Hôm nay,  

Những Điều Chưa Nói

11/08/201700:00:00(Xem: 12838)

Tác giả: Yên Sơn
Bài số 5189-19-31033-vb5081017

Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Saunhiều năm ngưng viết, mới đây, ông có bài “Sứ Mạng Tinh Thần” kể chuyện ông thầy võ hoàn tất di chúc của một võ sinh lo cho vợ con còn ở lại Việt Nam. Bài mới là phần tiếp theo của câu chuyện đã kể.

* * *

Những ngày chớm thu ở Houston khí trời mát dịu hẳn ra. Mùa hạ cháy bỏng đã thực sự đi qua, trả lại sự dễ chịu cho con người và những sắc màu tươi thắm cho cây cỏ. Tiếng phong linh dìu dặt nghe như những hồi chuông giáo đường, đôi khi dồn dập, đôi khi rời rạc ở sân vườn sau. Phong cầm tách cà phê bước ra ngoài cùng với gói thuốc trên tay.

Không biết đã bao nhiêu lần rồi Phong tự hứa với mình, hoặc hứa với vợ là sẽ bỏ hút thuốc. Thực sự việc hút thuốc của chàng chỉ là một thói quen nhiều hơn là ghiền vì chất nicotine. Nếu phải bận bịu với công việc, Phong có thể không hút thuốc cả tuần cũng được cơ mà. Thế nhưng, khi nào tâm hồn lãng đãng, uống rượu với bạn bè, rỉ rả với cà phê thì chàng lại muốn hút thuốc.

Lá vàng đã rơi khá nhiều trên sân cỏ sáng nay, đậu hờ hững, rung rinh trước gió. Mỗi khi nghe tiếng phong linh dồn dập thì lá vàng lại lả tả bay trong gió hoà nhập với đàn bướm vàng dập dìu bên mấy khóm cúc vàng tươi trong một không gian tĩnh mịch. Khung cảnh này làm chàng nhớ ngay đến câu hát của họ Trịnh trong Nước Mắt Mùa Thu. “hàng cây trút lá, nghĩa trang đìu hiu…” Phong đang mơ màng thả hồn theo khói thuốc bỗng tiếng điện thoại reo vang:

– Anh Phong ơi! Anh có bận gì sáng nay không?

– Châu đó hả? Anh đang ngồi đây uống cà phê một mình và ngắm lá vàng rơi.

– Nghe giọng anh như đang tìm vần thơ! Em qua chơi với anh một lúc được không?

– Chỉ là thăm nhau hay có chuyện gì quan trọng?

– Dạ thấy buổi sáng mùa thu đẹp dịu dàng nên muốn qua anh xin tách cà phê thôi.

– Thì qua ngay đi. Hôm nay không đi làm sao quởn quá vậy?

– Em đâu có đi làm cuối tuần thường xuyên đâu.

– Ừ nhỉ! Mới đó lại đã cuối tuần.

Châu là một người bạn trung niên. Vừa là bạn vừa là học trò của Phong. Chỉ trẻ hơn chàng năm tuổi nên Phong biểu chỉ nên gọi nhau bằng anh em. Châu đến với trường võ – thắm thoát cũng đã gần hai năm – ngay sau khi Phong đi VN lo công việc của Huệ xong trở về. Thấy Châu hiền lành ít nói, dễ mến, siêng năng nên Phong rất lấy làm an ủi; vừa mất một người lại được ngay một người khác.

Châu là con trai của một cựu Trung Tá Không Quân, theo cha mẹ qua Mỹ theo diện HO, cùng với hai người chị lớn, năm 1992. Đại gia đình đều cư ngụ tại San Jose, California. Hai chị đã có chồng con và Châu vừa đi học vừa đi làm bán thời gian nên mãi đến hơn 32 tuổi mới ra trường với mảnh bằng Kỹ sư Điện Toán, ngành Software, và được hãng Hewlett Packer thu nhận. đưa về làm việc ở chi nhánh Houston, Texas. Mọi người trong gia đình đều trông đợi, hối thúc hắn lập gia đình để có cháu đích tôn nối dõi tông đường… nhưng chỉ để nghe hắn nói “chưa tìm được bạn gái!”.

Nhưng bất thình lình trong một ngày đẹp trời California, đại gia đình hắn vui mừng nhận hồng thiệp báo tin hắn làm đám cưới với một cô bạn gái người Việt làm chung sở. Thế là bao nhiêu mong đợi cháu đích tôn lại luôn luôn như một bản nhạc hay, được Ba Mẹ hắn nhắc nhở, thúc hối mỗi khi điện thoại thăm hỏi hay về thăm Cali. Và cứ thế, thời gian cứ vô tình đi tới. Sau đám cưới vài năm thì Ba hắn qua đời; Mẹ của hắn cũng theo chồng ít năm sau đó mà tăm hơi của đứa cháu đích tôn vẫn chìm trong bóng đêm.

Tính tình Châu điềm đạm, tâm hồn có chiều sâu mà theo Phong thì đó là mẫu người chồng lý tưởng cho những ai muốn có một gia đình hạnh phúc. Nhưng không ngờ Châu lại không may mắn trong con đường vợ con. Theo lời kể của Châu, hắn gặp phải một người vợ quá quắt, thích ăn diện, đua đòi, chạy theo vật chất. Hắn với vợ có quá nhiều khác biệt mà không thể bù đắp cho nhau. Sau 12 năm chung sống, những nhường nhịn, chịu đựng, chia sẻ ban đầu đã lần lượt ra đi; càng ngày tính tình hai người càng thể hiện như con đường với hai lối ngược chiều; cái hố cách biệt càng lúc càng lớn… Hai người lại không có con, không biết lỗi của ai… nên hạnh phúc gia đình và sự gắn bó vợ chồng trở nên phai nhạt dần theo năm tháng buồn bã trôi qua. Cho đến một ngày, không ai còn chịu đựng nổi với ai, hai người đồng ý chia tay, trả lại cho nhau đời sống tự do dù có hơi muộn màng.

Lúc đầu, Phong chỉ nghe nhưng không hẳn tin chỉ là lỗi của một người. Nhưng càng về sau, từ cách ăn ở, đối xử với mọi người chung quanh đã cho Phong niềm tin về những điều Châu nói. Cũng theo lời kể của Châu. Khi bàn việc ly dị, hắn cho Loan toàn quyền quyết định; nói đúng hơn, hắn cho Loan gần hết tài sản chung của hai người, chỉ giữ lại căn nhà với mortgage còn gần hai mươi năm và một ít tiền mặt để phòng thân. Châu làm Software Engineer cho Hewlett Parker. Hắn nói công việc hiện tại cũng có vẻ ổn định nên không có gì đáng lo. Sau khi hồ sơ ly dị hoàn tất, Loan đã bay về California ở với cha mẹ – Châu nói vậy; còn hắn ở lại với căn nhà rộng thênh thang và một vườn hoa luôn cần người chăm sóc. Cũng may, Châu rất thích cây cỏ nên ngoài giờ làm ở sở, giờ tập võ, Châu dành hết thời gian còn lại cho vườn tược ban ngày và viết vẽ ban đêm. Văn thơ của hắn thể hiện cái nhân bản của tâm hồn hắn, hấp dẫn người đọc. Mới 50 tuổi đời mà hắn sống khép kín như một ông cụ non, một thân đơn lẻ, không nhiều bạn bè, không hút thuốc, không rượu chè be bét, ca hát lai rai đôi khi. Giọng hát Karaoke của hắn cũng rất trầm ấm, có hạng nhưng không phải là sở thích thường xuyên mà chỉ khi nào tụ họp với bạn bè.

Có hắn ở gần bên Phong cũng vui. Khi nào buồn, hai anh em lại hú nhau bù khú. Chuyện gì hắn cũng biết chút chút, đem ra luận bàn rôm rả mua vui. Điều mà Phong thích nhất ở Châu là tình tự quê hương; nó thể hiện qua văn thơ của hắn, qua tấm lòng nhân hậu, sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhất là bạn bè khốn khó ở quê nhà.

*

Trong khi ngồi chờ Châu, bỗng Phong nghĩ tới mẹ con Phương Lan.

Gần hai năm nay, Phong vẫn giữ liên lạc với mẹ con Phương Lan đều đặn. Gần hai năm nhưng có quá nhiều thay đổi theo chiều hướng rất tốt. Không ngạc nhiên để biết con bé học rất giỏi và luôn luôn là một đứa bé hiếu hạnh, ngoan ngoãn. Bà Cụ vẫn khoẻ mạnh, nhà cửa đã được sửa chữa khang trang hơn và Phương Lan đi làm cho một tiệm thuốc tây gần nhà, được ông bà chủ tiệm yêu mến và tận tình hướng dẫn trong công việc buôn bán.

Là một người thông minh, học mau, nhớ lâu nên không bao lâu, Phương Lan được xem là cánh tay đắc lực của ông bà trong việc buôn bán. Sau hơn một năm làm việc, nàng đã chiếm hoàn toàn cảm tình của họ và được họ tin cẩn như người trong gia đình. Phương Lan lại đề nghị họ thuê luôn chị Tần – người y tá chích dạo quen biết trong xóm – vì sự hiểu biết và mát tay của chị ấy. Thu xếp mở văn phòng trong nhà thuốc để chị Tần giúp đỡ người bệnh mà không cần phải đi chích dạo như trước, trừ phi có trường hợp tối cần thiết. Khi nào không có bệnh nhân, chị Tần phụ việc bán thuốc với nàng. Chị Tần cũng rất giỏi nên Phương Lan cũng học hỏi được rất nhiều ở chị.

Công việc buôn bán càng lúc càng phát đạt kể từ ngày có Phương Lan và chị Tần nên ông bà chủ rất thương yêu, tin tưởng; vì thế, mỗi lần họ có công việc cần đi xa, họ giao hết quyền quản lý cho nàng không một chút bận tâm.

Mấy tháng trước, Phong được Phương Lan cho biết là ông bà chủ ngỏ ý với nàng muốn nghỉ hưu, muốn giao hết công việc quản lý tiệm thuốc tây cho nàng để có thời gian đi chơi thăm con cháu ở Mỹ và Canada, Và nàng đã vui mừng nhận lời. Dĩ nhiên đó là một tin vui và là một cơ hội rất lớn cho mẹ con nàng. Phong chia sẻ niềm vui và sự may mắn đó với tất cả tấm lòng. Phong thầm nghĩ có lẽ Huệ vẫn luôn quanh quẩn để che chở và phò hộ cho mẹ con nàng.

Có một vài lần Phong đề cập đến việc bước thêm bước nữa của nàng, nhưng nàng quả quyết nói, “chưa hề nghĩ tới, và có lẽ sẽ không cần nghĩ tới; tương lai đích thật của em là con bé Lan Huệ. Hơn nữa, tất cả những đàn ông tử tế không còn, hoặc không có ở miền đất này nữa”. Phong vọt miệng nói đùa, “vậy để anh tìm một người bên này giới thiệu cho em nha?”. Phương Lan lặng yên một lát rồi trả lời, “khi mô anh gặp được một người đó có đủ tiêu chuẩn, có tính tình giống anh thì lúc nớ em sẽ suy nghĩ lại.”

Phương Lan nói đúng. Những người đàn ông lý tưởng cho hoàn cảnh của nàng quả là khó kiếm. Chẳng những ở Quảng Ngãi, ở Việt Nam mà ở Mỹ lại càng khó hơn. Những người tử tế, đủ điều kiện thì đã yên bề gia thất. Chàng thương cảm nghĩ rằng, nếu nàng cứ chờ cho con bé học hành xong rồi mới lo cho mình thì sẽ lỡ mất hết cả xuân xanh. Đàn bà ở lứa tuổi của nàng là lứa tuổi đẹp nhất giống như một đoá hoa hương sắc đang ở trong thời kỳ rực rỡ nhất…

Đang chìm sâu trong suy tư thì Châu xuất hiện. Thấy hắn vui vẻ chào hỏi, trong thâm tâm của Phong lại vang lên: “Ừ nhỉ, sao không giới thiệu Phương Lan cho Châu. Có thể là một kết hợp tuyệt vời!”

– Anh đã viết được bài thơ nào sáng nay chưa? – Châu cười hỏi.

– Chưa tìm được vần thơ, còn Châu thì sao?

– Em mới ngủ dậy, thấy thời tiết đẹp quá nên muốn qua anh uống cà phê thôi.

– Để anh đi pha cà phê cho chú.

– Để em làm được rồi.

Châu vào bếp nấu nước bằng microwave, lấy phin cho đầy cà phê vào trong khi Phong lục tủ chè tìm được một ít bánh ngọt cùng đem ra bàn sau vườn. Lá vàng vẫn thưa thớt rơi trong gió và nắng vàng hanh như tấm lụa mỏng trải đều trên cây cỏ. Tiếng phong linh vẫn lưa thưa gõ nhịp. Phong chợt nghĩ nếu thời tiết ở Houston luôn được như thế này, chắc chắn Houston không còn đất trống. Hiện tại Houston đã là một trong năm thành phố đáng sống nhất trên đất Mỹ rồi!

Hai anh em ngồi lặng yên như để tận hưởng sự bình yên của một buổi sáng mùa thu đẹp tuyệt vời. Tiếng chim hót líu lo trên các ngọn cây quanh sân và đàn bướm vẫn dập dìu bên những khóm cúc vàng hai bên liếp hoa sát chân tường, dưới thảm nắng vàng rực rỡ. Chợt nghĩ tới điều muốn nói, Phong lên tiếng để phá tan sự tĩnh lặng chìm lắng:

– Công việc làm của chú chắc vẫn êm chứ?

– Dạ vâng, một ngày như mọi ngày.

– Êm đềm như một bài thơ phải không?

– Đôi khi cũng cảm thấy buồn anh à; tự hỏi không biết mình sống cho cái gì. Nhưng chẳng thà như vậy còn hơn đời sống cũ.

– Anh hiểu chú muốn nói gì. Chú có bạn gái nào chưa hoặc có bao giờ nghĩ đến việc lập gia đình trở lại?

– Em như con chim bị đạn bắn hụt nên sợ cả cành cong, chưa dám nghĩ tới sẽ đậu xuống nơi nào.

Ngừng một chút, hắn nói tiếp:

– Và nữa, ở tuổi của em thì tìm đâu ra một người thích hợp để cùng đi đến cuối đường?

– Với điều kiện của chú nếu về Việt Nam sẽ có khối cô theo.

– Có lẽ anh nói để mà nói, chứ con gái Việt Nam bây giờ làm sao tin được vào tình yêu của họ. Ở lứa tuổi của em, nếu là con gái gia đình nề nếp, tư cách nghiêm trang thì đã có một gia đình đàng hoàng, đã nên danh nên phận cả rồi.

– Bộ chú không thấy nhan nhản mấy ông già nghỉ hưu mà còn về cưới con gái tuổi con cháu của mình đó sao?

– Cách nói của anh đã chứa đựng mầm móng phản đối rồi, còn hỏi em làm gì? Có bao giờ em cổ võ cho những điều quái dị như vậy đâu, nếu không nói là em rất coi thường việc làm của họ. Dân tộc mình đã và đang tả tơi dưới ách thống trị của bạo quyền Việt cộng, nếu mình không thể làm điều gì tốt đẹp hơn cũng không nên làm những điều tồi tệ như thế mới đúng chứ.

– Châu à! – Phong nhìn thẳng vào Châu ngập ngừng. – Châu tin cẩn anh nhiều không?

Châu có vẻ ngạc nhiên, nhìn chàng dò hỏi:

– Dường như… dường như anh có gì nghiêm trọng muốn nói với em hả?

– Thì chú cứ trả lời cho anh đi.

– Anh là thầy và là người anh tinh thần thân thiết nhất của em bây giờ, nếu không tin anh còn có thể tin ai?

– Anh muốn nói về chuyện gia đình tương lai của chú.

Châu bật cười:

– Chắc anh có ai muốn gả cho em hả?

– Nếu anh nói anh biết có một người rất thích hợp với hoàn cảnh của chú, chú có muốn tìm hiểu thêm không?

– Thật tình em không mấy hứng thú để nói về chuyện vợ con. Nhưng anh nói em xin lắng nghe

– Ừ! Cả vợ và con.

– Có nghĩa là người đàn bà đó đã có con?

– Một đứa con gái 9 tuổi rất dễ thương và đặc biệt thông minh.

– Bà con gì với anh?

– Là vợ con của chú học trò tên Huệ mà anh có nói sơ với chú lúc chú tới ghi tên học đó. Cô ta hơn 30 tuổi, thông minh, xinh đẹp và hiền lành theo nhận xét của anh.

– Em không còn nhớ mấy về chuyện đó!

Phong sơ lược kể lại hoàn cảnh của mẹ con Phương Lan rồi nói với Châu:

– Chú không cần trả lời anh trong lúc này mà anh muốn chú suy nghĩ thật kỹ xem có thật sự muốn anh làm cầu nối cho hai người tìm hiểu nhau không, rồi cho anh biết.

– Đâu phải em muốn là được đâu?

– Dĩ nhiên, nhưng khi nào chú nói với anh xúc tiến thì anh sẽ nói chuyện với Phương Lan. À- tên cô ấy là Phương Lan – rồi sẽ tuỳ cơ ứng biến.

– Vâng, bất ngờ quá! Anh cho em thời gian suy nghĩ. Em không muốn đùa cho qua chuyện, cũng không muốn bỏ qua tâm ý của anh. Em cám ơn anh đã lo nghĩ đến tương lai của em.

– Cái đó tùy thuộc vào hai người, anh chỉ làm công việc môi giới để hai người tìm hiểu nhau. Anh không có trách nhiệm gì về tương lai của hai người, và không một cá nhân nào có đủ bản lãnh quyết định giùm vận mạng của người khác.

– Em đồng quan điểm với anh.

Ngồi với nhau thêm một lúc thì Châu ra về. Phong suy nghĩ miên man về những bàn luận vừa qua để tìm cách làm một gạch nối mà chàng tin là cần thiết và thích hợp. Phần rất thương con bé và thương cả hoàn cảnh của hai tấm lòng nhận hậu và chân thật, Phong quyết tâm sẽ thuyết phục được hai người tiến lại với nhau.

Gần hai năm qua chàng vẫn thường gọi điện thoại thăm hỏi gia đình Phương Lan; nhắc chừng bé Lan Huệ. Có một lần, cũng gần cả năm rồi, chàng bị Phương Lan thuyết phục làm bố nuôi con bé. Mới đầu chàng không chịu, vì thấy mình có làm gì được cho con bé đâu mà nhận một vai trò lớn lao như vậy. Phương Lan nói là Lan Huệ rất thèm có Ba để gọi như những bạn bè khác; hơn nữa, nó vẫn nhắc đến “chú Phong”, mặc dù nàng đã chỉnh nó nhiều lần phải gọi chàng bằng Bác cho đúng vai vế, nhưng nó lại đề nghị hay là cho nó làm con nuôi “chú Phong”. “Nếu anh không tỵ hiềm điều chi, em mong anh nhận lời. Anh không có bất cứ một trách nhiệm pháp lý nào đối với chúng em mà chỉ là một nghĩa cử tinh thần, làm cha đỡ đầu, để nâng đỡ, dìu dắt cháu tiến về tương lai; được như rứa, không những mạ con em rất vui mừng, hãnh diện mà chắc chắn Huệ cũng sẽ rất an lòng

*

Pha xong ly cà phê, Phong quyết định gọi điện thoại cho Phương Lan. Bây giờ là 10g đêm ngày Thứ Bảy Quảng Ngãi. Chuông reng một lúc nghe đầu giây bên kia giọng Phương Lan trả lời:

– Xin lỗi ai gọi đây ạ?

– Anh Phong đây. Em khoẻ không, cả nhà vẫn bình an chứ? Xin lỗi anh gọi trễ.

– Dạ vẫn còn sớm mà anh. Em đang xem lại sổ sách. Cụ và Lan Huệ đã ngủ.

– Vẫn buôn may bán đắt?

– Em đang tính gọi anh để báo tin vui thì anh gọi.

– Chắc là ông bà Thành, chủ tiệm thuốc tây, đã chính thức giao em quản trị công việc?

– Sao anh biết hay vậy?

– Thì em nói đang xem sổ sách buôn bán trong ngày.

– Không giấu anh được điều chi. Dạ, ông bà chủ chính thức nhận em làm con nuôi, đã nghỉ hưu và sắp đi một vòng vài ba tháng qua Mỹ với Canada thăm gia đình các anh chị bên nớ.

– Những người con của ông bà có biết việc này không?

– Có lẽ đã được ông bà cho biết trước nên họ đồng lòng với quyết định của ông bà. Vợ chồng anh Hai Siêu ở Mỹ về chơi từ tuần trước và hiện còn ở đây thêm ít lâu để giúp Ba Mẹ một số công việc cần thiết, rồi đón ông bà cùng qua bên nớ để thăm và dự đám cưới cháu nội.

– Anh chị Hai Siêu có nói gì riêng với em không? Họ đối xử với em như thế nào?

– Anh chị nớ rất vui vẻ, nhất là chị Dung vợ anh Siêu đẹp và hiền hoà, tính tình đôn hậu, dễ thương chi lạ. Chị ấy quanh quẩn ở tiệm thuốc cả tuần nay để xem em làm việc và chỉ dẫn thêm cho em rất tận tình những chỗ còn yếu. Nghe ba mẹ nuôi của em noái anh chị rất thành công bên Mỹ, có nhiều chi nhánh phòng mạch và chị Dung coai nhà thuốc tây riêng rất lớn ở bang Florida. Anh chị có hai người con trai xong đại học rồi, đều theo nghiệp cha làm Bác sĩ, mỗi người coai một chi nhánh, chưa có ai lập gia đình.

– Còn mấy người khác ở đâu và có ý kiến gì không?

– Tất cả mọi người đều tỏ vẻ vui mừng khi biết ba mẹ đã có quyết định nghỉ hưu. Họ còn noái họ rất vui vì có em làm em nuôi nữa. Anh Tâm chị Xuân đều làm địa ốc ở San Jose, Cali cũng rất thành công, có 2 người con. Con trai lớn còn độc thân, làm kỹ sư cho một hãng điện tử; con gái mới ra trường về ngành Tài Chánh, sắp làm đám cưới; Chị Linh anh Bình nhỏ nhứt ở Toronto, Canada có một con gái còn nhỏ. Noái nhỏ nhứt nhưng cũng lớn hơn em. Chị Linh anh Bình cũng là Bác sĩ, đang làm việc cho các nhà thương trong vùng.

– Anh thành thực chúc mừng cho em được làm con nuôi trong một gia đình đại phú quý. Có lẽ em đã cho họ biết tình trạng gia cảnh của em chứ?

– Anh đừng lo, em có noái tất cả mọi việc cho họ biết rồi. Em cũng noái nếu một mai mạ em trăm tuổi, rất có thể em sẽ mang con sang Mỹ cho nó học hành để có tương lai. Họ khuyên em cứ yên tâm làm việc, đến lúc đó tính tiếp, bất quá bán tiệm cũng sẽ có nhiều người muốn mua.

– Em đã quyết định vậy thì cứ làm vậy đi.

– Em noái trước để anh an tâm là sớm muộn chi thì Lan Huệ cũng sẽ ở Mỹ. Hoàn cảnh bi chừ không cho phép em nghĩ xa hơn.

– Anh biết công việc và trách nhiệm sẽ chiếm hết thì giờ và tư tưởng của em trong thời gian tới. Nhưng dù sao, không nói em cũng đã biết rồi, anh chỉ nhắc thêm, cố giữ gìn sức khoẻ.

– Em cám ơn anh vẫn luôn quan tâm đến mạ con em. Em biết em là trụ cột của gia đình nhỏ bé này. Rất may, sức khoẻ của em từ hôm nớ đến chừ vẫn ổn. Thời gian nớ có lẽ vi áp lực cuộc sống và buồn phiền cho duyên kiếp của mình nên em ngả bệnh. Chừ em rất khoẻ vì đã có phương hướng cho cuộc đời của mạ con em. Em đứng vững tới ngày hôm nay cũng nhờ tài sản của Huệ để lại nhưng đặc biệt là nhờ sự an ủi, khuyến khích, và động viên tinh thần của anh để em vượt qua khỏi mọi khó khăn cuộc sống.

– Anh rất vui để biết em có đầy nghị lực, vui khoẻ và nhất là đã an định trong cuộc sống.

– Đó là nhờ công ơn của anh góp phần quan trọng.

– Xin đừng nói tới việc ơn nghĩa nữa em à.

– Em không phải hạng người bội ơn.

– Cho dù có tiền, có sự khuyến khích của anh nhưng nếu gặp một người bình thường nào khác thì có lẽ không có kết quả tốt như em có ngày nay. Âu cũng là sự công bằng của tạo hoá.

– Em rất vui mỗi lần anh gọi, ví như anh mang thêm cho em một nguồn năng lực để em có thể bước thẳng về phía trước… nhưng em cũng muốn hỏi anh, ngoài việc thăm hỏi, anh có điều chi chỉ dạy thêm không?

Phong đắn đo một lúc; thật là khó mở miệng để nói chuyện mai mối trong lúc mọi nỗ lực của nàng đều dồn vào công việc hiện có trong tay:

– Cũng có tý chuyện… nhưng anh không biết mở đầu ra sao!

– Anh tìm được người trong mộng cho em rồi sao?

Phong bật cười thành tiếng để che bớt sự lúng túng của mình. Dẫu biết Phương Lan rất thông minh, cơ trí hơn người nhưng chàng không thể ngờ nàng có thể đọc được tư tưởng của chàng giỏi đến như vậy. Chàng tẽn tò nói:

– Em đoán không sai; bái phục bái phục!

– Anh đừng buồn em nghe. Có thể nào mình thảo luận chuyện ni ở một thời gian thuận tiện nào khác sau này được không anh?

– Dĩ nhiên là được. Anh chỉ lo đời người ngắn ngủi mà thời gian đâu có chờ đợi ai.

– Anh sợ em để lỡ xuân thì phải không?

– Cũng đúng. Nhưng em chưa muốn nói tới thì chờ cơ hội khác vậy.

– Dạ, anh cho em thêm một thời gian để ổn định công việc buôn bán đã.

– Thôi bây giờ đã muộn rồi, anh để em đi ngủ, mai còn phải mở tiệm sớm phải không?

– Dạ, tiệm mở cửa 7 ngày một tuần từ 6g sáng đến 8g tối.

– Làm sao em chịu nổi lâu dài?

– Không hề chi anh à, em quen rồi, với lại có chị Tần giúp đỡ nữa;. Chị Tần là người tin cậy và trung thực, em may mắn lắm. Thực ra, công việc ni không quá vất vả, không phải bon chen như việc buôn bán ngoài chợ, chỉ là dài giờ thôi anh.

– Như vậy Cụ và con bé ra sao?

– Em mướn người làm để chăm sóc Cụ và lo cơm nước cho hai bà cháu. Được cái là con bé rất ngoan ngoãn, luôn luôn là học sinh giỏi nên em cũng đỡ lo.

– Anh mừng cho em và bây giờ thì anh xin chào tạm biệt. Cho anh gửi lời kính thăm bà Cụ và hôn con bé giùm anh.

– Bao giờ anh lại về thăm Việt Nam, ghé Quảng Ngãi thăm mạ con em?

– Không biết chắc em à. Dù bà con rất đông, dù rất thương nhớ con bé nhưng mỗi lần đọc báo, xem tin tức Việt Nam lại cụt hứng liền, lại buồn bực quá đỗi!

– Dạ số phận của dân tộc mình luôn sống trong điêu linh, thân phận nhược tiểu mà lòng người thì chỉ thấy cái lợi lộc nhỏ cho bản thân trước mắt mà không thấy hoặc cố tình làm ngơ trước những hậu quả tai hại lâu dài cho quê hương, đất nước, đồng bào! Chuyện Việt Nam như chuyện 1001 đêm... triền miên tăm tối! Nhưng thôi, càng noái càng buồn, em xin chào anh. Anh nên nhớ là lúc mô nghe điện thoại của anh em cũng rất vui mừng.

– Ừ, có dịp anh sẽ gọi thăm mẹ con em.

Phong cúp điện thoại, lòng nao nao u hoài. Chuyện quê hương đất nước bao giờ cũng là nỗi trăn trở trong lòng kể từ ngày buộc phải “bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng sông”. Còn việc muốn thực hiện được “cái ngu thứ nhất” chắc là phải tùy duyên rồi đó. Phong cảm thông hoàn cảnh của Phương Lan trong hiện tại. Lẽ ra người tài trí như nàng phải có một đời sống tốt đẹp, hạnh phúc chứ sao lại phải đơn thân độc mã chống chọi trước bao nhiêu nghịch cảnh cuộc đời! Phải chi nàng được sống trong một môi trường thích nghi thì khả năng đó chắc chắn không thua kém bất cứ một ai trong xã hội tự do, phồn vinh này.

Chuông đồng hồ đổ 12 tiếng, báo hiệu cho Phong biết đã hết một buổi sáng bình yên.

Yên Sơn

Ý kiến bạn đọc
15/08/201713:02:33
Khách
Chua hêt phåi không niên trüöng
12/08/201701:50:56
Khách
Hai bài viết Sứ Mệnh Tinh Thần ( 21/7/17) và Những Điều Chưa Nói.
12/08/201701:45:47
Khách
Thật là vui sướng khi sống ở đời, mình có cơ hội mang lại niềm vui lớn đến cho nhiều người - như tác giả đã kể lại trong hai bài viết Sứ Mạng Tinh Thần và Những Điều Chưa Kể .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết Kỷ Dậu 2019, mời đọc bài viết mới của Chu Kim Long. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới, không giống bất cứ bài viết nào viết về thuế.
Cho tới nay, Tony Tony là bút hiệu lần đầu xuất hiện trong Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm hai bài viết ngắn.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; Định cư tại Virginia từ 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Hai bài đã viết: “Cưỡng Bách Hồi Hương Rồi Mới Đến My” và “Mang Con Bị Tê Liệt Đến Mỹ.” Bài viết mới là chuyện 30 năm của gia đình ba: Từ đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Và rồi, nhờ chương trình ROV, vẫn tới được nước Mỹ.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến