Hôm nay,  

Khi Chúng Tôi 55

10/09/201700:00:00(Xem: 12609)
Tác giả: Nguyễn Bích Thủy

Bài số 5214-19-31057-vb8091017

 
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.

 H1
Chúng tôi bên nhau giữa sân trường năm xưa.

 
***
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

Tuổi 55 của phụ nữ ở Việt Nam là tuổi về hưu! Chẳng biết người khác nghĩ sao nhưng với tôi nghỉ hưu ở tuổi 55 thật chẳng vui chút nào. Nhìn chung quanh mình tôi thấy có rất nhiều quý bà 55 tuổi vẫn còn mạnh khỏe và minh mẫn chán; chưa kể là trông họ cũng còn khá duyên dáng nữa đấy chứ! Sở dĩ tôi khen như thế bởi vì chính tôi cũng đang ở tuổi 55! Nhưng vì ở Mỹ nên tôi sẽ phải đi cày thêm ít nhất là mười hai năm nữa. Nói ít nhất là do trong hãng tôi có nhiều bà vẫn còn làm việc khi đã gần 70! Ấy vậy mà bạn bè tôi ở Việt Nam nhiều đứa đã và đang chuẩn bị về hưu. Nghĩ cũng buồn!!!

 
Không buồn sao được khi phải “nằm nhà” trong lúc vẫn còn mạnh sân sẩn!?! Cái cảm giác thấy mình bỗng nhiên bị già đi, ăn không ngồi rồi chắc sẽ làm cho nhiều người dễ bị stress lắm!? (nhất là đối với những người năng động, thích giao tiếp). Nhưng rồi thì chắc đâu cũng vào đó, ai rồi cũng phải tự thích nghi với cuộc sống của mình để phù hợp với bối cảnh: thừa nhân lực, thiếu việc làm như ở Việt Nam. Bạn bè tôi có người cũng tìm được nghề tay trái (giờ đổi thành tay phải) để kiếm sống; có người sẵn tiền của giờ được nghỉ hưu thì đi du lịch, học đàn, học vẽ, học khiêu vũ … cho thỏa những đam mê mà ngày còn trẻ không có điều kiện theo đuổi. Ở Mỹ nếu về hưu non ở tuổi 62 tôi sẽ mất rất nhiều quyền lợi an sinh xã hội. Do vậy việc tôi phải đi làm đến 67, dù không muốn cũng không được! Tuổi về hưu ở bên này nếu còn mạnh khỏe thì thật sự đây là tuổi an nhàn và hạnh phúc nhất. Mà nếu như còn đủ đôi đủ cặp thì càng quý hơn nữa; tha hồ mà ngao du sơn thủy để khám phá thế giới, thiết tưởng không có gì hạnh phúc bằng! Tuy nhiên, trên thực tế khó có ai thực hiện được vì lực bất tòng tâm. Do vậy, bạn bè ở Việt Nam nghe tôi phải đi làm đến 67 tuổi thì ai cũng lắc đầu lè lưỡi, còn tôi nghe họ nói phải về hưu ở tuổi 55 là đã than trời!!! Thôi thì ở đâu phải quen đó, sống cách nào miễn an lạc là được!

 
*

Tôi còn mẹ già ở Việt Nam, năm nay bà đã 82 nên cứ vài năm tôi lại về thăm mẹ một lần, đây cũng là dịp tôi gặp lại đám bạn thời trung học của mình. Đa số chúng tôi đều bằng tuổi nhau, chỉ khác là có người đã thành bà Nội hay bà Ngoại, có người vẫn còn đang nuôi con ăn học, có người chồng con đề huề và cũng có người đã trở lại cuộc sống độc thân. Nếu không có mạng xã hội thì chắc chắn tôi không thể nào nhận diện ra hết đám bạn ngày xưa của mình. Có đứa ngày xưa ốm gầy, giờ đầy đặn phúc hậu; bù lại có đứa ngày xưa tròn trịa mà giờ thì … mỏng te! Ấy vậy mà có một điều không thể nào thay đổi được giữa chúng tôi đó là: Tình Bạn!

Mà hình như càng về già thì Tình Bạn của chúng tôi càng thân thiết hơn xưa thì phải!?! Ngày xưa chúng tôi có khi còn đố kỵ nhau vì: mày học giỏi hơn tao, mày đẹp hơn tao, mày nhà giàu hơn tao, mày được cô thương hơn tao… Nhưng giờ đây sau khi trải qua bao biến động thăng trầm của cuộc đời, chúng tôi thấy thương nhau và hiểu nhau hơn xưa. Bạn bè tôi nhiều người rất thành đạt, có địa vị và học vị cao trong xã hội nhưng cũng không ít người vẫn còn lận đận lao đao, đầy khó khăn trong cuộc sống. Ấy vậy mà khi gặp lại nhau chúng tôi gần như quên hết buồn phiền, quên hết tuổi tác, quên hết những khoảng cách sang hèn … chỉ còn là những nụ cười, những vòng tay ôm đầy thông cảm, thương yêu!

Mùa hè năm nay hai đứa bạn ở Canada và Cali cũng về Việt Nam cùng một lúc với tôi. Đây là dịp khá hy hữu nên bạn bè tôi đã tổ chức nhiều buổi họp mặt rất ý nghiã để mừng ngày bọn tôi cùng bước qua tuổi 55!

 
Thăm ngôi trường con gái… ngày nào!

 
Trong trang web cá nhân, một nhỏ bạn tôi viết ”Giàu vì bạn, sang vì trường”. Thật chẳng sai chút nào! Ngôi trường trung học của chúng tôi có một thời được xem là ngôi nữ danh giá nhất, nhì Sàigòn. Mặc dù nó đã bị đổi tên hơn 42 năm rồi, nhưng lúc nào chúng tôi cũng tự hào vì mình đã từng là nữ sinh Gia Long! Chúng tôi đã về lại ngôi trường cũ, đứng lặng nhìn những dãy hành lang, lớp học mà nhớ như mới ngày nào đây chúng tôi còn tụm năm tụm ba ở đâu đó rúc rích chuyện trò. Đứng ở lối đi giữa sân trường mà nhớ làm sao chỗ này hồi xưa đám học trò chúng tôi hay chia phe cột áo dài chơi u đây mà. (Hình 1)

Từ phòng của các thầy cô bước vài bước là đến lớp 7/12 của chúng tôi ngày đó. Chính nơi đây chúng tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với cô giáo dạy môn văn của mình. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác thật căng thẳng khi đến giờ chính tả của cô; hình như không phải chỉ mình tôi mà hầu như cả lớp đều vểnh tai, ngóng cổ lên nghe cô phát âm từng chữ.

Với giọng Huế không pha tạp, cô đã khiến cho đám học trò Sàigòn “rặc” thật khốn đốn lẫn nghẹt thở! Đau khổ nhất là cứ sai một lỗi chính tả là bị cô trừ bốn điểm, sai năm lỗi là coi như còn … hột vịt (vì điểm tối đa là 20). Hầu như đa số bọn tôi bị điểm âm là chuyện rất… bình thường. Tuy nhiên cô dạy rất hay, cũng chính nhờ cô mà tôi yêu môn văn, thích đọc sách. Cô đã lập ra Quỹ Tương Trợ để giúp đỡ những học sinh khó khăn trong lớp; năm đó tôi là Trưởng Ban Xã Hội nên cũng có khá nhiều dịp tiếp xúc với cô. Trông cô với vẻ ngoài hơi nghiêm khắc nhưng lại là người sống rất tình cảm. Cô cũng giống như nhiều thầy cô khác trong trường, lúc nào cũng muốn uốn nắn chúng tôi thật chuẩn mực và mong chúng tôi phải noi theo gương các đàn chị để làm rạng danh cho hai chữ Gia Long.

Tôi nhớ nhất là khoảng thời gian gần tháng 4 năm 1975, khi Huế thất thủ, cô đã vào lớp khóc với đám trò nhỏ của mình. Chúng tôi ngậm ngùi thương cho Huế của cô và thương cho miền nam Việt nam đang bên bờ vực thẳm. Thế rồi Sàigòn cũng mất!!! Sau đó tôi được hay tin gia đình cô đã di tản ra sống ở nước ngoài. Dù 42 năm đã trôi qua nhưng chúng tôi vẫn nhớ về cô như nhớ về một kỷ niệm đẹp của những ngày Sàigòn của chúng tôi và ngôi trường thân yêu của chúng tôi chưa thay tên, đổi chủ!!! (Hình 2)

Khi đến dãy lớp phía sau trường thì nhỏ bạn của tôi, hiện nay đang giảng dạy tại Đại Học Kinh Tế, có viết như sau: “ Cuối dãy hành lang này, hơn bốn mươi năm về trước, có một căn phòng nho nhỏ. Trong phòng hơi tôi tối, do ánh đèn vàng, thoáng nhẹ mùi ê-te. Phía ngoài, trên cánh cửa gỗ lá sách, gắn cái bảng hình chữ nhật, ghi hai chữ "Bệnh thất". Đó là nơi ngày đầu tiên vào trường, đám học trò con gái líu ríu đi giữa hai hàng cây của sân trường, lướt ngang hồ bơi trong xanh quẹo trái, đi vào làm thủ tục … khám sức khoẻ: cân đo đong đếm. Đó cũng là nơi sau này, được xem là chỗ trú ẩn an toàn của lũ học trò tinh quái, với gương mặt (giả vờ) sầu thảm, với đủ lý do: nhức đầu, chóng mặt... khi sực nhớ ra mình chưa thuộc bài hay quên làm bài tập....”

Điều đặc biệt mà chúng tôi luôn hãnh diện về ngôi trường của mình đó là: cái hồ bơi! Tôi được biết nó đã có mặt trong khuôn viên của trường ngót gần nữa thế kỷ, chính xác là kể từ năm 1968. Trong đặc san “Gia Long Ngày Ấy….Bây giờ” thầy Trần Thế Xương, giáo sư dạy môn Việt văn có viết:” ...Trường của chúng ta là trường duy nhất có hồ bơi trước năm 1975. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Tỵ kể lại rằng, khi Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Nguyễn Cao Kỳ đến thăm trường, ông hỏi trường có mong muốn gì. Cô đáp:”Trường muốn có một hồ bơi”. Chủ tịch ưng thuận ngay. Cô nói:”Chủ tịch công vụ đa đoan, xin có vài chữ để ghi nhớ”. Chủ tịch liền phê:”Cho Gia Long một hồ bơi”. Nhờ đó trường mới có hồ bơi cho thầy trò mặc sức vẫy vùng…”


Chúng tôi đã về đây. Đứng quây quần bên nhau tại cái hồ bơi này mà nhớ mới hôm nào có bầy trẻ nhỏ còn lội bì bõm dưới nước, vừa đạp chân, quơ tay, vừa chốc chốc trồi lên khi nghe cô dạy thể dục huýt còi toét toét trên thành hồ. Nước dưới hồ bơi vẫn xanh, bầu trời trên cao vẫn xanh nhưng tuổi thanh xuân của chúng tôi thì đã trôi qua lâu lắm rồi. Giờ nhìn lại nhau tóc đứa nào cũng đã điểm sương, mới hay bốn mươi mấy năm cũng chỉ là một chớp mắt!!! (Hình 4)

 
Những chân tình bè bạn

 
Tôi về lần này nhằm lúc em trai cất nhà nên cả gia đình nó dọn sang ở với mẹ tôi, cũng ngay sát cạnh đấy. Do vậy, mấy mẹ con tôi buộc lòng phải dọn ra ”tạm trú” nhà-của-nhỏ-bạn, ở số 353/28 Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Nếu gõ trên google thì đây là địa chỉ của khách sạn Cát Huy nằm trong khu phố “Tây ba-lô” Bùi Viện. Ngoài địa điểm vừa kể thì nhỏ bạn tôi cũng đã mạnh tay đầu tư thêm một vài khách sạn mini khác cũng gần đấy. Bạn tôi cho biết nhiều khách ngoại quốc họ rất thích thú với những sinh hoạt đời thường của người Việt Nam, nên khi đến Sàigòn họ đã quyết định chọn cách sống “trà trộn” với người dân thay vì vào những khách sạn năm sao đắc tiền. Cũng có một số thích du-lịch-bụi, vì ngân sách có giới hạn, nên Cát Huy đã là một sự lựa chọn của họ trên mạng. Với kinh nghiệm nhiều năm từng làm việc cho một khách sạn lớn nhất Sàigòn, nhỏ bạn tôi đã có vốn tích lũy để điều hành công việc của mình khá tốt nên Cát Huy đã được nhiều khách hàng đánh giá cao.

Điều thú vị nhất đối với tôi là phía trước khách sạn Cát Huy có một cái chợ chồm hổm! Mỗi ngày người ta họp chợ từ sáng đến tầm một giờ trưa. Chợ ngay trước mặt, do vậy muốn uống một trái dừa xiêm tôi chỉ cần bước hai bước ngay căn nhà đối diện; muốn mua thẻ điện thoại thì bước ba bước qua căn tạp hoá mé bên trái. Còn như muốn làm tóc, gội đầu hay make-up để đi tiệc tùng thì bước qua tay phải vài bước là có ngay. Từ khách sạn ra đến đầu ngõ là một hoạt cảnh rất vui mắt của người mua kẻ bán, kèm theo tiếng rao ơi ới mời gọi của chị bán tép, cô bán “hàng la” với đống đồ may sẵn đang bày dưới đất ... Chắc chắn những cảnh này khó mà thấy được khi sống ở nước ngoài!

Quanh chợ Thái Bình và khu vực Phạm Ngũ Lão buổi sáng mọi người dễ dàng bắt gặp các khách Tây ngồi trên mấy cái ghế đẩu đang xì xụp: phở, bánh canh hay hủ tiếu… hoặc vừa ngồi nhai nhóp nhép ổ bánh mì thịt vừa ngắm ông đi qua, bà đi lại... mà bên cạnh đấy là ly cà phê sữa còn bốc khói. Buổi tối nơi đây có phố đi bộ, các khách Tây tản bộ xuống đường ngồi đầy trong các quán bar… những cửa hàng dịch vụ cũng mọc lên quanh đây rất nhiều. Tiếng Anh đã trở nên khá phổ biến tại khu phố của mấy ông Tây, bà đầm này. Bản thân tôi dù đã từng sống ở Sàigòn suốt ba mươi tám năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp hiểu thêm về cái thành phố thân yêu của mình.

Điều tôi muốn nói đến nhất ở đây là trong suốt hai tuần lễ tại Cát Huy tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với đám bạn của mình. Do tôi ở ngay Quận Nhất nên rất tiện đường cho bạn bè ghé thăm. Có hôm tôi được “tiếp tế” cho nắm cơm vắt ăn với cá chà bông, có hôm thì cây giò chả … hoàn toàn là “home-made”. Chưa kể là những cú điện thoại hẹn đi ăn, đi chơi cứ reo liên tục. Tôi nhớ có một buổi trưa, nhỏ bạn chạy đến cho tôi xấp vải áo dài và bảo: “Tao biết chỗ bà may áo dài này vừa rẻ vừa đẹp, để tao chở mày đi may”. Nó đã thủ sẵn cái “nồi-cơm-điện” (*) trong cốp xe và đưa tôi đội khi ra đường cho đúng luật giao thông. Trời Sàigòn mưa nắng thất thường! Đang đi trời đổ mưa bất thình lình, nó lấy áo mưa ra trùm cho hai đứa, tôi ngồi phía sau ôm eo nó mà nhớ cách đây khoảng bốn mươi năm, đám nữ sinh chúng tôi cũng hay đèo nhau dưới mưa như thế này mỗi khi tan học về. Chỉ khác là ngày xưa chúng tôi toàn đi xe đạp và … trẻ hơn bây giờ … nhiều lắm!!!

Còn một nhỏ bạn khác thì nhờ người mang đến đưa cho tôi một cái túi nặng chình chịch gồm mấy bộ áo dài kèm theo tờ giấy:” Mày ưng cái nào thì lấy mặc, tao và mày cùng ni nên may sẵn cho mày nè”. Tôi không hề khách sáo, lấy hai bộ, để mỗi lần mặc nhớ đến nó! Chưa kể một đứa là chủ shop quần áo đã gửi cả lô những mẫu áo tắm qua tin nhắn cho tôi và bảo mày thích cái nào thì lựa đi Thủy. Cảm động nhất là trong buổi tiệc thân mật mang ý nghĩa đoàn tụ gia đình và họp mặt bạn bè do tôi chủ xướng, nhỏ bạn tôi đã nhận lời làm MC và phát biểu như sau khi mở đầu buổi tiệc:

- Có lẽ nhiều người đang đặt dấu hỏi, thắc mắc không biết: Tôi là ai? Dạ xin thưa tôi là Bùi Ngọc Thu, tôi và Bích Thủy đã có với nhau một tình bạn hơn 44 năm. Cũng chính vì chữ Duyên này mà hôm nay tôi xin được đứng đây thưa chuyện cùng Quý vị…

Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe lời giới thiệu của nó. Chúng tôi đã chia tay nhau giã từ thời nữ sinh khi tuổi đời chỉ vừa đôi chín giữa biết bao thế sự đảo điên. Xa rời ngôi trường thân yêu, chúng tôi tứ tán khắp mọi nẽo đời và cũng lạc nhau từ đó. Chúng tôi không bao giờ có thể ngờ được rằng sẽ có ngày trùng phùng và cùng sum họp trong buổi tiệc đầy ý nghĩa như thế này! Mẹ tôi đã cười thật mãn nguyện khi đám bạn bè tôi vây quanh xin chụp hình cùng bà; mẹ tôi đã xa Gia Long được 62 năm và tôi thì đã 37 năm. Cũng vì một chữ Duyên mà hôm nay chúng tôi, hai thế hệ Gia Long, cùng quây quần bên nhau trong không khí rất ấm cúng đầy chân tình.

Hôm nay tôi đã trở lại quê hương thứ hai của mình mà lòng vẫn nhớ về gia đình và bạn bè thật nhiều. Ở tuổi 82, không biết mẹ tôi còn bao lần nữa để vui vầy bên con cháu trong ngày đoàn viên. Nhà em trai tôi đã xây xong, gia đình em gái tôi cũng đã trở về Đức. Giờ đây chỉ còn lại mẹ tôi ra vào trong căn nhà trống, thỉnh thoảng bà lại mở cái tablet nhắn tin hay gọi cho ba đứa con gái ở bên này. Tôi cũng nhớ từng gương mặt bạn bè và những ngày chúng tôi cùng vui đùa bên nhau. Nhớ lại cái đêm, khoảng gần 12 giờ khuya, trong lúc đẩy xe ra khỏi cổng sân bay Tân Sơn Nhất, đang dáo dát tìm người thân thì tôi nghe tiếng ai đó gọi tên mình đầy mừng rỡ:”Thủy”! Tôi nhìn thấy hai đứa bạn thân đang chạy ùa ra. Bất ngờ quá! Chúng tôi ôm nhau nghẹn ngào! Ai biết được rằng chỉ mới mấy hôm trước đây, một trong hai đứa nó còn nằm trên bàn mổ!!!

Điều “ám ảnh” tôi nhất đó là kỳ này về tôi có dịp đi ngang qua cây cầu Hiền Lương, bắt qua con sông Bến Hải chia cắt Bắc-Nam ngày nào. Nó đang ủ rủ đứng đó và đã trở thành một chứng nhân lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam. Nó đã được “thống nhất” còn chúng tôi thì phải dứt áo ra đi, bỏ lại quê hương sau lưng: đôi ngã chia lìa!

Hành lý tôi đem về Mỹ tưởng sẽ nhẹ tênh (vì quà đã biếu hết rồi), nhưng nó lại nặng hơn lúc đi vì đã có quá nhiều ân tình của gia đình và bạn bè được gói ghém trong đó. Thương nhất là kỳ này trong đám bạn tôi, có một đứa cứ phải ra vào bệnh viện điều trị liên tục. Tôi chỉ gặp nó được hai lần. Nó tặng tôi quà, tôi la liền tại sao mày bịnh mà còn phải bận tâm về tao chi vậy nhỏ; nó nói tao chuẩn bị trước khi bệnh rồi, mày đừng lo cho tao! Mừng nhất là hôm nay tôi được tin nó đã khỏe nhiều rồi. Suốt những ngày ở Việt Nam, chúng tôi đã có những buổi họp mặt, dã ngoại, đi chơi rất tuyệt vời … tất cả đều do một tay nhỏ Bông Đẹp (tên thân mật mà chúng tôi đặt cho nó), đã bỏ hết công sức để làm “đạo diễn” cho lần gặp gỡ này từ nữa năm trước! Cái tình của nó đối với bạn bè tôi không biết phải kể sao cho hết!

Cứ mỗi lần ở quê mẹ về là lòng tôi cứ xốn xang bồi hồi khó tả. Dù quê hương của tôi đã thay đổi chính thể, dù Sàigòn giờ đã khoát lên nhiều nét dị dạng nhưng cái tình quê, tình gia đình, tình bạn bè thì vẫn còn chảy mãi trong huyết quản của mỗi người con Việt?!! Nhớ mãi chúng tôi đã đứng bên nhau cùng hát:

….

Về đây nghe em, về đây nghe em

Về đây cùng khóc trên sông nước buồn

Chở lòng người trở về quê hương

Chở hồn người vào dòng suối mát

Chở thật thà vào lòng dối trá

Và nhạc hoa xin tạ chút ơn

Hoang phế khi đã gặp nhau …(**)


*

Có một buổi trưa tôi đã ngồi nghe nhỏ bạn tâm sự, kể về cuộc đời của nó trong suốt hơn 37 năm chúng tôi xa cách. Cuộn phim dĩ vãng được lần lượt tái hiện về qua giọng nói, nụ cười và cả những giọt nước mắt của nó! Tôi nhớ nhất là câu này: “Cuộc đời có những điều kỳ diệu lắm Thủy ơi, hình như nó được lập trình sẵn tự bao giờ, mọi việc cứ diễn ra một cách tuần tự theo đúng quy trình của nó!”. Tôi chợt nghĩ đến hai chữ Nghiệp - Duyên mà mỗi người đang mang nặng trên vai trong suốt cuộc hành trình của mình!

Khi chúng tôi 55, tôi đã hiểu ra rằng không phải ai cũng có thể bước đến cột mốc thứ 55 của đời mình. Có rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống do bệnh tật, thiên tai, chiến tranh, đói nghèo … Có thể họ đã ra đi trong cô đơn, tuyệt vọng và đớn đau! Mỗi chúng tôi cũng đang mang trong người ít nhiều những thân bệnh cũng như tâm bệnh nhưng chúng tôi luôn cố gắng lạc quan, tìm cách chống chọi và sống hòa bình với những tật bệnh của mình. Và điều đáng trân trọng nhất là chúng tôi vẫn còn có nhau để chia xẻ những nổi vui buồn của tuổi về chiều.

Khi chúng tôi 55, tôi nghiệm được rằng chiếc lá nào trên cành rồi cũng có ngày phải rụng xuống, bông hoa nào đẹp cách mấy rồi cũng có lúc phải héo tàn, ánh nắng mặt trời dù có chói chang cách mấy rồi cũng phải kết thúc lúc cuối ngày. Thôi thì hãy vui khi còn làm những tàng cây cho đời bao bóng mát, làm bông hoa thơm ngát, làm ánh nắng chiếu rọi khắp dương gian.
 

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày… (***)
 

Đúng vậy. Lá trên cành sẽ rụng xuống nhưng sẽ có vô số những chồi xanh xuất hiện, cây chỉ thay chiếc áo mới mà thôi. Bông hoa sẽ tàn úa, nhưng những nụ mầm khác lại hé nở và có thể sẽ cho đời sắc thắm đẹp hơn. Ngày sẽ tắt, nhưng buổi sáng hôm sau biết đâu ánh nắng sẽ rực rỡ chan hòa hơn bội phần. Hoa lá, cỏ cây, ánh nắng không bao giờ chết cũng như cuộc sống của chúng ta, theo cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chỉ là Một Cõi Đi Về!

Xin chúc cho bạn bè tôi và cho tất cả những ai: đang đi - sẽ về, đã về - lại đi; được đi đi - về về một cách thong dong tự tại, nhẹ nhàng thanh thản.

Bài viết và lời chúc xin gửi riêng tới những cựu  Gia Long niên khóa 1973 - 1980.  

Nguyễn Bích Thủy


(*) Nón bảo hiểm.

(**) Lời của bài hát Về Đây Nghe Em của nhạc sĩ Lê Quang Lộc.

(***)  Lời bài hát Cát Bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ý kiến bạn đọc
12/09/201702:07:34
Khách
qua tấm hình ở trên, tác giả (Bich Thuy) đứng chỗ nào dzậy ? làm ơn chỉ dùm..cảm ơn..cái tật xấu của tụi là thấy ai mặc áo dài....là thích nhìn, mà ai mặc áo dài cũng dẹp hết á
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,328,968
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.