Hôm nay,  

Gửi Lại Cho Đời

10/04/201700:00:00(Xem: 16839)

Tác giả: Mai Hồng Thu
Bài số 5091-18-30791-vb6040717

Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/ Donna Nguyen. Cô đã từng đóng góp khoảng 16 bài Viết Về Nước Mỹ dưới ba bút danh trên. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, cô từng sống ở vài tiểu bang như Indiana, New York, Connecticut, hiện là cư dân San Jose, California. Tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tác phẩm truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

* * *

Trong một lần dừng xe chờ đèn đỏ ngay ngã tư góc đường Tully và MacLaughlin, tôi thấy một ông Việt Nam băng ngang qua từ phía bên kia đường. Ông dừng lại phía đầu xe, quay bước tới bên cửa xe của tôi, gõ gõ hỏi:

- Chị là người Việt hả? Cho tôi một đồng ăn bánh mì được không?

Tôi không muốn mở cửa xe xuống, chỉ vừa nói vừa ra dấu:

- Xin lỗi, tôi không có tiền mặt trong người.

Ông ta bèn quay phắt, gương mặt đanh lại, bước vội qua đầu xe và bắt đầu nhăn nhó, chửi rủa lẩm bẩm gì đó mà tôi chỉ nghe được loáng thoáng qua ngắt quãng: “.... mẹ nó... mẹ... mẹ.”

Dáng bộ hằn học chỉ đủ khiến cho tôi thấy lòng nhẹ nhõm hơn sau khi bận tâm về việc có nên cho tiền người ăn xin này không. Đây đâu phải lần đầu tôi bị ông ta chửi rủa như thế. Cách đây vài tháng, trong lúc đang đứng đổ xăng, cũng ngay góc đường này, ông ta đã từng xấn xấn tới trước mặt tôi, xoè tay xin xỏ:

- Cô cho tôi một vài đồng đi cô!

Nhằm ngay lúc đang vội, lại nghe kiểu xin tiền hơi lạ, nên tôi không trả lời, chỉ ráng lắc đầu né tránh, và ra dấu là tôi không có sẵn tiền trong người. Không ngờ ông ta nổi giận đùng đùng bắt đầu chửi tới tấp:

- Mother..! Cái đồ chó, mẹ mày! Có tiền mà xin vài đồng không cho…. la..la...la.

Tôi chưa bao giờ ngờ nổi lại có kiểu xin tiền ngộ đến vậy nên cũng hơi ngỡ ngàng.

Người Mỹ họ đứng ở các ngã tư đường xoè tay xin tiền hoài, nhưng họ chưa bao giờ tỏ vẻ giận dữ khi bị từ chối, hoặc gặp sự hờ hững của những người qua đường. Họ không như người đàn ông Việt tuổi trạc ngũ tuần này. Mặt của ông ta đanh lại khi không đạt được điều ông đòi hỏi.

Tôi cũng từng thấy nhiều người đàn ông Việt đứng trước cửa các chợ Việt xin tiền người qua lại. Có lần tôi thấy hai người đàn ông tuổi trạc ngũ tuần khác, ngồi trước cửa chợ Senter. Một người đang cầm chai rượu hình tròn, loại rượu giá khoảng hai ba chục đồng một chai, xoay xoay trên thùng mì gói, bàn tán điều gì đó. Tôi tò mò không hiểu hai ông bợm rượu này ngồi đó làm gì. Sau khi mua đồ xong bước ra, một người nhìn tôi nói:

- Cô cho xin vài xu đi cô.

Tôi cảm thấy mủi lòng chi lạ, xin vài xu để làm được gì đây. Khổ nổi tôi không mang tiền lẻ trong túi nên đành làm lơ đi thẳng. Nhiều ông thỉnh thoảng lảng vảng trước chợ Lion cũng chỉ để xin 25, 50 xu nhưng không hề thấy làm phiền ai.

Cách đây không lâu, trước chợ Maxim, tôi lại gặp một anh người Việt, bề ngoài cao ráo dễ nhìn trong bộ đồ thể thao gọn đẹp, độ cỡ bốn mươi tuổi, chạy lại gần tôi hỏi:

- Chị có tiền không cho em xin tiền mua cơm ăn, em đói quá.

Nhìn thấy anh cũng bình thường, bảnh bao, lại muối mặt xin xỏ, nên tôi phải lục bóp tìm xem mình có đem tiền mặt trong người không, để biết đường mà tính. Sau khi biết mình có tờ mười đô trong túi, tôi bèn nói:

- Anh muốn ăn gì tôi mua.

- Chị mua cho tôi cơm thịt sườn ba món được không?

Trời, tôi nghĩ bụng, tôi còn chưa dám tự mua cơm sườn tới ba món cho mình ăn mà sao anh đòi sang thế. Chắc thấy điệu bộ khựng lại của tôi, nên anh ta tiếp:

- Chị cho em xin ổ bánh mì thịt cũng được. Chị cần xách gì em phụ xách dùm chị cho.

Nghe cũng tạm nên tôi bèn đáp:

- Vậy tôi mua cho anh ổ bánh mì.

Anh gật đầu đồng ý.

Khi tôi bước tới đi vào tiệm bán thức ăn nhanh ngay kế bên, anh ta vẫn đứng đấy chờ, không lẽo đẽo đi theo sau lưng nên tôi cũng thấy thoải mái hơn. Sau khi mua xong ổ bánh mì thịt nóng, tôi bèn đem tới ngay đưa cho anh:

- Bánh mì của anh đây.

Anh ta cầm lấy ổ bánh:

- Cảm ơn chị, chị có cần tôi giúp khiêng gì không?

- Dạ thôi, cảm ơn anh, tôi chỉ vào chợ mua vài món đồ nhẹ thôi. Anh ăn trưa đi nhé. Chào anh.

- Chào chị. Anh chào tôi xong, tiến về phía trước, băng ngang qua hai căn tiệm, rồi rẽ vào góc đường đi khuất với ổ bánh mì trong tay.

Lúc đó tôi cũng có thoáng tí tò mò, thắc mắc không hiểu sao một người có một ngoại hình dễ nhìn như thế, vì lẽ nào mà phải xin tiền người lạ để ăn trưa. Giúp anh một ổ bánh mì không đáng là bao. Lúc đó, tôi chỉ thầm cầu nguyện cho anh chút bình an trong những ngày sẽ tới. Sau này ghé ngang khu chợ ấy, tôi cũng tò mò để ý dòm quanh, nhưng không hề gặp lại người đàn ông kia. Đối với tôi, đó là một điềm lành.

Tôi nhớ lúc còn ở Việt Nam, cũng có người ăn xin sống gần nhà tôi. Anh ta chưa tới ba mươi tuổi, cụt nguyên hai chân đến sát đùi. Suốt ngày anh chỉ lê lết di chuyển trên miếng nhựa được cắt ra từ vỏ bánh xe hơi, cột chặt dưới mông, may sát vào chiếc quần xà lỏn đen ngòm, hoen ố. Không ai ngờ rằng, vợ anh lại là một cô gái thân hình đầy đặn, với gương mặt sắc nét, mặn mà.

Tôi nghe kể rằng anh đi ăn xin ở những khu chợ khác, mỗi chiều đem tiền về đếm, kiếm được ít nhất hơn gấp ba số lương của những người đàn ông lao động vất vả trong xóm.

Tôi lại nhớ, trên con đường Market của khu phố sang trọng, nhộn nhịp trong thành phố San Francisco, có một ông Mỹ mặt mày lem luốc lê la di chuyển trên hai đầu gối cũng được lót và bó chặt bằng những miếng nhựa cắt từ chiếc vỏ xe cũ nào đó, chìa nón ra xin khách qua đường rủ chút lòng thương. Nhiều người qua lại hàng ngày đã quen với cảnh tượng ấy nên cũng chẳng buồn liếc mắt tới ông ta. Người em trai của tôi cầm lòng không đặng, bèn móc túi lôi ra được năm đồng, quay lại bỏ ngay vào nón cho ông ta, mà còn tỏ vẻ xót xa tội nghiệp.

Tôi nói:

- Nhiều người giả bộ đó nha, chưa chắc gì ổng bị què, khéo thương người quá coi chừng bị gạt, cho một đồng được rồi, sao chơi sang quá vậy.

Em tôi cười ha hả:

- Em thấy ông ta mỗi ngày, lê lết như ông ta còn cực hơn đi làm, ai ngu gì giả dạng chớ.

Chúng tôi vừa nói vừa đi tiếp. Không cam lòng vì sự tò mò chưa dứt, tôi quay lưng đi ngược trở lại dòm dòm quanh đó, bắt gặp ngay cảnh ông ta đang đứng dậy bằng hai chân, trốn ngay vào một góc nhỏ gần đấy, lôi tiền bỏ vào túi, và lôi ngay ổ bánh mì Hamburger ra gậm ngon lành. Em tôi cũng nhìn thấy cảnh đó.

Cậu em tôi xưa nay hay tự ỷ là thông minh lanh lợi, tài trí hơn người, nay cũng đành phải hề hề cười trừ để khỏa lấp đi cái quê bị một anh vô danh gạt mất năm đồng oan uổng.

Thế đấy, một vài đồng không đáng là bao, nhưng cũng có nhiều người thích đi gạt lòng nhân của thế gian.

Trở về chuyện người đàn ông ở góc cây xăng mà tôi chạnm trán, tôi để ý thêm nhiều lần khác, dù xin tiền ai được hay không, thì ông ta cũng vừa đi, vừa chửi, rồi sẽ băng ngang qua đường, đi vào khu vực quán ăn và quán cà phê Việt, không biết làm gì ở đó. Tôi tò mò không biết ông ta có nhà để về không? Và tại sao ông ta phải hằn học dữ dằn như thế?

Tôi vẫn hiểu rằng, đâu ai sanh ra mà muốn thành kẻ lang thang, không nhà, không tiền, phải xin xỏ người khác. Cũng không sung sướng gì khi phải mắng chửi người khác hay nguyền rủa cuộc đời. Xin cầu nguyện chung cho những người bất hạnh.

*

Bắt đầu từ lễ Tạ ơn năm 2007, tôi thường đi phụ một số người quen tham gia phát bữa ăn nóng cho những người vô gia cư vùng down town San Jose. Trong nhóm bạn này, vài người là chủ những chiếc xe lunch cùng quen biết nên rủ nhau tụ họp làm từ thiện. Họ tự nguyện bỏ công, bỏ của, làm đủ các món ăn Việt, phân phát bữa ăn trưa miễn phí cho người vô gia cư ở thành phố này trong các dịp lễ Thanksgiving Tạ Ơn, và Giáng Sinh.

Việc làm này trở thành thông lệ hàng năm, những người vô gia cư đều biết đến và họ tụ tập xếp hàng vào hai ngày lễ Tạ Ơn và Lễ Giáng Sinh để lãnh bữa ăn ngon miễn phí ở đây. Thực đơn thường là các món Việt Nam như chả giò, mì xào, gỏi cuốn, thịt gà, thịt heo, hamburger, hot dog nướng, bánh bao thịt, bánh bao xá xíu nướng, chuối, cam, táo, các loại chips cùng nước uống. Năm nào cũng có người xếp hàng rồng rắn nối đuôi nhau đến nhận đồ ăn.

Họ gồm người của nhiều sắc tộc, đủ mọi lứa tuổi. Bất kể trời ấm hay lạnh, mưa gió hay khô ráo... họ đều tụ về kiếm một bữa ăn thịnh soạn chỉ có thể được miễn phí một năm hai lần. Cư dân gần đó cũng có người dù không phải là dân vô gia cư, cũng vẫn thản nhiên xếp hàng chung, có người còn kéo cả ông ngoại, bà nội, cháu chắt ra xin ăn miễn phí, hí hởn ăn chung với nhau. Họ còn không ngại ngùng quay lại xếp hàng thêm lần nữa. Tuy cảm thấy khó xử với những người đi ăn ké này, những người phụ phân phát thức ăn như tôi vẫn theo lời chỉ dẫn của các chị trong ban điều hành, thoải mái chia đồ ăn cho đến khi hết.

Lần đầu tiên đến giúp, tôi và cô bạn vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy vài người Việt bụi đời, đang xếp hàng lấy đồ ăn. Họ rất thản nhiên đến gần trêu ghẹo và bắt chuyện với chúng tôi. Cô bạn kia tò mò hỏi lại:

- Tại sao mà anh phải đi bụi đời vậy, rồi buổi tối anh ngủ ở đâu?

Người đàn ông này cũng trạc khoảng bốn mươi mấy tuổi. Anh ta vừa ngồm ngoàm nhai vừa đáp:

- Anh cũng có gia đình con cái như người ta. Nhưng vì ham mê cờ bạc bị mất việc nhiều lần. Vợ anh li dị và đuổi khỏi nhà. Ban ngày thì anh lên xe lửa xin đi ké, ở trong đó tránh mưa tránh lạnh, có khi ngủ ở trong đó luôn. Đi lang thang riết rồi không còn dịp trở lại chốn cũ, hay nhớ người xưa. Cũng không còn liên lạc với ai.

- Ồ, như vậy mà anh ngủ được sao, rồi anh tắm rửa ở đâu? Cô bạn hỏi tiếp.

- Nghe ồn riết rồi quen, được nằm ngủ thoải mái hơn, tránh mưa tránh lạnh, hết trạm thì người ta đuổi mình xuống thôi chứ không làm khó dễ, la mắng gì đâu. Lâu lâu thì anh vào trong trung tâm chứa chấp người vô gia cư để tắm. Muốn ngủ trong đó phải xin số giường và phải trở về trước 9, 10 giờ tối. Họ phát cho mỗi người một cái mềm và chia cho một góc nhỏ để ngủ. Nhiều người bụi đời không thích vào đó gò bó nên lang thang ở ngoài chừng nào mệt thì kiếm đại cái góc nào đó là xong.

Anh kể chuyện một cách vô tư lự, không tỏ một chút đau khổ hay hổ thẹn gì với hoàn cảnh sa sút của mình. Tôi chỉ im lặng lắng nghe, chứ không tò mò như cô bạn đứng bên. Họ còn trò chuyện với nhau nhiều điều nhưng tôi không để ý, chỉ tập trung dọn dẹp và làm bổn phận của mình. Thời tiết hôm ấy gió và lạnh lắm, tôi thấy vài người bụi đời mặt mày đỏ bừng, nước mũi nước dãi chảy lòng thòng như con nít lên ba mà họ cũng không buồn lau. Họ ăn uống có vẻ ngon miệng, cười đùa thoải mái. Tôi nhìn ra được chút niềm vui thấp thoáng hiện ra trên mặt của những người vô gia cư này.

Tôi thường nghe kể, nhiều người bụi đời đã từng có một thời huy hoàng, hạnh phúc trong quá khứ giàu sang, danh vọng. Nhưng bây giờ họ không còn đường quay trở lại như trước, nên cứ lang thang cho qua ngày. Những ngày lễ như thế này, họ mới có dịp tụ lại trò chuyện, ăn uống và tâm sự với những người không quen, tìm chút ấm áp của cuộc đời,của tình người.

Thưở đó, tôi quen biết một số bạn trên phố rùm (forum trên mạng internet), học chia sẻ cách nấu ăn và tán dóc. Một số người ở trong vùng Bay Area bèn nảy sanh ra ý định gom tiền để mua quà tặng cho những vô gia cư. Lần đầu tiên họ gom được khoảng 400 đô từ một nhóm bạn chưa tới 10 người đã gặp mặt đi chơi chung nhiều lần. Tôi chỉ là người quen sơ sơ nên đứng ngoài quan sát, ủng hộ tinh thần. Tôi thấy họ mua bánh trái, đồ khô đem về nhà chia ra bỏ vào từng bọc gói lại. Sau đó họ phân công nhau, chạy vòng quanh các góc phố tìm người vô gia cư, năn nỉ để tặng quà. Nghe nhóm bạn kể lại mà tôi ôm bụng cười miết.

Tội thay những người bạn có lòng hảo tâm muốn chia sẻ chút may mắn với người đời, gặp nhiều khó khăn trong việc "chọn mặt gởi vàng" này.

Thời tiết San Francisco trong mùa Lễ Tạ Ơn thường vừa gió vừa lạnh. Người đi bộ trên đường thường trùm người kín mít, biết đâu người nào là kẻ bụi đời, ai là no ấm. Khi mấy cô bạn đứng rao tặng quà miễn phí cho người vô gia cư, thì "ông đi qua, bà đi lại" cứ thấy ngộ nên bèn "tiện thể" chìa tay ra xin đại, hưởng ké chút niềm vui.

Thật lòng mà nói, nhiều lúc ta cũng khó phân biệt ai là người vô gia cư thật sự, vì phần đông, người Mỹ dẫu bụi đời, họ vẫn ăn mặc tươm tất, không rách rưới tả tơi như những người ăn xin thường thấy ở Việt Nam. Một số khác, chúng ta cũng dễ nhận ra họ, với dấu hiệu ngoại hình của nhiều ngày không tắm rửa, không thay quần áo hoặc đầu tóc rối bù không chịu cắt tỉa, chải gội gọn gàng.


Vì thế cho nên những người bạn kia đã gặp ít nhiều khó khăn khi lượn xe lòng vòng kiếm chỗ tốt, rao thông tin cho những người vô gia cư vui lòng đến nhận quà họ biếu. Buồn cười hơn nữa, phần lớn những người bụi đời, rất thờ ơ với cuộc sống chung quanh và không buồn quan tâm hay thèm thuồng mấy món đồ tặng không. Trong khi đó, khách qua đường thường cảm thấy hiếu kỳ, vừa sẵn trớn sanh lòng tham, hớn hở bu lại xin quà.

Mùa lễ Tạ Ơn năm kế tiếp, rút kinh nghiệm lần trước họ bèn hỏi ý kiến mọi người để kiếm ra phương pháp tặng quà hữu hiệu hơn. Thế là tôi có dịp giới thiệu nhóm người này với nhóm bạn làm chủ xe lunch. Sau khi họ trao đổi và bàn thảo qua email nhiều lần, chúng tôi cùng thỏa hiệp là nhóm người làm từ thiện trên mạng sẽ chịu phần mua các món quà có thể để dành cho ngày khác, vì nhóm người làm chủ xe lunch đã có đủ ngân quỹ để lo phần chi phí cung cấp bữa ăn trưa như hằng năm.

Tôi phụ nhóm bạn chơi trên phố rùm, mua những món như mũ len, vớ, khăn choàng cổ, đồ hộp ăn liền, lương khô, bánh kẹo, kem đánh răng, kem rửa tay không cần nước, dầu bôi môi cho đỡ khô nứt....vân vân.... Chúng tôi chụp hình tất cả món hàng đã mua, cộng với hóa đơn, phân phối hàng hóa vào 300 gói, và đưa hình lên mạng để tường trình công việc cho các mạnh thường quân, không ở cùng thành phố theo dõi tình hình trực tiếp hơn.

Khoảng 9 giờ sáng ngày Lễ Tạ Ơn, chúng tôi khoảng bảy gia đình, mang cả con nhỏ theo học làm từ thiện chung với cha mẹ, tập hợp tại địa điểm trên đường Santa Clara, nằm tại “downtown” San Jose, dọn hàng ngay bên cạnh nhóm người phát đồ ăn hằng năm ở đây. Nhóm bạn A vui mừng đón chào sự hỗ trợ góp thêm công thêm sức của nhóm B. Nhóm người vô gia cư có thêm một sự bất ngờ, một niềm vui mới.

Nhóm bạn phố rùm vô cùng hài lòng với đợt làm từ thiện này và họ hứa trở lại lần tới giúp tiếp trong ngày Giáng Sinh tháng sau. Cũng như mọi lần, chúng tôi vẫn thấy có một số người rõ ràng không phải là người vô gia cư, kéo cả con nít ra đứng xếp hàng xin đồ. Chúng tôi chỉ để ý dòm chừng và biếu cho họ một lần.

Dầu sao thì chuyện không vui khó tránh này cũng không làm bớt niềm vui mà chúng tôi cố gắng chia xẻ với những người kém may mắn khác.

Hằng năm chúng tôi lại vào phố rùm quyên tiền bằng nhiều cách, để có đủ ngân quỹ. Nhiều mạnh thường quân hăng hái chuyển tiền qua PayPal, gởi ngân phiếu và gởi cả tiền mặt đến để ủng hộ việc làm của chúng tôi. Có nhiều bạn không ngần ngại bỏ công sức và tiền bạc làm những món đặc sản gia truyền như bánh trung thu, bánh dẻo, tôm chua, sa tế đồ biển.... để bán rồi sung cả vốn lẫn lời.

Chúng tôi còn cùng nhau kiếm vật dụng không dùng trong nhà, như áo quần, nữ trang, đồng hồ, bóp hiệu, đem ra rao bán và góp vào quỹ theo như ý của mình. Có bạn còn xung phong làm búp bê, kẹp tóc, để kiếm thêm tiền ủng hộ nhóm. Thậm chí có một cô bạn hiện đang theo chồng công tác sống ở nước Đại Hàn, cũng đi lùng mua đồ đặc sản như hồng sâm, linh chi, trà ngũ sắc gởi về Mỹ bán kiếm lời sung vào quỹ giúp thêm cho nhóm. Có nhiều mạnh thường quân mà chúng tôi chưa từng có dịp gặp mặt, chưa từng trò chuyện trên mạng, hoặc thậm chí có từng xích mích, hiểu lầm lúc trao đổi trên mạng, lại cùng đoàn kết hăng say vui vẻ góp công, góp ý, góp sức bày ra nhiều cách để quyên tiền và biếu tặng những món quà ra sao. Kết cuộc chúng tôi còn quyên được nhiều hơn số tiền dự định, nên đã chia ra giúp cho nhiều trường hợp từ thiện khác.

Những năm sau, mọi người lại hăng hái mở gian hàng bán đồ garage sale, người góp công, người góp của, tích tiểu thành đại. Và chúng tôi quyên được hơn số tiền mà ngân quỹ cho dự án giúp người vô gia cư cần có. Số tiền quyên dư, họ giúp thêm nhiều dự án khác như gởi tiền về chùa giúp các cụ già, góp vốn cho một số gia đình vùng xa có tiền buôn bán, kiếm sống qua ngày.

Tôi thấy cảm phục những người trên phố rùm Việt này. Họ đem chân tình gởi đến những người vô gia cư trên đất Mỹ - mảnh đất đã mở rộng chào đón những người tỵ nạn chúng ta. Mong là hằng năm chúng tôi tiếp tục duy trì việc làm này, lại có cơ hội chia sẻ chút niềm vui với thế nhân nói chung, và những người vô gia cư nói riêng.

Mùa Hè năm 2014, nhân tiện có một nhóm bạn khác cũng lập kế hoạch tặng bữa ăn trưa cho người vô gia cư ở một khu vực khác. Dù Thứ Bảy tôi thường phải đi làm thêm cho gia đình, tôi cũng xin về sớm để ghé chung tham gia, sẵn dịp thử nghiệm nhiều sinh hoạt khác nhau của mỗi nhóm. Sau lần tham gia này, tôi nảy sinh ý niệm tự làm một mình, vì tôi cũng có một số mạnh thường quân riêng.

Và ngoài dự định, tôi cũng gây quỹ được vài trăm, trong đó có nhóm bạn Việt Bút Bắc Cali cũng luôn luôn nhiệt tình ủng hộ góp tiền, để tôi có cơ hội thay họ đem món quà đầy tình thương đến những người vô gia cư trong khu vực. Nơi đây là khu vực lõm sâu so với lề đường, gần một con suối, thời gian gần đây quy tụ nhiều những người vừa rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, tụ tập tìm chỗ trú thân.

Họ tự dựng lên những túp lều ở những mảnh đất lồi lõm quanh con suối để gia đình, con cái có thể tụ họp qua cơn khốn khó, hy vọng một ngày mai tốt đẹp hơn.

Những người mới rơi vào cảnh không nhà loại này thường kín đáo, có vẻ mang nhiều mặc cảm, không thích tiếp xúc với người lạ. Bình thường họ không đến nơi phát đồ ăn để xếp hàng ăn mà đi bộ mua các vật dụng cá nhân và tự nấu ăn, giặt giũ tại chỗ. Có nhiều người vô gia cư từ các tiểu bang lạnh tìm cách di chuyển tới những nơi ấm, tìm khung trời tự do dành cho riêng họ. Những người này cũng được nghe đồn về khu vực góc đường Senter and Story này nên họ kiếm cơ hội di chuyển về đây, vì thế khu này ngày càng đông, tạo thành một xóm nhỏ của những kẻ không nhà.

Mỗi năm cảnh sát thường đến đây giúp họ dọn dẹp và làm sạch môi trường sống. Các xe cứu trợ y tế cũng thường tới khám bệnh, phát thuốc miễn phí và khuyến khích họ tìm đến các trung tâm chứa người vô gia cư để trú thân. Có nhiều nhóm thiện nguyện viên tự phát ở các khu vực lân cận chon ngày cuối tuần tới đây phát quần áo, vật dụng cá nhân, thức ăn nóng, cà phê nóng và lương khô để chia sẻ với xóm nghèo này.

Tin tức đưa lên báo đã có vài người qua đời vì không chịu nổi cái lạnh bất ngờ ập đến trong một ngày mùa Đông San Jose, khiến nhiều người muốn giúp đỡ họ nhiều hơn.

Trung tâm trú ngụ của những người vô gia cư cũng có luật lệ nhất định và thường không đủ chỗ chứa. Nhiều người xếp hàng bốc thăm xin chỗ ngủ nhưng hết chỗ cũng đành phải nằm đường hoặc ngủ tạm trong xe. Tôi cũng có dịp tới một trung tâm trên đường Little Orchard để phát lì xì cho họ vào dịp Tết để được nhìn những nụ cười ngạc nhiên khi nhận trong tay tờ tiền mới tinh với ý nghĩa chúc may mắn.

Tôi đã tham gia sinh hoạt cộng đồng của nhiều nhóm người Việt một thời gian dài. Và cũng có nhiều kinh nghiệm với các tổ chức thiện nguyện vô vụ lợi tại địa phương của người Mỹ. Vì thế tôi nảy sinh ý định tự lập một chương trình riêng, rút tỉa kinh nghiệm đã có, lập ý tưởng làm theo khả năng, và thực hiện những điều mình tự muốn giúp theo cách nhìn của mình. Nhờ thế tôi được tự quyết định thời gian và thực hiện sáng kiến mới.

Tôi thực hiện được vài lần tổ chức phát thức ăn nóng, vật dụng cá nhân và quần áo cũ cho những người vô gia cư ở nhiều nơi và trong khu vực này. Sau khi giúp đỡ những người vô gia cư xếp hàng trước gian hàng đặt ngay góc đường Story, chúng tôi gom hết phần dư, cùng nhau khiêng hết xuống khu vực sâu bên trong.

Nơi đây có những căn lều cất vội, sơ sài, mộc mạc nhưng cũng đủ che nắng che mưa, và nhất là đủ để họ trốn vào một góc bình yên, lánh cái xã hội đang vội vã bon chen ngoài kia. Thỉnh thoảng chúng tôi còn thấy mấy chậu hoa thật lẫn hoa giả được sắp xếp rất thẩm mỹ ở bên ngoài những căn chòi vách gỗ bằng ván ép vuông vắn. Xóm nghèo này quy tụ mọi thành phần và nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau. Có những đôi vợ chồng trẻ có con mọn, có thanh niên nghiện ngập cờ bạc rượu chè. Cũng có gia đình hoàn hảo cha mẹ con cái quây quần giống như đang cắm trại mùa hè.

Vài người thanh niên Việt kể lại cho chúng tôi nghe rằng họ phải sống tụ lại thành nhóm để đùm bọc và bảo vệ lẫn nhau vì nơi đây cũng có những xô xát đụng chạm theo kiểu bầy đàn. Người nghiện rượu thì nằm say túy bỉ không làm phiền ai. Nhưng cũng có những tay nghiện, khi xỉn thì gây sự hoặc làm rùm beng khiến người chung quanh không được bình an với cuộc đời vô gia cư vốn đã khó khăn. Nhiều người suốt ngày trốn mãi trong căn chòi nhỏ bé của họ, chỉ ló ra ngoài khi nào cần rửa mặt đánh răng hay tắm rửa qua loa. Để tôn trọng sự riêng tư của họ, chúng tôi chỉ để lại những gói đồ trước sân rồi nhẹ nhàng nhón chân đi tiếp.

Nhiều người bị bệnh nằm yên không đi đâu được nhưng hàng xóm láng giềng cũng sẵn lòng giúp đở mua đồ hoặc xin đồ giùm đem về tận trong lều giúp họ. Chúng tôi nhờ có một người vô gia cư trong xóm dẫn đi thăm viếng nên không bị ai làm khó dễ hay tỏ vẻ bất bình.

Sau khi xuống tận nơi, nhìn tận mắt cuộc sống vất vả của người vô gia cư tại khu vực này, tôi vẫn thường nguyện mỗi năm sẽ cố gắng ít nhất một lần, tổ chức phục vụ phát cơm nóng và vật dụng cho họ. Thật là không may, thành phố San Jose đã có quyết định phải giải tán dân cư không nhà đang trú ngụ tại đây. Họ điều động cảnh sát đến nhắc mọi người phải dọn đi, ghi danh vào các trung tâm chứa người vô gia cư để trú ngụ nếu không sẽ bị bắt vào tù.

Lực lượng cảnh sát cảm thấy tiếc nhưng phải thi hành lệnh của cấp trên vì những người sống ở các khu vực lân cận đệ đơn khiếu nại những người vô gia cư thường xuyên xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường và làm bẩn con suối chạy quanh khu vực. Họ cũng than phiền trường hợp trộm cắp, sanh sự gây gổ ồn ào khiến nơi này trở thành một góc bụi đời, du đãng ảnh hưởng tới sinh hoạt gia đình và sự trưởng thành của giới trẻ.

Vì thế, những người vô gia cư ấy lại một lần lang thang tiếp. Luật pháp và xã hội Mỹ không dung vì họ ảnh hưởng xấu đến đời sống của những người chung quanh. Cuộc đời vô gia cư của họ lại có một khúc quanh mà chúng ta khó hình dung được.

Chứng kiến và hiểu được những hoàn cảnh thương tâm này, tôi cảm thấy mình quá may mắn. Mặc dù chúng ta vẫn có những gánh nặng oằn vai trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều ơn phước. Khi bạn có sức khỏe, có tình thân, có nghị lực, thì không có gì làm khó chúng ta ở một đất nước nhiều cơ hội như nước Mỹ.

Thương thay cho những người tinh thần yếu đuối, không đủ nghị lực, dễ bị sa nga khiến cuộc đời sa sút, khó quay về điểm khởi đầu để làm lại cuộc đời. Khi họ có một thân thể lành mạnh, có sức lực dồi dào nhưng tâm linh và tinh thần không ổn định thì họ vẫn không làm chủ được hành động và cuộc sống riêng. Phần lớn người vô gia cư lang thang bụi đời là những người như thế. Nhiều khi chúng ta, thường lầm tưởng họ là những người làm biếng, tự mình sa đọa không đáng thương. Nhưng nếu chịu học hỏi theo người Mỹ, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” và chia sẻ khi có cơ hội, thì chúng ta sẽ cảm nhận và cảm thông được nỗi niềm của những người vô gia cư.

Những điều tôi học được trong những lần đi trợ giúp người vô gia cư chính là sức mạnh và niềm tin, mà nhiều lần tôi lại muốn buông bỏ, trước những khó khăn trắc trở trong cuộc sống của bản thân. Một bữa ăn, một vài món đồ nho nhỏ trao ra, không phải để ban ơn hay tích đức tích phước gì mà là một bài học chúng ta cần có để tự nhắc mình, rằng chính nước Mỹ và người Mỹ cũng đã từng mở rộng vòng tay, giúp chúng ta có cơ hội làm lại cuộc đời, học làm người tử tế trong cuộc sống hàng ngày. Tôi luôn cố gắng nhắc nhở bản thân, biết trân trọng và thương yêu, những người quanh tôi, những điều mình đang có, để biết nâng niu và gìn giữ chúng.

Nước Mỹ đã cho tôi có cơ hội học được đức tính cho đi mà không cần nhận lại. So với khả năng cho đi rất ít ỏi của mình, tôi đã được nhận lại nhiều hơn biết bao lần. Bài viết này xin gởi đến mọi người, như một lời cảm ơn. Khi tham gia các sinh hoạt công đồng và công việc thiện nguyện, tôi nghiệm thấy cách ứng xử với xã hội của những người biết cho đi, đã và đang giúp tôi nuôi dưỡng niềm tin trong trong cuộc sống.

Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
11/04/201712:04:33
Khách
“Bạn sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn. Nếu bạn chết trong nghèo đói đó là lỗi của bạn”. Câu nói của Bill Gates chắc chắn không đánh vào những người bẩm sinh tàn tật đau yếu mà vào đại đa số những người bình thường nhưng không chịu vươn lên, tranh đấu làm việc như những người khác để chết trong sự nghèo đói.
Trong bài viết tác giả có khéo léo mở đầu câu chuyện bằng những thủ đoạn lừa bịp của người xin ăn và lối sống dơ bẩn, ồn ào lẫn trộm cắp của người vô gia cư hầu tránh những tranh luận nên hay không nên giúp họ và đồng thời cũng gửi tới độc giả một kết luận rất rõ ràng: cho dù chứng kiến biết bao nhiêu những tệ hại nhưng đều bỏ qua vì tình thương đã tạo nên sức mạnh và niềm tin trong việc cho mà không cần nhận, không đòi hỏi một điều kiện.
Tôi rất tôn trọng ý kiến đối nghịch của cả hai người vì quan niệm trong cuộc sống “bể khổ” này mình phải mưu tìm hạnh phúc cho chính mình bằng làm bất cứ những gì mình cảm thấy hạnh phúc. Tác giả đã tìm được hạnh phúc trong sự giúp đỡ người kém may mắn, trong khi Bill tìm được hạnh phúc trong phấn đấu, làm việc tới 2 giờ sáng hầu tìm ra những mới lạ cho nhân loại. Số tiền của tác giả giúp người ăn xin chắc chắn sẽ không thể nào so sánh với tài sản bạc tỷ của Bill sẽ để lại cho qũy từ thiện. Tuy nhiên, tấm lòng “cho” của hai người đều được cân bằng như nhau. Của ít, lòng nhiều.
Xin có một đề nghị với tác giả, như người Mỹ thường nói, thay vì cho họ con cá hãy dạy họ cách bắt cá. Song song với việc cho họ thức ăn, áo quần, tác giả nên để tâm vào việc hướng dẫn họ có ý thức cầu tiến. Thí dụ như giúp họ lập ra vài gian hàng nhỏ bán những đồ thủ công họ có thể làm được hay lượm được và nhắc những người tới mua trả cao lên một chút để khuyến khích thay vì cho không. Từ đó, có thể biết đâu vài gian hàng èo uột tháng này sẽ mở rộng ra thành chợ “hy vọng” của những người nghèo năm sau.
Hãy cho bằng cả tấm lòng trong sự khôn khéo. Đừng cho bằng tràn tình thương nhưng thiếu hướng dẫn.
Thân chúc tác giả đạt nhiều thành công trong việc mình mong ước.
10/04/201714:39:27
Khách
Với bài viết hay này về vấn đề nên hay không nên làm từ thiện ở Mỹ thì tui đoán rằng người viết sẽ được trúng một trong những giải của Viết Về Nước Mỹ .
10/04/201713:36:24
Khách
Chào cháu Donna,
Cháu trải qua bao nhiêu điều qua việc tham gia trong nhóm từ thiện như cháu kể thì dĩ nhiên sẽ có ảnh hưởng lớn lao trong cuộc sống cháu. Thông cảm được những người bị kẹt trong hoàn cảnh rất bi đát là thế nào. Cảm ơn cháu gởi bài viết này vô VVNM và tự nguyện trong nhóm từ thiện. Đó là gương mẫu được tốt chứ.
10/04/201712:38:17
Khách
Tác giả viết một câu chuyện tuy giản dị ,mộc mạc ,chân chất nhưng qua đó người đọc thấy một tình thương, một tấm lòng nhân hậu bao la tỏa rộng từ đầu đến cuối thắm đậm tình .Trân trọng
10/04/201709:41:10
Khách
Nếu mỗi người đều có được tấm lòng như tác giả thì xã hội nầy chắc đỡ khổ hơn nhiều.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà là chuyện về một viện dưỡng lão.
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài viết mới là truyện ngắn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Trước 1975, tác giả là một hạm trưởng hải quân VNCH, sau đó là 10 năm tù cộng sản. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O., dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã nhận giải bán kết 2001. Tuy từ 10 năm qua đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết, tác giả vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Thời chiến trước 1975, ông xuất thân Khóa 9 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, sau đó dự Khóa Căn Bản TQLC ở Quantico, Virginia năm 1963, nhiều lần bị thương và thăng chức ngay tại mặt trận. Sau gần 10 năm tù hậu chiến, ông vượt biển và định cư tại Salt Lake City, Utah từ tháng 8 năm 1987 đến nay. Bài viết của ông là hồi ký về một bạn thân người Mỹ tử trận tại Việt Nam.
Tuần lễ Halloween bắt đầu, mời đọc chuyện sợ ma. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm 2015.Đã nhận giải Đặc Biệt năm 2016. Giải Danh Dự VVNM 2017. Sang năm 2018 nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của bà là chuyện về một gia đình H.O. có các con trên 21 tuổi từng bị từ chối cho đi theo cha mẹ. Nhờ Tu Chính Án của Thượng Nghị Sĩ John McCain, mà họ đã có thể đoàn tụ từ sau năm 1995.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây, thêm một bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến