Hôm nay,  

Còn Không Em, Những Hàng Me

06/12/201700:00:00(Xem: 12217)
Tác giả: Phan

Bài số 5283-19-31129-vb4120617

 
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới của là một tự sự gợi nhớ nhiều kỷ niệm.

 
 ***

1.
 

Tôi nhớ xa xưa lắm, năm tôi mười lăm, mười sáu tuổi. Một trưa hè tôi đạp xe về vùng quê thăm người bạn học. Tôi với nó đi tắm sông. Chỉ băng qua cánh đồng cỏ tranh không lớn đã tới sông rộng. Nhưng tôi thấy từng đàn tép bạc lội từng đàn, từng đàn dọc theo những bụi dừa nước ở ven sông. Tôi bảo cô em gái của bạn đang ngồi chơi trên bờ sông xem chúng tôi bơi đua… “Em về nhà lấy cái lưới ra đây cho anh. Tụi anh lưới tép bạc về ăn. Tép nhiều quá!”

Cô em đem ra sông cho chúng cái mùng cá nhân của lính ngày xưa vì cái lưới rách rồi. Ông nội chưa có rảnh để vá lưới…” Vậy mà chúng tôi cũng lưới được cả rổ tép bạc. Tưởng cô em sợ nắng bỏ về. Đâu ngờ chúng tôi về lại nhà, cô em đã bắc cái ghế đẩu cao để thắp nhang trên trang thờ. Em đã hái được một rổ lớn đọt lá me non của cây me thấp nhất ngoài vườn… Năm đó cô em mới mười bốn mà giỏi ghê. Loáng cái đã chia rổ tép ra làm hai, một nửa nấu canh chua lá me non; một nửa tép rang với mỡ, nước mắm, muối, tiêu, chút đường… mà ngon đáo để.

Với tôi đúng là được ăn một lần để nhớ một đời, vì đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được vị chua rất thanh của lá me non, thoáng chút vị chát của nhựa me trong lá non nhưng vị chát ấy làm ngây, the the đầu lưỡi nên muốn ăn hoài. Nước canh ngọt tép tươi, trong veo, mà lại thơm lừng mùi lá me. Chấm chút nước mắm mặn có giằm trái ớt cay cay thì ăn quên thôi…

Tôi cũng nhớ là lâu lắm rồi! Một hôm đi làm về, tôi thấy trên bàn bếp nào là cá câu chứ không phải cá mua chợ. Rồi thì bạc hà, đậu bắp, cà chua, rau ngò ôm xanh ơi là xanh, mùi ngò lan toả ra cả nhà thơm thoảng; trái thơm thì vàng tươi, ai lể mắt thơm khéo giống bà ngoại tụi nhỏ quá vậy ta? Không được trả lời mà lại bị giục đi tắm đi, rồi ra ăn canh chua cho nóng.

Nhưng khi thấy hiền nội nêm vào nồi canh chua một loại bột gì đó màu nâu nâu. Tôi cầm gói bột nêm ấy lên xem, hoá ra là bột me, có xuất xứ từ Thái Lan. Tôi hỏi: “Sao em không mua me vắt như trước đây? Ở Mỹ không có me trái thì chịu ăn me vắt thôi, nhưng dù gì nó cũng là me. Còn me bột này là me hay là hoá chất tổng hợp? Nghi ngại quá em à!”

Câu trả lời như câu trả lời chung của mọi người xa xứ thì biết làm sao! “Me vắt dạo trước còn mua được vắt me màu cánh gián. Mở ra có mùi me dốt nên còn dám mua, dám ăn. Bây giờ gói me vắt ngoài chợ đen xì, không biết họ đóng gói từ bao giờ, và có phải là me không nữa, chẳng có mùi lai gì hết, làm sao dám mua?”

Rồi thì cũng ăn chứ biết làm sao khi gia vị để chế biến thực phẩm châu Á nói chung, Việt nam nói riêng mấy chục năm trước còn khan hiếm ở Mỹ. Nhưng khi thấy một gói bột me thời hiện đại trên bàn bếp gia đình thì tâm lý mới đến mức ái ngại với hoá chất trong thực phẩm thôi. Không sợ quá như khi đi chợ, thấy hàng ngàn gói bột me trong cái thùng các tông to bằng nửa cái tủ lạnh với giá rẻ không ngờ. Một đồng ba gói, không biết có đủ tiền bao bì cho nhà sản xuất không nữa vì họ làm bao bì rất đẹp, tốt, rất vệ sinh… thì còn gì cho bên trong mới là cái cần dùng!

Sống với hoá chất mỗi ngày thêm một món mới trên bàn ăn rồi dần quen như quen dần với sợ hãi, nhưng vẫn không hết sợ. Như hôm đi chợ hơn trăm đồng, tôi được người đứng quầy tính tiền tặng không cho chai nước chấm xí muội. Nhìn thật đáng ngại vì còn nhớ hồi còn bên nhà là phải ra tiệm thuốc bắc mua xí muội về nhà ngâm, rồi tự chế biến. Cuối cùng là món hột vịt lộn chiên giòn chấm nước xốt xí muội thì xốt xí muộn mắc tiền hơn hột vịt lộn tới gấp hai ba lần.

Bây giờ người ta sản xuất số lượng lớn trong nước để xuất khẩu sang đây. Chưa biết chế biến bằng nguyên liệu gì thì cũng đã ngại với hoá chất bảo quản cho đừng bị mốc hay lên mem hư hỏng… Tôi cảm ơn nhưng từ chối không nhận. Bị người đợi tính tiền sau tôi mắng cho, “Chai nước chấm xí muội bốn, năm đồng bạc. Không ăn thì cũng lấy về cho người khác… Đúng là đàn ông đi chợ.”

Đàn ông đi đâu… thì cũng bị chửi thôi!

Đến hôm tôi đi chơi xa, ngủ nhà bạn. Bước vào cái nhà tắm, tôi có cảm tưởng về một gian hàng, một cái sạp bán mỹ phẩm ở chợ Tân Định, hay dọc đường Nguyễn Thông. Tôi nghĩ ngợi, vợ chồng bạn đương nhiên ở phòng lớn dưới nhà. Họ có hai con trai, thì một cháu đã đi học xa, chỉ một cháu sắp đi đại học. Bọn trẻ ngủ trên lầu. Vậy là chỉ một cậu thanh niên thôi mà ngần này mỹ phẩm. Mỗi ngày nó tự đầu độc, tàn phá chính nó với biết bao nhiêu là hoá chất!

Sống trong thời đại hoá chất này, dường như chúng ăn bất cứ thứ gì cho vào miệng cũng có hoá chất; đến trái táo hái ngoài vườn, ăn tươi nuốt sống trái táo chứ có chế biến gì đâu, gia vị gì đâu, thế mà hoá chất cũng có mặt trong phân bón, thuốc trừ sâu cho cây táo…

Nhớ lần ấy, tôi với vợ chồng người bạn trò chuyện khá nhiều về hoá chất trong thực phẩm chế biến, trong gia vị nấu ăn mà chúng ta xài hằng ngày. Nhưng cũng chỉ là chuyện trà dư tửu hậu thôi chứ lực bất tòng tâm. Lần ấy vợ chồng bạn đãi tôi món canh chua ếch, cô vợ lôi me dốt trong tủ đá ra để nấu. Cô nói, em đem từ Việt nam về Mỹ, và để dành trong tủ đá để ăn dần. Chứ ăn me bột Thái Lan thấy sợ sợ vì không biết họ làm bằng cái gì mà chợ nào cũng đổ đống, bán với giá rẻ bèo càng khiến nghi ngại hơn…

 
2.

 
Bao nhiêu năm rồi tôi mới được cầm lại trên tay mình trái me dốt còn vỏ. Tuy nó đông đá như kỷ niệm đóng băng về thời đi học ở Sài gòn. Ngày nào tôi chả bắn me trong Sở thú bằng cái ná cao su, mấy cô bạn nhỏ bên trường Trưng Vương thì lúc nào chả có sẵn muối ớt trong cặp táp. Đúng là từ bé đã thích chua cay…

Cái món ấy nó chỉ mặn khi nhớ về những hàng me ở Sài gòn vào một sáng mùa đông viễn xứ như sáng nay. Người Hà nội thường nhiều kỷ niệm với cây hoa sữa, cây cơm nguội vàng... nên mới có lời nhạc, “Hà nội mùa này vắng những cơn mưa/ cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh/ hoa sữa thôi rơi em bên tôi một chiều tan lớp/ đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…” Hay trong bài “nhớ mùa thu Hà nội” thì lời nhạc cũng thiết tha êm đềm không kém, “Hà nội mùa thu/ cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/ nằm kề bên nhau/ phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”

Tôi chỉ là người khách vãng lai trên quê hương mình khi đi ngang qua Hà nội. Những lúc dừng chân ngắm phố phường cũng xúc động nhiều khi hình dung ra cha mẹ mình với một thời tuổi trẻ ở đây. Họ cũng đi học chung lớp chung trường thì mới quen biết nhau, rồi tình yêu đến khi cây bàng lá đỏ mà thành vợ chồng để bồng bế con thơ bỏ xứ đi nam. Biết bao nhiêu thổn thức trong lòng cha mẹ khi nhớ về Hà nội với cái rét đầu đông, hoa sữa thôi rơi, ta đi bên nhau một chiều tan lớp…

Như tôi giờ đây đang nhớ quá đi thôi về những hàng me ở Sài gòn với cái rét đầu đông len lỏi vào tuổi đời đã mốc meo một xó xa quê. “Có từ bao giờ hàng me xanh ngát/ mà nay đứng đó cho em làm thơ/ con đường ta qua đến nay bao tuổi/ em qua trăm buổi em lại nghìn lần/ mà sao bối rối khi cầm tay nhau…” Cái gì cầm lên được đã khó, bỏ xuống càng khó hơn, nhất là đã cầm được một bàn tay bối rối mà vụt mất thì tiếc trọn đời này.

Tôi không phải người gốc gác ở Sài gòn vì cha mẹ tôi là người di cư. Nhưng tôi sinh đẻ ở Sài gòn, (cũng như những người bạn trẻ Việt nam sinh đẻ ở Mỹ. Khi nhỏ thì họ bảo họ là người Mỹ; lúc trưởng thành thì họ bảo họ là người Mỹ gốc Việt; về già họ tự nhận họ là người Việt. Đó là tôi suy nghĩ riêng về cô cháu gái của tôi, sinh năm 1976 ở Mỹ.

Cô dứt khoát cô là người Mỹ cho đến sau đại học, có bạn trai, tôi mới nghe cô cháu nói câu: bạn trai của cháu là người Mỹ gốc Đức như cháu là người Mỹ gốc Việt vậy! Rồi bây giờ đã ngoài bốn mươi mới mày mò học tiếng Việt… để cháu dạy cho con của cháu… vì mình là người Việt mà chú!)

Như tôi cũng thường nghĩ từ bé, tôi là người bắc hay người nam với suốt thời còn bé tôi hầu như không ăn cơm nhà vì không thích khẩu vị mấy món bắc của bà vú nấu cơm cũng là người bắc. Bà nấu canh chua mẻ là tôi biến sang nhà hàng xóm ăn ké canh chua me. Nên tôi hiểu suy tư của trẻ Việt sinh ở Mỹ qua chính suy tư không biết mình là người bắc hay người nam của chính tôi. Chỉ khi qua Mỹ tôi mới bớt suy tư với ý nghĩ mới: Luôn nhớ mình là người Việt là được rồi!

Nhưng nỗi nhớ Sài gòn lại bằng cảm thức của một người được sinh ra, sống ở thành phố đó suốt thời tuổi trẻ. Nên Sài gòn trong máu, Sài gòn trong tim, chỉ riêng những hàng me thôi đã bất tử rồi! Dù me nghe còn tầm thường hơn cóc, ổi. Bởi tuổi nhỏ không tiền mua cóc, ổi để ăn thì mới bắn me bằng ná cao su.

Me vậy đó, me cao đến chói loà những tia nắng khắt khe xuyên qua lá cành để thử thách người bạn nhỏ săn me, me cũng biết đau khi trúng hòn sỏi nhỏ, nhưng me rụng nhẹ hều trên cỏ thảo cầm viên cho tuổi thần tiên vui. Me không lộng lẫy cao sang như xoài hương, măng cụt… Nhưng chua, cay với me một đoạn đời mới thấm thía muối mặn niềm thương nỗi nhớ về sau.

Như bạn nhỏ tên Lan, tên Huệ lại ít nhớ hơn con Síu chị vì có Síu em nữa mới mỗi người một vẻ làm ta nhớ hoài, rồi mới nghĩ ra: tên đẹp đâu có gì mắc mớ tới người đẹp. Cây tên đẹp như cây tùng, cây bách, cây thông làm sao đẹp bằng cây me ở Sài gòn? Tùng, Bách như hai ông già, thông ốm nhách như cây đũa. Trong khi me đẹp tự nhiên với thân đều mạnh mẽ, không cao gầy như cây dầu - thả cánh dù xoay tít đến chóng mặt nhìn theo, không thì cũng vấp ngã vì tranh nhau chộp từ trên không những trái dầu xoay rụng khi trời gió…

Me không lùn tịt như cây bần, cây mắm nhà quê, vỏ cây me cằn cỗi gió mưa như hiệp khách giang hồ, rêu xanh mởn phía cây không có nắng. Mặt giáp đời tàn tật vết đinh do người ta đóng những quảng cáo vặt thiếu lương tâm với cây mà me cũng không giận hờn gì. Tàn cây me không dầy như tàn cây măng cụt, lại không lưa thưa như cây buồn nhất trên đời là cây sầu riêng.

 
3.

Me đẹp tự nhiên hơn khối loài cây, lại trồng nhiều ở những vỉa hè Sài gòn, thấp thoáng những ngôi biệt thự xây kiểu Pháp ẩn hiện với những hàng me, làm cho Sài gòn đẹp mà ít có ai kể công những hàng me, me cũng không buồn. Me chỉ đứng đó cho em làm thơ hết đời này qua đời khác. Đâu đó có lời nhạc “chia tay trong đêm mùa hè/ gió nói gì với hàng me…” Cánh văn nghệ sĩ không coi trọng những hàng me ở Sài gòn là một đáng tiếc dữ lắm! Cũng có câu nghe được được một chút, “con đường có lá me bay/ chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…”

Ôi, những hàng me ở khu quận ba, quận nhất, khu trường Gia Long còn không em? Dốc Cường Để me già nên me điên. Người nói câu ấy giờ nơi đâu, nhưng chắc chắn người nghe nhớ lắm; nhớ mấy bác me già luôn đồng lõa với gió và con trai sau mưa. Cứ đợi đúng lúc người ta đi qua thì rớt mấy hạt cho ướt áo dài chơi, cho con gái nhăn nhó chơi, cho con trai thắc mắc chi với mấy giọt mưa rơi không chỉ điểm mà điểm chỉ không thể không thắc mắc!

Ôi những hàng me bầu bạn với tuổi học trò, người bán hàng rong, khung cửa sổ nhà ai quên khép làm nhớ hoài những chiếc lá li ti trên tóc người ngồi đánh đàn thùng tới ngẩn ngơ lão me già, thằng canh me nhỏ. Rồi tuổi nào ngồi trên yên xe, dựa gốc cây me mà nghe tiếng dương cầm từ vuông cửa nhớ vọng xuống đời dài chi lê thê… khi vuông cửa còn đó, tiếng đàn còn đâu! Để một mình qua phố hay cũng là đi lại dưới những hàng me, chợt bâng khuâng mùa về khi những hàng me ở đường Nguyễn Du, Hồng Thập Tự ngả màu thay lá. Tất bật vui cho hết mái đầu xanh như những tàn me khoác lá mới để quên đi những kỷ niệm buồn như cây me ngủ chiều, cánh chim trốn vào đêm, vạt nắng cuối ngày không biết ngày mai có còn gặp lại?

Còn không em những hàng me nơi chúng ta thường hẹn. Hay chỉ còn trong ký ức mùa đông về những hàng me ở Sài gòn; chỉ còn huyễn hoặc trong tim mình…

Phan

 

Ý kiến bạn đọc
08/12/201707:50:16
Khách
Một bài viết tuyệt vời. cám ơn tác giả Phan đã cho người đọc cảm nhận 1 cách dầy đủ, sâu lắng về tình yêu với quê hương Việt Nam mình qua kí ức với hương vị đằm thắm của những trái me xanh SG. Có lẽ với 1 tình yêu đích thực dành cho đất mẹ Việt nam thì không có ranh giới nào giữa VN cộng sản hay VN công hòa. Xin cảm tạ tác giả một lần nữa.
07/12/201716:18:46
Khách
Độc giả Khách: đối với bài này, nhắc anh quên sự tự nguyện không trả công của anh trong nhiều bài viết củaq các tác giả khác trước đây là hùng hổ đem tiêu chuẩn Viết Về Nước Mỹ ra để bài bác, chỉ trích vì hó ̣ không đáp ứng tiêu chuẩn Viết Về Nước Mỹ; trong khi bài viết này thì anh rên rỉ "buồn mà muốn phát điên" và cuối cùng hân hoan "thán phục và cảm tạ'. Thế mới biết "lưỡi không xương nhiều đường lắt léo".
Bài của tác giả Phan viết hay, tôi không chỉ trích. Chỉ muốn nói đến thái độ ném đá không suy xét của một số độc giả.
Sau lời phản hồi này tôi sẽ không tranh luận thêm nếu Khách gân cổ cãi chày cãi cối.
07/12/201713:04:12
Khách
chỉ có cây me mà ông Phan diển tả tất cả nổi niềm của nhửng kẻ tha hương nhớ lại bao kỷ niệm ấu thơ , đọc buồn mà muốn phát điên . Cám ơn có nhửng người nội tâm vượt qua không gian và thời gian để ghi lại nhửng khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời . Thành thật thán phục và cảm tạ
06/12/201719:23:27
Khách
Năm 1954 tôi ở tuổi 12, cùng di cư với cha mẹ vào Nam Kỳ. Tôi ở Sài-Gòn cho đến ngày bỏ nước ra đi năm 1980 nên có nhiều kỷ niệm không thể kể hết. Tôi xin phép được trích mấy câu cuối của bài thơ "Sài Gòn và Tôi" 80 câu nằm trong Phụ Lục quyển "Tiếng Việt Đáng Yêu".
. . . .
Sài Gòn chứng kiến Pháp trả Độc Lập cho nước ta,
Tưng bừng thành lập chào đón nền Cộng Hòa.
Cuối tuần, trên mấy công viên, các dàn kèn đồng hòa nhạc,
Buổi tối, mấy rạp lộ thiên, nghệ sĩ diễn kịch ca hát.
Riêng tôi, một học sinh sống xa mẹ cha,
Để có tiền tiêu thêm nhiều tối kèm trẻ ở khu vi-la.
Mười giờ ra về thanh vắng,
Hàng me và cây dầu cao bên đường làm bạn.
Bên bóng đèn điện những con dế lượn quanh,
Từ radio nhà ai văng vẳng tiếng ngâm thơ 'Tao-Đàn'.
Thỉnh thoảng có người cỡi xe ngược chiều vội vã,
Hay đôi tình nhân dìu nhau đi trên lề đường thong thả.
Miền Nam thanh bình,
Sài-Gòn đẹp xinh.
06/12/201716:41:42
Khách
Bài viết nhẹ nhàng nên thơ thâm thuý. Tác giả đã cho ăn hàm thụ canh chua tép tươi với lá me non chua chua, lại còn dẫn đưa người đọc về những con đường kỷ niệm với hàng me xưa cũ của một thời đã qua....ở SàiGòn.
Thật tuyệt vời diệu kỳ!!
Chợ VN ở Mỹ lúc nào cũng có bán me ngọt nguyên trái còn vỏ, ở trong hộp của Thái Lan. Tuy nhãn hiệu đề là ngọt, nhưng vị của nó vẫn xen lẫn vị hơi dốt chua, nấu canh chua hay lẫu rất thơm ngon y như me chua ở Việt Nam vậy.
Xin cám ơn tác giả một bài viết thật hay.
PTKD
06/12/201714:29:00
Khách
Tôi lớn lên ở SG ,nên kỷ niệm với SG nhiều ngút ngàn nỗi nhớ. Con đường Nguyễn Trung Trực ngày xưa có hai hàng me giao đầu nhau thì thầm suốt bốn mùa là tuổi thơ thần tiên của chị em tôi. Những cây me cổ thụ nầy không với tới nên không được ăn đọt lá me nấu canh chua, nhưng trò chơi con gái thì cho tới đầu bạc chưa quên, đó là lượm những bông me hình sao có lổ nhỏ như lổ kim, xâu thành vòng đeo tay, còn me chín thì rụng đầy vĩa hè tha hồ lượm :-) cám ơn TG nhắc lại một thời khó quên.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Iris Đinh là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông"
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Nhạc sĩ Cung Tiến