Hôm nay,  

Bà Ngoại Tôi

11/05/201700:00:00(Xem: 10172)

Tác giả: Năng Khiếu
Bài số 5114-18-30794-vb5051117

Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt năm 2016.

* * *

Những chuyện buồn, của người lớn tuổi tại Mỹ, bị con cháu bỏ quên, cô đơn, phiền muộn, đã được nói đến nhiều. Nhưng cũng có những người đang sống chung với con cháu, được kính trọng thương yêu, như một thành viên quan trọng trong gia đình. Tôi viết bài này mong đem lại chút hy vọng và tin vui cho qúy vị đang trở thành lão niên tại Hoa Kỳ.

*

blank
Ông ngoại tôi mất sớm, một mình ngoại nuôi đàn con mười đứa. Bây giờ thêm ra hơn bốn mươi đứa cháu, gần hai mươi chắt, được ba chút, chưa có chít. Mọi người xum họp quanh ngoại.

Bà ngoại tôi sanh vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi, tại làng Quân Triêm Phát Diệm, miền Bắc Việt Nam. Má tôi là con cả của ngoại, má thường nói: “Bà ngoại ngoài chín mươi, mà yếu như người trăm tuổi”. Tại vì hồi trẻ ngoại vất vả quá, gần một thế kỷ qua bà ngoại lưu lạc từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam sang đến Hoa Kỳ. Lúc nào lòng ngoại cũng nhớ về quê hương bên kia biển Thái Bình. Chuyện bây giờ thì nói trước quên sau, nhưng chuyện xảy ra từ một nghìn chín trăm ngày xưa thì bà ngoại kể vanh vách.

Sau Hiệp Định Genève năm 1954, bà ngoại tôi cùng với hàng triệu người miền Bắc di cư vào Nam, đã mang theo trong “tay nải” nỗi đau trốn chạy, đã liều bước dắt díu con cháu thoát cơn bão Cộng Sản.

Đầu năm 1975, cơn bão ấy đã thành cơn lốc xoáy vào tới miền Nam Việt Nam để “giải phóng” phần đất còn lại, thì đời sống dân chúng xuống dốc nhanh như xe không phanh. “Nguỵ quân, ngụy quyền” bị hốt đã đành. Sau ba lần đổi tiền bọn “nguỵ dân” kinh tế cũ chới với, phải đi “kinh tế mới”, không thì đi thẳng ra biển mà tìm đường sống. Như một phong trào, bà ngoại tôi cũng lo cho ba cậu đi vượt biển trước. Đó là lý do bà ngoại tôi có mặt tại nuớc Mỹ, để bây giờ chúng tôi có ngoại bên cạnh.

Thế rồi người đi trước rước người đi sau, nào diện tỵ nạn HO, diện ODP… Đến đầu xuân 2014, nguời con thứ mười của ngoại là người cuối cùng, vĩnh biệt Việt Nam ra đi, mang theo bình tro cốt của ông ngoại, hạ cánh an toàn xuống phi trường LAX. Để xum họp với bà ngoại tôi tại Hợp Chủng Quốc này.

Ông ngoại tôi mất sớm, một mình ngoại nuôi đàn con mười đứa. Bây giờ thêm ra hơn bốn mươi đứa cháu, gần hai mươi chắt, được ba chút, chưa có chít.

Cách đây hai mươi lăm năm. thuở bà ngoại tôi mới đến Mỹ, các cậu đón ngoại về nhà cậu Tư ở Westminster, nhà cao cửa rộng, sân trước vườn sau. Vậy mà cũng như các vị cao niên khác ngoại không dễ dàng hội nhập vào xã hội mới, năm đầu ngoại bị shock nên đòi về Việt Nam miết. Năm sau gia đình tôi đến Mỹ theo diện HO kịp giữ bà ngoại ở lại luôn. Ngày ấy chúng tôi còn nhỏ đã được ngoại nuôi nấng, dậy dỗ, để ba má tôi yên tâm đi làm, và dành dụm mới tạo dựng được cơ ngơi rộng rãi như bây giờ, để ngoại an dưỡng tuổi già. Khi Ngoại bước qua tuổi gần chín mươi, thì ba má tôi cũng đến tuổi retired, nên ở nhà chăm sóc ngoại luôn.

Các anh chị lớn đều đã có gia đình và ở riêng, còn một anh và tôi là Út, cháu gái được bà ngoại cưng nhất nhà, chỉ tội “ống chề” nên ở chung phòng với ngoại, canh chừng ngoại ban đêm cho má. Quan sát tuổi già của ngoại, tôi nghiệm ra một điều, ngoài số mệnh Trời định, con người sống thọ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường sống. Được con cháu thương yêu săn sóc, mới hưởng được phúc lộc mà Trời ban thêm cho mình. Đời người hiếm ai vượt qua tuổi “bách niên”.

Cơ thể của ngoại tôi như chiếc xe cũ rệu rạo, như cỗ máy lâu ngày đã mòn, lúc ngừng lúc chạy. Vài năm lại phải vào nhà thương làm máy lại một lần. Bệnh tật ngoài ba cao một thấp (cao máu, cao mỡ, cao đường, và thấp khớp). Ngoại còn mắc bệnh suyễn, phải thở bằng máy (nebulizer) ngày bốn lần. Phổi yếu, Bác sĩ nói: “đặt ống nghe sau lưng chỉ thấy ro ro như gió rì rào”, mười năm nay, ban đêm ngoại phải thở oxy, quàng sợi dây vào mũi (connector tubes) với oxygen tank kê cạnh giường. Bao tử của ngoại đình công không chịu làm việc. Hàm răng giả ngoại tôi mang hai mươi năm, trắng mà đều như hạt bầu, làm tăng vẻ đẹp mỗi khi ngoại cười, đến năm bước vào tuổi “Cửu Thập”, lợi của ngoại teo lại không còn nướu mà dán keo “lợi thì có lợi mà răng chẳng còn”.

Vì thế sáng nào má tôi cũng dậy sớm nấu cháo cho ngoại, má tôi nói: “Nấu cháo cho ngoại phải có bài có bản, ngoại mới ăn được” thỉnh thoảng má tôi đi đâu vắng nhờ ai nấu má dặn dò kỹ lắm, tôi nghe đến thuộc lòng. Này nhé một cup gạo nâu, bỏ chung với rau hoặc quả (mỗi ngày một thứ như: bầu, bí, khổ qua, xu hào, bắp thảo, cải làn, v.v…) Khi cháo sôi thì cho vào một miếng nạc heo hoặc ức gà nhỏ, bằm nhuyễn ướp hành hương, chút nước mắm. Hớt bọt liên tục, để riu riu lửa, thỉnh thoảng quậy lên cho đều. Hấp một miếng cá Hồng hoặc sea Bass fillet bằng nắm tay, trong nồi khác, khi nào cá chín ướp một thìa soup nước mắm. Đợi cháo gần được, bỏ cá vào quậy đều, để cháo sôi vài sấp cho đặc quẹo, đậy vung lại một lúc rồi tắt bếp. Ngày hai bữa má tôi phải căn, khi nào ngoại sửa soạn ngồi vào bàn ăn, má tôi hâm nóng, múc cháo vào ly lớn, xay trong chiếc máy hiệu NUTRI NINJA 1000W loại thật mạnh, để cháo nát nhưng vẫn đặc, và dẻo (tôi nếm thử ngon tuyệt) cháo cá phải ăn nóng hổi. Giờ xế chiều ăn trái cây, lê và bơ má tôi cũng xay nhuyễn vậy. Mỗi ngày ngoại đỡ phải uống hai viên thuốc bao tử, nhìn bà ngoại ăn ngon lành, má tôi mừng lắm, quên cả mệt nhọc “Của một đồng công một nén”. Đầy đủ bổ dưỡng da dẻ ngoại lúc nào cũng hồng hào.

Bà ngoại tôi khó ăn nhưng dễ ngủ, ngồi đâu ngủ đó. Tối, nằm xuống là ngáy khò khò. Nếu ngoại mà “Ăn được ngủ được là tiên” như câu vè trong dân gian, thì đỡ cho má tôi quá. Nhưng ngoại tôi chỉ như chiếc lá, mỗi khi đổi mùa “Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đông lại về”. Nửa đêm thức giấc, nghe ngoại rên hừ hừ, vì đau nhức mình mẩy, chân tay.

Có câu “Bà lão là đứa bé sống lâu”, nhưng cái non nớt của một đứa bé đang dần dần phát triển, như một cây non tươi tốt. Ngược lại cái yếu đuối của người già thì từ từ đi xuống cho đến khi sức lực yếu dần rồi cạn kiệt, nên chăm sóc mẹ già thường đem lại xót xa tiếc nuối. Anh Hai tôi có tánh khôi hài, hay ôm vai ngoại rồi so sánh: “Ngoại ơi! Thằng cu Don nhà con năm trước nó cười không có răng, và mặc tã như ngoại, nhưng năm nay răng nó gần đầy hàm, và bỏ tã rồi, còn ngoại thì vẫn hăng rết mà tã thì tăng lên”. Nghe vậy ngoại cười móm mém thật dễ thương. Nhưng tóc ngoại tôi còn dầy lắm, chưa bạc hết chỉ muối nhiều hơn tiêu, má tôi cắt tóc ngắn kiểu demi-garcon gọn ghẽ, trông rất ư là đẹp lão, mà mỗi lần tắm gội lại dễ, má tôi kỳ cọ từ đầu đến chân, xong xuôi mặc tã và quần áo cho ngoại như một em bé “Một già một trẻ bằng nhau”. Các cậu thương má tôi, cứ nói: “ Cám ơn chị đã vất vả gánh tuổi già của mẹ cho chúng em”. Kinh Thánh đã ca tụng “vì tuổi già là hồng ân của Thiên Chúa”.

Dù hàng tháng Bác Sĩ đến khám bệnh cho ngoại tôi tại nhà, thuốc men đầy đủ, chích ngừa đủ các kháng thể. Nhưng ba năm nay ngoại phải cấm cung trong nhà, vì bước chân ra ngoài hiên, là bị vi trùng cảm cúm, dị ứng, rình rập tấn công. Sáng Chúa Nhật ngoại xem lễ trên T.V. Chiều có các vị Thừa Tác Viên trong xứ đạo đem mình Thánh Chúa đến nhà cho ngoại rước. Nhưng dù sao gia đình tôi cũng hạnh phúc và may mắn, vì ngoại tôi còn đi lại trong nhà chầm chậm với cây gậy, má tôi phải để mắt dòm chừng, sợ ngoại té nằm liệt một chỗ, còn khổ hơn. Mỗi lần ngoại ốm nặng cứ nằm nhắm mắt, không muốn ăn uống. Má tôi vừa thí thỏn vừa đút cho ngoại từng thìa cháo lót lòng, để còn uống thuốc mới khỏi bệnh được, má tôi mải lo cho ngoại quên là mình cũng gần “thất thập”, khi bà ngoại bình phục thì má tôi gục xuống. Ba và các anh chị tôi, chỉ sợ má bị stress mang họa vào thân, rồi chết trước bà, nên ba con xúm nhau vào take care bà, phụ cho má. Viết tới đây tôi lại nhớ hồi còn nhỏ ở Việt Nam, thấy bà nội tôi là con dâu, mà chăm sóc mẹ chồng, là bà nội của ba tôi, 105 tuổi bà cố mới quá vãng. Bà nội tôi ra đi năm 74 tuổi.

Tay chân ngoại tôi run rẩy, bước đi loạng quạng, tai thì nghễng ngãng, mắt mơ huyền, nhưng tiếng nói còn sang sảng, gặp ai mà chịu ngồi nghe, thì ngoại kể liên tu bất tận chuyện nọ xọ chuyện kia. Nói nhiều là niềm vui của ngoại. Ba má tôi muốn đi đâu phải thay phiên nhau, thấy vắng ai ngoại lo sợ và hỏi miết: “Ba nó đi đâu? Má nó đi đâu rồi?” Nên thỉnh thoảng má tôi đi họp mặt bạn học, hay hội các Bà Mẹ Công Giáo trong giáo xứ cũng mau chóng mà về, có ai giữ lại, thì má tôi nói đùa: “Em xin phép về trước vì mắc con thơ ở nhà” mới nghe ai cũng ngớ ra, nhưng khi hiểu truyện mẹ già đang trông, thì mọi người đều thông cảm. Hàng năm vào ngày Mothers Day, phiên họp trong hội các bà mẹ Công Giáo cũng dành ra nửa tiếng, để mọi người chia sẻ về mẹ của mình. Có nguời mẹ đã mất, có người mẹ còn ở Việt Nam, ai cũng có những kỷ niệm vui buồn về mẹ. Nhưng rất ít người còn có mẹ bên cạnh nơi quê hương thứ hai này, nên mọi người ngưỡng mộ và chúc mừng má tôi.

Vào những dịp lễ lớn trong năm, hoặc Tết nhất, má tôi và các dì tha hồ trổ tài nấu nướng. Con cháu xum họp quanh ngoại cả bốn năm chục người. Ngoại nhớ tên từng đứa, mỗi năm lại thêm cháu, chắt mới ngoại cũng nhớ hết. Lúc trẻ bà ngoại tôi tánh tình hiền hậu, vị tha, nên giận ai chỉ được một lúc là quên, có lẽ vì vậy mà ngoại sống thọ. Những cousins của tôi đều thương yêu, qúy mến bà, thường đến thăm nom vào cuối tuần. Còn những dịp lễ nghỉ, ở lại vui chơi ăn uống, hát karaoke xong, quay ra lập sòng bầu cua cá cọp hoặc lô tô, cười nói, vui chơi tới khuya mới về. Những lúc đó ngoại nhìn đàn con cháu, với vẻ tràn trề hạnh phúc,sung sướng. Tôi thầm nghĩ: Nếu người ta gọi “tuổi trẻ là tuổi ngọc” thì ngoại tôi đang hưởng tuổi “kim cương, hột xoàn”. Mặc dù sau buổi tiệc, mọi người lo xắp xếp bàn ghế rồi thu dọn mệt nghỉ, nhưng thấy ngoại vui, gia đình tôi cũng vui lây.

Cách đây ba năm, đại gia đình tổ chức mừng lễ thượng thọ cho ngoại. Con cháu lớn bé đang quây quần chúc ngoại sống lâu trăm tuổi. Bỗng một bà dì em họ của má tôi, là khách mời từ bên Texas qua, giơ tay phát biểu: -Cháu cũng xin chúc mừng bác “Bách niên giai lão” rồi bà vô duyên quay qua mọi người nói tiếp: “Ở Việt Nam tôi thấy mấy người được con cháu mừng thượng thọ xong, vài tháng sau là chết” làm cả nhà chưng hửng. Nhưng từ đó ngoại tôi bị ám ảnh, ngoại cứ hỏi: “Từ hôm mừng thượng thọ cho bà đến nay được mấy tháng rồi vậy con?”

Thế rồi Noel năm đó sau khi đi lễ về, ngoại ốm nặng ba ngày không ăn uống chi, không ngồi lên nổi, không thở ra hơi. Báo cho Bác Sĩ gia đình, thì ông nói ba tôi chở ngoại vào nhà thương gấp, nhưng ngoại không chịu đi, má tôi phải kêu cậu Tư qua khuyên ngoại. Thấy ngoại mệt cậu tôi kêu 911, khi hai nhân viên cấp cứu đặt ngoại trên chiếc giường có bánh xe, đẩy ngoại ra tới cửa, ngoại còn cố ngóc đầu lên nói: “Để mẹ chết ở nhà, mẹ không đi nhà thương đâu!” vì ngoại tôi ghét đi nhà thương lắm.

Con cái thay phiên nhau nuôi ngoại, thấy mặt má tôi đưa cháo vào và nhận ca trực, là ngoại trách: “Sao con đưa mẹ vào đây, ngày nào họ cũng lấy máu ba bốn lần, đau lắm con ạ! Cho mẹ về nhà đi” má tôi nghe mà muốn đứt ruột. Nhưng ngoại tôi bị viêm phổi cấp tính, phải có mặt nạ chụp vào mặt để thở oxy, không về được. Ngoại nằm được mười ngày, thì ông Bác Sĩ gia đình đã chữa trị cho ngoại tôi hơn mười năm nay, vào thăm, ông nói với các cậu rằng: “Phải đưa cụ vào trung tâm phục hồi, hoặc nursing home mới sống được, trong đó có đủ máy móc, có Bác Sĩ, Y tá túc trực 24/24. Vì tim, phổi, và bao tử của cụ bây giờ yếu lắm không hoạt động, khi cụ ngủ là cơ thể ngủ luôn không dậy nữa”. Nghe vậy ai cũng lo sợ.

Ba má tôi và các cậu các dì bàn nhau, thôi cứ đưa mẹ về nhà tới đâu thì tới, chứ tình trạng này mà đưa mẹ vào nursing home chắc mẹ vừa giận vừa buồn còn chết sớm hơn. Lần đó về tới nhà má tôi đổi Bác Sĩ gia đình cho ngoại, qua Bác Sĩ Ngô Bá Định, ông còn rất trẻ, vừa mát tay vừa tận tâm. Ông kê toa thuốc mới cho ngoại, và xin được phép, để nhóm y tá 247 HOME CARE đến nhà theo dõi và chữa trị khoảng bốn tuần, thì ngoại bình phục. Xin cám ơn các Bác Sĩ, y tá và các nhân viên trong bệnh viện đã tận tình cứu chữa, cám ơn nước Mỹ, nhờ ngành khoa học và y học tân tiến. Để chúng tôi vẫn còn ngoại trong một mái nhà ba thế hệ. Từ đó má tôi bắt chước trong nhà thương nấu cháo xay đặc như tôi kể ở trên. Nên đến nay đã ba năm rồi, mà ngoại tôi vẫn sống vui, sống tỉnh bơ, tuy không khỏe lắm. Từ ngày Bác Sĩ N.B.Định chữa bệnh phổi có nước cho ngoại tôi, đến nay đêm ngoại không phải thở Oxy nữa.

Tôi thường xoa bóp cho ngoại trước khi ngủ, để nghe kể chuyện ngày xưa, có nhiều chuyện ngoại kể đi kể lại, đến nỗi vừa mở đề là tôi đã biết đoạn kết, nhưng tôi vẫn im lặng nghe cho ngoại vui.

Ngoại kể rằng má tôi là đứa con ngoan ngoãn, hiền lành, từ thuở bé đã chịu thương chịu khó làm lụng, nhưng học hành không thông minh và lanh lợi bằng các dì, nên lúc ông ngoại còn sống thường gọi má tôi là “Cả Đẫn” còn cậu tôi là “Tư Đần” vì cậu hay trốn học. Nên má và cậu tôi thường bị ông ngoại giáo huấn bằng cách “thương Thì cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhờ vậy mà lớn lên má và cậu tôi bước chân vào đời, luôn chịu đựng được gian nan, vượt qua những khó khăn và thành công về mọi lãnh vực.

Lúc cuối đời, ông ngoại đã nhìn ra má tôi là người con có thể giúp mẹ lo cho đàn em, nên đã trối trăn cho má tôi nhiều điều. khi ông ngoại tôi mất, má trên hai mươi, còn em út mới hai tuổi, má tôi là cánh tay phải của bà ngoại, luôn bên cạnh nâng đỡ và an ủi để ngoại vượt qua những lo toan giữa bầy con nhỏ dại. Má tôi thương ngoại lắm, tính không lập gia đình, để ở bên ngoại suốt đời. Nhưng vừa mãn tang ông ngoại, bà ngoại đã “chấm” ba tôi rồi, và một lần nữa má tôi lại vâng lời ngoại, nên ba tôi nhớ ơn ngoại tới bây giờ. Ba tôi thương bà ngoại và các em của má tôi như ruột thịt, ngoại cứ bảo: “Thằng Hai là con trai của tôi, nó tốt và tử tế với tôi lắm”.

Thật ra đại gia đình của bà ngoại xum họp, đầy đủ quanh bà như ngày nay, tuy bà và các cậu bảo lãnh. Nhưng cũng một phần nhờ ba má tôi lo giấy tờ, rồi đón rước và giúp đỡ các dì dượng vào những ngày đầu còn bỡ ngỡ nơi vùng đất xa lạ này. Người nào mới qua cũng ở nhà tôi từ vài tuần đến vài tháng. Quen đường, quen lối rồi thuê nhà ra riêng, nhưng ngoại tôi lẩm cẩm cứ muốn cho các dì ở với ngoại cho vui, nên trách má tôi: “sao con để cho các em đi đâu vậy, không ở đây với mẹ?!” (Má tui rầu thúi ruột, mà không dám nói, sợ ngoại buồn).

*

blank
Gia đình thăm tro cốt ông ngoại đặt dưới chân Chúa Chiên Lành.

Người đời có câu: “Một mẹ nuôi mười con, mười con không nuôi được một mẹ”. Nhưng trường hợp ngoại và má tôi thì phải nói: “Con bảy mươi nuôi mẹ chín mươi” bi ai lắm, vì má tôi ngồi xuống đứng lên, cũng hai tay chống đầu gối. Thấy má tôi tủi thân khóc thầm, không cho ngoại biết mà thương má vô cùng.

Sau trận ốm nặng, chết đi sống lại, bà ngoại tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi nghiệm được rằng con người khi về già tánh tình thay đổi từ dễ qua khó, hoặc ngược lại. Như bà ngoại tôi, đang vui quay qua giận. Con xa thì thương, con gần thì thường. Má tôi hầu hạ lỡ sai sót, hay điều gì ngoại không vừa ý, đợi các dì tôi đến méc lại, cho có chuyện mà than vãn với con, để được một chút thương hại thân già! Có dì nói cho má tôi biết để má sửa đổi, có dì lại lấy câu chuyện làm quà, đổ dầu vào lửa. Bởi tính ích kỷ, dì cũng muốn mình là con cưng trong lòng ngoại. Nhưng rồi hôm sau ngoại không kiểm soát được lời mình nói, ai nói sao ngoại vô tình đọc y chang cho má nghe, làm má tôi đau lòng. Khi mẹ già cần chăm sóc, nhiệm vụ khó khăn, thiên chức nhọc nhằn, má tôi phải sớm viếng khuya hầu, đã không thương chị, còn điều ra tiếng vào. Đúng là “Thức lâu mới biết đêm dài, sống lâu mới biết lòng người có nhân” Đã lộ ra người tốt, kẻ xấu. Lợi dụng trí óc ngoại bây giờ lúc nhớ lúc quên, người thì thời cơ, kẻ thì mồm miệng đỡ chân tay. Bệnh hoạn làm ngoại tôi trở lên như trẻ thơ, được nhiều con trân qúy, nuông chiều. Ngoại nhìn lại, thấy má tôi vừa vụng về lại không biết ngọt ngào.

Suy cho cùng “Anh em kiến giả nhất phận” Trời cho cha mẹ tuổi thọ trăm năm, mới nhận rõ chân tướng không lấy gì làm vinh dự. Chị em một mẹ sinh ra, khúc ruột trên khúc ruột dưới, đến khi lớn khôn mỗi người một tính một nết “Cha mẹ sinh người trời sinh tính”.

Tội nghiệp bà ngoại tôi, ở tuổi cuối đời, chị em thì chết hết, bạn bè cùng lứa không còn tâm sự được. Từ ngày định cư ở Mỹ, lạ người, lạ tiếng, ít tiếp xúc với xã hội mới để thấy cảnh khổ, hay đang buồn bã trong dưỡng lão, của những kẻ khác. Bà ngoại tôi sinh ra vào thời đại của thế kỷ trước, nên nhân sinh quan của ngoại khác nhiều với thời đại ngày nay. Thời xưa các bậc cha mẹ nhìn con cái cho dù lớn đến đâu cũng luôn còn nhỏ bé dưới mắt mình, cần phải chỉ bảo và dạy dỗ, nên dễ bực bội với bất cứ việc gì làm trái ý mình. Luôn chứng tỏ uy quyền làm cha mẹ, sẵn sàng trách mắng, không cần biết nó buồn hay vui. Đã làm tổn thương con cái. Và cứ nghĩ phụng dưỡng mình là bổn phận tất nhiên, nên không quý cái lòng hiếu thảo của những đứa con tử tế đối với mình.

Vì má tôi lãnh phần trông coi ngoại, nên dù nghỉ hưu mấy năm nay, cũng chưa dám phác họa một cuộc du lịch xa. Thấy vậy trước Tết vừa qua anh chị tôi kỷ niệm mười năm đám cưới, lấy vacation ở Hawaii sáu ngày, mời ba má, và tôi cùng đi với gia đình anh chị cho biết đó biết đây. Trước khi đi, má tôi nhờ sáu em gái chia nhau chăm sóc ngoại, má dặn dò cách nấu, chỉ bảo cách xay cháo, và tắm rửa cho ngoại. Má tôi mới đi đến ngày thứ ba ngoại đã ốm nặng vì không ăn không ngủ được, dì Lớn trách dì Bé nấu cháo lỏng mà lại nhạt, mẹ không ăn được. Dì Bé trách dì Lớn đêm nói chuyện nhiều quá không để mẹ ngủ, dì Út thì tắm cho mẹ để dằm nước lâu quá, mẹ bị cảm ho không thở được, khi má tôi về đến nhà thì bà ngoại đi không nổi, các dì phải bỏ vào ghế khiêng, mặt mày xám ngoét hốc hác. Má tôi gọi điện thoại gấp mời Bác Định, ngày hôm sau khám xong, ông xin người mang máy chụp phổi tại nhà, ngay chiều đó có kết quả là, phổi ngoại tôi có nước. Bác Sĩ kê toa thuốc xong, xin nhóm 247 HOME CARE đến nhà chăm sóc, nhờ kịp thời ba tuần sau ngoại tôi khỏi. Anh chị tôi nói: “Má phải để cho các dì hiểu rằng chăm sóc ngoại không phải là dễ”.

Chứng tỏ là ngoài má tôi ra, không có dì nào kiên nhẫn nuôi bà ngoại sống tới ngày hôm nay. Má tôi chống chế: “Vì các dì còn bận đi làm, không có thì giờ rảnh. Vả lại dì nào cũng ở nhà lầu nên ngoại muốn đến cũng không leo được cầu thang. Tội nghiệp”.

Mặc dù biết có dì không tốt, nhưng má tôi không giận (má thật dễ) buồn thì má tôi chỉ âm thầm lấy tay lau nước mắt. Má tôi nghẹn ngào: “Thôi kệ ai tệ với mình thì có Chúa biết. Ông ngoại biết và phù hộ cho má khỏe mạnh để lo cho bà ngoại là được. Làm con phải báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục, mới trọn đạo hiếu với cha mẹ, đó là điều Thiên kinh Địa Nghĩa. Cuộc đời là tạm bợ, hạnh phúc thì mong manh. Mai sau này đứng trước cảnh sinh ly tử biệt, lòng không hối tiếc. Cũng nhờ chăm sóc bà ngoại mà má rút kinh nghiệm và suy nghĩ về tuổi già của mình, để mai sau mà đối xử với con cái”. Tôi ôm má nói nhỏ: “và con cũng biết, khổ cực thể xác, không bằng nỗi đau trong tâm hồn”. Bất chợt mắt tôi cay cay.

Má tôi cười buồn, nhắc lại những kỷ niệm ngày mới qua Mỹ. Ngày ấy nghe tin má tôi đậu phỏng vấn, ngoại mừng lắm, mong từng giờ từng phút. Ngoại bảo nếu không có má chắc ngoại về Việt Nam mất tiêu rồi. Lúc bấy giờ chỉ có mình má tôi là con gái, được ngoại cưng hết cỡ. Rồi ngoại dắt má đi chợ Lucky gần nhà, chỉ cách bấm đèn để đi bộ qua đường. Dẫn má tôi đi lễ ở nhà thờ Westminster, khi tan lễ, hai mẹ con đi bách bộ quanh công viên cuối nhà thờ, vào những buổi hoàng hôn nắng vàng úa và ngày sắp tàn. Gặp người quen ngoại giới thiệu với niềm vui lẫn chút tự hào: “Con gái tôi mới qua”.

Vậy mà đã mấy chục năm. Dòng đời nhanh chóng trôi qua, như một giấc mơ ngắn ngủi. Bây giờ hai mái đầu cùng bạc như nhau.

Nhớ bài ca dao má thường ru tôi ngủ:
Bồng bồng cá bống chặt đuôi,
Con tôm bóc nõn mà nuôi mẹ già.
Mẹ già như chuối chín cây,
Như quả thìu lựu như cây táo tàu.
Mẹ già khó nết em ơi,
Khoan ăn bớt ngủ nhịn lời mẹ cha.
Nhịn cho yên cửa yên nhà,
Yên kèo yên cột yên xà đường tay.

Năng Khiếu

Ý kiến bạn đọc
21/12/201701:54:15
Khách
Hình như thế giới này có một ngôn ngữ chung lắm người xử dụng. Ngôn ngữ Mẹ. Nên chi, đọc những bài viết về mẹ của người khác mà cứ ngờ ngợ... lạ lùng!

Mẹ già vóc hạc liêu xiêu
Mẹ là kết tủa vạn điều yêu thương
Đời mẹ vất vả trăm đường
Mẹ là ngọt mật thơm hương địa đàng
Mẹ già sủng lộc Trời ban
Mẹ là tinh tuý của ngàn lời ru
Mẹ là con dẫu mịt mù
Là Mẹ chỉ Mẹ thiên thu mong chờ
12/05/201700:16:40
Khách
Chuyện một đại gia đình quay quần lo cho bà như vậy that rất cảm động và hạnh phúc, nhất là đang ở trên xứ Mỹ mà còn giữi được tình nghiã mẹ con, bà cháu mà lo được cho bà tại nhà là điều rất hiếm trên xứ Mỹ này. Tôi cũng thích một gia đình lớn đoàn tụ như vậy, chỉ tìếc ba mẹ tôi đều mất sớm, bây giờ thì có saú anh chị em đều có gia đinh và nhiều cháu vẫn quay quần vơí nhau vơí những ngày lễ lớn hay giỗ chap đây là niềm hạnh phùc lớn đối với tôi, hạnh phúc quay quần bên ông bà mẹ cha và cháu chắc.
11/05/201720:13:41
Khách
Xin được thanh minh. Người "Khách" với lời bàn vào lúc 11/05/2017 15:45:36 không phải là người "Khách" hôm nọ xung phong làm nhiệm vụ dọn vườn.

Vì bài này viết về bà cụ đang sống tại Mỹ, bài này theo tôi không lạc đề .
11/05/201718:20:41
Khách
Bài viết rất hay cả về nội dung lẫn lời văn. Sẽ không là ngạc nhiên nếu được trúng giải Viết Về Nước Mỹ.

Hình ảnh xum họp thật đẹp của một đại gia đình con đàn cháu đống quây quần chung quanh một người gần tuổi bách niên giai lão dưới bầu trời tự do. Ở vào tuổi quá cao niên tuế mà vẫn sống được ở nhà có con cháu thường xuyên săn sóc, trò chuyện thì quả là quá sung sướng.
11/05/201716:36:41
Khách
Lạc đề ở chỗ nào vậy?
Rõ ràng câu chuyện về một đại gia đình đang sống ở mỹ.
Bà cụ cũng đang được con cháu chăm sóc ở mỹ. Ngay Cả những nhân viên y tế cũng đang ở mỹ. Vậy thì câu chuyện này không viết về nước mỹ thì đang viết về Châu Phi à???
11/05/201715:45:35
Khách
Bài này thuộc lọai lạc đề cho mục VVNM.
Thể lệ tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ khởi đầu, năm 2000, có ghi rõ: "Mục tiêu của giải thưởng là cổ võ việc ghi lại những kinh nghiệm hội nhập của người Việt vào dòng sống nước Mỹ, càng nhiều chi tiết sống thực càng hay. Bài tham dự có thể là truyện ký, truyện ngắn, tạp bút... Người viết có thể gửi nhiều bài tham dự, hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn là liên quan tới nước Mỹ."

Đây là cái link: https://vvnm.vietbao.com/a239020/hop-mat-viet-ve-nuoc-my-16-thang-8-2015-20-tac-gia-se-nhan-giai-nam-thu-xvi
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,170
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo