Hôm nay,  

Đất Lạ Quê Người

22/01/201800:00:00(Xem: 11891)
Tác giả: Chu Kim Long

Bài số 5295-19-31141-vb2012218


Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật là  Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose.  Cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tai Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, tiểu bang California, USA. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ.


***


Chiếc đồng hồ treo tường vừa điểm mười hai tiếng chuông trầm bổng theo nốt nhạc, báo tin thời điểm cuối cùng của năm 2017, hợp cùng tiếng pháo nổ đì đùng đón chào năm mới trong các khu phố, như sưởi ấm phần nào thời tiết giá lạnh của mùa Đông. Đang đọc bản tin Tổng kết thế giới trong năm từ chiếc máy điện toán, tôi đứng dậy, với tay bóc tờ bià cuốn lịch mới. Một cách vô tình, hai hàng chữ lớn, in đậm nét:2018 - Vạn Sự Như Ý trên tờ lịch, khơi dậy trong tâm trí tôi những năm tháng nơi quê người. Tôi thầm nhủ: Lẹ qúa, mới đây mà đã ba mươi bẩy năm rồi sao!

Hai chữ quê người - tôi và nhiều đồng hương vẫn quen miệng nói khi ngồi bên nhau trong những câu chuyện trà dư tửu hậu, có thể không hoàn toàn đúng với cá nhân tôi hay ai đó – tôi nghĩ vậy, vì sau năm năm định cư tại San Jose, năm 1986 tôi đã vào quốc tịch, đã đi làm, đã đóng thuế đủ ba mươi  bảy năm và vừa về hưu được hơn hai năm nay. Như vậy, tôi đã thành công dân Hoa kỳ từ lâu rồi, chứ đâu còn là người sống ở đất lạ quê người nữa! Nhưng sao trong tôi, hình như vẫn có chút gì để thương để nhớ.  Mấy tiếng quê nhà quê người, tựa như những đau khổ và hạnh phúc trùng lấp, đan kẽ vào nhau, trong đau khổ có tiềm ẩn hạnh phúc và ngược lại.

Nghĩ xa nghĩ gần, rồi nhớ về chính mình trong những năm chân ướt chân ráo bước tới và làm lại cuộc đời từ đầu tại xứ Sao Sọc – Hoa Kỳ.

Giống như các đợt được đi định cư trước đây, văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc thuộc Trung tâm chuyển tiếp Panat Nikhorm (Panat Nikhom Transit Center) đã thông báo cho cho những người có tên đi định cư tại Hoa Kỳ từ sáng thứ sáu để chuẩn bị, và sẽ được xe bus chở tới phi trường BangKok để đáp phi cơ đi định cư vào sáng Chúa nhật, trong số đó có hai anh em tôi.

Từng hàng người theo sự hướng dẫn của các nhân viên Cao Ủy, im lặng ngồi kín phòng chờ đợi của phi trường Bangkog, Thai Lan trong buổi sớm mai, tháng sáu, năm 1981. Kim giờ chiếc đồng hồ trên tường chỉ 5 giờ, bầu trời còn tranh tối tranh sáng. Bên cạnh hành lý, trên tay mỗi người đi định cư đều cầm một túi xách bằng plastic trắng còn mới nguyên, in hàng chữ và huy hiệu ICEM với tên và số thẻ của người đi định cư được viết bằng mực đậm nét, trong đó chứa những giấy tờ của người tỵ nạn đi định cư. Bên cạnh những nhân viên cao ủy là người Thái Lan còn có những thông dịch viên tiếng việt – tất cả đều rất vui vẻ và tận tình.

Sau khi các thủ tục tại phi trường đã ổn định, chờ lên phi cơ, các nhân viên cao ủy đã trao cho mỗi người một cái bánh bao nóng hổi, lớn như cái bánh bao ông Cả Cần hay bà Năm Sa Đéc tại Sài Gòn trước năm 1975 để ăn sáng, kèm với chai nước lạnh và chúc lên đường bằng an, may mắn. Tôi đáp lại với giọng nhỏ nhẹ: Thank you so much. Tình người viễn xứ, khác nòi giống làm tôi xúc động, đưa tôi nghĩ về những lời nói và hành động không chút tình người của những người Cộng sản, mang cùng một giòng máu Việt với tôi trong gần sáu năm tôi sống ở các trại tù khổ sai, sau 1975.

Khoảng nửa giờ sau bữa ăn sáng, theo sự hướng dẫn của nhân viên cao ủy và các tiếp viên hàng không Thái Lan, chúng tôi lên phi cơ trực chỉ Hoa Kỳ.

Phi cơ đáp xuống phi trường sau hơn kém mười tám gìơ bay. Khi thủ tục nhập cảnh tại phi trường Oak Land hoàn tất, người em trai đã định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975 đến đón hai anh em tôi, hỏi: Anh và Kính có hành lý gì không? Mình đi tới khu Bagages Claim để lấy.

-Không, anh và Kính mỗi người chỉ có cái túi xách tay này thôi – tôi trả lời.

-Vậy, thôi mình về. Tiếng người em trai tôi nói trong khi tôi còn nhìn cảnh vật cũng như sự hiện đại, sang trọng của phi trường Oak Land một cách ngạc nhiên. Mặc dù, khi học Anh Văn, qua cuốn Practic Your Enghlish lớp đệ tứ, tôi đã học và tập đọc các bài viết về New York, Boston, Washington, San Francisco... và đã hiểu một phần nào về Hoa Kỳ.

. . .

Từ Sai Gòn, tôi và người em út xuống Kênh C thuộc tỉnh Kiên Giang trú ngụ, và từ tỉnh lỵ Rạch Giá đi ghe ra Sóc Soài vượt biển. Chiếc ghe bầu vẫn dùng chở muối từ Rạch Giá ra Hà Tiên được ông Sáu Kinh C mua lại, và móc nối anh tài công hợp tác chở người vượt biên qua Thái Lan.

Ghe rời cửa biển Rạch Gíá lúc hai giờ chiều, sau khi được tin chiếc Vỏ chở mười sáu người với hải đồ, hải bàn bị trục trặc không ratới cửa biển được. Dù không có hải đồ hải bàn, nhưng nhờ anh tài công có kinh nghiệm đi biển, chiếc ghe đã vượt qua được một cơn bão nhẹ và hai lần bị hải tặc cướp.

Sau năm ngày bốn đêm nhìn trăng sao mà đi, anh tài công cho biết chiếc ghe bầu chỉ còn mười lít xăng dùng để chạy tránh cơn giông, anh yêu cầu mọi người ngồi cân bằng hai bên sườn ghe, thay nhau tát nước, rồi anh quyết định thả trôi và treo lá cờ áo thung trắng viết bằng sơn đen: Vietnammese Refugee – SOS.

Hai mươi mốt người, trong đó có hai đứa con nhỏ, hai cô cháu gái của anh chị Tạo, còn lại là thanh niên. Tất cả vừa múc nước ra khỏi ghe, vừa đọc kinh vang lên trong vùng biển vắng, nước xanh biếc, chiếc ghe thả trôi vô định trên biển cả mênh mông suốt đêm – chiếc ghe như một nhà nguyện di động trên biển cả. Chiếc ghe trôi bềnh bồng trên mặt biển lặng sóng suốt đêm cho tới khi bầu trời mờ sáng, một vài người la to khi nhìn thấy từ xa mờ mờ hình ảnh một hòn đảo, và họ đánh thức anh tài công dậy. Anh tài công còn ngái ngủ, vừa dụi mắt vừa la to “Chúa các ông đã cứu chúng ta rồi”, và anh quyết định mở cái máy Côle hai đầu bạc còn mười lít xăng chạy về hướng có hình dáng cái đảo thật mờ.

Đúng như dự đoán của anh tài công, chúng tôi đã gặp và được tàu buôn mang cờ Phi Luật Tân hướng dẫn tới cảng Satêhip Thai lan, và sau đó được Cao ủy Liên Hiệp Quốc đưa về trại tỵ nạn Laem Sing, nơi có phái  đoàn Thai Catholic Action đến phục vụ đồng bào ty nạn không phân biệt tôn giáo mỗi ngày, từ quần áo, thực phẩm, thuốc men và dạy học nghề.

Được bà con đồng đạo yêu cầu thế chỗ anh đại diện Công giáo Việt Nam vừa được đi định cư - với trách nhiệm của Ban điều hành Công Giáo Việt Nam tại trại tỵ nạn, mỗi ngày tôi tình nguyện làm việc cùng phái đoàn trong mọi công việc liên quan đến các nhu cầu giúp người ty nạn. Tình thân ái và thiện chí giúp chúng tôi làm việc gắn bó trong tình thương mến bên nhau. Nên khi biết anh em chúng tôi rời trại tỵ nạn Laem Sing đến trại Panat Nikhom Transit Center, hai cô Aichin và Maria thuộc phái đoàn Thai Catholic Action đã mua tặng cho hai anh em tôi hai cái túi xách tay, cũng như vài cái quần đùi, áo thung, còn hai ba cái áo sơ mi đều do phái đoàn Công Giáo Thái cho, khi chúng tôi tạm cư tại trại Laem Sing.

. . .

Tháng Sáu năm 1981, thành phố San Jose đang trong muà Hè. Nhưng có lẽ tôi chưa quen với khí hậu, nên tôi vẫn cảm thấy lạnh quá, dù đã đi vớ và mặc thêm cái áo khoác mà em tôi đưa cho. Thấy vậy, sau khi đi làm về, vợ chồng người em đã đưa anh em chúng tôi tới shoping mall mua thêm chiếc áo lạnh dầy hơn, vớ tất và quần aó cũng như một vài thứ cần dùng cho cá nhân.

Sau một tuần lể nghỉ ngơi và được em tôi đưa đi làm các gíấy tờ như thẻ an sinh xã hội.. khám sức khoẻ. Cuối tuần, trong lúc ăn sáng, em tôi nói:

- Anh đã lái xe trong quân đội quen rồi, lát nữa em đưa anh đi tới mấy khúc đường vắng, tập đổi lane, U turn, ra vào parking – một vài lần, rồi em lấy tài liệu từ DMV về cho anh học để thi viết, và lấy hẹn thi lấy bằng lái. Anh đã lái xe lâu rồi, dễ ợt, không có gì khó.

- Ờ, cũng được. Nhưng năm sáu năm nay cày cuốc, có xe đâu mà lái, tay chân quờ quạng và đường xá ở đây nhiều lane, phức tạp qúa – tôi nói.

- Càng nhiều lane càng dễ lái, anh chỉ cần chú ý và cẩn thận lúc ra vào Parking, U turn, và đổi lane nhớ nhìn kiếng chiếu hậu, hơi ngoảnh đầu nhìn thoáng về phía sau cho an toàn – em tôi căn dặn.

Sau khi đậu thi viết, lấy hẹn chờ ngày thi lái, thỉnh thoảng tôi mượn chiếc Mustang cũ của cô em dâu lái ra khu DMV ở đường Elma thực tập ra vào Parking, U turn.

Ngày thi lái, nhớ lời người em dặn, tôi đến DMV sớm hơn giờ hẹn, đậu xe dọc theo hàng những người chờ thi lái. Khoảng 10 giờ sáng, những xe đậu trước tôi đã lần lượt lái xe ra khỏi khu  vực DMV. Và độ chừng mười phút sau, một người trung niên mập, hơi thấp, tóc dài và bóng mượt với làn da ngăm đen, tay cầm sấp giấy, bước đi nặng nhọc, chậm chạp tiến tới chỗ xe tôi đang đậu. Tôi mở cửa, xuống và đứng cạnh xe.

-Good morning – tôi chào ông. Nhưng ông không đáp lại và bước lên xe ngồi vào ghế bên phải, cài dây an toàn. Thấy vậy, tôi cũng lên xe, cài dây an toàn và nổ máy xe.

- Go ahead, turn right Plum street, turn right Ployd street

Nghe ông giám khảo ra lệnh, tôi từ từ cho xe chạy ra đường Plum, trước khi rẽ phải, tôi bật signal, full stop, ngó phải ngó trái rồi mới quẹo. Và khi rẽ phải đường Floyd street tôi cũng cẩn thận từng động tác như vậy. Đây là down town, khu đông dân cư. Khi chiếc xe đang chạy với vận tốc 25 miles, gần tới ngã tư đường Floyd và Sherman, đột nhiên ông giám khảo ra lệnh: turn left Sherman. Vì đã qúa gần khúc quẹo vô Only, tôi bật signal vào only mà quên ngó gương chiếu hậu và nghẹo cái cổ,nghiêng cái đầu. Khi đã quẹo trái vô đường Sherman xong, ông bảo tôi U turn và về lại DMV. Xe về tới DMV, tôi cẩn thận nhìn trước nhìn sau và đậu ngay hàng trong parking slot, tắt máy xe. Ông giám khảo mở dây an toàn, hướng về tôi và nói: You almost kill me, make other appointment, need study hard, be carefull, ok. Ông đưa tờ chấm điểm cho tôi và bước xuống xe. Tôi hơi ngạc nhiên, và cảm thấy thất vọng về ông trong giây lát. Rồi chợt nhận ra đó là tình đời, mình là dân mới nhập cư mà! Tôi lặng thinh, đi vào xin cái hẹn khác để thi lại.

Độc thân, được hưởng trợ cấp một năm, với chút vốn anh văn sơ cấp của các thày cô trao cho khi còn là sinh viên, học sinh và hơn một năm theo học tại trường Sinh ngữ quân đội. Tôi ghi danh theo học các lớp điện tử, chương trình Evening full time classes tại San Jose City College mà không phải lấy Placement test. Xin được Basic Grant tôi mua cái xe cũ để đi học buổi chiều và đi kiếm việc mỗi ngày.

Trong những giờ thực tập tại phòng lab của trường, tôi hàn các con chip và chạy dây trên PCBs cũng khá nhuần nhuyễn, cộng với tập hàn và rework tại nhà do vợ chồng người em hướng dẫn. Nhưng đơn xin việc nào gởi đi cũng chỉ nhận được giấy Thank You. Đa số các hãng xưởng – họ đòi có kinh nghiệm, trong khi tôi mới qua Mỹ được có mấy tháng. Duy nhất có hãng Grand Assosiation Company nằm trên đường Scote Avenue, Santa Claragọi tôi đến lấy test.

Sau khi người suppervisor coi Resume và hỏi tôi qua lại vài câu, cô leader trao cho tôi một cái board bảo tôi lấy con IC ra, rồi cô bỏ đi mất dạng. Một vài chị Việt Nam đang làm việc gần đó đến hỏi thăm và chỉ tôi cách xử dụng mỏ hàn và ống hút chì của hãng, tôi lấy con IC ra dễ dàng. Khoảng mười lăm phút sau, cô leader trở về, khen tôi: You do good job và bảo tôi gắn con IC vào boad và hàn lại. Rồi cô lại bỏ đi, tôi mừng thầm trong bụng và cắm cúi hàn con IC vào board.

Sau khi hàn xong, tôi lấy cái cọ nhỏ nhúng vào Acêton chùi cho sạch các chất Flux đọng trên các Pin con IC. Vừa chùi xong, mắt tôi hoa lên khi nhìn thấy cái dot trên pin số 1 của con IC14 pin– tôi đã để lộn đầu con IC và hàn wrong polarity con IC – tôi lắc đầu, thở dài. Khoảng năm phút sau, cô leader trở lại. Không đợi cô hỏi, tôi nói khi đưa cái board cho cô: I am very sorry, I make big mistake, it was wrong polarity. Cô nói: It Ok, solder look good, don’t worry. Tôi chào cô và cám ơn ra về. Tôi nghĩ hãng sẽ không gọi mướn tôi, và hơn một tuần sau tôi nhận được thư Thank You của hãng.

Kiếm việc mãi không được, anh bạn cùng lớp điện buổi chiều cho tôi biết, hãng California Assembly trên thành phố Mountain View đang nhận Loading với lương căn bản ba đồng ba mươi lăm đôla một giờ. Tôi đến, điền đơn tại văn phòng xong, bà suppervisor xem qua, gật đầu và dẫn tôi đi vào building phía sau làm việc ngay. Bà supervisor nói tiếng Anh rất lưu loát và cho tôi biết, cô leader sẽ chỉ tôi làm. Khi dẫn tới gặp cô leader, bà nói chuyện với cô bằng tiếng Mễ, tôi nghe như vịt nghe sấm.

Building là một tòa nhà lớn, có chiều dài và chiều ngang như một ngôi nhà thờ vĩ đại, có sức chứa cả năm sáu trăm người. Phía trước building là các văn phòng, phía sau là khu vực làm việc của các công nhân. Mỗi phần vụ đều có một leader người Mễ, và hơn 90 phần trăm công nhân là người gốc Mễ tây cơ, nên tiếng Mễ là ngôn ngữ chính trong mọi công việc. Các leader đều không nói và hiểu tiếng Anh thành thạo. Đây là một hãng nhỏ, chỉ có bốn departments: Testing, Touch up Rework, Loading và Pack out. Công việc loading được chia làm hai nhóm gọi là Conveying Loading và hand loading.

 

Tôi được chỉ định làm ở nhóm hand loading – ba dãy bàn dài kê nối tiếp nhau theo hình chữ U, ngay đầu bàn thứ nhất của dãy bàn dài kê nối tiếp nhau là cái board mẫu. Mỗi lần load một con IC, Resitor, Capacitor, Coil... vào một chỗ nào trên board, cô leader cắm con đó trên cái board làm mẫu rồi nói bằng tiếng Mễ với người đồng hương, còn những người không biết tiếng Mễ như tôi, cô hỏi: You see? – tôi trả lời: Yes, I see, và cầm cái hộp đựng những con part đi theo bàn hình chữ U cắm vào các boards. Khi cắm đến cái board cuối của dãy bàn chữ U, cô leader đến và hỏi: Finish? – tôi trả lời: Finish, và cô lại cắm một con part khác trên board mẫu,đưa cho tôi cái hộp đựng con part đó.... rồi cô lại hỏi: You see?...

Cứ như thế tuần này qua tháng khác. Công việc nhàm chán, tôi xin chuyển qua khu Touch up Rework, nhưng không được chấp thuận, trong khi các hãng vẫn gửi thư Thank You khi nhận được đơn xin việc của tôi.

Hai tháng sau, bà Suppervisor xuống gặp Leader, bảo tôi đi qua building 2 làm mechanical assembler về Power supply Cable. Công việc ở đây không phải đứng suốt 8 tiếng như ở khu hand loading. Tôi ngồi gần bàn anh Michael, technician, người Mỹ da trắng, anh có mái tóc hippi, râu ria rậm rạp, nói chuyện vui vẻ. Nhưng anh tỏ vẻ bất cần – có ngày anh cắm cúi làm, có ngày anh ngồi ca hát nho nhỏ, đi ra đi vào không cần theo giờ giấc ấn định của hãng. Đột nhiên, anh nghỉ hai ba tuần không vô làm, khiến những rack boards của hãng Victor chất đống trên ba bốn tầng của mấy cái cart. Đây là những board của máy calculator do hãng Victor đặt làm, tôi vẫn thấy Mike đo short, kiếm open...bằng cái Multi Meter.

Sau bốn tuần Mike không đi làm, bà suppervisor cùng bà manager đi với leader đến coi mấy xe boards cao chất ngất của Mike. Sau khi hai bà thảo luận với nhau về công việc. Bà manager quay về phía anh em đang vặn ốc, cột cable, hỏi lớn tiếng: Who know how to troubleshoot these boards? Không ai trả lời, tôi đứng lên, nói cho bà suppervisor và manager biết tôi đang học ở San Jose City College về Electronic Computer và đề nghị cho tôi thử sửa xem sao.

-Ok, do it. Let me know anything if you need – bà manager nói và rời khỏi building.

Sau một tuần cắt short, đo open... những cart đựng board hư đã vơi đi một phần. Bà suppervisor và manager qua building thăm hỏi và vui ra mặt, bà hỏi tôi:

-  How much do you get pay right now?

- Three and thirty five cents – tôi trả lời.

Bà mỉm cười, nhìn bà suppervisor rồi nói.

-OK, We increase to you fifty cents more. Try to do good job and we will review again.

- Thank you – tôi trả lời và hai người suppervisor, manager ra về.

Những cart boards hư vơi dần đến hết. Hãng Victor bị trở ngại về mua bán part, nên không có việc đều, nhiều người phải tạm nghỉ ở nhà. Cô leader đưa cho tôi cái kìm, cái kiếng an toàn rồi chỉ tôi và vài người ngồi cắt chân IC, Resisto, transistor...

Những năm thuộc thập niên 80, PC board còn ở dạng through hole, chưa đạt đến kỹ thuật surface mount như hiện nay. Vừa cầm cái kìm cắt được vài cái board, Tân – tên người bạn cắt chân board ngồi bên cạnh, trẻ hơn tôi năm ba tuổi, nói: Anh có khả năng mà ngồi cắt chân board à, đi, anh với em đi, có hãng ở đường Trimble Road đang cần touch up rework nè - báo đây, anh coi đi, anh em mình cùng đi.

Tôi cầm tờ báo lên coi, rồi hai chúng tôi lên xin về sớm, với lý do có công chuyện bất thường. Từ hãng California Assemby ở Moutain View, tôi lái xe về thẳng hãng Astro ở Trimble Road, San Jose. Sau khi điền, nạp đơn và người receptionist nói ngồi chờ ở Cafeteria. Khoảng mười phút sau, một cô trạc tuổi hai ba hai bốn kêu tôi vào lấy test.

Cô dẫn tôi vào cái bàn trống bên cạnh những công nhân đang cắm cúi làm việc, cô cho biết cô là leader, cô yêu cầu tôi lấy bất cứ con IC nào trên board ra, và chạy wiring từ pin số 3 vào pin số 10. Rút kinh nghiệm lần test ở hãng Grand Association, tôi làm từ từ và cẩn thận rôì mới cho cô biết là tôi đã hàn xong. Cô cầm board lên coi, gật đầu, nói tôi chờ bà manager quyết định. Năm phút sau, bà manager xuống production line, bà tự giới thiệu tên là Rose và hỏi tôi ngày mai đi làm được không.

- Bà trả tôi bao nhiêu một giờ? Tôi hỏi bằng tiếng Anh

- You request Five. I pay 5 dollars for hour to you, with full benefit.

- Cám ơn bà, tôi sẽ bắt đầu làm việc từ ngày mai – tôi trả lời cũng bằng tiếng Anh. Thấy bà Rose đồng ý mướn ngay, tôi ra về mà lòng nuối tiếc, không vui, vì tôi đã yêu cầu trả mức lương thấp quá, trong lúc hãng đang cần người, dù có full benefit. Từ 3.85 dollars lên 5 dollars một giờ, làm overtime mỗi ngày và cuối tuần. Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình hớ khi đòi lương thấp qúa. Có lẽ vì tính tham của con người. Nên đôi lúc tôi đã dằn lòng tự nhủ: Thôi được rồi, đừng tham lam qúa, hãy quên đi.

Vì thiếu ngủ lâu nay khi vừa đi làm vừa đi học, lại làm bù đầu mỗi ngày và cuối tuần. Vì vậy, ngày Chúa nhật tôi ngủ vùi đến chiều. Điện thoại reo, tiếng chị Khánh bên kia đầu dây. Tôi quen vợ chồng anh chị khi cùng sống trong trại tỵ nạn Laemsing – Thaí Lan.

-Anh Hoàng hả, Khánh Tri đây. Anh khoẻ không? Anh vẫn vừa đi làm vừa đi học hả? Job good  không?

- Dạ, chào chị, anh chị và cháu mạnh khoẻ chứ – tôi hỏi và nói tiếp: Tôi vẫn học lớp tối và mới kiếm được cái permanent job có full benefit chị ạ.

- Nó trả cho anh bao nhiêu? – chị Khánh hỏi

- Năm đô một giờ, overtime mút chỉ – tôi trả lời.

- Năm đô mà nhằm nhò gì, qua hãng tôi nó trả cho anh sáu đồng ba mươi lăm một giờ. Sau ba tháng probation, nó cho anh vào permanent, full benefit và tăng lên hai đồng nữa. Qua hãng tôi đi, hãng đang cần người lắm, tôi bảo đảm với anh là good job – chị Khánh nói .

- Nhưng tôi đang có full benefit và permanent job mà – tôi nói

- Anh qua đây làm, cũng full time job và rồi anh cũng có full benefit, bà suppervisor nhờ tôi kiếm và giới thiệu người, mọi việc sang đây tôi chỉ cho, không có gì khó, tôi bảo đảm. Bà suppervisorngười Mỹ gốc Đại Hàn, có chồng Mỹ bạn thân với Production manager lắm, lại dễ tính và thích người Việt mình. Mấy ông bà ấy thích người Việt mình vì khéo tay, siêng năng, chịu làm overtim, lại cầu tiến. Anh đang học điện, đây là hãng lớn, anh qua làm cho họ, mai mốt anh ra trường, anh có ưu tiên để apply mấy cái tecnician job trong cùng building hơn. Là dân gốc Á châu, bà suppervisor chỗ tôi đang làm qúy mến người Việt mình lắm. Nghe tôi đi, anh Tri nhà này cũng mới vô làm ca chiều. Vô đây cho có anh em, Việt Nam mình ở hãng này đông lắm. Tùy anh, nhưng theo tôi đây là cơ hội tốt – chị Khánh nói một hơi dài.

- Cám ơn anh chị, để tôi xem sao, mai tôi sẽ gọi lại cho anh chị – tôi trả lời

- Nhớ gọi cho tôi để tôi còn cho bà xếp tôi hay. Thôi, chào anh. Chị Khánh nói rồi gác điện thoại.

Nhờ ngủ đủ cuối tuần, tôi cảm thấy khỏe hơn. Và trên đường đi làm ngày đầu tuần, tôi suy nghĩ miên man về công việc của hãng chị Khánh so với hãng tôi đang làm.

Trong giờ ăn trưa, tôi gọi điện thoại cho chị Khánh, chị cười nói vui vẻ và dặn tôi gặp chị và bà suppervisor tại building 3 đường Harris Ave, thành phố Santa Clara 8 giờ sáng hôm sau. Ngay sau khi điện thọai cho chị Khánh, nhận về làm với hãng của chị, tôi đi vào văn phòng bà manager Rose xin nghỉ việc với lý do tôi phải thu xếp chuyện gia đình mất nhiều thời gian, nên không thể tiếp tục đi làm được. Bà nói rất tiếc khi tôi xin nghỉ. Nhưng khi thu xếp xong mọi chuyện tốt đẹp, tôi có thể trở lại hãng làm lại bất cứ khi nào. Tiễn tôi ra cửa, bà nói: Good luck! May God bless you. Tôi thật cảm động khi bà đã đối xử với tôi qúa tử tế.

Công việc của tôi ở hãng Conversion Technologies không có gì khó, đại đa số là wirring, những chùm dây căng, chạy song song nhau như giây đàn, còn lại là touch up và rework. Đúng như lời bà suppervisor Chong Bibo hứa, sau ba tháng probation, tôi được chuyển thành công nhân thực thụ, nghĩa là permanent employee với đầy đủ quyền lợi....cũng như bảo hiểm sức khoẻ, và được tăng thêm hai dollars một giờ, như chị Khánh đã nói với tôi trước đây. Công việc qúa nhiều, ngày nào cũng làm thêm hai tiếng và tám tiếng cuối tuần. Nhưng ai nấy đều cảm thấy thoải mái, cùng nhau làm việc trong tình thân thương như một đại gia đình, nhất là bà suppervisor, Production manager cũng rất vui tính và hòa nhã với mọi người.

Thời gian qua nhanh, và trong một buổi picnic ngoài trời của hãng, nhân lúc bà suppervisor đang ăn uống vui vẻ với nhân viên và ngồi bên cạnh tôi, tôi ngỏ ý cho bà biết tôi đã ra trường và nếu có công việc testing hay technician nào cần người thì nhờ bà giới thiệu. Bà vui vẻ nói: Sure, give me your resume. Ok!

Hơn một tháng sau, bà gọi tôi vào văn phòng và cho biết suppervisor Phan đang cần một tester, hy vọng anh ta sẽ nhận tôi, vì Mr Phan cũng làm cho manager của bà. Tôi cám ơn bà, và sau hai lần phỏng vấn, tôi đã lên làm việc cho suppervisor Phan với công việc và mức lương mới. Thấm thoắt, tôi đã làm việc cho hãng Conversion Technologies được hơn năm năm.

Sau khi nhận tiền thưởng Sabattical, tôi lập gia đình. Trong phần nghi thức Chúc bình an cho nhau của lễ cưới, từ trên bậc thềm gian Cung Thánh của nhà thờ Saint Anne, thuộc thành phố Union City, chúng tôi quay xuống để đi chúc bình an cho mọi người. Thật bất ngờ và ngạc nhiên, khi chúng tôi thấy ngoài các bạn hữu cùng sở, còn có vợ chồng bà manager Lark Rabeer, một số suppervisor đến tham dự thánh lễ, mà một tháng trước, tất cả đều hồi báo sẽ tham dự tiệc cưới thôi. Vợ chồng chúng tôi bước xuống bắt tay và chúc bình an từng người trong cảm động và bối rối vì qúa vui mừng. Moị người đều hẹn gặp lại trong tiệc cưới.

Khoảng chừng sáu tháng sau ngày lấy Sabattical, bà manager Lark Rabeer kêu tôi qua làm technician cho building 8, rồi chuyển qua building 10 làm cho R&D.... Tháng này qua năm khác, tôi đã làm cho hãng trên mười hai năm, với hai lần lãnh tiền thưởng Sabattical sau khi hãng quyết định sát nhập vào hãng Unisys.

Năm 1996  hãng Unisys quyết định đóng các building ở miền bắc California, dời tất cả về Salt Lake city. Hầu hết chúng tôi không đi theo, và từ đó tôi qua làm cho hãng Ultratech Stepper, Solectron và Flextronic cho đến ngày xin nghỉ việc và về hưu.

Trong cái thú điền viên – dù tôi chỉ có khu sân sau với các cây ăn trái, hồ cá và các chậu bông để tiêu khiển. Nhưng đôi khi nhìn lại mình – tôi không thấy đời mình đã xanh rêu. Trái lại, tôi thấy đời mình có thăng trầm, có hạnh phúc lẫn khổ đau trong tình người. Nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn qúa, hạnh phúc qúa, khi sống trong một đất nước được gọi tên là Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ - một quốc gia dân chủ, một xã hội có nhiều người thiện tâm giơ tay nâng đỡ đồng loại, biết cho đi không tiếc nuối, không phân biệt màu da, tín ngưỡng…

Mới ngày nào đây, nhiều lần tôi được yêu cầu: Repeat please khi thiên hạ nghe tôi nói tiếng Anh, mới ngày nào đây tôi còn bắt đầu với lương căn bản ba đồng ba mươi lăm xu. Và tôi mới lập gia đình ngày nào đây, mànay con tôi đã là thày giáo, đang dạy toán tại trường trung học gần nhàmấy năm nay. Hơn thế nữa - tôi đã an cư lạc nghiệp... Thời gian như bóng câu qua cửa, nhanh thật không ngờ!

Là người có đức tin Công Giáo, tôi vẫn thầm tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria, cám ơn bạn bè, cám ơn những người Hoa Kỳ thiện tâm thiện chí đã nâng đỡ, ủi an trong các công việc làm để mưu sinh, làm lại cuộc đời từ “ con số không “. Và đặc biệt cám ơn nhân dân Hoa Kỳ đã trao ban cho những người khao khát tự do, công lý,quyền được sống an bình, hạnh phúc, trong một đất nước luôn luônmưu cầu phúc lợi cho người dân, cũng như mang đến cho mọi người những cơ hội đồng đều để thăng tiến. Rồi nghĩ đến quê nhà,nơi người dân đang sống lầm than dưới chế độ độc tài, và đảng Cộng sản Việt Nam thì vô cảm trước những vấn nạn đau thương của dân tộc, mà xót sa, tiếc nuối.

Chu Kim Long

 

Ý kiến bạn đọc
24/01/201805:23:22
Khách
"Rồi nghĩ đến quê nhà,nơi người dân đang sống lầm than dưới chế độ độc tài, và đảng Cộng sản Việt Nam thì vô cảm "- Tác giả.

Giã từ "thiên đường" xã hội chủ nghĩa !

24/07/2016- vietnamfinance.vn : Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.

Tin Nước Mỹ- 8/12/17- Người Việt định cư ở nước ngoài nếu không đăng ký giữ quốc tịch sẽ bị mất, song chỉ mới có khoảng 6.000 trong khoảng 4.5 triệu kiều bào đăng ký .

24/07/2016- vietnamfinance.vn : Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.

Tin Nước Mỹ- 8/12/17- Người Việt định cư ở nước ngoài nếu không đăng ký giữ quốc tịch sẽ bị mất, song chỉ mới có khoảng 6.000 trong khoảng 4.5 triệu kiều bào đăng ký .
23/01/201818:23:27
Khách
Thưa anh
Hình như "Hiệp Chúng Quốc Hoa kỳ" thì có lẽ đúng hơn. Thăm anh mạnh.Trân trọng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,576,396
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon.
Thế Vận Hội năm 1984 tại Los Angeles, theo kết toán của Ban Tổ Chức, đạt số lời 250 triệu mỹ kim. Đây là chuyện hiếm có trong lịch sử thế vận.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ:
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp:
Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County. Ông bắt đầu tham dự VVNM năm 2015
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Ba Lan là nơi hẹn của hơn hai triệu người. Để tới được nơi hẹn, phái đoàn giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã đi qua 4 nước Âu châu,
Thư tác giả gửi Việt Báo: “Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tên VN của tôi là Nguyễn văn Tới (trong nhà kêu 6 Cam). Hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Nhạc sĩ Cung Tiến