Hôm nay,  

Chuyện NHà Hai Lúa Ngày Nay

08/02/201800:00:00(Xem: 13108)
Tác giả: Anne Khánh Vân

Bài số 5306-19-31152-vb4020718
 

Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch,  hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới  của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.

Anne Khanh Van_Cay Noel

Tác giả, Giáng Sinh 2018.

 
***
 

Khi sang Mỹ, từ mấy năm nay, tía Hai Lúa của tôi tìm được việc làm rất gần nhà. Chỉ cần đi ra đầu ngõ, băng qua bên kia lộ là tới nơi – đi bộ chừng bảy phút tối đa, không cần lái xe nếu muốn tập thể dục và tiết kiệm xăng.

Sau gần một năm “bị” con gái “khuyến khích” đi học tiếng Anh và sử dụng máy vi tính ở những trung tâm bất vụ lợi của người Việt tổ chức với sự hổ trợ của chính phủ Mỹ và những mạnh thường quân để giúp những người mới sang Mỹ định cư hòa nhập vào đời sống Mỹ, ông Hai Lúa được tăng đô “gan” và tin tưởng hơn rằng mình vẫn có thể còn đi làm được, vẫn có thể còn hữu dụng cho chính mình và cho xã hội.  Dù gì thì lúc mới sang Mỹ, ông Hai Lúa cũng chưa 6 bó kia mà.

Nhà tôi nằm ở bên kia của khu nhà giàu, khu nhà dọc bờ sông Potomac, khu nhà trung bình năm triệu đô mỗi căn, khu mà mấy người trong sở tôi, dù cũng đã hơi giàu giàu vẫn đùa nói rằng, “Cuối tuần, tao hay lang thang trong khu nhà giàu đó, đợi ngày có bà nào giận chồng, đòi ly dị, kêu lại bảo, “Này ông kia, tôi bán nhà này cho ông một đô nè!”… Thế là tao sẽ có được ngôi nhà mơ…”

Cuối con đường dẫn từ bờ sông vào sâu trong vùng đất của những người không có của hồi môn, có một tiệm Thrift Store. Thrift Store có ở nhiều thành phố trên hầu hết các tiểu bang. Thrift Store được thành lập từ hội của các cựu chiến binh.  Mục đích của tiệm vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo ngân quỹ giúp đỡ các cựu chiến binh.  Vốn của tiệm là các hàng hóa được cho của tất cả mọi người, từ khắp mọi nơi.  Sau khi được thu nhận vào, xếp loại và lọc ra những gì còn tốt, hàng sẽ được định giá và trưng ra bán.  Thường thì hàng ở Thrift store là đã dùng qua nhưng ngạc nhiên thay, tiệm ở cuối con đường này lại có rất nhiều hàng vẫn còn tem, có khi lại là những đồ cổ, những bộ sưu tập giá trị… Có lẽ nhờ tiệm nằm ở cuối khu nhà… dư giả!

Tía Hai Lúa tôi làm ở khu thu nhận hàng và giúp khách mang hàng ra xe.  Tuy khi được nhận vào, lương tía chỉ là lương tối thiểu quy định của tiểu bang: $7.5 mỗi giờ, nhưng ông Hai Lúa tự hào làm ra tiền, không phải nhờ vào tiền chu cấp của con cái hay của chính phủ, và nhất là vì trước đó khi còn ở Việt Nam, công việc làm của ông bấp bênh, có khi không làm ăn gì được trong cả một thời gian dài.  Giờ đây ông đã có cơ hội làm việc bù lại.

Bà Hai Lúa thì theo chế độ cũ, tức chế độ khi còn bên nhà, chỉ làm việc tới 55 tuổi thôi thì coi như đã nhọc nhằn và đóng góp đủ, phải về hưu, đi chơi, nhường lại chỗ cho những người chưa làm xong bổn phận công dân.

Trong những chỗ đi chơi không cần lái xe và muốn đi khi nào thì đi của bà Hai Lúa là tiệm ông Hai Lúa làm việc.  Bà sang đó “giác ngộ” – Có nghĩa thấy cái gì ngộ ngộ thì “giác” (vác) về!

Người ta hay khen những người có khả năng ngoại giao là những “nhà ngoại giao”.  Má Hai Lúa của tôi không chỉ là một nhà ngoại giao mà là một “cao ốc” ngoại giao.  Bà đi vào cửa tiệm nào đó chẳng hề quen biết ai.  Khi ra khỏi tiệm, bảo đảm sẽ quen được một người, và thần sầu hơn nữa, người đó sẽ là người Việt Nam.

Tôi về khu này ở ba bốn năm trước khi tía má Hai Lúa từ Việt Nam qua và ở cùng, vậy mà vẫn chưa bao giờ có dịp bước vào tiệm Thrift Store này, cũng chưa có dịp làm quen với ai người Việt trong khu.  Nghe má kể quen với hết người Việt Nam này, quen sang người Việt Nam khác, tôi ngạc nhiên quá.  Ủa, hồi nào giờ những người Việt này ở đâu, tôi có bao giờ biết; sao từ khi tía má tôi qua, bỗng dưng thấy có thật nhiều người Việt sống quanh đây. Chắc tài ngoại giao của tôi cỡ… lều là cùng, chưa lên tới nhà?!  Nghĩ lại thì cũng có thể thông cảm được. Bởi vừa đi làm nhiều giờ, vừa đi học chạy sô, học bài tới tận khuya, rồi làm thiện nguyện giúp những người có thu nhập thấp khai thuế ở County, khi có thể thì tranh thủ đi thăm chú Tài ở viện dưỡng lão điều dưỡng, xong rồi có khi lại còn viết với lách… Không đủ giờ để ngủ nữa thì làm sao mà đi lang thang được tới đâu… dù chỉ là bên kia đường (là nơi giác-ngộ).

Thế rồi một ngày nọ, có hai người phụ nữ Việt Nam cùng vào cái tiệm có tên Thrift Store, nơi có  một người đàn ông Việt Nam làm việc… Các cao thủ ngoại giao đã quen nhau!

 

*

“Dõi theo tác giả từ những ngày đầu tiên trên Việt Báo. Biết được cô cư trú trong vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, mơ được nắm tay cô để khen một tiếng… nhưng làm sao đây?  Dù lòng rất thành khẩn, nhưng chẳng dám mong cầu. Chuyện nhỏ như con thỏ í mà!

Rồi một hôm dạo trong Thrift shop, quen được một người phụ nữ… Về nhà, tạ ơn Người cho nguyện ước thầm lặng biến thành hiện thực…”

Đó là trích đoạn của bác Jane Mai Hạnh khi giới thiệu một tác giả của Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trên trang Facebook của bác. Sau đó bác  kể chuyện mấy bà gặp nhau trong tir65m Thrift Store và  xác nhận: “Chưa gặp được tác giả nhưng gặp được mẹ của tác giả… Qua mặt tác giả cái vù.”

Làm sao mà các cao thủ ngoại giao này biết ra được tía má Hai Lúa là cha mẹ của tôi rồi kết bạn thì chắc chỉ có ông Trời mới biết.

Và còn nhiều chuyện nữa, cũng chỉ ông Trời mới hiểu!  Chẳng hạn như chuyện tía Hai Lúa tôi quen với bác Tùng – cũng một độc giả trung thành của Việt Báo, còn thần sầu hơn.  Phải thú nhận tía Hai Lúa tôi hoàn toàn không có chút tài ngoại giao, lại càng không thể là sứ giả hòa bình, nhưng chỉ vì đi đám tang của bác Đoàn ở cùng khu, tía Hai Lúa tôi quen được bác Tùng.  Bác Tùng cho đi nhờ xe và chở về tận nhà.  Trên đường đi, hai người trò chuyện, bác Tùng hỏi tía Hai Lúa tôi, “Anh sang đây có hay đọc báo Việt Nam không?  Việt Báo bên Cali vừa có báo tờ ra hàng ngày, vừa có báo điện tử (ViệtBáo Online) có thể đọc trên mạng.  Họ có trang Viết Về Nước Mỹ hay lắm.  Có cô kia ở vùng mình viết rất nhiều bài hay và vui.  Cổ đạt được giải Chung Kết, trúng $10 ngàn đô.  Cổ dùng tiền trúng giải cho ba má du lịch nước Mỹ năm đó.  Ba má cổ mới ở Việt Nam qua.  Anh có lên đọc thì nhớ tìm đọc mấy bài cổ kể chuyện ông bà Hai Lúa nha.”

Tía Hai Lúa tôi nghe tới đó thì đã nghe ra mùi… đụng hàng nhà, nhưng vẫn còn dè dặt, chưa dám hấp tấp nhận.  Tía Hai Lúa tôi hỏi lại bác Tùng, “…mà tác giả đó tên gì vậy anh… để tui tìm cho dễ?” – “Anh vô danh sách tác giả và tìm Anne Khánh Vân.”

“À… nếu vậy thì tên Hai Lúa mà anh nhắc nảy giờ đang đi nhờ xe anh rồi. Cô Khánh Vân đó là con gái tui.” - Họ nhìn nhau, cười hà hà.

Về nhà, tía má kể chuyện cho tôi nghe.  Thoạt nghe, tôi chưa tin bởi các chuyện kể của ông bà Hai Lúa này nghe có vẻ thần thoại “made up” quá.  Dù luôn tin tất cả các cuộc gặp gỡ trên thế gian này là những sắp xếp của Thượng Đế, không hề có chuyện tình cờ, tôi vẫn chưa nghĩ ra vì sao Thượng Đế đã sắp xếp cho tía má Hai Lúa của tôi gặp gỡ các độc giả từng đọc qua và nhớ Anne Khánh Vân.  Coi lại Người Việt ở vùng Virginia, Washington DC, Maryland này đông lắm kia mà!  Đâu thể nào ai cũng là độc giả yêu mến tôi.  Lại càng không thể nào ở ngay sát bên!

Như bác Jane Mai Hạnh, bác Tùng, cô Yến, bác Vinh và nhiều các bác khác ở đây đã nhiều lần muốn gặp tôi.  Các bác còn đòi tổ chức buổi gặp gỡ tác giả để độc giả “hâm mộ” trong vùng có dịp được trò chuyện “giao lưu”.  Vậy mà đến hôm nay, đã bốn năm năm rồi từ ngày các nhà ngoại giao mà Thượng Đế cho gặp nhau này quen được nhau, đi sinh hoạt chung, đi chơi chung rất nhiều lần… tôi vẫn chưa kiếm được dịp chào hỏi các bác mà lòng thì vẫn mong là sẽ sớm được gặp.  May mà nhờ thời gian chờ đợi này, tôi  nghiệm ra đôi điều mà có thể Thượng Đế đã muốn làm.

 

*

Ngày xưa, sau những mùa lễ, tôi thường ra lò được một vài bài viết mới, bởi không phải bận rộn cho những sinh hoạt của những gia đình lớn vì gia đình mình chỉ mỗi mình mình.  Mọi thứ đơn giản nên làm được nhiều việc mình thích và cần.

Từ khi có gia đình sang, đúng là tôi đã viết ít lại, tuy nhiên ít nhất như năm rồi thì cũng một bài chứ chưa bao giờ gián đoạn.  Mới hôm qua (13 tháng 12), tôi nhắn tin thăm cô Nhã Ca, rồi hỏi “Chắc đã qua hạn gửi bài cho báo Xuân rồi hả cô?  Con đang định viết nhưng không biết có còn kịp không.”  Cô Nhã Ca trả lời tôi, “Chị HB đang ráo riết lo báo Xuân mà bây giờ con mới định viết thôi thì bao giờ mới viết? Con cứ viết đi, lâu quá không có bài con trên VVNM, ai cũng nhắc...”

Đọc xong trả lời của cô Nhã Ca, tôi đã ngồi ngay xuống viết. Vậy mà sau hai đêm, chỉ mới viết được đến đây. Công việc làm cuối năm cũng đang bận ngoài sức tưởng tượng.

Thời gian gia đình mới sang sống chung, mọi thứ đã rất khó khăn – khó khăn nhất là sự hòa hợp, tập sống chung lại với nhau, tập quen lại với nhau, dù là người nhà của nhau.

Như mọi thứ trên thế gian này, con người ta cũng thay đổi, và thay đổi nhanh hay chậm, ít hay nhiều, tốt hay xấu sẽ tùy thuộc vào tri thức, nhân cách của mỗi người và điều kiện và môi trường sinh sống.  Đôi khi, thay đổi chưa hẳn là tốt hay xấu; nó chỉ đơn giản “khác” khiến hai bên không còn cùng… tần số để suy nghĩ, nhìn thấy và chấp nhận mọi thứ giống nhau.

Tôi có vô số bạn bè bảo lãnh gia đình sang sau mấy chục năm xa cách; người khác thì mang cháu sang du học, tạo cơ hội cho anh em sang làm ăn; người khác nữa thì về VN kết hôn…

Chuyện của người Việt tỵ nạn không còn ngừng lại ở chuyện vượt biên, chuyện ở tù, chuyện hải tặc, chuyện mất mạng ngoài biển cả, chuyện đời sống ở đảo, chuyện ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, chuyện học tiếng Anh, chuyện “first job”, chuyện về những khó khăn, thử thách, thất bại; chuyện về các thành quả, các công trình sáng tạo…

Người Việt tỵ nạn nay đã sang một giai đoạn mới,  mở ra thêm chuyện của những người Việt đến sau nhờ gạch nối từ những người Việt đi trước, trực tiếp hay gián tiếp.  Những chuyện mới này có khi là những chuyện mà nhiều chúng ta không hề hình dung ra trước kia. Ví dụ như mình chỉ có thể gặp khó khăn trong quá trình học ngoại ngữ, không hiểu người ngoại quốc nói gì vì họ có văn hóa khác, thói quen khác, dùng ngôn ngữ khác.  Sẽ làm gì có chuyện không hiểu tiếng Việt, không hiểu người Việt, mà người Việt đó chẳng ai xa lạ, ở ngay trong gia đình mình!

Khó khăn và va chạm khi sống chung lại với nhau đã cho tôi thấy ra rất nhiều điều: Cả nhà qua cùng lúc, cùng trải khó khăn, cùng làm việc, cùng tạo dựng,… thì mọi người sẽ thêm khiêm nhường, sẽ dễ thông cảm cho nhau, vì mọi người cùng biết đã từng trải qua những gì, sẽ biết trân trọng thành quả của nhau, không dám đòi hỏi, không dám đua đòi, không dám quá đáng, không dám phê phán… Còn khi chỉ một người đi trước, sau đó kéo một đoàn tàu phía sau qua sau, người bảo lãnh đi xa càng sớm, người qua sau ở bên nhà càng lâu, khoảng cách biệt giữa hai bên sẽ càng bao la.

 

Nhớ lại… khi dành dụm  mua được căn nhà đầu tiên và báo tin về bên nhà “con đã mua được nhà cho gia đình mình qua có chỗ ở rồi,” thì má Hai Lúa hỏi, “khu đó thuộc tầm cỡ nào?”  Nghe xong tôi bị phình một cục nghẹn thiệt bự ngay trong cổ, không thể nói gì. chỉ ái ngại nghĩ trong đầu, “Khu nhà mình mua chkhông đủ tầm cỡ cho má qua ở?  Điệu này chắc phải để má Hai Lúa ở lại Việt Nam rồi!”  Không có bà nhà giàu nào giận chồng bán cho tôi căn nhà một đô đâu nha.  Câu hỏi của má đã làm tôi hơi bị… sốc!  Bởi vì lên tới được căn nhà đầu tiên tự mình mua được này, tôi đã ngủ qua rất nhiều chỗ khác nhau, từ nhà kho, tới nhà hầm, nhà chúng cư… trong một thời gian dài, với nhiều bầm dập đau thương!  Chắc má quên.  Mà má cũng chẳng biết hết vì mình không hở chút là than kể hết mọi thứ cho gia đình biết.

Những lúc bị đụng chuyện như vậy, tôi đã thầm cầu mong, phải mà có ai đó cũng trạc tuổi tía má mình, có hiểu biết rộng rãi về đời sống của người Việt tỵ nạn, làm bạn, chuyện trò,  giúp ông bà hiểu được thực tế của đời sống bên Mỹ những gì nên hay không nên… thì đỡ biết mấy.  Thương gia đình, muốn tránh cho  người thân những vấp ngã như mình từng trải qua, là chuyện đương nhiên, nhưng giữa cha mẹ và con cái đã là hai thế hệ, lại sống cách biệt quá lâu, không phải chuyện dễ nói, dễ hiểu.

Dần dà, tôi hiểu ra, không phải chỉ mỗi mình má Hai Lúa của mình nói chuyện và dùng chữ như vậy mà là gần như hầu hết mọi người ở bên nhà.  Đó chỉ là kiểu chữ nghĩa mới… của thời đại mà mình ở xa chưa được “cập nhật”.

Từ khi gia đình đã sang đây, tôi không còn dịp về VN.  Khi có dịp chuyện trò với bạn bè cũ bên nhà, ngày càng thấy   xa lạ. Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ, tôi thấy cũng lạ.  Mình rời VN lâu, đi xa thiệt xa… đáng lẽ mình phải quên tiếng Việt và dùng nó loạn cào cào… Ấy vậy mà người Việt ở ngoài này coi ra lại gìn giữ tiếng Việt và văn hóa VN kỹ hơn.  Có con cái vừa lớn đủ tuổi học chữ thì liền cho đi học tiếng Việt với chùa, với nhà thờ, hay các đoàn hướng đạo.

Ngay chính Việt Báo, ngoài chương trình Viết Về Nước Mỹ để tạo cơ hội cho người Việt dùng tiếng Việt, viết kể chuyện về các bước tiến của người Việt, phần chuyện tạo nên lịch sử của người Việt tha hương, gìn giữ văn hóa Việt, Việt Báo còn có giải thưởng Bé Viết Văn Việt để kêu gọi cha mẹ Việt Nam hãy giúp con cháu mình tiếp tục gìn giữ tiếng Việt.

Chắc là ngoài lòng yêu nước, yêu nguồn, cũng có chút tâm lý, chỉ khi nào sợ mất thì mình mới giữ cẩn trọng gìn giữ!  Đang sống ngay trong nước, ăn ngủ bơi lội trong tiếng mẹ đẻ, đã thừa mứa rồi đâu còn phải sợ mất, cứ tha hồ phjung phá.

Tôi rời VN khi chưa tròn 19 tuổi, có nghĩa tôi sống xa nhà đã già một nửa số tuổi của mình.  Như những người sống ngoài VN, họ phải học và dùng thêm ít nhất là một ngôn ngữ mới vì mưu sinh, nhưng tiếng mẹ đẻ vẫn luôn quan trọng.  Tôi biết thỉnh thoảng mình có viết sai chính tả, nhưng tôi tự hào còn nhớ và gìn giữ tiếng Việt tương đối đầy đủ để có thể diễn bày suy nghĩ của mình bằng tiếng mẹ đẻ một cách rõ ràng, không lai căng.

Tía má Hai Lúa tôi sau sáu bảy năm sống ở Mỹ, họ đã "khác" đi nhiều.  Tôi ít còn nghe họ dùng những chữ mà nhiều người bên Mỹ hổng hiểu.  Các thói quen của họ cũng dần cân bằng lại.  Khoảng cách giữa tôi và tía má gần lại vừa đủ để thương nhau.  Công của tôi ít, công của các bạn họ nhiều.

Khi nào cần làm gì hay đi đâu với tía má, tôi vẫn luôn xin nghỉ và đi cùng họ.  Tuy nhiên tôi vẫn luôn khuyến khích họ phải "dám" làm và cố gắng tự túc.  Tôi thường nói với họ, "Ba má đã may mắn qua đây khi nhiều thứ đã sẵn.  Nhưng đừng tạo cho mình thói quen dựa vào con hay bất cứ ai.  Con có thể đi làm và bị tai nạn xe, không bao giờ trở về nhà.  Mọi người vẫn phải tiếp tục cuộc sống và biết mình cần làm gì." –  Như khi nói chuyện văn hóa, ngôn ngữ, tài sản ở trên… mọi người chỉ và sẽ cố gắng và đề phòng hơn khi họ biết mất mát có thể xảy ra.

Bây giờ mà viết ra danh sách, cao…ốc ngoại giao Hai Lúa bảo đảm có nhiều bạn và người hâm mộ hơn tôi.  Họ sinh hoạt ở trung tâm của những người hưu trí địa phương mà 80% là người Mỹ (có máy phone thông dịch dùm khi cần!).  Họ tham gia lớp học thi quốc tịch. Họ tham gia lớp học ăn sạch, sống khỏe.  Họ vẫn tiếp tục học tiếng Anh ở hai ba trung tâm bất vụ lợi trong vùng.  Họ có thêm vô số bạn mới.

Khi tía má tương đối có thể tự túc, tôi giúp khoảng cách giữa tôi và họ bớt xa bằng cách rời cái “Dream House” đó ra ở riêng.  Cũng vì má Hai Lúa tôi "giác ngộ" hơi bị nhiều nên nhà thành ra tiệm Thrift Store thứ hai, hổng có đủ chỗ ở và bày nên tốt hơn cho mọi người, tôi đã ra riêng.

Những tháng đầu sẽ còn vui vì đang còn trong thời gian "trăng mật", mừng rỡ được về cùng một nhà sau bao năm xa cách. Nhưng sau đó, thói quen của cả đôi bên sẽ dần lộ ra… Đó là thời gian nên tách rời, ra riêng, bởi có những thói quen sẽ không có cách chi thay đổi, có những khác biệt khó mà thông cảm, chấp nhận.  Vậy nên hãy cho nhau khoảng trống để hòa nhập, khoảng trống để quen với những khác biệt.  Cũng là khoảng trống của tự do và riêng tư.  Khoảng trống đó sẽ giúp gần lại hai khoảng cách một cách nhẹ nhàng, vui vẻ.

Và xin thưa cũng chính vì không còn ở cùng với tía má nữa nên tôi càng khó có cơ hội gặp các bác bạn tía má dù bác Mai Hạnh hay các cô bác khác có hay qua lại nhà tía má tôi chơi.

Bác Chí, bác Jane Mai Hạnh, bác Tùng, v.v. là những người đã qua Mỹ trước tía má tôi khá lâu, có nhiều kinh nghiệm về đời sống ở Mỹ, hiểu rõ khó khăn và tâm trạng của những người tỵ nạn.  Là độc giả của Việt Báo - Viết Về Nước Mỹ, thì càng có cả một kho kinh nghiệm và hiểu biết của người Việt tỵ nạn để chia sẻ.  Họ cũng sẽ có những suy nghĩ và cảm xúc của những người lớn tuổi.  Những gì họ chia sẻ cho nhau sẽ thích hợp và hiệu nghiệm, không xảy ra va chạm.

Không phải tình cờ mà tía má tôi quen được các cô bác này.  Tôi đã thầm cầu mong tía má mình tìm được cô bác trạc tuổi làm bạn kia mà.  Thượng Đế không chỉ sắp xếp cho các nhà ngoại giao này quen nhau mà còn xui khiến tôi chưa gặp được họ (hihi).  Tôi chưa bao giờ gặp bác Jane Mai Hạnh hay bác Tùng, bác Chí… vậy mà hay.  Tía má tôi thoải mái trong khoảng trống và tự do của họ.  Mọi thứ cứ tự nhiên.  Mọi người góp ý, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau một cách khách quan, không phải lo lắng bị/được ai ảnh hưởng.

Các em tôi phải dời sang tiểu bang khác vì công việc.  Hoàn cảnh đưa đẩy vậy mà hay.  Bản tính siêng năng, xông xáo và tự túc, chúng đã hòa nhập và ổn định cuộc sống tương đối giỏi.  Chỉ mất công cọp má Hai Khánh Vân và cọp nhỏ Khánh An phải thường xuyên đi thăm nhau.  Mới hôm qua, trên Facetime, cọp nhỏ Khánh An "than" với má Hai nó, "Má Hai, ngày mai An sẽ có một ngày really busy luôn đó."  Má Hai hỏi lại, "Con phải làm gì mà sẽ bận thiệt bận?" – "Buổi sáng ba Thắng phải đi lấy đồ, xong sẽ chở An đi nha sĩ, sau đó chở An qua nhà bạn dự sinh nhật bạn, sau đó sẽ đi nhà thờ… Cả nhà sẽ phải đi ra khỏi nhà sớm và đi từ sáng đến chiều tối!"  Qua Mỹ chỉ hơn một tuổi, nay tròn bảy tuổi, nói tiếng Việt tuyệt cú mèo… Rán luyện cho cọp vài bữa viết được tiếng Việt thiệt giỏi luôn để dự thi Bé Viết Văn Việt!

 

*

Khánh Vân viết bài này để trước hết là lại xin một lần nữa được cảm ơn Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.  Nếu không có Việt Báo thì sẽ không có Anne Khánh Vân, sẽ không có các độc giả, sẽ không có một số người này yêu thích, ủng hộ một số người kia, sẽ không có các câu chuyện chia sẻ, sẽ không có được những đồng cảm, sẽ không có được những giúp đỡ thầm lặng, sẽ không có thêm những sắp xếp hoàn hảo và dễ thương của Thượng Đế…

Con cũng xin cảm ơn bác Jane Mai Hạnh, bác Tùng, bác Chí và nhiều các bác khác mà con đã biết hoặc chưa được biết nhưng đã biết con.  Con cảm ơn các bác đã vì thương con và thương qua tía má con, hoặc ngược lại, vì thương tía má con mà thương lây qua con.

Con xin cảm ơn sự kiên nhẫn và hỗ trợ thầm lặng hay lên tiếng của từng người…

Ra Xuân, có lẽ con sẽ phải đi xin ông Trời thêm một liều thuốc “gan” để tổ chức một buổi “ra mắt” nhỏ Anne Khánh Vân để mọi người mình trong vùng được gặp nhau, ngồi với nhau, chuyện trò. Tết Mậu Tuất sắp tới, xin kính chúc các cô chú, các bác những ngày an vui.

Kính chúc đại gia đình Việt Báo, các tác giả, độc giả quý mến gần xa, năm mới 2018 được nhiều sức khỏe, may mắn và hạnh phúc.

Anne Khánh Vân

Ý kiến bạn đọc
11/02/201801:10:34
Khách
Chào Cô Anne Khánh Vân
Đọc bài “Hai Lúa sang Mỹ Một Lúa về VN” của cô viết tôi có dịp được du lịch theo từng dòng chữ cô mô tả và tôi thấy mình như sống lại một phần nào những kỷ niệm cũ khi cùng vợ chồng anh S. bạn tôi cùng Sư Đoàn 9, đi xe buýt từ thành phố Fairport,NY xuống thành phố New York du lịch cho biết.
Trong chuyến đi này chúng tôi cùng ghé Ground Zero nơi cao ốc Empire State bị quân khủng bố dung phi cơ đánh sập rồi cùng nhau đi dạo quanh thành phố đến chiều tối lại lên xe buýt thuê bao trở về Fairport,NY
Bây giờ anh S. bạn tôi không còn nữa vì bất tử bị xuất huyết tuần hoàn não.Đúng như Đức Phật nói “Đời là vô thường.”
Bà cụ lý luận dí dỏm rất hay khi sang Mỹ thì là “Hai Lúa” khi trở về VN thì đã học hỏi được nhiều rồi nên chỉ còn là “Một Lúa.”
Thăm cô và gia đình khỏe.Mến
10/02/201816:24:34
Khách
Chào Cô Anne Khánh Vân
Đúng vậy.Viết là “ Sao Nam” cho ngắn,gọn vậy mà.Chúc Cô và gia đình năm mới Mậu Tuất nhiều sức khỏe.Trân trọng
09/02/201810:40:48
Khách
Bravo Anne Khánh Vân

Lâu quá mới được đọc bài của Khánh Vân, vẫn hay như được nghe đài CBV - “Chuyện Bà Vân”. Hạnh phúc cho người còn cha mẹ để lo lắng, thương kính, và chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hải ngoại xa quê của chúng ta.
Mến chúc Anne Khánh vân cùng gia đình Năm Mới Đinh Tuất nhiều niềm vui, an khang gia trạch. Nhiều ân sủng từ Ơn trên cho những người thiện tâm.
Phan
09/02/201803:44:06
Khách
Gửi bác Jane MNT:
Dạ, con cảm ơn bác :) Chờ lâu quá hả bác?
Con gửi bài chậm quá nên cũng hụt được lên báo Xuân :). Nhưng con sẽ vẫn gửi má Hai Lúa con tặng bác một cuốn :)
Con xin chúc bác cùng gia đình năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, hạnh phúc ạ.

Gửi chú Sao Nam:
(Dạ, có phải chú Sao Nam Trần Ngọc Bình không ạ?)
Dạ thưa, Hai Lúa là cây lúa đó ạ :)
"Sự tích" tên "Hai Lúa" thụt lùi hơn 10 năm trước và đây là chuyện kể ạ:
https://vvnm.vietbao.com/a164178/hai-lua-sang-my-mot-lua-ve-viet-nam
Con cảm ơn chú dành thời giờ đọc bài và đồng cảm.
Con xin chúc chú cùng gia đình năm mới mạnh khỏe, an khang ạ...

Gửi cô Iris:
Dạ, cháu bị la quá... chắc phải mau về... :) và sẽ kiếm cô Iris để có đồ đẹp mặc. Cháu ganh tỵ với nhỏ Thụy Nhã quá :)
Dạ, cháu cảm ơn cô Iris đã đọc bài... :)
Cháu thì cứ lại thấy cô Iris càng ngày cảng trẻ đẹp thêm...
Cô Iris luôn vui tươi và may mắn trong năm Tuất nghen.

Anne KV
09/02/201803:10:12
Khách
Khánh Vân viết càng ngày càng hay và sâu sắc hơn. Cô
Iris rát thích. Mong được đọc thêm. Chúc anh chị Hai Lúa ngày càng thăng tiến trong “nghiệp vụ.”
Tháng 8 này có về OC tham dự VVNM không KV?
08/02/201814:41:04
Khách
Chào Cô Khánh Vân
Nhờ Cô bây giờ tôi mới hiểu lý do tại sao cha, mẹ khi được con cái bảo lãnh sang Mỹ sống lại có những xung khắc không nên có xảy ra.
À ! Cô cho hỏi tại sao Cô lại gọi ba của Cô là Hai Lúa.Lúa đây là cây lúa hay Lúa đây là Lúa cuộc đời.
Bài Cô viết xúc tích,nêu lên được nhiều chi tiết trong đời sống bên Mỹ mà nhiều người dù sống ở Mỹ rất lâu cũng không nhận ra.
Nhờ Cô tôi mới chợt nhận ra là tôi vẫn tham gia vào một Câu Lạc Bộ đó là Câu Lạc Bộ Việt Báo VVNM mà tôi không biết.
Cám ơn Cô nhiều.Thăm Cô và gia dình khỏe.Trân Trọng
08/02/201808:22:05
Khách
3am vẫn chưa tìm được giấc ngủ . Chờ rình đọc chuyện con nè K V ơi !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến