Hôm nay,  

Chuyện Tầu Ít Người Kể

24/07/201700:00:00(Xem: 16609)

Tác giả: Nguyễn Diệu Anh Trinh
Bài số 5174-19-31018-vb8072317

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.

* * *

blank
Thẩm Quyến, đô thị chưa đầy 40 tuổi.

Có rất nhiều chuyện đã được kể về một đất nước to lớn mang tên Trung Hoa. Tôi biết người Việt mình đã thăm viếng xứ sở này khá nhiều, đa số là đi theo các tour du lịch. Đầu tháng 12 năm 2015, tôi có chuyến đi hơn mười ngày để tham dự lễ Thành Hôn đứa con gái duy nhất của tôi, được tổ chức tại đặc khu kinh tế Thẩm Quyến. Cả hai gia đình thông gia đều sống tại Mỹ, nhưng gia đình chú rể là người gốc Thẩm Quyến tỉnh Quảng Đông, nên nghi thức chính của đám cưới được tổ chức tại quê cũ.

Ngoài con gái, chàng rể, gia đình anh chị sui từ Hoa kỳ về còn có 4 cặp trai gái là bạn của con tôi cùng đi. Phía đàng gái ngoài tôi và hai đứa cháu từ Hoa Kỳ về còn có ba đứa cháu từ Việt Nam bay sang. Nói chung là hai họ cũng đề huề như nhau.

Anh chị sui với tôi là những người gốc Mãn Thanh, khuôn mặt có xương hàm rộng và sóng mũi thẳng. Người Mãn Thanh thống trị đất Trung Hoa nhiều đời. Khi thời thế đổi thay, tổ tiên ngày trước vẫn quyết định ở lại Trung Hoa lục địa nên bị trả thù không nương tay. Ông sui tôi mồ côi mẹ từ bé, chỉ nghe kể lại rất mơ hồ về người cha của ông là một tướng lĩnh đã bị chặt đầu dưới thời chủ tịch Mao.

Với một gốc gác như thế nên cho dù học giỏi ông vẫn không được ghi danh vào trường Y như mơ ước. Chế độ đưa ông đi học ngành nông nghiệp. Một người chị cùng cha khác mẹ lấy chồng là đảng viên đã chạy cho ông một suất du học Hoa Kỳ. Ông cố gắng học thật xuất sắc, tốt nghiệp tiến sỹ và chọn một việc làm là giảng sư tại trường đại học Utah, tiểu bang xa xôi để có cơ hội nhận tấm thẻ thường trú; đó cũng là cách duy nhất để ông từng bước đưa vợ con sang Hoa kỳ. Nhưng chính sách di trú của Trung Hoa hà khắc hơn ông tưởng, nhiều năm sau người vợ mới được ra đi theo diện đoàn tụ. Hai cậu con trai của ông bà phải ở lại dưới sự đùm bọc của gia đình bên ngoại.

Đến Hoa Kỳ, bà sui tôi sau đó cũng vừa đi học, vừa đi làm chui bằng cách rửa chén ở các tiệm ăn, mãi bốn năm sau cả nhà mới sum họp. Năm đó cậu con trai lớn là rể tôi bây giờ được mười lăm tuổi. Mười lăm tuổi mà tính ra chỉ ở chung với cha mẹ có vài năm. Tuy nhiên cả hai người con của ông bà đều rất ngoan và thành đạt. Vậy mà có lần bà rơi nước mắt khi nói với tôi: Nếu cho kim đồng hồ quay ngược lại thời gian, bà sẽ không bỏ con mà ra đi xa và lâu như thế! Tôi nghe ông bà kể về hoàn cảnh gia đình ông bà mà tưởng như cuốn phim ký ức của gia đình tôi được quay lại. Từ những điểm tương đồng như thế nên hai gia đình thông gia với nhau khá gần gũi.

Chúng tôi lên đường trước ngày cưới cả tuần lễ để có thì giờ thong thả ghé Mao Cao, Hồng Kông trước khi vào Quảng Đông. Nói về những địa điểm thăm viếng, tôi thích các di tích lịch sử của khu tự trị Ma Cao, nơi có nền văn hoá Á Âu hoà hợp. Ma Cao nổi tiếng với các sòng bạc lộng lẩy thâu đêm suốt sáng, nhưng khác với Las Vegas của Hoa Kỳ; sòng bài nơi đây không cho phép chụp ảnh, còn các nhân viên chia bài thì trông rất giống Mafia vì ai nấy đều có ánh mắt lạnh lùng, ít thiện cảm.

Chúng tôi leo lên rất nhiều bậc thang bằng đá, cảnh vật cổ xưa huyền bí, các tên đường đều bằng tiếng Bồ đào nha vì Macao là thuộc địa của Bồ từ thế kỷ 16. Chúng tôi lên đỉnh cao nhất, đến thăm Nhà thờ Lớn Thánh Phaolô. Nhà thờ này được xây năm 1602 và bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 1835. Chỉ có mặt bằng đá ở phía nam là còn lại đến nay.

Đường phố Mao Cao quanh co, rất nhiều con dốc cao ngược, cây cối, hoa lá rất đẹp. Có những tiệm bánh nổi tiếng với bánh in hạnh nhân được làm hoàn toàn bằng thủ công, thêm phần biểu diển của người thợ làm bánh thu hút khách hàng. Rải rác trong quán có rất nhiều dĩa bánh cho khách ăn thử. Ma cao là nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Ngay trong tiệm bánh mà người ta chen lấn như trong rạp chiếu phim, ngoài đường phố thì khỏi nói, tôi cầm cái iPhone mà không dám đưa lên chụp một tấm hình vì người đi lại như đô hội, phức tạp; cảm giác không được an ninh cho lắm.

Ma cao là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Hoa ngày nay, có hệ thống tiền tệ riêng, nhưng du khách có thể dùng đồng Yuan bên lục địa để mua sắm nhưng khi trả lại thì sẽ nhận tiền Ma cao.

Sau Ma Cao là Hongkong, thiên đường mua sắm với rất nhiều nhà cao tầng. Chúng tôi không mua được gì vì mọi thứ đều mắc gấp đôi bên Hoa Kỳ. Chúng tôi ra bải biển chụp ảnh, leo lên vùng núi nơi có nhà của các nhân vật giàu có, đặc biệt đi thăm Nhà bảo tàng hình ảnh, chụp ảnh với các tượng người nổi tiếng.

Đêm xuống, chúng tôi mua vé tàu đi một vòng quanh vịnh, ngắm Hongkong về đêm lung linh ánh đèn huyền ảo. Xa xa các toà nhà cao tầng chót vót, gió biển thổi lành lạnh, bầu trời đầy mây, không thấy trăng sao... bỗng dưng tôi hình dung đến những con tàu vượt biển tìm tự do năm xưa. Hongkong thuở đó là cái tên của một thiên đường, là một trong những trạm dừng chân mang lại con đường sống cho biết bao nhiêu người Việt Nam khốn khổ sau năm 1975.

Tuy Hongkong đã được trả về cho Trung Hoa đã hai thập niên nhưng bộ máy hành chánh vẫn riêng biệt, mỗi khi qua lại với lục địa vẫn phải thông qua thủ tục nhập cảnh, hải quan...

Sát biên giới Hồng Kông là tỉnh Quảng Đông, chỉ cách một dòng sông mang tên là Thẩm Quyến Hà, có nghĩa là con sông nước sâu. Thẩm Quyến, Shenzhen, cũng là tên vùng đặc khu kinh tế nổi tiếng nhưng thường bị phiên âm sai là Thẩm Quyến.

Trước khi trở thành đặc khu kinh tế, Thẩm Quyến chỉ là một làng chài. Năm 1979, lãnh đạo tối cao của nước Trung Hoa là Đặng Tiểu Bình đã cho thành lập đặc khu kinh tế tại Thẩm Quyến. Đây là đặc khu đầu tiên của Trung Hoa do lợi thế nằm giáp Hongkong, lúc đó còn là một thuộc địa của Vương quốc Anh. Việc thành lập đặc khu này được coi như là thử nghiệm mô hình cải cách kinh tế Trung hoa. Địa điểm này được chọn vì cả dân Thẩm Quyến và dân Hồng Kông cùng có chung ngôn ngữ, tiếng Quảng đông. Tuy nhiên giá nhân công, đất đai rẻ hơn nhiều. Ý tưởng này đã thành công rực rỡ, tạo tiền đề cho Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách mở cửa về kinh tế. Hiện nay Thâm quyến là thành phố sầm uất nhất đồng bằng châu thổ Châu Giang là trung tâm kinh tế của Trung Quốc và là phân xưởng sản xuất của cả thế giới.

Sau mấy ngày rong ruổi Ma cao, Hongkong, chúng tôi tới Thẩm Quyến. Tại đây, sáng nào cả nhóm cũng rủ nhau lội bộ ăn hàng dọc đường. Đáng nhớ nhất là bánh bao các loại, món ăn chính cổ truyền của người Hoa. Thôi thì đủ các loại nhân: thịt xá xíu, thịt heo bằm, nhân nấm, nhân khoai tím, nhân trứng, thịt gà, nhân rau củ, hẹ... mọi thứ đều ngon tuyệt. Cả nhóm cũng thích món bánh ướt nóng hổi, sữa đậu nành, cháo với củ cải mặn, trứng gà nấu bằng nước trà...

Nói về các món nhậu buổi tối thì đa dạng vô cùng, chúng tôi ở ngay một con phố ăn chơi. Ban đêm hàng hàng lớp lớp quán ăn bày ra: lẩu gà nấu với thảo mộc, lẩu đồ biển, hàu nướng hành mỡ, tôm mực lăn ớt chua cay, tàu hủ thúi, các loại há cảo, mì xào,...và hằng hà sa số các món ăn hấp dẩn khác. Quán hè phố nên giá cả rất phải chăng. Ở đây cũng như Việt Nam và vài vùng Á châu khác, không có lệ biếu tiền cho hầu bàn. Khắp nơi người mua kẻ bán tấp nập huyên náo cả một con đường. Gần đó cũng có hai khu shopping nổi tiếng là: Window of the world và Holiday plaza, ngoài ra nhan nhản khắp nơi là các cửa hàng McDonald, KFC, Pizza,... nhưng tất cả đều có menu rất khác lạ phục vụ nhu cầu dân bản xứ; ví dụ cửa hàng KFC thì có món cháo gà, McDonald thì có sữa đậu nành...giá cả khá rẻ, không chênh lệch mấy so với các quán ăn bình dân. Nhìn chung, những tiệm ăn kiểu này khá sạch sẽ, rộng rải và lúc nào cũng đông khách.

Đường phố đô thị Thẩm Quyến có rất nhiều cây xanh, làn đường giữa chỉ toàn xe hơi, hai bên có thêm hai lối đi dành cho khách bộ hành và các loại xe hai bánh. Chúng tôi cũng hay len lỏi đi bộ vào các khu phố bình dân để ăn quà vặt, gần đó có rất nhiều chợ, hàng tạp hoá y hệt Việt Nam. Có thể nới đây là bộ mặt trái của xã hội Trung quốc, nhà cửa lộn xộn, rác rưới khắp nơi và đêm xuống thì các cống rảnh được mở nắp ra để thông nước. Nếu bạn đi qua khu này, ngay khi các ống cống mở ra trước một bửa ăn thì chắc chắn bạn không thể nào nuốt được một thứ gì sau đó!

Thời tiết ở Thẩm Quyến lúc này vẫn nóng và ẩm, tôi rời Atlanta với áo lạnh, giày ống, khăn choàng cổ... đến đây lục vali không có bộ đồ nào cho mùa nóng. Trong khi đám con cháu thì quần đùi áo cánh, một bà già gần sáu mươi như tôi phải lôi áo đầm ra mặc cho mát! Phương tiện đi lại chính của người dân thành phố là tàu điện ngầm, lúc nào ở các trạm cũng tấp nập. Hình ảnh tôi thường thấy mỗi ngày là thanh niên nam nử dán mắt vào các iPhone trên tàu điện, ngoài đường phố. Tôi thấy ai cũng dùng Apple, những tưởng đời sống ở đây cao quá, đến khi cô cháu tôi từ Việt Nam sang thì mới nghe nói toàn bộ là "Táo giả". Họ dùng điện thoại Trung quốc nhưng dán trái táo giả, y như thiệt!

Trong khi con gái và rể bận bịu lo chuyện đám cưới, nhóm chúng tôi gồm bạn bè và các cháu từ Hoa kỳ về, từ Việt Nam sang rủ nhau đi vòng khu du lịch Trung hoa thu nhỏ (The little of China) không xa mấy nơi chúng tôi đang ở. Người Hoa có chữ viết riêng, kể cả các con số, đừng nói gì đến Anh ngữ. Nhóm chúng tôi không biết một chữ Hoa nào ngoài vài ba chữ học lóm trong phim Hong kong: Ngộ ái nị, hảo xực…bằng cách nào để gọi taxi mà đi đây?. Đành phải nhờ rể tôi viết tên của nơi muốn đến bằng tiếng Hoa, chúng tôi đưa cho tài xế taxi, may quá là một cô gái. Cô ta xí lô xí là ra dấu; chúng tôi hiểu là cần phải 2 taxi mới chở được. Tuy nhiên cả nhóm giả khờ, leo hết lên chiếc xe, cháu trai tôi đưa tờ Yen ra hiệu, taxi vù! Chỉ chưa tới 10' là đến nơi, cả nhóm nhìn nhau cười, kim đồng hồ taxi chỉ con số 12 yen, tính ra là 2 đô la US. Cháu tôi đưa cô tài xế tờ bạc 20 yen, cả bọn xuống xe, vẩy tay không lấy tiền thừa. Cô tài xế tròn mắt nhìn, hai bàn tay chắp lại, miệng cười tía lia. Hình như chuyện này chưa hề xảy ra trong đời cô, đó là niềm vui đầu tiên trong ngày của chúng tôi.

Khu du lịch này rất lớn, là mô hình một nước Trung Hoa thu gọn, với đầy đủ các cung điện theo từng triều đại. Có Vạn lý trường thành, niềm kiêu hãnh của người Hoa, bên kia là các bộ tộc Mông cổ với ngôi làng có ngựa, có thảo nguyên, có những người dân ăn mặc kiểu xưa khiến tôi hình dung ra cô gái miền thảo nguyên mang tên Triệu Minh trong bộ truyện Cô Gái Đồ Long của Kim Dung.

Có thể nói đây là một nơi đáng đến khi bạn viếng Thẩm quyến. Mỗi khu vực có cấu trúc khác nhau, vùng nào trồng cây cối theo địa phương đó, có những ngôi chùa nổi tiếng, những dòng sông, những di tích lịch sử Trung hoa. Chúng tôi mua vé đi thuyền trên dòng sông tiêu biểu của Trung Hoa mang tên Trường giang. Hai bên bờ là mô hình các làng mạc, chợ quán y như thật, có chùa, có trường học, các bãi bắp...trên sông lác đác có những chiếc thuyền hoa rước dâu đầy màu sắc, có cô dâu chú rể thật đứng trên thuyền, có các món lể vật cưới xin thật theo từng phong tục địa phương. Tiếng trống kèn rộn rả cả một đoạn sông. Được biết đây là màn trình diễn về nét văn hoá cưới xin của Trung hoa qua những triều đại, những địa phương khác nhau.

Sau khi dạo chơi trên sông chúng tôi tiếp tục lên bờ ngao du hết một vòng quanh đất nước Trung hoa rất sống động chỉ trong một ngày. Cỏ cây hoa lá, núi, sông, đền đài, cung điện, Tử giám thành, pháp trường, Thái sơn, núi Võ Đang, các hang động, các thác nước, quảng trường Thiên an môn, lăng tẩm các vị vua, có cả niềm kiêu hảnh của người Trung hoa là dảy Vạn lý trường thành hùng vĩ, xa xa bên kia là làng mạc Mông Cổ có trâu bò, ngựa và những thổ dân trang phục lối Mông Cổ rất sống động...

Chúng tôi đã chụp rất nhiều ảnh ở đây, buồn cười nhất là khi đói bụng vào các quán ăn được dựng ven đường giống như trong phim Tàu; bàn ghế gổ thô sơ, người bán hàng giống hệt các "tiểu nhị" trong các phim cổ trang xa xưa. Chúng tôi ra dấu không biết tiếng Hoa, họ lại ra dấu không biết tiếng Anh. Thế là cuối cùng họ đưa chúng tôi vào bếp, thích ăn món gì thì chỉ vào các loại rau, quả, thịt …có sẵn trong bếp, đầu bếp sẽ xào mì hay hủ tiếu với các thứ mình chọn.

Tiếp theo là ba ngày đi ăn ở những nhà hàng sang trọng theo chọn lựa của họ hàng nhà trai, chúng tôi thích nhất là ăn điểm sấm ở một nhà hàng mà bước vào rất ngạc nhiên là máy lạnh mở tối đa, tôi thấy vài thực khách choàng khăn len dù bên ngoài khá nóng. Ủa mà sao những chiếc khăn hơi giống nhau. Chúng tôi với quần short áo ngắn, ngồi chút xíu cũng cảm thấy lạnh. Một lát sau, người hầu bàn đem ra một chồng khăn len, phát cho mỗi người một cái. Cả đám chúng tôi trùm khăn và nhìn nhau cười thú vị. Thức ăn rất ngon, hầu hết là hải sản vì Thẩm Quyến là một hải cảng nổi tiếng với nhiều món ăn bổ dưỡng từ biển cả.

*

Theo sự sắp xếp của nhà trai, chúng tôi sẽ tham dự ba buổi tiệc cưới.

Nói về Lễ cưới thì khá giống tục lệ của người Việt Nam nhưng tôi rất ngạc nhiên là mọi thứ diễn ra rất vui vẻ, không gò bó, không nguyên tắc khô khan. Buổi tiệc đầu tiên với họ hàng bên nội chú rể tại quê hương ông sui tôi, quận Phúc Điền, nơi gia đình ông đã chứng kiến người cha ruột của mình bị bắt quỳ gối trước dân làng và bị chặt đầu sau đó, đây cũng là lý do khiến ông rời quê nhà tìm con đường sáng sủa hơn cho tương lai các con ông. Dịp này ông đem con trai, con dâu về ra mắt bà con, tôi có thể nhìn thấy nụ cười tỏa sáng của ông bà, nét hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt thật điềm đạm của ông.

Lúc 2 giờ chiều, xe đón chúng tôi trên đường về nơi tổ chức, vì còn hơi sớm nên một người anh họ chú rể đã đưa mọi người đi thăm vài khu phố gần đó, rất tấp nập, hàng hoá khá rẻ; theo lời anh này thì đây là trung tâm của các xí nghiệp sản xuất nên hàng hoá rất rẻ và chất lượng cao. Chúng tôi cũng mua sắm được khá nhiều trước khi trở về nhà hàng dự cơm tối.

Buổi tiệc hôm đó trịnh trọng hơn tôi nghĩ, nhưng lại rất vui. Đến mục dâu rể mời trà hai họ thì tôi được mời ngồi ở chiếc ghế "quan trọng" để uống trà. Phong tục là sau khi nhận ly trà uống cạn thì tôi phải tặng cho con và rể một phong bì lì xì. Tôi không biết để chuẩn bị trước nên rất bối rối, may đâu cô bạn gái của con tôi là người phụ dâu đã lanh lẹ chùi cho tôi hai phong bì đỏ để "đóng phim". Rất may cũng trót lọt suông sẻ trong những tràng vỗ tay của phe mình.

Tiếp theo là phần tặng quà cho cô dâu chú rể, mỗi khi có vị cao niên nào phát biểu bằng tiếng Hoa thì chú rể phải dịch lại bằng tiếng Anh cho chúng tôi hiểu. Cũng như thế, khi tôi có đôi lời cám ơn sự tiếp đãi nồng hậu của họ thì rể tôi xí lô lại bằng tiếng Hoa. Buổi tiệc và gặp gỡ bên nội của họ nhà trai giống như một đám cưới nhỏ, không thiếu một nghi thức nào. Chúng tôi được xe đưa về Thẩm Quyến lúc mười giờ đêm, no nê nên mệt nhoài.

Ngày hôm sau, bữa tiệc thứ hai tổ chức ở vườn hoa bên cạnh bờ hồ của khách sạn Inter Continental Shenzhen (Thẩm Quyến) vào lúc 4 giờ chiều với sự tham dự của bạn bè cô dâu chú rể từ Hoa Kỳ về, họ hàng đôi bên. Tất cả nghi lễ tổ chức thật lãng mạn và nhẹ nhàng theo kiểu phương Tây. Buổi chiều đó, giữa hai hàng ghế, hoa, bong bóng và những tràng pháo tay, người đưa cô dâu ra là cậu em họ cùng về từ Hoa Kỳ vì ông xã tôi chân sưng, bịnh gout nên rất tiếc đã không cùng đi Trung Hoa trong ngày vui của con gái.

Chiều xuống thật đẹp, trong khung cảnh êm đềm có nắng vàng, gió nhẹ mơn man trên những khóm hoa, lung linh mặt hồ lay động; có đàn thiên nga nhởn nhơ như chung vui niềm hạnh phúc; tôi thật sự cảm thấy yên lòng khi đứa con gái chọn được bến đổ yên lành và long cầu mong cho niềm vui này được viên mãn, dài lâu. Rải rác quanh bờ hồ là các bàn tròn cao chưng hoa tươi. Ngay góc vườn là quày bia rượu, thức ăn. Các món ăn theo khẩu vị Âu Á được bày theo kiểu tự chọn, tự phục vụ. Một góc khác của bờ hồ có bàn đặt bánh cưới, trang hoàng những tấm ảnh ngày cầu hôn, ảnh ngày đôi bạn ra tòa ký hôn thú và những tấm ảnh ghi dấu kỷ niệm thời hò hẹn.

Sau khi nhấm lai rai các món ăn nhẹ với thức uống là mục cắt bánh, chụp ảnh kỷ niệm. Đúng 8 giờ tối, nhà trai đưa xe đến khách sạn đón mọi người dự bữa ăn tối do họ hàng bên ngoại chú rể chiêu đãi. Cũng những món ăn truyền thống cho tiệc cưới, bia rượu, giới thiệu ông bà cô bác... Tôi và anh sui lại tiếp tục đọc "diễn văn", lần này thì anh sui là người thông dịch.

Sau khi tôi nói đôi lời cám ơn ông bà ngoại, những người đã dạy dỗ đứa con rể của tôi qua những năm tháng không có ba mẹ bên cạnh. Ông ngoại chú rể trước kia là chủ biên một tờ báo, nay đã nghỉ hưu. Sau khi nghe ông sui tôi thông dịch, ông đã đứng lên xí lô xí là một tràng; được biết ông đã rất khiêm tốn nói rằng: Việc nuôi hai đứa cháu trai này là niềm vui và hạnh phúc của ông bà trong những ngày con gái và con rể bà đi xa, bởi vì đứa cháu trai này học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, ông bà rất hãnh diện, ông bà muốn nói lời cảm ơn về những niềm vui mà hai cháu đã đem đến cho ông bà trong tuổi xế chiều. Những lời nói của một cụ ông hơn tám mươi tuổi về đứa cháu ngoại của mình thật khiêm tốn và cảm động. Buổi tiệc đã tàn mà niềm vui và nụ cười còn đọng lại mãi trên môi mọi người.

Về đến condo nơi chúng tôi ngụ lại, việc đầu tiên là mở viber để gởi về USA vài tấm ảnh cho ông xã. Cũng nên tiết lộ rằng tất cả những trang mạng quốc tế thông dụng ở Hoa Kỳ và Việt Nam đều hoàn toàn "đông lạnh" ở Trung Hoa. Này nhé, không FB, không wifi, không google... Khi mướn chỗ ở, chúng tôi đã yêu cầu phải có wifi, thì đã có, nhưng...vừa bước ra khỏi phòng là hoàn toàn biến mất! Còn trang FB thì bị khoá đen thui. Mấy đứa cháu và tôi cầm theo iPhone là vô dụng, chỉ để chụp ảnh mà thôi. Chỉ riêng ở tiền sảnh của Intercontinental Hotel là có thể vào FB, vì hình như người ta cần phải dùng FB để quảng cáo cho Hotel. Do đó, có dịp ghé đến để liên lạc với con, rể là chúng tôi tranh thủ bỏ hình lên FB, hoặc trước khi muốn đi đâu, tìm kiếm địa chỉ thì cũng lên taxi qua hotel để search. Nói như thế, có nghĩa là chỉ đám du khách mới bị hạn chế vậy thôi. Người dân ở đây họ cũng có những trang web riêng trong nước họ, bằng chữ Hán! Đúng là một xứ sở vốn có máu đại bá. Ngay cả thủ tục đổi tiền cũng không thoải mái như bên Việt Nam. Muốn đổi từ đô la Mỹ sang đồng Yen của Trung Hoa để tiêu dùng cũng khó, vào nhà Bank bạn sẽ bị từ chối nếu không có giấy tờ chứng minh là dân bản xứ. Nếu bạn nhờ thì người đem tiền vào đổi phải khai báo nguồn gốc số tiền đó từ đâu. Vì vậy, con rể tôi phải đem đô la về nhờ vài người thân thuộc loại khá giả, những người muốn giữ đô la lại; họ chi ra đồng yen để chúng tôi dùng. Đã khó khăn vậy mà ba vùng tôi đi qua: Hong Kong, Macao, Thẩm Quyến là ba hệ thống tiền tệ khác nhau; ba thể thức di trú khác nhau, thật là rắc rối!

*

Ngày vui rồi cũng qua mau, chuyến trở về Hoa kỳ từ Thẩm Quyến chúng tôi mướn xe đi qua Hong Kong, dĩ nhiên phải làm thủ tục quá cảnh bên cửa khẩu Trung Hoa. Chúng tôi có thói quen nói lời cám ơn khi nhận lại giấy tờ từ nhân viên hành chánh, đáp lại luôn luôn là một cái hất đầu, ngụ ý: đi đi! hoặc một ánh mắt lạnh lùng, hờ hững. Nếu giấy tờ của mình có gì thắc mắc thì nhân viên Trung Hoa này sẽ xí lổ xí lả, lị lị ngọ ngọ một tràng dài. Hiểu chết liền!

Qua đến Hong Kong thì hoàn toàn khác, từ cách trang phục đến ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ... mọi thứ đều văn minh hơn, dễ thở hơn. Tôi nghĩ là do ảnh hưởng nhiều năm từ sự "áp đặt" của chế độ tư bản Vương quốc Anh. Các cháu tôi hớn hở thấy rõ, không còn chen lấn, không còn căng thẳng mà tuyệt vời nhất là mình nói có người hiểu. Thế mới biết, ngôn ngữ là một phần quan trọng chính yếu trong giao tế, sinh hoạt đời thường.

Mười bốn giờ đồng hồ trở về trên chuyến bay American Airline không dài, không mệt mỏi vì tất cả chúng tôi đều cảm thấy vui, xứng đáng cho một kỳ nghỉ dịp Lễ Tạ Ơn. Nhờ thấy tận mắt nước “Trung hoa vĩ đại”, các cháu tôi đều thấy được cụ thể sự may mắn của những con người được sanh ra, lớn lên ở xứ sở tự do mang tên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ!

Với tôi, ngoài niềm vui khi thấy con gái mình hạnh phúc còn là sự an lòng của một người mẹ đã một thời đơn độc, âu lo nuôi dạy con trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, bế tắc. Tôi cảm thấy mình thật may mắn. Cảm ơn Trời Phật và Ba Má tôi cùng tất cả người thân, bạn bè, đã hổ trợ cho mẹ con tôi từ vật chất đến tinh thần ngày con tôi chào đời, hơn 30 năm về trước cho đến ngày con trưởng thành. Cám ơn người bạn đời đã song hành cùng tôi đoạn cuối cuối cuộc đời, đã đúng lúc có mặt khi mẹ con tôi cần đến, cũng chính là người đã cho con gái tôi tiếng gọi: Ba ơi tận đáy lòng.

Cảm ơn đất nước, con người Hoa Kỳ đầy bao dung đã cho gia đình chúng tôi có cơ hội làm lại cuộc đời sau nhiều tháng ngày sống trong nghèo đói, cơ cực dưới chế độ cọng sản.

Từ những ngày đặt chân đến Hoa kỳ chỉ là một cô bé con mười tuổi, ngày nay con tôi đã là một người trưởng thành, một người vợ có thể gọi là đảm đang, sâu sắc, đầy tình cảm. Một phụ nữ có trái tim nhân hậu, biết chọn cho mình con đường không phải dẫn đến vàng son mà làm được những gì mình yêu thích, đồng thời đem lại sự hài lòng cho những người mình thương yêu; điều mà tôi gọi là Hạnh Phúc.

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Ý kiến bạn đọc
26/07/201717:30:35
Khách
Cám ơn một bài viết khá dài và chi tiết. Qua đó mới thấy nếp sống người dân bên Tàu cũng hà khắc, ít tự do về internet hơn ở trong nước VN mình. Chế độ CS Mao trạch Đông cũng ác ôn không thua, là đại ca của mấy ông bên VN.
Chúc tác giả luôn vui khỏe và có nhiều bài viết mới, cám ơn đã ghi lại chặng đường Tàu du ký.
26/07/201716:38:34
Khách
Người viết đã có cảm nhận khá khách quan. Qua bài viết thấy được mặt hạn chế và mặt khả quan của xã hội Tàu. Bạn bè tôi đi Tàu du lịch cũng nhiều nhưng ít kể về chuyện không có Wifi hay FB. Ai cũng nói về cảnh đẹp, người đông ...khác với người viết bài này có nhiều nhận xét tinh tế.
Gđ ông bà sui của tác giả cũng cùng hoàn cảnh bị lý lịch ảnh hưởng nên phải tìm cách ra đi. Bạn đọc không nên dùng những từ ngữ nặng nề phê bình người viết, dù sao người ta cũng bỏ công và suy nghĩ để ghi lại. Tôi đang ở VN, thỉnh thoảng mới vào được trang mạng này, có đôi lời góp ý nhỏ.
Cám ơn người viết và người đọc.
26/07/201712:11:26
Khách
Cảm ơn bài viết rất chi tiết và hữu ích của chị , tôi đã làm MC cho một vài đám cưới , tôi thấy đa số người Việt mình vẫn còn thích nhà hàng sang trọng Trung Hoa và món ăn có hải sản nhiều, thêm nữa họ còn chú trọng phong bì phải nhiều và nặng để giúp hai họ trang trải phần tiền ăn ở nhà hàng và con cái có chút của làm vốn , theo tôi nghĩ đây là cái "hủ tục" mình bắt chước từ người Tầu không khác gì mua bán lời lỗ trong đám cưới , thêm nữa đám cưới Việt và Trung Hoa đôi lúc ồn ào như cái chợ, tiếng đàn, tiếng trống của ban nhạc quá lớn v..v…không giống như đám cưới của người Mỹ vừa đơn giản vừa tránh được cảnh “ cưới trách” .
25/07/201723:40:23
Khách
Ra trường Tối Ưu tại Loyola University Chicago năm 12 tuổi, lấy bằng Tiến Sĩ về di truyền phân tử và sinh học tế bào năm 18 tuổi và tốt nghiệp Tiến Sĩ Y Khoa năm 21 tuổi từ Pritzker School of Medicine, thiên tài Sho Yano được tạo ra do tình yêu của người Bố là gốc Nhật và người Mẹ là gốc Đại Hàn.

Người đọc hy vọng đôi uyên ương này sẽ có được một thiên tài cũng ngang ngửa như Sho Yano vậy.

P.S: Đại Hàn vẫn còn căm thù Nhật Bản về vụ phụ nữ của họ bị bắt làm nữ hộ lý cho lính Nhật.
25/07/201715:35:55
Khách
mat nuoc vi con me nay.
25/07/201713:46:14
Khách
Đơn vị tiền tệ của Trung Hoa là Yuan hay RMB viết tắt của Renminbi; tiếng Việt gọi là nhân dân tệ.
Cám ơn bạn đọc Phan Anh đã giúp người viết có dịp tìm hiểu thêm về điều này .
25/07/201712:47:41
Khách
Đa tạ bạn đọc Phan Anh đã chỉnh sửa sai sót của người viết.
25/07/201712:37:47
Khách
Xin trả lời bạn đọc Tâm Trần: Cô dâu và chú rể đều lớn lên, đi học và ra trường có việc làm ổn định ở Mỹ nên hai cháu tự lo. Thủ tục kết hôn ở Mỹ từ 9 tháng trước đó, có một bửa dạ tiệc thân mật với nhà gái và bạn cô dâu ở Atlanta; có ba mẹ và em trai chú rể tham dự. Sau đó hai cháu về tiểu bang TX là nơi hai cháu có mua căn nhà chung để sống và làm việc. Tiệc cưới tổ chức ở Trung hoa thi mọi chi phí do hai cháu trả. Theo tôi thì giá cả cũng không đắt nếu so với ơn Mỹ.
Quà cưới hầu hết là phong bì lì xì từ họ hàng nhà trai, cha mẹ cô dâu đã tặng phong bì cho đôi bạn ở Atlanta rồi. Thật tình là gđ tôi và bên sui gia cũng rất cởi mở, miển sao cho đôi bạn trẻ vui và hạnh phúc là mình vui nên khi cha mẹ hai bên từ Mỹ về quê chú rể làm lễ thì họ hàng bên nhà trai đặt tiệc, chuẩn bị mọi thứ, dâu rể chỉ trả tiền và ... cám ơn họ hàng vì nhiều khi cái công to lớn hơn của cải.

Cám ơn đã đọc bài viết.
25/07/201700:06:07
Khách
Mẹ cái bọn cuong meo nó coi khinh nhu con chó ấy còn tự hào cái deo gi
24/07/201723:13:20
Khách
Tac gia viet khong dung : tien Tau la Yuan (dong Nguyen), chu khong phai Yen (tien Nhat).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007 và đã nhận giải thưởng đặc biệt. Trước 75, cô là một viên chức trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, vượt biển năm 1989 và định cư tại San Francisco.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả tên thật là Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm trước, khi ông còn ở Việt Nam. Ông đã định cư tại Mỹ, nhưng thỉnh thoảng cũng về Việt Nam đi xây nhà cho người nghèo quê cũ.
Tác giả là cư dân Greenville, South Carolina, có ba cuốn sách Việt ngữ và Anh ngữ đã xuất bản. Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, Sao Nam Trần Ngọc Bình đã nhận Giải Đặc Biệt. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Các ông già Noel đang xuất hành khắp nơi. Đã tới lúc nghĩ trước tới món bánh giống cây củi mùa đông.
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2015.
Nhạc sĩ Cung Tiến