Hôm nay,  

“Phổi Bò” Ở Mỹ

31/10/201700:00:00(Xem: 16811)
Tác giả: Lại Thị Mơ

Bài số 5258-19-31101-vb3103117

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.

***

Tôi chẳng hiểu sao những người thật thà, nghĩ sao nói vậy, lại bị gọi là phổi bò. Cũng có người lại bảo là người ruột để ngoài da, hời hợt, thật thà.

Mà chữ này của người miền Bắc, tôi là dân Bắc kỳ di cư thứ thiệt. Hồi di cư vào Nam, mẹ tôi gánh tôi ngồi trong cái thúng, đầu kia chất đầy quần áo. Còn hai anh tôi thì đi bộ, lên tàu há mồm. Sau này mỗi lần nghe các anh chế nhạo Tây đen bế tôi lên tàu, tôi dẫy lên không chịu, nói rằng Tây đen bê nguyên cả cái thúng lên mà. Đâu có ôm em đâu.

Chẳng hiểu sao, từ đó mẹ cứ gọi tôi là phổi bò. Thật tình tôi vẫn không hiểu phổi bò là thật thà ngây thơ, hay nghĩ sao nói vậy. Chứ quả thật cho tới ngày qua Mỹ, khi cắt tóc cho khách tôi cũng không thay đổi, nghĩa là cũng vẫn nghĩ sao nói vậy như thường.

Ở tiệm tôi làm, thợ không phải gội đầu cho khách, các shampoo girls làm việc này.

Khi mấy ông khách ngồi vào ghế, tôi cũng chẳng để ý nhìn mặt, cứ chăm chú nhìn phía sau cắt tóc. Thật ra ít ai để ý nhìn mặt của khách.

 Giai đoạn cuối cùng là chấn hai cái side burn( người Việt mình gọi là cái bát, bát không phải là cái tô đâu, mà là lớp tóc ngắn dưới màng tang của đàn ông).

Thường thường người muốn side burn ngắn thì lấy đuôi mắt làm chuẩn, ngang với đuôi mắt.

Hôm đó ông khách tôi vừa cắt xong đứng lên, thì ông khách khác đang chờ, cũng ngồi ngay vào ghế.

Tôi đã thấy người khách vừa cắt xong, chui vào cái xe đậu ở trước cửa tiệm, tự dưng ổng quay trở vô, bảo hai cái side burn không đều nhau, chắc là ổng nhìn vào kính trong xe. Chuyện sửa cho hai bên bằng nhau thì nhấp nháy,khách đứng cũng được.

Lúc này tôi mới nhìn thẳng vào mặt ông khách, rồi buột miệng:

- Oh, I know because your eyes ‘re not even.

Khi biết tại sao hai cái side burn của ổng không bằng nhau, là do hai con mắt ổng bị lé, một mắt cao một mắt thấp. Người ta lé ít thì không sao, đàng này ông này bị nặng quá. Tôi không biết nên cứ cắt theo thói quen. Thì đúng là hai mắt không đều nhau, tôi vốn phổi bò nên mới lỡ lời, làm sao chữa được bây giờ. Thiệt tình tôi cũng giận tôi hết sức.

Con nhỏ Mỹ sau lưng tôi lẩm bẩm hơi to OMG, còn mặt ông khách thì đỏ rần lên. Nhưng không có ai la tôi hết, mà ông khách ngồi trên ghế còn cười mím chi. Tôi cũng hơi quê quê, sự thật là như vậy, chứ tôi không có ý chế giễu ổng.

 Thiệt tình tôi đâu có biết mắt lé gọi là gì. Hồi nào giờ học Anh Văn, chỉ học mắt là eyes, miệng là mouth, môi là lips. Đâu có ai dạy mắt lé, miệng móm, môi sứt đâu.

Bởi vậy tôi mới nói: mắt không bằng nhau. Cũng may giọng nói của tôi nghe ngố quá, nên khách cũng không giận. Hèn chi bị mẹ bảo phổi bò cũng phải. Cách tốt nhất là đừng nói gì cả, cứ lặng lẽ sửa theo ý khách, thì cũng chẳng ai để ý, vì ổng luôn luôn đeo kính mà. Tôi hứa trong lòng lần sau phải giữ mồm giữ miệng.

Về nhà hỏi con, mắt lé viết thế nào, thế là trong kho ngữ vựng học được thêm một chữ mới.

Lần khác có một ông khách tóc dài tới vai. Hồi đó tôi mới qua Mỹ chưa được bao lâu, nghe ổng nói gì mà only a half inch rồi mắt nhắm lại, ngủ.

Hình như ổng làm ca đêm, tan việc ghé cắt tóc, tại vì lúc đó còn sớm lắm, mới 8 giờ sáng.

 Nhiều người sau một thời gian để tóc dài theo kiểu Hippy, họ chán, muốn trở lại kiểu tóc ngắn bình thường. Tôi nghĩ chắc ông này cũng vậy, vì tóc của ổng trông bù xù quá, nhìn mất thẩm mỹ.

Tôi phân vân muốn lay ổng để hỏi lại cho chắc ăn, nhưng thấy ổng mệt quá lại ngáy khò khò nên thôi. Tôi gắn attach nửa inch vào clippers và đẩy một đường ngay mang tai. Nghe tiếng máy chạy, ông khách giật nẩy mình choàng dậy, ổng ú ớ nói chỉ cắt bớt nửa inch thôi mà. Tôi lại còn phân bua, chìa clipper cho ổng xem, thì ông bảo chỉ còn lại nửa inch, đây là nửa inch.

Trông thấy hoạt cảnh dở khóc dở cười, bà manager và mấy con nhỏ thợ trong tiệm đang bụm miệng, không dám cười. Mà cái tướng bà ấy, lùn xủn, mang đôi giầy cao nện xuống sàn bình bịch bình bịch, đi lắc lư rất tức cười. Bà làm mặt nghiêm, nhưng thật ra ai cũng biết bà ráng nín cười, tới chỗ khách nói: thưa ông tôi không thể gắn tóc lại cho ông, nhưng tôi nghĩ rồi tóc sẽ mọc ra.

Tôi thì đứng xụi lơ, im re. Thật ra chỉ khi nào gây thương tích cho khách mới thật sự có vấn đề. Còn cái ông này, tôi lén lén nhìn, tóc như cái tổ quạ, mà già rồi chứ trẻ trung gì mà bày đặt hippy. Có điều tóc của người ta, người ta muốn để dài hay ngắn kệ người ta.

Ông khách đứng lên, lẳng lặng bỏ về, chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng tỏ vẻ giận dữ, chắc ổng còn buồn ngủ.

Qua đây nghe mọi người hay nói đến chữ thưa kiện (sue). Không biết trong trường hợp này, ông khách có thể thưa chủ tiệm được không?

Tôi nghe nói, manager chịu trách nhiệm chứ không phải thợ.

 Tôi cứ nhớ hoài chữ cuối cùng bà manager nói “just hair”. Ừ đúng rồi, VN mình nói ‘xấu mặt thì lâu, chứ xấu đầu mấy chốc.’

Mấy con nhỏ trong tiệm còn hùa vào bữa nay vợ của ổng phải cám ơn you đó.

Mà quả thật tháng sau ông khách đó, không thưa kiện, vẫn trở lại tiệm. Không giận dỗi gì cả, mà còn cười cười bảo rằng “nhờ you, me có kinh nghiệm, khi cắt tóc phải mở mắt ra”.  Tôi cười, chứ nhắm mắt coi chừng bị cạo trọc lóc luôn đó.

Lần khác, cũng do cái tật lơ đãng không chừa, khi roller set cho một bà già Mỹ. Các bà Mỹ già mỗi tuần tới tiệm để gội đầu và chải tóc gọn ghẽ. Thường thì họ hay chọn roller set để giữ tóc có nếp cả tuần, không bị bù xù vì được xịt keo.

Theo nguyên tắc sẽ cuốn một đường từ trước ra sau, tiếp theo cuốn bên tay phải, phần bên trái cuốn cuối cùng. Không hiểu sao hôm đó sau khi cuốn phần giữa, tôi lại cuốn phần bên trái. Công việc làm hàng ngày đã trở thành phản xạ vô thức. Khi xong phần bên trái, tôi tự động chỉ bà khách ngồi vào lò sấy. Mà bả cũng nghe lời, chẳng để ý gì cả.

Tới khi máy ngừng, bà khách trở lại, cô thợ bạn hỏi tôi “what’s happened”.

Cả tôi và bà khách cũng chưa hề biết chuyện gì, cho tới khi cả hai cùng nhận ra một bên tóc chưa cuốn, xuội lơ.

Mọi người cười chế nhạo tôi đãng trí. Tôi cãi chày cãi cối, bảo lỗi tại bà khách, bà ngồi trước cái gương mà cũng không nhìn. Bà khách già dễ dãi cũng gật gù, chẳng biết lỗi tại tôi, hay lỗi tại bả. Thế theo bạn, lỗi tại ai?

Tôi tuy dở hơi như vậy, mà khách lại thích ngồi chờ. Thỉnh thoảng vẫn đãng trí chút đỉnh, nhưng chưa bao giờ bị lôi thôi, dù rằng lỗi mình rành rành, chắc là có quái nhân phù trợ!

Ông khách tóc dài, thấy chuyện rủi ro ngoài ý muốn ( ại ổng buồn ngủ), thợ thì nghe không rõ.

Ổng chỉ đứng lên đi về, còn manager thì thấy tức cười, cũng không trách mắng. Mà thiệt tình khi quay lại với đầu tóc ngắn gọn, ai cũng khen ổng trẻ. Hóa ra tại nhờ chuyện rủi ro tôi hiểu lầm, nên ông khách mới thấy để tóc ngắn có lý hơn tóc dài bù xù. Bây giờ sau 20 năm, kể từ ngày ấy, ông trở thành khách ruột của tôi, và không bao giờ nghĩ đến chuyện để lại kiểu tóc Hippy. Tôi thường nói đùa với  khách, chuyện rủi ro tôi làm chính là cái duyên khiến tôi trở thành người thợ mà ông thích. Ông gật gù chứ đâu có hiểu chữ duyên tôi nói theo đạo Phật.

Qua Mỹ, nghe người ta rỉ tai, coi chừng bị sue( thưa). Vậy mà có một lần duy nhất, tôi lỡ nhíp kéo cắt một vết nhỏ bằng nửa hạt gạo vào phía sau vành tai của một ông khách. Tôi sợ quá dùng khăn đè chặt vết cắt, nhưng sao máu cứ rịn ra. Tôi nghĩ đến những người máu loãng, máu sẽ chảy hoài không ngừng.

Thấy mặt tôi tái nhợt, ông khách trấn an: không sao đâu.  Ông bảo rằng ông làm nghề phát thư, nhiều khi ông bị chó cắn còn ghê gớm gấp mấy lần, vết cắt chút xíu này đâu có ăn nhằm gì. Ông còn giấu không để manager biết tôi vừa làm ông chảy máu. Suốt đời không bao giờ tôi quên tấm lòng quảng đại của ông khách mailman.

Vậy mà người ta hay dọa, coi chừng bị sue. Bưng ly cà phê tự mình làm đổ, rồi lại thưa tiệm rót cà phê nóng quá. Ghiền thuốc lá rồi bị bịnh, thưa lại công ty sản xuất. Ở VN người ta bảo là “ con kiến đi kiện củ khoai”, còn lâu họ mới giải quyết.

Gặp tôi, phổi bò, chắc tôi hỏi lại: thuốc lá tôi sản xuất, đâu bắt ông mua, sao lại thưa tôi?

Một bữa kia có một chàng Mỹ trẻ, rất đẹp trai gõ cửa mời mua cửa. Anh mang theo rất nhiều mẫu cửa, thao thao quảng cáo. Nào là rất tốt, bảo đảm suốt đời không hư, ăn trộm không thể nào mở khóa được. Tôi chờ anh chàng nói xong, bảo rằng tôi công nhận các mẫu cửa của anh rất tốt, không thể nào chê được. Có điều nhà tôi chẳng có gì để ăn trộm viếng, mà có tới nó cũng chẳng đi vào cửa này.

Anh chàng lẳng lặng cuốn gói đi mất, chắc trong bụng anh ta nghĩ “ gặp ba trợn”. Hay là ăn cắp gặp bà già.

Ở nhà thì bị mẹ gọi phổi bò, đi làm thì bị mấy con nhỏ Mỹ chọc ghẹo silly. Chả là một lần tôi cắt tóc cho một cô teenager. Tóc cô ngắn ngắn,  cô không chịu chọn kiểu trong những quyển sách tôi đưa. Thật tình tôi không biết là nam hay nữ, vì dáng điệu có vẻ nghênh ngang. Tôi hỏi cô muốn cắt vừa vừa hay ngắn, cô trả lời chắc nịch: thật ngắn. Tôi cũng ngờ ngợ chẳng biết gái hay trai, nên hỏi kỹ phần ót và side burn. Nếu là nữ, họ sẽ để lòa xòa( wispy). Đằng này khách bảo cắt giống con trai, nghĩa là cắt thẳng băng. Nghe vậy tôi tin chắc là nam nên tính tiền giá đàn ông. Bà mẹ ngồi chờ phía trước nghe tôi tính tiền giá đàn ông, Bà có vẻ bối rối một chút , nhưng cô khách thì thấy hớn hở lắm. Tại vì giá tiền của nam rẻ bằng nửa giá của nữ.

 Khách ra về, trong tiệm chỉ còn một ông khách quen. Mọi người xúm vô bảo tôi khờ, vì mọi người biết rõ bà mẹ chỉ có hai cô con gái.

Ai cũng biết người khách tôi vừa cắt là nữ, dù cắt tóc kiểu con trai, nhưng là con gái thì phải tính tiền tóc nư (gấp đôi giá tóc nam).

Cả tiệm cật vấn tôi tại sao nghĩ cô bé đó là con trai. Tôi thật thà nói: Tại lúc cô nằm xuống gội đầu, tôi thấy cổ phẳng lì (flat) mà.

Trời ơi mọi người lăn ra cười rũ rượi. Tôi là con nhỏ hay gặp trouble, không chuyện nọ cũng chuyện kia. Nhưng chẳng bao giờ tôi gặp rắc rối, chắc tại cái mặt tôi ngố quá, không ai nỡ la rầy.

Tiệm tôi đóng cửa lúc 9 giờ tối, hôm đó chỉ còn tôi là manager và một cô thợ chưa có bằng, mới có permit của state board cho phép cắt tóc.

Một ông khách ăn mặc rất lịch sự ghé tiệm lúc 8pm. Tôi hỏi ông có request người thợ nào không. Ông trả lời không nên theo đúng nguyên tắc tôi phải đưa khách cho cô thợ,vì tới lượt của cô.

Trong lúc cô làm việc, tôi đi qua đi lại, nhìn ông khách trong kính rồi lại nhìn cô thợ. Tôi thấy cô đang lúng túng. Nửa tiếng trôi qua ông khách có vẻ sốt ruột bảo cô thợ ngừng tay và hỏi: “cô có bằng không?”.

Cô thợ đưa tờ permit ra, ông khách nổi giận tự xưng là bác sĩ và hăm sẽ thưa công ty.

Lúc này tôi mới nhẹ nhàng nói:

-Thưa ông, State Board cấp permit chứ không phải công ty của chúng tôi. Khi ông tới, tôi đã hỏi ông có yêu cầu ai không. Ông bảo không, thì theo nguyên tắc là tới lượt cô ấy.

Trong khi thợ làm việc, nếu khách không bằng lòng có thể xin đổi người khác. Nếu thợ thấy làm không được, xin người khác giúp.

Đàng này, tôi chỉ có thể đi qua đi lại gợi ý. Cả khách và thợ cùng im lặng, tôi không thể lên tiếng vì như vậy vi phạm tới quyền hạn của mỗi người.

Tuy nhiên là manager, tôi luôn đề phòng chuyện rủi ro, nên đang định gọi cô thợ vào trong thì kịp may ông lên tiếng. Tôi vẫn sửa được mái tóc cho ông.

Sau khi tôi cắt xong một mái tóc đẹp, ông khách cười vui vẻ, và quên luôn cả chuyện thưa gởi. Cô thợ thở phào, nhân tiện tôi nói thêm:

-Thì cũng như ông hồi đi học, ông cũng phải thực hành vậy. State Board cho phép thì công ty phải mướn. Có điều, chẳng ai muốn mang cái đầu mình làm vật tế thần, phải không ạ.

Chuyện phổi bò của tôi thì là chuyện dài nhân dân tự vệ. Tôi xin kể một chuyện cuối cùng vô cùng oan ức cho tôi. Đó là trong lúc tôi cắt tóc, thì ông khách đang xem tờ tạp chí Reader’s digest. Tờ báo này chuyên đăng chuyện hài hước. Ông khách ngước mặt hỏi tôi:

- Ê Mi, khi gặp một chàng trai lần đầu tiên. Bạn chú ý cái gì nhất ở chàng trai. Rồi ông gợi ý như là: mặt mũi tóc tai, giầy dép quần áo...

Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời: cái ấn tượng mà tôi để ý khi gặp chàng trai lần đầu tiên là cái răng của cậu ấy.

Trời ơi, cái mặt ông khách đỏ nhừ, còn mấy con nhỏ thợ thì phá lên cười. Ông khách này là khách quen lâu đời nên không sao.

Lạy Chúa, tôi trả lời vô cùng thật thà, hoàn toàn theo ý mình. Tôi không hề biết ông khách này bị mất một cái răng, mà ông chẳng chịu sửa.

Xui khiến “gậy ông đập lưng ông” lại nhè con phổi bò mà hỏi.

Từ khách đến thợ, ai cũng chỉ thích chọc ghẹo tôi, vì họ bảo rằng tôi toàn trả lời bất ngờ. Có một ông khách đã tặng cho tôi nick name rất dễ thương ‘con nai mù,’ con nai vì hiền lành, mù vì không thấy đường.

Con deer no eyes, con nai không có mắt là con nai mù.

Deer no eyes tức là No idea, nói lái kiểu mít.

Hết ý.

Lại Thị Mơ

 

Ý kiến bạn đọc
05/11/201706:00:37
Khách
Câu chuyện hay đó. Có cốt cách của 1 truyện ngắn mẫu mực.
04/11/201700:04:44
Khách
End water talk! Có sao nói vậy người ơi🎶👍... Viết nữa đi chị❗️
02/11/201700:14:57
Khách
Truyện cô viết vui quá!
01/11/201722:14:12
Khách
Chuyện của bạn khá dễ thương. tôi thích lắm. Viết thêm bạn nhé.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về sự khó khăn để hội nhập vào xã hội Mỹ của những người Việt lớn tuổi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Bẩy 2016. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học.
Tôi là Hoàng Nga Bằng (bút danh Nga Bằng). Tôi là giáo viên Tiếng Nga, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1961. Tôi là học sinh trường Nữ Trung học Trưng Vương từ 1951 đến 1959. Bố tôi là công chức thời Pháp.
Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà quê ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, là cựu nữ sinh Ngô Quyền và là sinh viên Luật dở dang vào năm 1975. Mong Bà sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống tại Virginia và là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon,
Với bài viết “Tháng Tư, Tro Tràn Bay Trắng Đầu”, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể,
Nhạc sĩ Cung Tiến