Hôm nay,  

Đón Xuân Này, Nhớ Xuân Xưa*

01/02/201700:00:00(Xem: 14017)
Tác giả: Lê Nguyễn Hằng
Bài số 5033-18-30733-vb3013117

Mùng Ba Tết,  tác giả đã có bài về ba người đàn bà tuổi Dậu của , trích từ  báo xuân Việt Báo Tết  2017. Sau đây là bài mới nhất của kể chuyện gia đình cùng đón Tết Đinh Dậu. Lê Nguyễn Hằng là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.

image003
  Mão, Điệp, Ngọc và Quý đến nhà tôi rồi ...du xuân. 
image001Bốn cháu ngoại lễ bàn thờ.

***

Hôm qua, Lâm, chồng tôi đã lau xong tượng Phật, đánh bóng mấy cái chân nến và lư đồng, rồi chùi sạch tất cả những khung hình của người thân trên bàn thờ để chuẩn bị đón Tết.

Anh cũng ra sau vườn cắt mấy cành đào, nhánh lớn và đẹp nhất cắm vào bình chưng ngoài phòng khách, phần còn lại để trong phòng gia đình.

Những món ăn như chả giò và các món dưa như dưa món, dưa cải, dưa hành, dưa tỏi, dưa bông cải trắng năm nào tôi cũng làm từ tuần trước. Còn xôi vò, chè hoa cau, thịt đông, thịt kho tàu, dưa giá, cá hồi, canh măng…vừa nấu sẵn hôm qua.

Anh chị sui gia đem cho hộp trà thơm, chả quế, quýt và mấy quả thanh trà. Cô Lan gửi đến cho một giò thủy tiên cùng với nem chua và tré. Cậu Cường vừa mang qua bánh chưng và giò lụa. Dì Nga đem đến mứt sen và hai đòn bánh tét. Thế là quá phong lưu rồi!

Vừa bầy xong mâm ngũ quả trên bàn thờ, bây giờ phải luộc gà làm gỏi, lấy nước dùng, thêm một ít miến, mấy lát nấm đông cô và vài miếng gà xé nhỏ cùng hành ngò rau răm vào là có ngay tô miến gà thơm ngon. Bông cải xanh, cải trắng, su hào và cà rốt sẽ xào với bóng (da heo). Món kho đã có sẵn chỉ việc hâm nóng thôi.

Tuy sống và làm việc ở Mỹ đã hơn bốn chục năm nhưng những ngày lễ Tết, tôi vẫn cúng bái theo tục lệ của mẹ tôi và bây giờ chuyền xuống cho các con.

Có tiếng lách cách mở cửa và ồn như cái chợ, con cháu ào vào như đàn ong vỡ tổ, ôm hôn ông bà ngoại tới tấp, rồi chạy vụt vào phòng dành cho chúng nó.

Thụy-Hằng, con gái lớn vừa chiên xong chả giò, quay sang làm bát cơm úp và múc thức ăn bầy lên bàn thờ. Khi mọi sự đã sẵn sàng, vợ chồng tôi và các con cháu lo thay quần áo để cúng đón ông bà. Năm nay tất cả chúng tôi đều mặc áo dài màu vàng.      

Khi xưa lúc còn ở Saigon, vào những ngày giỗ Tết, hai con gái Thụy-Hằng và Thụy-Uyển chỉ mới 3 và 5 tuổi cũng đều mặc áo dài lễ cùng cha mẹ.    

Bây giờ các cháu ngoại cũng làm y như vậy. Chúng đã quen lệ là mỗi khi cúng, bốn cháu bé thay phiên nhau rót trà mời ông bà tổ tiên, khi nhang tàn thì phải lạy chào tiễn tổ tiên.

Sau đó cả gia đình quây quần quanh mâm cơm cúng, ăn uống nói cười râm ran, thật là hạnh phúc, chỉ tiếc là thiếu cô con gái thứ nhì.

Cơm nước xong, tôi cầm trên tay mấy phong bì mừng tuổi ra ngoài phòng khách thì vừa lúc các cháu đang xếp hàng chúc Tết ông bà ngoại, bố mẹ và cậu chúng nó. Lời chúc ngọng nghẹo bằng tiếng Việt của bốn đứa cháu nhỏ, nhất là từ cửa miệng của hai đứa cháu da trắng tóc vàng nghe buồn cười, ngộ nghĩnh và thật đáng yêu, chúng hớn hở lãnh tiền mừng tuổi rồi đem ra khoe với nhau. Bố mẹ các cháu bảo rằng: “Chúng nó giàu hơn tụi con rồi đó má.”

Sau một trận “bầu cua” và “xâm hường” cho các ông trạng tranh đua với nhau thật hào hứng, các con cháu ai về nhà nấy để vợ chồng tôi chuẩn bị cúng đón giao thừa.

Đặt mâm hoa quả và đĩa gà luộc trên bàn ngoài hiên, tôi nhìn con gà miệng ngậm cái hoa cúc như sẵn sàng đón mừng năm mới. Tôi vừa bật lửa thắp nhang là tiếng pháo bắt đầu nổ đì đùng, náo nhiệt cả một vùng, hy vọng rằng những người hàng xóm không phải là Á Châu rộng lòng tha thứ cho việc phá hoại sự yên tĩnh cần thiết của giấc ngủ ban đêm này.  

Trong nhà tôi vẳng ra tiếng bản nhạc “Ly Rượu Mừng” của Phạm Đình Chương đang trỗi lên rộn rịp: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hòa” khiến lòng tôi tưng bừng và dạt dào niềm hạnh phúc.

Trước đây vài năm, tôi thường cùng gia đình đi chùa hái lộc đêm giao thừa, nhưng bây giờ không còn dám đem tấm thân già da cóc ra khỏi nhà thách đố với trời lạnh đêm khuya nữa.

Sáng hôm nay, tôi dậy sớm để sửa soạn đi chùa đầu năm. Mão, bạn văn Việt Bút của tôi, lái xe từ San Francisco xuống đón Điệp, Ngọc và Quý đến nhà tôi rồi cả bọn hớn hở du xuân.

Những ngày Tết thường mưa và gió lạnh, tôi luôn ủ người trong một tấn quần áo nhưng hôm nay tiên đoán thời tiết cho biết sau hơn ba tuần bão lụt dầm dề, đất chuồi, cây đổ, San Jose bây giờ bắt đầu ấm áp. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mang theo mỗi người một cái áo khoác. Khi ngừng xe trước cổng chùa, mặt trời đã chiếu những tia nắng ấm rực rỡ, chan hòa lên vạn vật, cây cỏ đầy hoa muôn màu, hoa mai tươi thắm, hoa lan sang cả, hoa cúc lộng lẫy, hương thơm phảng phất trong không khí quyện với mùi nhang và trầm, thỉnh thoảng lại có tiếng chuông và mõ trong chùa vọng ra, không thể có một ngày Tết tuyệt diệu hơn hôm nay!

Khách vãng cảnh chùa đã tấp nập ra vào, ai nấy đều ăn mặc tươm tất và đẹp đẽ. Năm đứa chúng tôi cũng yểu điệu thướt tha trong các bộ áo dài đầy màu sắc đi “trẩy hội”. Dù đã già cả rồi nhưng những tà áo dài tuy lộng lẫy mà không kém phần trang nhã đã khiến chúng tôi cảm thấy trẻ lại và thi nhau chụp bao nhiêu kiểu hình làm kỷ niệm. Thật đấy, vài năm nữa khi lụm khụm rồi, chúng tôi sẽ nhìn nhau và gật gù bảo: “Ngày xưa trông tụi mình cũng đâu đến nỗi tệ lắm!”

Thăm viếng và nhận lộc của thiền viện Quan Âm, chùa Di Lặc, chúng tôi dừng lại ăn trưa tại chùa Quán Thế Âm, ăn quà ở chùa Đức Viên xong rẽ qua chùa Thích Ca Đa Bảo.  

Đến chùa Từ Lâm, vườn có cây cao bóng mát với rất nhiều tượng Phật trong sân trước, sân sau. Tượng Phật Bà Quan Âm đứng dưới vòm cây một tay cầm bình nước cam lồ, tay kia cầm nhành dương liễu, vạt áo trắng phất phới, trông thật từ bi, thanh thoát. Cảnh chùa êm đềm mặc dù khách thập phương hành hương tấp nập.

Bước vào chánh điện, khói hương nghi ngút, tôi thắp nhang cúng Phật và những người thân của gia đình tôi để hình ở chùa. Nhìn ảnh con gái, tôi thấy đôi mắt con tôi như long lanh, ánh lên nét mừng rỡ khi thấy mẹ. Thấm thoắt con gái tôi mất đã ba mươi hai tháng. Gần ba năm trời mẹ con không còn được cùng nhau đi chùa dâng hương lễ Phật. Nghĩ vậy, lòng tôi dậy lên mối nhớ nhung, thương cảm và không ngăn được dòng lệ. Tôi thì thầm trong nước mắt: “Con yêu ơi, con yên tâm ở chùa ngày đêm nghe kinh kệ, tuần nào mẹ cũng ghé thăm con mà.”


Lễ xong, cả bọn kéo nhau về nhà tôi “ăn Tết”. Thức ăn được dọn ra đầy bàn thế mà “ngũ quỷ” chẳng giống câu “nữ thực như miêu” tí nào, đã thanh toán gần hết mọi món trong tiếng cười giỡn rôm rả. Rồi chúng tôi bốc thăm, tranh giành phần quà của người khác, cuối cùng mọi người đều trúng thưởng cho được may mắn suốt năm, sau đó còn chuyện trò cho đến sẩm tối và hăng hái hẹn nhau sang năm sẽ tiếp tục buổi du hành ngày hôm nay.  

Cuộc vui nào rồi cũng tàn và bạn bè khi chia tay thấy lòng thoải mái nhẹ nhàng sau chuyến du xuân thật là hoàn hảo, ấm áp lòng kẻ tha hương.

Chồng tôi đi chúc Tết chưa về, còn lại một mình trong căn nhà yên tĩnh, tôi dựa lưng vào chiếc ghế nệm êm ả, thả lòng mình nhớ lại những Tết xa xưa…

Hồi ở Hà Nội, tôi còn bé lắm, năm nào cũng được bố mẹ dẫn đến nhà ông bà nội ngoại và các bác, các chú để chúc Tết. Tôi luôn luôn được cho nhiều tiền mừng tuổi nhờ là “con bé này ngoan và chăm học.”

Mẹ tôi rất khéo, từ may vá thêu thùa đến nấu ăn, Mẹ nấu rất nhiều món ngon. Cứ sau ngày 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời là Mẹ tôi chuẩn bị nấu bánh chưng. Mẹ lựa kỹ càng từng vuông lá chuối, từng sợi lạt. Đậu xanh sau khi đồ rồi phải nghiền nát, rồi bóp và vo tròn như những quả bóng, sau đó lấy dao thái nhuyễn. Thịt phải nêm nếm đậm đà vừa ăn với nhiều hạt tiêu cho thơm, phải có tí mỡ ăn cho beo béo, ngầy ngậy nhưng không nhiều quá sẽ ngấy. Khi gói xong, Mẹ tôi vuốt từng góc bánh cho vuông vức, sửa từng sợi lạt cho đều nhau. Điều thú vị nhất là anh em chúng tôi được ngồi quanh nồi bánh chưng nghe Anh Cả tôi kể chuyện, phần lớn là chuyện ma. Tôi nhát như cáy nên ngồi co rúm dựa sát vào chị tôi nhưng vẫn muốn nghe, trong khi nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa hồng tí tách ấm áp reo vui. Thỉnh thoảng Mẹ lại nhắc Anh tôi châm thêm nước. Khi bánh chín, Anh tôi vớt bánh ra và dùng một cái thùng to đầy nước chèn bánh cho chắc. Chúng tôi được chia nhau cái bánh đầu tiên thơm ngát mùi lá chuối, quyện với mùi đậu xanh và mùi thịt mỡ, ngon ơi là ngon! Quả thật, đối với con, Mẹ bao giờ cũng là người nấu ăn ngon nhất trên đời.

Khi di cư vào Tuy Hòa, Tết ở nhà quê vui hơn nơi thành phố. Đám học trò chúng tôi, một đoàn sáu, bẩy chiếc xe đạp chở nhau theo bạn về quê ở Phong Niên ăn Tết. Những chiếc xe đạp cà cộ, cũ rích, mỏng manh, lắc lư trên liên tỉnh lộ 7, dọc theo làng quê Hòa Thắng gồ ghề, lồi lõm như muốn rớt ra từng miếng và quăng người đèo sau lưng xuống đất, thế mà đám học trò nghịch ngợm vẫn cười đùa vang dội. Văng vẳng tiếng hô bài chòi trong đình làng đâu đây tăng thêm ý vị đậm đà và rộn ràng cho những ngày Tết ở thôn quê, khi công việc đồng áng vườn tược nhọc nhằn vất vả đều dẹp qua một bên.

Tết Mậu Thân 1968, tôi cùng Lâm và đứa con gái đầu lòng mới vừa đúng một tuổi về thăm quê chồng, chúng tôi bị kẹt lại Đà Nẵng và thoát chết hai lần trong đường tơ kẽ tóc. Mãi hơn một tháng sau, khi phương tiện giao thông vãn hồi, chồng tôi mới về Saigon tiếp tục lớp Cao Học Hành Chánh. Còn tôi phải gửi con cho bà chị chồng ở lại Đà Nẵng, một mình trở về Tuy Hòa với công việc làm vì tình hình ở đây còn chưa yên. Sáu tháng sau, khi đã xin được thuyên chuyển theo chồng, gia đình nhỏ bé của tôi gồm 3 người sống 3 nơi, mới được đoàn tụ ở Saigon.

Đầu năm 1976, chúng tôi đón cái Tết tha hương đầu tiên ở tiểu bang Virgnia. Lúc đó người Việt ở Mỹ còn rất hiếm hoi, gặp được đồng hương là mừng rơi nước mắt. Tôi còn nhớ hôm đó là mồng 3 Tết năm Bính Thìn, thứ hai đầu tuần, tôi phải đi làm như thường lệ mà trong lòng buồn tủi thầm nghĩ: “Giá còn ở Việt Nam thì ngày này đang ở nhà vui xuân, đâu có phải đi làm.” Buổi trưa, sau khi ăn vội miếng bánh mì, tôi chạy ra chợ gần sở làm để mua vài món vì khu nhà tôi ở không có chợ Á Đông. Đang định băng qua đường, bỗng có một chiếc xe ô tô chạy sát sau lưng bấm còi inh ỏi, trong lúc bụng buồn bã nhớ quê hương vào ngày Tết, tôi quay lại định mắng vài câu thì bỗng người tài xế ngừng lại, mở cửa xe chạy ù tới hỏi: “Chị ơi, chị có phải người Việt Nam không?” Hai chữ Việt Nam lập tức khơi động mối thương tâm khiến tôi gật đầu mà nước mắt trào dâng. Trong làn lệ ướt, tôi thấy nhòe nhoẹt một gương mặt rất trẻ cũng rưng rưng nhìn tôi. Người thanh niên hỏi: “Chị mới qua Mỹ hả?” Tôi đáp: “Ừ, vừa chạy qua đây tỵ nạn được 6 tháng.” Anh chàng ấy nói: “Em là sinh viên du học, mất liên lạc với gia đình từ tháng tư, nên phải lái xe taxi kiếm sống, buồn và nhớ nhà quá chị ơi, nhất là ba ngày Tết. Thấy chị em mừng quá!” Rồi anh chàng ôm lấy tôi như vừa tìm được một người thân và hai chúng tôi đứng giữa đường cùng khóc, hai tâm hồn tha hương cùng rung lên một điệu buồn xa xứ, cho đến khi nghe tiếng còi inh ỏi vì xe người thanh niên đã cản đường lưu thông, cậu ta hoảng hốt buông tôi ra, chạy tới xe và lái đi luôn trước khi chúng tôi kịp hỏi tên nhau. Dù chỉ là vài phút ngắn ngủi, nhưng cuộc gặp gỡ đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng sâu xa và mãi thương xót cho người thanh niên trẻ đang sống cô đơn lạc lõng nơi xứ người mà không biết gia đình, cha mẹ, anh chị em ra sao, còn hay mất. Cho đến mãi bây giờ, bốn chục năm sau, dù không biết tên cậu ta, tôi vẫn luôn nhớ người bạn đồng hương đặc biệt đó, và cầu mong cho cậu ấy được đoàn tụ với thân nhân và có một cuộc đời hạnh phúc.

Ba năm sau, gia đình tôi dọn về San Jose, California và được đón những mùa Tết êm đềm với thân nhân và bạn bè đượm nồng hương vị như lúc xưa ở Việt Nam. Chúng tôi cũng đi chợ Tết, rồi đi chùa, đi hội chợ và có đầy đủ những món ăn cổ truyền của ngày Tết. Ba ngày đầu năm, pháo cũng nổ ròn trong shopping, chợ búa, chùa, nhà thờ và ngay cả khu gia cư.

Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng đều tha thiết mong đợi ngày về ăn Tết trên quê hương Việt Nam yêu dấu, một quê hương tự do, dân chủ và hạnh phúc, ấm no.

Ngày Tết 2017

Lê Nguyễn Hằng

* Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa là tựa đề bài hát của Châu Kỳ và Anh Châu

Ý kiến bạn đọc
29/03/201918:24:46
Khách
Hai hình ảnh: Xuân xưa trên quê hương thời thơ ấu với nồi bánh chưng suốt đêm, ánh lửa bập bùng... và trên miền đất tha hương nhưng vẫn ấm áp tình quê khiến mọi người đều ao ước có những mùa Xuân hạnh phúc như chị. Mừng cho chị và những người bạn thân thiết với những buổi hội ngộ đầu năm thật ý nghĩa, và mong chúc mọi người mãi mãi vui tươi như ý!
07/01/201921:56:44
Khách
Cam on tac gia da dung lai mot hinh anh song dong va cai Tet co truyen cua nguoi Viet minh xua va nay, minh rat thich viet van cua tac gia, luon lien tuong den Qua' Khu' o que huong, Hien Tai o My~, luon luon long vao do nhung thong diep yeu thuong, day tinh nguoi cho doc gia. Giu duoc phong tuc Tet co truyen tren dat My~ nay nhu vay that la qua hay, hy vong moi nguoi dieu co duoc y thuc giu gin net van hoa cua ong cha minh de lai cho nhieu the he ke tiep. Cam on tac gia that nhieu. Chuc tac gia mot mua xuan sap toi voi tran day yeu thuong, hanh phuc voi gia dinh va nguoi than. "...Nhac cao ly na`y, hay chu'c ngay mai sa'ng tro`i tu do, nuo'c non thanh binh, muon nguoi hanh phuc chan hoa"
08/02/201703:08:49
Khách
Đa tạ tất cả quý bạn đọc đã góp ý và khich lệ.
06/02/201705:41:40
Khách
Một bài viết rất hay về ngày Tết Nguyên Đán, tác gỉa có lối hành văn giản dị nhưng vẫn đầy đủ âm thanh sắc màu nói lên hương vị đặ̣c biệt của ngày Tết.
06/02/201705:09:58
Khách
Một bài viết hay về ngày Tềt Nguyên Đán, với cách hành văn giản dị nhưng vẫn đầy đủ hương vị màu sắc của ngày Tết cổ truyền.
06/02/201701:01:17
Khách
Tác giá có lối hành văn gọn gàng giản xịn, lời văn gợi thanh gợi hình, tác giả đã đưa chúng ta về với ngày tết nơi quê hương với những phong tục cố truyền, cho dù ngay nay chúng ta có ăn tết tha hương chung ta vẫn nên lưu lại cho con cháu sau này ghi nhớ. Xin cám ơn tác giá
03/02/201705:40:55
Khách
Rõ ra là cho dù sống ở hải ngoại, chúng ta vẫn có thể đón Tết theo đúng phong tục ngày trước, chớ không nhất thiết phải mò về đất giặc.
03/02/201701:12:14
Khách
Rất cám ơn những lời tâm tình và khích lệ của Người Oregon, Bé Cừng, Hồng Điệp và Thanh Xâm.
02/02/201720:54:55
Khách
Qua biết bao thăng trầm gian khổ chỉ còn biết cảm ơn Trời Phật đã cho chúng ta giữ vững được niềm tin, dũng chí để có thể ảnh hưởng con cháu cho thế hệ mai sau không bị mất đi nguồn gốc. Cảm ơn chị đã giúp sức và góp một bàn tay cho con cháu chúng mình.
Các chị mặc áo dài đẹp và du Xuân vui quá. Mong rằng Xuân này, Xuân xưa và Xuân tới sẽ mãi mãi là những hình ảnh đẹp đem đến cho chúng ta Hạnh Phúc và An Bình.
02/02/201709:09:29
Khách
Hiếm có gia đình gữi được truyền thống như các cháu, đó là do ông bà cha mẹ ý thức nguồn gốc của mình không thể phai mờ dù có sống cả đời hoặc được sinh ra trên đất khách.
Cảm ơn chị viết những bài lưu luyến quê hương.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Năm nay Lễ Tạ Ơn nặng trĩu nỗi buồn với những người lính thủy thuộc chiến hạm USS KIDD, bởi họ phải chuyển nhiệm sở từ San Diego lên vùng Tây Bắc trước đó ba ngày.
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Thứ Năm, 24-11 là ngày Thanksgiving 2016. Mời đọc bài viết trong Mùa Lễ Tạ Ơn từ Philippinnes, đất nước 1001 hòn đảo của tác giả Nguyễn Trung Tây, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn, mời đọc bài của Lê Nguyễn Hằng Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ. Mùa Lễ Tạ Ơn 2014, bà có bài “Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời,”
Nhân mùa Lễ Tạ Ơn bắt đầu, mời tiếp tục đọc về Tháng Mười Một, bài thứ 3 của Phan. Chiếc Kính Gãy là chuyện trên đất Mỹ. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Nhạc sĩ Cung Tiến