Hôm nay,  

10 Ngày Ăn Tết Ở Cali

12/03/201700:00:00(Xem: 14355)

Tác giả: Song Lam
Bài số 5067-18-30767-vb8031217

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.

* * *

I.

Chuyến bay AA717 mang tôi về LAX khi trời đã về khuya.Một chút se lạnh của những ngày giáp Tết đủ làm tôi bâng khuâng.Rất nhiều người Việt Nam trong chuyến bay này, chắc họ cũng như tôi từ Northeast về Cali ăn Tết, hoặc làm việc ở miền Đông lạnh giá bươn bả về lại gia đình.Cái gì thúc giục âm thầm trong lòng mọi người nô nức về Cali như vậy?

Hơn sáu giờ bay đêm, con tàu lướt đi êm đềm. Mọi người chìm vào giấc ngủ hoặc lướt tay trên bàn phím keyboard. Tôi đang mơ về nơi có nhiều sắc màu kỷ niệm với văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt, mà hơn 40 năm rồi tôi đã vuột mất khỏi tầm tay!

Tìm lại mùa Xuân của đất trời hôm nay trong khi mùa xuân của cuộc đời không bao giờ trở lại, tôi nghe lòng mình chếch choáng cơn say. Tuổi già sao cứ mãi nhớ về hình bóng cũ, phải chăng tôi đang góp nhặt chút tình yêu thương cuộc đời?

Văn hóa ngày Tết truyền thống vẫn còn rất tràn đầy ở Cali trong cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh. Tôi là người ở xa tới vẫn cảm nhận rất rõ tình đồng hương khi mùa Xuân gõ cửa từng trái tim người Việt. Mọi người vui vẻ hàn huyên ở chợ Tết thật rôm rả, trao đổi kinh nghiệm về hoa cỏ, cây trái năm nay.

- Năm nay hoa nở chậm chị ơi vì có đợt lạnh bất chợt đầu tháng Chạp.

- Đúng rồi cô ơi, tôi có cây mai to sau nhà, hôm nay chỉ mới ra nụ li thôi, chắc là sau Tết cả tuần mới nở…

Tôi vào chợ hoa như lạc vào tuổi nhỏ của mình, của Sài Gòn nửa thế kỷ trước. Ôi, muôn hồng ngàn tía của hoa đào, hoa mai, hoa lan, hoa cúc rực rỡ khoa sắc một góc trời. Nghe đâu chợ hoa được bày bán đầu tháng Chạp. Còn trái cây nữa, sao mà nhiều vô kể. Lâu lắm rồi, tôi không được nếm trái mãng cầu dai, bòn bon, trái sa bô chê, trái khế… Vị ngọt của từng loại trái cây đó, chỉ mới nhìn thôi, đã thấy sắt se đầu lưỡi.Tất cả đều tươi rói như con gái dậy thì, như vừa được nhón chân hái trên cành sau vườn hay trước ngõ. Ở miền Đông, trái cây nhiệt đới hoàn toàn không có, thỉnh thoảng bày bán trong chợ Á Châu trông héo hon già nua mà giá cả thì bay tuốt lên trời… Ai đời chôm chôm 10 đô la một pound mà héo queo như bà già 90!

Tôi thật sự vui lắm khi nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ thân yêu bay rợp trời ngoài đường góc phố. Cờ bay rợp trời trong ngày diễn hành Tết đã đành rồi lại còn thấp thoáng với những chiếc khăn quàng cổ của người dân Cali nữa chứ! Ôi lá cờ chiến thắng cắm trên cổ thành Quảng Trị cách đây nửa thế kỷ đã vượt đại dương theo bước chân người Việt Nam tị nạn qua Mỹ này và khắp nơi trên thế giới. Rõ ràng là chúng ta đi mang theo quê hương, mang theo lá cờ tổ quốc thân yêu!

Mười ngày ở Cali bay vèo, tôi về lại NJ hơn tháng rồi mà trong giấc ngủ hàng đêm còn mơ màng pháo Tết. Cái âm vang ầm ầm chát chúa rộn rã với mùi thuốc pháo thơm thơm khen khét ấy, tôi cứ mãi hít hà. Pháo rền trời đêm 30 Tết. Mọi người thi nhau đốt pháo, ở chùa Điều Ngự, chùa Huệ Quang… Con đường Westminster ngập tràn xác pháo đêm ấy. Và ngay góc đường Euclid và Westminster hàng ngàn người đến chùa Huệ Quang xem văn nghệ chờ đón Giao thừa. Sân khấu được dựng ngoài trời với đầy đủ ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng. Chỗ ngồi không có đã đành, chỗ đứng cũng không.Góc đường này đen nghịt người và người, nghe đâu con số lên đến bảy tám ngàn người.Tôi chưa từng thấy một “quần thể” cộng đồng Việt Nam đông đảo đến như thế.Pháo nổ tứ phía, pháo bông, pháo đại, pháo nổ ở trên đầu mọi người. Mãi đến gần một giờ sáng chúng tôi mới ra khỏi đám đông, co ro với cái lạnh về đêm để về nhà.

Làm sao nói hết cái cảm giác của mọi người trong “giây phút giao mùa” ấy? Tôi cảm động ôm chầm người bạn gái họ Phùng thì thầm vào tai bạn:

- Chúc mừng năm mới hai bạn và gia đình, gởi lời thăm các cháu!

- Tôi vịn ghế rồi, đứng lên đi SL! Để cho bạn thấy toàn cảnh đông đúc, vui tươi của người Cali đón Tết.

Trước nhiệt tình của bạn, tôi leo lên ghế và giơ tay chào mọi người. Trời ơi, cái giây phút này sao cảm động thế?

Tôi kịp nhận ra rằng không chỉ bà con ở Cali, mà người Việt từ các tiểu bang xa, như tôi cũng về đây thưởng thức không khí vào xuân với nghi thức truyền thống bao đời, tìm lại tình tự dân tộc, tìm lại giây phút thiên liêng mong đợi từ thuở nhỏ khi quê hương ta còn những thời khắc thanh bình.

Đêm hôm ấy, hai người bạn già ôm nhau chúc Tết mà nước mắt rưng rưng.Giây phút ấy thiêng liêng quá, cảm động quá. Có cái gì ràng rịt giữa tôi và người bạn họ Phùng? Có thể là cùng một tuổi đời, cùng một nghề giáo ngày xưa ở Sài Gòn, cùng một sở thích là yêu quí và mong ước thiết tha gìn giữ tiếng Việt và văn chương Việt. Chúng tôi đến với nhau qua những trang viết còn nóng hổi tình người và trở thành đôi bạn già thắm thiết dong ruỗi chơi xuân!

Ngày Tết ở Cali rất khác ngày Tết ở Việt Nam vì tất cả dịch vụ đều mở cửa đón khách.Đặc biệt hơn hết, đâu đâu tôi cũng thấy tà áo dài.Ca sĩ chạy sô mặc áo dài đã đành, các cô thợ tóc, thợ nail, bán hàng cũng mặc áo dài tha thướt.Ai cũng tươi cười, ai cũng chúc tụng nhau.Phải, tôi tìm được nụ cười thật sự ở Cali dù tôi gặp họ chỉ vài giây phút trong ngày.Điều này tôi không có được ở Sài Gòn năm ngoái.Ngày Tết ở Cali mọi người vẫn làm việc, chợ búa, quán xá đông người, không như ở Sài Gòn mọi cửa hàng im lìm khóa chặt.

Mười ngày ở Cali vẫn không đủ “thưởng Xuân” dù tôi tranh thủ “chạy sô” không ngừng nghỉ. Mọi người quá sợ vì cái “chương trình” của tôi kín mít.Không có giờ nghỉ ngơi. Bà chị ở Garden Grove ngạc nhiên hỏi:

- Cô không thấy mệt sao mà đi dữ quá vậy? Đến tuổi này rồi mà còn dai sức ăn chơi như thế?

Tôi cười ánh mắt tinh nghịch:

- Tranh thủ chị ơi, để “không còn kịp nữa”. Mà cũng vì vui quá nên quên… mệt.

Làm sao tôi không đến để dự những dịp đông vui một năm mới có một lần như ngày Tết đầu năm ở Việt Báo với đông đủ các vị dân cử Mỹ Việt, với đốt pháo, múa lân, với ban hợp ca hát bài Ly Rượu Mừng. Các bạn văn từ khắp nơi về đây gặp nhau thăm hỏi, đùa cợt cho vui tuổi già. Chúng tôi vui như tuổi nhỏ với ly rượu đỏ trong tay, nhìn nhau chúc nhau sức khỏe và hẹn ngày gặp lại. Ân tình ở chỗ “tóc bạc như sương” thấy cảm động vô cùng vì lần gặp mặt hiếm hoi này… Người Cali sao quá đổi thân tình, nồng ấm như nắng vàng Cali quanh năm rực rỡ ấm áp: những trái chanh dây tự do hái đầy giỏ ở sau vườn nhà CMH, trái quít, trái ổi của BX mang đến cho SL đem về miền đất lạnh. Còn nữa đây… mắm tôm chua của NVT, chả giò của PD, bánh chưng Tân Hoàng Hương của NB.

Chúng tôi mang hai kiện hành lý về NJ toàn trái cây, bánh mứt ở Cali như mang theo mình ân tình của bè bạn, học trò, người thân để cứ nhớ nhung Cali và ước mong ngày trở lại.

II.

Nếu so sánh giữa cái Tết Nguyên Đán của người Việt và New Year của Mỹ chúng ta thấy có sự khác biệt rõ lắm. Người Mỹ chỉ coi trọng ngày Christmas, đó là lễ lớn trong năm, còn New Year sau đó một tuần chỉ là nghi thức đón chào năm mới bằng biểu tượng countdown khi trái cầu rơi xuống ở Times Square, New York. Năm đầu tiên đến Mỹ, chúng tôi ở New York City ngay ngày Tết Dương lịch, chúng tôi buồn phát khóc vì thành phố vắng lặng quá, im lìm quá. Đến ngày Tết Ta, tôi khóc thật sự vì nhớ nhà. Lúc đó gia đình tôi chưa gặp được người đồng hương nào, không thấy cái bâng khuâng hồi hộp chờ Giao thừa và cũng không biết được gì tin tức ở quê nhà nên tận cùng trái tim người xa xứ dấy động một niềm đau!

Ngày New Year của Mỹ khi trái cầu rớt xuống, họ chúc mừng nhau “Happy New Year” tụ họp uống rượu đến hai ba giờ sáng và có thể ngủ vùi trong ngày đầu năm. Hết. Trong khi cái Tết Việt Nam rộn rã, râm ran từ 23 tháng Chạp ngày đưa ông Táo về trời, cho đến mười ngày sau vẫn còn rực rỡ sắc xuân. Biểu tượng ngày Tết Việt Nam không chỉ là hoa trái bốn mùa tươi đẹp, bánh mứt rượu trà, còn là sự giao cảm giữa người sống và người đã khuất.Tết là thời khắc quay về của đứa con xa, là sự sum họp gia đình, làng nước, Tết là dịp để nói lời yêu thương hay xóa bỏ hận thù, nếu có. Tết còn là dịp để xích lại gần nhau trong chén trà thơm, ly rượu nồng để thắm đượm thêm tình người, tình bằng hữu, tình đồng hương… vì hoàn cảnh đau thương của đất nước, phải ly hương và gặp lại nhau ở nơi này…

Vậy mà có dư luận báo chí đề nghị bỏ Tết Việt Nam để cùng ăn Tết với người Mỹ ngày đầu năm Duơng lịch giống như người Nhật hiện nay.Không, trăm lần không, vạn lần cũng không. Ngày Tết Nguyên Đán là nét văn hóa lâu đời của người Việt, với đặc tính, bản sắc dân tộc Việt yêu chuộng lẽ phải, lòng biết ơn, sự bao dung, yêu quí hòa bình. Ngay chữ Tết có nghĩa là Tiết, là sắc trời, sắc xuân, là mùa tươi đẹp nhất trong năm và Nguyên Đán là ngày đầu năm âm lịch. Chúng ta không thể bỏ đi ngày Tết Nguyên Đán vì nó đã ăn sâu vào lằn gân, thớ thịt, mạch máu, nhịp tim của người Việt Nam rồi!

Sẵn trang viết này, chúng tôi cũng xin lạm bàn một chút về tên gọi.Người Mỹ gọi Tết Ta là Chinese New Year.Tên gọi này đã có từ lâu nhưng không đúng.Chúng ta phải sửa lại cho đúng.Phải là Vietnamese New Year vì người Tàu và người Việt ăn Tết cùng ngày nhưng lề thói, phong tục khác xa nhiều lắm. Vài năm gần đây, người Việt ở bên Pháp cũng ghi trên banderole là Vietnammien Nouvel An (ngày Tết của người Việt Nam) để xác định Tết Ta khác với Tết Tàu, nhất là hiện nay, Tàu đang là kẻ thù xâm lượt! Chúng ta nói với nhau “Chúc mừng năm mới” chứ không nói Cúng hì phạt xòi, chúng ta ăn bánh chưng, bánh tét chứ không ăn bánh trạng cứng ngắt như người Tàu.

Nói về Tết chúng ta nghĩ đến áo dài. Cả nam lẫn nữ đều mặc áo dài, kể cả mấy vị dân cử người Mỹ. Nhưng hiện nay trong nước áo dài bổng nhiên trở thành dị dạng gọi là “cách tân” hay “ cách phá” gì đó, gần giống như cái áo xường xám của Tàu. Đó là ý đồ của bọn Tàu đang muốn xâm nhập, lấn áp văn hóa của ta. Áo dài của ta có vạt hò, cài nút qua phải (hoặc bây giờ có zipper sau lưng) và xẻ vạt ở chấm eo. Hai vạt dài hay ngắn tùy theo giai đoạn fashion nhưng dài quá gối và có quần dài màu hay đen trắng. Áo xường xám vạt hò cả hai bên, chỉ xẻ đường hông để bước và không có quần bên trong. Cái chuyện bày vẻ áo dài cách tân là con đường mất văn hóa y phục, dần dần sẽ đi đến mất nước thật gần!

Thêm một chi tiết nữa, áo dài của ta nền nả, kín đáo, phô diễn nét đẹp của người phụ nữ, trong khi áo xường xám khoét sát nách, ngắn củn cởn, thô tục.

Người viết có quá đáng không khi có chút phẫn nộ về vài sự việc khó nghe chung quanh ngày Tết ở Hải ngoại và trong nước? Xin quí độc giả thương tình bỏ qua. Nỗi vui xuân tràn đầy ở Cali làm ấp áp cõi lòng già, nhưng những sai trái chung quanh cũng đôi lúc làm cho mình hối tiếc. Trong một thoáng tình cờ, chúng tôi có đọc được dòng này trên FB: “Có người vẫn để thời gian vỗ về những điều đã cũ, cũng có người không thoát nỗi những bất hạnh đã từng”

Mười ngày ăn Tết ở Cali qua thật mau. Tôi ngẩn ngơ luyến tiếc khi trở lại nhà, trở lại với công việc hàng ngày nhưng trong lòng mình vẫn còn rực rỡ tình xuân với đào mai khoe sắc. Câu thơ Đường vẫn ấm áp lòng tôi:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)

Phải, năm nay hoa nở muộn, vì thế trong sân nhà bằng hữu ở Cali, trong ngày rằm tháng Giêng đào mai đang nở rộ. Xin thêm một lần cám ơn xe đò Hoàng đã mang tôi về San Jose sáng sớm mồng hai Tết với đồi núi chập chùng tươi đẹp của thung lũng hoa vàng. Xin cảm ơn bằng hữu Bắc Cali với nồi bún riêu thơm ngát. Cảm ơn những quyển sách tinh tươm từ tay T. NC trao tặng… Cám ơn các bạn nữ lưu nồng ấm văn chương ngày Tết đến thăm người xa mới đến Cali là tôi như LNH, TH, M&M, KA và phu quân… Kỷ niệm đó, ân tình đó tôi ôm vào lòng như món quà vô giá.

Sẽ không bao giờ quên bữa ăn trưa vội vã ở VB, mọi người xúm xít trò chuyện râm ran, vui mừng khi thấy cành đào nở muộn. Mọi người trêu chọc anh chủ bút:

“Vậy là năm nay anh sẽ có đào, dù là muộn màng đôi chút”.

Các bạn già vui với nhau bằng nụ cười trẻ thơ và sau đó là bùi ngùi lưu luyến “hẹn ngày tái ngộ”

Sẽ không bao giờ quên tình cảm thầy trò gặp lại sau gần 30 năm dâu biển cuộc đời.Cám ơn gia đình TM với bữa miến gà ngọt tình xa xứ. Cám ơn K & J ở San Diego, cám ơn những ngày rong chơi thắm đượm tình bè bạn và cám ơn đêm nhạc thính phòng ở Lạc Cầm mà nỗi xúc động làm rưng rưng nước mắt từ giọng hát trẻ và khỏe của ca sĩ Thương Linh.

Bây giờ là tháng 3, có thể trời đất sẽ vào xuân sớm khi chúng ta thoáng thấy cây cỏ quanh vùng đang nẩy lộc, đâm chồi. Sự sống của đất trời, của con người như một vòng xoay: “Hết đông buồn rồi lại sang xuân”. Bài hát bất chợt hiện lên trong tầm nghĩ:

“Trời bây giờ trời đã sang xuân
Em nhìn anh tình yêu thành gần”

Xin cho tôi được đến gần với tình yêu con người khi sắp sửa đến giai đoạn tuổi già hiu quạnh. Những viên sỏi dưới chân sẽ long lánh tình yêu khi ta trân trọng nó và chúng ta sẽ mở lòng đón nhận những tình cảm tốt đẹp nhất của tình bạn, tình người!

Trong chiều hướng đó, dù quanh chúng ta hãy còn đầy rẫy những thương đau mất mát, cuộc đời của mỗi người chúng ta còn những gút mắc, lỗi lầm hay danh lợi đua chen, người viết cũng xin được trân trọng tình cảm tốt đẹp mình có được sau 10 ngày ăn Tết ở Cali, coi đó là hương sắc cuộc đời ban tặng cho mình.

Đông Bắc đang vào xuân, người viết xin được gởi những hương sắc đó đến cho quí đọc giả, bè bạn tứ phương bằng nhịp đập của trái tim người già nhưng còn rất trẻ.

Hôm nay gió dữ dằn, gió lộng tung trời, tôi xin trân trọng gởi hương cho gió.

Đầu tháng 3/2017

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
17/03/201707:33:50
Khách
Tràn đầy hình ảnh ngày Tết truyền thống VN, chan chứa ân tình & kỷ niệm để lại Cali của người về từ
miền đông bắc ̣Còn 3 ngày hội chợ Tết sinh viên diễn ra hằng năm ở Costa Mesa, chị không ghé lại sao ?
17/03/201707:11:24
Khách
TET!TET!TET!
15/03/201703:15:59
Khách
Em rất hân hạnh được có dịp gặp mặt và dùng một buổi cơm trưa thân mật với tác giả vào dịp tết vưà qua. Chúc chị Song Lam luôn dồi dào sức khoẻ và hẹn có dịp gặp lại.

Thương mến,

Như Ý
13/03/201718:41:59
Khách
Song Lam ơi!'
Bài viết thật "có tình có nghĩa"! Cám ơn tg đã yêu thích Cali đến thấm vào từng câu văn... Thật tiếc mình không đi "hội hè" với các bạn được. Hẹn dịp khác vậy nhé!
Thân
P.Hoa
12/03/201715:12:55
Khách
Với lời văn truyền cảm, chau chuốt của tác giả, tôi tuy ở xa nhưng đọc bài viết này cũng hình dung và cảm thấy được đồng hương của chúng ta ở thủ đô tỵ nạn đã ăn Tết Đinh Dậu thật vui và hạnh phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến