Hôm nay,  

Cali Tạp Ghi

19/05/201700:00:00(Xem: 12344)

Tác giả: Đặng Hà Nội
Bài số 5121-18-30801-vb5051817

Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy thiện nguyện Anh Ngữ tại Trung Quốc, Việt Nam và dạy tiếng Việt cho chùa Phật Ân tại Minnesota. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

* * *

blank
Thăm công viên Sequoia nổi tiếng với cây General Shernan cao nhất thế giới, 275 feet/83,8 mét.

Không biết tôi có duyên nợ với cái đất Cali ra sao mà tuy ở xa mãi tận miền Minnesota đất lạnh tình nồng nhưng ít nhất mỗi năm cũng đều có dịp thăm tiểu bang nắng ấm này, có lần dọn sang đó ở hai năm nhưng rồi lại trở về vùng đất vạn hồ với nhiều tiếc nuối.

Từ Nam ra Bắc làm sao mà quên được San Diego, thành phố lý tưởng có khí hậu đẹp nhất nước Mỹ, các bãi biển thơ mộng và công viên Balboa với các bảo tàng viện thể hiện văn hóa, khoa học và thiên nhiên rất đặc sắc.

Quận Cam chỉ nghe thôi là tưởng tưởng một khung trời với gió biển lồng lộng mát rượi và tận hưởng các thú vui tại Disneyland với chú chuột Mickey cùng thưởng thức các món ăn đầy hương vi tuyệt hảo Việt Nam.

Đi lên nữa thì có thành phố thiên thần Los Angeles với các phim trường Hollywood nổi tiếng, các kiến trúc hiện đại nằm trên đồi đầy mùi hương hoa nhài và cũng là nơi tụ tập các văn hóa trên thế giới.

Miền Trung là những vựa trái cây, rau cỏ xanh tươi và các công viên quốc gia hùng vĩ như Yosemite và Sequoia. Phía trên là thành phố San Francisco có sương mù bao phủ quanh năm với cầu Golden Gate đỏ ối nằm vươn mình cùng các nhà cổ Victorian diễm lệ, và khu Phố Tầu cổ kính nhất Bắc Mỹ.

Chúng tôi có dịp sang Cali tháng vừa qua và tôi có thì giờ ghi lại những gì tai nghe mắt thấy trong chuyến đi này và mong giúp vui phần nào trong cuộc sống bận rộn của quí độc giả.

Cali đang vào mùa xuân nên không có gì vui bằng bước ra khỏi máy bay tại phi trường Los Angeles thấy khung trời xanh mướt nắng ấm tran hòa chả bù sáng hôm nay tại Minneapolis tuyết trắng lạnh hãy còn rơi rớt. Khác với các năm trước Cali bị hạn hán hoành hành, khô cằn và trơ trụi nhưng năm nay nhờ các cơn mưa ban phước lành xuống miền đất này nên Cali chợt bừng sống trở lại như mới được tắm mát sau buổi trưa hè nóng bức.

Sau khi nghiên cứu trên internet chúng tôi trực chỉ thành phố Lanscaster đi săn hoa dại ngay ngày hôm sau. Lái xe từ Huntington Beach tới Lancaster mất hơn hai tiếng đồng hồ. Lancaster nằm trong thung lũng Antelope thuộc quận Los Angeles về phía bắc và cũng là vùng đất xa mạc nhưng bây giờ trở thành những cánh đồng hoa vàng rực rỡ dưới ánh nắng ban trưa.

Lúc đầu chúng tôi chỉ thấy những cụm hoa vàng nhỏ rải khắp cánh đồng, xa xa là những ngọn núi thấp mà trên đỉnh hãy còn tuyết trắng cứng đầu chưa chịu tan và dưới chân núi là nông trại nằm rải rác. Đi sâu nữa là các thảm hoa poppy vàng óng ả lả lướt chào đón chúng tôi dọc hai bên đường trong khi gió thung lũng lồng lộng thổi. Thế là bao nhiêu bức hình được ghi lại cảnh đẹp huy hoàng này.Tôi chỉ muốn xin gió ngừng lại đôi phút vì không muốn hình bị lu mờ nhưng gió có bao giờ nghe lời mình đâu!

Tên khoa học của hoa poppy California là eschscholzia california. Hình thù của hoa như là một tách trà nhỏ mọc tại nước Mỹ và Mễ Tây Cơ. Cây này được dùng làm thuốc và nấu ăn. Nhờ sắc đẹp và thông dụng của hoa nên poppy California được chọn là hoa chính thức của tiểu bang năm 1903.

Thường thường mỗi buổi sáng chúng tôi lái xe đi dọc Xa Lộ 1 mà được gọi là Xa Lộ Ven Biển Thái Bình - Pacific Coast Highway- mà tôi cho là khúc đường đẹp thơ mộng nhất của quận Cam. Nào là Huntington Beach, Newport Beach, Laguna Beach... Ai mà không muốn làm dân cư ở nơi có chữ beach?

Đầu cầu Huntington Beach (pier) chỉ cách chỗ tụi tôi ở hai khu phố nên chúng tôi thường đi bộ ngắm cảnh và tập thể thao luôn thể. Nơi đây cũng là nơi tụ tập các người câu cá phần đông là người Mễ và Việt Nam. Thành phố này nổi tiếng với môn lướt ván (surfing) và bóng chuyền trên cát (beach volleyball). Nhà hàng Ruby sơn mầu đỏ chiếm vị trí tốt nhất nằm ở cuối cầu.

Xuôi nam, chúng tôi theo bảng chỉ đường dẫn tới bãi biển Corona Del Mar có sóng xanh vỗ dạt dào bên ghềnh đá. Du khách ngắm biển thường đi xuống dốc bằng chân đất in dấu ngày vui trên bãi cát mềm. Trên đồi là những biệt thự cao sang tân tiến với vườn hoa lộng lẫy khoe mình. Người chủ chắc là phải tu mười kiếp mới có được ngôi nhà như vậy! Đi vài khu phố trên Đại lộ Ocean chúng tôi gặp bãi biển Little Corona del Mar. Bãi tuy nhỏ nhưng dọc hai bên có ghềnh đá lý tưởng cho người lặn. Trong ngày trong sáng chúng ta có thể nhìn thấy đảo Catalina cách xa 25 dặm. Đây là bãi biển lý tưởng cho gia đình có con nhỏ vì bãi không có sóng lớn hay nước cuốn ngầm.

Tiếp tục lên đường chúng tôi ghé Công Viên Tiểu Bang Crystal Cove có bãi biển dài hơn ba dặm và 2.400 mẫu đất hoang dại. Nơi đây có 46 nhà nghỉ mát cổ xây trong thập niên 1930 và 1940 được chính phủ liên bang công nhận là địa danh lịch sử. Hoa hướng dương nhỏ và hoa lupine nở tưng bừng chào đón mùa xuân bên cạnh Thái Bình Dương xanh ngắt.Còn gì đẹp hơn! Xin báo trước công viên không có bãi đậu xe miễn phí, giá phải trả là 15 đô la.

Rời Crystal Cove chúng tôi tới thành phố ven biển Newport Beach nổi tiếng có các du thuyền trắng bóc đậu san sát bên nhau. Nơi đây có Newport Beach Pier cũng là nơi các người quăng cần câu trên cầu. Thấy chúng tôi là người Việt nam, một bà độ̣i nón lá dụ chúng tôi mua cá nục của bà giá 10 đô một xô. Không biết làm việc này phạm pháp luật hay không? Người Mỹ nghĩ là câu cá là một thú tiêu khiển, câu cho vui nhiều khi cá cắn câu họ gỡ cá và ném trở lại xuống nước. Khác hẳn với cái óc thực tế của người Việt nam!

Hẹn trước với mấy chị em bà xã, tôi mướn xe mini van đi chơi Công Viên Quốc Gia Yosemeti cùng với họ và ở tại một khu nhà nghỉ mát gần đấy. Nếu quí vị là cao niên thì vé vào cửa công viên quốc gia là 10 đô la cho một xe hơi dùng cho xuốt đời và vào bất cứ công viên quốc gia nào trong nước Mỹ. Vẻ đẹp thiên nhiên của Yosemeti là tuyệt tác của Thượng Đế gồm có các núi đá granite cao vòi vọi, cây sequoia (một loại thông) khổng lồ và các hoa dại nho nhỏ làm ngây ngất du khách. Thêm vào đó là những thác nước chảy ầm ầm vang cả một thung lũng.

Năm nay Yosemeti có nhiều bão tuyết nên mùa xuân là thời gian rất lý tưởng đi thăm thác tại đây. Tuyết đã tan nên nước ở thác Bridalveil (620 feet) và thác Yosemite (2.425 feet) ba tầng đổ xuống từ cao ào ạt trắng xóa làm thành những con suối mạnh mẽ chảy quanh thung lũng. Ngoài hai thác nổi tiếng này còn vô số các thác khác. Chúng tôi thích chụp hình tại Mirror Lake (Hồ Gương) phẳng lặng tạo hình một thành hai.

Với cái tính mạo hiểm bà xã tôi cho ý kiến đi thăm Công Viên Quốc Gia King Canyon và Sequoia cách Yosemeti hai giờ rưỡi lái xe. Hai công viên này hãy còn tuyết bao phủ vài nơi làm các em bà xã tôi là dân Cali rất thích thú còn tụi tôi thì quá quen với nàng Bạch Tuyết này. Công viên Sequoia nổi tiếng với các cây sequoia cao lớn, nhất là Cây General Shernan chọc trời được phong là cây cao nhất thế giới đo được 275 feet hay 83,8 mét. Công viên nằm trên rặng núi Sierra Nevada cao nên có mây trắng bao phủ. Lái xe phải cẩn thận vì đường quanh co mờ mờ ảo ảo như trong phim liễu trai.

Ngày sau đó chúng tôi lại lên đường săn hoa dại tại Quận Mariposa. Đường đi có sông Merced chảy mạnh bên cạnh nên rất là hữu tình. Chúng tôi đậu xe tại Savage Trading Post và bắt đầu leo núi tìm động hoa vàng. Chúng tôi đi trên con đường mòn dành cho một người cheo leo quanh núi và hai bên là hoa dại xanh tím vàng và dưới chân là dòng suối chảy xiết. Thật là một cảnh thiên nhiên ngoạn mục làm tôi tha hồ vừa đi vừa chụp hình nhưng bà con trong nhóm sợ bị trượt chân té nên đi nửa đường phải quay về! Uổng quá!

Tôi may mắn lần nào đến Cali cũng gặp lại bạn cũ của trường Đại Học Sư Phạn Saigon và lần này gặp cả thầy Đàm Trung Pháp, giáo sư ngôn ngữ học. Chúng tôi hàn huyên và ôn lại những kỷ niệm đẹp xưa cũ. Miền Nam Cali là nơi lý tưởng sinh sống cho người Việt nên chúng tôi có bao nhiêu người họ hàng bạn bè thân thuộc. P̀hần đông họ chọn khu Little Saigon và vùng lân cận.

Tại sao dân Việt nam chọn Little Saigon là thủ phủ tị nạn tại quê hương thứ hai?

Tính ra có khoảng 40% người gốc Việt chọn Cali trong số 1.300.000 người Việt trên toàn quốc và gần 200.000 người đã chọn Little Saigon và giúp cho cộng đồng mạnh mẽ này trở thành một thủ phủ của dân di cư gốc Việt nam.

Họ đã chọn địa điểm này vì nơi đây gần Trại Pendleton là trại ṭị nạn họ xuất phát năm 1975. Một phần ba trong số 50.000 dân tị nạn tại trại chọn Nam Cali. Các hội đoàn tôn giáo và các cơ quan thiện nguyện đã sẵn sàng bảo trợ và giúp đỡ dân tị nạn. Lúc đó tiền thuê nhà có giá phải chăng tại Westminster, Santa Ana, Garden Grove, Anaheim, Costa Mesa và Huntington Beach. Quan trọng hơn hết là khí hậu Nam Cali ôn hòa gần giống như Việt Nam. Biết bao nhiêu gia đình Việt Nam sau khi sinh sống tại các tiểu bang với khí hậu khắc nghiệt đã dọn nhà lần nữa sang Nam Cali cùng thêm với sự di dân ồ ạt của các thuyền nhân và cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa... và từ đó Little Saigon và các thành phố lân cận trở nên đông đúc và phồn thịnh trong lãnh vực kinh tế, chính trị, và văn hóa.

Tôi còn nhớ khoảng đầu thập niên 1980 đến thăm Westminster tại Bolsa Mini Mall trên đường Bolsa, tôi chỉ thấy có vài tiệm như nhà hàng Thành Mỹ và tiệm Tú Quỳnh. Thành phố Westminster hồi đó có nhiều ruộng dâu tây rải rác thành phố. Nay trở thành các trung tâm buôn bán sầm uất mà kiếm chỗ đậu xe là cả một vấn đề ngay trong ngày thường.

Little Saigon trở thành một điểm hẹn cho du khách Việt Nam cũng như ngoại quốc. Muốn ăn các món ngon, thuần túy không cần về Việt Nam mà hãy đến Little Saigon với hằng trăm nhà hàng có các món đúng khẩu vị. Nào là phở gà Tuấn Cảnh, cơm tấm Thuận Kiều, cháo cá Chợ Cũ, Ốc Lẩu Garden Grove, bò né Coq au Vin, cháo lòng Tam Biên, bún bò Liên Huế... Có người cho rằng đi đâu thì đi trên thế giới nhưng muốn ăn ngon là phải về Little Saigon!

Với sự cạnh tranh ráo riết nên nhiều nhà hàng tưng bừng khai trương sau một thời gian lại âm thầm đóng cửa. Các cửa tiệm tại Little Saigon phần đông thích dùng tiền mặt, ít khi chấp nhận thẻ mua chịu (credit card). Bà xã tôi trả tiền hai tô phở họ đòi tiền mặt cộng thêm tiền thuế mà không đưa hóa đơn. Cũng như tại một tiệm bán thịt quay hay tiệm cơm tầu nổi tiếng với món gà Quí Phi họ cũng dùng phương pháp trả tiền như vậy. Chúng tôi tự hỏi tiền thuế này sẽ đi về đâu?

Chúng tôi sau khi về hưu các bạn bè, họ hàng hay hỏi chúng tôi có tính dọn về Cali hay không? Nhưng với giá nhà Cali tăng vọt chắc tụi tui mua được một cái garage ở Garden Grove! Dân tình Việt Nam tại Cali có nhà sang đi xe đẹp nhưng người ta đâu biết rằng họ phải hy sinh chịu khó đi làm, có khi làm cực khổ hai ba công việc, không muốn về hưu khi lớn tuổi, trưởng thành nhưng vẫn ở với bố mẹ không muốn ra ở riêng và dành dụm tiền bạc để xài vung vít không thua ông hàng xóm. Đúng như câu nói thông thường của dân Mỹ đó là: "Keeping up with the Joneses".

Tôi có nghe một câu diễu tính thích bề ngoài hào nhoáng:

Dân Việt Nam đi xe Mẹc Xi Đì
Đằng sau xe có thùng mì
Cái mặt lì lì...

Nhớ câu hát vui, nhưng nhìn nhà cửa, xe cộ của bà con Cali cũng đủ thấy là dân Việt đã tận lực làm việc để biến giấc mơ của người Mỹ (American Dream) thành sự thật.

Nhìn vào các trung tâm thương mại, các văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư, tiệm thuốc tây, tiệm sách, tiệm làm móng tay, nhà hàng và vô số dịch vụ khác đều có tên Việt Nam. Dân bản xứ đều ca ngợi sự đóng góp của cộng đồng Việt Nam làm cho khu này từ một khu canh nông trồng dâu tây trở thành một khu thịnh vượng và tân tiến.

Sức phát triển của bà con Little Saigon trong những năm qua không chỉ giới hạn tại Westminster, Garden Grove mà tiếp tục mở rộng sang các thành phố lân cận. Người Việt Cali đã dành được nhiều vị trí dân cử quan trọng, từ Thượng Nghị Sĩ tiểu bang, Giám sát viên Quận Cam, Thị trưởng. Những khu nhà đắt tiền gần biển hay trên đồi ngày nay đã có nhiều chủ nhân gốc Việt. Người Việt cũng đã là khách hàng mua sắm tại các trung tâm thương mại sang trọng.

Có lần chúng tôi đi South Coast Plaza nổi tiếng có những tiệm hàng hiệu như Versace, Rolex, Gucci, Yves Saint Laurent... và có hẹn đi ăn với vợ chồng ông anh. Họ nói dân Việt Nam hay đi mua tại các tiệm này lắm. Họ còn nói với chúng tôi: "Tụi em ăn mặc như thế này vào tiệm coi chừng họ đuổi ra!". Chết! Mình phải quay về Minnesota ngay! Rồi bà chị dâu kể là có thời mấy bà mấy cô cũng hay vào các tiệm này mua quần áo, mặc diện đi hội hè một bữa rồi hôm sau mang trả. Nghe nói bây giờ thì mánh này giảm rồi.

Là du khách nên tôi thường để ý tới các chương trình phát thanh và truyền hình Việt Ngữ tại Nam Cali. Tôi rất thích thú về những tin tức thời sự và ca nhạc Việt Nam nhưng khốn nỗi chương trình quảng cáo quá nhiều như đông trùng hạ thảo, rêu hoàng hậu Okinawa, thuốc mọc tóc Lover's Hair...làm tôi cụt hứng!

Tôi nghe quảng cáo rao bán bảng năng lượng mặt trời ̣(solar panels) trên radio làm cho tôi lo sợ cho tiếng Việt trong tương lai. Hai cô nói tiếng Việt rành nhưng lại pha thêm lốp đốp tiếng Anh nghe chả giống ai dù rằng các chữ đó có danh từ tương đương.

Ôi! Nắng Nam Cali sao mà đẹp thế! Nhưng khi nắng đã lên rồi thì các cô các bà phải đội nón vào tránh cái nắng gay gắt làm thay đổi màu da. Thế là bao nhiêu kiểu nón được lôi ra kể cả chiếc nón bài thơ. Mấy bà nhà giàu cũng đội nón xùm xụp ngay trong tiệm ăn trông cứ́́ như tài tử Audrey Hepburn. Còn các ông thì may mắn có thể mặc quần shorts suốt năm không cần biết độ đông đặc (freezing point) là thế nào.

Chúng tôi đến Little Saigon đúng vào ngày Chủ Nhật 30-4 nên chị em rủ nhau đến tưởng niêm các chiến sĩ tại Tượng Đài Kỷ Niệm Chiến sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ ngay thành phố Wesminster và nghe các bản hùng ca. Sau đó chúng tôi dự buổi văn nghệ của Ban Du Ca Nam Cali tại tòa soạn báo Người Việt. Thật là một cơ hội hiếm có nghe lại các bản du ca của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và các bài hát nổi tiếng của các nhạc sĩ khác. Cảm động nhât là được thưởng thức bài Tình Ca của Phạm Duy qua các giọng hát trong sáng vững vàng của các em sinh viên học sinh thuộc thế hệ thứ hai. Hoan hô Ban Du Ca Nam Cali và ban Hợp Xướng Ngàn Khơi!

Rồi ngày vui cũng qua mau chúng tôi rời Cali với nhiều kỷ niệm đẹp đẽ và muốn quên những cái bực mình nho nhỏ. Tiểu bang California hiện đang được toàn quốc và cả thế giới để ý sau vụ bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ tháng 11 vừa qua. California có nhiều điểm khác biệt với chính sách của Donald Trump như về khí hậu thay đổi, bảo vệ di dân, bức tường biên giới, bảo vệ thị trường cần sa hợp pháp... Có người cho rằng California sẽ tách rời ra khỏi liên bang. Mong rằng hai bên sẽ ngồi với nhau giải quyết ổn thỏa và California luôn luôn vẫn được coi là tiểu bang cấp tiến xứng đáng là Tiểu Bang Vàng (Golden State).

Hẹn gặp lại sau nhé, Nam Cali!

Đặng Hà Nội

Ý kiến bạn đọc
08/07/201716:26:58
Khách
Đúng là dân ở tiểu bang khác du lịch qua CA, viếng những thắng cảnh thiên nhiên cũng như nhân tạo, diễn tả rõ ràng mạch lạc còn hơn cả dân CA chính cống, tuy nhìn thấy hầu như quanh năm "suốt" tháng mà chẳng chú ý gì nhiều. Cảm giác của người khách du lịch cũng khách quan và trung thực hơn. Cám ơn tác giả.
23/05/201704:22:25
Khách
Thưa suốt năm gì ạ?
23/05/201704:17:27
Khách
Suốt năm ????
19/05/201707:56:31
Khách
Xin đính chính: cây khổng lồ tên đúng là General Sherman.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,759,235
Năm nay Lễ Tạ Ơn nặng trĩu nỗi buồn với những người lính thủy thuộc chiến hạm USS KIDD, bởi họ phải chuyển nhiệm sở từ San Diego lên vùng Tây Bắc trước đó ba ngày.
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Thứ Năm, 24-11 là ngày Thanksgiving 2016. Mời đọc bài viết trong Mùa Lễ Tạ Ơn từ Philippinnes, đất nước 1001 hòn đảo của tác giả Nguyễn Trung Tây, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Mùa Lễ Tạ Ơn 2014, bà có bài “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời,”
Nhân mùa Lễ Tạ Ơn bắt đầu, mời tiếp tục đọc về Tháng Mười Một, bài thứ 3 của Phan. Chiếc Kính Gãy là chuyện trên đất Mỹ. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Nhạc sĩ Cung Tiến