Hôm nay,  

Chuyện Bốn Tên Ngự Lâm Pháo Thủ

22/12/201600:00:00(Xem: 16129)

Tác giả: Chu Tất Tiến
Bài số 4998-18-30698-vb5122216

Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, thêm một bài mới viết.

* * *

Buổi sáng hôm ấy, đang đọc báo ngày theo thường lệ, bỗng điện thoại reo. Thiện nhấc điện thoại lên. Đầu giây bên kia, giọng của Hiến như reo mừng:

-Ông biết gì không? Lan vừa từ Việt Nam sang đây!

Thiện hơi chau mày:

- Lan? Vợ Nhu ấy hả?

- Còn ai nữa? Lan mới qua thăm con gái. Sẽ ở lại đây hết tuần. Ông có muốn gặp không?

Thiện bắt đầu sốt ruột:

- Sao lại không? Gặp ở đâu? Bao giờ? Bao nhiêu năm không gặp. Không biết bây giờ dung nhan nàng ra sao?

Hiến nói lớn:

- Dung nhan gì nữa! Bà lão Việt Nam qua tuổi hưu trí rồi thì chưa giống khỉ là mừng rồi.

Thiện cười giã lã:

- Lâu không gặp nên đầu óc vẫn hình ảnh cũ. Vậy, ông muốn gặp lúc nào?

- Để tôi liên lạc với Lan rồi gọi lại ông.

Nói xong, Hiến cúp máy liền. Hiến là chủ một nhà hàng khá nổi tiếng tại Quận Cam, trang trí vừa phải, nhưng diện tích lại rộng rãi, nhà hàng không có cột ở giữa phòng, nên trông rất thoáng đãng, khách hàng nào cũng thích.

Hiến là môt trong những người may mắn. Vì nhà ở Vũng Tầu, nên vượt biên cùng lúc 8 anh em. Sang Mỹ một thời gian, đi làm hầu bàn và các việc linh tinh, sau đó, cả 8 anh em xúm vào thuê môt căn nhà, nằm ngủ sấp lớp với nhau, dành được tiền, rồi từ từ tách ra từng người một. Người nào ra trước thì được những người còn lại yểm trợ, cho đến khi cả 8 người đều có 8 căn nhà. Khi có cơ hội, 8 anh em cùng góp sức mở một nhà hàng, để thời gian sau, mấy anh em mở được vài nhà hàng cùng trong quận Cam. Bây giờ Hiến sống thoải mái với một gia đình hạnh phúc.

Buông điện thọai xuống, Thiện thấy mình hơi lảo đảo. Kỷ niệm ngày xưa dập dồn trong đầu như thác lũ. Nhớ ngày nào, mấy đứa còn dung dăng dung dẻ ở bãi cát Vũng Tầu. Hết bãi trước, ra bãi sau, rồi bãi Dứa, không hàng quán nào nổi tiếng mà không ghé. Bốn chàng thanh niên quậy sóng, quậy gió, vui đùa như giặc, bạn bè gọi nhóm của Thiện là Bốn tên Ngự Lâm Pháo Thủ: Nhu, Hiến, Thiện và Cao. Ba tay kia cùng là dân áo đen, Biệt Chính, cùng là huấn luyện viên chất nổ, thứ dữ, còn Thiện lại chỉ là môt anh phó phòng kế toán quèn, nhưng không hiểu sao lại hợp “rơ” với nhau, cứ chiều chiều, nếu có giờ rảnh lại hú nhau đi vào mấy quán Cà Phê Nhạc, kêu cà phê rồi kéo nhau lên sân khấu hát vài bài, thế là được uống không mất tiền.

Trong nhóm Thiện, có Nhu hát hay tuyệt vời. Giọng của Nhu rất ấm, khiến không cô gái nào nghe Nhu hát mà không si dại nhìn Nhu. Nhưng thật kỳ lạ, Nhu lại gàn dở, không ưa cô nào. Vì có công việc văn phòng lại lương cao, nên Thiện quen khá nhiều em, những em gan lì tướng quân chịu đi làm xa nhà, Thiệu giới thiệu cho Nhu cô này, cô kia, thì Nhu lại cứ lắc đầu quầy quậy, giả giọng Huế trọ trẹ:

- Mi thích thì mi lấy đi. Tao không cần.

Rồi lấy điếu cầy ra rít một hơi. Đúng là gàn dở. Thời buổi văn minh, thuốc lá đủ loại, Ruby, Capstan, Salem đầy ngoài tiệm, mà Nhu lại chỉ thích rít thuốc lào! Hít xong một hơi là vác ghi ta ra gẩy, rồi hát giọng đậm mùi điếu cầy. Nhưng có lẽ cái chất thuốc lào ấy làm cho giọng hát của Nhu rất đặc biệt. Thiện cố bắt chước hát theo nhưng không được, đành chào thua. Cao cười ha hả:

- Mi muốn hát giống nó, mi phải rít mấy hơi cho thuốc lào nó đóng vẩy trong cổ rồi hát mới đậm.

Trong số các cô quen Thiện, có một nhóm ba cô: Lan, Phương, và Loan. Lan đẹp trữ tình, thân hình đậm đà theo đúng kiểu gái Nam kỳ, bộ ngực bốc lửa, cặp má tròn trịa lúc nào cũng hồng hồng, cười tươi như hoa. Phương, gốc Hà Nội, thanh lịch, nói giọng nhỏ nhẹ, miệng cười chúm chím. Cô bé thứ ba trong bộ này là Loan, cũng gái Bắc, người nhỏ nhắn, nhưng điểm đặc biệt dễ nhận nhất là cặp mông cứ cong lên làm tà áo dài phía sau thỉnh thoảng lại tạt ra hai bên, Loan phải lấy tay kéo áo lại che phần sau hoài, mỗi lần như thế, mặt Loan lại ửng lên như một bông hồng nhỏ. Cả ba đều có máu giang hồ, rủ nhau bỏ Saigon ra Vũng Tầu làm việc và làm chung sở với Thiện. Gặp nhóm bốn tên quậy, cả ba cô đều mến và chịu đi chơi rất thường, nhưng vì duyên nợ hay sao đó, mà rồi Thiện cặp với Phương, Cao cặp với Loan, còn Nhu, tuy không thích bất cứ cô nào trong nhóm này, nhưng vì bắt buộc, không cặp không được, nên đành chịu đi cặp với Lan. Vì thấy mình bị lọt sổ rõ ràng, nên Hiến bỏ cuộc, đứng ngoài nhìn ba cặp này phóng trên ba chiếc xe Honda vi vút lạng khắp Vũng Tầu, ra Rạch Dừa, tới Bà Rịa. Từ đó, Hiến chỉ tham gia khi nào có nhậu ở Bãi Trước mà thôi.

Đang miên man với kỷ niệm xưa, chợt điện thoại rung. Lại giọng Hiến:

- Rồi, tôi hẹn với Lan rồi! Sáng mai, lúc 11 giờ, lại nhà hàng tôi ăn tỉm xấm. Tôi đón Lan đến.

Nói xong, Hiến cúp máy liền. Thiện lại tiếp tục cho dòng tư tưởng chảy về quá khứ.

Những lần đi chơi ra bãi cát ngồi hay vào trong khu rừng sát biển, nơi doanh trại của Nhu và Cao, chỉ có Thiện và Cao thì đùa giỡn ầm ĩ, còn Nhu thì cứ lầm lầm lì lì bên cạnh Lan. Để cho Lan khỏi bẽ bàng, Thiện và Cao cứ phải chộp lấy tay Nhu vất vào lòng Lan, hay quàng tay Nhu qua hông Lan. Nhu rụt tay lại như chạm lửa, khiến cả bọn lại cười vang.

Thiện đùa:

- Ê! Nhu! Bộ mi sợ chạm tay vào nàng thì nàng lập tức có bầu hay sao mà hãi quá vậy?

Lan “hứ” một tiếng rõ to:

- Cái ông này!

Rồi đập tay vào vai hai nàng kia, cả ba cười rộ.

Cuộc đời vui chơi hồn nhiên tưởng như thiên đường mãi thế cho đến khi Thiện sắp sửa đi lính.

Nghĩ đến đây, Thiện chợt thở dài. Anh gấp tờ báo lại và tiến lại tủ quần áo, chuẩn bị đi làm, và hồi hộp nghĩ đến ngày mai… Mới ngày nào, đã mấy chục năm qua rồi.

*

Chưa tới 11 giờ, Thiện đã có mặt ở nhà hàng của Hiến. Anh dáo dác nhìn quanh, không thấy Hiến hay Lan. Hỏi người hầu bàn, được biết Hiến đi chưa về. Thiện ngồi xuống một bàn gần cửa, ngó ra ngoài. Một lúc sau, có lẽ chừng 15 phút, Hiến mới bước vào, theo sau là Lan. Thiện đứng bật dậy, chăm chăm nhìn nàng. Lan mặc đồ tây, áo mầu xám đậm, quần mầu đen, đi đôi giầy thấp, vừa đi vừa cúi mặt nhìn xuống đất.

Trông thấy Thiện, Hiến chìa tay ra bắt:

- Đây, người đẹp đây! Thấy dung nhan mùa Hạ chưa?

Rồi cười hì hì. Thiện đưa tay ra bắt tay Lan, lúc ấy mới ngửa mặt lên, hơi mỉm cười. Nụ cười Lan thật méo mó làm những vết nhăn trên mặt co lại. Thiện muốn nắm mãi lấy tay nàng, nhưng Lan giật vội tay lại:

- Làm gì mà bóp tay người ta đau quá?

Thiện không nói gì, chỉ chăm chăm nhìn nàng. Thật sự, anh nhận không ra người đẹp năm xưa. Trước mặt anh là một bà già ốm yếu, trên mặt có khá nhiều nếp nhăn. Thân hình ngày xưa bốc lửa bao nhiêu, thì bây giờ nguội lạnh bấy nhiêu. Lan giả bộ gắt nhỏ:

- Nhìn kỹ đi! Bà già đây! Thỏa mãn chưa?

Thiện lắc đầu:

- Vẫn dữ dằn như hồi nào! Không thay đổi chi mấy!

Lan hơi nhếch mép cười. Nàng muốn lảng tránh cặp mắt Thiện.

Hiến vẫy tay gọi người hầu bàn. Thiện hỏi nhỏ Lan:

- Nhu mất về bệnh gì vậy?

Lắc đầu như để xua đuổi cơn buồn, Lan cười như mếu:

- Bệnh già!

Thấy Thiện nhăn mặt, Lan vội nói chữa:

- Đùa thôi. Ổng mất vì ung thư gan.

- Tại nó uống rượu nhiều quá, phải không?

- Cũng có thể. Sau này ổng uống lia chia. Ngày nào cũng uống. Tôi ngăn hoài không được.

Thiện đùa:

- Ngăn bằng gì? Bằng búa phải không?

Lan nhếch mép, thở dài:

- Ông tưởng tôi vẫn dữ như xưa? Tôi nói, ông tin hay không thì tùy. Tôi tu từ mấy chục năm nay rồi.

Nghe câu này, đột nhiên trí tưởng Thiện lại bay trở lại những ngày xưa ấy.


Trước khi anh rời Vũng Tầu về lại Saigon, anh có nhờ Nhu săn sóc giùm một cô bạn gái khác của mình, không phải Phương, vì hai người không hợp nhau, thân với nhau cả năm trời, đi chơi, đùa giỡn như môt lũ giặc cỏ, mà không hề yêu nhau. Phải nói là Phương khá đẹp, khuôn mặt trái soan, mũi dọc dừa, môi cười chúm chím như cánh hoa, tuy nhiên, có lẽ vì biết mình đẹp, nên Phương hơi “kên”, ít nói. Còn Thanh, cô bạn gái kia của Thiện lại “cao bồi” hơn, ngổ ngáo hơn, thích chạy xe Lambretta 175 phân khối, con một chủ nhà hàng không lớn lắm, nhưng cũng thuộc loại giầu có. Thiện cứ chạy qua chạy lại giữa hai cô, nhưng thân với Thanh hơn.

Hồi đó, “bạn gái” hay “bồ” còn trong sáng lắm, không có đụng chạm tới tấp như sau này, mà nếu có đụng chạm thì phải nghĩ đến chuyện cưới hỏi liền. Thiện thì có nhiều bạn gái, nhưng có sắp hạng thứ tự, Thanh là ưu tiên một, sau đó mới đến Phương, rồi mới tới mấy cô khác. Khi phải về Saigon, mỗi cuối tuần, Thiện vẫn phóng xe lên thăm em. Rồi một thời gian sau, đúng như câu “xa mặt, cách lòng”, cho dù Thanh rất yêu Thiện, nhưng lại mê tiếng đàn và giọng hát “thuốc lào” nhừa nhựa của Nhu hơn, nên hai đứa đã cặp kè với nhau. Thiện biết được chuyện này, anh phẫn nộ quá, nhưng vì thương bạn, thương người yêu, nên môt lần, anh lên Vũng Tầu vào buổi chiều, gần tối, trừng phạt hai đứa, bắt hai đứa leo lên xe Lambretta, rồi phóng hết tốc lực qua Núi Lớn, Núi Nhỏ và phóng sát ra bức tường đá để hứng những ngọn sóng đập vào thành đá, ướt hết đầu, cho hai đứa chúng nó sợ quá, run như rẽ, nhưng chỉ dám nói nhỏ nhỏ:

- Từ từ lại! Chạy chậm lại đi…

Nhưng Thiện tỉnh bơ, vặn hết tay ga, và phóng, mãi sau mới chịu về tới nhà bạn gái cũ, trả xe cho nàng, đút tay vào túi, leo lên xe Honda của mình, phóng về nhà Hiến, hai thằng leo lên phản gỗ nằm nói chuyện đời đến sáng hôm sau, Thiện về Saigon, lòng dửng dưng như không.

Sau vụ đó, Nhu và Thanh của Thiện đều hối hận, cả hai viết thư xin lỗi anh, Thiện mỉm cười bỏ qua, và tiếp tục lên lại Vũng Tầu mỗi cuối tuần, nhưng không ghé qua nhà Thanh nữa, mà chỉ đến với Nhu và Cao chơi. Tình của anh với Thanh đã chấm dứt, vì cảm tưởng là mối tình tay ba này không khá nổi. Anh không chấp nhận cho cô bồ lại phản anh lẹ quá như vậy. Còn Nhu, anh nghĩ rằng Nhu hiền quá, nên là nạn nhân của tính cao bồi của Thanh mà thôi.

Đến khi Thiện có ý tưởng muốn nhập ngũ, anh lên Vũng Tầu lần chót. Gặp Nhu và Cao, anh cảnh cáo Nhu:

- Tao bảo mi cặp bồ đi, tao chúc phúc cho. Mi cứ đơn thân độc mã mãi có ngày Trời phạt liệt dương luôn.

Nhu hít một hơi thuốc lào và vẫn giọng gàn dở:

- Cặp với ai bây giờ? Bao nhiêu người đẹp, thì mi cuỗm hết rồi, còn đâu?

Cao cười ha hả:

- Thằng này nói giọng chán đời! Còn nhỏ Lan kia thì sao?

Nhu nói trây:

- Cho thằng Thiện lấy luôn cả hai con đó. Tao đâu cần!

Đột nhiên, Thiện nổi cơn muốn chọc tức Nhu:

- Đươc rồi, mi không lấy nhỏ Lan. Tao lấy cho mi hối hận.

Rồi anh đùng đùng lấy xe đến nhà Lan, rủ Lan đi chơi. Lan nhận lời liền. Hai đứa đi xem xi nê xong rồi ra bãi biển ngồi dựa vai nhau, ngắm trăng đến gần nửa đêm, mới về. Gặp giờ giới nghiêm, Lan lo ngại:

- Ông về bây giờ thì lính bắt, hay là... ngủ lại đây đi.

Thiện ngần ngừ. Cô nam, quả nữ ở trong một nhà, không có ai, Phương và Loan đều về Saigon chơi rồi, thì nguy hiểm chập chùng. Nhưng sau khi suy nghĩ, thấy không còn cách nào hơn, anh đành phải ngủ lại nhà Lan, trên cái ghế bố để giữa phòng, và anh đề nghị để đèn sáng nguyên đêm. Lan gật đầu không nói gì. Nàng lên giường ngủ, và ngủ say ngay. Thiện nghe tiếng nàng ngáy nhẹ nhàng. Đúng là con gái Nam thoải mái quá!

Còn Thiện, ngủ chập chờn. Trong cơn mơ, anh thấy bóng Lan mờ mờ ẩn hiện với nụ cười man mác.

Sáng hôm sau, Thiện dậy sớm, từ biệt Lan rồi phóng tới nhà Nhu. Anh cười cười, “nổ” một hồi:

- Thấy chưa? Tao bảo mi không nghe. Tao lấy Lan rồi. Cho mi tiếc hùi hụi.

Nhu vẫy tay:

- Đâu có phải của tao đâu mà tiếc? Mi muốn lấy mấy mụ ấy lúc nào, thì cho tao biết, tao vác đàn tới, tao hát bài: “Tôi đưa em sang sông, chưa bao giờ buồn cười thế!”

Thiện cười ha hả rồi phóng về Saigon. Ngày hôm sau, anh lẳng lặng ghi tên tình nguyện nhập ngũ, không cho bất cứ người nào trong gia đình hay.

Khoảng 7, 8 tháng sau, đột nhiên anh nhận được thư của Nhu. Nhu viết:

- Mi biết không? Tao lấy Lan rồi. Ngày tao đưa Lan lên xe hoa, Lan không khóc mà tao khóc quá chừng! Mi đưa tao vào đường tội lỗi rồi, tao rút chân không ra!

Thiện bàng hoàng, anh không tưởng tượng được câu chuyện lại đến ngả rẽ này. Cứ tưởng chơi đùa cho vui. Ai ngờ...

Một năm sau. Thiện được đi phép Vũng Tầu. Anh phóng tới nhà Nhu, không báo trước. Đến cửa, anh gõ mạnh: “Nhu! Nhu! Tao đây! Mở cửa!”

Cánh cửa bật mở. Lan bước ra, dáng nhầu nát của một bà mẹ trẻ cho con bú, sữa còn dính ở ngực áo. Thấy Thiện, Lan hốt hoảng, lùi ra sau, tay đang cầm cái bình sữa cho con bú, đánh rơi mà không biết. Thiện cúi xuống, nhặt bình sữa lên, vừa lúc Nhu bước ra, trông thấy bạn, Nhu chồm tới ôm chặt Thiện và khóc nức nở như con nít.

Thiện vỗ vai bạn và cũng thấy nước mắt rưng rưng. Sau một hồi xúc động, hai thằng bạn bước vào nhà. Nhu gọi lớn:

- Bà Lan, đi làm đĩa tiết canh nhậu chơi.

Lan không trả lời, nhưng từ bên ngoài nghe thấy Lan lụi hụi đi bắt vịt. Thiện và Nhu nhìn nhau một hồi, không biết mở lời như thế nào, chỉ cười hì hì. Một lúc sau, Cao nghe tin ai đồn, vội phóng xe tới. Cả ba thằng ôm nhau, vừa cười vừa khóc. Khi tình cảm sôi động lắng xuống, Cao mới lôi Thiện ra ngoài đường, kể cho Thiện nghe là không biết xẩy ra thế nào, đứa nào dụ đứa nào, mà bất ngờ Nhu báo cho Cao biết là sẽ lấy Lan. Cao kể:

- Chuyện cũng vui thôi, nhưng kẹt cái là sau khi sanh, thì thằng Nhu nó đâm ghen với mi. Vì hai đứa nó cũng đều ngăm đen, mà đẻ con ra thì giống mi y hệt, cũng trắng bóc. Thằng Nhu, ngay khi ôm thằng bé ra khỏi nôi lần đầu tiên, phán ngay một câu xanh rờn: “Thằng này là con thằng Thiện đây, không phải con tôi!” Thế là con vợ nó giận, nổi cơn lên chửi thằng Nhu một mách rồi từ đó, hai đứa cứ ngúng nguẩy với nhau hoài.

Thiện đứng ngây người, lắp bắp:

- Thằng ngu! Con tao sao được? Tao đi lính từ hồi nẫm mà?

Cao nhăn mặt:

- Vậy nó mới ngu. Đôi khi lòng ghen làm mờ mắt! Tao chửi hoài mà nó cứ thờ thẫn!

Không biết nói sao, Thiện chỉ thở dài.

Sau bữa cơm hôm ấy, Thiện không lên Vũng Tầu nữa. Cho mãi gần 10 năm sau, khi Nhu và Lan dọn về gần Saigon, Thiện mới lên chơi, lúc bấy giờ Lan đã cho ra đời 3 thằng cu nữa. Bạn cũ gặp nhau, thôi bỏ chuyện xưa, ngồi cười hề hề.

Rồi Thiện đi Mỹ. Bây giờ gặp lại Lan, thật bất ngờ. Câu chuyện rời rạc, Lan luôn né tránh cặp mắt Thiện. Sau bữa cơm hôm đó, Thiện lấy số điện thoại của Lan, gọi Lan mấy lần, tính an ủi Lan (hay là vì tình cảm nào thì không rõ?) nhưng Lan né luôn, không chịu gặp cho đến khi về lại Việt Nam.

Hôm nay, bồi hồi nhớ lại những ngày xưa, Thiện thấy cuộc đời sao lạ lùng quá! Nhu đã chết. Cao thì chết đói khi vượt biển, lúc đi cùng với người vợ thứ hai, đang mang bầu. Người vợ thứ nhất là một ca sĩ. Đổi đời, Cao đi tù. Mãn tù về nhà bị bộ đội đuổi ra, không cho vào. Cao chán nản, đến ở nhờ nhà bà con, và lấy người vợ thứ hai. Khi vượt biên, tàu đụng bãi san hô, cả tầu chết đói hết, chỉ trừ một người sống sót. Người này cũng là bạn của Cao, cho biết là sau khi Cao nhặt được một con cua đưa cho vợ, và bảo vợ ăn đi, thì lăn ra chết. Người vợ cũng gục xuống, chết theo.

Bây giờ, bốn tên Ngự Lâm Pháo Thủ chỉ còn lại hai ông già tóc bạc, nhớ kỷ niệm xưa mà nước mắt lưng tròng.

Chu Tất Tiến

Ý kiến bạn đọc
23/12/201609:48:16
Khách
Thăm hỏi anh CT Tiến. Nhà tôi tình cờ đọc được bài viết của anh, hỏi tôi có phải anh chị Tiến mà tụi này đã gặp ở Sài Gòn năm 1972 không. Tôi nghĩ có thể . Nếu anh có tu nghiệp khoá CTCT ở Đà lạt năm 1972 thì toi là ND Minh (KQ). Vợ chồng tôi hiện ở Úc từ năm 1981 sau 5 năm đi tù ở ngoài Bắc. Hy vọng anh đúng là bạn củ CTT của tôi.
22/12/201616:45:14
Khách
Kỷ niệm ôi thiết tha!
Như tình trăng với sao
Mà nay biết tìm đâu?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,773,036
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về sự khó khăn để hội nhập vào xã hội Mỹ của những người Việt lớn tuổi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Bẩy 2016. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học.
Tôi là Hoàng Nga Bằng (bút danh Nga Bằng). Tôi là giáo viên Tiếng Nga, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1961. Tôi là học sinh trường Nữ Trung học Trưng Vương từ 1951 đến 1959. Bố tôi là công chức thời Pháp.
Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà quê ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, là cựu nữ sinh Ngô Quyền và là sinh viên Luật dở dang vào năm 1975. Mong Bà sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống tại Virginia và là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon,
Với bài viết “Tháng Tư, Tro Tràn Bay Trắng Đầu”, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Nhạc sĩ Cung Tiến