Hôm nay,  

Nghề “Dry Clean” Và việc trị Bệnh

12/10/201700:00:00(Xem: 14144)
Nghề “Dry Clean” Và việc trị Bệnh
Tác giả: Năng Khiếu

Bài số 5240-19-31083-vb5101217
 

Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Vừa nhận thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Vẫn với cách viết cẩn trọng, chu đáo, bài mới của tác giả mo tả nhiều chi tiết sống động, hữu ích.

 
**
 

Nhằm lúc kinh tế khó khăn, hãng may của chị Hiền sa thải bớt nhân viên, dần dần đóng cửa luôn, nên chị bị thất nghiệp. Đang lúc chị Hiền tìm việc mới thì có người bạn giới thiệu chân sửa đồ (Alterations) ở tiệm dry clean, thuộc thành phố Seal Beach cách biển vài block đường. Tiệm nằm trong khu thương mại nhỏ, nhưng đông đúc dân cư sống chung quanh, phần nhiều là người Mỹ trắng.

Chủ tiệm là người Đại Hàn, ông bà làm nghề dry clean này đã lâu sắp đến tuổi retire, nên có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn cũng như xử dụng máy móc.

Nếu nói về ngành nghề ở Mỹ thì người Việt Nam đa số làm nghề Nail. Người Campuchia chuyên mở tiệm bánh Donut. Còn người Đại Hàn phần nhiều làm nghề Dry clean.

Tiệm dry clean này khá rộng rãi, cửa trước cửa sau đều thoáng đãng, có hệ thống thoát hơi dẫn thẳng nên mái nhà. Bước chân vào tiệm, nhìn qua bên trái là quầy counter. Bên phải kê một chiếc bàn lớn để cắt may, phía bên trong sau phòng thử quần áo kê bốn góc bốn chiếc máy, một mình chị Hiền sử dụng xoay tua. Góc ngoài đặt một chiếc máy overlock, góc trong một chiếc máy hem kim cong. Quay mặt vào tường là chiếc máy Singer loại mạnh chuyên để may quần jean, cách lối đi nhỏ là máy một kim tự động để may hàng mỏng.

Chị Khiêm là bạn thân của chị Hiền làm ở đây cả chục năm, quen việc quen khách, nhưng chị bị bệnh nặng, phải nghỉ để đi chữa bệnh. Chị giới thiệu chị Hiền làm thế, và tình nguyện ở lại hai tuần để chỉ hết những bí quyết cũng như kinh nghiệm cho chị Hiền.

Ở Mỹ người ta ít đem vải đến tiệm (Tailor shop) để may quần áo theo số đo, mà phần nhiều họ mua sắm quần áo trong các shopping center theo size gắn sẵn. Nhưng nếu rộng hay dài một chút hoặc ngắn hay chật một chút, đưa đến  chị Hiền chỉ cần vài cây kim băng, cài làm dấu  là vừa y.

Chị Hiền sửa những chiếc áo cưới, áo đầm, hai ba lớp, mới tinh chưa bóc tem.Lên lai, bóp nhỏ, nới rộng. Chị không quản ngại, chịu khó nắn nót từ đường kim mũi chỉ một cách khéo léo, thấykhách hài lòng là chị vui. Khó nhất là sửa những bộ suit và lên tay áo jacket hai lớp. Vì cùng size, nhưng chiều dài tay mỗi người mỗi khác, mà tay áo phải vừa vặn mới đẹp, nên kháchthường đem đếnlên hoặc xuống lai tay áo. Chị Hiền tỉ mỉ tháo mối chỉ cuối cùng trong lớp vải lót bên trong rồi lộn trái ra, tháo lần lượt các đường chỉ may ngay cửa tay, sau đó chị cắt ngắn hoặc nối dài, rồi may trở lại như cũ từ đường xẻ, đến hột nút đơm lại, nhìn không biết áo sửa. Rồi đến lưng quần bóp vào nới ra, tùy theo thùng nước lèo của mỗi người. Thay zipper quần tây nhiều hơn zipper áo gió. Đẹp nhất là lên lai quần jean giữ lai cũ (Original hem) tức là quần ngắn, nhưng lai vẫn giữ được màu chỉ cũ.

Chị Hiền nhận ra một điều là sửa quần áo ở tiệm dry clean, rất nhiều việc hầm bà làng, thượng vàng hạ cám, từ đơm lại hột nút, đến vá mông, vá đùi, may lại đường chỉ bị tuột,  nhiều nhất là ngay đáy quần giáp với zipper. Đừng tưởng ở Mỹ người ta không mặc đồ vá, mà có nhiều người già họ quý cái áo cái quầnkỷ niệm, họ mặc tới rách rồi đem đi vá lại mặc tiếp. Lại có model của các cô các cậu choai choai, chiếc quần jean đang lành lặn, lấy kéo bập ra ngay bên hông hay đầu gối, rồi kéo chỉ cho te tua như quần rách, lâu ngày vết rách lớn hơn, lại đem đến vá. Hoặc bóp ống quần cho nhỏ ôm xát vào ống chân như xỏ vớ…v..v… Chị khéo tay kỹ lưỡng, lại đúng hẹn, nên khách đưa đồ đến sửa rất đông.

Mới đầu chị Hiền chỉ ngồi cặm cụi sửa quần áo, nhưng bà chủ thấy chị Hiền thật thà, lại đọc và viết được tiếng Anh, nên bà tập cho chị nhận và giao hàng rồi trả thêm một đầu lương nữa, để bà có thì giờ đi chữa trị bệnh cường tuyến gáp trạng (hyperthyroidism). Thế là chị vừa sửa đồ vừa kiêm luôn công việc của bà.

Mỗi ngày khoảng năm sáu giờ chiều bà mới đến để đi ngân hàng. Hoặc tính toán trả lương nhân viên hàng tuần và kiểm soát mức thu nhập hàng tháng, thuế hàng năm đủ thứ, như khi mua hóa chất để dry clean quần áo là phải đóng thuế ô nhiễm, cặn bã của hóa chất không đổ bừa xuống cống rãnh được, mà phải tốn tiền cho công ty chuyên môn đến cân ký đem đi và phải giữ receipt để nộp cho city. Còn nhiều luật lệ khác, phải đóng bảo hiểm cháy nhà, bảo hiểm tai nạn cho nhân viên và cho khách hàng….Chính phủ còn kiểm soát khắt khe về hóa chất để bảo vệ môi sinh.

Tiệm mở cửa từ 7:00 AM đến 7:00 PM, đóng cửa ngày Chúa nhật. Ông chủ thì có mặt từ sáng đến chiều làm việc luôn tay. Mỗi buổi sáng chín giờ chị Hiền đến coi tiệm để ông chủ đi lấy hàng ở hai tiệm Drop off (tiệm không đặt máy) đồ giặt và đồ về sửa.

Khách đến giặt đồ đông nhất là thứ hai thứ ba đầu tuần và thứ bảy cuối tuần, có khi xếp hàng ra tới cửa, chị Hiền vẫn bình tĩnh, lấy tờ biên lai lớn bằng bàn tay, bản chính màu trắng, hai tờ copy màu vàng và màu hồng. Chị ghi họ trước, tên sau và số điện thoại, hẹn ngày lấy, rồi đếm xem có bao nhiêu quần áo, ghi xuống từng loại đã in sẵn lần lượt trong biên lai như: Trousers, shirt, dress, skirt, sweater, jacket…. cả hơn chục thứ. Chị Hiền coi sơ qua xem có mất hột nút, hoặc rách lủng nơi nào đó, lấy băng keo màu đánh dấu những vết dơ. Đưa tờ copy màu hồng cho khách, rồi chị dồn quần áo vào một bao vải, cùng với tờ biên lai màu trắng và vàng. Khi nào vãn khách chị đổ những bao quần áo ra bàn, bấm mã số thứ tự, bằng loại giấy đặc biệt giặt không rách, không phai, mã số phải giống với tờ biên lai.

Lúc giao hàng, chị Hiền so sánh họ tên, trên tờ copy màu hồng của khách, với tờ copy màu vàng kẹp trên kệ có trục quay trước mặt, để lấy quần áo giao cho khách hàng.

Rồi chị phân loại, quần kaki thì bỏ vào thùng giặt nước, đồ dry clean là nhiều nhất thì bỏ vào thùng lớn. Áo sơ mi thì chị phải lấy chai thuốc tẩy, xịt vào cổ áo rồi mới bỏ vào thùng giặt hồ. Chị Hiền làm một cách cẩn thận kỹ càng đâu vào đấy, để Amigo (anh Mễ) phụ ông chủ lôi đi giặt.

Sau đó ông chủ lấy quần áo đã giặt xong chia cho ba người ủi. Hai người thanh niên Mexican, một người chuyên ủi quần tây, một người chuyên về áo đầm. Còn một Amega (Chị Mễ) đứng từ sáng tới chiều ủi shirt, cô lấy từ trong máy giặt nước, còn ướt, mặc vào hình người giang hai tay, cô bấm nút đưa áo vào trong máy, vài phút sau, máy tự động trở ra với chiếc áo khô cong thẳng tắp, cô chỉ việc gỡ áo xuống ủi dặm lại cổ áo và tay măng sét.

Khi quần áo đã ủi xong, ông chủ đẩy dồn về một bên, so sánh mã số bấm trong quần áo với biên lai, rồi móc vào của từng người, để chị Hiền tính tiền trước khi bọc trong bao plastic, giao cho khách. Thỉnh thoảng cũng bị mất mã số hay lộn lẫn, nhưng chị Hiền dò số trong biên lai để tìm size và nhãn hiệu trên quần áo, nên ít khi gây phiền phức cho khách hàng.

Quay qua quay lại mà chị Hiền làm được năm sáu năm rồi. Nhớ ngày mới đến, gặp khách hàng  người Mỹ, chị nghe thì được, nhưng nói cà lăm mãi mới xong một câu. Người Mỹ họ rất dễ thương,  thông cảm cho cái giọng nặng accent của chị, nhất là những người Mỹ già, mỗi lần đến sửa đồ, thường nán lại chuyện trò tập cho chị nói đúng giọng họ mới đi.

Chị nhớ nhất là một bà cụ đã 90 tuổi, người Honduras sống gần tiệm, vài ngày lại mang một hai cái áo của con trai đến giặt, rồi đứng tâm sự, vì người con dâu đối xử tệ với bà, chị Hiền nghe câu được câu mất, đến ôm bà vỗ về, bà tủi thân khóc nức nở. Trước khi vào nursing home, bà đến tặng chị một cỗ tràng hạt  và một bức ảnh đức Mẹ Maria, rồi ôm chị thật lâu, chị Hiền cũng không cầm được nước mắt.

Những ngày lễ Thanksgi-ving hoặc Christmast, khách hay tặng quà cho chị,  thường là hộp bánh, gói kẹo chocolate, hay tấm thiệp. Tuy không đáng bao nhiêu, nhưng nói lên tấm lòng quý mến chị. Chị tâm sự: “Được nói chuyện và tiếp xúc với người Mỹ sáu năm bằng học đàm thoại  (Conversation) tại trường mười năm”.

Ban ngày chị Hiền cứ mải tiếp khách, không còn thì giờ sửa quần áo. Bảy giờ tối về đến nhà, ăn uống qua loa xong, chị lại ngồi vào bàn máy may, mang hàng về cặm cụi sửa đồ cho tới khuya, để kịp giao ngày mai.

 Ăn ngủ thất thường, chị sút mười, rồi hai mươi pounds, gặp bạn bè cứ hỏi diet hay sao mà dạo này thân hình gọn ghẽ thế? Đâu ngờ rằng có một ngày chị ngã bệnh, mà lại là bệnh nghiêm trọng.

Một hôm trong giờ làm việc chị đau bụng quá, bị xỉu, cô Mễ làm chung kêu 911, xe cứu thương đến thì chị tỉnh lại. Chiều đi làm về như thường,  khuya đêm đó cơn đau bụng trở lại, chồng và con chở chị vào bệnh viện Fountain Valley gần nhà, trong phòng cấp cứu Bác Sĩ nghi chị đau ruột dư cho đi chụp hình nhưng kết quả không có gì. Ngày hôm sau chị lại đi làm tiếp.

Bước vào tuổi sáu mươi chị Hiền thấy trong người yếu hẳn, nhưng chị không dám nghỉ làm vì  hai đứa con đang học đại học gần đến ngày ra trường. Lại mới mua nhà, phải trả đủ thứ, tiền nhà hàng tháng, tiền thuế, tiền bảo hiểm... Người con lớn từ ngày lập gia đình mua nhà ra riêng, không còn  phụ giúp anh chị nữa. Nếu chị nghỉ làm ngang  xương, với số lương một mình anh chồng không cáng đáng nổi mọi chi tiêu. Nên chị làm việc liên miên quên cả đau ốm.

 Vài tháng sau, ăn không tiêu, bụng dạ cứ anh ách, chị Hiền gặp bác sĩ để xin soi bao tử, kết quả bao tử không sao, bác sĩ kê toa mua thuốc uống cho tiêu, và khuyên chị phải tĩnh dưỡng, ngủ nghỉ, ăn uống điều độ một thời gian sẽ khỏi bệnh.

  Rồi cũng đến ngày các con chị Hiền ra trường, có việc làm tốt, có bảo hiểm sức khỏe tốt, chị bớt phải lo lắng. Trước, anh chị cũng mua bảo hiểm rẻ tiền cho hai vợ chồng, nhưng hai ba năm nay chả đau ốm gì. Mỗi mùa thời tiết thay đổi lúc nóng lúc lạnh, chị bị cảm cúm, uống vài viên Tylenol, nặng lắm thì cắt lá xả, lá chanh, lá bưởi, sẵn trong vườn về xông là khỏi. Hàng năm văn phòng bác sĩ gia đình có gọi nhắc đi khám tổng quát, soi ruột, chị cũng chẳng đi. Đến lúc mắt mờ, lưng mỏi, đầu gối muốn về hưu non, nghe bạn bè chỉ, chị Hiền mới đến Trung Tâm Y Tế Nhơn Hòa khám, bác sĩ cấp giấy chứng bệnh, để Apply MSI (bảo hiểm cho người nghèo). Sau khi chị trình bày giấy tờ và income đủ mức ấn định, đơn xin được chấp thuận.

Những cơn đau bụng dưới thường xuyên hơn. Sau khi khám bệnh, bác sĩ gia đình xin giấy phép cho đi soi ruột. Kết quả chị Hiền bị một cái bướu khoảng 4 centimet trong ruột già, gần hậu môn, bác sĩ bảo hơi lớn không thể gắp hết ra trong lúc soi, nhưng làm biopsy là bướu lành. Ông giải thích để chị hiểu xong, chuyển đến Bác Sĩ  Thắng chuyên về General Surgery.

Sau đó chị Hiền đến gặp bác sĩ Thắng để lấy hẹn mổ cắt bỏ cái bướu. Nghe phải colon surgery chị Hiền lo lắm,  không biết có bị biến chứng hậu giải phẫu không? Có còn sức khỏe để trở lại làm việc được không...? Nhưng chị không còn chọn lựa nào khác.

 

Trước ngày giải phẫu chị Hiền phải nhịn ăn để làm các xét nghiệm, đề phòng những phản ứng bất thường khi phẫu thuật.Ngày chính thức bác sĩ hẹn lúc 5:00 PM, tại bệnh viện Fountain Valley, nhưng chị  phải đến trước mấy tiếng để làm thủ tục nhập viện, nằm trong phòng chờ đợi, y tá thay nhau đo nhiệt độ, oxy, áp huyết và truyền nước biển. Bác sĩ Thắng đến gặp và cho chị biết, ông sẽ cắt bỏ bướu, rồi khâu lại. Có thể phảinằm trong  bệnh viện bốn ngày.

Gần đến giờ, bác sĩ gây mê đến coi hồ sơ, rồi chích thuốc vào ống plastic để chuyền nước biển, ông nói với chồng chị: “Tôi làm nghề này cũng lâu rồi, mà chưa thấy ai may mắn như bà này, vì là bướu lành. Nhiều người có bướu ở đại tràng mà khi phát hiện ra chuyển đến phòng mổ, thường là bị ung thư”.

Trước khi thuốc mê ngấm, chị thầm tạ ơn Chúa, có lẽ vì suốt đời chị chỉ tận tụy hy sinh cho người thân, nên lời cầu nguyện đã thấu được Trời cao! Lúc đẩy vào phòng giải phẫu chị không biết gì nữa.

 Khoảng 9:00 PM chị Hiền được chuyển từ phòng hồi sức sang phòng thường. Chưa tỉnh hẳn, nhưng khi nghe tiếng chồng gọi, chị Hiền mở mắt nhìn anh và tỉnh táo hơn.  Con dâu chị vào thay bố, ở lại đêm chăm sóc mẹ, mặc dù có y tá trực, nhưng các con thay phiên nhau ở lại bên chị.

Trên người chị còn chằng chịt bao nhiêu là thiết bị y học, để theo dõi áp huyết, nhịp tim, hơi thở, để y tá trực ứng phó kịp thời khi cấp bách.

Đến nửa đêm nhịp tim bị ngưng, hay trục trặc gí đó, mà máy móc hú ầm ỹ, con chị Hiền vội bấm chuông, y tá đã kịp đến nơi để cấp cứu, một lúc sau chị Hiền tỉnh lại, có lẽ vì mấy ngày nay nhịn đói nên kiệt sức. Đến sáng hết thuốc mê, chị Hiền cảm thấy chỗ ruột khâu đau đớn vô cùng, lúc này chị mới thấm thía câu “đau như đứt ruột”.  Mỗi cơn đau chị cố cắn răng chịu đựng, con chị lo lắng bấm nút gọi y tá. Cô y tá trực đến dặn chị, mỗi khi đau quá chị bấm vào cái nút gắn vào thiết bị bên dưới túi nước biển. Từ lúc đó mỗi lần đau, chị lại bấm nút để thuốc giảm đau vào theo nước biển giúp chị bớt đau, nhờ vậy chị có thể ngồi lên theo người hướng dẫn, tập đi chậm chậm bên hành lang bệnh viện. Nguời phụ trách về ăn uống đến báo cho chị biết có thể ăn vài món nhẹ, rồi ghi xuống theo yêu cầu. Chị được ăn lại sau thời gian nhịn đói quá lâu.

Ngày hôm sau có bác sĩ phụ tá giải phẫu đến thăm, cho chị biết, vết mổ cũng như tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật tốt. Nhưng đến ngày thứ ba, y tá đến thay ống morphin mới cho chị. Sáng Chúa nhật hôm ấy, chị cảm thấy trong người rất khó chịu, nằm xuống thì không thở được, mà ngồi lên thì chóng mặt ruột gan cồn cào muốn ói, chị nói với chồng : “Em thấy trong người khó chịu lắm, chắc chết! Anh ở lại lo cho các con. Nhớ chôn em ở Chúa Chiên Lành gần mộ của mẹ”. Bác sĩ đến bảo: “Chị bị Side Effect  thuốc giảm đau, ngưng không được dùng nữa”. Thấy trên đầu giường chị có hình Đức Mẹ Fatima, do người bạn đến thăm dán, cô y tá hỏi chị Hiền có muốn rước lễ không, trong bệnh  viện hiện giờ có Thừa Tác Viên vào đưa Mình Thánh cho bệnh nhân, chị Hiền mừng quá liền gật đầu, trong lúc chờ đợi chị lâm râm đọc kinh ăn năn tội dọn mình theo chân Chúa.

Vài phút sau cô y tá dẫn theo một bà Thừa Tác Viên lớn tuổi người Mỹ đến và bảo chị Hiền cùng đọc kinh Our Father và hiệp ý cầu nguyện, khi chị được rước Mình Thánh Chúa xong,  nhắm mắt cảm tạ Chúa đã đến thăm con, tự nhiên cơn chóng mặt và rạo rực trong người biến mất, chị ngồi bật lên, cả phần xác lẫn phần hồn thơ thới bình an như một phép lạ.

Về nhà chị Hiền dần dần bình phục. Bác sĩ  hẹn một năm sau chị phải đi soi ruột lại để theo dõi. Nhưng chị không đi làm được, mặc dù ông bà chủ tiệm rất tử tế, đến thăm nom luôn, và mong mỏi chị khỏe lại để đi làm, vì khách hàng cứ hỏi chị Hiền đâu?

Vài tháng sau bác sĩ gia đình cho chị Hiền đi chụp hình X-Ray phổi theo định kỳ hàng năm. Bác sĩ cho biết kết quả, trong phổi chị có nhiều chấm nhỏ, mà không biết là loại gì nên chuyển chị đến bác sĩ Hoàng Lê chuyên về Pulmonary Care, ông xin phép cho đi chụp MRI trong bệnh viện Orange Coast Memorial. Họ cho chị nằm trong một căn phòng nhỏ như cái hộp tối thui và lạnh ngắt, chị yêu cầu đựơc đắp thêm chăn hấp ấm, nằm nghe nhạc êm dịu cả tiếng đồng hồ. Sau đó một ông Mỹ da mầu, đến dẫn chị đi chụp hình. Ông chích vào tay chị một mũi thuốc nói là để chụp cho rõ, rồi ông bấm nút đưa toàn thân chị chui vào máy, như cái “hòm” nhỏ sát mặt nhưng trống hai đầu, rồi ông bước qua phòng bên, bấm nút, máy thu sẵn tiếng Việt Nam, như người bịt mũi  “Nín sở”  Chị hóp bụng hít hơi vô đầy phổi rồi nín lại. Khi nghe “Thở” (Breathe) chị Hiền thở ra nhẹ nhàng, cứ như vậy cả mười lần, chị Hiền than chụp phổi là lâu nhất. Rồi họ cho chị đi kiểm tra phổi  bằng dụng cụ hít thở, thử suyễn đủ thứ, nhưng kết quả bình thường. Bác sĩ đề nghị chị đi Biopsy, nhưng chị không đồng ý. Và cứ sáu tháng bác sĩ lại cho chị chụp CT Scan để theo dõi.

Nhưng những cái chấm ở phổi không thay đổi, mà bác sĩ lại phát hiện ra lá lách chị Hiền có một cái bướu khoảng một inch. Bác sĩ gia đình chuyển chị đến bác sĩ An Nguyễn, chuyên khoa để điều trị, ông  cho chị đi chụp MRI cho rõ ràng, rồi hẹn ngày biopsy ở tại nhà thương Orange Coast Memorial, có một bác sĩ người Ấn Độ đứng phòng trong thử nghiệm tại chỗ. Nhưng biopsy lá lách rất khó khăn, vì nó nằm ở vùng bụng giữa,  bao quanh là dạ dày và gan.

Chị kể, sau khi chụp CT xong, họ vẫn để chị nằm trên máy, không gây mê, chỉ bôi thuốc tê ngoài da,rồi dùng kim đâm từ trên bụng xuống,chị nghe cái phụp, nhưng lần thì gan, lần thì dạ dày, tới lần thứ năm mới lấy được tế bào lá lách, làm chị đau ứa nước mắt. Kết quả bác sĩ cho biết là không bị ung thư.

Nhưng bác sĩ An không yên tâm, để chắc chắn ông chuyển chị Hiền đến nhà thương Hoag ở Newport Beach. Chị Hiền theo địa chỉ đến,  gặp được bà bác sĩ Việt Nam rất ân cần và tử tế. Sau khi gây mê, bà đút thiết bị điện tử nho nhỏ, từ miệng chị xuống bao tử, rồi chụp hình hay lấy tế bào lá lách chi đó, chỉ biết là cách này chính xác hơn. Bà làm biopsy ngay, lúc đó chị chưa tỉnh, nhưng nghe bác sĩ nói không bị ung thư, phản ứng tự nhiên miệng chị nói “Cám ơn bác sĩ” trong khi mắt vẫn nhắm nghiền. Ngày trở lại tái khám, bác sĩ cho biết không phải bướu, nghi là vết trầy ở lá lách.

Rồi hàng năm chị Hiền lại phải lấy hẹn chụp hình, để theo dõi hết lá lách lại đến phổi, suốt ba năm trời. Chị nghe nói nếu chụp X-Ray hay CT Scan hoặc  MRI…Nhiều quá sẽ tác hại sau này. Chị cười như mếu : “ Hại thì cũng đành chịu chứ biết sao bây giờ, tại mình để nước đến chân mới nhảy”.

 Cho đến tuổi sáu mươi lăm chị Hiền có “Mê đi – Mê đi”. Chịchọn bác sĩ N.B. Định là BS gia đình, ông tận tình và quan tâm chữa trị. Cùng với máy móc hiện đại của nền y khoa tân tiến, chị Hiền đã được cứu chữa kịp thời. Tuổi hưu được nghỉ ngơi, như những người cao niên trên đất Mỹ, được chăm sóc sức khỏe chu đáo. Chị Hiền không phải thức khuya, dậy sớm, bệnh hoạn cũng hết, tất cả các vết thương đã ăn da non thành sẹo. Chị đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Nói đến chết, chị Hiền chợt nhớ tới chị Khiêm mất cách nay hai năm. Người bạn thân thiết từ hồi còn đi học, rất tốt bụng đã chỉ nghề cho chị. Bằng lời lẽ chân thật mộc mạc chị Hiền kể trong nước mắt, sau khi chị Khiêm đưa chị Hiền vào làm,  rồi mới đi chữa bệnh. Chị Khiêm bị bướu cổ đã lâu, nhưng bác sĩ gia đình bảo bướu lành đểtheo dõi. Chị Khiêm cứ mải làm không xin đi bác sĩ chuyên khoa, hoặc tham khảo với bác sĩ khác, để mãi đến khi khó thở, bác sĩ mới cho đi mổ, thì khám phá ra là bướu ung thư đã lan ra những vùng xung quanh. Rồi bệnh nọ xọ bệnh kia, chị đau đớn cho đến chết.

 Hoàn cảnh chị Khiêm cũng neo đơn. Khoảng đầu thập niên tám mươi, chồng chi bị hải tặc giết trên đường vượt biên, trước mặt chị và hai con nhỏ, chị đã định chết theo chồng, nhưng vì con mà phải sống. Cuộc đời chị buồn nhiều hơn vui. Chị mất đi để lại thương tiếc khôn nguôi cho hai đứa con và bốn cháu nội.

Nghe xong truyện của hai chị, tôi cảm thấy buồn thấm thía, rồi  thắc mắc trong lòng, mới tìm hiểu trên internet, về nghề dry clean (giặt khô). Nên xin chia xẻ một ít chi tiết sưu tầm được.

Thực ra thay vì giặt bằng nước pha xà bông, thì quần áo được nhúng vào dung dịch hóa chất. Nên bên trong các tiệm dry clean, không khí ở đó đặc khí hòa tan Perc,  làm ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của nhân viên làm trong tiệm, nhất là những người yếu sẵn. Hô hấp để hít dưỡng khí vào nuôi cơ thể, và loại trừ thán khí. Thay vì hít dưỡng khí, thì lại hít hóa chất độc hại.Vậy chất Perc là gì?

Vào năm 1855, người khám phá ra phương pháp dry cleanlà ông Jean Baptiste Jolly người Pháp làm nghề thợ nhuộm. Một hôm cô giúp việc vô ý làm đổ dầu trong chiếc đèn,  lên tấm khăn trải bàn ăn, trắng tinh. Khi mang đi giặt ông thấy chiếc khăn sạch sẽ hơn, các vết mỡ trên khăn cũng biến mất. Từ đó ông nghiên cứu thêm và đưa ra phương pháp giặt khô bằng hóa chất hòa tan mỡ béo.

Thoạt đầu người ta dùng dầu hôi và xăng, rồi đến các chất tổng hợp bốc hơi như tetrachloride và trichloroethylene. Ngày nay phần nhiều các tiệm dry clean đều dùng hóa chất tổng hợp tetrachloroethylene hoặc perchlorethylene, viết tắt là Perc.

Theo các chuyên viên trong nghề, Perc sẽ an toàn hơn nếu dùng đúng cách và đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất. Hiện nay để khuyến khích các tiệm dry clean, chính quyền vài tiểu bang ở Hoa Kỳ đã giảm thuế, cho vay tiền để trang bị máy giặt mới, ít rủi ro hơn. Nhân viên phải thay phiên làm việc, có thời gian nghỉ ngơi, và tránh những thao tác lập lại quá lâu.

Vì theo Cơ Quan An Sinh Nghề Nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH) thì có khoảng 650,000 công nhân tiếp cận với hóa chất Perc ở nước Mỹ trong nghề dry clean. Nó có thể xâm nhập qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, và qua lớp da. Chất Perc còn làm cho nhức đầu, chóng mặt hoặc dị ứng mắt, mũi, cuống họng. Làm tổn thương gan thận, suy nhược hệ thần kinh, giảm trí nhớ…

Nếu thường xuyên mặc quần áo dry clean, cũng có thể dẫn đến các nguy cơ, dị ứng da hoặc mắt, mũi, họng. Nhưng khách vẫn phải đưa quần áo đến tiệm, vì dry clean sẽ tốt hơn cho các mặt hàng tơ lụa, bông sợi dễ phai mầu, nhăn nheo, co dãn. Dễ tẩy bỏ các vết dơ. Lại tiện lợi và nhanh chóng, đưa hôm trước hôm sau lấy được, có nơi đưa sáng sớm, có thể lấy sau năm giờ chiều.

 Nhưng phải để ý đến tác hại mà tồn dư của chất Perc gây ra, khi mang quần áo ngoài tiệm về không nên cho ngay vào tủ mà tháo bỏ túi ni-lông, treo quần áo ở ngoài cho bay bớt hơi Perc. Tránh không mua nhiều quần áo dry clean only.

  Không riêng gì nghề dry clean, theo thống kê cơ sở dữ liệu Bộ Lao Động Mỹ  năm 2015, có khoảng 27 nghề gây hại nhất cho sức khỏe. Nhưng vì nhu cầu cần thiết của cuộc sống, dù nguy hiểmhay an toàn, nghề nào cũng có giá trị riêng, hoặc có duyên với cái nghiệp mà mình đã chọn.

Nhưng không thể đưa đến kết luận, chị Khiêm và chị Hiền bệnh hoạn là do làm nghề dry clean.  Vì cơ thể của mỗi người ảnh hưởng hóa chất khác nhau. Mà không biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, trước các mối nguy hóa học. Nên phòng bệnh sớm hơn, đừng để bệnh nặng rồi mới trị, sẽ gây ảnh hưởng xấu về tinh thần và tàn phá thể xác.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
16/10/201716:05:05
Khách
Thông tin bổ ích. Cám ơn tác giả.
14/10/201717:01:05
Khách
Cảm ơn tác giả đã cho biết tác hại của chất hóa học nguy hiểm trong ngành dry clean,Như vậy làm nails chắc cũng vê lâu vê dài gây bệnh này bệnh kia tựa như dry clean thôi. Ở Vn sỡ dĩ dân chúng bị ung thư nhiều cũng vì chất thải dộc hại từ các nhà máy nươc ngoài tống ra sông, ra biển...Ăn tôm cá nhiễm bênh thì con người cũng bênh theo là lẽ tất nhiên...
13/10/201703:08:47
Khách
Bại viết rất là informative về ngành dry clean.Không ai ngờ dry clean lại quá nguy hiểm như vây. Cám ơn tác giả đã pass những kinh nghiệm nầy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, Minh Thúy là cư dân miền Bắc California. Trong mùa lễ Tạ Ơn mới đây, bà đã cùng hội Huế địa phương, tổ chức mời ăn và tặng quà những người vô gia cư. Nhân đây cũng xin nhắc lại, là từ 16 năm trước, có tác giả Minh Thùy, một thuyền nhân Việt định cư tại thành phố Mainz, Germany đã nhận giải danh dự năm 2004. Hai bút hiệu Minh Thúy (2018, dấu sắc) và Minh Thùy (2004, dấu huyền) vốn dễ gây nhầm lẫn. Mong tác giả Minh Thúy tiếp tục viết và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, là bài mới của tác giả nhân mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Tựa đề bài viết được đặt lại theo nội dung.
Đón Lễ Tạ Ơn, mời đọc chuyện về gia đình một thuyền nhân Việt từ Paradise, thị trấn vừa bị thiêu rụi vì nạn cháy rừng. Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thứ Năm 22-11 sắp tới là Ngày Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài viết của Chu Kim Longh. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch HổHuế, có người cha toàn thân bị cộng sản chôn sống. Bài viết mới nhất của ông viết về tình nghĩa gia tộc, họ hàng nam bắc thời hậu chiến sau 1975, và trong ngoài nước hiện nay.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến