Hôm nay,  

Những Đêm Giao Thừa!

24/01/201700:00:00(Xem: 10260)

Tác giả: Dong Trinh
Bài số 5026-18-30726-vb3012417

Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông,sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có ba bài đã phổ biến. Sau đây là bài viết thứ tư.

* * *

Còn một tuần nữa là Tết. Ngày Tết, trước giao thừa là dịp chúng ta nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất... tôi lại nhớ về nơi mình đã được sinh ra và trưởng thành với biết bao kỷ niệm tuổi thơ ấu.

Nay tóc tôi cũng đã bạc. Tôi giờ đây không còn nôn nao, đợi chờ, không háo hức chờ ăn cơm tối xong để cùng đi chợ tết với má như ngày nào. Vậy mà khi nghĩ tới ngày Tết sắp tới, tôi thấy mình vẫn nôn nao mơ tưởng những ngày xưa cũ, được má thương yêu, chìu chuộng... bất chợt, tôi gọi lên: Má ơi!

*

...Xuân đến rồi xuân đi cho nhân gian đầy lưu luyến...
(tiềng hát Hoàng Oanh như vừa thoáng đâu đây)

Mỗi năm, vào khoảng này, hai bên phố chợ nhộn nhịp hẳn lên, người ta che vội những gian hàng khít nhau, bày bán nào bánh mứt, dưa hấu, trái cây đũ loại, áo quần trẻ con màu sắc sặc sỡ...má với tôi đi ngắm từng món, những cục kẹo mè pha đậu phộng dài bằng ngón tay út, những thùng thèo lèo đầy mè vàng lẫn lộn mấy cục mè đen mà không hiểu sao họ lại gọi là 'cứt chuột'! Khổ thay, tôi lại mê mấy cục này lắm, mùi mè thơm ngát, nhai bắt ghiền! Tôi cũng mê mấy trái chà là ngọt ngất ngây đựng trong mấy cái bao bố, ruồi nhặng bu đầy, mỗi lần mua về má tôi hay trụn lại nước sôi rồi mới cho ăn....ô kìa...đàng kia...những trái hồng khô,dẹp dẹp, tròn tròn trắng mốc...má tôi mua về, ngâm trong tách nước sôi cho mềm ra rồi ăn....

- Dưa hấu đây, dưa hấu đây...xanh vỏ đỏ lòng, ăn vô mát ruột, ăn tới đâu ngọt tới đó, mại vô, mại vô...

Mấy anh con trai đứng rao hàng inh ỏi, mấy bà ngồi chòm hỏm, bưng trái dưa tròn lẳng, xoay qua, lật lại, coi từng cái cuống, trả giá, kỳ kèo....

Chiều 23 Âm lịch, má nấu cơm sớm, xong dọn bếp núc cho thật sạch. Má bày ra một dĩa thèo lèo, một dĩa trái cây, bình bông, 3 chun nước, bộ “ngựa chạy cò bay” để hai ông một bà có mà bay về trời cho kịp giờ trình diện Ngọc Hoàng.

Bắt đầu từ ngày cúng ông táo, hầu như đám học trò không còn tinh thần đâu mà học nữa...tụi tôi đếm từng ngày... “hăm ba đưa Ông Táo. Hăm sáu đưa học trò...” mong cho mau tới ngày nghỉ Tết để sáng chiều chạy theo mấy đám múa cù, để mong mau đến Tết được mặc áo quần mới, được lì xì, để chen vô mấy sòng bầu cua cá cọp, được tiền thì hí ha, hí hửng đi xuống đầu chợ dưới ăn mì, hoành thánh, hột vịt lộn... thua hết tiền, mặt mày bí xị, về nhà nhõng nhẽo xin tiền má mua bánh ăn....

Đêm 30, tôi đi ngủ sớm, không quên dặn má nhớ kêu con dậy lúc 12 giờ...

Ngày xuân, nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm tươi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó....

Bản nhạc Ly Rượu Mừng được phát thanh khắp nẻo đường, đâu đây tiếng pháo lách tách vang lên trong đêm trừ tịch, êm ả, ấm cúng...tôi bước ra ngoài, má tôi đã đặt bàn thờ ngay trước cửa, ngoài trái cây và mứt đũ loại, còn có một trái dừa đã vạc miệng để trong cái tô cho không bị lăn xuống đất!

Đúng 12 giờ khuya, tiếng nhạc ngưng lại, người xường ngôn viên đài phát thanh Saigon thông báo đã đến giờ chào cờ và thông điệp chúc Tết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Đó là những năm cuối thập niên 50, khi miền Nam còn trong cảnh an bình thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tôi năm nào cũng thích chờ đón giờ phút này để nghe Tổng Thống chúc Tết, để nghe tiếng pháo mừng xuân...sau đó, má tôi thu dọn bàn thờ vô nhà, hai má con dắt nhau lên chùa Bà. Từ nhà đến Ngã Sáu đông nghẹt người, ai ai cũng nói cười hân hoan, tôi nghe lòng rộn rã...tiếng pháo vẫn lác đác bên tai...

Bước chân vô sân chùa, người ta bày bán la liệt bông hoa, nhang đèn, nước uống...má nắm tay tôi tiến vào chánh điện. Khói nhang nghi ngút, mịt mù, tiếng cười tiếng nói, Tàu, Việt râm rang...mắt tôi cay xè..tiếng chách chách ( xách xách xách rồi ngưng...lại xách xách rền khu chánh điện đều đặn từ những ống sâm...

Cúng xong ở tất cả các bàn thờ, má tôi thỉnh 3 cây nhang lớn, đưa cho tôi cầm, xong bước ra sân, tiến đến bụi hoa kiến thủy, một loại hoa trắng nhỏ li ti, hoa hướng xuống mặt đất, có lẽ vì vậy mà họ gọi là hoa kiến thủy...ủa? Mà sao không là kiến địa? Tôi bắt chước mọi người, bẻ một nhánh nhỏ.

Về nhà, má cắm 3 cây nhang lớn vô lư nhang trên bàn thờ và nhánh bông nhỏ chung với cành mai vàng vừa hé nở, những cánh mai vàng kiêu sa, báo hiệu xuân đã về!

Thoang thoảng đâu đây, tôi vẫn còn nghe được mùi khói pháo thơm và ấm, xác pháo hồng ngập trên sân nhà.

Tôi đã theo má đi chùa trong nhiều năm như vậy, cho đến năm tôi mười bảy tuổi, sáng mùng một, tiếng pháo nổ đì đùng khác thường, liên tục, ba má nét mặt âu lo gọi hết mấy anh chị em tôi dậy chui vô hầm trú ẩn. Thời gian này thỉnh thoảng có pháo kích, chiến tranh lan rộng vô thành phố nên nhà nào cũng làm hầm. Ba tôi đặt nhiều bao cát lên trên mặt bộ ván, và xung quanh dưới bộ ván, chỉ chừa đúng một cửa ngõ vừa cho một người chui lọt.

Ngồi lâu ngột ngạt, tôi chui ra ngoài, ra trước nhà nhìn ra khe hở cửa lá sách, tôi run rẩy, hãi hùng nhìn bên ngoài những chiếc xích lô yếu ớt, chú đạp xe ráng gồng mình, chở hai ba người, máu me đầy mình, người nhà chạy bộ theo, tiếng rên, tiếng khóc vang lên cả khu phố...

Ba tôi đến bên tôi hồi nào không hay, ông biểu tôi quay trở lại hầm, tôi vẫn cứ nán lại, đứng chết trân, nhìn, kinh hoàng...ba phải kéo tôi vô nhà trong trở lại. Hàng xóm tôi, cũng có vài anh tử trận từ chiến trường Gò đậu, Bà lụa... những xác người được âm thầm ta lịm, được vội vã mang ra nghĩa địa, không trống, không kèn, không người đưa tiễn, lặng lẽ, cô đơn!

Năm một chín tám lăm, tôi đã là một người đàn bà trên ba mươi, chồng mất, má và các anh chị em qua Mỹ trước đó vài tháng, tôi kẹt lại vì giấy tờ trục trặc, một thân một mình, tôi dẫn con xin ở đậu nhà quen...

Đêm ba mươi vắng vẻ, cô đơn, đúng mười hai giờ khuya, tiếng pháo giao thừa rộn rã... thằng con chín tuổi đang coi đốt pháo vụt chạy vô phòng...tôi lo lắng chạy theo...

- Mẹ ơi! Con nhớ ngoại quá!

Hai mẹ con ôm nhau khóc... một giao thừa cô đơn, không nhà không cửa, không người thân!

Bên ngoài, tiếng pháo đón giao thừa vẫn chưa dứt, gió xuân mang hơi lạnh cuối đông còn sót lại, tiếng lá khô sột soạt... tôi nghe nhớ má quá, nhớ những đêm trừ tịch, hai má con đi lễ chùa...tôi úp mặt xuống gối, nước mắt ướt đẫm, hình bóng má chập chờn.

*

Từ ngày qua Mỹ, chúng tôi vẫn giữ truyền thống cúng giỗ ông bà. Đêm cuối năm im vắng, không nhạc xuân, không pháo nổ, ngoài trời tuyết phủ trắng xoá... chúng tôi vẫn đặt bàn thờ, cũng dừa tươi, cũng mứt, cũng thèo lèo cứt chuột....(cảnh có xuân đâu mà những Tết xưa còn rớt lại trong lòng!)

Thắp nhang xong, tôi vô phòng khách ngồi, chờ nhang tàn, dọn bàn thờ, lái xe đến chùa dự lễ khai kinh đầu năm, coi múa cù, nhận lộc và lì xì của thầy ban...

Tôi trở về nhà trong đêm vắng lặng, chợt thèm một lần sống lại trong cái không khí ấm cúng của gia đình, có ba má, đông đủ các anh chị em, con cháu kéo về quây quần bên nhau, cùng đón giao thừa trong căn nhà xưa nơi phố chợ. Một ước muốn quá đỗi bình dị vậy mà không thể nào có được, mãi mãi chỉ là một giấc mơ!

Ngồi trước bàn thờ ba má, tôi thắp ba nén nhang trước ảnh hai đấng sanh thành. Khói nhang như tóc má từ thế giới hư vô lúc ẩn lúc hiện làm tôi tưởng vọng.

Sáng mùng một tết, trên bàn thờ khói hương nghi ngút, cũng bánh tét, bánh chưng đầy đũ, nhánh mai vàng bằng cành cây khô gằn bông vải, chúng tôi đón Tết âm thầm lặng lẽ, ngoài đường xe cộ vẫn qua lại dập dìu, trẻ con vẫn đến trường, chúng tôi vẫn cày như mọi ngày...

Em có khi nào còn nhớ mùa xuân
Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ
Nghe tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ
Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ

Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần

....

Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời, em có hay
Những thành phố em đã đi qua
Đây Ba Lê, đây Luân đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương

...

Tiếng hát Thái Hiền vang lên bản nhạc Em có khi nào còn nhớ mùa xuân của Ngô Thụy Miên đã quay tôi về thực tại, cho dù tôi cố gắng giữ mãi những tập tục, truyền thống của ngày Tết Việt Nam, cũng chỉ là những cái tết âm thầm trong tâm mà thôi.

Năm mới sắp đến, tôi xin thân ái chúc tất cả các bạn an khang, hạnh phúc.

Fort Smith, tối 21 Tết...nhớ nhà..mà có nhà đâu để nhớ? Nhớ quê? Quê có còn của mình chăng?

Nhà! Nhà nào? Quê? Nghe lòng hỏi lại lòng...Quê nào?

Giao thừa nào của một cõi trời riêng với ta, với những ngày xưa cũ!

Những đêm giao thừa nào đây không cần hỏi, lòng tôi đã biết.

Dong Trinh

Ý kiến bạn đọc
14/03/201707:02:20
Khách
Xin cảm ơn thật nhiều yếu kiến đóng góp của các bạn đã ưu ái cho bài viết của toii nhé!
26/01/201722:11:45
Khách
Cô Dong Trinh oi,
Đọc bài của Cô sao mà buồn quá. Sao có nói lên đúng tâm trạng những người hoài cổ quá ! Tết ở đây chỉ là tương trưng thôi chứ làm sao có lại được những ngày Xuân vui trên quê hương xa xưa nữa ?
Mến chúc cô tuy ở một nơi không có Tết, một năm mới Đinh Dậu thật thái hòa, hạnh phúc!
24/01/201723:05:42
Khách
Người già luôn sống với quá khứ.
24/01/201719:40:29
Khách
Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Thời gian cuốn như dòng nước trôi
Còn đâu những giây phút bên nhau
…….
Luyến lưu bao ngày qua
Kỷ niệm ôi thiết tha !
Như tình trăng với sao
Mà nay biết tìm đâu?

Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Đành ôm ấp để lòng biết thôi

( " Kỷ Niệm Xa Rồi"- Nguyễn Hữu Thiết)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả là một nhà báo Việt ngữ tại Atlanta. Ông viết tin, bình luận… với bút danh Phương Điền Nguyên. Một trong những mục ông phụ trách là “Thư Atlanta về Sài Gòn” với bút hiệu Bình Thiên.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 2 bài đã phổ biến:
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài viết mới của Song Lam.
Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học viện Ngôn ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả đã có sách anh ngữ "The Clan Divided," do một nhà xuất bản Mỹ tại New York ấn hành. Ông cũng là tác giả sách "Tiếng Việt Đáng Yêu." Trần Đức Hân sinh năm 1942 tại miền Bắc, di cư vào Nam.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến.
Nhạc sĩ Cung Tiến