Hôm nay,  

Cứu Trợ Nạn Nhân Đám Cháy Thomas

23/12/201700:00:00(Xem: 11358)
Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc

Bài số 5296-19-31143-vb7123117

 
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và  tập truyện "Bắc Kỳ". Bài và hình ảnh mới nhất là chuyện tác giả  đi làm tình nguyện viên tại Trung Tâm Cứu Trợ nạn nhân của đám cháy Thomas vừa được thành lập tại Los Angeles.

1_Chay_Mike Eliason-AP

Lửa dữ dội tràn xuống từ  sườn núi trên đường Bella Vista Drive gần Romero Canyon trong  trận cháy rừng tại Montecito, California, thứ ba, ngày 12 Tháng 12 năm 2017. (Ảnh của Mike Eliason/AP do Sở Cứu Hỏa ở Santa Barbara cung cấp)

2_nen nha chay

Một bãi cháy nhà.( ảnh do tác giả chụp)

unnamed (2)

Ảnh hoàng hôn nhìn từ Trung Tâm Cứu trợ ra hướng biển Thái Bình Dương.(do tác giả chụp)

 
***
 

Miền Nam California từ tháng 10 đến tháng 2 có gió từ núi thổi về hướng biển. Gió này, gọi là Santa Ana wind, khô khan, mang theo hơi nóng, vận tốc lên đến 40, 50 miles (60 đến 80 km). Ở đây ít mưa nên cây cối rừng rậm khô cằn dễ làm mồi cháy lửa nên khi gió thổi mãnh liệt, nó mang theo tro bắt cháy khắp nơi dễ dàng.

Nhà tôi ở vùng núi non nên mười năm trước, gió thổi cháy đến đồi sau nhà và cả dãy núi ở bên hông. Năm nay gió thổi cũng kinh thiên động địa nên chẳng mấy chốc miền Nam California chìm đắm trong lửa cháy, từ San Diego đến Santa Barbara.

Gần nhà tôi hai tuần trước đây một đám cháy bắt đầu từ Santa Paula gọi là Thomas Fire. Đến giờ chẳng những không dập tắt được, mà nó còn lan tràn đến Santa Barbara. Thomas Fire bây giờ là đám cháy to thứ ba trong lịch sử tiểu bang California, đốt 270,000 mẫu đất, thiêu hủy hơn 1000 căn nhà. Mặc dù 8300 lính chữa lửa góp sức chống đám cháy với công sức tốn 110 triệu dollars, người ta ước tính cho đến giờ họ chỉ dập tắt 45% đám cháy.

Thứ Ba tuần rồi, California thiết lập một Trung Tâm trợ giúp dân chúng bị ảnh hưởng của đám cháy Thomas ở cách nhà tôi 40 miles (60km). Vợ tôi làm cho Cơ quan Xã hội nên nàng tình nguyện làm việc hai ngày Thứ Bẩy 16-Dec và 23-Dec, từ 2 giờ trưa đến 8 giờ tối. Tôi hỏi có cần người tình nguyện thì nàng bảo lúc nào cũng cần. Vợ tôi nói đàn ông tình nguyện khi đến đó người ta sẽ phát cho mặc một áo vest vàng. Tôi liên tưởng tôi sẽ thật đẹp trai trong áo vest tình nguyện, giống như áo vest của mấy người tình nguyện ở Thư viện Tổng Thống Reagan nên hăng hái đi theo tháp tùng.

Khi xe đến gần Trung Tâm thì tôi mới thấy nhà bị đám cháy thiêu hủy.

Ngay cả cây cỏ trồng chung quanh building cũng bị cháy. Tường bốn bên là gạch nên may mắn chỉ bị lửa táp nhưng không hề hấn. Lính Tiểu bang trấn đóng ở Ngã Tư khắp nơi không cho người lạ và đôi lúc ngay cả người cư ngụ ở đó vào vì vẫn còn cháy.

Ở Trung tâm cứu trợ này có cơ quan và dịch vụ của tư nhân lẫn chính phủ để trợ giúp nạn nhân của đám cháy Thomas. Nhà nước chỉ mới mở vào ngày Thứ Tư 12-Dec vừa rồi, với sự hiện diện của những tay dao to búa lớn trong ngành chính trị (vì có thu hình và phát thanh tin tức trên TV). Bước vào Trung Tâm, tôi thấy bàn ghế xếp hàng chữ nhật dọc theo tường. Bàn nào cũng có nhân viên ngồi tiếp đón khách. Mỗi một bàn là một cơ quan khác nhau. Tôi đoán có lẽ chừng hai trăm người làm việc. Vợ tôi dẫn tôi đến gặp hai người, Xếp và Xếp lớn hơn của nàng, và giới thiệu: “Đây là chồng tôi. Anh ấy tình nguyện đến đây lau cầu tiêu”.  Xếp của vợ tôi trực ca từ 8 giờ sáng đến 2 giờ trưa, vợ tôi trực từ 2 giờ trưa đến 8 giờ tối. Hai ông bắt tay tôi, ông nào cũng nói: “Hân hạnh biết anh. Vợ anh rất giỏi, chúng tôi cảm thấy may mắn khi nàng làm việc cho County”. Chưa gì mà tôi đã gặp hai người Mỹ gốc Bắc Kỳ khách sáo.

Vợ tôi chỉ cho tôi bàn của Cơ quan Phục vụ Xã hội, có ba người làm. Nơi đây một người có thể đến xin trợ cấp tiền bạc hoặc tìm việc làm. Vợ tôi lo tổng quát nên dẫn tôi đến một cô nhân viên của nàng, nói với cô ta là tôi đến đây làm việc tình nguyện nên giao tôi cho cô ấy để chỉ cho tôi phải làm gì. Sau đó thì vợ tôi nói Sayonara để lo công việc của nàng.

“Cám ơn anh tình nguyện đến đây, David. Đi theo tôi, tôi sẽ tìm áo cho anh mặc”. Nghe cô ta nói tìm áo ngoài, lòng tôi hoan hỉ tột độ thế nhưng cơn mừng rỡ của tôi dập tắt nhanh chóng như đám cháy khi cô ta đưa cho tôi áo choàng mỏng dính mầu cam sáng chói giống như những người làm ở công trường mặc.

Thay vì đẹp trai như Alain Delon, tôi bây giờ giống như nhân viên của Sở Hốt rác Đô Thành. Nhưng với gương mặt của điệp viên 007 sắc thái bình thản không cho người khác biết là mình đang rầu thúi ruột, tôi lặng lẽ đi theo cô ta để được hướng dẫn sẽ phải làm gì.

Tôi tưởng phải làm công việc nặng nhọc như lau cầu tiêu, thế nhưng việc của tôi quá nhàn hạ: khi khách đến, tôi giới thiệu họ đến bàn đầu tiên ghi danh. Sau đó, tùy theo họ cần gì thì hướng dẫn họ đến bàn có dịch vụ đó. Trước khi ra về, cho họ một sô mầu trắng bên trong đựng những vật dụng cần thiết nếu phải bới tro tàn tìm những thứ quý giá: áo khoác ngoài, găng tay, khẩu trang, xà bông…

Tôi đi khảo sát thử một vòng xem trước. Người Mỹ đầy kinh nghiệm đương đầu với thiên tai nên không thiếu một dịch vụ gì ở đây. Đám cháy Thomas chưa đến mức độ thiên tai khủng khiếp nên chưa cần đến sự giúp đỡ của chính phủ Liên bang hay FEMA. Thế nhưng tất cả các tầng lớp cơ quan khác của tiểu bang như  Thành phố (City), Quận (County – tôi tạm dịch County là Quận, nhưng County ở Mỹ to hơn City, không như Quận ở Việt Nam nhỏ hơn Thành phố), State (Tiểu bang), cùng với hiệp đoàn tư nhân, thiện nguyện, tôn giáo… - tổng cộng là 35 cơ quan - đều hiện diện ở đây. Công việc chung là giúp đỡ nạn nhân trong bất cứ vấn đề khó khăn nào sau một đám cháy: lau dọn tro tàn, vật liệu lau chùi, tìm nhà mướn, tìm thú vật thất lạc, cần trợ cấp tiền bạc hay gift card, lo giấy phép xây nhà, cần lập hộp thư, giúp đỡ luật pháp, cung cấp điện nước, giảm hay miễn thuế bất động sản tạm thời, giúp đỡ khai thuế, trợ giúp tâm linh lẫn tâm thần (họ đem cả mấy con chó đến cho người lớn và con nít vuốt ve nó để được đỡ buồn), cần cấp lại giấy tờ cháy mất như bằng lái xe, giấy chủ quyền lái xe, giấy thông hành, giấy khai sinh, giấy tờ Social Security An sinh Xã hội…

Tất cả các cơ quan chính phủ như DMV (Sở Giao Thông &Vận Tải), Thuế vụ (Franchise Tax board), Bưu điện (Post office)…  đều có computer thiết lập ở đây nên mọi vấn đề được giải quyết liền tại chỗ. Nạn nhân không phải đợi lâu lắc, không cần đến một địa điểm nào khác.

Tôi thấy tội nghiệp những người bị cháy hết giấy tờ, lo lắng không biết phải làm sao. Nó làm tôi nẩy ra một ý tưởng là ông nào bị vợ đì muốn thoát ra khỏi ách trâu cày thì tôi xin mách nước là cứ đốt nhà cháy rụi. Giấy chứng chỉ hôn thú sẽ bị thiêu hủy hết. Thế là xong. Mình sẽ trở thành người tự do,  không bị ràng buộc với Tổng Tư Lệnh của cuộc đời mình bằng cái tờ giấy vô tri vô giác nhưng có quyền lực mãnh liệt hơn Mao-Xì-Toóng.

Ta có câu: “Nhân chi sơ tính bổn thiện. Nhân chi già tính thành ác”. Trẻ con khi sơ sinh chưa biết nghĩ đến cái tôi của mình nên tính tình hồn nhiên. Một khi đầu óc biết nhận thức cái tôi của mình thì thái độ thay đổi: thứ nhất là cái tôi của mình quan trọng hơn cái tôi của người khác, và thứ hai của mình phải hơn của người. Đây là khởi nguồn của sự tham lam, ích kỷ.

Tôi có hai cô cháu ngoại: Ellie, 1 tuổi 9 tháng, và Natalia 1 tuổi 3 tháng. Cả hai cách đây mấy tháng còn là babies rất hồn nhiên vô tư lự, chơi chung đồ chơi với nhau. Thế nhưng hai tháng gần đây tụi nó bắt đầu tranh giành đồ chơi, đứa này giật của đứa khác, hét lên “Mine! (Của tao!)”. Chỉ hơn một tuổi mà chúng nó đã biểu lộ lòng tham, tranh giành của đẹp về mình, không muốn cho đứa khác.

Sự tham lam đó gia tăng từng ngày trong quá trình trưởng thành trở nên một người lớn. Đầy dẫy những người tham lam ích kỷ trong xã hội. Sự khó khăn là làm sao nhận diện được một người tham lam trong số người hiền từ, người vô liêm sỉ trong đám người tự trọng.

Mỗi lần có một biến cố, một thiên tai, xẩy đến thì sự phân biệt cá tính nhân loại thật dễ dàng. Tôi chứng cớ mặt thật xấu xa của con người qua biến cố di tản 30 Tháng Tư. Tôi thấy lòng tham của con người không bị hề hấn gì mà cũng xếp hàng xin tiền viện trợ ở trận động đất năm 1992 ở Simi Valley. Và lần này, ở Trung Tâm Trợ giúp Nạn nhân Hỏa hoạn, lại thêm một lần nữa tôi chứng cớ sự tham lam không đáy của vài người.

Một bà ở thành phố xa lắc xa lơ không bị ảnh hưởng của đám cháy lái xe đến đây xin tiền. Trung tâm này mở ra chỉ để giúp những nạn nhân của đám cháy Thomas thế thì tại sao bà ta đến đây? Bà  ta đưa ra lý do xin trợ giúp là vì khói của đám cháy bay đến thành phố của bà ta,  làm hại sức khỏe!

Thế mà người ta cũng cho bà ta $300 dollars tiền gift card, thẻ giá trị tương tự như tiền mặt nhưng phải đến tiệm cung ứng những thẻ này để mua hàng ở đó.

Trong tất cả các hội đoàn đến giúp đỡ, chỉ có Hội Salvation Army cho tiền gift card và voucher. Salvation Army -căn bản là nhà thờ- là một tổ chức thiện nguyện to thứ tư trên nước Mỹ, với tiền và đồ đạc, áo quần…, tư nhân hiến tặng vào năm 2016 trị giá là 1.9 tỷ dollars (to nhất là United Way với tiền hiến tặng là 3.87 tỷ dollars vào năm 2016).

Trung tâm này đã mở cửa được bốn  ngày nên tiếng đồn vang rộng trong dân chúng là Salvation Army cho gift card. Vì thế, hàng người ta chờ đợi ở bàn Salvation Army là dài nhất. Vì Salvation Army không ghi lại tên tuổi người đến xin vào computer, chỉ ghi trên giấy viết nên khó kiểm soát đã cho những ai.  Nhiệm vụ của tôi và vài người nữa là mời khách mới vào đến ghi danh ở bàn đầu tiên ngay cửa (bàn Salvation Army nằm ở bên trong), nhưng những người “mánh mung” này bảo tôi là họ đã có đến đây nên đi thẳng đến bàn của Salvation Army để xin gift card hay voucher.

Nếu tất cả mọi người trên thế giới đều có lòng tham lam, nếu những quốc gia trên thế giới đều do Kim Jong Un lãnh đạo, chắc chắn tôi là người đầu tiên uống độc dược quyên sinh, xin phép Sòng Sơn Tương Tế Hội chôn xác tôi ở nghĩa địa Bà Quẹo. Nhưng may thay, xã hội có nhiều người tốt hơn là kẻ xấu, lực rộng lượng vẫn còn đầy dẫy hơn lực tham lam : rất nhiều người khi tôi mời vào ghi danh, họ nói không đến xin gì hết mà chỉ muốn tặng tiền của cho nạn nhân hỏa hoạn.

Từ xưa đến nay, từ trẻ đến già, cho dù bất cứ điều gì bất hạnh xẩy đến, tôi không bao giờ than phiền với Thượng Đế là tại sao số tôi xui xẻo hơn người khác. Ngược lại, tôi luôn nghĩ số phận của tôi lúc nào cũng may mắn hơn rất nhiều người. Thấy tận mắt cảnh nhà cháy thành tro bụi, thấy nhiều người một sớm một chiều trở thành tay trắng, thấy tận mắt những nạn nhân hỏa hoạn bơ phờ như người mất hồn làm tôi tin tưởng tôi không sai trong quan niệm sống: tôi lúc nào cũng may mắn hơn người khác; nếu có dịp, tôi không bao giờ chần chừ giúp đỡ kẻ không may.

 
Nguyễn Tài Ngọc

http://saigonocean.com/index.php/en/

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,234,182
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến