Hôm nay,  

Vết Cắt

07/08/201700:00:00(Xem: 13718)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 5186-19-31030-vb2080717

Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với sinh hoạt Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

Chiều tan sở, Loan từ San Francisco lái xe qua Cầu Bay Bridge để về nhà. Vô đến đầu cầu dòng xe bỗng dưng kẹt cứng, chạy như rùa bò. Tiết trời gần tháng hai không khí còn lạnh cắt da. Nhưng quang cảnh chiều vùng Bay nhìn từ trên cầu vẫn đẹp não nùng muôn thuở. Mặt trời đã ẩn sâu, giấu biệt hoàng hôn trong ánh tờ mờ như sương sa trên mặt biển. Từ đỉnh những tháp trụ rũ xuống chằng chịt hai hàng dây cáp. Khi xe chầm chậm lướt qua, chúng trông thướt tha như liễu rũ buông phủ hai bên thành cầu. Đèn trên cầu tỏa sáng phản chiếu, khiến làn nước sóng sánh ánh lên những hình tháp dát vàng, lan rộng khắp một vùng dưới chân cầu.

Những ngọn tháp lung linh dưới nước trông rất mong manh dễ vỡ. Như lâu đài của tình yêu đầu đời. Loan lẩn thẩn nghĩ. Nàng nhấn mạnh chân ga khi dòng xe vừa thông.

Vô đến Oakland, Loan tiện đường ghé lại ngôi chợ Việt để mua ít thức ăn và trái cây, hoa, bánh. Ngày mai cuối tuần là đám giỗ cha nàng. Dù nhà chỉ có hai người, nhưng biết mẹ lúc nào cũng chuẩn bị cúng kính rất kỹ càng, nàng thường mua sắm linh đình trong ngày giỗ để bà vui. Thức ăn, bánh trái còn dư sau đám giỗ Loan đem vô sở mời bạn đồng nghiệp. Họ lấy làm thích thú khi được ăn, được nghe nàng kể về những ngày giỗ chạp nơi chốn cũ quê xưa. Nàng thì kểcho lòng vơi bớt nhớ nhung.

Còn hơn ba tuần nữa mới hết năm, mà quang cảnh ngôi chợ Á Châu trên đất Mỹ đã rộn ràng không kém chợ Tết ở quê nhà. Hàng hóa được trưng bày tràn ngập. Những cành đào hồng cắt sớm trụi lá chi chít búp, đứng chen chân chật ních trong cái thùng cao ngoài cửa chợ; hoa cúc và vạn thọ vàng rực bên cạnh những chậu quất sum suê đỏ thắm; vài thùng hoa lay dơn đủ màu, từng bó múp míp nụ nhô ra khỏi lớp giấy bóng kiếng. Quang cảnh khu chợ khiến cho những người Việt dù đang vội vàng, lái xe ngang qua đây cũng thấy lòng xôn xao. Cũng biết là không bao lâu nữa nàng Xuân sẽ ghé về chia vui cùng nhóm người xa cố quốc.

Đậu xe xong, Loan lấy một chiếc “shopping cart” đẩy vào trong. Chợ về chiều khi gần đóng cửa thật nhộn nhịp, vì sau giờ tan sở. Ai nấy đều tất bật bước nhanh sợ trễ bữa cơm chiều cho gia đình. Bà chủ chợ, là mẹ Kellie, nhỏ bạn đồng nghiệp, đang bận rộn tính tiền cũng cố vẫy tay chào Loanv ới nụ cười xởi lởi:

– Cháu Loan đi chợ hả?

– Dạ vâng! Loan đáp, vẫy lại bà rồi đẩy xe chen vào dòng người đông đúc. Sau khi lấy bì bánh ít lá gai, mấy vuông cốm,và hộp bánh bông lan, nàng đi chọn thêm nhiều món khác. Thấy có thùng củ sắn nước (củ đậu) mới khui, Loan dừng lại nhặt một củ thật to lên săm soi. Bất giác nàng giật mình, nhìn đăm đăm vào ngón trỏ trái đang cầm củ sắn nõn nà. Một vết sẹo dài nằm vắt ngang đến tận đầu móng. Vết sẹo của một lần xắt sắn nước.

Loan hình dung lại khuôn mặt hốt hoảng của Điền ngày hôm ấy. Không hiểu chàng đau cho nàng vì vết cắt hay đau vì cuộc chia tay đầy bất trắc. Có lẽ cả hai. Nét mặt đó bao năm qua đã theo Loan vào trong từng giấc ngủ. Thấy những giọt máu tươi của Loan phụt ra, Điền hốt hoảng dùng ngón tay bịt chặt miệng vết thương. Anh lôi nàng chạy lại chỗ chiếc Honda của Mẫn, và giật mạnh vòi xăng rửa sạch để sát trùng. Sau đó bịt vết thương lại, chàng dắt Loan chạy nhùng nhằng như cặp thầy bói mù, leo lên gác lấy bông băng. Chiếc cầu thang ọp ẹp bằng gỗ rung rinh nhún nhẩy dưới bước chân hai người.

Đó là căn nhà tôn có gác ván của Mẫn, chị con bà dì Loan cũng là bạn học của Điền. Trưa Hăm Ba tháng Chạp, chồng Mẫn về quê tặng quà Tết cho cha mẹ. Mẫn bận bán buôn ở cái chợ “chồm hổm” gần nhà, nên chị giao chìa khóa để Loan tiếp Điền. Nàng là giáo viên chế độ mới, còn Điền thì “con Ngụy”. Ông Thức bố Điền, sĩ quan VNCH trước 75, đang bị cầm tù trên rừng. Vì “lý lịch xấu” mà anh không vào được đại học. Hai người yêu nhau đã mấy năm, nhưng cha Loan không muốn nàng lấy Điền. Là một nhà kinh doanh thời Cộng Sản mở cửa có thêm cái đuôi "thị trường", ông rất thực dụng, muốn con gái lấy tay bí thư huyện ủy thuộc “con dòng cháu giống” để tiện cho việc làm ăn của ông. Sự phản đối kịch liệt của Loan, đã khiến ông nhiều lần thuê người hăm dọa và hành hung Điền. Họ chỉ có thể lén lút gặp nhau tại nhà của Mẫn.

Điền đến khi Loan đang xắt củ sắn nước. Mẫn nhờ nàng chuẩn bị dùm rau củ, để chiều về chị nấu cơm chay cúng Tất Niên trước khi đưa Ông Táo về Trời. Loan kêu Điền ngồi chơi đợi nàng một lát.Trong lòng hớn hở lẫn hồi hộp. Điền hẹn gặp gấp, chắc anh đã sắp xếp chương trình đặc biệt gì cho hai đứa vào dịp Tết. Không chú ý đến lời Loan, Điền bước lại sau lưng đứng sát vào nàng. Anh ôm lấy vòng eo thon thả, và hôn lên mái tóc đen tuyền buông xỏa bờ vai. Loan xúc động, cảm nhận trái tim Điền đập thình thịch sau lưng. Hơi thở chàng nghe dồn dập. Dù trải qua bao khó khăn, tình yêu hai người vẫn ngày càng thắm thiết. Nàng thầm nghĩ, rồi đưa dao thoăn thoắt, xắt nhanh tay để còn tâm sự với người yêu.

– Loan này! Điền bỗng thì thầm, giọng chàng nghèn nghẹn. – Tối nay anh phải đi rồi! Đi theo một tổ chức vượt biên đường bộ qua Lào để đến Thái Lan…

– Úi da! Loan kêu lên thảng thốt. Một vết dao cắt xéo qua ngón trỏ trái, máu phụt ra nhuộm đỏ cả củ sắn trắng tươi.

Thì ra lâu nay Điền âm thầm móc nối, nhưng không hề thố lộ về dự tính ra đi của anh cho Loan hay. Chuyến đi này do những bạn tù đã được thả về của ba Điền tổ chức. Mẫn có biết nhưng Điền dặn chị đừng nói với Loan sợ nàng lo lắng, đợi cận ngày đi anh sẽ tự nói.

Khi Điền quấn xong mảnh băng trên ngón tay Loan, thì có tiếng gõ nhẹ và dồn dập ở cửa sau. Hai người lật đật leo xuống, nhìn qua khe cửa bếp.

– Mở cửa nhanh lên Loan ơi, nguy rồi! Giọng Mẫn thì thầm hổn hển. Loan mở cửa, Mẫn ùa vào như cơn lốc, giọng lập cập: “Mấy người công an đã hỏi thăm đường vô nhà chị. Chẳng biết có phải họ đến kiếm Điền hay không, chị vội gửi hàng cho bạn và băng rào chạy đường tắt về đây.”

– Chết rồi! Loan hốt hoảng: Bây giờ làm sao đây anh?

– Anh phải đi ngay thôi! Điền nói rồi ôm vội Loan một cái. Anh sẽ liên lạc với em khi đến nơi!

Dứt lời Điền vơ vội cái túi hành trang nhỏ anh mang theo khi nãy và thoát ra cửa, biến mất vô vườn chuối sau nhà. Cũng là lúc tiếng gõ cửa vang lên ầm ầm ở đàng trước...

Thảy củ sắn nước vô trong xe đẩy, Loan đưa tay gạt đi giọt lệ vừa lăn xuống má. Ngày đó công

an lần ra manh mối một vụ vượt biên hụt khác của Điền, và có người mách thấy Điền vào nhà Mẫn nên họ hùng hổ đến lục soát. Điền đã thoát khỏi cuộc truy lùng ấy. Nhưng anh không thoát được trên đường rừng. Mấy tuần sau Mẫn nhận tin từ những người tổ chức là nhóm bảy người của Điền đã bị bọn línhMiên rượt đuổi và giết chết hơn một nửa. Số còn lại mất tích trong rừng không ai biết tình trạng họ ra sao. Loan như người điên loạn. Nàng bỏ dạy, hàng ngày đến nhà Mẫn nhờ chị nghe ngóng tin tức từ những khách hàng ngoài chợ. Nhưng cả một thời gian dài trôi qua cũng chẳng có được kết quả gì.

Đang miên man suy nghĩ, Loan giật mình vì một bà bệ vệ ào ào đi qua phang vào nàng. Rồi bà ta xô mạnh chiếc xe của Loan sang một bên vẹt đường cho xe của bà, kèm theo những lời lỗ mãng:

– Làm ơn tránh đường! Chỗ chật chội mà đứng chần dần như ông thần. Về nhà mà mơ mộng!

Chiếc xe vuột khỏi tay Loan, đâm sầm vào một người đang bước tới. Vỉ trứng gà trên tay ông ta rơi vèo xuống đất vỡ tung tóe, bắn cả vào chiếc quần Jean và đôi giày thể thao của ông.

– Xin lỗi! Xin lỗi, để tôi lau cho ông. Loan nói và ngồi xuống nhặt lấy vỉ trứng. Nàng vừa mở xách lấy tờ khăn giấy ra lau cho ông ta thì nghe một giọng Bắc nữ quát to từ phía sau:

– Xin lỗi gì mà xin lỗi! “Nàm ăn” cái kiểu quáigì thế hả? Trứng vây đầy vào người ta ra rồi kìa!

– Thôi mà em! Giọng Bắc lai Nam của người đàn ông nhỏ nhẹ. – Chỉ là tai nạn thôi, đâu có ai muốn…

– Còn thôi mí lại không thôi! Chị vợ cắt ngang, mắng chồng xối xả: – Lúc n.à.o…cũng thế! Chị ta dài giọng kéo chữ “nào” nghe như nghiến răng kèn kẹt. – Đồ ngốc nghếch!

Loan chẳng thèm đáp trả. Nàng vừa lau vết trứng trên ống quần và đôi giày cho ông ta mà trong bụng vừa bực lẫn cười thầm. Anh chàng này đúng là tội nghiệp. Gặp phải “sư tử Hà Đông” thứ thiệt rồi.

Lau hết mấy tờ khăn giấy, Loan vịn vào chiếc xe đẩy đứng lên, nhìn quanh xem có thứ gì dùng được để dọn chỗ trứng trên nền chợ. Sự việc xảy ra cũng đã mấy phút, nhưngchẳng thấy có nhân viên nào đến giúp Loan, ngoài số khách hàng đi qua bước tránh một bên với bộ mặt thật khó coi, tỏ ra kinh tởm cái thứ nhơn nhớt vàng vàng dưới đất. Nếu ở chợ Mỹ, nhân viên của họ đã cuống quít chạy đến dọn dẹp sạch sẽ tự khi nào rồi.

Mắt Loan bỗng tò mò quét ngang qua người đàn ông sợ vợ đến tội nghiệp trước mặt. Anh ta cũng chưa già lắm. Áo thun đen có logo “Riders USA” in sơn màu vàng kim tuyến, quần Jean, nét mặt cương nghị nhưng rất buồn. Nhìn kỹ, nàng chợt sựng người. Đầu óc quay cuồng. Tay chân run lẩy bẩy. “Bức tượng” với đôi mày rậm và ánh mắt đau đớn chụp lấy cái túi vải chạy vội ra cửa sau nhà Mẫn ngày nào. Giờ đang đứng trân mình ngượng nghịu giữa chợ, chịu trận cho chị vợ sỉ vả mà không dám một lời đáp lại.

Người đó cũng há hốc miệng, nhìn đăm đăm vào Loan. Nàng nhìn anh ta rồi liếc qua người vợ. Chị ta trang điểm khá diêm dúa, mắt xanh mi đỏ, tóc uốn quăn, rất đỏm dáng với chiếc đầm hồng hở cổ ngắn trên đầu gối. Trông cũng dễ nhìn ngoài cái vẻ đanh đá chanh chua.

– Lo…a…n! Anh ta lắp bắp không ra lời trong miệng.

Tay run run bấu chặt cái túi xách đeo trên vai, Loan hít một hơi dài lấy lại bình tĩnh.Và nàng bỗng lách mình vụt nhanh qua khỏi cặp vợ chồng, bước đi như chạy ra cửa bỏ mặc chiếc xe đẩy với ngổn ngang hàng hóa đứng trơ vơ giữa đường đi. Lao vào xe, Loan nổ máy và lái một mạch ra khỏi phố. Chạy mãi, chạy mãi. Cuối cùng nàng tấp vào lề, gục đầu chết lặng trên tay lái.

Buổi tối nhiệt độ xuống thật nhanh,về hùa cùng những cơn gió đông vật vã. Không khí bên ngoài như được thể ùa cả vào xe. Vòng vô lăng bỗng lạnh băng tuyết phủ. Hơi lạnh như đồng,vô tri tàn nhẫn châm chích không thương tiếc vết cắt ngón trỏ nàng trên vòng lái, hòavới niềm đau vừa sống lại làm nhói buốt cả tâm can. Nước mắt Loan trào ra. Vết cắt ngoài da dù để sẹo nhưng cũng lành, chỉ có vết cắt trong tim nghìn đời vẫn còn rướm máu.

Từ đó Loan không bao giờ ghé mua thức ăn ở cái chợ ấy nữa, dù đó là chợ của mẹ Kellie và rất tiện trên đường đi làm về. Nàng kể cho Kellie nghe lần chạm trán bất ngờ với Điền, làm con nhỏ cười rũ ra. Cô gái có tính nghịch ngợm tỏ vẻ tiếc, “Phải chi có mặt ngày hôm ấy, em sẽ phá cái mợ Bắc Kỳ ăn hiếp chồng ấy một trận cho bỏ ghét! Thật tội nghiệp anh ta!”

Cuộc gặp gỡ đã khiến Loan đau khổ lần nữa trong một thời gian dài. Nàng mừng vì Điền còn sống, nhưng lại tội nghiệp cho anh. Cuộc sống của người xưa xem ra cũng chẳng hạnh phúc gì. Và nàng tự giễu, cuộc đời mình có hơn chi Điền đâu mà tội nghiệp anh ấy.

Năm xưa nghe tin Điền bị giết trên đường vượt qua biên giới đến Miên để tới Thái Lan, Loan càng cương quyết chống lại cha. Và nàng trốn chạy khỏi cuộc gả bán cho tay bí thư huyện của người cha thực dụng bằng cái đám cưới vội vã với Mike, một Việt Kiều về nước làm ăn sau ngày “mở cửa”.

Những tưởng đi khỏi cái đất nước đầy dẫy bất công đó nàng sẽ được yên thân sống cuộc đời bình dị nơi quê hương mới.

Không ngờ đem nàng qua Mỹ xong thì Mike quay lại Việt Nam làm ăn, và rồi “bổn cũ soạn lại”. Mike bắt đầu vui chơi với những bóng hồng khác. Can gián mãi không hiệu quả, Loan làm đơn ly dị. May mà nàng chưa có con với anh ta nên mọi việc cũng khá đơn giản. Rồi Loan bảo lãnh mẹ qua Mỹ sau khi người cha qua đời. Vì bị gạt trong chuyện làm ăn hùn hạp với mấy tay nhà giàu mới nổi sau 75, ông uất ức lâm bịnh mà chết.

*

Hai năm sau ngày gặp lại Điền ngoài chợ, sự hồn nhiên cũng đã trở về trong kiếp sống đơn độc của Loan. Kellie tuy thua nàng mấy tuổi nhưng là người bạn gần gũi nhất. Con nhỏ tìm đủ cách giúp nàng vui chơi để quên đi quá khứ.“Không việc gì chị phải buồn. Dù cho trời có sập xuống, ổng cũng sẽ chừa một chỗ cho những người còn trẻ còn yêu đời như chúng ta!” Kellie nói.

Nhờ sự giúp đỡ của ba Kellie, một nhà thầu xây cất có tiếng tăm, cuối cùng Loan mua được căn “Town House” cũ trong thành phố đắt đỏ nhất của vùng Đông Vịnh, San Francisco. Nhà chỉ cách nơi nàng làm việc vài chục phút lái xe trong phố, buổi trưa có thể chạy về ăn cơm.

Trái với những tòa nhà chọc trời trên phố chính, đây là khu vực dân nghèo nhà cửa không được khang trang. Nhưng nàng chọn căn nhà vì thuận tiện gần chỗ làm khỏi phải chạy freeway, chịu trận với nạn kẹt xe mỗi ngày. Còn một lý do nữa, là phía sau vườn có mảnh đất nhỏ cho mẹ nàng trồng trọt giải khuây.

Điều bất tiện cho Loan, là khu townhouse này không có chỗ đậu xe. Nhà xây lâu đời, cả khu phố nhỏ mọi người đều phải đậu ngoài đường. Những chỗ mặt đường hơi lớn có cửa hiệu bán quần áo, tiệm ăn, tiệm bánh ngọt, đều có đồng hồ trả tiền và thời gian đậu rất giới hạn. Người trong xóm, nếu ai về trễ hết chỗ phải đậu xa xa sang mấy con đường kế cận, rồi đi bộ vô nhà. Và điều làm người ta ngại khi về khuya, là các con đường trong khu phố này ít được cảnh sát để mắt đến. Dân “homeless” không nhà thường tụ tập che bạt trú ngụ hai bên đường, trước cửa những cơ sở kinh doanh khi ban đêm đóng cửa. Mới đầu Loan rất sợ, nhưng lâu dần thành quen. Mỗi lần đậu xe hơi xa, nàng cố bước thật nhanh qua khỏi những đống chăn lù lù, những con người khốn khổ áo quần rách rưới đó. Hầu hết ngườihomeless ngụ lâu trong khu vực đều biết mặt dân cư quanh vùng nên họ không dám làm phiền, sợ người ta kêu cảnh sát đuổi đi. Thỉnh thoảng vài người dân quanh đây còn mở rộng lòng, đem thức ăn ra chia sẻ cho những kẻ ngủ vỉa hè. Do vậy nên khu vực này cũng tạm gọi là yên ổn.

Cho đến một thứ bảy cuối tuần, là ngày sinh nhật của Loan. Nàng cùng mẹ làm bữa tiệc nho nhỏ mời Kellie và vài người bạn đến chung vui. Tiệc xong mặt trời cũng bắt đầu xuống núi, tối dần. Chờ mọi người đi hết Kellie mới từ giã bạn ra về. Vì Kellie đậu xe cách một block bên kia con đường cắt ngang đường vô nhà Loan, nên nàng phải đưa bạn ra xe cho cô khỏi sợ.

Đôi bạn vừa đi vừa cười nói râm ran. Ngang qua góc phố, một cây nạng gỗ từ đâu bỗng chuồi ra giữa lề đường làm Kellie hoảng hồn nhảy dựng lên, sém chút nữa thì vấp té. Loan cũng giật mình nhìn lại, thì thấy một người homeless trùm kín đầu bằng chiếc mền rách vừa nhủi người nằm mẹp vô tường, bàn tay run lẩy bẩy đang cố lôi cây nạng dưới chân Kellie vào bên cạnh ông ta. Kellie đưa tay ôm ngực, vẻ sợ hãi. Hai người vội rảo bước đi như chạy, và Kellie thì thầm:

– Trời ơi! Khu này ghê quá! Toàn homeless ngủ đường. Chị đi làm về hàng ngày mà không sợ?

– Không sao đâu, đừng sợ Kellie! Loan nói. – Mấy người vô gia cư ở đây hiền lành lắm, không phá phách ai bao giờ. Họ vô gia cư vì sa cơ lỡ vận. Dân ở quanh đây đã quen cảnh này rồi nên rất cảm thông cho họ, chứ chẳng ai sợ hãi hay xua đuổi.

Đến nới đậu xe, chờ cho Kellie bước vào xe nổ máy xong Loan quay lưng vô nhà. Nàng vừa đi đến con đường đối diện, bất thình lình có một tên cao lớn đen thùi lùi áo quần nhem nhuốc từ đâu sấn tới. Hắn chụp sợi dây chuyền trên cổ Loan giật mạnh.

Sợi dây chuyền bằng vàng tây với mặt ngọc Phật Bà trổ hoa xanh bóng, mẹ mua bên Việt Nam tặng nàng khi bà qua Mỹ định cư. Kellie đã từng chọc dạo này mốt thời trang biết bao kiểu dây chuyền bạch kim hột xoàn đại hạ giá, sao còn đeo vàng ngọc là những thứ lỗi thời. Nhưng Loan vì nể mẹ, lại nữa nàng cũng có niềm tin tôn giáo nên giữ đeo tượng Phật Bà. “Chị đeo để cầu may mắn” nàng trả lời Kellie.

Cú giật mạnh của tên cướp kéo Loan ngã sóng soài xuống đất. Nhưng sợi dây chưa đứt.

– Cứu tôi với! Cướp! Cướp! Loan la lên. Phản ứng tự nhiên vì đau, nàng đưa tay giữ sợi dây chuyền, tay kia cào vào tên cướp đang nắm chặt sợi dây và mặt tượng Phật.

Bên kia đường, Kellie vẫn còn chờ máy xe nóng. Cô hạ cửa kính xuống, thò đầu ra định kêu vói theo tạm biệt Loan. Nhưng thấy Loan kêu cứu cô vội rụt đầu vào xe, lên kính thật nhanh,và chụp điện thoại gọi 911.

– Thả ra! Con chó chết này! Tên cướp hét lên, tát vào mặt Loan rồi dùng hết sức giật mạnh lần nữa. Sợi dây đứt phựt, làm nàngngã lăn ra. Trong cơn đau điếng của cái cổ bị sợi dây chuyền cứa và cái đầu đập xuống đường, Loan bỗng thấy một bóng người đi cặp nạng phóng lộp cộp đến sau lưng tên cướp. Nhanh như cắt người đó dùng một cây nạng phang túi bụi vào tên cướp làm hắn ngã dúi xuống đất. Sợi dây chuyền vuột khỏi tay hắn văng ra xa. Tên cướp lồm cồm ngồi lên. Thấy người đó đi nạng, hắn đứng bật dậy giật lấy cây nạng và quật lại tới tấp, chưởi toáng:

– Tiên sư cái thằng què này! Mày dám phá chuyện của ông hả! Cho mày chết!

Người ân nhân của Loan té lăn quay, nằm giãy giụa oằn người dưới những cú nện của tên cướp. Loan bỗng quên đi đau đớn. Nàng lật đật bò dậy rồi vừa chạy về phía Kellie vừa kêu cứu om sòm. Đúng lúc tiếng hú còi của xe cảnh sát đến gần. Tên cướp nghe tiếng còi thì ngừng tay không đánh nữa. Hắn vất cây nạng, nhìn quanh quất tìm sợi dây chuyền, nhưng chưa kịp lấy thì phải bỏ chạy. Loan và Kellie khi ấy mới chạy trở lại chỗ người cứu nàng.

Người đó bị thương ở đầu rất nặng, nằm bất động trên vũng máu. Ánh sáng của ngọn đèn đường gần bên cho thấy đó là một người homeless. Chính là người mới lúc nãy làm rơi chiếc nạng gỗ cản đường khiến Kellie giật mình. Ông ta bị cụt mất bàn chân trái. Áo quần cũ kỹ, lấm lem, chiếc mũ len trùm kín đầu cũng te tua, mặt mũi dínhđầy máu.

Hình như đó là một người Á Châu, vì có mấy sợi tóc đen lòa xòa ngoài chiếc mũ. Vài người vô gia cư trú ngụ trên vỉahè gần đó chạy lại xem.

– “Oh My God!” Trời ơi! Một ông giàhomeless người da trắng trong nhóm nhận ra nạn nhân. Ông ta kêu lên. – Tội nghiệp quá! Anh ta là bạn mới quen của tôi, từ thành phố bên kia mới tới ngụ gần chỗ tôi mấy hôm nay thôi. Một con người thật đáng thương. Mất bàn chân, mất job, rồi lại mất nhà, mất luôn cả vợ con. Nhưng anh ta quả là một anh hùng! Đúng là anh hùng! Ông cao giọng: – Mấy người tin tôi đi! Tôi đã chính mắt nhìn thấy anh ấy đập cho tên cướp một trận.

Mắt Loan rưng rưng chực khóc. Kellie ôm vai bạn, nói to trong tiếng còi hụ râm ran:

– Cảnh sát đến, chị okay rồi đừng sợ. Em đã gọi cho họ đó. May mà em chưa chạy đi.

– Tội nghiệp cái người homeless đó quá Kellie ơi! Vì cứu chị mà anh ta mới ra nông nỗi. Khôngbiết là anh ta có chết không nữa. Loan nói.

Kellie chưa kịp trả lời thì rất nhiều cảnh xe cảnh sát ngừng lại, cả xe cứu hỏa và cứu thương. Loan vội vàng kể lại mọi chuyện với cảnh sát, trong lúc đội cấp cứu đến giúp cho nạn nhân. Loan trả lời xong thì đến Kellie, vì cô là người gọi 911. Loan lo lắng chạy lại hỏi thăm đội cấp cứu tình trạng của người ân nhân, lúc này đã được sơ cứu và đưa lên băng ca chuẩn bị chở vô bệnh viện.

– Anh ta bị thương ở đầu và bên hông trái khá nặng. Một nhân viên cấp cứu nói với Loan – Phải chờ vô bệnh viện bác sĩ khám mới biết rõ hơn. Người này thật can đảm! Đã bị tàn tật mà còn gan dạ cứu cô.

Loan luôn miệng thầm khấn Phật Bà hãy cứu giúp vị ân nhân. Nàng nói vớiKellie lát nữa chạy theo xe cứu thương vô bệnh viện, để nàng theo dõi tình hình người ấy. Như lời ông già nói thì kẻ không nhà này cũng không có thân nhân. Nàng nghĩ mình phải có trách nhiệm lo cho anh ta. Khi đội cấp cứu đẩy chiếc băng ca ra xe, Loan kéo Kellie chạy lại. Chiếc mũ len đã được gỡ bỏ,

đầu anh ta quấn băng lùm lùm, mặt mũi đã được lau hết máu. Anh ta nằm im không động đậy.

Loan bước tới gần cúi xuống nhìn. Bỗng nàng hét lớn:

– Trời ơi! Anh Điền! Và ngã nhào vào người Kellie bật khóc nức nở.

Kellie chở Loan chạy theo xe cấp cứu vào bệnh viện San Francisco. Điền được chẩn đoán cấp tốc, vết thương ở đầu đã làm anh hôn mê.

– Xin lỗi! Tôi có thể giữ cái túi đồ cho anh ấy được không? Loan nói khi thấy người y tá loay hoay nhét cái túi nilon quần áo của Điền xuống chân giường. Cô ta gật đầu, đưa cái túi cho Loan rồi đẩy băng ca vô phòng bệnh.

Loan mượn điện thoại của Kellie gọi cho mẹ biết chừng. Nàng kêu Kellie về trước, nhưng cô ấy nhất quyết đòi ở lại, cùng ngồi đợi bên ngoài với Loan. Mấy tiếng đồng hồ sau, y tá ra ngoài cho Loan biết vết thương của bệnh nhân dù làm anh hôn mê nhưng không nguy hiểm tới não bộ. Họ còn nói, sau khi tỉnh lại anh cần phải ở trong bệnh viện vài ngày để bác sĩ theo dõi, hầu tránh trường hợp có biến chứng bất thường. Loan cảm thấy yên tâm nên kêu Kellie chở nàng về.

Ngồi trên xe, Loan thấy lòng đau đớn vô cùng. Không biết tại sao chỉ trong vài năm, từ lần bất ngờ chám trán ở chợ của mẹ Kellie, bây giờ Điền lại ra nông nỗi. Nhớ lại lời ông già homeless. “Mất bàn chân, mất job, mất nhà, mất vợ con.”Nàng không biết Điền làm mất cái nào trước, bàn chân, nhà, hay vợ. Nhưng theo như tính khí chanh chua hung dữ của vợ Điền, Loan có thể đoán, sau khi anh mất những thứ kia thì mất luôn cô vợ là điều tất nhiên.

Về đến nhà, dù đã khuya Loan cũng xách cái túi nilon đi luôn ra phòng giặt. Vừa mở sợi dây cột miệng túi ra, một mùi hôi nồng nặc bốc lên thật là khó chịu. Nhưng nàng cũng ráng bịt mũi lục ra xem thử. Trong túi chỉ có cái quần Jean cũ xì lấm lem và cái áo thun đen logo “Riders USA” cộng với cái áo lạnh màu xanh lính bốn túi cũng đã te tua. Toàn là đồ rách! Nàng lẩm bẩm, xách luôn cái túi ra thùng rác để vất đi, và định ngày mai sẽ đi mua đồ mới lại cho Điền. Bỗng Loan giật mình nhớ lại. Cái áo thun đen có logo “Riders USA” nàng đã thấy Điền mặc lần gặp lại trong chợ của nhà Kellie hơn hai năm về trước. Mấy năm rồi anh vẫn còn mặc cái áo này. Tội nghiệp Điền. Sao anh lại nghèo đến như thế chứ.

Thôi thì cứ giặt sạch chúng cho Điền trước đã. Loan nghĩ và xách túi trở vô phòng giặt. Mở máy giặt lên nàng trút hết túi đồ dơ vào. Tiếng kêu lộp bộp đụng vào thành máy giặt làm cho Loan ngừng tay mở nước. Nàng lôi lên và lục lại hết các túi áo túi quần. Cuối cùng Loan tìm được, từ cái túi bên phía trong trước ngực áo lạnh, một chiếc ví mỏng xẹp lép và quyển sổ tay nhỏ cũng cỡ bằng chiếc ví. Là sổ ghi chép linh tinh. Mở ví ra, Loan thấy bằng lái, thẻ An Sinh Xã Hội, thẻ khám bệnh Medical, và thẻ bảo hiểm xe đã hết hạn của Điền. Ngoài ra còn vài thứ giấy tờ linh tinh khác. Nhưng tuyệt không có đồng bạc nào trong ví.

Lòng xót xa, Loan thẫn thờ đem vất cái túi rỗng vào thùng rác, đổ xà phòng vào máy giặt, rồi mở lên cho nó chạy. Nàng vô nhà bếp rửa tay xong thì cầm cái ví và quyển sổ ra salon ngồi xuống. Loan run run mở quyển sổ nhỏ ra và bắt đầu đọc những ghi chép của Điền.

Ngày…tháng…năm…

“Hôm nay tình cờ gặp lại Loan ở chợ Việt Nam. Một cuộc gặp gỡ vô cùng đau đớn. Nét mặt bàng hoàng sửng sốt của em làm cho trên đường về nhà tôi muốn đâm đầu xe vào cột điện. Cuộc sống đáng xấu hổ của tôi đã bị em nhìn thấy. Nếu không nghĩ đến đứa con gái nhỏ hai tuổi, tôi đã làm rồi… Tha thứ cho anh nghe Loan! Sau lần gặp đó, tôi đã một mình trở lại nhiều lần nữa, dạo quanh ngôi chợ với hy vọng sẽ gặp em để giải bày cho em hiểu rõ mọi chuyện. Nhưng không tìm thấy bóng dáng em đâu. Tôi luôn mặc chiếc áo “Riders” ngày ấy, đi đâu cũng mặc, để em có thể dễ dàng nhận ra tôi. Nhưng tất cả chỉ là vô vọng…”

Thì ra Điền chẳng những lập gia đình mà còn có con nữa. Mình đã làm đúng, khi tránh không đi chợ nơi đó nữa. Gặp lại thì có ích gì. Anh ấy đã có gia đình,có con cái, đang sống hạnh phúc… Loan quẹt nước mắt, đọc tiếp:

“Cuộc sống của tôi không có một chút hạnh phúc nào. Loan ạ. Ngoài những lúc chơi đùa với Leana đứa con gái bé bỏng. Làm sao giải thích với em, tôi cưới Lạc vì đền ơn cứu mạng…”

Loan thẫn thờ. Cưới vì lý do gì thì vẫn là cưới. Vẫn là sự chia cắt vĩnh viễn hai cuộc đời, như hai đường thẳng song song, sẽ chẳng bao giờ kết hợp được nhau.

Những dòng cuối của quyển ghi chép mực còn rất mới:

Ngày…tháng…năm…

“Vậy là hết. Hết thật rồi. Tai nạn làm tôi mất một bàn chân. Tôi không thể đi làm được nữa rồi. Tôi rời bệnh viện về nhà trên cặp nạng. Lạc trợn mắt lườm rồi xách xe đi chơi. Tôi không còn tiền gửi về Campuchia cung cấp cho cuộc sống xa hoa của cha mẹ cô như trước, cô bắt đầu dở chứng. Đi sớm về khuya... Tháng trước Lạc đi suốt đêm, sáng ra đem về đưa tôi tờ giấy ly dị. Tôi ký ngay không đọc một chữ nào. Và tôi mất hết. Việc làm, nhà cửa, xe cộ, và mất luôn cả đứa con gái nhỏ”.

Gấp quyển sổ nhỏ lại, Loan ngồi lặng một hồi lâu mới vô phòng đi ngủ. Hômsau nàng phải thay ca đi làm ngày Chúa Nhật. Giờ ăn trưa Loan chạy qua cái mall gần chỗ làm mua cho Điền hai chiếc quần Jean, hai cái áo thun, cái áo lạnh, và một số đồ lặt vặt. Chiều về nàng bỏ chung tất cả vô túi đồ đã giặt và đem đến bệnh viện. Lúc này Điền đang ngủ say. Da dẻ anh đã hồng hào trở lại, gương mặt tuấn tú trông bớt tiều tụy. Loan nhẹ nhàng đặt chiếc túi dưới chân giường rồi đứng nhìn Điền trong giấc ngủ. Nàng cúi xuống nói thì thầm:

– Sao anh lại ra nông nỗi này hả Điền? Anh có biết là em đau lòng lắm không? Nhưng dù sao anh thoát khỏi cơn nguy hiểm là mừng rồi. Mọi thứ đều có thể bắt đầu lại.

Nói xong Loan sờ vào trán Điền. Nhiệt độ bình thường. Nàng yên tâm quay lưng bước ra ngoài, định kiếm chút gì ăn tối xong sẽ trở lại với Điền một lát nữa xem Điền tỉnh chưa rồi mới về.

– Loan! Điền bỗng mở mắt ra gọi và chụp lấy tay nàng. – Em đừng đi! Anh còn có nhiều điều muốn nói với em.

– Ôi anh Điền! Loan xúc động kêu lên. Nàng cũng cầm chặt tay Điền. – Tại sao anh liều thế? Đã

mang thương tật, sao lại còn xông ra cứu một kẻ đi đường như em để rồi lãnh đòn của tên cướp chứ! Khi ấy anh đâu có biết em là ai?

– Anh đã thấy em và cô bạn nói cười từ xa. Điền nói, âu yếm nhìn sâu vào mắt nàng. – Cho nên anh vội vã tránh mặt và làm rơi cặp nạng làm cho bạn em giật mình. Anh xin lỗi!

Loan gật đầu, nhớ lại cái bóng người nép vội vào vách phố hôm nọ, khi nàng và Kellie đi ngang qua. Họ nói chuyện một hồi lâu. Loan kể Điền nghe chuyện của nàng. Điền cũng kể tường tận chuyện vượt biên ngày ấy. Mọi người bị lộ khi qua biên giới Miên. Người dẫn đường bỏ rơi họ vì lính Miên rượt đuổi bắn giết. Cuối cùng Điền bị bọn chúng bắt được, lôi ra rừng để bắn. Trên đường đi gặp Lạc, cô gái Việt rành tiếng Capuchia. Và Lạc đã xin bọn lính tha cho anh. Cô là con của một cựu sĩ quan Cộng Sản Bắc Việt qua Miên chiến đấu rồi chê quê cũ không về, ở lại làm ăn sinh sống với người Miên. Lạc đưa anh về nhà, đặt thẳng vấn đề muốn kết hôn với anh để cùng nhau đi Mỹ định cư.

– Và anh đã nhận lời lấy Lạc để đền ơn. Điền nói, ánh mắt chứa chan niềm u uẩn. – Bằng lòng để người cha Cộng Sản nhưng thích Mỹ, của Lạc sắp xếp đưa qua Thái Lan. Anh làm nhiệm vụ một người trả ơn và trở thành kẻ phản bội em. Anh không còn mặt mũi liên lạc với em nữa. Sống trong trại tị nạn Thái Lan một thời gian dài, cuối cùng bọn anh cũng đến Mỹ. Vì trách nhiệm, nghĩa tình, ơn cứu mạng, anh cố gắng đi học, đi làm. Anh đã xây dựng mái gia đình với Lạc trên đất Mỹ rất đầy đủ. Nhà cửa, xe cộ, việc làm, và một đứa con…

– Nhưng tạo sao anh lại để mình ra nông nỗi? Loan cắt lời anh, giọng đầy nước mắt. – Thiếu gì người có hoàn cảnh còn tệ hơn anh, họ vẫn vượt qua được kia mà?

– Em nói đúng. Anh thật là người tồi tệ. Bác sĩ kêu anh làm hẹn để gắn bàn chân giả. Nhưng anh đã không cần. Để làm gì kia chứ? Mắt Điền bỗng rưng rưng: – Anh đã mất tất cả. Rồi tìm mãi cũng không gặp được em, cuộc sống của anh đâu còn ý nghĩa gì. Với số tiền tàn tật ít ỏi, anh bắt đầu uống rượu. La cà cùng bọn người homeless, ngày ngày ghé lại trung tâm chẩn bần kiếm cơm ăn, tối tối ngủ ngoài đường phố. Anh qua sống ở San Francisco vì sợ gặp lại em trong bộ dạng này nơi thành phố cũ. Và anh gặp được già Tom, ông rất tốt. Ông chia sẻ chăn mền, áo ấm, và… Điền dừng lại, nở một nụ cười méo mó: – Còn dắt anh đi kiếm những bữa ăn miễn phí. Anh đã nghĩ sẽ an phận ở thành phố này, một thành phố rất nhân hậu với người nghèo người vô gia cư, cho đến cuối đời.

– Anh không được nói thế! Loan lại khóc. – Em đau lòng lắm, anh có biết không? Từ nay em sẽ lo cho anh, chúng ta hãy bắt đầu lại. Chợt nhìn đồng hổ thấy đã khuya, Loan cầm tay Điền và nói: “Em phải về sáng mai còn đi làm, chiều mai em sẽ trở vô với anh. Nhớ uống thuốc và nghỉ ngơi thật nhiều nhé!”

Ngày hôm sau tan sở mới hơn năm giờ, Loan chạy ra tiệm ăn Việt Nam trên phố Tàu mua cho Điền tô phở tái. Gửi xe xong nàng hí hửng xách túi phở vô phòng bệnh, thầm nghĩ không biết đã bao lâu rồi Điền mới được ăn tô phở ngút khói thế này. Chắc Điền thích thú lắm đây.

Thấy mấy người y tá trực đang bận, và vì vội sợ tô phở nguội, Loan lén đi thẳng đến chỗ phòng Điền chứ không qua ghi danh thăm viếng.

Đẩy cửa vô, vẹt chiếc màn ngăn giữa giường Điền và người bệnh nhân kề bên, Loan thấy chiếc giường trống không. Tấm ra màu xanh mới được trải thẳng tắp, chứng tỏ chưa có người nằm. Hoảng hốt, Loan chạy lại chỗ y tá trực, hỏi ra mới biết Điền đã xin xuất viện và đi từ buổi trưa sau khi bác sĩ vào khám lại. Cô ý tá đưa cho Loan mảnh giấy Điền gửi cho nàng.

“Loan thương yêu,

Anh là một người thật tồi tệ. Cám ơn em đã không giận, mà còn chăm sóc anh tận tình trong mấy ngày qua. Vì cảm thấy mình có tội và không xứng đáng với tình yêu của em, anh không thể đối diện với em trong hoàn cảnh này để mang gánh nặng tới cho em. Vì em, anh thề sẽ làm lại cuộc đời. Anh sẽ làm hẹn gặp bác sĩ để lắp bàn chân giả, sẽ cai rượu, và đi học một khóa nâng cao tay nghề rồi kiếm việc làm. Cám ơn mấy bộ đồ em mua cho anh. Khi nào mọi thứ ổn định, anh sẽ tìm gặp lại em.

Yêu em mãi mãi.

Điền”.

Đọc xong Loan mỉm cười, nhưng nước mắt đoanh tròng. Ừ, anh đã làm đúng. Em sẽ chờ anh. Điền ơi!

Xếp mảnh giấy bỏ vào túi xách, Loan bước ra lái xe về nhà. Những con đường, góc phố, cửa hiệu quen thuộc trong thành phố San Francisco, hàng ngày chạy ngang qua nàng thấy rất bình thường, sao hôm nay bỗng dưng trông mọi thứ mọi nơi đều rực rỡ, lấp lánh niềm vui.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
05/09/201703:27:32
Khách
Bài viết văn và mẫu chuyện hay quá, phải ngậm nhấm từng khúc.
11/08/201719:12:06
Khách
Chúc tác giả Phương Hoa sức khỏe luôn dồi dào để tiếp tục viết mạnh đặng độc giả Việt Báo có dịp đọc thêm các bài viết mới.
08/08/201723:55:44
Khách
Chào bạn đọc Tran Van,
Cám ơn bạn đã đọc bài và nêu lên những nhận xét.
Chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn và hạnh phúc
Thân mên,
Phương hoa
08/08/201702:05:50
Khách
Sự ngẫu nhiên tình cờ gặp nhau xảy ra đến hai lần khiến tôi thắc mắc câu chuyện viết hay và cảm động này là hoàn toàn có thật từ đầu đến cuối hay có phần thêm mắm thêm muối của tác giả . Về phần cô Loan, thì nhiều phần chắc sẽ tiếp tục ở căn nhà hiện tại trong một thời gian dài- cho dù khu vực quanh đó có mất an ninh đến mấy đi chăng nữa- đến khi nào người yêu ổn định được cuộc sống quay về tìm cô.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến