Hôm nay,  

Kể Chuyện Đời Thường

19/01/201800:00:00(Xem: 9860)
Tác giả: Minh Nguyệt Graves

Bài số 5293-19-31139-vb6011918


 Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017.  Sau đây, thêm một bài viết mới.


***


Những cặp vợ chồng già mà tôi quen biết thì thường ông chồng qua đời trước bà vợ.

Chúng ta đã từng nhìn thấy những người đàn bà goá chồng nhiều lần, trông sầu thảm lắm, nhưng khi bắt gặp hình ảnh một người đàn ông lầm lũi từ nghĩa trang trở về căn nhà từ nay vắng bóng bà vợ nó dễ làm cho người ta mủi lòng, muốn khóc.

Xin kể cho các bạn nghe vài cặp vợ chồng đã từng là khách ở tiệm của tôi.


Ông bà John

Lần đầu tiên tôi gặp ông bà John cách đây hơn 3 năm. Trong một lần đi Bác sĩ về, họ quyết định ghé tiệm tôi cho bà được sơn móng tay.

Hai ông bà là người Mỹ trắng, nhưng thuộc dạng nhỏ con, thấp chứ không to cao như phần đông người Mỹ địa phương. Bà để tóc “bom-bê”, áo quần đơn giản nhưng lúc nào cũng gọn gàng và sạch sẽ. Ông cũng vậy. Ông và bà hơi gầy, nhưng ông lại có cái bụng căng tròn trông rất ngộ nghĩnh, nhìn một lần thì cũng khó mà quên được.

Lần nào cũng như lần nào, họ đậu xe ngay chỗ dành riêng cho tiệm. Ông mở cửa xe, dìu bà xuống, rồi chậm rãi từng bước một, lên tầng cấp để vào tiệm. Nếu gặp lúc rảnh rỗi thì tôi sẽ ra chào và giúp họ một tay.

Ông kể rằng, vào khoảng 2007 thì bà bắt đầu bệnh.

Tôi hỏi, “Sao ông biết?”

-“Bà là người lo chi tiêu trong nhà. Bỗng dưng bà không nhớ. Ban đầu tưởng bà bận bịu nhiều thứ nên quên, nhưng càng ngày càng tệ hơn, bà không biết cả viết checks chứ đừng nói chi quản lý tiền bạc.

Ông đưa bà đi khám thì người ta nói bà bị Alzheimer.

Bà không đi đứng một mình lâu được, vì cả người cứ bị rung lắc, tay chân cử động không theo ý của bà. Ông giúp bà mọi chuyện, từ nấu ăn cho tới giặt giũ dọn dẹp.

Tôi lại hỏi, “Thế ông bà có con không? Họ có giúp gì được không?"

Hai ông bà có ba người con, ai cũng có gia đình riêng, với lại ông không muốn làm phiền tụi nó, vì ông biết ai cũng phải lo đi làm kiếm tiền, chăm sóc vợ chồng con cái.

Cuộc sống của ông bà rất đơn giản. Chủ nhật nào họ cũng đi lễ nhà thờ, sau đó cùng mấy người bạn ở nhà thờ sẽ tới một nhà hàng gần đó để ăn trưa và chuyện vãn.

Hàng ngày ông cố giúp bà đi lui đi tới quanh nhà, thỉnh thoảng họ đi ăn ở ngoài, còn thường thì mua đồ ăn để vào ngăn đá, khi nào muốn ăn thì bỏ vào microwave.

Thời gian đầu bà còn tự tắm rửa chăm sóc cho bản thân, nhưng sau một lần bà mở nước rồi quên mất là mình đang làm gì, không biết khoá vòi lại, làm nước chảy tràn ngập cả nhà, ướt sũng, phải thay thảm, còn bà thì lạnh cóng tím tái cả mặt mày, ngồi run rẩy thiệt tội nghiệp, khiến ông sợ quá, nên nhứt quyết không để cho bà tự làm gì nữa cả.

Nhưng từ tháng 10 thì bệnh tình bà trở nặng hơn nhiều. Bà hoàn toàn không còn nhận ra tôi. Mỗi lần ông chở bà tới tiệm, bà không nói gì chỉ ngồi ngây dại như đứa trẻ.

Gần lễ Tạ Ơn, bữa tháng 11, ông chở bà tới nhưng tôi không làm được, vì bà cứ quay qua quay lại suốt, ra vẻ sợ hãi, mặc dù ông đứng một bên, và luôn miệng vỗ về.

Hôm ấy, tiễn ông bà ra về, tôi hứa, “Nếu một ngày nào, bà bệnh nặng, không tới tiệm được, hãy gọi phone cho tôi, tôi sẽ đến tận nhà làm giúp cho."

Bây giờ là giữa tháng Giêng, cũng gần 2 tháng rồi, tôi không găp họ thì hôm nay, ông đột ngột bước vào tiệm, lịch sự giở mũ ra dấu chào tôi. Vì đang bận khách, nên tôi nói ông chờ cho tôi một lát. Ông bảo đừng lo, ông ngồi đợi được.

Sau khi xong xuôi với người khách, tôi đến ngồi ở Sofa để nói chuyện với ông, “Sao ông đến có một mình vậy? Bà yếu lắm rồi hay sao?”

Ông rút khăn mùi xoa trong túi, vừa lau nước mắt vừa nói nghẹn ngào, “Bà mất rồi cô ơi, mới tuần trước. Tôi tới tin cho cô hay, để cô khỏi trông. Tôi cám ơn cô nhiều, vì tôi biết mỗi lần làm cho bà ấy mất thì giờ lắm. Những khi tỉnh táo, bà ấy thường nhắc đến cô. Chúng tôi không bao giờ quên cô đâu. Cô giữ gìn sức khoẻ nhé.”

Ông kể, ông đã chăm sóc cho bà đến ngày cuối cùng ở nhà với sự giúp đỡ của những y tá, vì đó là điều bà luôn mong ước, chứ nhất định ông không đưa bà vào nhà dưỡng lão.

Tôi an ủi, “Không phải ai cũng làm được như ông đâu! Ông cũng lớn tuổi rồi, lo cho mình đã khó, ông còn lo cho bà chừng ấy năm trời, tôi phục ông sát đất luôn. Bà là một người rất may mắn vì có một người chồng tốt như ông.”

Ông nói rất nhẹ, “Tôi cũng ráng cô à."

Nhìn người đàn ông già lủi thủi từng bước chầm chậm ra khỏi tiệm, lòng tôi không khỏi bùi ngùi. Còn đâu hình ảnh hai ông bà dìu tay nhau, vừa đi vừa nói cười? Chắc là ông cảm thấy cô độc lắm!

Sẽ thật buồn nếu một ngày kia, chỉ còn lại một mình ta cùng quãng đời dài trước mặt, bạn nhỉ?

Chuyện kế tiếp là cũng một đôi vợ chồng già, rất mê chơi game ở tiệm kế bên tôi.


Hồi Hộp Cùng Game Room

Thành phố Austin tôi ở, bất cứ loại hình thức giải trí nào có dính líu tới ăn thua bằng tiền mặt là không hợp pháp.

Nhưng các tiệm Game Room thì nhan nhản khắp nơi.

Tuy nó tên là “Game Room” nhưng không phải là các trò chơi trên computers bình thường, mà thực chất đây là một nơi đánh bạc, với phương thức hoạt động na ná như nhau. Có thể là các máy chơi Game, hay computers, nhưng người chơi “đổi” tiền thật, rồi họ sẽ nhận được hoặc là các đồng tiền giả bằng nhựa, (nếu chơi bằng máy) hay một mã số, để log in computer.

Khi trúng, họ sẽ nhận tiền mặt, mặc dù bên ngoài “trá hình” bằng các giải thưởng là các đồ dùng trong gia đình, hay các con thú nhồi bông!!! Mỗi nơi quy định khác nhau, có chỗ giới hạn mỗi lần trả thưởng 500 dollars thôi, nếu bạn trúng 2000 dollars thì bạn phải tới đó chơi trong 4 ngày để nhận thưởng. Có chỗ thì trả toàn bộ một lần.

Tất thảy đều là tiền mặt, không có dùng thẻ hay check gì ráo trọi!

Lâu lâu cảnh sát lại bố ráp, bắt bớ mấy người đánh bạc, và cả những người làm việc cho tiệm Game Room. Họ làm ầm ĩ, rầm rộ “như giặc trận”, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy!

Ngoài ra, tiệm Game Room cũng hay bị cướp ghé thăm, bởi vì ai cũng biết Game Room giữ tiền nhiều. Thường người chủ thuê mấy người mặt mày bặm trợn để quản lý, tôi tin chắc họ cũng có súng để phòng thân. Dân Tếch-xịt mà. Ha ha. Và không phải ai cũng vào được trong đó để chơi đâu nhé, “Membership only!”

Bên cạnh chỗ tôi làm là một Game Room, họ mở được khoảng 8 năm, thay đổi chủ 3 lần cả thảy, nhưng từ tháng 2 năm nay thì phải đóng cửa luôn.

Hôm nay, có hai vợ chồng tới tiệm tôi làm móng chân, trước đây họ cũng là khách của tiệm Game Room.

Bà vợ kể,

"Hai vợ chồng chơi trò này lâu rồi, hơn cả chục năm. Thật ra ban đầu không biết gì về Game Room cả. Một hôm, bạn của tôi, một người Mễ, có máu đỏ đen, gọi điện thoại tới nhờ tôi chở đi chơi, vì bà ta không có xe. Nể bạn, tôi đồng ý, coi như giết thì giờ. Tới nơi, không lẽ ngồi không thì cũng chán, nên thử chơi 10 đồng, hên quá, thắng được 10 đồng nữa! Thấy vui vui, tôi về nhà kể cho ông chồng nghe. Tò mò, ông cũng muốn thử. Vậy là từ đó 2 vợ chồng cùng chở nhau đi chơi Game Room và “ghiền” luôn!


Được hỏi, đã mấy lần bị cảnh sát phạt khi tiệm Game Room bị bố ráp, họ nói hơn 10 lần.

Tôi hỏi, “Bà có sợ không?”

-“Không. Chả có gì để sợ cả.”

Tôi hỏi tiếp, "Rồi bà chịu phạt à?”

-"Không, tui chọn cách đi làm công ích 10 tiếng đồng hồ, và được xoá giấy phạt, vì lúc đó tôi còn đi làm cho thành phố, nếu trong hồ sơ cá nhân có ghi bị phạt thì sẽ bị đuổi việc.”

Tôi quay qua ông chồng, “Còn ông thì sao?”

-"Tôi không muốn đi làm công ích nên nộp phạt, hơn nữa tôi làm cho công ty tư nhân, chẳng quan trọng chuyện hồ sơ có ghi bị phạt."

Thấy họ có vẻ cởi mở, kể chuyện vui vẻ, tôi mới hỏi tiếp,

"Thế ông bà có kỷ niệm nào đáng nhớ về chuyện đi đánh bạc không?”

-"Có chứ, có nhiều nữa là đằng khác, nhưng có một lần là đáng nhớ nhất, để tôi kể cho cô nghe.” Bà vợ nói.

 . . .

Hôm đó, hai vợ chồng chở nhau đi như lệ thường, vì là thứ Bảy nên họ dậy hơi muộn. Đói bụng, họ định tới tiệm bán thức ăn nhanh ở cây xăng, kiếm cái gì để ăn, nhưng rồi họ nhớ là có một tiệm Game Room của người Hoa, luôn luôn phục vụ thêm cho khách tới đánh bạc, thức ăn nóng, là món cánh gà chiên dòn, ngon lắm lại không tính tiền.

Vậy là bà bảo ông lái xe tới đó.

Đẩy cánh cửa chính bằng gương dày, ông giúp bà bước vào. Dù không thích ngồi gần cửa ra vào, nhưng họ không còn sự chọn lựa nào khác ngoài cái bàn gần cửa nhất vì lúc này tiệm rất đông khách.

Phòng ngoài để cho khách ngồi ăn, phòng trong là nơi đặt các máy đánh bài.

Đang nhâm nhi món cánh gà, bà nghe tiếng động lớn, “Ầm ầm, rầm rầm!!!”

Rồi nhiều tiếng la, thét!

Rồi cái gì đó đánh mạnh vào cái cửa kính trước bể tan! Mảnh thuỷ tinh văng vào người ông chồng, máu đổ lênh láng.

Rồi cảnh sát, trang bị súng ống tới tận răng. Họ xô cửa xông vào, hét vang “Tất cả nằm xuống đất, hai tay đưa quá đầu. không ai được di chuyển.”

Một nhóm khoảng 5 người khách (là người châu Á, vì họ nhỏ con) chạy lúp xúp ra phía cửa sau để thoát thân. Mới mở cửa ra, đã có 5 cảnh sát gác ở ngoài giơ súng bắt đứng lại. Nhưng họ đâu có chịu thua, họ quay người chạy ngược trở lại vào trong tiệm, mới được mấy bước, cảnh sát đã đứng đầy trong phòng, chận họ lại, bắt đứng quay mặt vào tường.

"Thế bà thì sao?” Tôi háo hức nghe bà kể, nhưng cũng lo cho bà, nên hỏi.

"Tôi vẫn đang khới (gặm) cánh gà, có gì đáng sợ đâu!!! Cảnh sát đã tới thì họ đợi được mà! Tôi thấy một người phụ nữ, đang nằm dưới sàn nhà, gần bàn tôi ngồi, run lập cập, mặt tái mét.

Tôi trấn an cô ấy, “Đừng sợ, cảnh sát không làm gì cô đâu.”

“Tôi cần uống thuốc.” Cô ấy run lẩy bẩy thều thào.

“Thuốc ở đâu?” Tôi vừa ăn vừa hỏi.

"Ở trong ví của tôi.” Cô ấy đáp rất khẽ.

“Thuốc tên gì?” Vẫn đang loay hoay với cái cánh gà, tôi hỏi tiếp.

“Vicodine” Cô ấy nói không ra hơi.

Tôi thiếu đường nhảy ra khỏi ghế, miếng cánh gà rớt mà tôi không hay!

“Lạy Chúa! Thuốc cấm mà! Có toa bác sĩ không?”

“Không! Mua trên mạng!” Cô ấy đáp.

Tôi với tay định lấy cái túi xách của cô ấy ở gần chân mình, thì ông cảnh sát nạt lớn, “Ngồi yên, bà không được động đậy!”

Tôi nạt lại, “Làm cái quái gì mà nạt tôi! Tôi chỉ giúp cô ấy lấy thuốc uống thôi mà! Không thấy cô ấy đang run lập cập à? Cô ấy cần ngay bây giờ đấy!”

Ông cảnh sát nghe vậy, bước nhanh tới lấy cái túi xách, và đưa hộp thuốc cho cô gái.

Cảnh sát làm hung- ngó dữ dằn vậy, chứ cũng như những lần khác thôi, là khách hàng của Game Room, chúng tôi chỉ nộp phạt, hoặc làm công ích, và tìm chỗ khác để chơi! Chủ tiệm thì có thể bị gặp rắc rối với pháp luật, nhưng cũng không đủ nặng để người ta sợ, bằng chứng là Game Room vẫn có mặt khắp nơi trong thành phố Austin và cả các thành phố phụ cận nữa đấy.”

. . .

Thật ra bà khách này đến tiệm tôi là vì có tiệm Game Room ngay “sát nách”, hai ông bà ngày ngày chở nhau tới chơi, còn như chơi lâu mau thì tuỳ ngày; tuỳ hên xui, may rủi.

Bà bị mù nhẹ, chỉ thấy lờ mờ, nên sống bằng tiền trợ cấp tàn tật. Ông chồng già cũng không khá gì hơn, nhưng rất may là mắt ông còn tốt, và ông cũng rất mực thương yêu bà.

Hôm tháng Hai, buổi sáng nọ vừa rẽ xe vào chỗ làm, tôi thấy phía sau lưng tiệm của mình, có xe cứu thương, xe cứu hoả, và cả xe cảnh sát nữa.

Một lát thì ông chủ toà nhà tới lấy tiền thuê, tôi mới hỏi “Thế có tai nạn hay cháy hồi sáng mà thấy xe cứu thương, với cứu hoả?” Ổng nói, “Không, tôi có nghe nói gì đâu!”

Một lát sau, tôi vừa làm xong cho cô khách người Cuba. Trời mát nên tôi không vặn máy lạnh, thay vào đó chỉ mở cửa cho thoáng, tôi vừa ngồi coi Tivi vừa ăn hạt bí ngô. Bất ngờ ngước mắt lên, tôi thấy mấy người mặc đồng phục cảnh sát màu đen, vũ trang đầy đủ, đang bước đi một cách im lặng, khẩn trương.

Tôi thầm nghĩ “Họ đang làm cái quái gì vậy nhỉ? Có phải họ đang tập dượt không?”

Chỉ mấy giây sau, người và xe từ đâu không biết, cùng lúc đậu kín cả khoảng sân trước mặt tiệm luôn!

Hiếu kỳ, tôi chạy ra cửa, đúng lúc một cô cảnh sát bước ngang, “Có chuyện gì à? Tôi có cần phải đóng cửa lại không?”

Thì cô hét to, “Đóng cửa lại, đóng cửa lại, ở trong đó, không được bước ra ngoài.”

Thất kinh hãi hồn, tôi khoá chặt cửa, nhưng tính tò mò thì không bỏ, nên tôi đứng sát cửa để nhìn qua hàng xóm.

Cảnh sát đặc biệt, súng dài, súng ngắn, cây sắt, lựu đạn, mặt nạ chống độc, và cả cảnh sát chìm, (đeo mặt nạ bịt kín mặt mũi) khoảng 20 người. Ngoài sân thì ngoài 2 xe cứu thương, 2 xe cứu hoả, 5 xe cảnh sát có phù hiệu, và 5 xe sơn đen của cảnh sát chỉ có đèn hiệu.

Tiếp theo là tiếng la lớn, dồn dập, loa loa náo động cả góc phố nhỏ, “Cảnh sát đặc biệt (SWAT), yêu cầu mở cửa! mở cửa! mở cửa!” Rầm rầm, xoảng xoảng, tiếng người la hét, nghe thật khủng khiếp.

Tôi text cho ông chủ toà nhà, “Nè, ông tới mà coi, ghê lắm!”

Ít phút sau, tôi mở cửa cho ổng vô, “Trời đất, tụi nó làm cái gì mà ở đây giống như chiến trường vậy hả Minnie? Bao nhiêu là người và vũ khí, bao nhiêu là lính tráng với cảnh sát! Tốn bao nhiêu là tiền của dân!”

Tiếp đến là người ta đem đồ nghề vào bên trong để đục đẽo, lấy đi mấy bộ nhớ của máy đánh bài. Những khách hàng thì họ bắt đứng xoay mặt vào tường, giơ tay lên trời cho họ kiểm tra coi có vũ khí không. Sau đó, thì mỗi cảnh sát làm việc riêng với từng người để làm báo cáo, và thả cho về. Riêng người quản lý của tiệm thì sợ quá nên bị xỉu, họ phải đưa ông ấy lên cáng và chở đi bệnh viện, không biết sau đó thì thế nào.

Đây là lần thứ 5 cảnh sát “càn quét” tiệm Game Room ni, nhưng lần này là thấy qui mô nhất, và đáng sợ nhất.

Sau đó thì ông chủ toà nhà chấm dứt hợp đồng, không cho họ thuê nữa.

Những người khách chung của tôi và tiệm Game Room cũng không còn tới tiệm tôi làm nữa! Lâu lâu tôi lại nhớ hai vợ chồng bà Mù.

Bây giờ tiệm bán nước uống trái cây thay chỗ tiệm Game Room, khách hàng cũng khác, tốt hay xấu thì tôi chưa biết, nhưng chắc chắn cái khoản hồi hộp vì tiếng la hét của cảnh sát thì không có nữa đâu!

Don't mess with Texas.

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
20/01/201801:56:16
Khách
Có một ông Tây muốn chấm nước mắm. Ông Long ơi ! Lấy vợ VN có vấn đề gì không? Chẳng có gì cả, nếu ông say YES với 3 câu hỏi sau:
Ông nuôi vợ được không?
Yes.
Ông nuôi bố mẹ vợ được không?
Ông Tây suy nghĩ một lúc , buồn rầu gật đầu.
Ông nuôi anh em vợ được không?
NO NO NO.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,309,730
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến