Hôm nay,  

Một Mẹ Nuôi Mười Con

19/09/201700:00:00(Xem: 14215)
Một Mẹ Nuôi Mười Con
Tác giả: Trần C. Trí

Bài số 5221-19-31064-vb3091917
 

Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
 

***
 

Năm nay là năm thứ 30 tôi ở Mỹ. Ngày ra đi trên một chiếc thuyền bằng một căn nhà nhỏ mà chất đầy 96 người, tôi chỉ một nách hai đứa con còn nhỏ dại, không biết sống nay chết mai, hay đi về nơi đâu. Chồng tôi chết trận chỉ vài tháng trước khi miền Nam mất vào tay cộng sản. Ba má tôi già yếu, chỉ biết dấu nước mắt nhìn con cháu trốn chế độ bạo tàn đi tìm tự do.

Ngoài hai đứa con tôi, tài sản mà tôi mang theo chỉ là lòng thương yêu quê hương và gia đình tha thiết, và một kho tàng nhỏ ca dao tục ngữ mà má tôi truyền lại. Ở đâu, làm gì, gặp cảnh ngộ nào, tôi cũng chợt nhớ ra vài câu tục ngữ thích hợp với hoàn cảnh để được an ủi về mặt tinh thần. Tôi nhớ rõ từng câu má dạy, vào lúc nào, ở đâu, trong tình huống nào. Tựa hồ má vẫn đi theo tôi trên từng bước chân luân lạc của tôi trên xứ người.

Định cư ở Mỹ mới được ba năm, tôi cũng chưa hoàn toàn ổn định cuộc sống để có thể gởi quà về gia đình đều đặn và đầy đủ thì tôi được tin má đã qua đời sau một cơn bạo bệnh nơi quê nhà. Trong nỗi đau buồn mất mẹ, tôi chợt nhớ đến câu má nói “Một mẹ già bằng ba con mọn”, khi má đang còn chăm sóc bà ngoại lúc ấy đang nằm một chỗ. Má còn có phước được chăm sóc bà ngoại cho đến khi ngoại qua đời. Còn tôi vô phước chưa được một ngày báo hiếu, chăm lo cho má. Nhưng rồi tôi phải nuốt nước mắt nhớ thương, lo cho hai đứa con đang tuổi lớn, cần có tôi trong việc học hành, sinh hoạt hằng ngày.

Vài tháng sau đó tôi may mắn đậu vào kỳ thi tuyển nhân viên chính phủ của một hãng bảo hiểm tai nạn lao động thuộc tiểu bang California. Cuộc sống trở nên dễ thở hơn cho tôi và hai cháu. Thời gian trôi qua dường như nhanh hơn. Rồi tôi lại nhận tin ba tôi mất, chấm dứt những ngày sống quạnh quẽ bên nhà không có má bên cạnh. Nước mắt tôi lúc này dường như khô cạn, tuy lòng tôi xót xa thương ba, tưởng tượng đến giờ phút lâm chung buồn bã của ông không có tôi bên cạnh. Tôi lại nén đau buồn, lấy công việc và con cái làm vui.

Ngày ngày tôi đi làm, bận bịu với công việc ở sở.Tối đến, tôi chia xẻ buồn vui với hai cháu về một ngày vừa qua. Thoắt một cái, con trai lớn của tôi là Thịnh tốt nghiệp đại học rồi vào quân đội Mỹ. Em gái của Thịnh, Hồng Sa, cũng học xong đại học hai năm sau đó và kiếm được việc làm ở một ngân hàng lớn trong vùng. Đó cũng là những năm cuối của tôi với công việc, vì tôi đã sẵn sàng về hưu, hưởng giai đoạn thứ ba của cuộc sống.

Lúc còn trẻ hơn, mỗi lần tôi nghe bạn bè hay người quen sắp về hưu, than thở về tuổi già đang kéo đến, tôi thường vui vẻ an ủi họ: “Nghĩ cho cùng, giai đoạn thứ ba của cuộc sống mới là giai đoạn có ý nghĩa nhất. Lúc còn trẻ thì phải lo học hành ngày đêm, tiền bạc thì chưa có. Lúc trung niên đi làm lại phải có nhiều trách nhiệm khác, tuy có đồng ra đồng vào, nhưng lại phải lo cho con cái, không có thì giờ nghĩ đến bản thân. Giai đoạn về hưu mới là giai đoạn sung sướng nhất. Không còn trách nhiệm nặng nề, chỉ mong có sức khoẻ và đừng quá thiếu thốn thì thật ra đó mới là lúc thảnh thơi nhất.”

Khuyên bảo người khác thì hay lắm, nhưng đến lượt mình sắp về hưu thì tôi lại thấy những nỗi lo khác xuất hiện. Những nỗi lo này không nằm trong danh sách những điều tôi dùng để khuyên lơn người khác. Tôi lo không biết lương hưu có đủ cho tôi sống hằng ngày hay không. Tôi lo không biết phải ở đâu vì căn chung cư hai phòng ngủ mấy chục năm nay tôi thuê để sống với hai con sắp trở thành quá rộng và quá mắc, vì Thịnh không còn ở nhà nữa, mà Hồng Sa lại đang rục rịch làm đám cưới với một anh kỹ sư, đã đánh tiếng đang tìm mua nhà riêng. Về việc này, tôi cũng rất buồn vì Hồng Sa chỉ thản nhiên báo cho tôi biết là nó và Huy, anh kỹ sư mà nó đang hẹn hò, đang dự tính lấy nhau, chứ không xin phép xin tắc gì tôi hết. Tôi vẫn còn thuộc nằm lòng câu má dạy “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.”Thật là mỉa mai đối với tôi trong lúc này. Tôi đem chuyện kể với cô bạn cùng sở và nhắc lại câu tục ngữ trên. Cô ta bật cười và bảo tôi không phải là người duy nhất đối diện với hoàn cảnh trớ trêu này. Cô ta còn thêm:

- Ở Mỹ này, một là bồ đừng xài ca dao tục ngữ ở bên Việt Nam nữa, hai là bồ phải sửa lại một chút mới xài được. Thí dụ nói như vầy chắc nghe có lý hơn: “Cha mẹ đặt đây, con ngồi đó!” Ha ha!

Cô bạn nói đúng thật, nhưng tôi lại thấy cô ta cũng ác vì có thể cười cợt khi tôi đang buồn muốn chết. Dù sao đi nữa,tôi cũng thầm mong Hồng Sa sẽ mời tôi cùng ở với vợ chồng nó sau này. Với ý nghĩ thầm kín đó, tôi lại nhớ đến câu tục ngữ má nói ngày xưa “Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ.” Buồn cười là ngay lúc ấy tôi không muốn tin má nữa. Tôi nghĩ câu tục ngữ đó nghe có vẻ ích kỷ quá. Nếu ai cũng sống riêng rẽ thì lấy ai lo cho ai lúc tối lửa tắt đèn, lúc đau ốm bệnh hoạn? Ông bà ngày xưa dạy dỗ những thế hệ sau qua ca dao tục ngữ chắc cũng có lúc sai lầm chứ chẳng lẽ lúc nào cũng đúng cả?

Không riêng gì má tôi ngày xưa mà bây giờ mấy ông già bà cả ở Mỹ cũng còn thích dùng tục ngữ trong lúc trò chuyện lắm. Chẳng hạn như chuyện anh bạn tôi có thằng cháu vừa ở Việt Nam qua định cư. Khác với những đợt định cư của thuyền nhân như tôi các đây vài thập kỷ, ra đi với hai bàn tay trắng, nhiều người ở Việt Nam qua sau này có mang theo ít nhiều tài sản dành dụm được từ bên nhà sang. Bà nội của anh chàng mới ở ViệtNam qua này, biết đứa cháu có rủng rỉnh ít tiền, khuyên bảo:

- Cháu nên tìm một căn nhà nhỏ mà mua đi. An cư mới lạc nghiệp được, cháu ạ!

Anh bạn tôi xen vào:

- Cô ơi, cháu phải xin lỗi cô trước, nhưng quan niệm an cư lạc nghiệp bây giờ đã lỗi thời rồi, nhất là ở Mỹ. Ở đây ai cũng phải kiếm một cái job trước, ổn định công việc một thời gian rồi mới thuê hay mua nhà ở gần chỗ làm. Bây giờ thì phải nói “lạc nghiệp rồi hãy an cư” mới thích hợp, cô ạ.

Bà cụ hứ to một tiếng, liếc anh một cái rõ dài:

- Anh ăn nói hay ho nhỉ! “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, anh biết chưa?

Nhà anh bạn tôi là người Bắc. Các cụ miền Bắc lúc nào nói cũng đậm đà, sâu sắc. Chẳng thế mà má tôi, vốn là người Nam, vẫn thường khen các cụ, dạy tôi câu tục ngữ thật độc đáo: “Nói ở đây, chết cây Hà Nội.” Má tôi giảng: “Các cụ miền Bắc ăn nói thâm thuý lắm. Nhiều khi còn cay độc nữa. Chẳng thế mà ở một nơi thật xa Hà Nội, các cụ có thể nói một câu khiến cho cây cối ở mãi tận Hà Nội chết hết!”

Nhưng chẳng có câu tục ngữ ca dao nào giúp tôi giữ vững tinh thần trong lúc đó được. Sau khi hoàn tất các giấy tờ về hưu, tôi ngậm ngùi từ giã đồng nghiệp trong buổi tiệc dành riêng cho tôi. Hai mươi mấy năm gắn bó với chỗ làm, bảo sao tôi không buồn cho được. Nhưng tôi phải tiến về phía trước trong giai đoạn thứ ba của cuộc sống, giai đoạn mà tôi vẫn thường rao giảng với mọi người là phần đời đẹp nhất trong mỗi chúng ta. Hiềm một nỗi là ngay lúc bắt đầu giai đoạn này cũng là lúc tôi cảm thấy hụt hẫng nhất. Lương hưu của tôi khá khiêm tốn, vắt mũi cũng chỉ vừa đút miệng. Lúc này lại là lúc giá bất động sản trong vùng đang lên cao. Mua hay thuê gìtrong thời gian hiện tại cũng là một nan đề. Khi còn đi làm, lương của tôi dư trả tiền thuê nhà và trang trải những chi tiêu khác. Nay đồng lương hưu không còn làm cuộc sống của tôi thoải mái như trước. Nếu Hồng Sa còn độc thân thêm một thời gian nữa và phụ tiền nhà với tôi như lâu nay nó vẫn làm từ khi có việc thì tôi không đến nỗi phải lo trước mắt. Ngặt một nỗi là nó đang tính chuyện lấy chồng và ra riêng.

Một hôm, tôi đánh bạo dò ý nó:

- Nay mai con lấy chồng , tụi con có bàn nhau về việc mua hay thuê nhà không?

Hồng Sa thủng thỉnh đáp:

- Dạ, anh Huy và con cũng đang kiếm mua một cái condo đó má.

Tôi tiếp tục thăm dò:

- Chà, vậy thì tụi con tính chuyện tiền down nhà ra sao? Nhà cửa bây giờ mắc mỏ lắm!

Hồng Sa hồn nhiên kể:

- Má biết không, anh Huy mới tìm được một dự án bất động sản dành cho những người trẻ tuổi mới đi làm như tụi con. Họ cho mình down chỉ có 5% thôi nên tụi con sẽ lo liệu được.

Tôi vẫn chưa chịu ngưng:

-  Vậy thì tiền nhà hằng tháng thì sao?

Hồng Sa thản nhiên nói:

- Tụi con đứa nào cũng có việc làm, chắc không phải lo đâu má.

Tới đây thì tôi không úp mở hoài được nữa:

- Còn má thì con tính sao? Nay mai con ra riêng, cái apartment này hai phòng, má ở sao cho hết? Mà má cũng đâu có trả tiền nổi nữa với lương hưu của má!

Hồng Sa nhìn tôi:

- Thì má trả lại, đừng thuê nữa!

Tôi bắt đầu thấy nghẹn ngào:

- Rồi má biết ở đâu đây?

Đến đây thì Hồng Sa đã hiểu ý tôi. Nó vội chặn đầu:

- Ý, má ở với tụi con không được đâu! Thấy kỳ lắm!

Tôi làm như không thấy gì là kỳ hết:

- Má có thể giúp con coi nhà coi cửa, nấu ăn cho tụi con. Có vườn tược gì má cũng chăm sóc cho tụi con luôn.

Hồng Sa bật cười:

- Bộ má quên là má vẫn thường nói với con câu bà ngoại dạy “Sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ” sao?

Ý cha! Bây giờ con gái tôi lại “tấn công” tôi bằng chính “vũ khí” của tôi trao truyền cho nó! Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bắt đầu thủ thỉ với các con tôi những câu ca dao tục ngữ của má tôi ngày xưa. Tôi rất tự hào rằng hai đứa con mình nói sõi tiếng Việt ở xứ người. Đó là nhờ tôi chỉ dùng tiếng Việt trong nhà. Tôi hiểu rằng đằng sau mỗi ngôn ngữ luôn luôn có một nền văn hoá phong phú. Vì vậy tôi rất chăm chỉ truyền đạt những kiến thức văn hoá cho hai đứa con của mình, trong đó có ca dao tục ngữ, bất cứ khi nào có cơ hội.

Nước mắt tôi bây giờ chỉ chực trào ra, nhưng tôi cố dằn lại. Chẳng lẽ tôi là mẹ mà lại đi đôi co với con gái, nói lại với nó: “Ủa, vậysao hồi giờ ở với má con không lấy câu này ra áp dụng?” Tôi chỉ biết cười lạt, buông thõng một câu:

- Con dạo này khá đó! Ngôn ngữ, văn chương không thua ai hết.

Hồng Sa biết tôi giận, nói giả lả:

- Hay là má chịu khó mướn một căn apartment nào gần chỗ tụi con ở. Mình chạy qua chạy lại với nhau thì xa cũng như gần vậy.

Tôi nói xuôi xị:

- Bộ con tưởng giá apartment một phòng thời buổi này rẻ lắm sao? Ở khu tệ nhất giá chót cũng phải một ngàn đô trở lên.  Má làm sao kham nổi!

Hồng Sa bàn:

- Đi share phòng chắc rẻ hơn nhiều phải không má?

Nghe con nói vậy, tôi lại càng nghẹn ngào hơn. Tôi vừa quay đi vừa nói, dấu hai hàng nước mắt vừa lăn xuống má:

- Ý kiến cũng hay đó! Để má coi rồi tính sau.

Tôi lững thững bước ra cái patio nhỏ phía sau căn chung cư, nơi mà tôi và hai đứa con đã có bao nhiêu kỷ niệm trong mấy chục năm trời vừa qua. Sắp xa nơi này, lòng tôi sao nghe bùi ngùi khó tả. Tôi buồn buồn nhìn những liếp rau, cây chanh, cây ớt mà tôi đã tỉ mẩn chăm sóc trong thời gian qua. Chẳng hiểu cảm xúc lúc tôi xuống thuyền rời Việt Nam và cảm xúc sắp xa căn chung cư này, cái nào da diết hơn cái nào? Hay là cảm xúc ngày xưa xa quá rồi tôi không còn nhớ, chứ bây giờ tôi thấy quyến luyến nơi này quá đỗi. Rồi bỗng dưng tôi mường tượng đến những chuỗi ngày sắp tới phải sống một mình và chợt thấy bàng hoàng khôn tả.


 

Bấy lâu nay cuộc sống của tôi là với hai đứa con không lúc nào rời xa, như hình với bóng. Thịnh vào quân ngũ, tôi chưa thấy xa xôi lắm vì nó vẫn thường gọi điện thoại có hình ảnh về nói chuyện với tôi khá thường xuyên. Vả lại Hồng Sa vẫn còn bên cạnh tôi. Còn sắp tới... Tôi lại muốn rưng rưng nước mắt, không dám nghĩ đến nữa. Hồng Sa đáng trách hay tôi cũng ích kỷ? Nó đang háo hức với tình yêu, chuyện cưới hỏi, tổ ấm, đó có phải là chuyện bình thường không?

Ngày xưa khi tôi cũng đang yêu, cũng mơ mộng chuyện chồng con, tôi có nghĩ đến má nhiều không? Có một lần, tôi ham chơi, về nhà trễ, chẳng giúp má chuyện bếp núc gì cả. Hôm đó má rầy tôi nhiều, vừa dọn cơm cho tôi ăn, má vừa cằn nhằn:

- Con gái lớn rồi mà hư quá, còn phải để mẹ hầu cơm nước! Đúng là “một mẹ nuôi mười con; mười con không nuôi được một mẹ”!

Tôi xin lỗi má rối rít, nhưng trong lòng không đồng ý với câu má nói. Vừa ăn cơm, tôi vừa lén má cười tủm tỉm. Má tận tuỵ lo cho gia đình thì đã rõ ràng rồi, nhưng tôi cho rằng khi nói câu này, một là má muốn đề cao hơi quá đáng vai trò của người mẹ, hai là má không... giỏi toán! Tôi trộm nghĩ, trong mười đứa con chẳng lẽ không có đứa nào lo lại được cho cha mẹ hay sao? Quay nhanh cuốn phim cuộc đời cho tới hiện tại, trong hoàn cảnh này, bây giờ tôi mới thấm thía câu má nói.

Đến lượt tôi làm mẹ, tôi mới hiểu vì sao ông bà mình đã nói ra một câu cay đắng nhưng cũng chất chứa đầy sự thật như vậy. Cũng may là hôm đó tôi không cãi lại má, lý sự với má về ý nghĩa của câu tục ngữ này.

Liên tiếp mấy tuần sau, tôi ráo riết hỏi thăm bạn bè xem có ai biết nơi nào quen giới thiệu cho tôi share phòng không. Tôi lên cả Internet để tìm tin tức. Qua nhiều tuần lễ, nhiều cú điện thoại thăm dò chỗ share phòng, tôi mới ưng ý một chỗ nhất. Căn nhà đó chủ là một bà lớn tuổi, sống với hai người con, đều đã có gia đình (Đó, người ta vẫn sống chung với nhau được, còn mình...). Nhà bà ở khu Anaheim, gần Disneyland, nhưng cũng không phải là nơi hoàn toàn an ninh lắm. Tôi thì cũng đâu có thể kén cá chọn canh gì trong hoàn cảnh này, khi biết được giá share phòng là 500 đô, rất vừa túi tiền của mình. Bà chủ nhà có hai điều kiện, một là không nuôi súc vật, hai là không được nấu ăn. Điều kiện thứ hai cũng khá ngặt nghèo cho tôi, nhưng tôi cũng đành biết tắc lưỡi mà chấp nhận chứ biết sao hơn. Tôi lái xe đến gặp bà chủ cho hai bên biết nhau. Đến nơi gặp gỡ và nói chuyện với bà chủ, tôi cũng mừng vì thấy bà có vẻ nhân hậu, thật tình. Chắc bà cũng thấy tôi tội nghiệp sao đó, gần cuối câu chuyện, bà bỗng đổi ý và bảo sẽ cho tôi nấu ăn. Tôi mừng hết lớn, chưa biết nói sao thì bà đã nói tiếp:

- Tôi muốn cô có chỗ hoàn toàn riêng biệt với căn nhà, vừa hay cho cô mà cũng cho chúng tôi. Vì vậy cô sẽ không dùng chung bếp với chúng tôi mà tôi sẽ gọi thợ dựng cho cô một cái bếp bên hông nhà cho tiện.

Tôi lắp bắp:

- Nhưng… nhưng như vậy thì sẽ tốn kém cho chị quá!

Bà chủ vui vẻ nói:

- Cô đừng thắc mắc làm chi. Coi như tôi free cho tôi tháng đầu tiền nhà vậy mà. Người Việt với nhau không giúp đỡ nhau thì ai giúp mình?

Nói là làm, vài hôm sau, bà chủ gọi thợ che mái tôn bên hông nhà ,chỗ tiếp giáp với căn phòng tôi sẽ ở. Bà cho chạy ống nước vào “nhà bếp” mới. Một bên nhà bếp để mở cho tôi ra và từ căn phòng, còn bên kia, chỗ đi ra trước nhà, bà cho làm một cánh cửa ngăn lại. Bà đặt mua ở Home Depot một cái tủ nhà bếp, có vòi nước và chậu rửa chén hẳn hòi. Trên mặt tủ, kế bên chậu rửa chén là chỗ còn trống. Bà bảo tôi sắm một cái bếp gas nhỏ để nấu nướng. Bà còn cẩn thận mua một bình gas, bảo là “free” cho tôi lần đầu, về lâu về dài thì tôi phải tự mua lấy. Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, từ cảm xúc này sang cảm xúc khác. Vui mừng, cảm động, xen lẫn một chút tủi thân. Hôm đến xem nhà bếp mới, tôi gởi bà tiền nhà tháng đầu (bà không lấy tháng cuối như nhiều chủ nhà vẫn thường làm) và hẹn hai tuần nữa sẽ dọn đến.

Những ngày sau đó tôi bận rộn với việc chuẩn bị cho đám cưới của Hồng Sa và Huy. Đôi vợ chồng sắp cưới này, ngoài việc lo đám cưới, còn phải lo đủ thủ tục để dọn vào một căn condo mà chúng cũng vừa kịp mua. Lo cho con, tôi không có thì giờ nghĩ đến mình. Tôi lại có thêm một niềm vui là Thịnh xin nghỉ phép về dự đám cưới em gái. Trong đêm tiếp tân đám cưới Hồng Sa, tôi hết khóc lại cười. Mọi việc diễn ra như trong một giấc mơ đẹp, nhẹ nhàng, êm ái, mà cũng đầy ắp cảm xúc. Hai đứa con tôi, hai người thân còn lại trong đời tôi,nay đã thành nhân chi mỹ. Tôi cảm được một niềm hãnh diện kín đáo là mình đã tạm chu toàn bổn phận làm mẹ. Lần đầu tiên tôi có được một niềm vui không vị kỷ, đó là vui lây với hạnh phúc mới của con gái mình. Nó khác với niềm vui khi thấy con mọc răng, biết lẫy, biết bò, tập đi tập đứng ngày chúng còn thơ bé. Bây giờ niềm vui của Hồng Sa là hoàn toàn thuộc về nó, và niềm vui lây của tôi sao mà thấy vị tha quá đỗi. Nhìn Thịnh khoẻ mạnh, rắn rỏi, đẹp trai, tôi càng vui gấp bội. Đêm ấy hình như tôi cụng ly, uống rượu với khách hơi nhiều, cười nói luôn miệng. Đến khuya về nhà, tôi chìm ngay trong giấc ngủ mệt nhoài.

Vài hôm sau, tôi trở lại với thực tế. Hồng Sa đã dọn vào nhà mới. Thịnh bịn rịn chia tay với tôi rồi trở lại đơn vị.Còn lại mình tôi với căn chung cư hai phòng trống vắng, lạnh lẽo, mà chỉ nay mai thôi tôi cũng sẽ rời xa. Đồ đạc trong nhà tôi đã cho hết vào từng thùng cạc-tông gọn ghẽ, cẩn thận ghi tên nội dung từng thùng trên nhãn để dán vào nắp thùng. Tôi phải cho đi hay bán tháo rất nhiều đồ đạc, vì chỗ mới của tôi chỉ chứa được một phần nhỏ những gì tôi đang có. Thịnh đã thuê một nhà kho cá nhân để xếp tạm những đồ vật trong phòng ngủ của nó. Đứng một mình trong căn phòng khách im lìm, tôi chợt nhận ra là cuộc đời mình vừa sang một trang mới. Chưa bao giờ tôi thấy tôi trở về với chính tôi một cách thật gần gũi như hôm nay. Bao nhiêu năm qua, từ lúc lo vượt biên đến lúc phấn đấu để hội nhập nơi xứ người, lo cho con cái ăn học, lo cho nghề nghiệp của mình, tôi như mất đi chính tôi. Lúc nào tôi cũng hướng ngoại, lúc nào cũng phải cắn răng cố vươn lên trong cuộc sống. Tôi không có thì giờ để hướng nội, không có thì giờ để sống với chính mình, soi rọi tâm hồn mình, hay để độc thoại với nội tâm. Thì nay tôi đã có cơ hội rồi đó. Các con tôi như những con chim đã ra ràng, đã rời tổ ấm. Tôi là con chim mẹ, một hôm bỗng thấy mình không còn cần thiết cho ai nữa. Có lẽ bây giờ tôi phải cần đến tôi. Tôi phải dìu tôi đi cho đến hết cuộc đời. Tại sao lại không nhỉ? Bây giờ mới là lúc tôi sống một cuộc sống tràn đầy, trọn vẹn với tất cả ý nghĩa của nó.

Tôi gọi cho bà chủ nhà, xin phép ghé qua căn phòng để xem lại một vài chỗ trước khi thuê xe chở đồ đạc sang. Vừa lái xe tôi vừa gậm nhấm cảm giác của một người vừa thấy mình đang bắt đầu một cuộc sống mới. Hơn một lần, tôi có đọc ở đâu đó câu nói bằng tiếng Anh, đại khái có nghĩa là “Ngày hôm nay là ngày đầu tiên của phần đời còn lại của bạn.” Chẳng phải là chí lý lắm sao? Với ý nghĩ đó, tôi thấy như có một làn gió mới mẻ, tươi mát thổi nhẹ qua hồn mình. Nhưng một nỗi buồn nào đó vẫn cứ váng vất trong lòng tôi. Hai mắt tôi lại cay cay, nhưng trái tim tôi cũng có một niềm phấn khởi mỏng manh nào đó. Xe tôi chạy từ từ vào khu xóm như đang còn uể oải trong giấc ngủ trưa, dưới ánh nắng cuối hè vẫn còn khá gay gắt. Tôi bấm chuông, bà chủ chạy ra tươi cười mở cửa cho tôi vào. Sau một vào câu trao đổi với nhau, bà ý tứ để tôi một mình trong căn phòng mới “của tôi”. Ngày trước, khi còn ở với hai con, tôi chưa bao giờ có cảm giác sở hữu căn chung cư hai phòng ngủ. Điều này cũng phải thôi vì nhà là nhà thuê. Tuy thế, đối với căn phòng mà tôi sắp share này, cũng là phòng thuê mà sao tôi lại thấy như mình thật sự sở hữu nơi chốn nhỏ bé mà ấm cúng này. Căn phòng ngó ra một cái patio có mái che và nhiều cây hoa và cây ăn trái. Cánh cửa trong phòng thông ra các phòng khác trong nhà đã được khoá kín lại. Vì vậy, coi như cái patio là của tôi, trừ khi người trong nhà chịu khó đi vòng từ trước ra sau bằng lối đi bên hông còn lại. Tôi đi một vòng xem qua nhà tắm, cũng là của riêng tôi, và nhà bếp mới xây, trong lòng dâng lên một niềm hân hoan khó tả. Đây là nơi trú ngụ mới của mình, hy vọng là cho đến hết quãng đời còn lại. Đây là nơi bắt đầu của cuộc sống mới của mình. Tôi không nợ nần ai hết. Tôi chỉ mong trời thương cho mình sức khoẻ để khỏi làm phiền con cái.

Lúc tôi giật mình nhìn đồng hồ tay chỉ 7 giờ rưỡi thì nắng chiều cũng vừa biến đi những tia yếu ớt cuối ngày. Tôi nhẹ nhàng bước ra sân sau, nhìn mông ra bên kia bức tường. Đâu lưng với căn nhà của bà chủ là nhiều nhà hàng xóm san sát nhau. Trong buổi chiều vàng, tôi nghe đủ loại âm thanh sinh động của khu xóm sau một ngày làm việc. Tiếng người lớn rì rào nói chuyện, tiếng trẻ em kêu nhau ơi ới, bằng đủ loại ngôn ngữ: tiếng Anh có, tiếng Mễ có, tiếng Việt cũng có nốt. Bên trên những mái nhà là một khoảng trời xanh, đang dần đổi sang màu tím biếc của hoàng hôn đang buông xuống. Trong khu vườn nhỏ “của tôi”, cái gì dường như cũng có, mỗi thứ một chút: chỗ này là cây chanh, chỗ kia là cây tắc; phía bên trái những khóm rau dền, cây đậu bắp, lá và quả không biết được bón phân ra sau mà xanh ngăn ngắt và lớn như tôi chưa từng bao giờ được thấy. Đặc biệt, có một bụi cây lớn có hoa trắng thật đẹp mà thoạt nhìn tôi ngỡ là hoa dâm bụt. Nhưng khi đến gần thì thấy không phải, vì lá không giống là cây dâm bụt, và hoa có cánh cũng khác với cánh hoa dâm bụt. Vả lại thật ra tôi cũng chưa từng thấy hoa dâm bụt trắng bao giờ. Hôm nào tôi sẽ hỏi bà chủ nhà xem loại hoa lạ này tên là gì mới được.

Tôi ghé ngồi xuống chiếc ghế sau nhà, yên lặng thưởng thức làn gió nhẹ của buổi hoàng hôn. Trong đầu tôi tự dưng những hình ảnh ngày xưa liên tục tái hiện, từ lúc nhỏ ở với ba má, đến lúc lấy chồng, có con, vượt biên qua Mỹ và lập nghiệp cho đến bây giờ, tất cả như một khúc phim dài sống động. Hai đứa con tôi bây giờ sao mà thấy xa xôi quá đỗi, như một kỷ niệm nào xưa lăng lắc. Bỗng dưng tôi muốn gặp Hồng Sa ngay lúc này, thủ thỉ với nó rằng tôi không bao giờ giận nó cả. Có lẽ tôi sẽ nói cám ơn nó nữa là đằng khác, vì nhờ nó “hất hủi” mà tôi đã tình cờ tìm lại cuộc sống cho chính mình. Tôi còn hình dung một ngày không xa, con gái tôi sẽ có một đứa bé xinh xinh, kháu khỉnh. Lúc ấy chắc nó sẽ lại cần đến tôi, cần bà ngoại trông cháutrong những lúc vợ chồng nó bận bịu. Chỉ tưởng tượng đến hình ảnh đó thôi mà lòng tôi bỗng dào dạt một tình thương ấm áp. Tôi chợt muốn nói với má tôi rằng ngày xưa má nói thật là đúng, một mẹ nuôi mười con, hay còn hơn thế nữa. Tôi còn muốn thêm vào câu nói đó là “cả mười đứa cháu nữa cũng được!” Trong buổi chiều đang dần xuống, lòng tôi bỗng thanh thản, nhẹ hẫng như một đám mây trắng nào vừa chìm trong bóng tối của một ngày vừa chấm dứt.
Trần C. Trí

Ý kiến bạn đọc
20/10/201702:03:51
Khách
Bài viết rất hay và thật!
23/09/201702:09:02
Khách
Tác giả đã viết lên sư thật của một đời làm ba má. Bài viết quá hay, quá cảm đông, tác giả đã viết lên đứng tâm tư của tôi và cũng như những bà má khác.
20/09/201718:58:29
Khách
Cũng như các độc giả khác, tôi nhận thấy bài viết này rất hay. Chỉ mong cho người phụ nữ trong bài viết ban đầu còn bỡ ngỡ với cuộc sống mới- lẻ loi- nhưng rồi theo thời gian " đời mình sẽ quen"- như nhiều những người cao niên khác.

Theo trang mạng của báo Telegraph số ra tháng 12 năm 2011 bên Anh quốc, có đến phân nửa số người trên 60 tuổi bên đó sống một mình. Chỉ có chưa tới 5 phần trăm những người trên 65 tuổi sống với con trai hay con gái. Trong số những người trên 75 tuổi có đến phân nửa chỉ gặp gỡ người trong gia đình (ít hơn) một lần một tháng.

Bên Hoa kỳ, theo cuộc tham dò của cơ quan PEW hồi tháng 5 năm 2016, chỉ có 6 phần trăm trong số những người cao niên là muốn dọn vào sống chung với gia đình . Theo nghiên cứu của viện Gallup & Robinson Research, ít hơn 31 phần trăm những người cao niên và ở trong tình trạng không còn có thể sống một mình nữa là muốn sống chung với con cái. Và theo American Association of Retired Persons (AARP), thì trong số những người cao niên cần một phần những sự giúp đỡ, chỉ có 4 phần trăm là muốn dọn vào sống chung với những người trong gia đình .
20/09/201707:24:32
Khách
Bài viết hay nên dù đã khuya vẫn muốn đọc cho hết, một bài viết tóm lược một thời gian khá dài đầy gian nan, thử thách, yêu thương chăm sóc các con. Câu chuyện thực tế, cảm động làm người đọc như đã có nghe ai kể qua hay sẽ là chính mình....
19/09/201714:41:56
Khách
Cám ơn tác giả đã có một bài viết rất thật, thấy "thương quá" nữa. Nhưng đó là đời thường trên xứ Mỹ, cũng không hẳn là xấu hay tốt, tùy suy nghĩ của mỗi người. Điều chắc chắn là tác giả không cô đơn vì rất nhiều người đồng cảnh ngộ...
19/09/201713:54:45
Khách
Rất thấm thía và xúc động.
Bây giờ càng lo cho con cái, thì nhớ lại, càng thấy thương về cha mẹ mình ngày xưa. Và càng thấy ray rứt lương tâm.
Vì mình lo cho con một trăm, một ngàn, còn mình lo cho cha mẹ chưa được một !!!
19/09/201712:22:47
Khách
Bài viết hay, nhẹ nhàng tuy có chút đắng cay cho thân phận nhưng rất thật với cảm xúc của cha mẹ khi phải xa rời con cháu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,023,776
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến