Hôm nay,  

Tháng Năm Ngồi Đó

09/05/201700:00:00(Xem: 14935)

Tác giả: Phan
Bài số 5114-18-30794-vb3050917

Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc.

* * *

Ai cũng biết Hạ chí là ngày hai mươi mốt tháng Sáu hằng năm, ngày sanh của những thiên tài ngồi ôm sợi tóc thì ít ai biết, người ta chỉ biết đó là ngày mùa hè bắt đầu khống chế nhân gian trong cái nóng tùy vùng xích đạo. Riêng nơi tôi ở thì tháng Năm đã nóng như con gà trống mới đạp mái, đó là câu ngạn ngữ của người bản xứ Texas. Riêng người di dân tôi thấy tháng Năm thật giống thời tiết quê nhà là cây lá xanh um, mưa mau nắng vội như hè về; nhưng chỉ còn tiếng ve trong ký ức; hơi ấm bàn tay ở sân trường, nỗi nhớ tháng năm dài như năm tháng chia xa… Đặc biệt là những sáng tháng Năm có sương mù nơi tôi ở thì hơi khó lái xe đi làm hơn sương thu tháng Mười khô khan, sương tháng Nam ướt át nhưng tiết trời mát lạnh, không gian lá mới lãng đãng trong hơi sương, nên trong lòng người được sưởi ấm với ly cà phê nóng đầu ngày thấy yêu đời thiết tha; càng xa hoa hơn ở Mỹ là mới cũ gì thì ai cũng lái xe hơi. Ấy, cái không gian riêng tư nhất của mỗi người nên mở nhạc tùy thích mà không cần phải giữ lịch sự với ai thì quả là thiên đàng có thật trên mặt đất. Nếu lỡ bị kẹt xe thì tâm hồn sẽ thăng hoa lên thành một niềm hạnh phúc. Bởi trễ tiếng làm cũng chẳng giàu nghèo gì, mà cuộc đời ngắn ngủi có thêm được một giờ hạnh phúc thì tiền lương một giờ làm có xá chi đâu?

Tôi ngồi đó! Trò chuyện với người đồng nghiệp mà lại đồng hương nữa. Sáng nay anh bị kẹt xe lửa nên đi làm trễ mười lăm phút mà kể lể như khánh tận gia tài tới nơi. Kết quả là tôi được nghe lời không vui lắm sáng sớm, “tại ông có chỗ ngồi rồi nên tâm hồn lãng mạn, chứ tôi còn chạy rong cho người ta sai vặt nên chỉ nghĩ tới đồng lương thôi…”

Tôi ngồi đó tháng Năm đã về trên tờ lịch. Nghĩ về một chỗ ngồi của người di dân đã từng chạy vắt giò lên cổ khi bỏ nước ra đi thì quan trọng thật! Vì thế tôi thấy chiếc ghế tôi được ngồi nơi hải ngoại này là phần phước hơn là tài năng. Nên chiếc ghế đã từng chịu đựng những thân xác mấy trăm cân Anh, nó cũng mệt mỏi như người di tản buồn nhiều rồi! Nên có những hôm chẳng có việc gì để làm như hôm nay thì tôi lau chùi chiếc ghế với lòng trả ơn cưu mang chiếc lá đã bay từ Việt Nam sang. Ghế không còn than thở kẽo kẹt mà đưa tôi vào mùa theo tiết bản xứ. Mùa đông cứ rụt người sâu vào ghế như con trẻ rúc vào lòng mẹ, ghế ấm như tình mẫu tử thiên niên. Sang xuân ghế cũng bừng lên sức sống là mấy cái bánh xe lăn dễ hơn đông lạnh lùng vì khô dầu còn bị lạnh. Tháng Năm hạ về ghế xếch xi ghê, hở lưng, sờn váy… Nghĩ vậy đi cho gợi cảm không hơn là suy nghĩ tủi thân như bà chị đồng nghiệp lại đồng hương ngồi bên cạnh tôi thường mặc cảm, “sao ghế mới hãng mua về toàn trang bị cho khối văn phòng trước, ghế sứt càng gãy gọng, cũ rách mới lùa xuống xưởng cho đám nhân viên!”

Ừ thì sáng nay rỗi việc, tôi chăm sóc lại cái ghế của mình, sẵn vô dầu mỡ bánh xe cho cái ghế của bà chị ngồi để đỡ bực mình lúc làm việc với những cái ghế muốn nó tới một chút cho vừa tầm tay thì nó lì ra đó không nhúc nhích. Nhưng kéo cạnh bàn để tới thì cái bàn lại đi lui chứ cái ghế vẫn bắt người ngồi phải bước xuống, bưng nó đi, dù là ghế có bánh xe.

Còn bà chị thì tha hồ ngồi kể chuyện riêng nhưng được ăn lương…

“Con trai của chị đã lập gia đình cả chục năm rồi, nhưng mấy năm nay nó chạy theo việc nên phải dọn nhà đi tiểu bang khác. Vậy chứ, ngày Hiền Mẫu vẫn gởi hoa và quà về nhà tặng mẹ. Thường thì sau khi đi làm về hôm trước ngày lễ một hay hai hôm, chị sẽ nhận được quà. Nhưng chị thường để đến sau cơm chiều mới gọi cảm ơn con trai cho có thời giờ nói chuyện lâu. Với chị, đó là buổi nói chuyện qua điện thoại quan trọng nhất trong năm, vì bao giờ con trai của chị cũng vui vẻ với mẹ như thuở nó còn bé. Rồi lần lượt đến con dâu cầm điện thoại để chúc mừng, chúc sức khoẻ mẹ ngày Hiền Mẫu, đến ba đứa cháu nội lần lượt thăm hỏi bà, chúc bà nội sống lâu trăm tuổi. Cuối cùng là con trai của chị nhận lại điện thoại để tiếp tục trò chuyện với mẹ, trả lời những câu hỏi chị đặt ra với con trai trong năm, thì phải cho nó có thời gian suy nghĩ để trả lời chứ!”

Người chị đồng nghiệp của tôi, như một người rất biết điều là hỏi con thì biết cho con có thời gian suy nghĩ trước khi trả lời. Nhưng ở những chuyện kể khác, chị lại hỏi quá sâu vào đời sống riêng tư của vợ chồng con trai. Chị làm tôi mất thiện cảm với chị, nhưng lại học hỏi được từ người con trai của chị tính kiên nhẫn và cách trả lời phụ nữ những câu hỏi khó!

Từ những chuyện nói cho qua giờ làm, nhưng chính những chuyện kể không dính dáng gì tới việc làm ấy lại theo ngày tháng mà vẽ nên chân dung bà chị trong quan hệ với đồng nghiệp, ngoài xã hội, về tôn giáo… Khiến tôi nhìn lại đời sống, ai cũng có mặt hay, điểm dở. Nhưng điều học được từ chị là cách chấp nhận điểm dở của người bên cạnh thì mới có cơ hội học hỏi được điều hay từ họ. Tôi nhìn ra được đồng nghiệp nữ không có gì vui vẻ hơn là chịu khó lắng nghe những chuyện kể của họ. Vì thế tôi lờ đi người đồng nghiệp nam thù vặt, ban sáng giận tôi chuyện xe lửa làm anh đi làm trễ, thì trưa trả đũa chuyện ghế ngồi! Thẳng thừng nói tôi lắm chuyện với đàn bà! Nhưng anh nói ra câu ấy đã cho thấy cái đầu của anh thiếu óc quan sát, suy luận; cái miệng anh tùy tiện như miệng quan trôn trẻ. Vì anh có thấy tôi nói đâu? Tôi chỉ nghe thôi mà. Mà nghe thì vẫn làm việc được, chả ảnh hưởng gì hết! Lại được vui vẻ, hoà thuận với đồng nghiệp trong việc làm. Hơn nữa. Đàn bà họ lạ lắm! Cũng chỉ là miếng bánh, miếng trái những người nữ đi làm thường đem theo, nhưng không ăn vì sợ mập. Thế mới là phụ nữ! Và nữ tính đặc trưng là thích mời, cho cánh đàn ông; Chứ đàn ông đi làm mà không đi lộn hãng đã là hay lắm rồi! Nên có đem theo thì cũng chỉ đem theo cái miệng ăn tạp nói phét, cứ chê bai đàn bà ăn vặt, nhưng họ cho cái gì cũng không từ chối. Sao không để ý để thấy người nữ cho những người nam (kiểu đàn ông ấy) miếng bánh chỉ vì lịch sự với đồng nghiệp, đồng hương trước mắt người bản xứ và nhiều dân tộc khác không cùng tiếng nói; nó khác xa mà lạ nữa với tình thân mà cho, như: “Nè, chị cho cái này. Đừng cho ai biết nha!” Hoá ra bí mật chỉ là một miếng khô bò không bõ công nhai, nhưng gói ghém thân tình nên nhai hoài không nuốt! Chị có hỏi thì cứ nói, “miếng ăn quá khầu thì tàn mà chị. Em nuốt hết tình nghĩa chị em mình được sao?” Thế là chị lại cho. Đàn ông cho còn lưỡng lự khi móc ví chứ đàn bà đã cho khô bò thì cho luôn cả cái túi ny-lon.

Thì ra sáng nay chị tôi kể lể để dọn đường cho một câu hỏi khó! Chị kể mà như hỏi, “… Từ hồi chồng chị qua đời tới nay đã mười mấy năm rồi. Năm nào chị cũng chỉ nhận được mỗi bó hoa của con trai chị thôi, mới mấy năm nay có thêm bó hoa của thằng con rể. Nhưng năm nay tới ba bó lận em? Chị khó nghĩ quá!”

“Rồi, rồi, rồi… Em biết ai rồi!”

“Ông ấy thì lạ gì với em. Nhưng em nói thiệt chứ?”

“Em thề luôn. Chị thà coi như chiếc lá bay*, chị cứ tưởng tượng chị theo chồng, hết mấy ông già trong hãng này sẽ nghỉ hưu hết cho coi. Hết thèm giành việc với đám trẻ, không chịu về hưu dù xương cốt ông nào cũng như cột mọt thế mà cứ đi nhuộm tóc mỗi tuần cho không thấy bạc. Tất cả là vì chị hết đó! Nhưng mấy khứa lão chỉ khi lai rai mới khai ra hết! Mà nói gì, tới bọn nhóc con tụi em còn mê chị như… khô bò!”

“Thằng quỷ này, hôm nay là tháng Năm Hiền Mẫu rồi nha em! Nói chuyện tử tế với liền chị chút coi!”

“Vậy em nói nghiêm túc. Anh tuy hơi già nhưng còn ham vui, chị vui sẵn nên hơi lớn tuổi chút thì… cũng đâu có sao!”

“Thằng cà chớn.”

“Thì coi như ngày Hiền Mẫu năm nay chị có đủ… ba hoa. Cái bó hoa thứ ba là ba hoa nhất, vì già còn… ba hoa. Nhưng em quen biết anh ấy hơn hai chục năm nay rồi, vợ anh chết vì ung thư, em có đi đám ma cũng chừng mười lăm năm rồi. Vậy mà bây giờ anh mới ba hoa với chị, thì phải tin anh không phải là dân xỏ lá! Em không quen biết anh nhà, nhưng theo chị kể thì anh nhà cũng đi làm rể xứ lạ hơn chục năm rồi. Chị với anh ba hoa, hai người đơn lẻ đủ rồi, hai người nương tựa nhau là phải, góp gạo thổi cơm chung cho vui tuổi hưu đã về. Tiếng đời, rổ rá cạp lại thành cái sàng, người ta đã ganh tỵ. Nói gì rổ rá biết liệu cơm gắp mắm mà thành cái nia, thì miệng đời càng ác. Thói đời, trâu buộc ghét trâu ăn. Chị cứ lờ đi. Hơi đâu bận tâm.”

“Cảm ơn em hiểu chuyện. Dù chị chưa nhận được hoa ngày Hiền Mẫu năm nay vì còn sớm. Nhưng nghĩ tới chuyện ổng đi mua bó hoa về tặng chị thì ổng ngại; mà đặt hoa qua internet cho người ta đưa tới nhà thì ổng dở computer với internet tới tội nghiệp. Là chị nghe người bạn của ổng kể cho chị nghe: Ổng đặt hoa thế nào mà bị tụi trộm thẻ tín dụng lấy hết mấy ngàn tiền thẻ. Bạn ổng phải nói chuyện với nhà băng để ổng không phải trả đồng nào. Thế là ổng nghe lời bạn, không đặt hoa qua internet nữa mà ra tiệm hoa đặt trước người ta, trả tiền trước, cho tên người nhận với địa chỉ nhà, ngày giờ muốn người ta đưa hoa tới…”

“Tóm lại là anh dở điện toán, nhưng không dám nhờ con đặt hoa cho má Hai của bay. Chị thì khoái tới xổ mũi rồn rột mà cứ đổ thừa cho hoa dại làm dị ứng. Thật ra là hoa lòng đã nở với tháng Năm về. Chỉ không biết ăn sao nói sao với con trai chứ gì? Cứ điện thoại là hỏi con quá nhiều chuyện riêng tư của con nên đến khi phải nói chuyện riêng tư của mẹ với con trai thì ngậm ngải sái quai hàm… Nhưng ở Dallas này, muốn tham khảo tư vấn phải lấy hẹn, trả tiền trước đó chị!”

“Phách chó mày…”

Chị mắng yêu tôi. Nhưng nhìn chị mắc cỡ rất dễ thương nên tôi nói, “Những người tới tuổi đẹp lão thường móm móm nên gương mặt hiền ra như người đang yêu và được yêu…” Lời khen không mất tiền mua nhưng lại làm chị tôi lên mây sáng tháng Năm! Đó là những người ưa cười một mình với cái điện thoại chít chát lúc giờ nghỉ, rồi thở dài như lên cơn suyễn vì nhắn tin cho người này thì lại gởi cho người khác, nhưng hô hoán đàn em cứu mạng thì không dám vì sợ đổ bể chuyện cá nhân! Chỉ còn tự hát một mình “đời tôi cô đơn” suốt hành lang dài trở vô làm lại cũng không hết thắc mắc “sao không thấy hồi âm?” mà chả bao giờ hiểu, “…tin gởi đi tức thì, thì hồi âm làm sao thấy?” Thế mà lại còn gởi lộn người này với người khác nữa thì hỏi sao không bặt vô âm tín cho được. Nhưng trách hờn vu vơ số phận, trách người sao hững hờ...

Nhưng mấy hôm sau, sáng sớm chị đã hí hửng cho tôi xem cái tin nhắn trong điện thoại của chị. Dĩ nhiên cũng vẫn câu mở đầu, “Chị cho coi cái này nè! Nhưng đừng cho ai biết nha thằng quỷ!”

Đó là tin nhắn của con trai chị: “Mẹ nói chuyện điện thoại với con tối hôm qua… giống bạn gái của ba con quá! Con tưởng tượng, chắc mẹ đang đỏ mặt như ba uống hết thùng bia. Mẹ ơi! Hết con cháu của mẹ thương mẹ lắm! Em gái của con ở chung thành phố với mẹ thì đã đặt nhà hàng cho lễ Hiền Mẫu năm nay. Vợ con đã tủm tỉm cười từ lâu khi ngắm nhìn những thứ vợ con mua sắm cho mẹ y chang như mẹ mua sắm cho vợ con hồi tụi con đám cưới! Chúc mừng mẹ làm cô dâu trong lễ Hiền Mẫu năm nay với lời chúc hạnh phúc nhất của hết con cháu của mẹ. Riêng con, chưa gặp chú bao giờ, nhưng tình thân đã đủ thương mến chú… vì mẹ nhắn tin cho chú nhưng gởi (lộn) cho con đã bao lần rồi, mẹ biết không?”

Bà già trầu của tôi lên xe hoa lần nữa trong lễ Hiền Mẫu năm nay. Nhưng tôi không phải đi mua sắm bộ complet màu đen vì chị tôi không ra nghĩa trang mà về bên bển; bên người anh dễ mến ở địa phương sẽ hát bài, “từ ngày có em về, nhà mình tràn ánh trăng thề…” Chắc chắn nhà anh chị không phải là lời nhạc chế, “từ ngày có em về, nhà mình toàn tiếng chửi thế!”

Bởi tôi quen biết anh từ lâu lắm rồi! Khi có việc làm ăn chung thì gặp nhau thường hơn để trao đổi về công việc. Khi xong việc anh vẫn gọi hỏi thăm, có dịp anh em vẫ bù khú trong tình thân hữu. Nên tôi biết tới chuyện anh là người con thứ ba trong gia đình anh, và tên Que do cha mẹ đặt. Anh làm nghề sửa máy lạnh có hơn ba mươi năm ở Mỹ, và nghỉ hưu rồi. Nhưng chỗ thân tình nên tôi vẫn gọi anh hôm hè về năm ngoái, “Đại ca ơi, trời nóng rồi mà sao máy lạnh nhà em không quớt (work)? Nhờ anh ghé coi dùm, để biết chính xác là hư hỏng gì thì em kêu thợ. Cảm ơn trước hen.”

Chiều cùng ngày đã thấy hai cha con anh đến nhà tôi. Nghe anh Ba ra lệnh thấy sướng lỗ tai, anh nói với con trai anh, “Mày coi cái máy lạnh nhà chú mày bị gì thì sửa cho chú mày.” Con anh trả lời, “Dạ ba”, nghe cũng đã. Anh thì nói với tôi, “Mày coi nhà có gì xào, nướng được thì làm một dĩa. Anh em mình nhậu. Anh có chai rượu ngoài xe. Lâu quá không nhậu với mày hen…”

Gió rừng chiều sau nhà vương vướng gió xuân sót lại, gió hè sớm đến như quân trộm nên trốn lẹ theo mặt trời ngả về tây. Cây nhà lá vườn có rau mùi nhiều loại thì trộn với khô lù đù nướng cho giống anh Ba… Tôi cứ gặp là thích chọc ghẹo anh vì anh có lối đối đáp rất thâm thúy! Tôi cứ ghẹo cái thân anh còm như tay nghiện, giò cẳng như đôi đũa chống về Tàu mà khoái mặc quần cộc, lại chống gậy những hôm không khoẻ thì rõ là ông ba chân. Nhưng chỉ những anh bạn ngang hàng mới dám gọi tên cúng cơm của anh Ba là thằng cha “ba Que”; còn đàn em thì gọi là “cầu ba cẳng”! Ai muốn sao hiểu sao hiểu. Tại anh cao như cầu vượt ba tầng mà chân chống khẳng khiu như cẳng cò thì trời không gió mưa cũng đã thấy ớn. Đâu biết bà chị hiền lành của tôi lại dám đi qua chính cây cầu ba cẳng này trong lễ Hiền Mẫu nmă nay…

Anh Ba thì gặp bạn là vui như tết. Anh ghẹo lại tôi cũng hóm hỉnh như anh! “Mày bào dưa leo đi… vì sọc dưa là nghề của mày! Rồi xắt mỏng cho anh.”

Anh em tôi làm bếp chung thật vui với thịt ba chỉ luộc có sẵn trong tủ lạnh bởi biết tính anh Ba ghé nhà là có nhậu, và phải có món gì ăn với nước mắm chua ngọt… rồi đưa cay chung cognac bạn hiền để giải thích sao cổ tích có nhiều truyện thần tiên trốn xuống phàm.

Tôi bào dưa, xắt dưa; anh đứng xé khô, lừa xương cũng còn khéo tay lắm! Chuyện trò như người thân ở xa về… “Anh Ba nghĩ coi, như cái món dân giã này thôi chứ có cao lương mỹ vị gì đâu? Người gọi là gỏi dưa leo, người khác lại gọi là món dưa trộn, (nhưng ai cũng hoài niệm ngắc ngứ trong cổ họng một lát mới trào ra được sau đó là trộn với thịt, cá gì?), Và ai cũng đồng ý là trộn với khô cá đù là ngon nhất; ai cũng đồng ý là nếu có thêm mấy lát thịt ba chỉ xắt mỏng thì tuyệt! Cho thấy ngay một cái tên đàng hoàng trong làng ẩm thực thì món dưa trộn là món của dân nghèo. Ai có thịt cá gì để trộn thì gọi là dưa trộn với thịt cá đó, nên cái món tuyệt cú mèo này mà lại không có tên chính thức trong làng ẩm thực là vậy!

Ai nghèo cũng biết món dưa trộn với cá khô, rau thơm, dưa leo… là đàn ông đã có một món nhậu, cả nhà đã có một món để ăn cơm. Món dễ làm, mà tiền chợ cũng không nhiều, chỉ cần con khô cá lù đù rẻ tiền, nướng than bếp nồi cơm chín tới. Ra vườn nhà lắt mấy trái dưa leo, rau thơm cứ ngắt mỗi loại vài đọt là đủ. Vào bếp lại chỉ cần chế biến sơ sơ; dưa thì bào sọc dưa, xắt mỏng theo khoanh tròn; cá khô xé theo thớ nhỏ ra là được; rau thơm xắt nhống ra là xong. Trộn hết các thứ vào nhau đã nghe mùi dân dã. Đi pha chén nước mắm chua chua, ngọt ngọt; giã tép tỏi, trái ớt thả vào. Chén nước nắm lộng lẫy hẳn lên tới thấy thôi đã bắt thèm. Nhưng chan vào dưa trộn nửa chén thôi, nửa chén để chấm thêm khi ăn thì ngây ngất linh hồn. Ăn quên thôi tới nồi cơm xạch nhách. Hồi nhỏ em ở dưới quê mà, đò xe cách trở, chợ búa xa xôi, nên chỉ thế thôi đã là món đưa cay của đàn ông với chung rượu chiều và người hàng xóm; chỉ hôm gặp may như có nhà trong xóm mổ heo thì mới chia được miếng thịt ba chỉ về luộc rồi xắt mỏng trộn vào thì ngậm mà nghe; dưa giòn mới ngắt, lại bào sọc dưa để còn nghe được vị chát của vỏ dưa còn nhựa, nhưng không đắng vỏ nếu không bào sọc dưa. Rau thơm đủ loại đưa khứu giác vào mê hồn trận của mùi hương. Miếng khô mằn mặn biển, giòn giòn mới chiên lại thơm ngọt như bỏ được cả biển trời vào miệng; bấy giờ mới suýt soa với nước mắn chua mặn tới chân răng mà ngọt lịm tình quê như tỏi ớt nồng lên mũi… Nhiều khi trong tiềm thức chợt về một mùi hương làm nhớ cả đoạn đời; nhiều khi dao thớt vô tình xắt thái cả tâm can niềm thương nỗi nhớ khuất lấp trong lòng người…”

Chiều thơm phức cá khô nướng than hồng như một góc quê nhà mang theo đời dạt trôi. Chiều lơ thơ tóc trắng anh Ba ngồi hoài niệm, “Hồi nhỏ tao cực lắm mày ơi! Ba tao làm thợ hồ, ổng cứ đi theo mấy công trình xây dựng, có khi mấy tháng mới về nhà. Nên tao có hai chị em thôi, mà anh chị em cùng cha khác mẹ thì đếm không hết mười ngón tay. Ba tao cứ đi miết rồi không về nhà luôn, coi như bỏ vợ con, ổng sống với bà khác. Chị Hai tao bị bệnh khờ dại từ sanh ra, nên hơn mười tuổi mà như con nít năm, sáu tuổi từ thể tạng nhỏ còi, bệnh rề rề quanh năm. Cuối cùng má tao phải về nương nhờ nhà ngoại chứ một mình lo hai đứa con không nổi. Chị tao bệnh quá rồi mất ở nhà ngoại. Hàng xóm họ gom thùng đạn đại bác xin trong căn cứ lính về làm củi. Nhưng mấy người đàn ông trong xóm gom xin lại, họ xúm nhau đóng được cái quách, chôn chị Hai tao, là chuyện tao nhớ nhứt hồi nhỏ...”

Con trai anh như biết cha khi nhậu hay nhớ và kể chuyện buồn nên người thanh niên đã ngoài ba mươi, cũng có vợ con rồi nhưng hiếu thảo lắm. Anh ngừng tay sửa máy đến an ủi cha anh thật cảm động. Nhưng dòng nhớ trong người lớn tuổi khi đã chảy thì trơ đáy không thôi, chiều hải ngoại thương về xóm nhỏ. Anh Ba chiêu chung rượu ngọt sớt, gắp gắp đưa cay điệu nghệ vì chỉ hai đầu đũa, gắp gắp vừa miếng mà có đủ thứ trong dĩa mới tài tình như hoài niệm miên man cuốn thành gắp nhớ, ăn thương, nuốt từng kỷ niệm. Anh khề khà kể, “Bà ngoại tao cho chút vốn. Má tao cất cái chòi ngoài bờ sông, coi như mở được cái sạp bán tạp hóa cho xóm nhà dân nghèo. Rồi mấy người chạy xe ba bánh chở hàng, xích lô đạp chở người cũng ghé ngang lại muốn uống ly trà đá, ăn trái chuối… Nên sạp bán tạp hoá thành quán ven đường.

Vậy mà má con tao sống được. Má tao cho tao đi học đàng hoàng. Nhưng hồi xưa học có nửa buổi. Trưa ra trường là tao vội về nhà nấu cơm chứ không đi chơi được như bạn bè. Tao mới hơn mười tuổi đầu mà đã biết đi chợ, nấu cơm, nấu canh, kho cá mỗi ngày cho má tao ăn. Cứ tao nấu xong cơm trưa thì dở cơm ra sạp cho má tao ăn trước. Ai mua gì thì tao bán để cho má tao ăn cơm. Má tao cười cười hoài à, làm tao vui lây nên không thấy cực. Còn kiếm ra chuyện làm cho má tao vui. Trưa, má tao ăn xong thì tao mới về nhà ăn sau. Rửa chén dĩa, là đã nghĩ tới cơm chiều, nấu món gì cho má ăn đây?

Sống ở cái chái nhà ngoại vậy mà vui. Không ngại dượng rể không muốn má con tao sống ở nhà ngoại vì ổng sợ ngoại chết sẽ chia đôi nhà đất cho má tao một nửa thì ổng với dì tao còn có một nửa. Nhưng ông trời dìm ổng. Ổng đi đám giỗ bên sông về bị chìm xuồng bởi mưa giông tới tìm không thấy xác luôn. Dì tao theo người khác đi biệt xứ vì chồng mới chết đã theo trai. Những việc xảy ra hồi nhỏ mà đôi khi đêm nằm tao nghĩ như mới hôm qua! Sao đời ai cũng không có mấy chuyện vui để nhớ mà lòng buồn muốn quên hết đi thì lại nhớ mênh mông…”

“Thôi thì anh Ba bằng lòng với hiện tại là nguôi ngoai nhất! Chị Ba lớn thì phần số đã an bài, chị Ba nhỏ của em hiền như ngụm nước mưa, con anh không bác sĩ, kỹ sư thì đã sao; con theo nghề cha thì đã bằng ba người cùng thời với kinh nghiệm gia đình. Anh có anh em, bạn bè ở địa phương thương mến, kính trọng anh là đã đủ hưu rồi, thôi quên quá vãng đi anh Ba!”

“Chú mày nói phải, nhưng biết một mà không biết hai. Những đêm trở trời, anh nhớ má anh đau nhức vì bị phong thấp tới cắn răng chịu đựng tới toát mồ hôi. Anh xoa bóp bắp chân bắp tay cho má anh tới anh ngủ gục. Những giọt nước mắt hạnh phúc của má anh mà hồi nhỏ anh chỉ nghĩ là đau nhức. Tới mình đau nhức về già mới thương má anh cắn răng chịu đựng chứ thời đó thì tiền đâu mà nói tới thuốc thang…”

Anh Ba chết ngắc theo dòng hoài niệm đầy cảm xúc, chứ tửu lượng của anh chưa đến lúc có vấn đề. Tôi nhìn qua công việc, con mắt nghề nghiệp của anh đang theo dõi người con làm ăn có đặt để lương tâm vào nghề nghiệp không? Ước gì cha ông bác sĩ người Việt gian lận bảo hiểm, mẹ cô dược sĩ người mình buôn bán thuốc cấm… có được chút lương tâm như người đồng hương làm thợ sửa máy lạnh không xúi dại con cái thì trên mặt báo đã không làm xấu hổ cả cộng đồng.

Dòng hoài niệm của anh Ba lại bất tận chiều tàn, “Má tao cũng ngộ! Sợ ớt mà lại thích ăn cay. Thèm mía hấp chấm muối ớt sau chỉ một lần được ba tao dẫn lên Sài gòn mới được ăn món đó! Tao nhịn tiền má cho con ăn sáng, để giấc trưa hai giờ chiều, tao mua mía về tự hấp, đâm chén muối ớt cho thật cay ra sạp cho má, má ăn đi, cay quá con không ăn được! Má ăn rồi ngủ chút đi, con coi hàng cho. Con học bài, làm bài nên má đừng hỏi gì nha… Má tao xuýt xoa vì cay nhưng khoái chí lắm, rồi có ngủ nghê gì đâu, vì làm sao tin tao biết bán hàng… cái nào tao không biết giá thì cho không người ta luôn.”

Chúng tôi im lặng lâu lắm! Chỉ khi con trai anh Ba đến báo cáo: “Máy lạnh nhà chú không hư gì. Con chỉ bảo trì lại thôi. Máy còn tốt, chú yên tâm.”

Cảm ơn người cháu tử tế vì tâm chú an hơn cả máy lạnh không hư hỏng khi nghe cha cháu chảy tiếp dòng miên viễn của hoài niệm tuổi già chợt về tháng Năm…

“Tao mới mười hai tuổi đầu mà lo cơm nước ngày ba bữa cho cho má, cho ngoại luôn vì dì đã bỏ nhà đi. Ngoại ăn cơm phải đút vì ngoại muốn chết nên không muốn ăn nữa! Nhưng tao nhớ bà nội trong âm thầm nên bà nội linh cảm được mà tới thăm tao.

Bà nội với cô của tao dẫn đường lặn lội từ trung vào nam để thăm thằng cháu nội. Tao đi học về đã thấy bà và cô mình ngồi trong chái nhà ngoại chờ đợi thằng cháu nội. Tao vừa nói vừa hướng dẫn cho cô lo cho nội đi tắm rửa, nghỉ ngơi, rồi cô cũng vậy nha vì má con còn bận buôn bán ngoài sạp. Tao đập ống heo để dành, chạy bộ qua sạp cho má tao hay tin, cũng là cho má tao biết điều tao mơ ước đã thành sự thật - có ngày bà nội tao sẽ tìm tao cho xem! Tao thường nói với má tao như vậy. Nên cái quyết định đập ống heo mới nhanh chóng, dứt khoát bởi tình máu mủ mà, bà cháu gặp nhau lần đầu đã không tiếc mày ơi! Nhưng cũng đâu có bao nhiêu tiền, chỉ đủ mua được con cá lóc bằng bắp chân, về để nấu canh chua cái đầu với đuôi cho bà nội tao ăn, mấy khứa cá mình thì kho khói vì gặp hôm mưa nên bẹ dừa chụm củi khói um…

Bà nội với cô tao tắm bụi đường ra thì nồi cơm chín tới, Tao chạy ra sạp nói má, “Má về nhà ăn cơm với bà nội, bà ngoại, với cô của con đi. Con coi sạp cho...”



“Hồi má tao te te ra ngõ nhà ngoại, tao bỏ sạp chạy về lo rửa chén. Nhưng tao đứng trong vòng tay của bà nội lần đầu. Nội nói gì thì bà ngoại tao còn không hiểu nói gì tới má tao với cái giọng miền Trung của nội. Tao chỉ cảm thấy là không muốn buông bà nội tao ra vì không còn gặp lại.

Mà đúng vậy đó mày! Bà nội tao chỉ nói, “con nấu canh, kho cá ngon nhất trên đời mà bà nội được ăn. Bà nội tao hun tao tới tao mắc cỡ, nhưng nội về rồi thì má con tao mới biết nội để lại vàng cho má con tao vượt biên.

Giờ, tới má tao cũng không còn thì bà nội tao là ai, quê nội tao ở đâu ngoài trung?”

Anh Ba bưng chai cognac nốc một hơi chứ không thèm rót ra ly nữa…

Tháng Năm lại về cho con nhớ mẹ, cháu nhớ bà lặn lội vào thăm. Ôi thương người bà miền trung mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn mà lặn lội vô tới miền tây nam bộ để tìm gặp thằng cháu rơi, trao hết gia tài cho tương lai hậu duệ. Ba miền quê xưa khác nhau phong thổ nhưng lòng mẹ, lòng bà đâu kể giọt máu rơi vì con cháu là máu mủ.

Tháng Năm ngồi đó, những người đi muôn phương ngồi bất cứ đâu trên địa cầu, nhưng lòng tháng Năm luôn nhớ mẹ, nhớ bà…

Phan

Ý kiến bạn đọc
13/05/201710:58:08
Khách
thấm đến tận đáy tâm hồn . Bái phục ông Phan :)
11/05/201700:16:21
Khách
bài viết thật cảm động , con trai mới 12 13 tuổi mà thương mẹ hết lòng trong khi người cha vô trách nhiệm bỏ đi biền biệt .
10/05/201702:52:27
Khách
Có một lần con gái tôi hỏi tôi nên tìm người chồng có những điều kiện gì? Tôi trả lời chỉ cần một điều kiện thôi. Tôi không đòi hỏi con tôi phải lấy người có bằng cấp, tôi không đòi hỏi giầu sang, tôi không đòi hỏi chức tước. Tôi chỉ muốn thấy y là người có trách nhiệm. Tôi giải thích:
“Khi con có thai, nó biết trách nhiệm phải giúp đỡ con sinh đẻ. Đứa không có trách nhiệm nó thấy con có bầu xấu xí, nó bỏ đi tìm con khác đẹp hơn. Càng giầu có nó lại càng có điều kiện đi tìm những đứa xinh đẹp hơn. Chức tước càng cao, nó càng có cơ hội có bồ nhí. Con có thấy tính cách vô trách nhiệm của thằng Ben theo con lúc trong trung học không? Ba không ưa nó vì ba má nó làm thợ và bán hàng trong chợ, đồng lương không cao, vậy mà nó không có trách nhiệm lo học để được học bổng lên đại học rồi ra đi làm giúp ba, má nó. Nó không những không giúp mà còn làm cho ba má nó thêm một gánh nặng là kiếm tiền đóng tiền học cho nó. Hồi nhỏ nó học rất giỏi, lớn một chút không lo học, chỉ lo đi cua hết con này tới con khác trong lớp”.
Phần thưởng lớn nhất của người có hiếu là sẽ có những người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo sẽ hiểu được mẹ mình cần có một người bạn đời lúc tuổi già đơn chiếc. Người con hiếu thảo biết phải làm gì để giúp đỡ bố mẹ mình ngay khi còn nhỏ. Hiếu thảo sinh ra từ tính cách có trách nhiệm.
Bài viết cô đọng mọi tình huống từ tình yêu lúc xế chiều, qua lòng hiếu thảo của những người con và tình bạn chân thật của người tha hương. Thật tuyệt.
09/05/201718:20:10
Khách
Một bài viết thật hay với lời văn chau chuốt và chất chứa nhiều tình cảm gia đình và bè bạn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến