Hôm nay,  

Không Hẹn Mà Gặp Mới Vui

14/06/201700:00:00(Xem: 13463)

Tác giả: Vĩnh Chánh
Bài số 5142-18-30822-vb4061417

Tác giả đa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù cấp tiểu đoàn và gắn bó với đơn vị chiến đấu cho tới giờ phút cuối tại vành đai Sàigon ngày 30 tháng Tư. Ông hiện là cư dân Mission Viejo, hội viên hội Ái hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại.

* * *

blank
Người viết thăm gia đình Cường Denver.

Đêm đầu tiên tới Denver, tôi thao thức với nhiều kỷ niệm thời chinh chiến sau khi chuyện trò thật khuya với những người bạn từng chiến đấu với nhau trong binh chủng Nhảy Dù. Vậy mà sáng hôm sau, tôi vẫn dậy sớm. Nhìn ra bên ngoài cửa sổ là một ngọn đồi nhỏ sau lưng nhà với hàng cây vừa đâm chồi lá xanh, bên cạnh là những cây mới trổ hoa dưới ánh sáng mát nhẹ của đầu mùa Xuân. Tuyết đã thôi rơi một tuần trước khi chúng tôi bay đến Denver.

Ngồi trên giường, mở Ipad tôi đọc bài “Thằng Thi” trong mục 99 của Hội mình. Bài viết thật hay và đầy cảm xúc. Tác giả là Cường Denver. A! Mình cũng đang ở Denver đây mà! Vậy là tôi vội vàng liên lạc bằng email với Cường, một đàn em khóa 24 mà tôi đã gặp 2 lần trước đây tại Cali. Sau khi có số ĐT, tôi đợi đến gần giờ ăn trưa để gọi thẳng nói chuyện với Cường. Cường hẹn xế chiều sẽ ghé nhà vợ chồng chúng tôi đang ở để ra mắt.

Trong khi chờ Cường đến, tôi có xin phép anh chị chủ nhân nhà cho phép tôi được mời cặp vợ chồng đàn em này đến tham dự buổi tiệc lớn hơn vào cuối tuần. Qua câu chuyện, anh bạn Nhảy Dù mới cho biết trên con đường nhà anh, có một gia đình người Việt, theo cha mẹ qua Mỹ diện H.O, nhưng không phải là bác sĩ.

Khoảng 2 giờ chiều, chuông cửa reng, tôi chạy nhanh ra mở cửa. Xuất hiện trước mắt là một người to lớn, chắc nịch, tươi cười, sống động: Cường Denver. “Em ở ngay đây nè, trên cùng một con đường, chỉ cách đây 3 nhà và cùng một phía của con đường ni. Đi bộ chưa tới năm phút, anh Chánh ơi!” Cường vừa kéo tay tôi dẫn ra phía sân trước vừa chỉ tay về hướng nhà mình. Quả là một bất ngờ thích thú.

Vào lại trong nhà, bây giờ đến phiên anh bạn tôi ngạc nhiên điểm vài chút thán phục trong ánh mắt khi nghe tôi giới thiệu Cường là một bác sĩ khóa đàn em, tốt nghiệp trường Y Khoa Huế năm 1990 trước khi theo cha mẹ qua Mỹ định cư tại Denver qua chương trình HO vào năm 1994, và ba của Cường là một Đại úy Thiết Giáp với 8 năm tù CS.

Cường cho biết đã mua căn nhà trong khu vực này chưa đến 3 năm. Theo anh bạn tôi cho biết, đây là một khu vực khá sang trọng, mới xây xong chừng 6-8 năm, nhà nào cũng to lớn bề thế, bốn / năm ngàn square feet, giá xấp xỉ một triệu đô, gồm 3 tầng kể luôn cả basement, cách phố chính của Denver khoảng 45 phút lái xe nhưng lại gần trung tâm thương mại của người Việt chỉ 20 phút thôi.

Trước khi chào chúng tôi ra về, Cường ngỏ ý muốn đón “anh chị và cháu Bồ Câu qua nhà chúng em sáng mai, uống cà phê và ăn sáng với gia đình chúng em.” Tôi nhận lời ngay.

Sáng hôm sau, Cường và tôi đi bộ “dăm ba phút” là đến nhà Cường. Vào trong nhà, Cường giới thiệu vợ, chị Công Anh và 3 con, 2 gái: Cathay15 tuổi và Cindy 14 tuổi và út trai 9 tuổi. 2 cháu gái học xuất sắc trên 4 chấm, cậu út Clint cũng thông minh không kém, toàn là điểm outstanding trong report cards. Các cháu tiếp tục chơi với nhau ở phòng gia đình, trong khi tôi yêu cầu Cường cho đi coi nhà.

Thiết kế trong nhà rất tinh vi, nhìn vào là biết nữ gia chủcó con mắt mỹ thuật, và tinh tế trong chưng bày sắp xếp đồ đạt mà đa số toàn là hàng hiệu, mà có lẽ vĩ đại nhất là bộ bàn ăn 12 cái ghế, to lớn nặng trịch vì gỗ quý sang trọng, gồm luôn cả 2 cái tủ lớn và 1 tủ nhỏ, nhìn vào là biết sản phẩm từ Việt Nam. Đúng vậy, đó là món quà tặng của ông bà Ngoại gởi từ Đồng Hà qua bằng tàu thủy.

Khi xuống basement, tôi mới thật sự khâm phục khi Cường cho biết “nguyên cả basement này, một mình em tự làm, save được cả gần bốn mươi ngàn tiền công. ”Nào là 2 phòng ngủ lớn có luôn cả phòng tắm, 2 phòng nhỏ storage, và chính giữa quan trọng nhất là một sàn nhảy cho cả ba bốn chục người với hệ thống dây điện giấu trong tường, mấy cặp loa to thù lù, và một dàn máy chi chít những đầu máy đủ loại. Trên trần là một hệ thống đèn màu chớp chớp, quay quay, còn hơn một số nhà hàng khiêu vũ tôi thấy ở Little Saigon. Trên tường có treo nhiều hình ảnh và những đồ vật rất bắt mắt; gần tủ lạnh 2 cửa là “kho rượu” với cả trăm chai đủ loại mà chỉ nhìn thoáng qua tôi cũng “nháy” năm bảy chai loại XO, Blue label… vô số hộp rượu còn nguyên chưa khui.

Bên cạnh ly cà phê và dĩa bánh ngọt, tôi có dịp nghe Cường tâm sự, thỉnh thoảng hỏi tiếp vài câu. Nhà nghèo lại càng cơ cực hơn, thiếu thốn đủ bề trong suốt cả thời gian ba bị đi tù cải tạo. Cũng vì vậy mà Cường phải ráng học thật giỏi, đã từng đại diện cho trường ở thị xã Đồng Hà đi thi Hóa Học toàn quốc. Cũng may là vừa khi ba của Cường được trả về nhà, sau đó về quê làm ruộng, qua năm sau hết bị quản chế, thì Cường đậu trung học phổ thông vàđược chấp nhận cho nộp đơn thi vào trường Y Khoa Huế. Đó cũng là thời gian ở VN bắt đầu có chính sách “Đổi Mới”. Tuy vậy, Cường cho biết, khi đi thi, ở trường Y phân thí sinh ra làm 4 nhóm ưu tiên như sau:

1/ Nhóm ưu tiên thứ nhất có 4 loại: loại 1: anh hùng lao động; loại 2: bộ đội; loại 3: con liệt sĩ; loại 4: con thương binh.

2/ Nhóm ưu tiên thứ hai gồm 4 loại: loại 5: con của anh hùng bộ đội; loại 6: con của cán bộ; loại 7: con của người “ăn cơm quốc gia thờ ma CS” tức nằm vùng; loại 8: thuộc gia đình có đóng góp cho cách mạng.

3/ Nhóm ưu tiên thứ ba gồm 3 loại: loại 9:những người không có công trạng gì nhưng ở nông thôn; loại 10: ở thành thị; loại 11: được trả quyền công dân nhưng đang làm ruộng.

4/ Nhóm ưu tiên thứ tư, chót bẹt gồm có 3 loại: loại 12: chưa trả quyền công dân; loại 13: đang cải tạo; loại 14: gia đình có người vượt biên.

Nhóm ưu tiên thứ nhất chỉ cần đậu thi tuyển 7 điểm là vô được dự bị Y Khoa để chờ năm sau sẽ vào năm thứ nhất trường Y. Nếu đậu 9 điểm thì được vào thẳng năm thứ nhất trường Y.


Nhóm thứ hai: 8 điểm vô dự bị 1 năm, 10 điểm vào chính thức năm thứ nhất trường Y.

Nhóm thứ ba: Nếu ở Bình Trị Thiên, thì 12 điểm rưỡi là vô ngay năm thứ nhất. Nhưng nếu ở từ Đà Nẵng vào đến Nha Trang: chỉ 11 điểm rưỡi là được vào năm thứ nhất

(Nguyễn Đức Cường thi được 17 điểm, gồm 4 điểm Toán, 4 điểm Sinh Vật và 9 điểm Hóa Học.)

Nhóm thứ tư, chót bẹt: cần phải có đến 16 điểm mới được nhận vào năm thứ nhất.

Nghe qua câu chuyện tôi cũng sững sờ dù trước đây cũng có nghe kể ít nhiều về thứ tự ưu tiên nhưng không chính xác như bây giờ. Đại học CS nhận vào quá nhiều người dốt nát, hèn chi mà đa số đội ngũ cán bộ kém khả năng làm việc, hèn chi mà đất nước đã qua hơn 40 năm vẫn chậm tiến, chẳng thể nào phát triển tốt đẹp như những nước khác trong vùng.

Qua Mỹ, Cường xin vào học đại học và tốt nghiệp ĐH Metropolitan State College of Denver với bằng BS Hóa Học. Trong thời gian đi học, Cường có làm phụ giáo đồng thời có ý định sẽ đi dạy trường trung học. Nhưng sau khi xong bằng cử nhân, Cường bắt đầu để ý đến chuyện xây dựng gia đình, thường xuyên về quê nhà nối tiếp mối tình thuở sinh viên với người em gái láng giềng xinh đẹp năm xưa. Hai người thành hôn vào năm 1999. Và trong suốt 2 năm trước khi vợ được bảo lãnh qua với mình, Cường thường xuyên bay về thăm vợ, thản nhiên cà các credit card rồi lại làm việc đầu tắt mặt tối sau đó để trả nợ.

May mắn cho Cường xin được công việc full time với bệnh viện University of Colorado Hospital ngay sau khi vợ mang bụng bầu 4 tháng qua đoàn tụ với chồng vào tháng 5, 2001. Vì xử dụng hãng máy bay Cathay cho cảm thấy an toàn trong tất cả chuyến bay về thăm vợ, nên cả vợ chồng Cường đồng ý đặt tên con gái đầu là Cathay, cùng một vần C với cả cha và mẹ (Cường + Công Anh), và về sau cũng vần C luôn với đứa thứ hai Cindy, rồi Clint. Wow! Cả nhà gồm 5 Cục Cưng! Ngon hơn anh chị 2 Xê nầy rồi.

“Số trời đưa đẩy khiến em làm việc trong Pharmacy của bệnh viện. Khoác áo blouse trắng, ngửi mùi thuốc, đẩy xe thuốc đến các phòng bệnh, sắp xếp tủ thuốc, cho thuốc mới vào lấy thuốc cũ ra, ngang qua những hành lang sáng loáng sạch sẽ, gặp gỡ chuyện trò với bệnh nhân, với những nhân viên cùng mang áo blouse trắng, em cảm thấy dễ chịu trong môi trường quen thuộc nên hòa mình chấp nhận cương vị của một pharmacy technician dù trước đây mình từng làm bác sĩ.”

Trong tinh thần vừa tiến thân làm việc, vừa học hỏi lại vừa quan sát cách làm việc để nâng cao tay nghề, Cường nhận thấy nhiều loại thuốc gần hết hạn để tuốt trong sâu của hộp thuốc, nên Cường chịu khó đem những loại thuốc ấy để ra bên trước cho các y tá xử dụng sớm và stock những thuốc mới vào phía sau cùng, hoặc chuyển những loại thuốc gần hết hạn từ khu nội thương qua khu ngoại thương là nơi có khuynh hướng xử dụng loại thuốc này nhiều hơn, hay từ khu giải phẫu qua khu cấp cứu…

Trong vòng một năm, kể từ tháng 6, năm 2013, từ khi Cường bắt đầu chú ý đến chuyện gần quá hạn xử dụng của các loại thuốc ở từng khoa trong bệnh viện và di chuyển những loại thuốc ấy qua các đơn vị khác để xử dụng kịp thời, cho đến tháng 6, 2014, Cường đã tiết kiệm $55,379.79 cho BV. Và từ tháng 6 năm 2014 cho đến ngày 24 tháng 10, 2014, số tiền tiết kiệm do công việc của Cường chủ ý làm đã lên đến $76,000.00. Điều này đã khiến bệnh viện tổ chức một buổi tiệc để khen thưởng Cường, tặng cho Cường một số hiện kim, đồng thời tăng lương cho Cường, cũng như sẵn sàng kêu gọi Cường làm thêm giờ phụ trội.

“Hes delightful to be around. And hes prompt. He carries that little phone and if we say we need it now, he brings it now.” “What I notice first was his enthusiasm, his positive spirit. He has this very energetic charisma about him”…

Xin mời click vào link dưới đây để biết thêm
http://www3.uch.edu/uchinsider/pharmacy%20tech%20savings.pdf

“Anh Chánh biết không, mỗi tuần em làm việc cả trăm giờ.” Nghe qua tôi giựt cả người vì mình cũng đã từng trải qua giai đoạn đó. “Không phải em làm việc nhiều giờ ở bệnh viện mà em làm thêm bên ngoài. Làm việc của thợ đụng. ” Nghe không rõ, tôi hỏi lại “thợ Đục?” vừa hình dung thân hình to lớn như xe tăng của Cường và mình hạc xương mai của người vợ mà lo sợ giùm. Nhưng Cường đã vội chấn chỉnh,“Không phải thợ Đục. Mà là thợ Đụng. Đụng đâu làm đó, ai kêu làm chi cũng làm, sửa cái chi cũng sửa. Nghề Handy Man đó anh Chánh. Khi thì cùng làm với nhóm bạn quen nếu công việc nặng đòi hỏi nhiều người, nhưng đa số làm một mình, sau khi xong việc ở BV…” Thì ra mới biết Handy Man job làm việc tuy rất nặng nhọc nhưng có lẽ hái ra khá nhiều tiền. Bằng cớ quan trọng là cái nhà đồ sộ của vợ chồng Cường trong khu nhà mắc tiền này.

Tôi nói cho Cường biết cảm nghĩ thán phục của mình về sức làm việc của Cường, 16 năm ở bệnh viện cũng như bên ngoài với nghề thợ Đụng, về sự học hành của các cháu, về sự dấn thân trong xã hội mới mà lúc mới đặt chân đến Cường chưa hề biết nói một tiếng của nước người. Tôi tự hào cho người Việt mình biết chịu khó trong cách sống và vươn lên dù trong thử thách, gian nan và khó khăn, mà trường hợp vợ chồng Cường là một điển hình của thành công.

Khi tôi đưa ý kiến rủ vài người bạn trong BBT sang Denver vào khoảng tháng tư năm tới để chơi tuyết cuối mùa cùng văn nghệ tại nhà vợ chồng Cường, Cường la lên một cách hân hoan: “Đúng rồi, em sẽ lấy nghỉ một tuần vui chơi với mấy anh chị. Và em sẽ hát tặng bài Cô Láng Giềng Ơi.”

Lời mời này được Cường lập lại trong chuyến đưa ba của Cường về Little Saigon tham dự Đại Hội Thiết Giáp vào cuối tháng 5 vừa qua. Tại quán cà phê cùng với cả chục bạn trong BBT rủ nhau đến họp về Đặc San Y Khoa Huế Hải Ngoại 2017, tôi gặp ba của Cường, lần đầu tiên, mà tôi xin lỗi được kêu anh Thanh vì anh chỉ hơn tôi khoảng 5-6 tuổi. Anh Thanh cũng vui vẻ ngồi bắt chuyện với mọi người, kể cả đứng dậy đọc một bài thơ tặng cho cả đám Y Khoa Huế.

Mong gặp Cường trong Đại Hội Y Khoa Huế tháng 8, 2017 này.

Tháng Sáu 2017

Vĩnh Chánh

Ý kiến bạn đọc
15/06/201715:25:22
Khách
Denvver rất vui khi được tác giả đưa lên Việt báo. Cám ơn BS Vĩnh Chánh đã chịu khó "thăm dân cho biết sự tình", chịu khó viết về những điều mình đã được biết, chịu khó phổ biến để mọi người cùng chia xẽ. hy vọng ông sẽ dọn nhà về Denver, để chúng tôi có dịp biết thêm về vùng đất mình đang cư ngụ.
14/06/201720:23:29
Khách
Đọc câu chuyện này, tôi rất khâm phục Cường. Cường thông mình như vậy, kể ra, nếu ráng' thì cũng sẽ học lại Bác Si được thôi. Một điều rất đáng khâm phục là Cuong đã là BS ở VN mà qua đây không nề hạ chuyện gì cả. Đây là một tấm gương sáng cho lớp người dì dân mới qua sau này. Cố gắng hết sức, rồi sẽ được việc mình muốn ! Cảm ơn tác giả cho chúng tôi một bài đọc thật hay có ý nghĩa !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,399
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Jenny, cô phóng viên Mỹ tuổi đời chưa quá 30.
Sau vài tháng đắn đo suy nghĩ và bàn bạc với con cái,
Đã có hàng triệu người Việt định cư tại xứ Mỹ này
Năm 1975, để bảo tồn Hội Dòng, những tu sĩ Dòng Đồng Công
Thay mặt các anh chị em nhóm Việt Bút, tôi đến tòa soạn Việt Báo nhận 35 quyển sách mới
Vào một ngày thứ Bảy cuối tháng 07/2019, các bác sĩ và y tá cùng nhân viên trong bộ phận Xứt Môi và Răng Hàm Mặt
Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.
Về lại Cali năm nay, tôi nghĩ mình chắc sẽ có nhiều nỗi vui mừng, xúc động.