Hôm nay,  

126 Người Việt Đi Qua Cơn Khủng Bố

20/03/201700:00:00(Xem: 11113)

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung
Bài số 5073-18-30773-vb7031817

Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Ba Lan là nơi hẹn của hơn hai triệu người. Để tới được nơi hẹn, phái đoàn giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã đi qua 4 nước Âu châu, đúng cơn khủng bố đang hoành hành, nổ súng tại Munich, lao xe cán người tại Nice. Bút ký hành trình được viết bởi Nguyễn Trần Phương Dung, tác giả đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu có tựa đề “Âu Châu, Cơn Khủng Bố và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới”.

* * *

blank
Đoàn gốc Việt tại Rome.

"Tất cả nằm xuống. Lấy ba lô che đầu. Bò về hướng lối ra. Bò nhanh. Nhanh hơn nữa. Nhanh!"

Tiếng Frère hét vang, tôi choàng tỉnh, mồ hôi đẫm thái dương, sống lưng lạnh ngắt. Đưa bàn tay lên ngực trái, thấy tim vẫn còn đập thình thịch. Nhắm mắt lại, hai tay ôm lấy người mình, tôi khẽ tự dỗ dành: Đừng sợ, chỉ là giấc mộng thôi.

Nhận thức tăng theo sự điều hòa dần của nhịp tim. Không khí tê buốt. Gió vờn nhẹ trên má. Nền xi măng lạnh cứng dưới lưng. Cơ thể âm ấm của người nằm bên trái cứ rúc mãi vào mình. Tiếng ngáy đều từ người nằm bên phải. Mùi ẩm mốc của giầy vớ áo quần chưa kịp khô...

Mắt tôi bật mở lớn, tim lại đập loạn nhịp, nhớ ra rồi, cơn mưa tầm tã bất chợt vào buổi chiều lúc đang trên đường từ Fussen trở về Munich. Munich! Không, không phải tôi vừa nằm mơ! Niềm lo sợ của hai năm qua đã trở thành sự thật và vừa len lỏi vào tận giấc ngủ chập chờn.

"Em vẫn muốn đi?" Anh hỏi khi hai đứa theo dõi hình ảnh vụ nổ bom tự sát tại Brussels mấy tháng trước. Ba mươi hai người chết và hơn 300 người bị thương. Đầu óc tôi mông lung.

Chuyến hành hương Âu Châu cho một trăm hai mươi sáu người đã được chuẩn bị gần hai năm nay. Lịch trình, vé máy bay, vé xe lửa, ghế ngồi, nơi ăn chốn ở, cờ xí, khăn áo đồng phục, họp nhóm lớn chia nhóm nhỏ... Tất cả coi như đã xong chỉ chờ ngày lên đường. Vậy mà câu hỏi vẫn cứ được đặt ra, và không phải chỉ từ anh, mỗi lần có thêm một vụ khủng bố bạo động. Phái đoàn gồm rất đông các em tuổi vị thành niên lần đầu tiên xa nhà, đi hành hương theo kiểu "ba lô" với xe lửa là phương tiện di chuyển chính.

"Khủng bố có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, không ai đoán được. Chưa chắc chúng mình đã an toàn ngay khi đang ở nhà, tại Mỹ. Mình cầu xin cho mọi chuyện tốt đẹp nhưng vẫn cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất."

Frère ôn tồn nói khi nghe tôi chia sẻ về nỗi lo âu. Rồi Frère dặn dò những điều cần thiết và lôi mọi người ra ngoài công viên tập dợt. Lúc có chuyện không lành xảy ra thì phải làm gì. Khi nào thì nằm bẹp, bò, chạy... Giúp đỡ và lo cho nhau làm sao. Liên lạc với nhau thế nào nếu bị thất lạc. Nói đi nói lại. Tập tới tập lui. Tập cho đến khi từ trên xuống dưới thấm vào đầu tất cả những gì cần phải làm. Phần còn lại phó thác cho Bề Trên.

Tôi không thể để sự sợ hãi khống chế cuộc sống, vì đó chính là điều bọn khủng bố muốn. Tôi nói với anh, “Em vẫn quyết định đi cùng với hai con.” Hai đứa con gái. Bé Kẹo vừa lên 17. Bé Bánh tuần sau mới tròn 16. Lần đầu tiên được đi Âu Châu, hai chị em nô nức mãi. Không ngờ chuyến đi lại bao gồm trốn chạy một cuộc thảm sát phi lý!

Tôi cố gắng ngồi lên thật khẽ và mở điện thoại đọc lại email Frère gửi hai tiếng trước:

"Tạ ơn Chúa. Tất cả mọi người trong đoàn đều an toàn. Chúng ta không ở cùng một nơi, nhưng đều an toàn. Hotel Luitpold cho phái đoàn tạm trú đêm nay. Một số em đã ngáy rồi đó..."

Phải rồi, không cần sợ, vì mọi người kể cả hai con bé, đều đang an toàn bên Frère. Mười một người chúng tôi, nhóm nhỏ duy nhất còn bị mắc kẹt bên ngoài, đều là người lớn có thể tự lo cho mình.

Rảo mắt nhìn quanh. Bên trái, V nằm đâu lưng vào tôi, tay nắm chặt mép áo mưa mỏng manh hai chị em đang đắp chung. Gần bên, C co quắp, miệng ho khụ khụ. Đối diện, bốn cô ngồi dựa tường ngủ gà ngủ gật. Bên phải, bà Sơ nằm thẳng lưng ngáy đều. Phía ngoài, ông Cha ngồi nhắm mắt, không biết đang ngủ hay thiền? Không thấy H và T. Hai anh chàng chắc lại ra ngoài tìm đường về đây?

blank
Sau khi vượt qua cơn khủng bố, tuổi trẻ với màu cờ Việt Mỹ hãnh diện góp phần cùng ngày hội giới trẻ thế giới.

Sáng sớm hôm qua phái đoàn đi xe lửa đến Munich từ Rome. Sau khi cất hành lý vào tủ khóa ở nhà ga, chúng tôi chia thành nhiều nhóm nhỏ đi du ngoạn địa phương, hẹn nhau tám giờ tối trở lại nhà ga dâng thánh lễ trước khi đón chuyến xe lửa đêm tiếp tục lên đường sang Vienna.

Hai con bé đi theo các bạn cùng tuổi, thưởng ngoạn thành phố Munich. Tôi nhập vào nhóm già đi thăm phố cổ và lâu đài ở Fussen. Cả bọn có một ngày thật vui nói cười không ngớt, ngay cả lúc bị mắc mưa ướt như chuột lột trên đường trở về Munich. Nhưng khi chúng tôi đang trên tàu điện trở về điểm hẹn ở nhà ga thì hay tin về vụ nổ súng ở Munich. Sự kiện vẫn còn đang được thâu thập... Nhân chứng bảo súng nổ trong thương xá Olympia Mall và gần đó... Dường như có hơn một tay súng... Cảnh sát chưa làm chủ được tình hình. Chưa thể kiểm chứng số người bị thương và tử vong. Có người nhìn thấy một tay súng chạy vào hệ thống tàu điện của thành phố. Mọi người được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn an toàn...

Tim tôi như rớt ra khỏi lồng ngực. Olympia Mall cách ga Munich chỉ sáu km. Sáng nay nghe lũ nhóc bàn chuyện đi mua sắm quà lưu niệm. Có nhóm nào đang ở tại thương xá này không?

Không dám nghĩ tiếp, tôi vừa cầu nguyện vừa gửi tin nhắn cho con: “Cho mẹ biết gấp tụi con có an toàn không. Đang ở đâu và với ai? Nhớ tìm chỗ trốn và lo cho nhau. Mẹ thương các con.”

Tin nhắn thứ hai gửi cho Frère và em trưởng đoàn: “Nhóm an toàn, đang ở cách ga Munich khoảng 10 km. Sẽ tìm chỗ trú trong lúc chờ thông tin và chỉ thị của nhà chức trách.”

Gửi xong rồi hồi hộp chờ. Thời gian chậm chạp trôi qua. Vào trang Facebook của đoàn, thấy chỉ thị của Frère bảo mọi người tìm chỗ an toàn trú thân. Một số nhóm xác nhận an toàn. Một số đăng tin nhắn tìm nhau. Không thấy tăm hơi của hai đứa con và lũ bạn cùng nhóm? Mãi hơn nửa tiếng sau mới nhận được trả lời từ con chị:

"Hai chị em con an toàn. Tụi con đang trốn với các bạn trong một tiệm quần áo gần nhà ga Munich. Thương mẹ."

Thở ra, bây giờ có thể tin về cho anh được rồi:

“Có vụ nổ súng ở Munich nơi phái đoàn đang ở. Ba mẹ con bình an nhưng đang còn chờ tin của mọi người. Tiếp tục tin tưởng và cầu nguyện nhé.”

Tôi đọc lại dòng nhắn của mình mà nghe tim nhức nhối... Mới tuần trước thôi, khi đang ở Pháp, tôi cũng đã đăng dòng nhắn tương tự. Sáng sớm hôm đó khi bật điện thoại thì hiện lên tin nhắn của anh:

“Nice mới bị khủng bố em biết chưa? Phái đoàn còn ở Taizé không? Tin gấp về cho mọi người an tâm.” Nhìn kỹ, thấy thêm mấy chục tin nhắn và điện thoại hụt từ các phụ huynh ở Mỹ. Tôi vào trang tin tức mới biết tối hôm trước tại thành phố Nice, một chiếc xe tải chở hàng đã vượt qua hàng rào chắn lao vào đại lộ Promenade des Anglais nơi 30 ngàn dân địa phương và du khách đang mừng lễ hội Bastille Day. Chiếc xe chạy với tốc độ 56 dặm một giờ, lạng qua lạng lại và leo lên lề đường cố ý cáng người. Tài xế đã bị cảnh sát bắn chết năm phút sau đó nhưng đại lộ nổi tiếng thơ mộng với hàng dừa cao vút cạnh bờ biển cát trắng đã trở thành chốn hỗn loạn và đẫm máu. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố đây là vụ thảm sát dính líu đến nhóm khủng bố ISIS.

blank
Sau khi vượt qua cơn khủng bố, tuổi trẻ với màu cờ Việt Mỹ hãnh diện góp phần cùng ngày hội giới trẻ thế giới.

Bàng hoàng nhìn lại đồng hồ. Vụ khủng bố xẩy ra hơn sáu tiếng trước lúc 11:30 đêm, sau khi tôi đã đi ngủ. Mọi người trong đoàn đã được yêu cầu khóa điện thoại trong thời gian dự tĩnh tâm, riêng tôi mỗi ngày bật điện thoại ít phút sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ để giữ liên lạc với các phụ huynh ở nhà. Gia đình và bạn bè ở Mỹ chắc đang lo chết được. Tôi vội vào trang mạng của nhóm đăng dòng nhắn:

“Phái đoàn vẫn đang ở Taizé, cách Nice 680 km. Mọi người đều bình an. Xin tin tưởng và phó thác cuộc hành trình và sự an nguy của đoàn cho Thiên Chúa và Mẹ Maria. Hiệp lời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của vụ khủng bố.”

Taizé, tên của một ngôi làng nhỏ hiền hòa thuộc trung phần nước Pháp, là nơi một tu sĩ tên Roger đến từ Thụy Sĩ vào năm 1940 với ý nguyện thành lập một cộng đồng đan sĩ với đời sống chung. Khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, nhà dòng của thầy Roger đã trở thành nơi trú thân cho những người tị nạn chạy trốn chiến tranh, trong đó có người Do Thái. Chiến tranh chấm dứt, Chúa Nhật hằng tuần nhà dòng lại chào đón tù nhân chiến tranh Đức bị quản thúc ở một trại giam lân cận. Thầy cũng đón về trẻ em mất cha mẹ trong chiến tranh và nhờ người chị gái đến nuôi dưỡng.

Dần dần những người đàn ông trẻ tuổi khác thuộc đạo Công Giáo và Tin Lành từ trên 30 quốc gia đã tham gia vào đời sống cộng đoàn của thầy Roger. Họ cam kết cùng nhau sống độc thân suốt đời để quảng bá cho hòa bình và công lý qua cầu nguyện và thiền định. Một số thầy đến sống ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, những nơi chịu thiệt thòi trên thế giới, bên cạnh những người đang đau khổ để làm chứng nhân hòa bình.

Người trẻ khắp năm châu bắt đầu tìm đến Taizé từ thập niên 60. Họ đến để cầu nguyện và học hỏi về hòa bình và công lý để rồi đem lý tưởng đó về thực hành nơi họ đang sinh sống. Thông điệp và ảnh hưởng của Taizé dần lan sâu rộng. Người tìm về ngày càng đông, có tuần lên tới trên 5000 người. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã từng ba lần viếng thăm cộng đồng Taizé, trước và sau khi trở thành giáo hoàng. Cảm hứng tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của Ngài cũng bắt nguồn từ những họp mặt giới trẻ ở Taizé. Nhà triết học nổi tiếng Paul Rioeur và nhà văn/nhà thần học/giáo sư Olivier Clément, người phấn đấu để tạo điều kiện cho các cuộc họp hòa giải giữa các Kitô hữu của phương Đông và phương Tây, cũng là những khách thường xuyên của nơi này.

Phái đoàn đã dành một tuần của chuyến đi cho Taizé. Tại đây chúng tôi chung sống đời cộng đồng và sinh hoạt với hơn hai ngàn bạn trẻ thuộc đủ chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo. Không hiểu có phải vì không gian yên tĩnh, vì môi trường đẹp và trong lành, vì đời sống giản dị hay vì một ngày ba buổi tụng nguyện mà tôi cảm thấy thật bình an và hạnh phúc khi ở đây. Tất cả ganh đua bon chen, ghen ghét hận thù như thuộc về một thế giới nào khác.

Vậy mà ghen ghét hận thù vẫn tìm đến. Lòng tôi buồn vô hạn khi nghe tin khủng bố ở Nice. Tám mươi sáu người chết và 434 người bị thương chỉ vì sự cuồng tín! Phi lý và thương tâm như khi thầy Roger, người cả đời cổ võ cho sự đoàn kết hòa hợp và dấn thân cho hòa bình công lý, bị đâm chết một cách hung bạo năm 90 tuổi, ngay lúc đang cầu nguyện trong “Nhà Thờ Hòa Giải” của cộng đồng Taizé.

Và hận thù và những hệ lụy của nó lại đang xẩy ra tại Munich. Vụ nổ súng làm tê liệt cả thành phố lớn. Hệ thống internet và điện thoại dường như bị tắc nghẽn. Tất cả hệ thống di chuyển công cộng đều bị đình chỉ. Nhiều cửa hàng và tiệm ăn đóng cửa sớm. Xe cộ và khách bộ hành vội vã đi ngược hướng Olympia Mall. Đường phố vắng dần, chỉ còn lại tiếng còi hú của xe cảnh sát và cứu thương thỉnh thoảng vang lên trong không gian tê cứng sự sợ hãi.

Khi bắt buộc ra khỏi tàu điện vì hệ thống di chuyển công cộng bị đình chỉ, nhóm chúng tôi vào một tiệm Burger King để tạm lánh nạn. Lúc đó mới hơn bảy giờ chiều. Thời gian như dài vô tận khi chờ đợi tin xác nhận sự an toàn từ các nhóm nhỏ khác. Hầu hết các nhóm đang tản mác khắp nơi trong thành phố. Những nhóm đã về được bên Frère thì đang tụ tập ở ngoài một khách sạn nhỏ gần ga Munich.

Tin nhắn từ các Cha, phụ huynh, gia đình và bạn bè ở Mỹ và những nơi khác cũng liên tục bay tới. Từ ngày phái đoàn lên đường, mỗi ngày giáo xứ của chúng tôi đều dâng lời nguyện trong các thánh lễ cho sự an nguy của đoàn. Sau vụ khủng bố ở Nice, mọi người càng cầu nguyện nhiều hơn. Email từ anh và hai thằng con trai - thằng con lớn vốn dĩ ít biểu lộ tình cảm - chứa đầy lo lắng quan tâm. Chưa bao giờ thấm thía sự quan trọng và cần thiết của tình yêu thương bằng lúc này.


Khi tiệm Burger King đóng cửa vào lúc 11 giờ đêm, nhóm chúng tôi phải quyết định tìm đường trở về với phái đoàn hoặc tìm một nơi khác tạm trú. Lúc đó vẫn chưa có thêm tin từ nhà chức trách địa phương về tình hình hung thủ và không thấy taxi chạy ngoài đường.

Khoảng cách 10 km từ tiệm Burger King về ga Munich không quá xa nhưng nguy hiểm nếu đi bộ. Tòa Đại Sứ Mỹ tại Đức lại khuyến cáo công dân Mỹ tránh ra ngoài đường vào lúc này.

Chúng tôi đành phải tìm một nơi khác qua đêm. Gọi vài khách sạn nhưng tất cả không có phòng trống, vài khách sạn khác không bắt điện thoại. Chúng tôi liều đi bộ đến một khách sạn gần đó. Họ còn một phòng trống nhưng chỉ cho ba người ở. Muốn vào quán rượu của khách sạn ngồi uống nước chờ qua giờ nhưng họ cũng không cho. Có lẽ mặt mũi bơ phờ và dáng dấp tơi tả của của chúng tôi sau một ngày dài lang thang làm họ sợ.

Sau cùng chúng tôi liên lạc được với một nhóm khác cũng đang ở gần đó. Nhóm này cho biết đã tìm được một Airbnb ba phòng ngủ cách 15 phút đi bộ. Đến nước này thì ở đâu cũng được và bao nhiêu tiền cũng trả. Hai nhóm hẹn gặp rồi cùng đi tìm nhà, vừa đi vừa hồi hộp vì đường khuya vắng tanh phảng phất nỗi đe dọa. Thỉnh thoảng xe cảnh sát và xe chở lính chạy chậm chậm ngang. Cả bọn không ai bảo ai, cố gắng tiếp tục đi thật bình thường, thật bình tỉnh.

Google Map dẫn chúng tôi đi loanh quanh và dừng lại trước một căn trong khu nhà dân. Cả bọn mừng vì tưởng cuối cùng đã tìm được một chỗ an toàn để nghỉ ngơi. Nào ngờ từ máy quan sát trong nhà, chủ nhà thấy nhóm đông nên đổi ý không cho vào.

Lại phải chia lại thành hai nhóm để có cơ hội tìm được chỗ khác. Nhóm chúng tôi đi trở ngược lại hướng khách sạn lúc nãy và tìm được hành lang của một tòa văn phòng để tạm qua đêm. Hành lang khuất khỏi mặt đường và sạch sẽ nhưng hai ngõ trước sau không có cửa, gió khuya từ ngoài thổi vào tê buốt thịt da. Sau khi nhận được email của Frère lúc một giờ sáng xác nhận mọi người đều an toàn, chúng tôi bảo nhau ráng ngủ một chút để dưỡng sức...

Tiếng C ho mỗi lúc mỗi thường xuyên hơn, tôi nghe mà vừa giận vừa thương. Bố khỉ, Frère đã dặn ngoài túi nhỏ đựng tiền và giấy tờ tùy thân lúc nào cũng lận trong người, trong ba lô đeo ban ngày phải có áo khoác, áo mưa, áo thun và khăn phòng hờ khi cần. Vậy mà C ỷ y chẳng mang theo gì hết. Lúc chiều bị ướt mưa không có áo thun để thay, nửa đêm đi lang thang ngoài đường không có áo khoác để mặc. Anh chàng không bị cảm lạnh mới là lạ.

"Phải về thôi, đi bộ cũng được, em chịu hết nổi rồi." C mở mắt ra than, đúng lúc H và T đi vào. Ngoài đường xe cộ đã chạy trở lại, an toàn đủ để đi rồi. Vậy là cả nhóm lồm cồm bò dậy. Ra ngoài kiếm được một chiếc taxi nhưng chỉ đủ chỗ cho bốn hành khách. Anh tài xế là người Việt, chỉ cho nhóm trạm xe buýt bên kia đường với chuyến xe đang trờ tới. Cả bọn lúp xúp chạy băng qua đường nhưng không kịp. Chuyến xe kế 20 phút nữa mới tới. Thôi thì cuốc bộ. Đi được một quảng thì có chiếc taxi lớn tấp vào, chở được sáu người. Tài xế hứa chở nửa nhóm về trước rồi sẽ trở lại đón nửa nhóm sau.

Về lại được ga Munich đã năm giờ sáng. Trong ga có một số người đi lại nhưng tất cả hàng quán và dịch vụ vẫn đóng cửa. Chúng tôi đi qua Hotel Luitpold gần bên. Người đàn ông lớn tuổi với ánh mắt khoan dung và nụ cười thân thiện ở quầy registration như đã đoán biết chúng tôi là ai. Ông mở lời mừng nhóm về đến an toàn và chỉ về hướng cầu thang nói, “Tụi nhỏ rất ngoan.”

blank
Người viết với nụ cười và dấu hiệu chiến thắng mừng giới trẻ, khi đoàn hành hương nghỉ đêm tại nơi từng diễn ra khủng bố.

Tôi bước qua cánh cửa nhìn vào để rồi tất cả những cảm xúc gắng gượng cầm cự từ hồi chiều theo nước mắt trào tuôn không ngừng.

Số là lúc chiều tối người quản lý nhìn thấy các em lê lết ngoài hiên, đã động lòng thương cho phái đoàn vào tạm trú qua đêm mặc dù khách sạn không còn phòng trống. Để tránh làm phiền những người khách khác, Frère bảo các em ngủ trong cầu thang là nơi ít ai qua lại. Lũ nhóc nằm ngồi la liệt dưới chân cầu thang và trên bật thang giữa các tầng lầu ngáy ngon lành. Chúng tôi bước qua bao nhiêu đứa để lên tầng trên mà không đứa nào hay biết.

Vào phòng giải lao của nhân viên khách sạn, thấy Frère và một số em cũng đang chen chúc bên nhau ngủ ngon lành. Không thấy hai đứa con gái nhưng tôi biết chúng cũng đang ngủ yên đâu đó trong khách sạn. Frère sẽ không bao giờ ngủ được nếu tất cả tụi nhỏ không đang an toàn bên cạnh.

An tâm được rồi, nhóm chúng tôi bảo nhau trở qua nhà ga để tìm một chỗ dựa lưng.

Chợp mắt trên sàn nhà ga được chừng 30 phút thì nghe nhiều tiếng bước chân. Phái đoàn đang từ khách sạn kéo qua nhà ga để chuẩn bị đón chuyến xe lửa sáng đi Vienna. Mọi người ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Nét lo lắng sợ hãi vẫn còn hằn trên mặt.

Người lớn tụ lại chia sẻ cảm nghiệm của ngày hôm qua. Ngoài trừ hai nhóm lúc đó đang trên đường về từ Fussen, tất cả nhóm còn lại đều quanh quẩn trong thành phố Munich. Khi tin về vụ nổ súng xẩy ra, nhờ đã được tập luyện trước, mọi người đã phản ứng tự nhiên và tìm được nơi trú ẩn an toàn một cách nhanh chóng.

Có một nhóm ở ngay tại Olympia Mall. Trong nhóm có hai em bị trật chân lúc sinh hoạt với các bạn trẻ ngoại quốc ở Lộ Đức và Taizé. Khi mọi người hoảng sợ xô đẩy nhau chạy ra khỏi thương xá, các em đã biết dìu nhau chạy trốn.

Mấy nhóm có mặt tại ga Munich dường như bị ảnh hưởng tâm lý nặng nhất. Lúc đó phần đông đang ngồi trong phòng đợi của nhà ga. Khi có tiếng la, "Có nổ súng ở Munich," mọi người trong đoàn đã nằm bẹp xuống đất lấy ba lô che đầu. Những hành khách ngoại quốc khác cũng nằm bẹp xuống đất. Duy nhất có một người đàn ông Trung Đông vẫn ung dung ngồi trên ghế, tay bấm bấm cái điện thoại. Rồi ông đứng lên đi ra, đến cửa quay lại đảo mắt nhìn một lượt khắp phòng rồi mới quay lưng đi hẳn. Hành động khó hiểu của ông đã khiến nhiều người hốt hoảng. Khi mọi người chạy vào mấy văn phòng phía sau để tìm chỗ trốn kín đáo hơn, nhóm đã bị người nữ nhân viên nhà ga xua đuổi, "Những người tị nạn, ra ngoài!" Cũng may một người nam nhân lên tiếng can thiệp, "Đoàn của họ gồm các em nhỏ. Hãy cho họ vào."

Nhóm người lớn như vẫn chưa hoàn hồn với chuyện xẩy ra ngày hôm trước. Vài phụ huynh bày tỏ ý định bỏ cuộc và đưa con trở về Mỹ. Tôi thông cảm nỗi lòng của họ. Biến cố Munich đã qua - nhà chức trách đã xác nhận tay súng duy nhất 18 tuổi đã tự sát sau khi bắn chết 10 người và gây thương tích cho 36 người khác - nhưng cảm nghiệm sợ hãi vẫn còn đó. Phái đoàn vẫn còn 10 ngày trong cuộc hành trình. Điểm cuối cùng là Đại Hội Giới Trẻ tại Ba Lan, nơi sẽ quy tụ hai triệu người từ khắp nơi trên thế giới, một mục tiêu dễ dàng cho bọn khủng bố.

Nghiền ngẫm lại 20 ngày vừa qua của cuộc hành trình, tôi cảm thấy có bàn tay nhiệm màu của Thiên Chúa giữ gìn chúng tôi. Phái đoàn đã đi qua bốn nước tại châu Âu và ghé toàn những nơi đông đúc. Bị trấn lột có, bị móc túi có, bị trật chân trầy tay có, bị ngất xỉu có, bị vào nhà thương có... nhưng không có gì quá nghiêm trọng. Ngay cả khi gặp phải biến cố Munich bị khủng bố, trong hỗn loạn mọi người vẫn bình an.

Và rồi những tấm lòng... Của những người thân ở nhà. Những người bạn mới. Của người quản lý Hotel Luitpold đã cho hơn một trăm người lạ vào trú thân trong thời điểm nguy hiểm nhất…

Chúng tôi tới điểm chính của chuyến hành hương, nơi Tòa Thánh Vatican tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016: Ba Lan, quê hương của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị.

Phái đoàn được một giáo xứ địa phương tại thành phố Wozniki bảo trợ trong những ngày tham dự đại hội. Giáo Xứ Wozniki Parafia Wniebowziecia tiếp đón chúng tôi thật chu đáo ân cần. Năm mươi người trong phái đoàn ở tại trường học của giáo xứ. Số còn lại chia nhau ở nhà các giáo dân.

Tôi thuộc nhóm ở tại trường học. Mỗi sáng Frère đánh thức mọi người lúc sáu giờ. Những người thiện nguyện trong giáo xứ không biết đến từ lúc nào mà bảy giờ thức ăn sáng đã sẳn sàng. Chúng tôi ra đi lúc tám giờ sáng và trở về thật khuya, có hôm mãi ba giờ sáng. Ngày nào họ cũng chờ chúng tôi về để mở cửa trường học và chở những người ở nhà giáo dân về.

Kraków, trung tâm Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2016, là một thành phố lớn nhưng không thể chứa hai triệu du khách. Phần đông người tham dự đại hội ở ngoại ô và mỗi ngày dùng phương tiện công cộng đi vào. Từ Wozniki chúng tôi đi xe buýt tới Wadowice - nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị sinh ra và lớn lên, rồi mới đón xe lửa vào Kraków. Chúng tôi mất ít nhất ba, bốn tiếng mỗi chiều cho khoảng cách 120 km. Đó là chưa kể thời gian đi bộ từ trạm xe lửa vào trung tâm đại hội.

Đi nhiều, ngủ ít, ăn uống đơn giản mà tất cả mọi người đều giữ được tinh thần sảng khoái vui tươi. Lũ nhóc thì cười đùa múa hát cả ngày đêm với các bạn trẻ quốc tế trên đường phố và tại các địa điểm rãi rác của đại hội.

Phái đoàn đã có một đêm trao đổi văn hóa đáng nhớ với cộng đồng quốc tế - Đêm Lễ Hội Văn Hóa. Sân khấu lộ thiên giữa quảng trường chính của thành phố Kraków lớn và đẹp không ngờ. Âm thanh và ánh sáng quy mô không thua chương trình concert của các ban nhạc nổi tiếng. Đứng trên sân khấu nhìn xuống, tôi thấy một rừng người. Chúng tôi đã trình diễn vũ khúc bất hủ "Tôi Yêu Quê Tôi" và hợp ca bài "Việt Nam, Việt Nam". Khi lá cờ vàng ba sọc đỏ được trân trọng mang ra trên sân khấu, ở phía dưới những nhóm người Việt từ khắp nơi về dự đại hội đã phất cao lá cờ và cùng hát vang: Việt Nam! Việt Nam! / Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời. / Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời.

Ngày diễn hành tới địa điểm canh thức với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi vẫn rời khỏi Wozniki lúc tám giờ sáng nhưng đến xế trưa mới đến được Kraków. Từ đó chúng tôi đi bộ 13 km giữa trưa nắng chói chang đến Campus Misericordia - Cánh Đồng của Lòng Thương Xót, tay mỗi người phất một lá cờ lớn - cờ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Hoa Kỳ - cùng hát thánh ca và quốc ca vui. Các bạn trẻ từ các quốc gia khác cũng tuần tự diễn hành vào từ bốn phía, ca hát vang lừng. Mãi đến bảy giờ chiều chúng tôi mới vào được khu đất trống đã được chỉ định cho phái đoàn, vừa kịp lúc khai mạc đêm canh thức.

Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người “hãy sống trong sự đa dạng, trong cuộc đối thoại, để cảm nghiệm đa văn hóa không phải là một mối đe dọa mà là một cơ hội.”

Hai triệu người trẻ từ khắp nơi trên thế giới đã quỳ gối cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha, cho tình huynh đệ và liên đới, cho sự hòa hợp cảm thông, cho hòa bình hiệp nhất. Hai triệu ánh nến lung linh bên cạnh vô số quốc kỳ bay phất phới giữa cánh đồng trống mênh mông dưới bầu trời đầy sao là hình ảnh đẹp đầy sức mạnh mà tôi sẽ suốt đời không quên.

Tôi cũng đã cầu nguyện cho đất nước Hoa Kỳ, nơi dung chứa người Việt tị nạn... Cho dân tộc Việt Nam mau được “yên vui dài lâu”... Cho bạn bè người thân… Cho nạn nhân và gia đình của những vụ khủng bố bạo động…

Trên lộ trình trở về Mỹ, chúng tôi đi ngang qua Bỉ và nghỉ đêm tại hiện trường của vụ khủng bố Brussels bốn tháng trước. Hôm đó rơi đúng vào ngày sinh nhật, tôi được các phụ huynh đãi ăn mì ly và paté bánh mì còn sót trong ba lô vì tất cả hàng quán trong phi trường đều đã đóng cửa. Tối hôm đó tôi ngủ ngon lành trên sàn nhà phía ngoài nhà vệ sịnh, bên cạnh hai đứa con gái và hơn một trăm người trong phái đoàn. Sự sợ hãi không hề đến, dù thoáng qua. Lòng tôi hạnh phúc và bình an.

Ba mươi ngày hành hương nhanh như một giấc mộng. Những nơi chốn tôi đã đi qua... Những tấm lòng tôi đã bắt gặp. Niềm tin vào sự thiện hảo của tâm hồn con người. Niềm hy vọng cho hòa bình và sự hiệp nhất. Sự can đảm của lòng thương xót… Và trên hết, giới trẻ! “Mercy always has a youthful face!”- Pope Francis.

Nguyễn Trần Phương Dung

Ý kiến bạn đọc
21/03/201720:52:49
Khách
Thưa cộng đồng đan sĩ là đan viện dành cho các Thầy hay Sơ tu kín (thí dụ dòng Biển Đức). Họ sống đời tu với nhau và không ra ngoài trừ khi được phép.
21/03/201711:53:55
Khách
Xin cho hỏi "cộng đồng đan sĩ " là gì?Mến
20/03/201716:40:44
Khách
Nội dung và lời văn của bài viết đều rất hay. Hèn chi tác giả đã một lần được thắng Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.

Ôi, nếu trước năm 75, người dân Hoa Kỳ và Âu châu đã bị nạn khủng bố tấn công reo rắc kinh hoàng, thiệt hại như ngày nay, thì người dân miền Nam chúng ta có lẽ đã không bị Đồng Minh phủi tay " sống chết mặc bay" cho rơi vào tay bọn trùm khủng bố Hồ chí Minh- Lê Duẫn.
20/03/201716:39:28
Khách
Màu cờ và sắc áo của thế hệ hậu duệ của người Việt Nam Hải Ngoại là một cái tát nẩy lửa vào mặt bè lũ ngụy quyền Cộng sản bán nước
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,050,252
Nhạc sĩ Cung Tiến