Hôm nay,  

Hẹn Nối Một Nhịp Đời

02/09/201700:00:00(Xem: 12339)
Tác giả: Yên Sơn

Bài số 5207-19-31050-vb6083017

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, mới đây, ông có bài “Sứ Mạng Tinh Thần” kể chuyện ông thầy võ hoàn tất di chúc của một võ sinh, giúp thu xếp trao lại toàn bộ tài sản hơn 200,000 mỹ kim  cho vợ và con nhỏ của anh là Phương Lan và bé Lan Huệ, đang còn ở lại Việt Nam. Bài mới là phần tiếp theo của câu chuyện đã kể.

***

Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước. Phong nhận lời rồi chia tay với Châu sau khi hẹn nhau ở nhà hàng Texas Road Steakhouse lúc 8g30 tối.

Phong gọi điện thoại cho vợ biết để sửa soạn trước. Ngọc Loan – vợ Phong – nói với chồng mời Châu về nhà ăn phở vì đã sẵn sàng, nhưng Phong nói là chú Châu mời sinh nhật.

Mới 7g30 chiều mà trời đã tối mịt, trăng 14 đã nằm cao trên đầu rặng thông trước mặt. Bầu trời có nhiều mây khiến trăng lúc mờ lúc tỏ. Mới đó đã trọng thu rồi. Cơn gió nhè nhẹ thổi ngang mang hơi lạnh làm Phong kéo cao cổ áo khi bước ra xe. Nhà hàng Mễ bên cạnh trường tối Thứ Sáu nào cũng đông khách. Có vài lần chàng đi ăn với học trò ở đây sau lớp tập nhưng thức ăn không hợp khẩu vị; chàng chỉ thích margarita ở đây được pha chế rất đặc biệt. Có lẽ chương trình Karaoke và thức uống giảm giá tối Thứ Sáu đã lôi cuốn khách hơn là thức ăn thường lệ.

Trên đường lái xe tới nhà hàng, Phong định gọi điện thoại thăm hỏi Phương Lan và tình hình học tập của bé Lan Huệ nhưng lại đổi ý. Thực lòng chàng cũng muốn giới hạn việc gọi điện thoại vì lẽ những lời an ủi, khuyến khích thường tình không làm đầy nỗi trống vắng của một phụ nữ goá chồng. Chàng cũng biết nàng dành cho chàng một cảm tình đặc biệt chỉ vì định mệnh đã an bài để chàng bất ngờ xuất hiện đúng lúc, cứu giúp gia đình nàng trước một viễn cảnh đen tối. Đối với nàng, Phong cũng dành nhiều cảm mến, xem nàng như một cô em dâu vừa ngoan hiền, thông minh và tháo vát nhưng kém may mắn. Việc chàng đặc biệt yêu mến con bé cũng chỉ vì nó kháu khỉnh, thông minh và lại là đứa bé mồ côi cha. Cha nó lại là một học trò quý của chàng, giống như một đứa em thân thiết mà mệnh yểu, cùng với tính yêu thích trẻ con và cũng đang hoài mong làm ông nội, ông ngoại ở độ tuổi xế chiều.

Dù chưa biết Phương Lan học lực tới đâu nhưng từ lúc quen biết nàng, sự tinh tế và thông minh của nàng đã cho chàng biết con người đó không cần tới bằng cấp thường tình để chứng tỏ khả năng vươn lên với đời, vượt qua mọi trở lực bằng kiến thức trời ban với tấm lòng thuần hậu, lương thiện. Thầm nghĩ nếu chàng còn độc thân vui tính, có lẽ nàng đã là một chọn lựa hoàn hảo.

Phong vừa cho xe vào chỗ đậu đã thấy Ngọc Loan bước ra khỏi xe của nàng. Chàng nắm tay vợ cùng sánh vai đi vào nhà hàng. Vừa đến trước cửa đã thấy Châu, với nụ cười hiền hoà quen thuộc, đứng đợi. Ngọc Loan vui vẻ ngỏ lời chúc mừng sinh nhật và cám ơn Châu đã có lời mời.

Tối Thứ Sáu nhà hàng đông nghẹt khách, phải đợi hơn nửa tiếng đồng hồ họ mới được bồi bàn hướng dẫn vào chỗ ngồi. Vừa an tọa, một cô bồi bàn khác tới lấy order thức uống. Châu nói với vợ chồng Phong, “hôm trước tình cờ em đi nhà hàng với một anh Giám thị trong hãng tới đây. Anh ta giới thiệu với em một chai rượu đỏ ngon tuyệt. Anh chị dùng thử với em để xem sao há?” Được sự đồng ý của Phong, Châu gọi nguyên chai rượu vang với ba cái ly rồi cả ba người cắm cúi nhìn vào tờ thực đơn để tìm món ăn hợp khẩu vị. Châu nói, “đi nhà hàng chuyên môn beefsteak thì mình phải lựa món beefsteak ngon nhất.” Dù vậy, cũng có gần chục món beefsteaks khác nhau để chọn lựa cũng không phải là dễ. Món đắt giá nhất chưa chắc là món ngon nhất, còn tuỳ vào sở thích của mỗi người. Món ưa thích của mỗi người không giống nhau nên cuối cùng mỗi người chọn cho mình một món ăn hợp theo khẩu vị. Cô bồi bàn trở lại với chai rượu trên tay, giảng giải một chút về chai rượu và khui tại bàn cho nhắm thử trước. Châu nhường cho Phong thử rượu. Vị cabernet/sauvignon của chai Trinchero của Napa Valley, California 2010 đậm đà mà êm dịu. Mùi vị này chắc không phải loại phổ thông. Phong gật đầu và cô bồi bàn tuần tự, điệu nghệ rót ra ba chiếc ly. Cả ba nâng ly chúc mừng Châu sinh nhật vui vẻ. Đặt ly rượu xuống, Phong mở đầu câu chuyện:

– Anh đoán chai rượu này phải trên một trăm?

Châu ngần ngừ một lúc nhưng rồi chậm rãi nói:

– Giá ở tiệm bán rượu Spices chỉ có $120 nhưng ở đây họ lấy $180.

– Wow! Đâu cần đắt như vậy chú?

– Tiền bạc đâu có nghĩa gì khi mình muốn thưởng thức trong khả năng của mình hả anh.

– Chú nói cũng đúng. Cám ơn chú.

– Sinh nhật em củaq anh chị mà!

– Với số tuổi vừa qua nửa thế kỷ, chú có dự định gì trong tương lai không? Ngọc Loan hỏi.

– Nghe chị nói chữ “nửa thế kỷ” em liên tưởng tới một cụ ông lưng còng mắt mờ, tay run gối mỏi.

– Nhưng chú trông rất trẻ đó mà! Có lẽ sống độc thân là yếu tố chính phải không?

– Cám ơn chị quá khen, nhưng có lẽ em chỉ trẻ so với người già chị há?

Cả ba cùng cười xoà sau mấy câu đối đáp. Ngọc Loan lại lên tiếng:

– Vậy thì chú cần phải làm gì ngay để chạy kịp với thời gian. Chú có dự định lập gia đình lại hay chưa?

Hớp một ngụm rượu xong nhẹ nhàng đặt xuống bàn, Châu ôn tồn:

– Chị đã biết việc anh Phong muốn làm mai cho em một thiếu phụ đang ở VN chứ? Em đã suy nghĩ nhiều về lời đề nghị của anh Phong.

– Anh Phong có cho chị biết. Chị cũng rất thương mến mẹ con Phương Lan. Chị hoàn toàn tán đồng và hứa nói vô cho chú.

– Em chỉ sợ người ta từ chối thì quê một cục.

Phong xen vào:

– Vậy có nghĩa là Châu bằng lòng để anh tìm cách giới thiệu hai người với nhau há?

Châu chưa kịp trả lời thì thức ăn đã được dọn lên bàn. Mùi beeefsteak thơm sực nức làm bụng Phong đói rã.

– Mời anh chị dùng bữa kẻo nguội mất ngon!

– Chúc một bữa ăn ngon. Ngọc Loan nói.

– Chúng ta cứ vừa ăn vừa tiếp tục câu chuyện nha. Anh hỏi lại Châu, “chú có bằng lòng việc anh muốn giới thiệu chú với Phương Lan không?”

Châu ngưng tay dao, tỏ vẻ nghiêm trang hỏi lại:

– Anh nghĩ em có cơ hội không?

– Chú dùng kẻo nguội. Không cần quá nghiêm trang đâu! Hoàn cảnh của cô ấy anh đã nói hết với chú rồi. Anh chỉ ngại một điều cho chú là cô ấy sẽ không đi đâu được cho đến khi bà cụ trăm tuổi.

– Em không quan tâm điều đó lắm vì em cũng đã quen với đời sống độc thân rồi; và nếu phải chờ đợi thêm vài ba năm nữa để gặp được một hồng nhan tri kỷ thì cũng xứng đáng anh à.

– Đâu có ai biết sẽ còn bao nhiêu năm nữa?

Châu thầm trầm:

– Em đã suy nghĩ rất nhiều về chỗ này, có lẽ không khó lắm đâu anh chị; em chỉ còn hai chị và các cháu bên Mỹ, nếu quả thật là duyên phận và cần phải hy sinh, em cũng có thể về sống luôn bên đó mà.

– Như vậy, theo anh nghĩ, đã bớt đi một rào cản vô cùng quan trọng, anh sẽ cố gắng phần anh.

– Chị cũng sẽ hết sức nói vô cho chú. – Ngọc Loan xen vào – Tuy nhiên, có một điều anh chị nói trước để không bị “tai nạn” sau này.

– Chị nói gì nghe ghê vậy? Châu cười thắc mắc.

– Chuyện giới thiệu là do anh chị tình nguyện nhưng được hay không là do hai người. Hai người phải tìm hiểu nhau cho kỹ và tự quyết định cho tương lại của mình mà anh chị không chịu bất cứ trách nhiệm nào hết.

– Vâng, em hiểu. Anh Phong cũng đã nói với em giống như chị rồi.

– Nâng ly cầu chúc điều tốt đẹp nhất. – Ngọc Loan cầm ly rượu lên nói với hai người.

Trực nhớ lại mẩu đối thoại với Phương Lan mấy tuần trước, Phong tiếp lời:

– Anh cũng muốn nói cho Châu biết là mấy tuần trước anh có thăm dò ý tứ của Phương Lan về việc cô ấy “bước thêm bước nữa”, nhưng có lẽ vì bận bịu với công việc mới nên có vẻ thờ ơ. Cô ấy đã được ông bà Thành, chủ tiệm thuốc tây, nhận làm con nuôi và quyết định cho cô ấy toàn quyền quản trị tiệm thuốc để ông bà nghỉ hưu đi thăm con cháu.

– Vậy thì đâu có nhiều hy vọng hả anh? Châu hỏi.

– Còn tuỳ thuộc vào duyên số của chú ra sao.

– Chưa có cơ hội làm quen nữa mà!

– Chú đã một thân một mình khá lâu, nếu có phải chờ đợi thêm một thời gian nữa chắc không sao phải không?

– Kiên nhẫn thì em có thừa chỉ sợ mặt hồ đang yên tĩnh bị khuấy động mà không tìm thấy cá.

– Chúng ta đang nói chuyện “take a chance” (thử thời vận) thôi mà. Ở đời có cái gì làm chắc nhưng muốn về tới mục tiêu thì cần phải bước tới, dù rất chậm.

– Em không có vấn đề. Em chấp nhận được hay không cũng okay với em.

– Không còn “sợ mặt hồ bị khuấy động mà không có cá” nữa sao?

– Với sự thương mến của anh chị, em vui lòng take a chance.

Cả ba cùng cười, nâng ly làm một ngụm. Đặt ly xuống bàn, Phong tiếp:

– Anh có nói chuyện với Phương Lan, cô ấy nói tương lai của cháu Lan Huệ mới là quan trọng. Và đã khẳng định là trước sau gì cũng sẽ đưa con bé qua Mỹ.

– Nhưng… cho biết đến bao giờ?

– Dĩ nhiên không ai biết được, nhưng anh hy vọng sẽ có những thay đổi tốt đẹp hơn. Nếu là duyên số trời định, việc đến sẽ đến.

Câu chuyện bị gián đoạn vì cô bồi bàn trở lại để hỏi về thức tráng miệng nhưng không ai muốn.

– Chú nghĩ sao về đứa bé, con Phương Lan?

– Lan Huệ hả anh? Sự hiện diện của nó giúp em quyết định dễ dàng hơn vì em đã cầu mong có một đứa con từ lúc mới lập gia đình.

– Nhưng chú chưa từng thấy mặt cả hai mẹ con làm sao chú dám chắc là sẽ yêu thương họ thật lòng?

– Thì anh đã nói cả hai đều thông minh, xinh đẹp. Em tin anh. Hơn nữa cũng còn tuỳ thuộc vào duyên phận của mình nữa phải không anh. Dù sao đi nữa, việc có thành tựu hay không em cũng cam lòng.

Ngọc Loan chen vào:

– Chú yên tâm, anh Phong mà khen ai thì người đó phải là người đáng làm bạn. Anh chị rất thương bé Lan Huệ. Anh chị mong chú và Phương Lan hợp tính nhau để quyết định cùng nhau đi nốt con đường đời dang dở.

– Em cũng cầu mong vậy.

Châu cầm chai rượu lên dự định rót vào ly của Ngọc loan trước, nhưng nàng khoát tay:

– Chị không uống nữa đâu. Chị vốn không thích uống rượu nhưng vì vui sinh nhật của chú nên hôm nay đã uống khá nhiều rồi; đợi khi nào chú có tin vui, chị lại uống nữa.

Châu rót cuốc rượu cuối cùng vào hai ly, Phong nâng ly mời:

Việc gì tới sẽ tới, cám ơn chú đã cho anh thưởng thức rượu ngon hôm nay. Chúc chú sinh nhật và những ngày tháng tới đầy niềm vui và hạnh phúc.

Ngọc Loan xoay qua hỏi Phong:

– Anh có dự định bao giờ nói chuyện này với Phương Lan?

– Dù gì thì lúc này chưa phải là lúc, vì công việc hiện tại của cô ấy rất nặng nề.

– Vâng, chắc đợi thêm một thời gian ngắn cho mọi việc ổn định rồi sẽ nói. Em sẽ phụ anh giúp lời.

– Cám ơn anh chị, không cần gấp đâu. Nếu đề cập việc đó trong lúc này sẽ làm cô ấy khó chịu. Cứ để tuỳ duyên thôi.

 

Hai chữ “tuỳ duyên” đã là nguyên nhân chính cho sự im lặng gần 6 tháng dài cho tới khi cú điện thoại của Phương Lan gọi qua vào trưa Mồng Một Tết Nguyên Đán. Phong vừa bấm nút nhận đã nghe thấy giọng nói nửa Huế nửa Nam ở đầu bên kia:

– Chào anh chị, mẹ con em xin kính chúc đại gia đình anh chị và các cháu một năm mới an khang, hạnh phúc, và sức khoẻ dồi dào.

– Ô lâu quá không liên lạc vì anh biết Phương Lan rất bận rộn trong công việc quản trị nhà thuốc tây.

– Em nghĩ thời gian qua anh bận nhiều việc quan trọng nên không liên lạc với mẹ con em, hay anh có buồn em chuyện chi không?

– Anh đâu có buồn gì em, chỉ là anh biết em mới tiếp nhận một cái tiệm đông khách như vậy chắc chắn phải rất bận nên anh không muốn quấy rầy, để cho em dồn tâm lực vào công việc.

– Xin lỗi anh chị. Em vẫn nhớ nghĩ đến anh chị nhưng thật tình càng ngày càng bận bù đầu nơi.

– Chúc mừng em. Bé Lan Huệ ra sao rồi? Cụ ra sao rồi?

– Cháu vẫn học hành tốt, sức khoẻ mọi người khả quan. Tuy nhiên, Mạ em càng ngày càng yếu, em vẫn canh cánh trong lòng, chiếc lá vàng khô không biết lúc mô thì gió thổi lìa cành!

– Chuyện ngày mai không ai biết được. Chuyện sinh tử ai rồi cũng phải một lần. Cứ cầu mong điều tốt nhất và chuẩn bị tinh thần cho điều tệ hại nhất. Anh chị mừng nghe mọi người bình yên, và sức khoẻ tốt đẹp. Xin chúc thọ mừng tuổi Bác và cầu chúc em những điều tốt đẹp nhất trong năm mới; chúc Lan Huệ học hành thăng tiến, xinh đẹp, giỏi dang. Công việc buôn bán ra sao rồi em?

– Việc buôn bán vẫn hanh thông anh à. Em rất may mắn có chị Tần. Chị là một người em hoàn toàn tin cậy, được bà con quý mến với sự mát tay của chị. Chị vẫn luôn có nhiều bệnh nhân tìm đến và luôn giúp em cật lực những khi có thể được.

– Anh mừng cho em! Chắc không lâu em sẽ trở thành đại gia em há?

– Anh cứ chọc em hoài. Cuộc sống vật chất của chúng em tuy nay có phần ổn định nhưng em vẫn lo nghĩ đến tương lai của con bé.

– Em có tiền thì cứ gửi cháu vào những trường tư tốt nhất.

– Đâu có đơn giản vậy đâu anh. Vả lại, ở Quảng Ngãi cũng rất giới hạn mà gửi đi xa thì chẳng thà cho nó qua Mỹ.

– Đã không tính được thì bận tâm làm gì?

– Mẹ em ngày một già yếu! Rồi cũng phải tới lúc lá vàng lìa cội. Hiện tại em chẳng tính toán được gì ngoài công việc hàng ngày. Ba Mẹ nuôi của em cũng rất hài lòng về việc kinh doanh của nhà thuốc.

– Ông bà Thành có về trong dịp Tết không?

– Dạ có! Về hơn tháng rồi. Hôm qua Ba Mẹ có tới tiệm cúng tiễn ông bà.

– Ông bà Thành có nói chi về việc kinh doanh không?

– Dạ không, vì em vẫn báo cáo mọi sinh hoạt của tiệm rất chi tiết, rõ ràng cho Ba Mẹ mỗi tháng. Về đây cả tháng nhưng Ba Mẹ chỉ ghé qua hai lần rồi đi. Ba Mẹ có khuyên em tìm thêm người giúp việc.

– Em có muốn thêm một người tiếp tay em không?

Nghe đầu dây im bặt một lúc, rồi giọng nói như đang cười trong phone:

– Anh đừng noái “muốn giới thiệu người nào đó cho em” nghe?

– Nếu có người ở Mỹ lâu năm, rất thích nghi với hoàn cảnh mẹ con em, muốn tình nguyện về sống luôn bên đó với em thì sao?

– Em không nghĩ ai có thể làm một quyết định không sáng sủa như rứa.

– ???

– Theo tìm hiểu của em thì nước Mỹ so với Việt Nam đúng là một thiên đường!

– À anh hiểu em muốn nói gì rồi. Không ai dại gì bỏ thiên đường để tìm về đất khổ phải không? Nhưng em cũng nên nhớ con người ta vì tình yêu có thể hy sinh nhiều thứ.

– Hi hi… anh muốn noái “một mái nhà tranh hai quả tim dzàng” hả anh?

– Hahaha!

– Đã đành vì tình yêu người ta có thể hy sinh nhiều thứ, nhưng hoàn cảnh của em bi chừ không có chỗ trong những truyện thần tiên như rứa.

– Dù em chưa biết hắn nhưng anh đã nói rất rõ về tình trạng của em cho hắn rồi.

– Điều gì khiến anh tự tin dữ rứa? Chọn chồng cho em nữa! Người ta chứ đâu phải anh mà biết chắc là họ sẽ thích em và em sẽ thích họ?

– Hahaha! Anh tin là anh hiểu được tính cách của em. Anh rất hiểu hắn vì hắn là học trò của anh và qua giao tiếp thường xuyên bên này. Anh tin là hắn sẽ rất thích hợp với em.

– Em không muốn ai thương hại em, kể cả anh.

– Tại sao em nói thế?

– Tại vì anh thấy em mẹ goá con côi nên cứ muốn em lấy chồng.

– Cái đó thì đúng nhưng không có nghĩa là thương hại. Tại anh thấy bé Lan Huệ mỗi ngày một lớn, và nhu cầu cho nó cũng sẽ lớn theo trong khi Bác gái càng lúc càng già yếu. Em biết mà, chúng ta sống ở đời sống này giống như trong một cuộc chạy đua tiếp sức, không chuẩn bị thì làm sao có cơ hội giành chiến thắng; nếu chúng ta cứ bị bất ngờ hoài sẽ hỏng cả cuộc đời.

– Em biết em không còn trẻ nhưng tình cảnh của em bi chừ rất khó anh à!

– Anh rất hiểu, nhưng hôm nay ngày đầu năm, tiệm đóng cửa phải không? Em cho anh cơ hội nói với em về điều anh muốn nói, chỉ mong em kiên nhẫn lắng nghe rồi cho anh biết ý kiến sau, được không?

– Dạ anh cứ noái, em xin lắng nghe anh.

– Anh muốn nói với em về một người có tiêu chuẩn như em nói với anh lúc trước, một người tử tế hiếm hoi, rất hợp với tính tình của anh. Tên hắn là Châu, 50 tuổi, đang là học trò của anh. Châu ghi danh học đúng lúc Huệ mất đi. Kể từ đó đến nay vẫn tập tành siêng năng, đều đặn. Anh mất Huệ và liền có Châu nên rất lấy làm an ủi. Nhiều lúc anh cứ lộn Châu là Huệ. Hắn là một kỹ sư điện toán, đang làm việc cho hãng điện toán danh tiếng, Hewlett Packard, ở Houston; đã từng có vợ nhưng hai người không thể có con dù họ rất mong ước. Đã không thể có con mà hai vợ chồng càng ngày càng có lối sống khác biệt, nếu không nói là trái ngược nhau. Vì thế, một ngày đẹp trời trong quá khứ, hai người đồng ý ly dị theo lời đề nghị của Thanh Loan, vợ Châu. Hắn cho Loan hầu hết tài sản hiện có, chỉ giữ lại căn nhà, một số tiền mặt và chương trình hưu bổng của hãng. Đời sống của hắn bây giờ an bình như một thầy tu: đi làm, đi tập, làm vườn, đọc sách, nghe nhạc ở nhà… Không còn cha mẹ, cả hai chị đã có gia đình riêng, rất thành đạt, hiện ở California.

Phong ngưng một lúc nhưng không thấy Phương Lan lên tiếng.

– Em còn đó không?

– Dạ em đang lắng nghe anh.

– À! Anh đã kể cho Châu nghe hoàn cảnh của em. Châu đã xin thời gian suy nghĩ chín chắn rồi mới trả lời anh. Khoảng 6 tháng trước, nhân dịp sinh nhật 50 tuổi, hắn mời anh chị đi ăn ngoài và cho biết là đồng ý để anh chị thăm dò ý tứ của em. Hắn còn nói, tình cảnh của em như anh nói thì đang quá bận rộn, hãy để thư thả tuỳ duyên, không cần phải hỏi ngay, hắn có thừa kiên nhẫn… Nghe hắn nói vậy và nghĩ tới công việc của em, vừa tiếp nhận tiệm thuốc, biết bao nhiêu việc phải lo nên chưa vội thổ lộ với em cho đến hôm nay… ngày lành tháng tốt!

– Anh noái xong chưa ạ?

– Còn một điều quan trọng nữa. Và đó là mấu chốt của vấn đề. Hắn nói hắn có đời sống độc lập, hoàn toàn không bị ràng buộc vào đâu, lệ thuộc vào ai; nếu cần, hắn có thể về sống ở Việt Nam.

– …

– Phương Lan, em còn đó chứ?

– Dạ, em còn đây… nhưng…

Tôi kiên nhẫn không hỏi gì thêm trong khi Phương Lan có vẻ bối rối, ngập ngừng… mãi một lúc sau:

– Anh cho em trả lời anh sau hí, chừ thì đầu óc em mông lung lắm, không biết noái răng mô.

– Anh đâu có bắt em chịu liền đâu chứ? Chỉ nói cho em những gì anh cần nói thôi. Anh không thể quả quyết về quan niệm sống của Châu nhưng qua giao tiếp, anh nghĩ, nếu em yêu Huệ thì em sẽ chấp nhận được Châu. Dù gì, hai người cũng sẽ tự mình tìm hiểu nhau, anh chị chỉ tạo cơ hội mà hoàn toàn không chịu trách nhiệm trong tương lai của hai người. Quả bóng đang ở chân em, cứ quan sát thật kỹ rồi giao banh cho trung vệ hay đá thẳng vào gôn cũng được mà.

Cả hai người cùng cười sau câu diễu của Phong.

– Một lần nữa, cho anh kính lời chúc Tết Cụ, nhờ em thơm con bé, chúc nó ăn nhiều, chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành thăng tiến.

– Anh còn giờ noái chuyện với con một chút không? Hắn dặn em cho hắn noái chuyện với Ba nuôi của hắn mỗi lần em noái chuyện với anh. Hắn đang ngồi chờ đằng tê tề.

– Ồ, vậy thì tốt quá!

– Con kính chào Ba nuôi. Con kính chúc Tết Ba nuôi. Chúc Ba sức khoẻ dồi dào, con nghe người ta chúc như ri, chúc Ba trong năm mới “tiền vô như nước sông Trà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”, hí hí!

– Hahaha! Chào con gái ngoan. Ba cũng chúc con chóng lớn, xinh đẹp và học hành tiến bộ.

– Con cám ơn Ba. Con vẫn học tốt, nhưng nhớ Ba nhiều lắm lắm luôn. Bao giờ Ba về thăm con?

– Ba cũng rất nhớ con nhưng chưa về được. Thế nào rồi mình cũng sẽ gặp nhau con à. Ba nhờ Mẹ con lì xì Tết cho con giùm Ba nghen.

– Dạ con cám ơn Ba nhiều lắm, con không cần tiền mô, con cần Ba thôi. Mạ con đã lo cho con không thiếu bất cứ thứ chi từ ăn mặc, sách vở, và luôn tiền quà bánh hàng ngày nữa. Con noái nhỏ Ba nghe nghe, con chỉ tiêu một ít thôi, để dành được nhiều tiền lắm rồi Ba nờ.

– Con ngoan. Con cố gắng học hành. Một điều chắc chắn là sớm muộn gì con và mẹ con cũng sẽ qua sống bên Mỹ, Ba và con sẽ có nhiều cơ hội gặp nhau.

– Nhưng biết bao chừ mới tới lúc nớ. Ba tìm cách về bên ni thăm con đi Ba?

– Ba không hứa nhưng sẽ cố gắng.

– Ba cần biết là con nhớ Ba lắm. Thôi Ba noái chuyện tiếp với mạ con nghe.

– Con cũng cần biết là Ba nhớ con nhiều hơn con nhớ Ba, chỉ vì chưa có điều kiện thuận tiện để gặp nhau mà thôi. Tạm biệt con. Chúc con có một cái Tết vui thật là vui.

– Tạm biệt Ba!

Có lẽ con bé trao điện thoại cho mẹ nó nên nghe tiếng Phương Lan bên đầu dây:

– Dạ em đây. Ba con to nhỏ cái chi mà mặt mày hắn có vẻ vui lắm?

– Không có gì. Anh nói sẽ nhờ em lì xì Tết cho nó ít tiền quà mà nó chỉ cám ơn nhưng không chịu nhận. Em lì xì cho nó một trăm giùm anh, anh sẽ chuyển ngân cho em vài hôm nữa. Em không được từ chối, hôm nay là Mồng Một Tết, lì xì là tục lệ và là nghĩa cử cần thiết đối với con cháu mà thôi.

– Dạ anh đã noái rứa thì em còn noái chi được nữa. Nhưng anh chỉ nên cho một ít tượng trưng thôi. Con không thiếu thốn bất cứ thứ chi. Độ này em làm cũng được nhiều tiền lắm. Dù tiền của là huyết mạch của cuộc sống nhưng hạnh phúc của em bi chừ là sức khoẻ và sự yên bình của Mạ em và con bé. Còn niềm vui của em là công việc ở tiệm thuốc và biết còn có một người anh đang ở xa thật xa vẫn lo lắng cho sự an nguy của mạ con em.

– Anh hiểu. Chúc em một năm mới đầy hứa hẹn và sung túc.

– Cho em nói chuyện và chúc Tết chị Ngọc Loan đi anh?

– Chị đã qua nhà bà chị ở gần đây chơi với nhau rồi. Để anh nhắn lại.

– Rứa thì em chào tạm biệt anh. Mà anh nhớ là gọi em ngày mô cũng được sau 10g tối bên ni.

– Anh nhớ rồi. Tạm biệt!

Gác điện thoại xong, Phong thở phào như mới vừa để một gánh nặng xuống. Thật ra mấy tháng nay Phong rất ray rứt, lưỡng nan vì biết Phương Lan rất bận, nhất là không biết nàng sẽ phản ứng ra sao khi nghe chuyện về Châu. Mỗi lần gặp nhau ở trường võ, dù không ai nói gì khác ngoài chuyện tập luyện võ thuật, nhưng Phong cũng biết là Châu đang kiên tâm chờ đợi… chỉ vì tính tình hắn điềm đạm, có thừa kiên nhẫn, lại ít nói và đặt hết niềm tin vào Phong, biết là Phong nhất định sẽ cho Châu biết ngay nếu có tin tức gì về chuyện mai mối.

Chàng tính gọi báo tin vui cho Ngọc Loan nhưng nghĩ lại chờ khi nàng về rồi cùng gọi báo cho Châu biết. Nhưng Phong lại nghĩ, “thôi để lúc nào thuận tiện sớm nhất, có thời gian tốt nhất, không gian thoải mái, cùng với Ngọc Loan ngồi xuống thảo luận trực tiếp với Châu thì tốt hơn.” Phong mỉm cười hài lòng với chính mình, bước tới bàn Phật đốt thêm vài nén nhang và thành kính lâm râm cầu nguyện.

Hương xuân thoang thoảng từ trong tâm thức khi Phong nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương với mâm ngũ quả và cành đào lấm tấm những hoa và lộc của người bạn biếu tuần trước. Nhớ lại những mùa xuân xưa với mai vàng, pháo đỏ, lộc non… lòng bồi hồi nhớ tiếc. Không biết đến bao giờ chàng mới có thể nhìn ngắm lại mùa xuân trên quê hương yêu dấu. Nhìn theo những tia nắng vàng xuyên qua khung cửa sổ, bên ngoài hàng thông đong đưa, bóng mát ôm gần kín khu sân rộng trước ngõ, nơi có mấy cụm hoa cúc nở vàng cùng với mấy bụi Azelea đua chen sắc màu rực rỡ. Lòng cảm nhận một mùa vui dường như đang trở dậy đâu đây…
Yên Sơn

Ý kiến bạn đọc
17/09/201713:55:25
Khách
Ba nuôi: Phương Lan à cái anh chàng Châu nầy tốt lắm anh cho số ĐT của em cho hắn ta để 2 người tìm hiểu coi thử có họp nhau không, anh chị đây không muốn đưa em vào con đường sai lạc , nhưng gì tương lai của cháu Lan Huệ cho nén em cần thời gian suy nghỉ. Khi giấy tờ bảo lảnh hộp lệ có visa thì em muốn xuất cảnh bao giờ chả được , 2 người lúc đó có thể đi qua đi lại dể dàng cho đến khi nào Mạ của em 100 tuổi già thị 2 người quyết định nơi nào là lý tưởng của 2 quả tim vàng và cháu LH có nơi ăn học tốt đẹp sau nầy ( Hết trích) Anh Kỷ Sư theo vợ về VN sống rồi có 1 ngày đẹp trời em hát bài ca Đường anh anh đi, còn đường tôi tôi đi thì có nước về lại Mỹ ăn welfare rồi 1 hôm nào đi chợ ở thương xá Bel Air gặp lại người vợ củ thì đành hát bài ca Đòi tôi co đơn.
09/09/201719:17:05
Khách
Rượu mà pha 2 giống nho cabernet/sauvignon với nhau thì không thể là rượu ngon được mà bán đến 180 $ chai thì quá đáng . Bên Âu châu 10$ là quá mắc rồi.Năm rượu làm chỉ là nói mùa hè và thu năm đó có nhiều nắng không để nho có nhiều đường để lên men rượu với nấm của loại nho đó
04/09/201713:51:06
Khách
Chẳng hiểu tác giả muốn nói gì, dài dòng không mạch lạc gì hết!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,037,011
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất, đang phát hành khắp nơi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, là bài viết bài viết mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016, thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, về trận cháy rừng dữ dội nhất ở Nam Cali, có tên là “Thomas Fire Ventura”.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose. Cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tai Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, tiểu bang California, USA. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Sau đây là bài và hình mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến