Hôm nay,  

Mẹ Tôi Bị Nghẹt Tim

20/11/201700:00:00(Xem: 15213)
Tác giả: Phạm Thị Kim Dung

Bài số 5274-19-31118-vb9112017

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh  sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.

 
***
 

Một ngày vào cuối tháng chín vừa qua, hôm ấy mới hơn 7:00 pm giờ chiều mà ngoài trời đã bắt đầu thấy sẫm tối.  Bỗng điện thoại nhà tôi nhấp nháy reng chuông, liếc nhanh thấy tên cô em Út, hơi ngạc nhiên vì cô em này ít khi gọi tôi (chị cả) vào buổi tối, thường thì cô em hay gọi cho tôi vào buổi sáng thì cả hai chị em đều rảnh.  Trong đầu thì nghĩ vậy, nhưng tay tôi vẫn vội vàng nhấc máy lên, em tôi nói cho tôi nghe với giọng hớt hải hoảng sợ...

“Chị ơi!  Mẹ mới bị ngã, than khó thở và đau thắt ở trên ngực lắm”

Hai ngày trước tôi nói chuyện điện thoại với bà ngoại các cháu, cũng có nghe bà nói hơi khó chịu ran ran ở phần ngực, nên khi nghe thấy vậy, tôi hoảng hồn, cảm thấy không ổn rồi, nên nói với cô em.

“Nói cô Hoàng (cô áp út) gọi Trung Tâm 911 đưa Mẹ đi bệnh viện ngay bây giờ đi em”

“Mình chở Mẹ đi được không chị?”  Cô em Út hỏi tôi.

Chắc cô em Út tôi nghĩ, bệnh viện gần nhà quá mà, mình tự chở người bệnh đi cũng mau và tiện nữa.

Vì đã có kinh nghiệm một lần bị đi cấp cứu rồi, nên tôi phải cố nói giọng lớn hơn, như cốt ý nhấn mạnh là hãy gọi Trung Tâm 911 để được giúp đỡ nhanh chóng hữu hiệu hơn. Tôi bảo:

“Đây là trường hợp khẩn cấp phải gọi ngay Trung Tâm 911 để họ cho xe cứu thương đến chở, thì mình được vào thẳng phòng cấp cứu (Emergency) của bệnh viện ngay, nếu mình tự đi đến thì phải chờ ở ngoài phòng đợi để làm thủ tục giấy tờ một hồi, rồi người bệnh mới được vào phía bên trong”.

 Chúng tôi mở speakerphone khi đàm thoại, để mọi người đều nghe được.

Vừa ngay lúc đó, nghe thấy tiếng cô em Hoàng đang bắt đầu nói chuyện với đường dây 911 bằng điện thoại nhà, còn chị em chúng tôi thì đang dùng cellular phone.  Và vài phút sau đó nghe có tiếng còi hú thật lớn của xe cứu thương đã đến nhà của cô em tôi, để chở Mẹ tôi đi vào bệnh viện.

Cô em Hoàng đã lái xe riêng, chạy theo xe cứu thương để tới bệnh viện ở gần nhà.

Em đã ngồi ở ngoài phòng đợi Emergency một hồi, thì có cô Y Tá ra cho hay là:

Mẹ tôi đã được chụp hình đầu, chụp hình xương ngang bên hông, xương không bị gãy hoặc hư hại gì hết.  Mẹ tôi kêu đau trên phần ngực nhiều lắm, Bác Sĩ chuyên khoa tim đã khám và định bệnh, Mẹ của tôi bị nghẹt tim 90%, chỉ có 10% cơ hội sống còn.  May mà đến bệnh viện kịp thời để chữa trị, nếu để chậm trễ lâu hơn nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng.  Đợi nếu phẫu thuật có kết quả khả quan, (stent) mạch vành đặt vào hợp thì tốt, bằng ngược lại, sẽ phải dùng đến phương pháp mổ tim.

Phẫu thuật sẽ được làm vào tối ngày mai.  Y Tá đã lấy nhiều máu để thử nghiệm cho Mẹ tôi.

Thấy mọi sự đã tạm ổn vững tâm hơn, em tôi mới rời bệnh viện, trở về nhà đã thì đã hơn 1:00 am giờ sáng của ngày hôm sau.

Cô Hồng (cô thứ tư) đã có mặt ở bệnh viện để thay ca cho em Hoàng săn sóc Mẹ.  Mấy chị em chúng tôi tuần tự thay phiên nhau để lúc nào cũng có người ở trong bệnh viện với Bà Ngoại cho yên tâm.  Mẹ tôi rất vui và cảm động lắm, khi thấy mấy cô con gái cứ tự nhận việc để vào bệnh viện, cô thì ở qua đêm, cô thì vào ca ban ngày 5, 6, 7 giờ đồng hồ, chứ không phải chia phiên ra, hay là tị ngạnh nhau.  Lại còn có anh em và cháu chắt đến  bệnh viện để thăm hỏi nữa.  Đó cũng là một niềm an ủi quý hiếm.

Mẹ tôi có một ông anh, vợ chồng em trai và cô em chồng cũng ở Miền Bắc California San José, nên thỉnh thoảng vẫn thăm viếng nhau, hoặc gọi điện cho nhau luôn.  Hồi mà chị dâu của Mẹ còn sinh thời, hai chị em rất quý mến nhau;  Tôi còn nhớ ngày bác ra đi, Mẹ tôi buồn nhớ thương, khóc hết nước mắt.  Thấy cô của tôi rất kính mến Mẹ, từ hồi xưa đến giờ hai người thương nhau như chị em ruột, chúng tôi mừng vui lắm, bởi cô là người ruột thịt duy nhất còn lại trong gia đình bên nội của tôi, bác cả và ba tôi đã mãn phần lâu rồi.  Mẹ thường hay nhắc nhở chị em tôi đừng quên đi thăm viếng biếu xén những người bậc trên cha chú vào trước những ngày Tết Nguyên Đán, và hãy noi gương sáng của Ông Bà Ngoại, bớt nhắt chút ít tiền làm việc bác ái cho những người khốn khó hơn ta, như Mẹ vẫn luôn nhớ lời dạy dỗ của Ông Bà.

Việc mà Mẹ tôi thường hay nhắc nhở chị em chúng tôi là phải trên kính, dưới nhường.  Thương yêu và hãy tha thứ cho nhau.  Cố gắng tạo dịp để thăm gặp nhau thường xuyên hơn, bởi vì “Đường lâu ngày không đi, sẽ mọc đầy cỏ dại...”

Đây là lần đầu tiên chị em chúng tôi mới cảm thấy có một nỗi lo âu rất lớn, Mẹ của chúng tôi đã phải vào trong bệnh viện để chữa bệnh.  Bởi hơn 20 năm sống trên đất Mỹ, được 84 tuổi thọ rồi, đây là lần đầu tiên Mẹ tôi mới phải vào bệnh viện điều trị, thông thường Bà Ngoại chỉ đi Bác Sĩ gia đình hoặc Bác Sĩ chuyên khoa thôi.

Vào buổi tối ngày hôm sau, Y Tá đẩy cả giường của Mẹ tôi vào phòng mổ, lúc ấy có cô em thứ tư của tôi và mấy cô cậu nữa đang chờ ở ngoài gần phòng mổ khoảng chừng 2:00 giờ đồng hồ thì có một vị Bác Sĩ ra vời cô em thứ tư của tôi lại, và Ông báo tin cho biết là phẫu thuật đặt những bong bóng vào trước để nong mạch “khơi thông” lòng mạch, rồi kế đó đặt 2 cái (stent) mạch vành đã hoàn tất.

Mẹ tôi sẽ được đẩy về phòng riêng sau khi báo tin cho người nhà, và họ bảo ở bệnh viện có Y Tá thường trực ban đêm, nhưng nếu người nhà muốn thì có thể ở lại qua đêm để tỏ lòng thương yêu ân cần với người thân cũng tốt.

Chúng tôi tạ ơn Chúa nhân lành đã gìn giữ Mẹ tôi sớm tối, đã ban cho Mẹ của tôi gặp thầy gặp thuốc.  Cám ơn tất cả Bác Sĩ, Y Tá đã cứu chữa cho Mẹ tôi qua khỏi cơn nguy hiểm “Thập tử nhất sinh”.

Ngày hôm sau, tôi đến bệnh viện để thay ca cho cô em kế tôi (cô thứ hai), vào lúc 2:00 pm chiều, vừa đến được một chút là có Y Tá đến thăm bệnh cho Mẹ tôi.  Bệnh viện này chăm sóc rất kỷ lưỡng, cứ khoảng 15-20 phút là có Y Tá đến hỏi han, đo áp huyết, phát thuốc, nhưng họ muốn nhìn thấy người bệnh uống thuốc ngay lúc có mặt họ.  Cô Y Tá còn đỡ giúp Mẹ tôi đi tiểu tiện hay đại tiện ở ngay trên giường hoặc trên cái bô có ghế ngồi họ để ngay cạnh cái giường nằm, không phải đi bộ vào phòng vệ sinh, vì nếu cử động nhiều thì nó đau lắm.

Cô Y Tá hỏi Mẹ tôi “Từ số 1 tới số 10, bà còn đau số mấy?”.  Tôi đã thông dịch cho Mẹ tôi như vậy.  Mẹ tôi đã tự đưa 6 ngón tay lên ra dấu (ngày hôm qua thì đau số 7-8).  Cô Y Tá gật đầu bảo như vậy là tốt.  Cô Y Tá dặn dò thật kỹ, là nếu Mẹ tôi có cần gì thì cứ dùng máy bấm cột ngay ở cái thành giường, là sẽ có Y Tá lại giúp ngay.  Y tế ở xứ Mỹ này thật tuyệt vời, các Bác Sĩ làm việc giỏi, cứu giúp bệnh nhân của mình thật tận tâm tận lực, Y Tá thì vui vẻ cởi mở với người bệnh và cả người nhà của họ.  Bệnh viện thì sạch sẽ, đầy đủ máy móc tiện nghi, làm cho mọi người đều thấy thoải mái an tâm, cũng như khi có thắc mắc điều gì về bệnh trạng của người thân, chúng tôi đều được giải thích tỉ mỉ.

Tôi thắc mắc về bệnh tim của Mẹ tôi, nên vào mạng để tìm đọc thêm, được biết là đặt stent giúp tim cải thiện lưu thông máu và phòng ngừa vỡ động mạch.  Tôi đánh chữ “Stent” là màn ảnh IPad của tôi hiện lên rất nhiều chi tiết cần, để tìm hiểu thêm về trái tim đã bị đặt stent.

Tôi ở trong nhà thương 6 giờ đồng hồ, thấy Mẹ của mình thỉnh thoảng vẫn kêu đau nhói, nhất là mỗi khi quên, lỡ cử động mạnh thì đau lắm, thấy xót thương quá, nhưng chẳng làm được gì để đỡ cái đau này cho Mẹ, chỉ biết an ủi và dỗ dành như khi xưa mình bị trái nắng trở trời, cũng được Mẹ của mình cưng chiều dỗ dành như vậy.  Tuy là Mẹ tôi được cứu chữa kịp thời, nhưng lúc nào các con của Mẹ cũng vẫn phập phồng lo âu.

Mẹ tôi kể lại cho tôi là, khi Mẹ vừa mới lên xe cứu thương là họ đã gắn đầy dây nhợ ở phần ngực và cho ngậm thuốc giảm đau ở dưới lưỡi.  Còn sau đó thì không còn nhớ gì thêm nữa.

Tự dưng Mẹ tôi thích kể lại chuyện xưa cho tôi nghe...

“Tên các con, toàn là Ba đặt đó, Mẹ chả có ý kiến gì hết”

“Tại sao Ba đặt con tên như vậy hả Mẹ?”  Tôi đã hỏi Mẹ.

“Mẹ tôi mỉm cười rồi nói, hồi ấy cả nước, ai ai cũng mê chuyện kiếm hiệp của KD, lúc ấy tôi đang mang thai cô đó.  Ba cô đã bảo trước rồi, mình sanh con trai hay con gái cũng đặt tên là KimDung!!”

Tôi giả vờ để làm trò cho Mẹ vui, mà quên đau.

“Ối giời ơi! Tên mình nổi tiếng như vậy mà mình hổng biết chớ....hi.hi.hi!!”

Cả hai Mẹ con cùng cười tươi như hoa... những giây phút này hạnh phúc quá thì thôi..

Mẹ tôi rất hãnh diện là đã thi đậu Quốc Tịch Mỹ gần mười tám năm nay. Tôi khen Mẹ giỏi và may mắn quá!

Mẹ tôi cải chính, chẳng phải giỏi, hay may mắn không thôi đâu cô hai à, thật tình là...nếu..

“Muốn ăn, thì lăn vào bếp” cũng là nhờ quý Thầy Cô người Việt Nam tận tâm, tình nguyện dạy miễn phí ở Trường Việt Ngữ, Mẹ cố gắng đi bộ chung với mấy chị bạn đi đến trường học mỗi buổi chiều để học.  Thầy Giáo đã giúp luyện tập và khảo bài cho mọi người rất nhiều lần thật kỹ càng.  Mẹ cũng phải ráng chịu khó học thuộc làu 100 câu, đến ngày đi thi trả lời được cho người hỏi mình là họ cho đậu ngay.  Bởi vì, có thi đậu bằng Quốc Tịch Mỹ, Mẹ mới được hưởng mọi quyền lợi của người công dân Mỹ, và được lãnh tiền già đầy đủ”..

Trong thâm sâu, thật tình tôi nể và khâm phục Mẹ tôi nhiều lắm, bởi Mẹ tôi chỉ biết nói và viết có vài chữ Anh Văn thông thường tôi, sao mà học lại thi đậu được cái bằng Quốc Tịch Mỹ, kể cũng tài quá chứ?

Nằm điều trị trong bệnh viện ba ngày, sau khi về nhà, ngay hôm sau bệnh viện đã gởi hai người Y Tá đến nhà chăm sóc cho Mẹ tôi.  Một người thì đo tăng xông, hỏi han về thuốc men đang uống, và để ý xem độ đau ở lồng ngực còn đau cỡ nào;  Còn một người nữa thì giúp Mẹ tôi tập các động tác thể dục nhẹ thôi.

Hiện tại Mẹ tôi đi khám Bác sĩ gia đình, Bác Sĩ tim và Bác Sĩ chuyên môn giúp xin thêm giờ take care, và văn phòng Bác Sĩ này cũng xin cho người đến giúp đo tăng xông và tập thể dục để cử động cho máu huyết lưu thông.  Cũng rất may là Mẹ tôi vẫn còn đi lại những bước chầm chậm trong nhà, chỉ yếu hơn một chút, như lúc chưa bị tim làm cho gừn giựt người tự nhiên quỵ ngã xuống, bây giờ chỉ còn làm được những việc vặt thông thường nhè nhẹ giúp cho chính mình.  Bác Sĩ khuyên Mẹ tôi nên giảm bớt căng thẳng, giảm cân xuống, Mẹ tôi vẫn phải uống thuốc hạ áp huyết, thuốc Aspirin theo đúng chỉ định liều lượng mà Bác Sĩ đã cho toa để đi mua.

Tuy là Mẹ tôi bị bệnh bất ưng, phải đi vào bệnh viện cấp cứu, nhưng cũng may, chúng tôi vẫn còn may mắn để tổ chức tiệc Sinh nhật thứ 84 cho Mẹ tôi vào (Oct 14-2017) như đã định ngày trước lúc bị bệnh.  Tất cả đại gia đình con cháu, chắt và ông Anh kế của Mẹ tôi quây tụ lại để chúc mừng sinh nhật người vừa thoát khỏi cơn hiểm nguy..

Thứ bảy (Nov 04-2017) vừa qua, tôi ghé thăm Mẹ tôi và cũng để đưa thuốc đã mua dùm cho Mẹ.  Tôi biết Bà Ngoại các cháu thích ăn bánh dầy giò chả, nên tôi đã ghé mua để hai Mẹ con cùng ăn.  Thấy Mẹ khen ngon, tôi liền nhường phần của tôi cho Mẹ để dành đến chiều ăn thêm;  Tôi viện cớ tự nhiên lại thích mì kim chi ăn liền cho có nước dễ ăn lại ấm bụng.

Cho đến hôm nay đã hơn một tháng bị bệnh, độ đau ở trên phần ngực đã thuyên giảm rất nhiều, Mẹ tôi nói chỉ còn đau số 1 hoặc số 2 thôi, người thì yếu đi chút xíu, nhưng giọng nói phát âm vẫn rõ ràng mạch lạc, những vết bầm tím to trên hai cánh tay và cổ tay của Mẹ tôi, do kim đâm để sẵn mà chuyền thuốc, phòng khi bất cứ lúc nào cần dùng đến là có ngay, bây giờ thì những vết thâm bầm đó đã mờ bớt nhiều rồi.

Sau lần bệnh đi cấp cứu về lại nhà, tôi thấy Mẹ tôi có phần nào thay đổi..  Rất ngạc nhiên khi thấy Mẹ tôi gọi điện thoại và muốn cho tôi hết những nồi chảo, máy xay sinh tố, nồi cơm điện, và cái tủ lạnh nhỏ.  Mặc dù, đồ đã dùng rồi nhưng Mẹ tôi tiếc của cất giữ đã lâu, nhưng trông thấy còn rất mới.  Tuy tôi không cần, nhưng tôi vẫn nhận lời lấy tất cả những món đồ cũ mà Mẹ chỉ muốn cho một mình tôi thôi.  Sau đó tôi đưa cho người nào mà cần nó.  Tôi cố ý muốn giúp Mẹ tôi buông bỏ đi được những thứ không thiết dụng vào lúc này.

Đa số người lớn tuổi tưởng là trí nhớ của mình vẫn còn minh mẫn thông suốt, nhưng thực ra không phải vậy.  Mẹ của tôi, khi dọn từ nơi Mobile-home về ở chung với các con,  ở nhà con nào cũng than là mất đồ này “Ngâm vố” đồ kia lỉnh kỉnh, thoạt đầu mấy cô em tôi cũng buồn phiền, hoặc Mẹ tôi than vãn, diễn tả kể lể điều gì hơi trệch đi một chút là ý của nó đã khác hẳn rồi.  Mới đầu thì chị em chúng tôi không hiểu, nhưng dần dà về sau này đã tìm hiểu và nghe trên đài Bác Sĩ tâm lý chia sẻ giảng giải cho độc giả thì mới hiểu thêm được là, người già lớn tuổi cái ngăn trí nhớ mỏng đi, lúc quên lúc nhớ lẫn lộn, chứ không phải cố ý muốn như vậy.  Tuổi già mà lại thêm đau yếu, tự nhiên tâm tính cũng đôi khi đổi thay, bẳn gắt khó chịu.  Phận làm con cũng phải nhẫn nại chịu đựng, thông hiểu để mọi bề được yên vui.

Còn nhớ cách đây khoảng mười năm, khi dọn về ở chung với cô em kế tôi, cái vườn cây kiểng của Mẹ tôi thì nhiều hết biết, phải hai chuyến xe cỡ vừa mới chở hết cây cối.  Người ta vào tận Mobile-home để mời dụ mấy người già mua cây, chở đến nhà dùm, nên mấy bà thích lắm, mỗi thứ cây kiểng mua cả cặp hoặc hai cặp, nhiều loại cây lắm;  Chưa kể tới các cây kiểng, cây hoa nào mà dễ trồng, các Cụ ngắt ra, trao đổi cho nhau, rồi dâm xuống vào cái chậu khác, cho có thêm nhiều các chậu kiểng nữa, để mỗi buổi sáng khi tụ họp bạn thì có nhiều chậu kiểng mà khoe với nhau cho vui tuổi lá thu phai.

Rồi một thời gian khoảng vài năm sau, bất chợt Mẹ tôi bảo muốn cho nhà tôi hết tất cả những chậu lan cây trúc ấy.   Cả nhà ai cũng lấy làm lạ, ngạc nhiên quá, tôi mới dọ hỏi, thì Mẹ tôi cho biết là Mẹ làm biếng không muốn tưới cây nữa, nhiều quá tưới không xuể, phần thì hạn hán, dùng nhiều nước quá sợ bị phạt.  Mấy cô em muốn xin một hai cây quý đẹp cũng nhất định không cho ai, chỉ muốn cho tất cả toàn bộ những cây này vào tay một người đang thích chăm bón tỉa cành đấy thôi.

Chúng tôi “Vâng lời, hơn của lễ”, hân hoan vui vẻ xin nhận hết những chậu cây Mẹ tôi muốn tặng cho nhà tôi, và chở ngay về nhà mình, không thôi nhỡ Mẹ đổi ý thì sao.  Khi chúng tôi chở tất cả cây cối hoa lá về nhà mình, để vào cái sân bên cạnh nhà mới thấy sao mà nhiều cây quá, đầy ngập cả cái sân thật rộng.  Tôi nhất định phải tự mình đếm cẩn thận từng chậu cây một, để biết rõ là bao nhiêu chậu.  Chao ơi!  Chính xác là 348 chậu cây to và nhỏ, có khoảng cỡ mười mấy cây nha đam.  Bây giờ, lộc vô hết kho nhà “Quan” là của quan rồi, quan muốn làm gì thì tuỳ ý quan.  Phải không cơ??  Chúng tôi giữ lại khoảng hơn mười chậu cây, còn bao nhiêu chúng tôi mời chào trong gia đình ai thích chậu nào, thì cứ tự nhiên đến bưng về, có một số thì chúng tôi đã phải vất bỏ thùng rác.  Thế là cả nhà đều vui mừng, bởi có người đã chịu nhận dẹp đống cây kiểng tốn kém nước và mất thời giờ ấy đi.  Mẹ tôi cũng rất vui, vì hàng ngày không phải khổ công tưới cây hết mấy giờ đồng hồ nữa.

 

*

Liếc nhìn qua cửa sổ ở phòng ăn mà hai Mẹ con đang ngồi, Mẹ nhắc nhở tôi là phải ra về khi trời còn sáng, đừng để khi trời chiều ngả màu tối om rồi mới đi về thì Mẹ tôi lo lắng. Trước khi chào Mẹ tôi để ra về, tôi đã ôm Mẹ thật chặt và thật lâu, như ngầm nói rằng, tình mẫu tử luôn bất diệt trong tôi.  Và hôm nay đây, ngoài phân nửa tình thương tôi dành cho Mẹ, tôi nhẩm lòng sẽ nhỏ thêm vài giọt màu hồng cho tình mẫu tử của tôi thêm ửng hồng lên cho đều;  Như tâm hồn tôi, đã chỉ nhỏ thêm cho Ba tôi những giọt màu xanh..xanh lá dứa vào thuở xa xưa ấy.

Những ngày Mẹ tôi nằm trong bệnh viện, thì mỗi buổi tối cô em tôi phải kiểm soát lại những cửa sổ, cửa phụ và cửa chính, xem đã cài then đóng chốt kỹ lưỡng chưa.  Mẹ tôi rất cẩn thận và thích làm công việc này mỗi tối, để trong lòng được yên chí vững tâm hơn để đi ngủ.

Ông Bà thời xưa đã có câu “Một Mẹ già bằng ba lần giậu”.  Thật vậy, có mẹ ở nhà, cửa rào luôn được khóa cẩn thận. Mỗi tối cửa đóng rồi mà Mẹ vẫn đi một vòng để kiểm tra lại cho an tâm.

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp mật, như đường mía lau

Mẹ là bầu trời, là biển Thái Bình bao la.  Mẹ như trầm quế với gừng cay, quế gừng kết vị ấm lòng con. Mẹ là dòng sữa ngọt nuôi lớn khôn con. Mẹ vất vả trăm chiều để lo cho đàn con của mẹ được thành nhân.  Tạ ơn Mẹ, I love you Mom...

Nhân đây, tôi xin chân thành cảm ơn nước Mỹ đã đón nhận Mẹ tôi đoàn tụ theo chương trình nhân đạo ODP.  Nhờ vậy mà Mẹ tôi mới được hưởng những phúc lợi y tế của nước Mỹ thật tuyệt vời, văn minh bậc nhất thế giới.  Để ngày hôm nay đây, chị em tôi còn có Mẹ, thật hạnh phúc biết dường nào.

Phạm Thị Kim Dung

Ý kiến bạn đọc
29/03/201819:41:59
Khách
Chào độc giả Thái Vân,
Xin cảm ơn Thái Vân đã đọc bài này và lại còn cho KD những lời góp ý thật chân tình. KD rất vui và xúc động khi được TV chúc còn được mừng sinh nhật mẹ nhiều lần.
Bốn câu thơ của TV thật hay, nhưng nghe buồn buồn...
Xin gởi lời chúc sức khoẻ độc giả Thái Vân và gia đình.
ptkd
28/03/201805:50:27
Khách
Mẹ ơi , đọc truyện người đời ,
Mà con nhớ mẹ , nhớ nhiều mẹ ơi .
Tử sinh dẫu chuyện thường tình ,
Sao lòng con vẫn nghẹn ngào chẳng an .

KD viết về những ngày mẹ ốm với giọng văn lúc xôn xao thảng thốt , lúc nhẹ nhàng dí dỏm khi được mẹ chia của , bài viết thực dễ thương , giản dị mà tràn đầy tình cảm . Chúc KD còn được mừng sinh nhật mẹ nhiều lần .
Tôi đã khóc khi đọc , tuy vậy lại muốn cám ơn KD , cám ơn KD thật nhiều .
21/11/201705:57:18
Khách
Cảm ơn độc giả Từ Huy đã đọc bài của tôi nhé. Lại còn làm thơ thật có ý nghĩa, và đầy cảm xúc. Xin gởi lời chúc sức khoẻ độc giả cùng gia đình được mọi sự như ý vạn an.
20/11/201711:47:36
Khách
Tuyệt lắm chị!
Đọc mà sao lòng cứ bổi hổi bồi hồi... thương mẹ đến rưng rưng!
Tôi muốn nói ngàn vạn câu tán tụng
Ân tình Người động thực vật xôn xao
Đồi núi cỏ cây biển cả thì thào:
“Ôi loài người diễm tuyệt thay có Mẹ!”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,636,622
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Năm Đinh Dậu 2017, theo âm lịch, là năm nhuận 2 tháng Sáu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu. Bài nầy được viết để nhắc nhở đóa hoa hồng màu trắng là biểu tượntg để tưởng nhớ đến người mẹ quá cố.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả đã về hưu một nửa. Làm việc cho hãng làm máy bay. Hiện sinh sống tại Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Ngôi Nhà Mới tại Quận Cam”, đã được phổ biến từ tháng Ba 2014.
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Có thể bạn đã tới hoặc đã đọc về Venice, mà không dè thành phố du lịch kỳ thú này là một công trình của đám dân tị nạn. Mời đọc thêm du ký mới viết của Nguyễn Tài Ngọc.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ với cách nhiòn cách viết vui vẻ, sống động. Mong ông tiếp tục viết và vui lòng bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Nhạc sĩ Cung Tiến