, không quá nhiều mỡ cũng không nhiều thịt. Thịt cắt miếng dài theo đòn bánh, ướp tiêu hành, đường, muối cho đậm đà. Thịt được ướp trước một hoặc hai ngày cho thấm gia vị. Nếp ngâm qua đêm được vớt ra để ráo. Tới đây là giai đoạn hai cái khác giữa nội và ngoại. Ngoại tôi trộn thêm nước cốt dừa, còn nội tôi thì không, chỉ ướp tiêu hành hương, muối cho ngon. Phần đậu xanh, ngoại tôi để nguyên đậu xanh vút sạch để ráo mà gói, còn nội tôi thì nấu lên và vắt từng vắt nhỏ.

Qua bên Mỹ lá chuối phải mua, dây cột bằng ny long hay dây nhợ, nhưng các vật liệu không thay đổi. Cái khéo là gói chặt tay, hai đầu bằng nhau và khi cắt ra nhân nằm ngay ngắn ở chính giữa bánh. Bánh chín đều, dẻo và thơm. Tôi không thích những cái bánh hoa hòe, cắt ra nhiều màu hay thành chữ. Chắc chắn là để đẹp chứ không ngon.

Má tôi gói bánh từ ngày 19 tháng Chạp. Một nồi thật to, lửa nấu ga nên không cần phải canh hay thêm củi như thời ở quê. Nước được châm thường xuyên để bánh luôn được sôi trong ngập nước. Được phân nửa thời gian nấu là má lấy ra và trở đầu để bánh được chín đều.

Khi bánh chín, má vớt ra rửa sạch, lau khô và bọc lại bằng plastic wrap rồi sắp lên bàn cho nguội. Lúc ở VN bà ngoại tôi vớt ra là treo trên sào cho rút nước. Ngày xưa, lúc chúng tôi còn nhỏ, lần gói bánh nào má, bà nội, bà ngoại cũng gói cho mỗi đứa một đòn bánh đeo. Bánh đeo cũng giống như bánh tét, nhưng nhỏ xíu vừa một người ăn. Chúng tôi thức theo nồi bánh để chờ ăn đòn bánh đeo này. Kỷ niệm tuổi thơ háo hức chờ ăn, trải dài theo từng nồi bánh tét mỗi dịp Tết về.

Ngày 21 tháng Chạp là má đã chuẩn bị sẳn sàng đem bánh đi biếu bà con cho kịp cúng đưa ông táo. Má nói: “Bánh mình ngon dỡ gì không biết, nhưng gói sớm bà con cúng ông Táo xong, ăn sẽ thú vị hơn. Mai mốt gần Tết, bánh trái ê hề hương vị sẽ không bằng”.

Má cũng hay làm những món như giò thủ, nem, dưa món, dưa chua, thịt kho tàu, khổ qua hầm thịt, chả giò, bánh ít, bánh bột lọc…để khi nào có khách đến nhà là có sẵn để ba tôi lai rai cùng bạn.

Những ngày Tết rơi vào cuối tuần. Con cái về sum họp đầy đủ. Nhà tôi rộn ràng đông vui biết mấy. Ba tôi cùng mấy người bạn cùng sở làm, đồng đội ngày xưa, những người bạn tù CS họp nhau lại. Giữa tiết Xuân se lạnh xứ người, uống vài lon bia, nhâm nhi những món ăn quê hương, nhắc chuyện xưa ngẫm chuyện nay, thật đậm đà hương vị Tết.

Quê hương bỗng thật là xa mà hóa ra gần. Gần như mình có thể chạm tay vào, ôm vào lòng và rơi nước mắt. Giọt nước mắt xúc động nhớ nhà của những người con lưu lạc xứ người.

…..

 

Bây giờ thì má tôi không còn gói bánh tét hay làm nhiều món mỗi khi Tết đến. Không phải vì má lười mà vì những lý do thực tế khác.

Các con tôi không thích bánh tét, bánh chưng. Chúng chê quá béo, không hợp khẩu vị. Chúng tôi cũng không dám ăn nhiều vì thành phần có nhiều thịt mỡ và nếp. Các loại mứt cũng vậy, mua chỉ để cho có để cúng kiến ông bà và ra vẽ Tết chứ trong nhà chẳng có ai ăn. Những món mứt sau những ngày Tết bày cúng, tôi đem lên chỗ làm. Các bạn chung sở rất thích vì được thưởng thức những hương vị lạ.

Ngày Tết Nguyên Đán ngày xưa, tôi nôn nao chờ đợi để được mặc đồ mới. Để cùng chúng bạn chạy chơi đốt pháo hay được ăn những món mà cả năm không có.

Bây giờ các cháu ở Mỹ không còn nôn nao “Ăn Tết”. Cuộc sống đầy đủ vật chất khiến chúng no đủ. Những món đặc biệt ngày Tết thì cũng chẳng có gì lạ lẫm. Vào nhà hàng gọi một tiếng là có ngay. Nóng, ngon và rất hấp dẫn. Ngày Tết, làm thịt kho tàu ư? Chúng sợ mỡ. Khổ qua hầm ư? Chúng sợ đắng. Nem, chả, thịt đông thì còn lâu chúng mới động đũa. Vậy thì nấu một nồi phở, ăn lẩu hoặc làm một bữa thịt BBQ ngoài trời chúng lại thích hơn.

Thật lòng chúng thích ngày lễ Giáng Sinh hơn. Vì Giáng Sinh là hòa vào nhịp sống cộng đồng ở nơi này. Nhà nhà treo đèn kết hoa. Cây thông lấp lánh sặc sỡ. Quà cáp chất đầy gốc cây với bao nhiêu hăm hở, hồi hộp và đầy kích thích. Ở xứ người, dù theo đạo hay không người VN mình cũng chung hưởng niềm vui với người bản xứ. Một lễ Tạ ơn thật ý nghĩa trong tháng 11. Lễ Giáng Sinh vào tháng 12. Những buổi tiệc họp mặt gia đình đông vui và khoái khẩu. Các cháu nhỏ được tặng nhiều quà và có những ngày nghỉ lễ dài ngày. Nên trong lòng chúng háo hức nhiều hơn.

Ngày Tết Nguyên Đán là ngày đầu năm thiêng liêng. Ông bà cũng căn dặn con cháu đôi điều kiêng cử. Nghe xong, chúng sẽ trợn mắt ngạc nhiên và hỏi cho ra. Con nít bên đây chỉ chấp nhận những điều chúng thấy hợp lý. Cho nên giải nghĩa không thông thì chúng không hề phục. Chẳng hạn tục lệ xông đất chúng sẽ không bao giờ tin và cho rằng tên người chẳng có liên hệ, ảnh hưởng gì đến tốt xấu một năm trong gia đình. Tục lệ xuất hành chúng sẽ cho là không khoa học.

Tục lệ đưa rước ông Táo chúng sẽ nói là dị đoan, vì bây giờ nhà xài bếp ga hay bếp điện. Cơm ngon hay dở là do người nấu ăn. Tài lộc là do người siêng năng làm việc. Công ty điện, nước, gas chính là mấy ông bà Táo. Trả tiền đúng hạn thì không sao, không trả tiền thì họ cắt. Nhất là chuyện xưa tích cũ, một bà Táo mà có tới hai ông chồng, chúng sẽ nói là phạm luật hôn nhân.

- “Ủa! Như vậy thì còn gì là Tết. Không lẽ mình không Ăn Tết?” Má tôi hay ngậm ngùi nói như vậy và bà thở dài.

Tôi không biết trả lời sao với má. Bà đang nhớ lại cả một quảng đời ngây thơ vui Tết quê nhà. Bà đang lạc lõng với những tư tưởng rất mới của bầy cháu nhỏ đang học hỏi và hòa nhập với người dân bản xứ.

Tôi cũng vậy,  tôi rất buồn khi nghĩ đến những thế hệ đời sau có còn ai muốn Ăn Tết nữa không. Sẽ Ăn Tết như thế nào để hợp với thời đại mới nơi xứ người mà vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tết bây giờ không còn cái ăn, các mặc là chính. Mà Tết là trở về nguồn cội. Là ghi nhớ công ơn tiền nhân, tổ tiên. Là sum vầy đoàn tụ. Tết là ngày khởi đầu một năm mới hạnh phúc, an lạc. Đón Tết mặc áo dài, quần áo tề chỉnh là chứng tỏ mình tôn trọng ông bà cha mẹ, những bậc trên trước. Mừng tuổi là chúc thọ ông bà, cha mẹ, mừng nhau một năm bình an. Nhận lì xì là nhận tài lộc đầu năm. nhận lời chúc lành năm mới. Đi chùa lễ Phật để hướng tâm về Tam Bảo mà làm điều thiện, điều lành. Không phải hì hục lạy để xin ông Phật cho mình nhiều tiền, nhiều của.

Không phải dị đoan xin xâm để lòng thấp thỏm không yên cả năm. Không phải bẻ cho hết hoa ở chùa hay ngoài đường để lấy lộc đầu năm. Tết là hòa vào khí Xuân tươi đẹp của đất trời mà sống hoan hỉ và an lạc.

Tôi lại nhớ mấy câu thơ của Vũ Đình Liên về ngày Tết.

 

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

 

Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta. Đang lắng nghe ta tâm sự và cùng ta vui Xuân đoàn tụ.

Nguyễn thị Thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,322,366
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.