Hôm nay,  

Thiên Đàng? Thiên Đàng?

08/02/201800:00:00(Xem: 11785)

 

Tác giả: Cánh Chuồn Chuồn

Bài số 5307-19-31153-vb6020918

 

Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện "Thế và Tôi," kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân, một trong những truyện "độc" nhất của giải thưởng Việt Báo. Bài mới của tác giả được ông giới thiệu như sau: “Thiên Đàng là truyện về hai tiếng kêu. Tiếng kêu đầu là truyện Người Chết Hai Lần”; Tiếng kêu thứ hai, mời đọc loan báo ở cuối bài.”

 

***

 

Thiên Đàng Một

 

Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô.  Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người.  Nghe tiếng động trong phòng tắm, thím Sáu bước đến gần thì thấy cửa khép hờ, đèn sáng và có tiếng nôn ọe; nhìn vào thì thấy Phụng đang cuối gập người trước bồn rửa tay, ói ra từng bụm máu.

Tay đẩy cửa phòng tắm ra, thím Sáu lên tiếng.

-Mày có sao không, Phụng?  Có cần tao gọi 911, xe cứu thương không?

-Con không sao.  Thím đừng lo.  Uống miếng nước nóng, nghỉ một chút là xong.  Chuyện nhỏ mà, thím!  Con quen rồi.

-Mày sống bạt mạng, phung phí sức khỏe! Mai mốt lớn tuổi như tao mới biết quý sức khỏe.  Nghe tiếng mày ói, tao tưởng mày ốm nghén chứ hay đau bao tử chớ!

-Không phải đâu! 

-Thím biết ma Cà Rồng và quỷ Nhập Tràng khác nhau ra sao không?  Phụng bất ngờ thay đổi đề tài.

-Tao đâu phải ma quỷ mà biết.

-Để sống ma Cà Rồng phải uống máu, còn quỉ Nhập Tràng thì ói máu.  Phụng vừa súc miệng, vừa đưa mắt nhìn qua thím Sáu.

-Thôi đừng nói chuyện này nữa, mày ơi!  Tao sợ!  Thím Sáu người miền Tây nên bụng dạ thẳng như ruột ngựa, khi nói chuyện, thì xưng hô “mày tao” với những người quen nhỏ tuổi.

-Vậy thím không thấy chuyện này nghen.

-Mày nói gì lạ!  Mày ói ra một bồn máu, mà mày nói tao không thấy.

-Thì thím thấy, nhưng thím đừng nói với ai nghen. Phụng mặc cả.

-Không thấy, không biết thì thôi. Lỡ mày có chuyện gì mà tao không nói ra trước thì phải hối hận cả đời.

-Vậy thím đừng nói cho ba má con hay Jeff biết!  Hôm nay là ngày vui của họ.  Phụng vẫn cố thi gan với thím Sáu.

-Mày là bà nội tao sao mà mày dám trả giá, mặc cả với tao!?!  Nói với ai, lúc nào là việc của tao.  Thím Sáu nói cứng.

-Thím thương con thì đừng nói cho ai biết.  Nhứt là ngày hôm nay!  Phụng xuống giọng năn nỉ.

-Mày quá rồi!  Được!  Hôm nay tao không nói; nhưng ngày mai tao sẽ nói.  Thím Sáu siêu lòng, nhân nhượng nói.  

-Con cảm ơn thím!  Phụng chấp nhận kết quả chuyện mặc cả này.

Cả hai bước ra tới phòng bếp.

-Mày nấu nướng xong chưa?  Có cần tao giúp gì không?  Thím Sáu đổi đề tài.

-Xong xuôi hết rồi.  Tới bốn, năm giờ chiều thì nhờ thím hâm đồ ăn lên giùm con.  Khi anh Lập chở bàn ghế qua thì nhờ chú thím phụ sắp xếp rồi bày chén đũa.

-Mày nấu nướng từ lúc nào mà giờ này đã xong rồi?  Tao tính qua phụ mày một tay.

-Năm giờ sáng. Cũng không có gì nhiều. Con cảm ơn thím.  Thím về nhà nghỉ, một chút qua lại.  Con ngồi viết lá thơ, chờ Jeff đến rồi đi đón ba má.

*

Một ngày cuối thu giữa thập kỷ chín mươi. Tại sân bay ở thủ phủ của một tiểu bang miền Trung nước Hoa Kỳ.

Gia đình ông Quang, vợ chồng, hai đứa con gái và hai đứa con trai tay xách hành lý, mắt ngơ ngác nhìn quanh.

-Ba má!

Ông bà Quang nhìn theo tiếng gọi thì thấy một người nữ Á Châu và một người trung niên Hoa Kỳ bước đến.  Chưa kịp phản ứng thì người nữ đã giang hai tay ôm chầm hai ông bà cùng lúc.

-Ba má, con là Phụng đây!  Ba má bay có mệt không?

Jeff và bốn người còn lại đứng nhìn nhau rồi cười xã giao gượng gạo, họ không thấy mấy giọt nước mắt rơi ra từ mắt ông Quang và Phụng.  Ôm được vài phút thì Phụng buông ra, bước lui vài bước, đưa tay quẹt chùi nước mắt, nhìn mọi người rồi nói.

-Lâu quá ai cũng thay đổi cả, nếu không có hình coi trước thì con nhận không ra.  Mấy đứa lớn hết so với trong hình.  Đây là Jeff, ba má biết là chồng của con rồi. Jeff!  Anh biết đây là gia đình em.  Phụng giới thiệu mọi người với nhau bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

-Mọi người có mệt hay đói không?  Phụng nhanh nhẩu nói.

-Trên máy bay từ San Francisco qua đây, họ có cho ăn rồi.  Ông Quang đáp.

-Vậy có ai muốn dùng phòng vệ sinh, rửa mặt mày cho tỉnh trước khi lên xe về nhà không?  Lấy mấy cái áo gió này mặc vô, khi ra ngoài cho đỡ lạnh. 

Phụng lấy mấy cái áo ấm từ tay Jeff phát cho mỗi người.

Ra tới bãi đậu xe, Phụng sắp xếp.

-Ba má và con Phượng đi chung xe với anh Jeff.  Xe mới, ngồi cho đã.  Ba biết nói tiếng Anh thì có thể nói chuyện với anh Jeff.  Còn con Phương, thằng Phong, thằng Phy thì đi xe cũ của chị.  Lo chất đồ rồi lên xe ngồi.  Trời mùa thu bên đây tối sớm.  Lái xe về đến nhà mất khoảng bốn mươi lăm, năm chục phút.

Quay qua Jeff, Phụng nói.

-Ba em biết nói tiếng Anh.  Anh có thể nói chậm chậm, nhớ chỉ phong cảnh hai bên đường cho ba má coi.  Em chạy trước, anh chạy sau.

 

Ngồi trên xe, bà Hoa quay qua nói với chồng.

-Con Phụng là ai đó.   Nó không phải là con của chúng ta. 

Ông Quang lấy làm lạ.

-Em nói sao? 

-Em sanh con Phụng ra thì em phải biết.  Đứa phía trước không phải là con Phụng.

-Phượng, con thấy sao?  Ông Quang là người điềm tỉnh, và có máu nhà binh nên muốn thu nhập dữ kiện, tính toán, suy nghĩ trước khi nói hay hành động.

Phượng ngồi phía trước, quay lại nói.

-Từ hồi bảy lăm, ba đi học tập, má gởi con với con Phương về sống với ông bà nội đến giờ con đâu có gặp chị Phụng.  Sau này có viết thơ qua lại, thấy chỉ biết hết chuyện nhà cửa, bà con, họ hàng.  Lâu lâu chỉ cũng có gởi hình về.  Chỉ viết thơ, gởi tiền về đều đều, rồi làm giấy tờ bảo lãnh cả nhà.  Nếu không phải chị Phụng thì ai vô đây?!?

Ông Quang thấy chuyện không ngã ngũ, nên góp ý.

-Con Phụng đi vượt biên, có thể có chuyện gì xảy ra nhưng nó không tiện nói.  Mình qua đây rồi, từ từ hỏi nó sau.  Ở phi trường, nếu nó không chạy lại ôm chầm thì dù nó có đứng trước mặt anh cũng không dám nhận nó là con.  Hơn hai mươi năm rồi, ai cũng thay đổi.  Hồi bảy lăm nó còn là đứa con nít, bây giờ nó đã hơn ba mươi, còn có chồng Mỹ năm năm rồi.

-Nó không phải là con của chúng ta, thì làm sao anh nhận ra con Phụng được.  Bà Hoa nhấn mạnh.

-Chuyện gì từ từ rồi tính!  Anh nhớ con Phụng có cái sẹo chủng ngừa trái đậu trên bắp tay trái, em để ý coi có không?  Em để anh hỏi chuyện nó, chứ đừng có nói thẳng quá.  Đừng để nó buồn.  Ông Quang sắp xếp.

Hai xe về tới nhà thì đã sau năm giờ chiều. 

Gia đình ông Quang quá bất ngờ khi bước vào nhà.  Trong nhà đã có sẳn bảy người im lặng  “mai phục”, khi cửa vừa mở thì họ đồng cất tiếng “Welcome to the US of A”. 

Mấy người Việt còn nói tiếp.

-Chúc mừng gia đình đã đến được đất nước tự do.

Phụng bước vô sau với Jeff, cất tiếng giới thiệu mọi người bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

-Đây là ba má và bốn đứa em của con.  Ba tên là Quang. Má Hoa. Bốn đứa theo thứ tự Phượng, Phương, Phong, Phy “Y gờ-réc”.  Còn đây là vợ chồng ông Paul và bà Debra.  Đây là chú thím Sáu và Helen.  Đây là anh Lập và vợ là Hà.

Mọi người bắt tay, chào hỏi, xã giao, chúc mừng nhau.

Quay qua gia đình, Phụng nói tiếp.

-Để Helen dẫn mấy anh chị đi coi mấy cái phòng.  Nhớ chỉ cách dùng vòi nước nóng, nước lạnh.  Helen sanh bên đây, nó nghe được nhưng không nói được tiếng Việt.  Nếu không hiểu nó thì coi cách nó làm.  Còn ai không muốn đi coi phòng thì ngồi đây uống bia, uống nước, ăn bánh phồng tôm, nói chuyện.

Ngồi quanh hai cái bàn nối nhau, sáu người từ Việt Nam mới qua còn lạ nước, lạ cái nên không nói năng nhiều; bảy người cùng với Phụng và Jeff chuyện trò rơm rả.

Phụng nói rỏ từng gia đình cho ông Quang, bà Hoa biết.

-Ông Paul là phó giám đốc hãng của con, bà Debra là luật sư có văn phòng ở trung tâm thành phố.  Hai người cũng là trụ cột trong hội đồng nhà thờ Tin Lành.  Họ là ân nhân của mấy người Việt ở thành phố này, ai đến đây ở cũng được hai ông bà giúp đở mọi chuyện, từ giấy tờ đến vật chất.  Ai xin vô hãng làm, ông Paul cũng nhận hết.  Ông Paul là cựu chiến binh; ổng làm cho Quân Tiếp Vụ đóng ở Vũng Tàu.   Ông về Mỹ, giải ngũ mấy chục năm rồi mà vẫn còn bị “hậu chấn”, tối ngủ phải để đèn sáng và nuôi ba con chó bẹc giê trông nhà.

Quay qua ông Paul, Phụng nói.

-Mai mốt người trong gia đình tôi xin việc, ông sẽ nhận chứ?

-Lẽ dỉ nhiên rồi!  Mấy vị làm việc siêng năng, nộp đơn bao nhiêu, tôi nhận bấy nhiều.   Càng nhiều, càng tốt.

Bà Debra chen vô nói.

-Ông Paul qua Việt Nam ăn cơm với nước mắm giảm mất hai mươi ký; mấy vị có thể nấu đồ ăn Việt cho ổng ăn để giảm cân không?

Cả bàn đổ ra cười.

-Chú Sáu tên là Công, thím tên là Cúc, cho dể nhớ thì nghĩ đến Phạm Công, Cúc Hoa.  Hồi trước chú là đại úy phi công trực thăng.  Chú thím và thằng con trai tên Huân qua Mỹ năm bảy lăm.  Thằng Huân học xong đại học rồi đi làm xa.  Còn Helen, dám học đại học xong nó cũng dông luôn.  Bên này, đám trẻ không thích ở nhà với cha mẹ.

Chú Sáu nói.

-Quanh đây gọi vợ chồng tôi là Sáu.  Anh chị cứ gọi vậy cho tiện.  Nhà tôi ở cùng khu này, cách có ba căn.  Anh chị với mấy cháu cần gì cứ việc chạy qua, gỏ cửa.

Phụng nói tiếp.

-Chú thím Sáu làm chung hãng với con.  Chú làm thợ trưởng sửa chữa máy móc cho hãng.

-Nói cho anh chị biết là nhà tôi và con Phụng làm quản lý, giám sát trong hãng.  Làm lâu ngày, siêng năng rồi được lên chức.  Lương giám sát tương đối cao và công việc cũng nhàn.  Chú Sáu nói thêm.

-Xin phép hỏi chú binh chủng gì, và đi tù bao lâu?  Anh Lập nói với ông Quang.

-Tôi là thiếu tá Dù, đi tù mười hai năm.  Ông Quang trả lời.

-Chào Thiếu Tá!  Chú Sáu và anh Lập nâng lon bia lên rồi cùng nói.

-Hai anh cho tôi xin.  Ông Quang cười buồn.

Phụng giới thiệu tiếp.

-Anh Lập là trung sỹ Cảnh Sát Dã Chiến.  Hồi bảy lăm, cả đại đội hơn trăm người của mấy ảnh đóng ở Vùng Bốn lên tàu đi luôn.  Mười mấy ông về tiểu bang này, sống ở trên thủ phủ.  Anh Lập xuống đây đi làm, gặp rồi cưới Hà.  Mấy ảnh lính tráng gì mà hiền khô, nấu nướng còn giỏi hơn phụ nữ.  Tết Nhứt mấy anh bên văn thì nấu bánh chưng, bánh tét, còn bên võ thì múa lân.  Nói văn võ cho vui, chớ mười mấy ông đều là võ sư Karate Không Thủ Đạo; ông sáu đẳng có mở trường dạy võ, anh Lập thì cũng đai đen bốn đẳng.  Trừ anh Lập ra, mấy ảnh kia cưới vợ Mỹ hết rồi!  Còn Hà thì cùng tuổi với con.   Nhà thờ thành phố bảo lãnh bảy đứa con gái độc thân; qua cùng lúc nên dồn vô ở một nhà, ngay sau lưng ngôi nhà này.

-Hồi bọn nó mới qua, tôi có khuyên bọn nó còn trẻ thì nên đi học.  Năm đứa đi học, còn con Phụng và con Hà chọn đi làm.  Năm đứa kia học ra trường, đi làm tiểu bang khác, vài đứa về Cali, Texas gia đình Mỹ.  Hai đứa này không đi học, thấy cũng uổng.  Sau khi hai đứa lấy nhau, thằng Jeff cũng muốn con Phụng đi học lại mà nó không chịu.  Chú Sáu kể cho gia đình ông Quang nghe.

-Con Phụng này cao số, hồi nhỏ đã cứng đầu rồi.  Nữ tuổi Dần mà! Nó nói người ta nghe, chứ ít ai nói mà nó nghe.  Nó nói được là làm được.  Ông Quang cho biết.

Phụng nghe vậy liền lên tiếng.

-Vậy má cũng tuổi Dần thì sao?  Ba quá thiên vị!

Mấy người ngồi quanh bàn cùng bật cười.  Ông Quang nhướng mắt nhìn qua bà Hoa.  Bà Hoa nhẹ nhàng nhún vai, bĩu môi.

Thím Sáu nói lớn.

-Phụng!  Coi dọn đồ lên ăn chiều để mấy người Mỹ này còn về sớm.

-Con mệt rồi!  Nhờ thím, Helen và Hà chỉ cho mấy đứa Phượng, Phương, Phong, Phy đem đồ ăn lên.  Mấy đứa mai mốt nhớ theo thím học hỏi chuyện đi chợ, mua sắm, nấu nướng đồ Mỹ.  Phụng nói như ra lệnh.

 

Trong lúc mấy người đang bận rộn đem đồ ăn từ bếp lên.  Thím Sáu nói.

-Mấy món này là do con Phụng tự tay nấu từ năm giờ sáng.  Nó nói ba nó thích gà xé phay trộn gỏi bắp cải rau răm, má nó thích chè đậu xanh đánh, con Phượng thì thích cá thu chiên, con Phương thích mực nhồi thịt, thằng Phong với thằng Phy còn nhỏ quá, rồi sau bảy lăm không đủ ăn nên nó không biết hai thằng thích ăn gì để nấu.  Khai vị thì có súp măng cua.

Một lần nữa ông Quang nhướng mắt nhìn qua vợ.  Bà Hoa làm như không thấy.

Anh Lập lên tiếng nhắc.

-Người Việt mình đóng cửa, trong nhà ăn uống ra sao cũng được; nhưng bây giờ mình ăn với người Mỹ thì phải lịch sự, vệ sinh một chút.  Ăn món nào thì múc bỏ vào dĩa, chén rồi ăn.  Đừng thọt muỗng, đủa lung tung.  Nói ra sợ mấy lòng nhưng mấy người mới qua thông cảm nghen!  Ai muốn uống bia, nước ngọt gì nữa không?  Hai đứa Phong Phy đủ tuổi uống bia chưa?  Ở thành phố này buồn lắm, không uống bia chỉ có nước lấy vợ.

Ông Quang nói.

-Hai thằng này sanh bảy bốn, bảy lăm; uống bia cũng được.  Mấy vị ăn uống sao, gia đình tôi bắt chước làm theo như vậy.

Đồ ăn được bày ra trên hai bàn ê hề.

Phụng đưa mắt nhìn qua chú Sáu ra dấu.  Chú Sáu hiểu ý, nói lớn bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

-Để mừng gia đình này mới qua, chúng ta hãy cùng nâng ly, nói lời chúc mừng.

Mọi người cụng ly, lon nói lời chúc mừng.

Phụng quay qua nói với bà Debra.

-Dưới bếp còn nhiều đồ ăn.  Khi về thì bà nhớ gói đem về.

-Cảm ơn nhiều.  Đồ ăn chắc chắn ngon vì nhìn là đủ thấy hấp dẫn rồi.

Phụng không ăn, mà ngồi vuốt đầu hai thằng em rồi lên tiếng.

-Con thấy ba má hay thiệt!  Thấy được tương lai nên mới đặt hai thằng này tên Phong, Phy; chứ đặt tên Phước hay Phúc là bây giờ phiền rồi.

Mấy người từ Việt Nam mới qua không hiểu, ngồi im, còn mấy người Việt ở Mỹ thì cười rộ lên.

Ông Quang kể chuyện.

-Nó nói mới nhớ.  Hồi xưa đi hành quân với tay sỹ quan cố vấn Mỹ, đang băng rừng lội suối chợt nghe “phục kích, phục kích”.  Tay cố vấn Mỹ không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng sao lại có tiếng chưởi thề, làm tôi phải tốn thời giờ giải nghĩa.  Từ đó về sau mỗi khi nghe “Việt Cộng phục kích” (có thể hiểu nôm na là ĐMCS) là cả đám lăn ra cười, quên đánh đấm.  Bởi vậy khi đặt tên lấy theo vần “ph” nhưng đã biết trước nên tránh mấy tên Phước Phúc.

-Sau này chú Sáu hay anh Lập rảnh rỗi chở ba lên thủ phủ gặp mấy ông lính kia thì tha hồ kể chuyện xưa.  Phụng nói.

-Sao mày không ăn gì hết vậy, Phụng?  Thím Sáu lên tiếng.

-Nhìn ba má với mấy đứa này ăn cũng đủ no rồi.  Vả lại con mệt và buồn ngủ.  Phụng nhăn mặt trả lời.

Sau bữa ăn chính thì đến phần đồ ngọt tráng miệng và uống nước trà.  Vợ chồng Lập Hà, Helen hướng dẫn và giúp Phượng, Phương dọn rửa chén dĩa, xoong nồi, thu dọn dưới bếp. Chuyện trò của những người ngồi ở hai bàn vẫn râm rang tiếng Anh, tiếng Việt.

Chín giờ tối thì vợ chồng Paul, Debra cáo từ ra về mang theo một túi lớn đồ ăn.  Helen sẳn dịp cũng chuồn luôn về nhà.

Mười giờ hơn thì vợ chồng Lập Hà từ giả sau thu dọn bàn ghế chất lên xe bán tải.  Jeff cũng về trước để Phụng có thêm thời gian với gia đình.

Chừng mươi phút sau thì chú thím Sáu cũng chào ra về.  Bước ra tới cửa, thím Sáu đứng lại nói.

-Có anh chị qua đây rồi, tôi mong cho con Phụng bớt khổ.  Tụi tôi coi nó như con trong nhà, thấy nó khổ, mình cũng khổ theo.  Thằng Jeff theo nó năm bảy năm, tụi tôi nói lắm nó mới chịu lấy.  Nói nhỏ - nó lấy thằng Jeff để làm thủ tục, hồ sơ bảo lãnh tài chánh cho sáu người anh chị.  Nhưng vẫn chưa yên, có việc là nó làm kiếm tiền.  Nó đi làm bất chấp giờ giấc, ngày đêm, thời tiết, sức khỏe. 

Nói đến đó, nhìn qua thấy Phụng chau mày, thím nói lãng qua chuyện khác.

-Nó đi làm gởi tiền về nuôi anh chị sáu người, còn tôi thì phải gởi tiền nuôi ba má và mười đứa em bao nhiêu năm nay.  Ổng Công nhăn như gì mỗi khi tôi gởi tiền về Việt Nam. 

Sau khi khách về hết, Phụng dẫn sáu người đi khắp nhà chỉ dẫn kỹ lưỡng cách bấm số điện thoại, bật mền điện, bật sưởi, bật bếp nướng, dùng lò vi sóng. 

Phụng sắp xếp cho ông Quang bà Hoa phòng lớn nhất có kèm phòng vệ sinh, Phượng, Phương thì ở phòng kế bên; còn phòng của Phong, Phy gần ngoài cửa chính.

Căn nhà đã được Phụng sắm sửa đầy đủ tiện nghi như giường gối, TV, bàn ghế sa lông, chén đũa, xoong nồi chảo, ghế bàn ăn ở phòng bếp, v.v…, đồ dùng cá nhân cho mọi người không thiếu thứ gì từ bàn chải đánh răng, khăn tắm, áo quần ấm, đến casette/CD, v.v...  Đồ mới có, đồ đã dùng qua cũng có.

Gần đến nữa đêm thì Phụng nói.

-Có lẽ ba má và mấy em cũng mệt rồi.  Cả nhà nên đi tắm rửa rồi ngủ nghỉ là vừa.  Nhà con bên kia thành phố, cách chừng mười lăm phút lái xe.  Bên đây trái giờ với Việt Nam, lại lạ chỗ có thể ba má sẽ khó ngủ.  Nếu ba má không ngủ được thì coi mớ giấy tờ con để trong bao thơ trên TV.  

Đồng hồ điểm mười hai giờ thì Phụng bước ra khỏi nhà.

Y như lời Phụng nói, sau khi sắp xếp vật dụng cá nhân, tắm rửa, ông Quang không thấy buồn ngủ nên ra bếp, mở tủ lạnh đầy ấp đồ ăn lấy chai bia.  Bà Hoa ra theo, đi ngang qua cái TV, tiện tay bà cầm lấy cái bao thơ lớn đưa cho ông Quang.

-Anh coi thử con Phụng để giấy tờ gì trong đây.

Ông Quang thấy vui trong bụng vì vợ mình gọi tên Phụng mà không ngập ngừng; ông mở bao thơ lấy ra một xấp giấy. 

Thấy lá thơ viết tay, ông liền đọc.

Quay qua, quay lại bà Hoa thấy chồng ngồi yên không lên tiếng, bèn bước đến gần hỏi.

-Anh không khỏe sao?  Trúng gió hay sao mà mặt mày xanh lè như thấy ma vậy?

 

*

Quỷ Nhập Tràng!  

Quỷ Nhập Tràng!

Tiếng la lớn, hớt hải làm mấy người đang vớt những xác người vượt biên chết đuối dưới biển, co giò chạy từ dưới nước lên bờ cát, nhập vô đám đông đang đứng coi. Đám người đứng trên bãi cát xôn xao, lùi lại từ từ, xa lần mực nước biển.

Năm đầu của thập kỷ tám mươi.  

Bãi cát trước trại thuyền nhân tị nạn Cộng Sản.

Những xác người vượt biên chết nổi dập dờ, lên xuống theo sóng biển.  Xác nam nổi xấp, xác nữ nổi ngửa.  Có vài cái xác đã được đưa lên nằm theo hàng trên bãi cát.

Bầu trời sáng sớm mù mờ, mưa lất phất, ánh sáng mặt trời không xuyên qua nổi lớp mây đen - tạo ra một bầu không khí rùng rợn, thê lương, ảm đạm, không an lành.  Sóng lớn từng cơn đánh vào bờ, vang lên những tiếng ầm ầm.  Nước biển đục ngầu vì cát. 

-Đậu xanh, rau má!  Đàn ông, con trai, lính tráng gì mà nhát như con … cáy!  ĐM!  Mau chạy kiếm cho tao mấy cây nhang.  Mấy đứa con gái còn trinh chết mà có điều gì tức tưởi, hay oan ức nên trào máu miệng thôi.  ĐM!  Quỷ ma gì! 

Tiếng ai đó vang lớn như thể lấy lại bình tỉnh cho chính mình và cả đám đông.

Những người vượt biên tị nạn từ trong trại đổ ra bờ biển coi càng lúc càng đông nhưng vẫn không ai dám bước gần đến những xác chết.  

Lúc đó thì có một thằng bé, nhỏ con, gầy gò bước nhanh ra bờ nước.  Khi đi ngang qua những cái xác trên bờ cát thì nó cúi đầu như chào rồi bước đi tiếp.  Đến cái xác của người nữ đang nổi dập dềnh vì bị sóng đẩy thì nó đứng lại, cúi đầu như chào vài giây rồi cúi xuống kéo cái xác lên bờ.  

Đám đông không biết thằng bé và người nữ chết đuối đó có liên quan với nhau không, nhưng họ thấy nó ngồi xuống, đưa tay đầy cát lau máu từ miệng của cái xác đang trào ra. 

Họ lại thấy nó cởi cái áo đang mặc và dùng áo lau tiếp.  

Người ta thấy đôi vai nó run run, họ không biết nó khóc hay run vì lạnh.  

Người ta thấy mặt nó ướt đẫm, họ không biết vì nước biển, nước mưa hay nước mắt.  

Người ta thấy đôi môi nó mấp máy, họ không biết nó đang cầu nguyện hay nói chuyện với cái xác. 

 

*

Quỷ Nhập Tràng!

Người nữ y tá giật mình, làm rớt viên thuốc và cái ly nước đang cầm trên tay.  Ba nữ bệnh nhân đang nằm trên giường la lớn, hốt hoảng, chưa biết phải phản ứng ra sao.  Miệng bốn người đều há lớn, mắt trợn trắng, mặt lộ vẻ hoảng sợ.

Những bóng đèn neon trong phòng bệnh sáng rực nhưng lúc ấy bỗng lu mờ lại.

Nữ bệnh nhân nằm trên giường trong góc phòng; từ ghe vượt biên được đưa thẳng vào nhà thương trong trại tị nạn, đã hôn mê, miên man hơn hai tuần bỗng nhiên ngồi bật dậy la lớn.

-Má ơi!  Con nhớ.  Má ơi!  Con nhớ.  Thiên đàng?  Thiên đàng?

  *

-Con Phụng nói gì trong thơ vậy anh?   Anh có sao không?  Thấy ông Quang ngồi thẩn thờ, thất thần, bà Hoa lập lại.

Ông Quang lắc đầu nhẹ, không nhìn bà Hoa, cũng không trả lời;  suy nghĩ một lúc ông ngần ngừ đưa lá thơ cho vợ.

-Em lấy ghế ngồi xuống rồi đọc.

. . .

Ba à,

Con biết ba sẽ là người đọc lá thư này!  Con gái rượu của ba mà!

Trong bao thư gồm có bản sao di chúc và bảo hiểm nhân thọ của con ($2 triệu).

Jeff và bà luật sư Debra sẽ lo hết mọi việc giấy tờ. 

Ông Paul, anh Lập và chú thím Sáu sẽ giúp ba má và mấy em ổn định cuộc sống, việc làm, và trường lớp.

Ở đầu giường có cái hộp đựng tiền đủ để ba má và mấy em chi tiêu vài ba tháng.  Tiền mướn nhà đã được trả trước sáu tháng.

Khi con vượt biên, má có nói là má ước muốn một ngày nào đó thấy gia đình mình đoàn tụ, vui vẻ, hạnh phúc, quây quần quanh bàn ăn. 

Tối nay con đã làm được điều đó.   Con đã toại nguyện, nên con phải ra đi.

Con và cái xác này đã sống quá “date” khá lâu.

Con gái của ba má chết ngoài biển mười mấy năm trước rồi.

Trên đời có mấy người được chết hai lần.

Ba lựa lời nói với má và mấy em.

Con P.

*

Một giờ sáng.  

Bên lề đường ngoài thành phố.  

Một xe tuần tra cảnh sát chớp đèn xanh.  

Viên trung sỹ cảnh sát đang quan sát hiện trường của vụ tai nạn một xe.  Theo quan sát sơ khởi - nữ tài xế gốc Á Châu đã thiệt mạng khi chiếc Chevrolet với tốc độ cao tông vào gốc cây sồi bên đường.  Trên mặt đường không có vết tích do thắng gấp tạo ra. 

Viên cảnh sát không biết là máu ở trên kính chắn gió, tay lái, ngực áo, ghế ngồi, và thảm xe đã có sẳn trước khi chiếc xe tông vào gốc cây. 

Nét mặt người nữ tài xế vẫn tươi tỉnh, nhẹ nhàng, miệng còn phảng phất một nụ cười mãn nguyện như đã vào được Thiên Đàng.

 

*

T.B.  Thiên Đàng! Thiên Đàng! Hai tiếng kêu. Xong một. Tiếng kêu thứ hai, truyện thằng bé trên bãi cát, có thể là “Thiên Đàng Vẫn Đợi,”ø hoặc “Giải mã Thiên Đàng”. Viết đã hơn nửa, nhưng CCC quyết định không viết tiếp vì truyện quá buồn, sợ ăn tết khó vô.  Mong vui lòng lượng thứ.

Vượt biên nào có vui đâu bao giờ!  Xin phép nhại thơ cụ Nguyễn Du.

 

Cuộc đời sắc sắc không không, hôi thì ta hãy hết lòng với nhau.

Cánh Chuồn Chuồn

Viết để tiễn ông bà Táo 2018

 

** Theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), từ 1975 đến 1995 có khoảng 800,000 thuyền nhân Việt Nam vượt biên tị nạn Cộng Sản, và khoảng 10% (80,000) đã thiệt mạng trên biển.

Ý kiến bạn đọc
21/03/202011:31:12
Khách
Đọc truyện này sao mà buồn quá
12/02/201816:37:25
Khách
CCC viết chuyện kinh dị hay quá! Ông Nguyễn Ngọc Ngạn có đối thủ rồi! Mong được đọc thêm nhiều bài nữa nha CCC!
12/02/201800:14:03
Khách
Xem ra tác giả đã thành công viết câu chuyện kinh dị hay này.

Về con số nạn nhân đã bị bỏ mạng ở biển Đông trong hành trình đi tìm tự do, Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng đoán từ 200000 đến 400000 người.


https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_boat_people
11/02/201815:16:56
Khách
Qủy Nhập Tràng đã vào Thiên Đàng
Cánh Chuồn Chuồn viết càng thấm sâu.
Hay lắm. Tuyệt.
Chúc bạn một mùa Xuân yên vui.
11/02/201807:49:25
Khách
“Độc” thiệt nghe, Cánh Chuồn Chuồn! Ngòi bút của bạn bén ngót. Một món quà thú vị đặc biệt cho những ngày cuối của năm con gà.
Mong được dọc những bài kế tiếp của bạn. Mến.
10/02/201819:39:57
Khách
Sáng thứ Bảy, còn mơ màng muốn ngủ nướng... đọc chuyện Quỹ Nhập Tràng của anh Cánh Chuồn Chuồn, em tỉnh ngủ luôn.
Anh CCC viết chuyện hay từ khuya rồi. Kể chuyện ma còn hay thần sầu hơn.... mà thấy ghê quá (vì em rất sợ ma, nhất là ma đi ngờ ngờ giữa ban ngày :) ).
Đọc chuyện anh CCC mà nghĩ tới mình... Nếu em theo cậu dì đi vượt biên lần sau (bị mất tích) thì hong chừng em cũng kiếm cách trở lại như chị Phụng này. Vậy là chị ta hơn em một con giáp :) Nữ tuổi Dần cao số hay không thì tùy, nhưng giỏi thì hỏng thể chối cải... vì ngay cả anh CCC cũng còn xác nhận trong chuyện kia mà :) hihi
Cảm ơn anh Cánh Chuồn Chuồn cho một câu chuyện hay.
Bữa sau kể chuyện tình yêu có hậu đi ời ơi...
Chuyện của anh tòan gảy gánh giữa đường (hèn gì anh đi tu luôn) :)

Em Cơm Nắm KV
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,216,151
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, là bài mới của tác giả nhân mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Tựa đề bài viết được đặt lại theo nội dung.
Đón Lễ Tạ Ơn, mời đọc chuyện về gia đình một thuyền nhân Việt từ Paradise, thị trấn vừa bị thiêu rụi vì nạn cháy rừng. Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thứ Năm 22-11 sắp tới là Ngày Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài viết của Chu Kim Longh. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết mới nhất của ông viết về tình nghĩa gia tộc, họ hàng nam bắc thời hậu chiến sau 1975, và trong ngoài nước hiện nay.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến