Hôm nay,  

Tình Gà

07/02/201700:00:00(Xem: 15168)

Tác Giả: Phương Hoa
Bài số 5038-18-30738-vb3020717

Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Dậu 2017.

* * *

blank
Cắt bánh, từ trái, Orchid Thanh Lê, Phương Hoa, Nhã Ca và Kiều Chinh.

Đang mãi mê với công việc thì thấy mọi người lục tục kéo đi ăn trưa, hắn cũng ngừng tay và bước ra ngoài. Một cơn gió nhẹ ùa vào mơn man lên mặt làm hắn cảm thấy thật dễ chịu. Trời trong xanh, những sợi nắng đầu Xuân dịu dàng, phơn phớt phủ trên đầu những cây thông cao nhồng, được trồng dọc theo hàng rào quanh khu vực xưởng. Hắn vươn vai hít thở vài cái cho gân cốt thư giãn.

Hôm nay là Mồng Một Tết Âm Lịch, nhưng đối với nhóm thợ người Việt trong hãng có khác chi mọi ngày. Còn mệt hơn nữa là. Hàng tồn đọng nhiều, mọi người phải làm tăng ca, đi từ năm giờ rưỡi sáng. Ngồi xuống chỗ mấy người đồng hương Việt Nam, hắn mở vội hộp cơm chiên và xúc lia lịa cho vào miệng nhai nhồm nhoàm vì đang cơn đói. Vết sẹo ở môi dưới hắn nhúc nhích, xịch qua xịch lại nhìn như vết cắt thẩm mỹ của một bác sĩ có tay nghề tồi, đã xẻ môi trái tim cho hắn nhưng lại bị lệch đường dao. Hắn chẳng bao giờ kể về vết sẹo, nhưng không biết có phải vì chút dị dạng ở cái môi dưới đó mà hắn rất ít khi cười. Họa hoằn lắm mới thấy hắn cười, thì lại có thói quen đưa tay sờ lên môi như muốn che lại. Tiếng lão Đệ bỗng oang oang từ sau lưng:

– Ê! Tình “Gà”! Bữa nay làm mệt quá, tụi mình phải giải lao một chút mới được. Sẵn dịp ngày đầu năm mới Tết Con Gà, mày còn chuyện “chiến kê” nào hay kể bọn tao nghe cái coi! Chuyện chọi gà ngày Tết của mày hồi đó đó!

Nói về chuyện chọi gà, cái thú tiêu khiển của các bậc vương giả ngày xưa mà ngày nay rất thịnh hành trong những dịp Lễ Tết, thì cánh đàn ông hầu như ai cũng thích. Trước năm 1975 ở miền Nam, ngày Tết thường có rất nhiều độ đá gà, lắm người ăn to thắng lớn và cũng không ít kẻ bại sản tán gia. Chỉ nội trong nhóm công nhân thợ tiện người Việt ở hãng này, tính luôn cả vài người nữ nữa thì khoảng chừng hơn một tiểu đội, nhưng đã có hai phần ba số người mê như điếu đổ những câu chuyện về gà chọi của hắn.

So với nhóm thì Tình trẻ nhất, cả tuổi đời và tuổi nghề vì hắn vô sau cùng. Hắn làm việc ở khu “deburring machines”, là khu vực máy chà bóng, mài giũa lại cho hoàn thiện những góc cạnh thô nhám, thừa ra của thành phẩm. Với giọng nói rặc miền Tây Nam Bộ, và bộ dạng có chút ngây ngô, hắn hay bị chọc “Con cá gô bỏ gổ kêu gột ghẹt”. Hắn không hề phiền.

Điều làm mọi người tò mò là nhiều lúc hắn trông lơ láo, thất thần; ánh mắt nhìn tận đâu đâu như kẻ vô hồn. Nhưng hắn lại có biệt tài kể chuyện hay thần sầu. Sau những lúc làm việc mệt nhọc, mọi người thường xúm lại bắt hắn kể chuyện. Và trong lúc thiên hạ cười vang, hắn ngồi với vẻ trầm ngâm khó hiểu.

Cái biệt danh Tình “Gà” là do lão Đệ đặt cho hắn. Ngày xưa bên quê nhà hắn là con của một “sư kê”, và cũng là tay chơi đá gà chuyên nghiệp, chuyên nghiệp cả việc chọn và nuôi gà nòi. Tuy rằng cái lịch sử nuôi và đi chọi gà hắn đã kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, nhưng lão Đệ vẫn nghe không biết chán. “Đồng bệnh tương lân”, ngày xưa vốn lão cũng từng là một sư kê nhưng vì “sư hạng bét” nên lão đã thua đến banh nhà nát cửa. Riêng hắn, mỗi khi có người đòi nghe chuyện gà chọi hắn chẳng bao giờ từ chối. Cũng chuyện đá gà, mà mỗi lần kể hắn lại pha thêm nhiều tình tiết “bên lề lịch sử” rất độc đáo ly kỳ, làm mọi người cứ há hốc mồm ngồi nghe đến quên cả ăn trưa.

Hắn thường kể vanh vách những chuyện xa xửa xa xưa, như chuyện Đông Định Vương Nguyễn Lữ, một trong Tây Sơn Tam Kiệt, mê đá gà nên đã dành nhiều thời gian quan sát cách chiến đấu, các ngón đòn, thế tấn và thủ của gà nòi. Sau đó ngài nghiên cứu, kết hợp những thế võ độc đáo của gà chọi thành bài “Hùng Kê Quyền” để dạy cho quân Tây Sơn, bài quyền vẫn còn lưu truyền ở miền Trung nước Việt tới ngày nay. Rồi chuyện ngài Tổng Trấn Gia Định là Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt cũng là một sư kê có hạng. Ngài mê đá gà, thường xuyên có mặt ở trường gà Sài Gòn, đến nỗi dân chúng đặt luôn tên cái xóm đó là Xóm Gà, và ngài còn xây dựng nhiều trường gà ở Sài Gòn thời đó. Nhưng nổi tiếng nhất là quyển “Kinh Kê” do Ngài Tả Quân soạn, đã truyền lại cho hậu thế những kinh nghiệm chọn giống, cách nuôi dạy gà chọi như thế nào cho nó chiến đấu kiên cường. Hắn gần như thuộc lòng cả quyển Kinh Kê, và có mấy câu hắn rất thích, thỉnh thoảng chêm vào khi kể chuyện chọn gà:

“Người hiền coi mạo biết tài
Vật hay nó cũng bày ngoài hình dung
Giống gà rất đỗi anh hùng
Cũng gồm năm đức cũng thông trăm tài…”

Và hắn còn biết kháo cả chuyện Phó Tổng Thống râu kẽm của Việt Nam Cộng Hòa ngày trước, đã yêu đá gà đến mức nhiều lần dùng phi cơ đưa rước mấy con gà chọi “cục cưng” của ông.

Nội cái kinh nghiệm chọn giống và nuôi gà chọi của hắn cũng đã làm cho các ông bạn già mê mẩn. Đối với hắn dường như đây là lúc cho hắn buông xả nỗi lòng. Khi kể chuyện nét mặt hắn giãn ra, bộ dạng thẫn thờ thường ngày biến đi đâu mất. Với một vẻ thông thái khác thường, mỗi khi bắt đầu, hắn luôn “phán” một câu chữ nho về coi mắt gà, “Nhất thủ, nhì vĩ, tam hình, tứ túc”.

Theo hắn, muốn chọn một con gà nòi cự phách thì điều trước nhất là phải coi cái đầu. Một là “thủ”, gà có đầu to vuông tam giác, mắt sáng, xếch, nhìn như mắt rắn hổ lửa; mỏ to nhưng mỏng, cổ cao, mào đỏ tía, nhìn “ngầu” như mặt chim ó; tiếng gáy phải trong veo, lanh lảnh thì mới oai vệ, sẽ làm khiếp vía đối phương. Hai là “vĩ”, nhìn phần đuôi, lông đuôi to, đen tía, cong vểnh để giữ thăng bằng khi gà phóng lên ra đòn; phao câu cũng phải to và rắn chắc, có gợn vằn; lông mã dài đen tía, óng ánh nhìn tràn đầy sức mạnh. Ba là “hình”, hình thể lực lưỡng, mình dài, lườn chắc, đùi to, đi đứng uy nghi như một dũng tướng chuẩn bị xông trận. Bốn là “túc”, chân cao, thẳng, có nhiều vảy như vảy rồng, bóng láng, sắp dày kín như lớp áo giáp; và đặc biệt là bàn chân, ngón phải dài, móng bén và chắc.

– Chọn một con gà nòi đã khó, nhưng nuôi nấng chăm sóc nó càng công phu hơn. Hắn nói sau khi kể thêm “tràng giang đại hải” những điều cần nhớ khi chọn gà chọi, hắn học được từ trong quyển “Kinh Kê” và từ kinh nghiệm của người “sư kê cha” mà những lần trước đây hắn chưa có thời gian kể hết.

Một ông trong nhóm bỗng chen vào, ra vẻ hiểu biết:

– Chọn gà kỹ càng như thế thì đã đành, nhưng chăm sóc gà còn nhiêu khê hơn. Ngày trước gần nhà tôi có lão Hùm nuôi gà chọi, lão thường thuê mấy đứa cháu đi bắt châu chấu cào cào về cho gà ăn, lại còn mua thịt bò và trứng tẩm bổ cho chúng.

– Còn kỹ hơn thế nữa! Hắn đáp với giọng mơ màng, tay vỗ nhè nhẹ vào đùi như thể đang ôm một chú gà chọi. – Cho ăn đúng cách là một chuyện, nhưng còn phải tắm cho gà bằng nước nóng, ban đêm đưa đi phơi sương, phun rượu xoa bóp, rồi tập luyện, “vần” cho cậu chiến kê biết cách chiến đấu thật dũng cảm. Hắn gục gặt đầu: – Tóm lại, chọn đúng nòi, nuôi đúng cách, dạy đúng đường, thì khi ra trận chiến đấu cho dù có bị thương sắp chết, gà vẫn đứng thủ với tư thế hiên ngang, oai phong lẫm lẫm, sát khí đằng đằng, làm cho địch thủ phải gờm. Trong lịch sử chọi gà, đã từng có độ, gà của đối phương thắng mà vì khiếp vía trước cái oai của con chiến kê bại trận phải bỏ chạy. Trường hợp này người ta gọi là “Gà chết ăn gà sống”.

– Mày hãy kể lại một độ chiến thắng nào độc độc cho tụi tao nghe đi! Lão Đệ nhắc.

Hắn nhìn đồng hồ thấy sắp hết giờ, và mọi người cũng đã ăn xong, bèn chuyển hướng sang một câu chuyện bên lề để kết thúc:

– Chuyện độ thắng của tui vẫn còn nhiều. Nhưng bây giờ xin kể các bác nghe chuyện thắng trận ăn khao của thằng Tê bạn tui.

– Phải đó! Kể đi! Mọi người nhao nhao.

– Hôm đó thằng Tê thắng đậm độ gà với một sư kê khét tiếng trong làng. Hắn vừa nói vừa dẹp cái hộp đựng cơm cho vào túi. – Độ này không dễ ăn, nhưng Tê cáp độ là vì háo thắng, vì sự khích tướng của tay sư kê già hách dịch. Thường thì mỗi sư kê đều có một số “cận thần” phò trợ góp ý giúp đỡ để cùng nhau chia cá độ ăn thua. Hên cho Tê, đám bạn quân sư quạt mo của hắn vì ghét lão đối thủ nên âm thầm theo dõi, điều tra chuyện bí mật gái gú của lão và đi đâm thọc. Ngay buổi chiều trước ngày thi đấu, cô vợ bé tìm đến tận nhà ghen ngược, bị bà lớn chụp đầu đánh cho một trận tả tơi. Khi ấy lão sư kê đang đi mua rượu về để phun và xoa bóp cho gà chuẩn bị ngày mai ra trận. Có người đến mách, lão vội vã chạy về. Bênh vợ bé, lão giáng cho vợ lớn mấy bạt tai rồi dắt cô ta đi. Vợ lớn tức giận trả thù. Bà ta mở lồng con gà chọi cưng của lão, thả vào đó con mái dầu rất…đẹp gái.

– Ồ hô! Quả là độc chiêu! Ha Ha Ha…

Mọi người lăn ra cười. Lão Đệ cười to nhất, lão cười hô hố đến đỏ mặt tía tai: – Ha ha … Gà chọi trước khi lâm trận mà cho “cản mái” thì tiêu bà nó rồi còn gì! Gối đã bị lỏng le như gà què, thì chọi cái quái gì được nữa!

– Chưa hết! Hắn nói chầm chậm từng lời, vẻ tinh tỉnh trong tiếng cười như vỡ chợ của những người xung quanh. – Chưa tới chuyện của thằng Tê!

Mười mấy cái miệng đột ngột ngưng cười nhưng há ra chờ đợi. Cái mặt nghiêm nghiêm của Tình “Gà” càng gợi cho người ta sự tò mò. Hắn biết vậy nên chờ vài giây cho thiên hạ thấm, rồi tiếp:

– Đêm đó thắng độ lớn, thằng Tê đem về cho vợ nó một số tiền to. Có tiền, con vợ tỏ ra tốt bụng, hí hửng bắt gà làm thịt bày ra giữa sân và mua mấy lít rượu đế đem về cho cả đám nhậu. Tui cũng có dự. Mọi người chén anh chén chú mãi đến khuya. Khi ai nấy bắt đầu “mũi chảy đầy râu” thì cũng là lúc trong dĩa chỉ còn lại có mỗi cái đầu gà. Một thằng đề nghị chơi trò xoay đầu gà. Hễ quay dĩa mà cái mỏ gà nó chỉ về phía ai thì người đó sẽ phải uống một ly và được gặm đầu gà một cái. Thế là cái đầu gà được xoay vòng vòng, đến khi mấy cái chai không còn một giọt rượu thì ai cũng lăn quay ra đất, người nằm ngược kẻ nằm ngang…

– Nhậu thì phải xỉn, xỉn thì lăn quay là chuyện thường tình, có gì hấp dẫn mà phải kể! Một người đứng vụt dậy ngắt lời Tình. – Bữa nay chú mày đã hết chuyện hay rồi. Rõ chán!

– Tui là người bị gục đầu tiên khi cái đầu gà xoay được vài bận, và cũng là người tỉnh dậy trước nhất. Hắn nói tỉnh bơ. – Và tui thấy, chiếc đầu gà sau trận thi… gặm tối hôm trước chỉ mới được gặm lem nhem loang lổ, đang nằm phơi mỏ ngoài chiếu. Còn bên trong cái dĩa đựng gà, nằm một con cóc phơi bụng trắng hếu, toàn thân nó đã tróc hết da…

Nói xong, hắn vơ chiếc túi đựng cơm đứng dậy bước nhanh vô trong bấm thẻ, bỏ lại âm thanh của một chị nào đó đang cố tống bữa trưa ra ngoài:

– Ụa...Ụa…! Ọe…Ọe…!

Người ta nói Tình “Gà” có máu hài ngầm là như vậy đấy. Hắn nói tơn tơn mà người ta cười vỡ bụng. Nhưng đó chỉ dành cho chuyện gà chọi. Ngoài những lúc kể chuyện về gà thì hắn lầm lì cả ngày. Không ai biết được về nhà cuộc sống hắn ra sao.

*

Trong căn nhà nhỏ hai phòng ngủ, mỗi ngày đi làm về hắn đều đến chào di ảnh của Liễu vợ hắn trên bàn thờ. Đã hơn mười lăm năm rồi, bé Lý ngày ấy mới ba tuổi mà hè năm nay sắp tốt nghiệp trung học.

Ngoài việc đi làm, hắn dành hết thời gian lo cho con gái, và chưa bao giờ hắn nghĩ đến chuyện tìm kiếm một người phụ nữ. Trừ vết sẹo trên môi, hắn cũng khá dễ nhìn với khổ người cao ráo rắn chắc. Bạn bè giới thiệu ai hắn cũng đều từ chối, ép quá hắn làm mặt giận, khiến người thì nghĩ hắn bị hâm, kẻ lại cho là hắn ngáo. Hắn bất cần. Đứa con gái và những lời thì thầm với bài vị Liễu lúc nửa khuya mới là cuộc sống của hắn.

Con gái hắn học rất giỏi. Lý hy vọng sẽ được vô đại học Berkeley, California, sau khi tốt nghiệp phổ thông. Trái với cuộc sống khép kín của cha, Lý là đứa được bạn bè ở trường yêu mến, vì vừa học giỏi lại hát hay. Con bé có giọng ca thiên phú, cao vút trong veo, nên mấy năm High School Lý được trường chọn hát Quốc Ca Hoa Kỳ trong nhiều sự kiện trọng đại. Từ những phụ huynh của bạn bè, Lý được cộng đồng người Việt biết đến. Cho nên ban tổ chức đã mời Lý hát Quốc Ca Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cho lễ chào cờ khai mạc Hội Chợ Tết năm nay.

Buổi lễ chào cờ đầu năm và phần văn nghệ của Hội Chợ sẽ khai mạc lúc 10 giờ sáng thứ Bảy, dù các quầy ăn uống, trò chơi, và những quầy hàng quảng cáo, quầy bán đồ lưu niệm của người Việt cùng người địa phương đã bắt đầu mở từ chiều Thứ Sáu hôm trước.

Chiều nay hắn về đến nhà thì Lý đã đi tập dợt lần sau cùng với mấy đứa bạn Việt, để chuẩn bị trình diễn vào sáng mai. Tắm rửa ăn uống xong, hắn ra mở hé cửa sổ rồi đốt lên cây nhang khoanh trên bàn thờ. Bây giờ một mình trong căn nhà vắng, những câu chuyện về gà, chuyện hài hước chọc cười ban ngày hắn cố tình phịa ra kể cho bạn đồng nghiệp nghe, đã biến khỏi đầu óc hắn. Nằm vật xuống salon, hắn lim dim mắt với vẻ mỏi mệt và cô đơn cùng cực. Được một lúc, hắn mở mắt nhìn về phía bàn thờ. Làn khói từ cây hương trầm đang cuộn tròn, uốn vòng vèo làm cho tấm ảnh của Liễu trở nên mờ ảo.

Hắn nấc lên khi thấy hình bóng Liễu lung linh ẩn hiện trong đám khói hương, nụ cười trong ảnh trở nên méo mó và nhòe nhoẹt trước mắt hắn như đang trách móc.

Hình ảnh chiếc tàu đánh cá chở trên một trăm con người, kể cả đàn bà lẫn trẻ con chen chúc, chao đảo trong cơn sóng dữ thoạt ẩn thoạt hiện trước mắt hắn. Những tiếng kêu cứu và reo hò đầy hy vọng khi chiếc tàu đánh cá tiến lại gần. Rồi những tên hải tặc đen đúa mặt mày hung ác. Những cánh tay gân guốc nham nhở vồ chụp, xé toạc áo quần của đám phụ nữ trên tàu, tiếng cười hô hố lẫn trong tiếng kêu khóc khiếp hãi của các nạn nhân. Những nhát búa nhát dao bổ vào đầu người chồng, người cha, người anh của nạn nhân khi họ nhào đến tiếp cứu, và âm thanh “ùm ùm” khi bọn chúng liệng người xuống nước trước tiếng thét xé lòng của những tấm thân đang quằn quại bên dưới bọn côn đồ.

Hắn ôm đầu lăn lộn. Mười mấy năm rồi mà cái đau của nhát búa tên hải tặc vẫn nhói lên như vừa mới tán vào đầu hắn. Tiếng Liễu gào uất nghẹn vang vang bên tai, “Anh… hãy ráng lo cho con! Em chắc chết…”, khi tên cướp thứ ba hùng hổ vừa cởi đồ vừa tiến về phía Liễu sau khi hai tên đồng bọn làm xong trò thú tính với nàng. Hắn thấy mình gầm lên, vuột mạnh khỏi tay tên hải tặc đang tìm cách trói hắn lại, và quên mất còn có bé Lý phải chăm sóc, hắn lao vào bọn cướp với tất cả sức lực và sự giận dữ. Tiếng súng nổ, tiếng búa đập vào đầu, tiếng Liễu kêu thét, tiếng bé Lý khóc ré, và hắn không còn biết gì nữa.

Hắn đã tỉnh lại trên một chiếc tàu buôn. Vết thương chí mạng gần nứt sọ của hắn do búa đập, vết đạn trên vai, và mấy chục mạng người già, con trẻ, những kẻ ốm yếu hết hơi sức bọn cướp bỏ lại trên tàu, mọi người sẽ chẳng thể nào sống sót nếu không có chiếc tàu buôn này đi qua. Hắn được cho biết, những đàn ông khỏe mạnh đều đã bị bọn chúng đập chết hết và liệng xuống biển. Nhóm phụ nữ chúng cưỡng hiếp xong, người nào chết chúng vất xuống biển, ai còn thoi thóp chúng bắt đem đi. Được cứu là mấy đứa con nít, những người đã ngất xỉu, người bị đánh gần chết, hoặc nhắm mắt giả chết để chúng khỏi giết tận, nên không ai biết những cô gái và phụ nữ trên tàu ai còn ai chết ai bị hải tặc bắt đi. May mà hắn tỉnh lại, nếu không bé Lý sẽ thành đứa bé mồ côi chẳng biết lưu lạc nơi nào.

Thời gian sau này, nhìn con gái đã lớn và rất xinh xắn, hắn hơi yên lòng nên giảm bớt những cơn ác mộng. Không ngờ cuộn phim quá khứ mà hắn cố quên bây giờ ào ạt quay lại rõ mồn một trong đầu, ngay đêm Mồng Một Tết. Hắn như nghẹt thở. Hắn hét lên một tiếng và thiếp đi.

Sáng hôm sau hắn dậy sớm, chuẩn bị thức ăn cho hai cha con vì hắn còn phải đi làm cuối tuần. Tối qua con bé về khuya, hắn để nó ngủ thêm một chút nên báo với hãng sẽ vô trễ vài tiếng. Từ trước đến giờ hắn luôn cẩn thận đưa đón con gái đi đến nơi về đến chốn trong những chương trình cuối tuần mà bé tham gia, dù hắn không bao giờ ở lại dự.

– Ba! Tiếng Lý vọng ra từ phòng ngủ. – Hôm nay ba nhất định phải vô trong ngồi để xem con hát nhé! Mấy đứa bạn con nói sao chẳng bao giờ thấy ba tham dự chương trình nào có tụi con tham gia hết. Mỗi lần ba chở con đến nơi drop xuống rồi chạy đi, con buồn lắm ba biết không? Giọng con bé như hờn dỗi: – Ba kỳ quá hà! Bộ ba không thích đám bạn con hả?

– Ơ…không phải vậy đâu con! Hắn lúng túng chống chế. Đây là lần đầu tiên Lý đề cập đến việc này. Hắn bỗng thấy con bé đã trưởng thành, đã biết suy nghĩ. –Tại ba bận quá! Với lại hôm nay...

– Không! Con bé ngắt lời. – Hôm nay thì nhất định ba phải đi! Nó bỗng nói như ra lệnh. – Hôm nay ngoài việc hát bài “The Star-Spangled Banner” chào cờ Mỹ, con sẽ hát bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa nữa. Con đã tập bữa giờ cùng các bạn. Ba dạy con phải nói tiếng Việt, và đây là lần đầu tiên con hát một bài tiếng Việt, ba mà không đi là con sẽ… nghỉ chơi với ba luôn!

Thì ra lâu nay hắn vì nỗi đau mất mát của quá khứ, mà xa cách với những sinh hoạt của con và cộng đồng, giờ phải nhờ đến con gái nhắc mới nhận ra. Hắn liền gọi vô hãng, báo nghỉ luôn một ngày. Trở vô phòng hắn thay lại chiếc áo sơ mi ca rô cho tươm tất.

Nhìn vào tấm gương trên tủ áo, hắn bắt gặp mình trong vẻ xác xơ, râu ria chưa cạo. Mặc kệ đi. Đã không chú ý đến bản thân từ lâu rồi mà, hắn thầm nghĩ và bước ra ngoài.

Hắn bỗng đứng khựng lại. Bé Lý thướt tha trong bộ áo dài đỏ chữ thọ khăn đóng vàng làm nổi bật làn da trắng mịn màng. Môi thắm má hồng, bé nhìn thật xinh giống hệt Liễu mẹ nó ngày xưa. Hắn chớp mắt, lặng người đi một lúc.

– Mình đi thôi ba! Lý nói, vẻ ngạc nhiên hiện lên trên mặt khi thấy hắn nhìn nó chằm chằm.

Giật mình sực tỉnh, hắn hỏi con gái bằng giọng xúc động:

– Làm sao con có bộ áo dài này? Ai đã may cho con, sao ba không biết?

– Là mấy bác bên cộng đồng Việt Nam mượn cho con đó. Con bé cười nhí nhảnh: – Ba thấy có đẹp không?

– Đẹp lắm, con gái! Hắn đáp bằng giọng thẫn thờ.

Hắn lái xe mà trong dạ bồi hồi. Con gái mình đã lớn rồi Liễu ơi. Nó cũng xinh đẹp chẳng kém gì em ngày ấy. Phải chi em còn sống thì giờ này gia đình chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao. Nước mắt rưng rưng, hắn liếc sang con gái. Tội nghiệp con, đang tuổi mới lớn mà lại thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ. Dù có thương con cách nào thì người cha cũng không sao bù đắp được cái khoảng trống này.

Xe vừa đến góc đường của khu hội chợ, hắn đã nghe tiếng nhạc rộn ràng, tiếng loa ra rả từ những lều trò chơi, xổ số, hòa lẫn tiếng hô Lô Tô khoan nhặt. Hắn có cảm giác như đang đi chợ Tết ở quê nhà. Lấy vé vào cửa xong, Lý đưa hắn vô thẳng phía sân khấu. Nhiều dãy ghế xếp “folding chair” được sắp trước khán đài. Người ta tất bật chuẩn bị cho buổi khai mạc. Hai lá đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đang được gắn vào hai góc của sân khấu. Lý đẩy hắn vào ngồi ở đầu hàng dãy ghế thứ hai:

– Ngồi đây ba sẽ dễ dàng nhìn thấy con. Con bé nói xong túm vạt áo dài chạy biến vào trong.

Lúc ban tổ chức bắt đầu giới thiệu chương trình thì những dãy ghế người ta đã ngồi đầy kín. Mọi người được mời đứng lên để chào quốc kỳ Mỹ khi bé Lý xuất hiện trên sân khấu.

Hắn như nín thở khi Lý cất giọng hát bài “The Star-Spangled Banner”. Cô bé Việt nhỏ nhắn, mảnh mai trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống Việt Nam, nhưng giọng hát lại cao vút, ngút ngàn với làn hơi trong veo lượn theo lời ca vang xa như gió cuốn, “And the rocket's red glare!...”

Lòng hắn bỗng nhói đau. Bé Lý có giọng hát trong veo giống như mẹ nó. Ngày xưa trong những đêm trăng sáng rảnh rổi, Liễu thường nằm võng cao giọng ngân nga bài “Dạ Cổ Hoài Lang” mà hắn và cả xóm đều thích nghe.

– Chèn ơi! Con bé còn nhỏ mà có giọng ca ngọt thanh hết biết luôn! Một giọng phụ nữ đứng kế bên thì thầm với ai đó. – Bé xinh thấy thương luôn! Chị Bảy ơi! Chị ở bên này vậy chứ chị có quen con bé đó không?

– Không quen đâu em. Tiếng người đáp lại nho nhỏ. – Ở Cali người Việt đông lắm, cộng đồng Việt rất lớn nên không thể quen biết hết mọi người. Nhưng em có thấy là chị nói đúng hôn, ở Cali người Việt đông qua đây ăn tết dzui lắm mà!

Hắn bực mình nhăn mặt. Trong giờ phút thiêng liêng chào cờ mà mấy chị Việt Nam này lại còn kháo chuyện. Tuy vậy trong hắn lại trào dâng một niềm vui, niềm tự hào vô bờ bến khi con gái cất giọng bắt đầu bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa “Này Công Dân Ơi” cho mọi người hát theo.

Sau mười mấy năm sống trên đất Mỹ, hắn mới dự một buổi lễ khai trương chợ Tết của cộng đồng. Ban tổ chức đã quy tụ rất nhiều nghệ sĩ, sinh viên, và thanh thiếu niên Việt ở địa phương. Vẫn với vẻ mặt không biểu lộ cảm xúc, nhưng hắn ngồi xem rất chăm chú các tiết mục văn nghệ; và hắn không còn để ý bực mình vì sự nói chuyện xầm xì của mấy phụ nữ ngồi bên cạnh nữa.

Giữa chương trình là một màn hài kịch Xuân. Nhóm diễn viên hài của sinh viên trường đại học cộng đồng đã làm mọi người vỡ ra cười nghiêng ngả. Bỗng có vật gì đó táng vào chân hắn đau điếng. Hắn giật mình nhìn xuống đất, thì ra là chai nước của người ngồi bên cạnh vì cười ngất ngưởng đã làm rơi. Cúi người xuống, hắn nhặt giúp chai nước nhỏ nằm bên cạnh cặp chân trần thon thả trong đôi giày gót thấp, bên dưới chiếc váy đầm vàng nhạt. Vừa lúc một bàn tay phụ nữ cũng chộp vào chai nước.

– Thật là xin lỗi! Người đó nói rất lễ phép, vừa nghiêng đầu nhìn hắn cười xã giao.

Hắn không trả lời cũng chẳng nhìn lại, lạnh lùng trao vội chai nước qua tay cô ta và ngồi ngay ngắn lên tiếp tục hướng mắt về sân khấu. Người phụ nữ cũng ngồi lên. Nhưng kể từ lúc đó cô ta có vẻ gì rất kỳ lạ, mắt cứ lấm lét, len lén nhìn qua phía hắn. Hắn thì vẫn ngồi xem tỉnh bơ.

Lý đã nói trước hồi sáng, là sau buổi lễ con bé sẽ đi tham gia các trò chơi trong hội chợ với bạn bè. Nó còn dặn hắn xem văn nghệ xong hãy tới quầy thức ăn nóng để kiếm gì đó ăn trưa rồi đi dạo coi cho hết các khu vực chợ Tết, khi nào gần về bé sẽ gọi. Nhưng vì bản tính thích đơn độc từ trước giờ, hắn cảm thấy chưa quen khi chen chân vào chốn đông người. Sau màn múa quạt của các em học sinh hắn đứng dậy ra về, định chiều mới trở lại đón Lý.

Hắn vừa đi được mấy bước thì người bên cạnh cũng đứng bật lên đuổi theo bén gót. Đang đi hắn có cảm giác nhồn nhột sau gáy, như đang bị theo dõi nên dừng lại nhìn ra sau. Người phụ nữ trong chiếc đầm vàng vội đứng lại, xoay mặt qua hướng khác. Nhưng khi hắn tiếp tục bước thì cô ta lại đi theo. Được một lát, hắn đột ngột quay ngang, chặn trước mặt cô ta, hỏi bằng giọng nặng nề cộc lốc:

– Tại sao cô lại đi theo tôi? Cô có cần gì không?

Người phụ nữ cúi đầu không đáp, tay vân vê sợ dây tua áo đầm, nhưng mắt vẫn len lén ngó nghiêng nhìn vào mặt hắn. Đột nhiên cô ta lẩm bẩm bằng giọng nghẹn ngào, và vài giọt nước mắt chợt lăn xuống trên mặt cô: – Đúng rồi! Cái sẹo, cái sẹo này…Không thể lầm lẫn được!

Hắn giật mình nhìn kỹ cô ta. Khuôn mặt với những dòng nước mắt này sao lại có vẻ rất quen thuộc. Nhìn một lúc, hắn bỗng biến sắc, kêu lên: – Trời ơi! Liễu! Liễu…là em đây mà!

– Không! Không! Tôi…không phải! Người phụ nữ lắc đầu vẻ hốt hoảng và quay người bỏ chạy.

Hắn lập tức đuổi theo:

– Liễu! Đúng là em rồi! Sao em lại bỏ đi?

Cô ta vẫn tiếp tục chạy và đâm sầm vào một bà trông phốp pháp, mặc áo dài Việt Nam màu tím Huế đang đi tới.

– Liễu! Em chạy đi đâu vậy? Bà ta níu cô lại và hỏi lia lịa: – Có chuyện gì không? Em đang coi mà bỏ đi đâu làm nãy giờ chị kiếm muốn chết luôn!

Hắn cũng đuổi kịp đến nơi. Chụp lấy tay Liễu, hắn nói trong nước mắt: – Liễu, anh là Tình đây nè! Sao em lại muốn tránh mặt anh?

Người đàn bà trợn mắt ra vẻ không tin:

– Chèn đét ơi! Rồi bà la lớn: – Cậu là Tình hả?

Hắn gật đầu. Một tay hắn chụp lấy tay Liễu, tay kia sờ lên môi:

– Liễu! Em đã nhận ra anh nhờ vết sẹo này phải hôn?

Vết sẹo đó là do “xã hội mới” tặng sau ngày “hòa bình” mà hắn chưa bao giờ kể cho ai trên đất Mỹ nghe. Lần đó hắn bị bắt buộc đi công tác phát hoang một tháng trên vùng rừng núi còn rất nhiều bom mìn. Một buổi sáng hắn đang ngồi bên đống lửa nướng khoai lang thì quả bom bi do mấy người cùng nhóm cuốc nhằm phát nổ. Hắn vội nằm sấp xuống kịp thời, nên không bị thương vì bom, nhưng một cành củi cháy đã ghim vào môi dưới của hắn và cắt một đường rất sâu. Cái người vô phúc cuốc trúng bom và một người ở gần đã không còn mạng trở về, cộng thêm bốn người đi chung bị thương rất nặng. Hắn và cả nhóm phải khiên võng các nạn nhân chạy bộ nửa ngày từ trên núi xuống bệnh viện thị trấn.

Hai người đứng im lặng nhìn nhau trân trối. Chỉ còn lại chị Bảy, người đàn bà áo dài tím, là nói liên tục. Bà kể cho hắn nghe việc vợ chồng người em tên Hải của bà đã giúp Liễu trước đây bên Thái Lan. Ngày đó Liễu bị bọn hải tặc bắt đem về nhốt trong một túp lều bên bờ biển hẻo lánh ở Thái Lan. Ba năm sau cô lâm bệnh nặng vì đói khát và vì bị bọn chúng liên tục hành hạ dày vò. Nhờ cô giả chết mà bọn chúng đem vất cô bên bờ biển, chờ cho sóng cuốn đi. Sau khi bọn cướp rời khỏi, Liễu ráng sức bò vào làng. Cô may mắn gặp được vợ chồng Hải đang sống ở đó chờ bà chị bảo lãnh đi Mỹ. Họ đã giúp đỡ, cho cô tá túc một thời gian, và cuối cùng Liễu đến định cư ở tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ, cũng đã hơn sáu năm.

– Thật là cám ơn Trời Phật. Chị Bảy nói sau khi kể một hơi. – Và cũng quả thật diệu kỳ. Tôi và vợ chồng thằng Hải nhiều lần khuyên Liễu đăng báo tìm thân nhân để kiếm cha con cậu, nhưng cô ấy không chịu. Cổ nói không còn mặt mũi nhìn lại chồng con, và chỉ chuyên tâm đi chùa cầu nguyện. May mà lần này cổ chịu qua Cali ăn Tết, chắc là bây giờ số hai người đã hết tai ương.

Hắn chồm tới ôm Liễu vào lòng siết chặt: – Sao em lại nghĩ quẩn như thế chứ! Thật…anh không thể ngờ là em còn sống! Đúng là Trời Phật đã thương tình cứu giúp. Anh thường ít khi tham dự những sinh hoạt cộng đồng như thế này. May mà lần này bé Lý buộc anh đi để xem nó hát.

Liễu giật mình chợt nhớ ra:

– Con chúng ta đâu anh? Bé Lý đâu rồi?

– Lý là con bé vừa hát hai bài quốc ca Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa vừa rồi đó em.

– Trời thần ơi! Liễu tròn mắt kêu lên mừng rỡ. – Là thật sao anh? Con bé xinh và hát hay quá!

– Thì nó giống em mà! Hắn nói với vẻ xúc động lẫn hãnh diện. – Bây giờ anh sẽ đưa em đi vòng vòng tìm con nghe. Nó đang đi chơi với các bạn nó trong hội chợ.

Ba người vừa xoay lưng thì một đám học sinh nam nữ bỗng ùa vào căn lều gần bên để chụp hình lưu niệm. Chúng tíu tít tranh nhau chui vào quả táo to dựng giữa lều, thò đầu ra ngoài cho người thợ chụp hình lấy liền. Hắn dắt tay Liễu bước lại trước cửa lều.

– Ba! Tiếng Lý gọi to từ phía bên kia quả táo. Hắn giật mình nhìn vào thì con bé đã chạy xổ ra ngoài, miệng há hốc, mắt trợn tròn nhìn ba nó đang cầm tay một người phụ nữ. Con bé đã thay bộ áo dài bằng chiếc quần Jean và áo thun đỏ. – Ba…ba…Miệng nói tay nó chỉ vào Liễu.

Liễu bỗng òa lên khóc lớn và đưa hai tay ra:

– Mẹ là Liễu, là mẹ của con đây Lý ơi!

Con bé hết nhìn hắn lại nhìn mẹ nó:

– Mẹ của… con? Lý lập lại bằng giọng kinh ngạc. – Mẹ con đã chết rồi mà? Vậy thì ai…ngồi trên bàn thờ ở nhà hả ba?

Liễu kéo con bé lại và ôm vào lòng trước đôi mắt ngơ ngác của Lý: – Mẹ chưa chết. Ơn Trời, mẹ còn sống sót, con ơi!

Con bé nghe xong vội quàng tay ôm lại mẹ:

– Mẹ ơi! Ba ơi! Lý hét to lên. – Vậy là từ nay con có mẹ rồi! Và nó bật khóc nức nở.

Đám bạn học thấy vậy bỏ cả chụp hình chạy ra xem. Mấy đứa con gái bạn thân của Lý cũng rưng rưng nước mắt.

Nhìn hai mẹ con, Tình “Gà” nở một nụ cười chưa từng thấy trước đây, miệng hắn rộng toang hết cỡ. Vết sẹo ở môi dưới căng ra, kéo khóe miệng hắn chệch về một bên. Nhưng lần này hắn đã quên mất cái thói quen đưa tay lên che miệng. Đổi lại, hắn nắm lấy bàn tay Liễu đưa lên môi:

– Chiều nay cả nhà chúng ta sẽ cùng nhau nấu nướng cúng Tết, và cúng tạ ơn ông bà, em nhé!

Liễu gật đầu với nụ cười đẫm nước mắt.

Hắn mời luôn chị Bảy, rồi cùng cả nhà dắt díu nhau ra xe, giữa tiếng nhạc rộn ràng và giọng hát ngọt ngào của một nữ ca sĩ vang ra từ phía sân khấu, “Đón Xuân này ta nhớ Xuân xưa...”

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
13/02/201718:53:14
Khách
Viet ra cau^ chuyen the' nay` cho thay' tac' gia~ cung~ ky` cong chu dao' lam'. Cam~ on Tac Gia~ Phuong Hoa cho 1 cau chuyen dau nam Xuan Con Ga` TUYET VOI`.
13/02/201705:10:05
Khách
Có là dân mê đá gà, từng chăm sóc gà cưng & đã vài lần xất bất sang bang vì gà yêu thua độ, thì mới có cái cảm xúc dạt dào khi đọc lại về chuyện con gà của tác giả. Hỏng lẽ hồi xưa tác giả cũng có gà cưng từng cáp độ dzí mình :). Chúc chị PH một năm con gà mạnh mẽ như gà nòi Cao Lãnh.
12/02/201702:07:38
Khách
Chào quý độc giả:
bạn đọc
Andrew M Dao
Tran Tri Q,
Cám ơn quý độc giả đã bỏ thì giờ đọc truyện và còn chia sẻ cảm tưởng. "Chín người mười ý", chuyện độc giả khen chê là chuyện bình thường. Ai đồng cảm thì tác giả xin cám ơn bạn đọc, ai phê phán với hảo ý thì tác giả xin ghi nhận để rút kinh nghiệm về sau.
Chúc quý độc giả cùng gia đình vạn an.
Phương Hoa
11/02/201706:45:38
Khách
Bài viết này là hai câu chuyện bị nối vào nhau một cách gượng ép. Nửa đầu có kiến thức về đá gà, đọc nghe thú vị, nửa sau quá nhiều hư cấu và cũ kỹ.
Đề nghị với tác giả lần khác viết chuyện khi hết ý thì thôi, đừng cố kéo dài thành ra, mất giá trị đáng lẽ nửa đầu được có.
09/02/201705:08:52
Khách
Thật lòng mà nói bài viết có nghiên cứu nhưng đọc không có cảm xúc gì cả.
09/02/201705:04:50
Khách
Làm gì mà có thật Nhà văn.chỉ tưởng tượngcho thành chuyện thôi.
08/02/201720:50:59
Khách
Chào các bạn
Aoluhadong,
Lại thị Mơ,
Cám ơn các bạn đã đọc truyện và cho cảm tường bằng những lời thật chân tinh. Việc này là động lực giúp cho tác giả lên tinh thần để tiếp tục cố gắng viết.
Chúc các bạn và gia đình một Năm Mới nhiều may mắn.
Thân mến,
Phương Hoa
08/02/201704:42:02
Khách
Tác giả nghiên cứu về Gà chọi thật đáng nể. Các tính từ biểu cảm về con gà đá với lối hành văn tỉ mỉ khiến người đọc cũng chăm chú dõi theo ngòi bút của chị…Một câu chuyện Happy ending, có hậu đọc trong những ngày đầu Xuân con Gà, vừa thêm kiến thức vừa thấy trời Xuân vui tươi hơn… Chúc tác giả nhiều an mạnh và đều đặn kể chuyện cho bạn đọc gần xa…Chị kể chuyện có duyên lắm!
08/02/201700:36:43
Khách
Chuyện cảm động quá.Tôi cầu mong đó là chuyện thật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,260,804
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến