Hôm nay,  

Mười Lăm Năm Ở Mỹ

30/07/201700:00:00(Xem: 13180)

Tác giả: Minh Nguyệt Graves
Bài số 5179-19-31023-vb8073017

Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả từ nay chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết với bút hiệu mới.

* * *

Tui là người Huế, sinh ra và lớn lên ở Huế mãi đến năm 39 tuổi mới qua Mỹ sống. Ai cũng quở sao tui nói tiếng Huế nặng quá, khó nghe.

Còn chuyện ăn uống thì thôi khỏi bàn, rặt một mùi Huế!

Lúc mới qua Mỹ, đi học làm Nails, lớp tui có khoảng 20 người, toàn là người Việt. Ngoại trừ tui ra thì còn có chị Lan người Quảng Trị, còn lại một nửa nói tiếng Nam, nửa kia nói tiếng Bắc.

Sau gần 4 tháng học chung với nhau, ngày 8 tiếng, chúng tôi thân nhau hơn.

Ngày lễ Giáng Sinh, lớp tổ chức Potluck, mỗi người đem một món ăn tới chung vui, và bốc thăm quà trúng thưởng.

Cô Hoa một phụ nữ miền Nam, qua Mỹ từ 1980, còn độc thân, sau khi học làm Nails, thì người ta thuê cô ở lại làm trợ giáo, mới nói với tui vầy:

“Cô Minh nè, nói thiệt cô đừng giận, chớ mà học nghe tiếng Mỹ còn dễ hơn học nghe tiếng Huế của cô nữa đó! Từ hồi cô vào lớp, mỗi lần nghe cô và chị Lan nói chuyện, tôi chẳng hiểu gì hết, nhưng lại thích lắng nghe vì như tiếng ai hát vậy đó!”

Một hôm, tui đi Houston thăm người bạn cũ, thì cũng tình cờ gặp lại người quen hồi xưa ở Huế, xí xọn một hồi, cô ấy bảo,

“Sao giọng chị Minh nặng vậy?”

Tui cười:

“Huế mà!”

- “Thì tui cũng Huế, mà sao giọng không nặng như giọng của chị, nghe quê lắm!”

Cô ấy chê tui rất "chân tình!"

Tui:

“Chắc vì Huế lai thêm Quảng Trị đó.”

Một lát sau, cô ấy rủ tới tiệm chơi, đúng lúc có người khách phàn nàn vì cô thợ làm lông mày xấu quá, vậy là cô ấy phải ra giải thích:

“Bì cợt, giò ai bờ rao, đù nọt gờ râu giờ xêm gây, nót hơ phôn, ai kan nót hép zù.” (Because your eyebrows do not grow the same way, not her fault, I cannot help you!)

Trời ơi, nghe cổ chê mình nói giọng Huế nặng, tưởng đâu giọng cổ hay, ai dè nghe mà nổi da gà, vận động cả hai tai, hai mắt, thêm hai tay nữa mới nghe ra được câu tiếng Anh đơn giản rứa đó chơ!

Tui đem chuyện kể cho ông dôn nghe, rồi hỏi:

“Rứa ông có hiểu tui nói không?”

“Hiểu, tui hiểu bà!” Ông dôn trả lời và nháy mắt cười. Ông ta là người Mỹ. Ở đâu ra ông dôn người Mỹ này, chuyện sẽ kể sau. Nhưng vậy là tốt rồi; phải không? Người ngoại quốc mà còn hiểu được tiếng Huế của tui, thì ai là người Việt mà nói không nghe ra tiếng Huế; thì đâu phải lỗi tại tui nà?

Ôi! Chuyện "Người nước Huệ" của tui thì nói cả ngày cũng không hết mô nợ!

Làm nghề này tui có nhiều chuyện kể cho mọi người nghe mà thương cảm.

Leslie và Giáng Sinh

Bước chân tới đất Mỹ được một tháng thì tui đi học Nails. Sau gần 4 tháng "dùi mài kinh sử," tui đi thi. Tâm lý cũng căng thẳng không khác chi hồi nhỏ đi thi lên lớp 6 rứa.

Nhờ Trời Phật thương giúp nên tui đậu, mừng quá. Cầm tấm bằng trong tay, tui bắt đầu đi làm kiếm tiền, do mới vào nghề, nên tui chủ yếu làm tay chân nước cho khách thôi, không được làm móng bột.

Nhưng rồi, có một ngày Trời xui đất khiến, đưa đẩy Leslie tới tiệm; bà chủ tui đang bận khách, mấy chị thợ kia cũng bận khách luôn.

Không muốn khách bỏ đi, nên bà chủ cho tui làm….đại.

Đó là lần đầu tiên tui làm nails cho Leslie.

Bà ít nói. Bà ngồi coi tui làm, nhưng không soi mói để khiến tui khó chịu, cũng không khắt khe bắt bẻ "vạch lá tìm sâu" để làm tui căng thẳng. Vì là lần đầu tiên làm bột cho khách, nên tui hơi run, tui "cắm đầu cắm cổ" làm cho xong, tính tiền, tui không dám ngẩng mặt lên nhìn, vì sợ lỡ bà hỏi cái chi thì chẳng biết sao để trả lời.

Hú hồn hú vía, bà không phàn nàn chi, còn cho thêm tiền tips nữa.

Ba tuần sau, chuông điện thoại reo, bà chủ trả lời, rồi quay sang tôi với nụ cười châm chọc:

"Minnie à, có khách yêu cầu cô đó nghe, hẹn ngày mai lúc 5 giờ chiều."

Ô la la…tui có khách yêu cầu? không biết bà khách đó có …bị chạm cái dây "thần kinh" mô, mà bao nhiêu thợ giỏi, tay nghề cả chục năm trong tiệm lại không yêu cầu? Tui cố nhớ nhưng không tài nào hình dung được người đó là ai.

Người khách yêu cầu là Leslie. Sau đó đều đặn 3 tuần bà tới một lần; đến giờ gần 13 năm; chưa một lần tui nghe bà phàn nàn, hay chê trách. Như lỡ có hẹn với bà, nhưng bị chậm, bà chỉ yên lặng ngồi chờ, hay khi khách quá bận, phải làm gấp, không nói chuyện nhiều, (vì bây giờ tui "giỏi" English rồi, thì có khi tui nói còn nhiều hơn bà nữa đó) bà còn hỏi:

"Nếu cô bận thì ta có thể trở lại ngày khác?"

Tui thay đổi chỗ làm vài ba lần, bà cũng theo tui.

Giáng sinh năm nào bà Leslie cũng cho tui quà. Năm thì cho cái ví cầm tay, năm thì cho chai nước hoa, đôi bông tai, sợi dây chuyền... Có lần tui nói với bà:

"Tui không hề tặng bà cái chi cả, tui áy náy lắm," thì bà bảo:

"Đừng bận tâm."

Giáng sinh năm ngoái, tui quyết định mua tặng bà một món quà. Đi làm một tuần 6 ngày, được ngày Chủ nhật nghỉ thì phải đi chợ nấu ăn; dọn dẹp nhà cửa, nên tui không có thì giờ đi mua sắm. Nghĩ lui nghĩ tới, cuối cùng tui vô Ebay để tìm mua quà cho Leslie.

Sau một ngày tìm tòi, tui chọn cho bà cái ví cầm tay. Một tuần sau, tui nhận được cái ví. Nó màu đen, có đính cườm, không có dây đeo.

Gói ghém cẩn thận, tui dán thêm cái nơ màu tím (Vì bà thích màu tím.) Tui đem hộp quà tới tiệm, cả tuần trước Giáng Sinh, lỡ khi nào bà tới thì trao. Tui cũng viết cái thiệp mừng; dĩ nhiên là tui viết English, (Tui ước chi bà đọc được tiếng Việt thì dễ cho tui biết chừng nào!) Vốn liếng tiếng Mỹ của tui, để nói chuyện vui hằng ngày thì "đủ xài", nhưng viết một lá thư thì… "phải coi lại". Thiệt tình, tui có thể nhờ ông chồng viết cái thư nhưng tui nghĩ không cần thiết. Tui muốn nó giản dị, chân thành như tấm lòng tui dành cho bà là được rồi.

Và tui đợi..

Thông thường thì bà đến từ 20 đến 22; nhưng hôm nay 23 cũng chưa thấy bà gọi lấy hẹn, chắc bà bận. Ngày mai 24 là Christmas Eve, tui chỉ làm việc nửa ngày thôi, còn phải về nhà lo cho bữa tiệc khuya để đón Giáng sinh.


Tui hầu như chắc chắn không bao giờ bà đến ngày 24. Kỳ cục thiệt, đúng cái năm mình muốn tặng quà cho bà thì bà lại không tới?

Hay là mình gọi cho bà? Gọi ở phone nhà. Không ai trả lời.

"Gọi ở cell phone thử coi," ông chồng tui góp ý.

Cũng không ai trả lời…

Rồi tui bận rộn với gia đình trong mấy ngày lễ, quà cáp, ăn uống, dọn dẹp.

Trở lại làm việc tui hy vọng sẽ nhận được lời nhắn chúc mừng của Leslie, nhưng không có. Không có tin tức chi của Leslie cả. Gói quà nằm lẻ loi thiệt tội nghiệp.

Tui rất lo lắng, không biết có chuyện chi xảy ra với bà không.

Mấy ngày sau người đưa thư muốn tui ký nhận một gói quà. Người gởi: Leslie, ở Florida.

Thấy chưa, tui nói không sai, chắc chắn tui sẽ nhận được quà Giáng sinh của Leslie mà.

Trong thư bà nói bà qua Florida vì mẹ của bà bệnh; và có thể bà phải ở lại đó một thời gian dài. Tui buồn vì …mất một người khách tốt, nhưng ít ra thì tui cũng có cái địa chỉ để gởi bà món quà. Và tui hình dung ra Leslie ở nơi xa xôi, đang mở thư của tui ra đọc.

"Bà Leslie kính mến,

Tui biết bà có nhiều ví đẹp, nhưng tui vẫn muốn tặng bà cái ví nhỏ ni, như một lời cám ơn vì những gì bà đã dành cho tui trong suốt mười mấy năm qua.

Bà là người đã dạy cho tui biết ý nghĩa của Giáng sinh: Là Caring- quan tâm, Giving- cho đi, Sharing- xẻ chia.

Có thể văn phạm, từ vựng của tui không hoàn hảo, nhưng tình cảm tui dành cho bà thì không có gì có thể so sánh được, và bà biết điều đó rõ hơn ai hết.

Merry Christmas bà nhé.

Love

Minnie,"

Từ đó đến nay, tui không gặp bà lại. Sau lễ Thanksgiving, tui đi mua cái thiệp và gởi cho bà Leslie theo cái địa chỉ năm ngoái, nhưng thư bị trả lại.

Giáng sinh lại về, như những đứa trẻ đợi chờ Santa claus, (ông già Noel), tui hồi hộp mong ngóng ông đưa thư …mỗi ngày.

*Những ngày mới vào nghề

Chân ướt chân ráo tới Mỹ, bao nhiêu tiền bạc mang theo từ Việt Nam phải trả cho chi phí ăn ở, từ Huế đi vô đi ra Sài gòn mấy lượt, tiền giấy tờ, tiền Visa; tiền vé máy bay của ba mẹ con.

Đặt chân tới Austin đúng 10 ngày tui đi thi lấy giấy phép lái xe. Bước đầu thi lý thuyết, bằng tiếng Anh, dùng Computer. Trời thương, tui đậu.

Cái bà người Mễ cười toe toét chúc mừng “Congratulations! You've passed!”

Vậy mà phải tới lần thứ 3 thi thực hành mới đậu, dù ở VN tôi đã lái xe Taxi nhiều năm.

Mất một tuần lễ nữa để người ta gởi bằng lái về. Đúng một tháng từ ngày tui tới Mỹ.

Bắt đầu đi học lấy bằng làm Nails. Chưa có xe, nhờ ai cũng khó.

Vốn liếng vỏn vẹn chỉ đủ trả tiền lớp học làm Nails 1800 đồng; do người dẫn đi ghi tên tìm trường vừa xa vừa “bad credit” nên không được nhà nước cho vay tiền học.

Mượn tiền mua lại chiếc xe cũ 3500 đồng, chưa đầy 2 tháng sau bị đòi “ngặt nghẽo” chỉ vì lý do có …Trời mới hiểu được!

Nước mắt rơi suốt 3 ngày, khiến mình tự hỏi:

“Có nên ở lại đây không? Nơi con người sống không chút tình cảm?” và rồi tự trả lời, “Phải ở lại thôi, vì đó là lý do duy nhất được gần cả 2 đứa con!”

Lại mượn tiền của 2 người sau để trả lại cho người trước.

Nhận cái bằng làm Nails được gởi về theo đường bưu điện buổi trưa thì buổi chiều “được yêu cầu” sáng hôm sau phải dọn ra khỏi nhà, cho chắc ăn không có lý do để “năn nỉ ỉ ôi”, họ tìm dùm cho chỗ ở mới luôn!

Lúc đó, chỉ còn 2 tháng là hai đứa nhỏ kết thúc năm học, nên cô giáo khuyên không nên đổi trường. Nhà thuê mới khác khu vực, nên ngày hai buổi phải lái xe đưa đón hai đứa nhỏ, chẳng có ai để nhờ, nên đành đi làm “bữa đực bữa cái,” mà ở cái xứ ni, ít làm thì ít tiền!

Nghĩ quẩn:

“Hay là mình dọn về Cali ở gần người quen, vì nếu có người đưa đón, chăm giữ 4 đứa trẻ rồi thì có thêm 2 đứa con của mình (bây giờ đã 11 và 9 tuổi) chắc cũng không có gì khó?”

Ngờ đâu, “năm vận tháng hạn”, không ai giúp. “Nhận được cái email trả lời mà vẫn không tin vào mắt mình nữa:

“Không thể giúp được!”

Vậy thì quyết tâm ở lại Texas, chẳng lẽ “Trời Phật không thương cho mình một đường sống?”

Rồi có một bà khách bị trễ hẹn, ngồi chờ; buồn buồn đồng ý để mình sơn nước chân, rồi tâm sự, rồi bả trở thành “Bà mai” bất đắc dĩ!

Gặp mặt tui chưa đầy 3 giờ đồng hồ, Ổng đòi cưới làm vợ.

Tui “Ừ" cho con mình có người để gọi bằng Cha, có người yêu thương; lo lắng, không thôi thiên hạ hay nói cay chua “Con không Cha như nhà không nóc!”

Tui “Ừ" cũng để mình có người Chồng mà nương nhờ lúc trái gió trở trời.

Tui “Ừ" để ba mẹ con có một mái nhà, một gia đình, và …ngước mặt nhìn đời.

Hỏi rằng lúc “Ừ" đó tui có “yêu” ổng không thì nói thật là “Không!" Nhưng ổng bảo:

“Không quan trọng, tui yêu bà là được rồi!"

Cái ni có người Mỹ gọi là “Tough Love!"

Lấy nhau được mấy năm, thì bán cái nhà ở dưới miền Nam của thành phố, để dọn lên miền Bắc, cho gần chỗ làm. Nói là bán nhà cho oai, chứ ông chồng người Mỹ, sau khi ly dị với bà vợ trước thì được lấy cái nhà, nhưng đã trả nợ ngân hàng thì được mấy sản mô!

Sau khi trừ các khoản nợ nần, còn chưa đủ mười phần trăm để đặt mua cái nhà mới. Thiếu 200 đồng! Hỏi mượn bà chủ, bà nói “Không có. Đi mượn người khác ở Georgetown!” Xa quá, thôi lấy đại tiền mặt ở thẻ, tiền lời mấy cũng ráng.

Ở ngôi nhà mới hơn 10 năm rồi đó.
Mua cái xe “chưa bóc tem” cũng được 10 năm.
Mua cái tiệm ni gần 10 năm.
Giàu có thì chưa, nhưng ổn định.

Mười lăm năm trôi qua, ba mẹ con giờ đã có một mái ấm gia đình. Vợ có được chồng, con có được Cha. Hai đứa con gái 8 và 10 tuổi giờ đã tốt nghiệp Đại học, ở riêng, không làm phiền cha mẹ nữa, coi như tui đã “thoả lòng mong ước!”

Ba năm nữa ông chồng sẽ nghỉ hưu, tui trẻ hơn ổng 9 tuổi, nhưng có ai cấm nghỉ hưu “trẻ” đâu! Chắc tui cũng nghỉ hưu với ổng cho có bạn!

Nhà trả xong xuôi.

Xe “ngon” mỗi người một chiếc.

Chỉ lo tiền điện nước; người ta khi “về hưu" chắc là cũng ăn uống ít lại?

Hai vợ chồng “một già; một sắp già” sống bằng tiền hưu cũng không đến nỗi nào.

Vậy đó, mười lăm năm rồi, bâng khuâng ngồi buồn nhớ lại chuyện đời mình.

Mười lăm năm sau, sẽ viết tiếp, nhưng chắc chắn sẽ không phải “Tough Love” mà phải là “Soft Love” vì lúc đó “Heart” không còn “Young” như bây giờ đâu...

Minh Nguyệt Graves

Ý kiến bạn đọc
30/07/201721:43:08
Khách
Tác giả viết với giọng văn nghe dễ thương chi lạ nên "Trời Đất, Phật Trời..." cũng nhủ lòng thương mà giúp cho cuộc đời better hơn như câu "Hết cơn bĩ cực, tới hồi thái lai". Cám ơn người viết. Mong bài viết sau.
30/07/201720:11:15
Khách
Mu noi tieng Anh giong Hue-Quang Tri, chong Mu co hieu rang?
30/07/201713:30:24
Khách
Hổng biết giọng Huế của tác giả khó nghe đến cỡ nào chớ đọc xong bài viết này, tui lại mong tác giả tiếp tục viết nữa . :)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,206,895
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến