Hôm nay,  

Mothers Day: Má Ơi!

12/05/201700:00:00(Xem: 10393)

Tác giả: Dong Trinh
Bài số 5115-18-30795-vb6051217

Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7 2016. Sau đây là bài viết thứ năm.

* * *

Sáng dậy, con sửa soạn đưa mấy đứa nhỏ đi học. Ghé qua thăm má, má đang nằm ngủ say, đầu lệch ra khỏi gối, con sữa lại và nói:

- Má nằm lại không thôi mỏi cổ lắm nha!

Má 'ừ'.

Nửa tiếng sau quay về, con vô phòng thăm, má vẫn nằm im, đầu cũng lệch ra khỏi gối, con sửa lại và cũng nói:

- Má nằm ngay lại, không thôi mỏi cổ lắm!

Lần này má không 'ừ', má làm thinh. Như có linh tánh, con hỏi đi hỏi lại. Má vẫn làm thinh! Lo quá, con vội gọi hospice đến để coi má sao rồi. Con gọi mấy anh chị em đến để coi má sao rồi....

Sau khi nghe tim mạch, y tá cho biết tim má đã ngừng đập... tim con như vỡ ra! Chỉ trong vòng nửa tiếng con bỏ ra ngoài để đưa mấy đứa nhỏ đi học, quay về má đã lặng lẽ ra đi. Đi một chuyến không về, không một lời từ giã và cũng không đứa con nào kề cận lúc má ra đi!

Nhớ một năm nào đó, mấy anh chị em tụi con tập trung nhà Dũng để làm giỗ má, hôm đó cũng ngay ngày sinh nhật con, mọi người hát bài HAPPY BIRTHDAY con thật xúc đông và thầm cảm ơn má, đã mang nặng đẻ đau, nuôi dạy con. Công ơn đó con chưa đền đáp, trái lại rất nhiều lần làm má buồn. Má nhân hậu, lúc nào cũng thương tụi con lắm chắc má đâu có giận con phải hôn má của con?

Tám giờ hai mươi phút sáng 12-12 âm lịch, đúng vào giờ này, má đã ra đi. Hôm nay, mười bảy năm đã qua, bao nhiêu chuyện thay đổi, lòng chúng con vẫn vĩnh viễn nhớ thương ba má lắm!

Những năm tháng đợi chờ ở Việt Nam là quãng đời gia đình mình đã gánh chịu biết bao nỗi khổ đau nhọc nhằn. Buổi trưa chưa tới đã lo không biết chiều có cơm không. Trong thời gian đó, anh chị Ba đã làm xong thủ tục bảo lãnh gia đình mình. Mọi giấy tờ đã hoàn tất, chỉ còn chờ ngày đi. Mỗi tuần con và Chị Tư đi Saigon để dò chuyến bay ở sở Ngoại Vụ. Tuần nào cũng nuôi hi vọng rồi lại thất vọng khi không thấy có tên trong danh sách.

Cho đến một ngày, con và chị Tư mừng vui quá đỗi khi thấy tên má cùng mấy chị em. Con đọc từ trên xuống dưới và hốt hoảng khi không có con và cháu Khương trong đó. Con rơi nước mắt khi cả nhà đều có tên trong danh sách ngày 19-07-1984, chỉ mình hai mẹ con của con bị lọt sổ! Tại sao? Tại sao? Con thắc mắc và không có câu trả lời!

Ngày đi của gia đình đã đến, con được thư thông báo phải bổ túc thêm một số giấy tờ cần thiết. Thôi thì đành chịu vậy. Đưa má và các anh Chị em trong nước mắt, má nói:

- Con không được đi thì má cũng không đi.

Con lật đật trấn an má:

- Má phải đi chứ, má không đi thì cả nhà kẹt lại hết, nhà cửa đã bán rồi, chỗ đâu mà ở. Một mình con và Khương thì dễ lắm, má đừng lo, rồi vài tuần nữa con cũng gặp lại má thôi.

Đứng trên sân thượng nhìn xuống sân bay, mắt con nhoà đi khi từng người, từng người trong gia đình mình bước lên thang máy bay. Bé Tâm lúc đó mới năm tuổi, nhỏ xíu, chạy lúp xúp theo anh Chị Tư và mấy anh Chị. Má đi cạnh anh Út, con nhìn và ước ao. Phải chi mình cũng cùng đi chung?

Nói vài tuần chờ đợi, thật ra thời gian kéo dài chín tháng trời, đây là giai đoạn gian nan nhất trong đời con. Nhà cửa không còn, mẹ con của con nay tá túc nhà này, mai nhà kia, có nhiều ngày không còn một đồng mua gạo, chạy hỏi mượn bà con và nghe những lời thở than, từ chối.

Một lần con bị công an bắt về tội cư trú bất hợp pháp, hôm đó, họ giữ con một ngày trời trong đồn từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, bên trong con bị nhịn đói, ngoài sân Khương ngồi chờ nắng nôi với cái bụng trống rỗng. Chiều được thả ra, tội nghiệp cháu vui mừng không tả nổi, vội nói con lên xe đạp chở về vì con đang khóc quá, không chạy xe được. Sáng hôm sau con lại phải tất tả đi kiếm chỗ ở khác nữa... cứ thế cho đến ngày rời khỏi Việt Nam.

Những tháng ngày dài buồn tủi vì sự đối đãi bạc bẽo, những cô đơn không người thân bên cạnh, con không bao giờ quên. Tết năm ấy, ngay đêm giao thừa, khi tiếng pháo vừa nổ râm ran đón mừng năm mới, Khương chạy thật nhanh vào phòng, con không biết chuyện gì, chạy theo vô, thấy Khương đang nằm trên giường khóc nức nở và mếu máo nói:

- Mẹ ơi, con nhớ ngoại quá!

Rồi hai mẹ con bắt đầu ôm nhau khóc, trong khi bên ngoài tiếng loa phóng thanh hát nhạc chào đón xuân hoà với tiếng pháo rộn rã vang rền, mùi khói bay vô tới trong phòng.

Đợi chờ, thương nhớ người nhà, chạy đôn chạy đáo cho từng bữa ăn, từng chốn ở, rốt cuộc thì chín tháng sau, con và Khương mới được đi.

Ngồi trên máy bay, nhìn ra cửa sổ, Saigon đang từ từ xa dần trong mắt con, con vui vì sắp gặp lại má và cũng buồn vô tận vì nghĩ sẽ không còn dịp nào trở về nơi chôn nhau cắt rún, nơi đó còn mộ ông bà, ba, anh Duyên, còn dãy phố làng một đời con thương nhớ.

Mấy tháng trời ở Phi Luật Tân trước khi qua Mỹ cũng qua nhanh. Nơi đó dù không ấm no nhưng không thiếu thốn, mỗi ngày Cao ủy tị nạn phát gạo và thức ăn, có chổ trú thân, được đến trường học hỏi về đời sống ở Mỹ để mình có thể hội nhập nhanh chóng khi đến.

Như một xã hội nhỏ được thu gọn, với đủ thành phần trong xã hội, thật phức tạp nhưng cũng rất thân tình. Bốn tháng ở đó, khi chia tay để lên đường sang Mỹ lòng con cũng cảm thấy lưu luyến những người vừa quen và rồi lại phải vĩnh viễn chia tay.

Hơn hai mươi bốn tiếng đồng hồ mệt mỏi trên máy bay, con không tài nào ngủ vì nôn nao, vui mừng khi nghĩ đến ngày gặp lại má.

Kia rồi, thành phố Fort Smith, thuộc tiểu bang Arkansas nơi con sẽ sinh sống đang dần dần hiện ra dưới mắt con khi máy bay đang từ từ xuống thấp. Những con sông uốn khúc, núi rừng xanh biếc, những mái nhà ẩn hiện dưới tàng lá rộng, xe cộ nối đuôi nhau trên các con đường như đàn kiến. Con và Khương đã mải mê nhìn và cố đoán xem ngôi nhà tương lai của mình chỗ nào. Tim con đập từng hồi, từng hồi, máy bay đang chạy dài trên phi đạo trước khi ngừng lại, con cứ dõi mắt nhìn xung quanh để cố tìm, tìm ai đây? Quả là con mừng quá đâm rối trí.

Con bước dần ra khỏi máy bay, bước chân lạng quạng vì ngồi lâu quá và cũng vì quýnh quáng nôn nao. Con đã thấy rồi. Má, chị Ba, chị Năm, Dũng... Khương chạy thật lẹ đến ôm ngoại, con nước mắt nhạt nhoà gặp lại má thương yêu.

Đặt chân trước thềm cửa nhà, con ngạc nhiên lẫn thích thú. Chà...sao mà sang và đẹp quá! Sàn nhà thảm đỏ như nhung, bỏ dép ra, con nhẹ bước lên... ôi' sao mà êm gì đâu! Phòng khách có đầy đủ sofa, TV, máy hát. Nhà bếp rộng rãi với bếp điện, lò nướng, tủ lạnh thiệt bự, rồi còn có bồn rửa chén với vòi nước nóng, lạnh. Vô bên trong, các phòng ngủ cũng được lót thảm, tủ áo quần đặt bên trong vách thật đẹp. Bước qua nhà tắm... y chang như nhà tắm trong các phim ngoại quốc, bồn tắm trắng tinh, đầy đủ nước nóng, lạnh, toilette chung trong này, tất cả thật sạch sẽ.

Buổi chiều. Anh Út, Khánh đi làm về, ăn uống xong chở má cùng mẹ con con đi chợ cho biết. Con như mán về thành với ngôi chợ rộng thênh thang, người mua tấp nập mà chẳng thấy bóng dáng kẻ bán nơi nào. Khách cứ đẩy xe đi vòng vòng chọn món mình cần, con trố mắt ngạc nhiên với bánh kẹo đầy dẫy, những bộ quần áo kỳ lạ, những mặt nạ ma quái. Anh Út cho con biết bên này có ngày lễ Halloween mỗi năm vào cuối tháng 10, con nít và người lớn hoá trang với hình thù quái dị và đi xin kẹo. Anh cũng nói về cách buôn bán ở đây không như Việt Nam, khách hàng tự chọn đồ mình cần rồi mang ra quày tính tiền, giá cả có sẵn, không cần trả giá.

Ra khỏi chợ, mặt trời vẫn chói chang dù đã hơn tám giờ tối, con được biết mùa hè ở đây ngày rất dài, khi con qua là giữa tháng tám... lạ quá, thật là lạ đối với con ngày đầu đến Mỹ.

Đêm đó, con nằm chung phòng với má. Hai mẹ con rì rầm nói đủ chuyện. Má có vẻ khỏe mạnh hơn lúc còn ở Việt Nam. Má kể con nghe về hàng xóm mới của má, về bà bạn Việt Nam mỗi chiều cùng má đi bộ vòng quanh khu chung cư này.

Một tháng rưỡi sau, con sanh cháu Bình. Lúc này con đã ở riêng, cách má vài căn thôi nên mỗi ngày vẫn qua lại.

Đột nhiên, ngày kia, má nói với con:

- Sao tự nhiên hai mắt má tối thui, má không nhìn thấy gì hết.

Con hoảng hốt, gọi anh Ba, anh đưa má đi Bác Sĩ. Ông cho biết do biến chứng bệnh tiểu đường đã xảy ra từ rất lâu mà gia đình không biết để kịp thời chữa trị, đến chừng sang Mỹ thì đã quá muộn.

Má ơi! Biết phải làm sao để đem ánh sáng trở về cho má đây má? Mới trùng phùng chưa được bao lâu, giờ má phải chịu cảnh mù loà, không còn được dịp thấy mặt cháu con nữa.

Con trở lại ngồi ghế nhà trường sau mười mấy năm ra đời với nhiều nỗi vui buồn, sướng khổ. Con mong sẽ được cơ hội học đến nơi đến chốn, nối tiếp quãng đời đang dở ngày xưa... những ngày ôm sách vở đến cùng thầy cô và bạn bè, Mỹ, Nhật, Tàu Việt Nam, Lào... đủ giống dân nhưng nơi đây chỉ cùng một tiếng nói, ai cũng dùng tiếng Anh khi giao tiếp. Thậm chí, biểu lộ bằng cách ra dấu và rốt cuộc cũng vẫn hiểu nhau hết.

Đi học được vài tháng thì má bị đau nặng phải nằm nhà thương. Con tạm thời nghỉ học để chăm sóc má. Rồi trường học giống như cái chợ đối với con, học vài tháng, nghỉ vài tuần. Cho đến một thời gian sau, con quyết định nghỉ hẳn ở nhà.

Má tuy không nhìn thấy nhưng nhớ dai và rất thính tai.

Bình được hai tuổi thì cả nhà tổ chức đi Cali chơi. Nơi mình ở phi trường nhỏ đi hơi mất thì giờ nên Khánh mua vé máy bay đi tại Tulsa một thành phố thuộc tiểu bang Oklahoma cách nhà mình hai giờ lái xe. Lúc má mới qua trước một mình nên ở chung nhà với anh chị Ba, anh Chị thường chở má đi đó đây, Tulsa cũng là một trong những nơi má từng đi vì Ngọc học ở đó. Trên đường đi, xe đang chạy êm ả, bỗng nhiên tiếng bánh xe nghe dằn như đang chạy trên sỏi đá. Má nói:

- Gần đến chỗ trả tiền rồi đó, soạn tiền sẵn đi.

Con còn đang ngơ ngác, không biết má muốn nói gì thì đã đến một cái cổng, có cây chận ngang. Khánh quăng tiền cắc vô một cái thùng ngay đó, tức thì cây chận tự động đưa lên cao cho xe chạy qua. Tới một quảng khác cũng y như vậy và má cũng lại nhắc soạn tiền sẵn. Con phục trí nhớ của má quá.

Khi tới phi trường, sau mọi thủ tục, mọi người bước lên tầng trên. Trước mắt là cái thang cuốn. Chị bạn ở Việt Nam mới qua cũng đi đưa nhà mình ra phi trường, Chị vội nắm tay má bước lên cầu thang. Dè đâu thang tự động, không ngừng mà Chị không biết, thế là má trợt chân té. chị té theo, con đang ẵm Bình, vội chạy lại đỡ má và cả bốn người lăn cù mèo xuống đất hết.

Qua đến Cali, ở nhà Bích Vân, má bị đau mình mẩy đền nỗi không thể bước đi được, mỗi ngày, vợ chồng Bích Vân đưa mọi người đi chơi, riêng má con mình ở nhà. Hai ngày trước khi về lại Fort Smith, Anh Tín, chồng của Bích Vân đề nghị đi Disneyland, anh nói chở má theo luôn cho vui.

Tội nghiệp quá, suốt một ngày anh đẩy má trên xe lăn để tụi con đi vòng khắp nơi coi cho biết. Con thích quá, như đang lạc vào xứ thần tiên với Bạch Tuyết bảy chú lùn, với thằng người gỗ, nàng công chúa lọ lem, Mickey và Mini mouse... Con cứ hết hồn muốn té khi xem phim 3D. con nhắm mắt, tim đập thình thịch khi ngồi trên mấy cái ride lên thật cao, đong đưa qua lại...

Sau chuyến đi chơi đó, cả tháng sau má mới khỏe lại hoàn toàn. Bây giờ má không đi bộ bên ngoài nữa, anh Ba mua một chiếc xe đạp cho má tập trong nhà. Má chịu khó lắm, mỗi ngày ăn uống xong là má lần mò tới chỗ để xe đạp và tự tập. Má như có cái đồng hồ trong bụng, con để ý thấy đúng 30 phút là má ngưng.

Ngày qua ngày, sức khỏe má yếu dần theo năm tháng, thỉnh thoảng, đường lên cao, má xỉu, lại phải vào nhà thương. Má rất hiền và dễ chịu, không bao giờ than phiền hay tỏ ý bực dọc với ai, đến nỗi các cô y tá nói:

- Má mày hiền quá, tao ước gì tất cả bệnh nhân đều như vậy!

Lần cuối cùng, Bác sĩ nói với con, má đã lớn tuổi quá rồi, tim có thể ngừng đập bất kỳ lúc nào, bệnh viện không làm gì được nữa. Thế là con đưa má về, mỗi tuần có nhân viên hospice đến đo đường, đo máu. Trong mấy tháng trời ròng rã, má ngày càng ốm, không nói năng gì, suốt ngày chỉ gọi Bình, Khương..., con biết má thương tất cả con cháu nhưng vì hai đứa ở cùng nhà với má từ lúc mới sanh nên má chỉ nhớ được tên hai đứa nó mà thôi.

*

Má ơi, con thật muốn là mình đang nằm mơ khi cô y tá đến nhà, xác nhận tim má đã ngừng đập. Con không muốn tin đây là thật đâu...

Những ngày Vu Lan, con đến chùa và buồn bã nhận đóa hồng trắng cài lên áo. Ngày lễ mẹ sắp đến, con nhớ hoài mỗi năm, chị Ba hay mua món ngon đến cho má ăn. Sau khi má đã mất rồi, tụi con đem tro ba má và anh Duyên qua chùa Viên Giác ở Oklahoma thờ, có một lần, Chị Ba đi thăm Linh nhằm ngày Mother's Day, Chị mua bánh và ghé ngang chùa cúng má. Lúc sanh tiền, má rất hiền, thương yêu con cháu. Dù Má đã ra đi không bao giờ trở lại, tất cả chúng con lúc nào cũng nhớ má, thương thương. Ngày Lễ Mẹ đang đến, con đang nhớ má quá má ơi!

Fort Smith, 12-12 AL, năm 2017

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
12/05/201716:51:39
Khách
Một bài viết hay nhân ngày Lễ Mẹ sắp đến.

Cho dù có nhớ nhung người thân đã qua đời đến chất ngất đi nữa thì cũng cảm thấy vui mừng rằng ở thế giới bên kia, người thân của mình không còn phải vật lộn đau đớn với các bệnh tật, các chứng mắt lòa, tai điếc, chân tay bại liệt, v...v...Chết là một sự giải thoát khỏi các khổ đau.

Mừng cho tác giả đã được đoàn tụ và có cơ hội được phụng dưỡng thân mẫu bên xứ người tự do.
12/05/201714:48:11
Khách
Lời văn bình dị, mộc mạc làm tăng thêm phần cá tính hiền lành của người mẹ thật Việt Nam. Rất mừng chị không bỏ cuộc lạc đề và đã trở lại vẫn với giọng văn êm ấm đầy ắp tình người.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến