Hôm nay,  

Bão Harvey Texas Và Chuyện Lụt Ở Huế

27/08/201700:00:00(Xem: 12575)

Tác giả: Minh Nguyệt Graves
Bài số 5202-19-31045-vb7082717

Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy. Tác giả Minh Nguyệt Graves cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện bão Hurricane đổ bộ Texas và chuyện lụt tại Huế.

* * *

blank
Bão Havey ngoài khơi Houston đã lên tới cấp 4.

Hurricane Harvey, loại “siêu bão”, cây gậy dữ dằn nhất trong các loại báo, đang quất vào Texas. Từ chiều Thứ Sáu 08/25, cơn bão đã lên tới cấp 4. Gió bão có thể lên 130 dặm một giờ.

Mười hai năm trước, Hurricane cấp 5 Katrina 2005 đã tàn phá New Orleans, Cuba, Lousiana, Alabama, làm hàng ngàn người chết, thiệt hại tới 108 tỷ USD.

Với Texas, đây là cơn bão được thông báo là mạnh nhất từ hai chục năm qua. Austin thành phố tôi ở, dù chưa hề có lụt gần mấy chục năm qua., nhưng hôm nay bầu trời đầy mây đen cuồn cuộn nhắc nhớ đến những ngày mưa lụt tại Huế.

Hai vợ chồng tôi trở về Huế tháng 11 năm 2010, âm lịch đang là tháng Mười. Dân Huế ai cũng biết câu ca:

Ông tha mà bà chẳng tha
Làm thêm cái lụt hăm ba tháng Mười.

Trời mưa suốt từ ngày tôi đặt chân xuống phi trường Phú bài cho đến ngày tôi rời Huế. Hai tuần trọn vẹn. Nhưng mưa không phải là vấn đề tôi bận tâm, trái lại là đằng khác, tôi thích mưa, chỉ có điều tôi sợ Huế bị ngập lụt. Mưa không lớn nhưng đủ để làm tôi lo. Nước ngập đường chung quanh khách sạn Thành Nội nơi tôi ở..

Ông chồng tôi người Mỹ, lần đầu tiên trên đời thấy lụt tận mắt nên khoái chí lắm. Về lại Mỹ cả mấy năm rồi mà hễ mỗi lần có ai nhắc tới lụt là ổng kể câu chuyện "Me, Will and the Rats" nghĩa là ông chồng tôi, người bạn tên Will và một bầy chuột to như mấy con chồn bơi quanh họ. Nước ướt tới đầu gối, nhưng họ vẫn lội bộ tới quán cà phê ở đường Mai Thúc Loan, gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Mai Thúc Loan, (Nhà ông bác sĩ Giàu hồi xưa chữa trị cho bọn tôi). Họ phải kê mấy cái bàn lên để khách ngồi uống cà phê.

Chuột nhiều, và con nào con nấy to bằng bắp chân người. Tụi nó chạy tới chạy lui, chạy lên chạy xuống mấy cái cây sau phòng khách sạn, người dân ở thấy quen rồi nên không tỏ vẻ sợ hãi e ngại như ông chồng Mỹ của tôi.

Ở Huế đã mưa là có lụt. Lụt trong từ điển ngôn từ của người Huế thì cũng phổ biến tương tự như Tết, cơm, gạo của người châu Á, bánh mì của người Mỹ, hay mì sợi của người Ý.

Ai đã từng sống ở Huế vài năm thì sẽ hiểu cảm giác sống với lụt ra sao. Hầu như năm nào Huế cũng bị lụt, chỉ có điều lụt lớn hay lụt nhỏ thôi, quen dần thành ra ít thấy sợ như người ở xa về...

Trong đời tôi, không nhớ hết có bao nhiêu trận lụt đã trải qua, chỉ xin kể lại vài kỷ niệm nhớ đời.

Năm 1975, chiến tranh chấm dứt thì mấy tháng sau lụt lớn lắm. Tôi không nhớ chính xác vì còn nhỏ, nhưng tôi nhớ chúng tôi phải lên trên "gác" sau nhà ở mấy ngày. Nhà tôi ở phía sau có một cái "Rầm", giống như cái gác nhỏ, thường để cất đồ ít khi dùng tới.

Khi nước bắt đầu tràn mặt đường là lúc người lớn trong nhà lo đem gạo nước mắm dầu đường củi lên "Rầm" tôi nhỏ nên không phải làm chi cả. Muốn lên rầm được phải trèo lên ba lần ghế chồng lên nhau. Trước tiên là xếp 3 cái ghế đẩu cạnh nhau, trên đó xếp 2 cái ghế xen kẽ, và cuối cùng là cái như hình tam giác. Tôi trèo lên trèo xuống mấy cái ghế, rồi trượt chân té nhào xuống nước, may có thằng bạn hàng xóm đang chơi cùng, nhanh trí nhảy xuống vớt tôi lên, tới chừ mấy chục năm rồi mà hắn còn kể công...

Suốt mấy ngày mưa lụt, toàn bộ gia đình ngồi trên đó. Nước mưa hứng vô trong mấy cái xoong, thau để dành rửa mặt và nấu ăn luôn. Khổ nhất là đi vệ sinh, vừa sợ bổ xuống nước, vừa sợ rắn rết.

Cơm nấu ra ăn với mắm ruốc hoặc nước mắm hoặc muối tiêu trọn vị tinh (bột ngọt). Tôi không chịu ăn thì mạ nói "Ráng ăn đi con, hết lụt mạ mua thịt cho ăn." À, tôi quên, mạ còn làm bánh bột mì chiên cho ăn nữa. Buổi tối thiệt là dài, không có điện, không có ti vi, không có radio, ….Tôi nằm mơ mộng giữa biển nước, tuổi thơ không lo lắng gì hết.

Nhưng lần lụt kinh hoàng mà tôi sợ nhất thì phải nói tới lụt năm 1999.

Mới 4 giờ sáng, nhỏ bạn thân điện thoại "Nguyệt ơi, dậy dọn lụt". Nhà tôi chỉ cách bờ thành Đại Nội có con đường Đoàn Thị Điểm nên đứng trên lầu có thể thấy hồ nước bao quanh bờ thành. Lúc này trời không mưa, nước ở hồ đang còn thấp.

"Yên tâm ngủ tiếp," tôi nghĩ.

Năm giờ sáng, chuông điện thoại lại reng "Dậy dọn lụt chưa? ngoài An Hoà ni, nước sông lên bờ rồi". Giọng Giang lo lắng.

Tôi nhìn qua khe cửa sổ, trời tạnh nhưng khi ra ngoài ban công nhìn qua Đại Nội thì thấy nước đã tràn bờ hồ. Chuyện thường thôi, với lại chỗ tôi ở không thấp như phía gần hồ Tịnh Tâm hoặc ngã tư Âm Hồn nên chắc cũng phải cả ngày nữa nước mới tràn vào nhà.

Khoảng 7 giờ sáng thì nước bắt đầu vào nhà. Nhà tôi cao hơn mặt đường 4 bậc cấp, khoảng 0.4 m.

Bê với Toàn em trai tôi qua giúp đưa chiếc xe Honda lên trên cao, cho nó đứng trên cái bàn tròn cao khoảng 1m. Mấy cái ghế đẩu bằng gỗ được để rải rác khắp nhà để đi lại trên đó. Trong nhà có cái bịch nhưa đựng nước 20lít, đem ra hứng nước máy để dành uống. Đưa lên lầu, gạo, gia vị, mấy cái xoong, chảo, chén đũa... riêng cái bếp ga thì vẫn ở trên bếp vì tôi quên hay vì tôi không biết cách để đưa cả bếp và bình ga gắn liền với nhau thì tôi không nhớ.

Trời vẫn không có giọt mưa nào.

Đến gần 8 giờ sáng thì nước lên lút cái bàn tròn, mới có mấy tiếng đồng hồ mà nước đã bao phủ mọi thứ, mọi nơi rồi. Ngoài đường lúc này vắng lặng, không còn người đi lại nữa.

Nước vẫn tiếp tục lên cao, lúc này thì tôi không thể đi trong nhà nữa, mà phải bơi. Mấy cái ghế bằng gỗ nổi lềnh bềnh, tôi phải bơi từ cầu thang tới bếp để lấy cái bếp và bình ga, lúc này nó nổi lên mặt nước nên rất dễ dàng đẩy đi, tôi vừa bơi vừa đẩy. Trong nhà lúc này giống như cái hồ bơi với mấy thứ đồ chơi của con nít trôi lềnh bềnh, chỉ khác là không phải đồ chơi mà là tủ lạnh, máy giặt, thau, chậu cây..bị nước đẩy lui đẩy tới. Thật ra mấy thứ đó cũng đã được đưa lên cao, trên mấy cái ghế, nhưng rồi nước lên nhanh quá và cao quá nên không trở tay kịp.

Chẳng bao lâu sau thì nước ngập cả chiếc xe máy luôn. Nếu nước cứ dâng theo tốc độ này thì không lâu nữa nước tới công tơ điện, nếu nước làm ướt công tơ điện thì sao nhỉ? Tôi không biết.


Nước tiếp tục dâng cao nhưng tốc độ chậm lại hơn hồi sáng nhiều. Và trời đổ mưa to. Lúc này, ngoại trừ mấy nhà có gác hoặc lầu còn thì các nhà khác nước đã ngập mái nhà. Nhìn xung quanh nhà mình tôi thấy khung cảnh thật tiêu điều buồn bã. Nước đục ngầu, chảy xiết mang theo rác, xác chết của chuột, heo, chó…. có cả nhiều nhánh cây khô.

Trong xóm có Quyên ở một mình, bị kẹt trong phòng ngủ, khi nước lên quá cao thì không thể mở cửa ra nên Toàn và Bê phải đập khung tò vò cửa sổ để đưa Quyên thoát ra và qua tá túc ở nhà Toàn.

Chưa tối mà nhà nào nhà nấy đã lo nấu cơm ăn. Cánh cửa sắt dưới nhà chỉ kéo khép lại chứ không khoá, vì hồi sáng lúc dọn dẹp có ngờ đâu nước lên nhanh và cao dữ vậy, giờ muốn khoá cũng không được. Tôi khấn vái "Lạy Phật đừng có ăn trộm ăn cướp…chứ mà giờ này tụi nó vào khiêng đi thì cũng chỉ ngó chơ không biết làm chi hơn."

Điện cúp, không có đèn dầu (khi nào là lần cuối cùng tôi dùng ngọn đèn dầu nhỉ? lâu quá không nhớ nổi), có mấy cây đèn sáp trên bàn Phật đem dùng đỡ. Điện thoại không hoạt động, hồi đó chưa có cell phone, chẳng ai có radio để nghe đài.

Ngày hôm sau chúng tôi hoàn toàn cách ly với xã hội bên ngoài.

Đến ngày thứ ba thì đứa con gái bị sốt cao, tôi lấy khăn tẩm nước lạnh, lau khắp người, rồi cho uống nước, liên tục như vậy suốt ngày đêm, tới sáng thì bớt sốt, rờ tay lên trán thấy dịu hơn. Buổi tối ngủ phải treo mùng, mà muỗi nhiều vô kể….Tôi chợt nhớ là mình có một cái headphone có radio và có battery (loại dùng đi du lịch, cắm trại) nên đem ra nghe được tin tức về cơn lụt. Nước ngập gần lên cầu Trường Tiền, cầu Mới. Người chết nhiều.

Ngày sau nữa thì bắt đầu thấy thuyền của cảnh sát, loại có thể đi trên bộ và chạy dưới nước, lác đác có mấy chiếc thuyền chở người đi qua lại, tiếng người nói lao xao.

Tôi và con gái không lo chuyện ăn. Tôi chỉ bị đau đầu vào buổi sáng vì không có cà phê, may mà cậu em trai Toàn cũng ghiền cà phê như tôi nên chịu khó lội nước đi mua mấy gói cà phê bột pha sẵn uống đỡ vậy.

Đến ngày thứ 5 thì nước rút. Nước lên rất nhanh, nhưng rút thì lại rất rất chậm, cả ngày trời mà nước vẫn chưa rút ra khỏi nhà. Tôi đang chùi dọn ở trên lầu thì nghe tiếng ai gọi dưới lầu:

"Người đẹp ơi, còn sống hay nước trôi rồi?"

"Còn đây, ai đó?" Tôi hỏi

Huề bạn lái xe cùng công ty, lò đầu vô cửa sắt, hỏi tôi "Chị với con bé có can chi không?"

"Không, may quá." Tôi trả lời.

"Em bới ít đồ ăn vô cho nhà vợ ở hồ Tịnh Tâm, em chia cho chị một ít nè." Huề vừa nói vừa mở gói đồ.

"Không, chị có rồi, để giúp người khác" Tôi nói thiệt tình.

"Mấy ngày rồi, ở trên ga cứu không biết bao nhiêu người, mà cũng thấy quá nhiều người chết đó chị. Em tới cầu Ga phụ với người ta cứu người trôi sông do lụt từ thượng nguồn, thấy tội lắm. Mình quăng dây ra sông cho họ níu, ai níu được thì mình kéo vô là coi như sống, còn ai không níu được dây thì chết, xác người như rạ. Người ta vớt lên để ở trước mặt Bia Quốc Học, để vô hòm cả dãy dài, chờ thân nhân nhận xác, nếu không ai nhận thì ít ngày trời tạnh sẽ đem chôn, tội quá…" Huê buồn bã kể.

Điện thoại hoạt động trở lại. Ba mạ tôi ở Mỹ gọi về hỏi tin tức vì ở bên đó người ta chiếu trên Tivi "Cầu Trường Tiền gần chìm, thiệt không con?" mạ tôi hỏi. Rồi hôm sau thì người em gái ở Đà Nẵng cũng gọi. Ai cũng mừng mọi người bình an. Điện cũng có trở lại. Đúng 6 ngày, mà dài như thể 6 tuần….

Sau đó coi tivi thấy nhiều chuyện rất thương tâm, như có gia đình ở Cầu Kho đang có đám tang của ông nội, lụt tới phải treo hòm trên cây, rồi nước cuốn 3 đứa con gái, vợ tìm cách cứu, nước cuốn chết, người chồng tìm cách cứu cũng chết luôn. Lụt xong chỉ còn cái hòm của người ông treo trên cây là còn, cả gia đình người con gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con gái chết mất xác. Bà con trong xóm phường phải làm đám cho cả gia đình đó.

Khanh là bạn học cũ của tôi, hai vợ chồng có gian hàng bán vải ở chợ Tây Lộc, buổi sáng sớm nghe tin có lụt nên hai vợ chồng lên dọn hàng, nhưng rồi thấy nước lên nhanh và cao quá nên Khanh bảo vợ lo về với con cái, để anh ở lại chợ trông hàng sẽ về sau. Nhưng rồi nước lớn không về được, đến đêm thấy bọn người xấu, lái ghe đến phá cửa hàng, chở vải đi mà đành bó tay không làm gì được. Bọn người đó lấy không từ một thứ gì, gạo muối nước mắm, vải vóc, áo quần…Những người chủ hàng trong chợ chỉ biết ngồi im nhìn chúng lấy tài sản của mình mà không dám nói một tiếng, vì không ai có thể bảo vệ họ lúc này cả. Lúc này chính là lúc "luật của kẻ mạnh" đó.

Cũng nghe người hàng xóm kể: một chị đi bán ở chợ về, thấy lụt nhưng vẫn ráng đi vào cửa An Hoà để về nhà thì bị nước cuốn, xác kẹt ở đám lục bình dưới hồ.

Con bé Vi tuy đã bớt sốt, nhưng vẫn còn yếu, nên sau khi nước rút hẳn thì tôi kêu taxi chở con nhỏ qua nhà bác sĩ Nhân, nhờ anh khám cho cháu.

"Cháu bị sốt xuất huyết, nhưng cơn nguy hiểm đã qua. Nếu sốt trở lại, thì đem thẳng qua bệnh viện, đừng đem qua nhà anh vô ích." Anh cũng nói "Con bé may mắn, nó khoẻ nên tự vượt qua, chứ nhiều trẻ em chết vì sốt xuất huyết trong mấy ngày lụt vừa rồi lắm."

Buổi chiều tôi đem chiếc xe ra tiệm chùi bùn và thay dầu nhớt. Sau đó tôi lái xe chạy lòng vòng quanh thành phố, thấy buồn quá. Thành phố thật là điêu tàn, đi đâu cũng thấy rác, mùi đất bùn bốc lên, mùi xác súc vật chết và dấu vết đất bùn bám ở các bức tường loang lỗ. Thiên tai thật là kinh khủng quá.

Sau đó mấy năm thì tôi được bảo lãnh qua Mỹ sống, lượm được ông chồng Mỹ, mang chàng về Huế trình diện, nhân dịp để dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày ra trường.

Rất may, cơn bão lụt 23 tháng Mười năm Canh Dần 2010 không lớn, nên chúng tôi không phải đổi khách sạn hoặc đổi phòng và không bị đói.

Hôm chúng tôi ra phi trường Phú Bài vào Sài Gòn để bay về Mỹ là ngày đầu tiên trời tạnh mưa.

*

Weekend này, Hurricane đang “khủng bố” Houston, nghe nói phi trường, trường học đã phải đóng cửa, nhưng Austin thành phố tôi ở chưa đến nỗi. Nơi chưa hề có lụt gần mấy chục năm qua. Nhưng tôi vẫn có thói quen giữ đồ ăn trong tủ lạnh khi mùa đông tới mặc dù nhà tôi bây giờ chỉ còn 2 vợ chồng, ăn uống không bao nhiêu, chợ lại gần nhà (đi chưa đầy 5 phút). Năm nay bão lụt lớn như vầy thì đồ ăn dự trữ của tôi trở thành qúi giá.

Bữa nay báo đăng đồ ăn thức uống ở các Siêu thị vùng bão đổ bộ đã bị người dân "vét sạch".

Nếu bạn có khi nào vô tình đi chợ, vào ngày đầu mùa mưa, thấy một người phụ nữ đi chợ với xe đầy thức ăn, nói giọng Huế, thì bây giờ bạn hiểu lý do vì sao rồi.

Minh Nguyệt Graves.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,386,352
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến