Hôm nay,  

Miền Đất Của Những Ước Mơ

16/12/201600:00:00(Xem: 13971)

Tác giả: Thảo Lan
Bài số 4993-18-30693-vb6121616

Tác giả tên thật là Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện làm manager cho một công ty Nhật ở thành phố Newport News, tiểu bang Virginia. Tác giả cho biết, “Tuy sống tại Mỹ từ lâu nhưng tôi chỉ mới biết đến mục Viết Về Nước Mỹ gần đây một cách tình cơ, thông qua họ hàng còn ở tại Việt Nam. Đây là bài viết đầu tiên của tác giả.

* * *

Thời tôi còn nhỏ ở Việt Nam, hình ảnh nước Mỹ trong tôi là những tòa nhà cao ốc tráng lệ như được thấy trong phim ảnh, là tòa nhà Empire State Building ở New York, nơi có con King Kong trèo lên để với bắt máy bay trong bộ phim nổi tiếng thời xưa, là những chiếc xe hơi to lớn như những chiếc xe chuyên cho thuê làm xe hoa đón dâu đậu dọc đường Nguyễn Huệ những năm 70 ở Sài Gòn, là những lon đồ hộp khui ra ăn liền như trong các thùng đồ hộp của quân đội Mỹ.

Khi Sài Gòn thất thủ, chúng tôi cũng như bao gia đình khác ở miền Nam đều có chung một mơ ước là có thể tìm được đường ra nước ngoài sinh sống. Hình ảnh nước Mỹ lúc ấy là cái phao để mọi người bám víu. Sau nhiều lần vượt biên thất bại tiền bạc mất hết, chúng tôi tự biết không còn đủ khả năng để theo đuổi giấc mơ Mỹ quốc của mình qua con đường vượt biển, nhưng bù lại chính phủ Mỹ đã thành lập chương trình ODP để cho những nguời có thân nhân ở Mỹ được ra đi an toàn. May mắn cho chúng tôi là vào những ngày cuối cùng của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, ba mẹ tôi đã nhanh tay gửi được một người anh lớn theo dòng người di tản. Giờ đây anh chính là cái phao cho giấc mơ Mỹ quốc của chúng tôi.

Thời gian này qua hình ảnh cũng như những thùng quà gửi về của những đứa bạn học có nhiều người thân ở ngoại quốc, giấc mơ Mỹ quốc của tôi thật đơn giản chỉ là được mặc cái áo pull, quần jean thơm phức "mùi đồ Mỹ", có cây bút Bic cài túi đi học không sợ bị chẩy mực tèm lem hoặc khi viết thì không ra chữ như chất lượng những cây bút nội hóa thời bấy giờ.

Thủ tục giấy tờ bảo lãnh chờ đợi năm này qua năm khác cho đến khi tôi rời ghế nhà trường vẫn chưa xong. Đến lúc này với chiếc áo công nhân lấm lem dầu mỡ khoác hàng ngày, tay cầm kìm búa thay bút mực thì quần áo đẹp, bút viết tốt chẳng còn là điều tôi mơ ước nữa. Cuộc sống bên Mỹ như thế nào cũng vẫn còn rất mơ hồ đối với tôi. Hình ảnh cuộc sống ở Mỹ lúc bấy giờ trong đầu tôi giống như hình ảnh của khu đường Tự Do của Sài Gòn nơi có các tòa nhà lầu cao vừa phải, vừa làm nơi ở, vừa để kinh doanh buôn bán. Đường phố có tuyến nhỏ dành riêng cho xe hai bánh như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Và tôi đã từng vẽ vời ra cảnh tượng khi qua Mỹ chiều chiều sẽ đạp xe chở người yêu đi trên những làn đường dành riêng cho xe đạp này cũng từa tựa như những gì tôi đang làm tại Sài Gòn khi ấy.

Rồi cuối cùng cái ngày mong đợi cũng đến, chúng tôi đã rời Sài Gòn bay qua Bangkok để bắt đầu cuộc sống tha huơng vào một ngày cuối tháng 10 năm 1989. Trong thời gian ở trại tạm trú quá cảnh bên Thái tôi được lần đầu nghe đến ngày lễ Halloween của Mỹ mặc dù cũng không hiểu rõ lắm nó là ngày lễ gì. Tuy nhiên thời điểm để tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh nước Mỹ lại phải kéo dài thêm một ít. Vì một lý do nào đó không rõ, sau 11 ngày ở Bangkok, tôi và người chị đã phải tách riêng gia đình để qua Phi tạm cư một thời gian trước khi chính thức được nhận vào Mỹ. Ở trại tị nạn Bataan của Phi chúng tôi được học về văn hóa, cuộc sống Mỹ cũng như được chính thức tiếp xúc với nhiều người Mỹ chính cống. Tuy nhiên những người Mỹ này chỉ là các nhân viên điều hành trại còn các thầy cô giáo lại là người Phi mà đa số chưa từng một lần được đặt chân lên đất Mỹ nên những gì họ hiểu biết về nước Mỹ có lẽ cũng không hơn tôi được bao nhiêu. Cũng vì những hình ảnh mơ hồ về nước Mỹ, về tương lai trước mắt nên khi được hỏi sẽ làm gì khi qua Mỹ, tôi đã trả lời rằng tôi sẽ tiếp tục làm nghề thợ tiện bởi lẽ đơn giản đó là nghề tôi làm ở Việt Nam cho đến ngày ra đi. Hơn nữa trong thời gian học thêm ở những trung tâm dậy nghề buổi tối ở Sài Gòn tôi biết rất nhiều thanh niên theo học lớp tiện để chuẩn bị xuất ngoại vì theo họ nghề tiện dễ kiếm việc và được trả lương cao ở Mỹ. Có nhiều anh chị lớn tuổi cùng khóa của tôi ở Phi đã tỏ vẻ ngạc nhiên và khuyến khích tôi nên ghi danh vào đại học vì có lẽ theo họ ước mơ của tôi quá nhỏ bé so với hầu hết những giấc mơ Mỹ quốc của các bạn đồng trang lứa.

Thời gian ở trại khi gặp phái đoàn Mỹ, hai chị em chúng tôi có làm đơn khiếu nại yêu cầu cho biết lý do phải qua Phi sống thay vì đi thẳng vào Mỹ như những thành viên còn lại trong gia đình. Không hiểu có phải nhờ lá đơn khiếu nại này hay không mà chúng tôi được lên list bay ngay khi khóa học vẫn còn dang dở chưa chấm dứt. Tôi đặt chân đến Mỹ vào ngày 27 tháng 4 năm 1990. Từ San Francisco bà nhân viên Mỹ tốt bụng của hội bảo trợ đã dắt tôi lên tận ghế máy bay đưa cho chăn đắp và không quên chúc may mắn trước chuyến bay dài thẳng đến Charlotte, North Carolina nơi người anh lớn bảo lãnh cho tôi sẽ ra đón. Từ đây tôi đã bắt đầu chính thức thực hiện giấc mơ Mỹ quốc của mình.

Anh tôi sinh sống ở Belmont, một thị trấn nhỏ gần Charlotte dân số khi ấy chưa đến 10,000 người mà Mỹ trắng chiếm đại đa số. Anh ở tại một khu trung lưu nơi các nhà single house xây gần giống kiểu nhau và đều có vườn cỏ xanh mượt bao quanh. Không có những khu phố như đường Tự Do, không có những con đường dành riêng cho xe hai bánh như đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi ở Sài Gòn. Thế là ước mơ đạp xe thong dong dạo phố của tôi đã không thành. Lúc này ba mẹ tôi đã qua Mỹ trước tôi được sáu tháng và đã định cư ở Virginia nên tôi chỉ sống cùng người anh bảo lãnh bốn tuần trước khi lên Virginia để sống cùng ba mẹ. Trong thời gian ở North Carolina tôi cũng đã bắt đầu làm quen với đời sống Mỹ bằng công việc rửa chén bát ở một nhà hàng Steakhouse Mỹ trong vòng hai tuần. Tôi đã từng làm việc chân tay nặng nhọc ở Việt Nam nhưng qua đây mới thấy rằng để thực hiện giấc mơ Mỹ bằng sức lao động không phải là dễ. Thế là khi lên Virginia thay vì tìm kiếm công việc cho nghề tiện như ước mơ của tôi thời còn ở trại tị nạn Phi, tôi đã ghi danh học Engineering ở một trường đại học cộng đồng (community college).

Thời gian này tôi sống cùng ba mẹ và người chị ở một khu apartment đông người Việt tại một thành phố ven biển vùng Đông Nam Virginia. Căn apartment ngay trên lầu của chúng tôi là của một anh Việt Nam trạc tuổi tôi còn độc thân. Hằng đêm khi tôi đã lên giường để ngủ thì vẫn còn nghe tiếng anh mở video xem những băng Paris By Night. Những tiếng hát của Elvis Phương, Hương Lan, Phượng Mai, tiếng giới thiệu chương trình của La Thoại tân, Jo Marcel đã khiến tôi hồi tưởng lại những ngày còn ở Việt Nam khi anh chị em chúng tôi mượn được đầu máy để xem lén lút những cuốn băng này. Tất nhiên việc hồi tưởng kỷ niệm cho dù là kỷ niệm đẹp cũng dễ làm tôi thao thức mất ngủ.

Thời gian đầu tiên sinh sống trên đất Mỹ cuộc sống chúng tôi khá chật vật. Ba mẹ tôi ở tuổi ngoài 60 tuy lạ nước lạ cái với cuộc sống mới nhưng vẫn còn phải kiếm việc làm. Phần tôi vừa học vừa làm thêm ở một hãng đóng hộp thịt cua ở gần nhà. Người chủ tốt bụng muốn giúp đỡ người tị nạn nên đã cho phép tôi muốn vào làm bất cứ giờ nào cũng được sau giờ học. Do đó vào năm đầu tiên tôi đã ghi danh học những lớp sớm nhất để có thể kịp về làm thêm được nhiều giờ. Vì không có xe hơi nên mỗi ngày tôi phải dậy thật sớm khi trời mùa đông còn tờ mờ chưa sáng hẳn để đón xe bus đến trường. Để rồi sau giờ học lại vội vàng đón xe bus quay về nhà lấy xe đạp thẳng vô hãng để làm cho đến khi trời sẩm tối mới về nhà để cơm nước và học bài cho ngày hôm sau. Giấc ngủ sớm là điều cần thiết cho tôi để chuẩn bị năng lượng cho một ngày mới thế mà đêm nào tôi cũng phải thao thức vì tiếng nhạc phát ra từ căn apartment trên lầu của anh bạn Việt Nam.


Lúc này cuộc sống của anh bạn Việt Nam chính là mơ ước lý tưởng cho tương lai tôi. Anh học vài lớp kỹ thuật cũng ở cùng ngôi trường đại học cộng đồng nơi tôi đang theo học. Hiện tại anh làm cho một cửa hàng sửa chữa điện tử, TV, VCR. Anh được người chủ giao cho chìa khóa nhà kho và muốn vào làm lúc nào cũng được. Đó chính là lý do anh thường có thói quen thức khuya xem video và sáng dậy thật trễ. Chính vì cái tiết mục được thức khuya thoải mái này của anh đã phần nào tạo nên hình mẫu lý tưởng cho tương lai của tôi lúc ấy. Thời gian này là cái thời mà thú vui giải trí lớn nhất của dân Việt Nam ở hải ngoại là những cuộn phim ca nhạc của Thúy Nga, Asia, Người đẹp Bình Dương hay những cuộn phim bộ nhiều tập phỏng từ các pho truyện chưởng của Kim Dung hay tiểu thuyết tình cảm ướt át của Quỳnh Dao. Cái đầu máy VCR là thứ tài sản quý giá của mỗi gia đình người Việt Nam do đó ngoài lương làm cho chủ anh còn rủng rỉnh kiếm thêm từ việc sửa chữa VCR tại nhà cho đồng hương. Căn apartment của anh có đầy đủ các tiện nghi mà bất cứ ai mới qua Mỹ còn sống chật vật như tôi đều phải ngưỡng mộ. Lúc ấy tôi chỉ mong sau hai năm ra trường với mảnh bằng A.S (Associate of Science) tôi sẽ có được một công việc và cuộc sống như anh. Tiếc rằng khi nhận thức ra được mình không có năng khiếu về điện, tôi đã biết mình khó có thể tiếp nối con đường của anh.

Những semester cuối ở đại học cộng đồng, khi thấy việc học không quá khó với khả năng của mình, ước mơ của tôi đã lớn hơn một chút. Lúc đó tôi đã không còn muốn dừng lại ở mảnh bằng hai năm mà đã quyết định sẽ tiếp tục chuyển lên học ở university để hoàn tất chương trình kỹ sư cơ khí bốn năm. Lúc này tôi vẫn còn tiếp tục làm việc tại hãng đóng hộp thịt cua. Hãng nhỏ chỉ có một giàn máy để cắt xẻ mai và chân cua còn lại các công việc lựa thịt cho vào hộp thì đều dựa vào thủ công. Chiều chiều sau khi hết việc tôi thuờng ở lại phụ dọn dẹp xịt rửa các thùng barrel nhựa dùng để đựng càng cua và quét dọn sàn nhà để kiếm thêm giờ. Vào giờ này thuờng có một ông Mỹ trắng khá lớn tuổi vào để tháo rửa máy móc và sau đó lắp lại để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Trong đầu tôi lại nảy ra một ước mơ mới. Trong tương lai với mảnh bằng kỹ sư cơ khí rất có thể tôi sẽ được hãng mướn để trông coi giàn máy này thay cho ông già Mỹ chắc chắn khi ấy đã đến tuổi về hưu. Nếu được như thế thì cũng đủ mãn nguyện cho tôi vì từ vị trí một người thợ mỗi ngày đứng bẻ càng xếp cua lên băng chuyền hoặc đổ thùng càng cua vào máy xay mà nay được lên trông cả giàn máy thì chắc chắn thu nhập cũng phải tăng lên rất nhiều.

Sau khi chuyển lên đại học bốn năm, chương trình học cũng nặng hơn, trường cũng ở xa hơn nên mặc dù lúc này tôi đã có chiếc xe hơi cũ để làm phương tiện di chuyển, tôi không còn thời gian để làm tại hãng đóng hộp thịt cua nữa. Mỗi tuần tôi chỉ còn làm thêm ba buổi vào weekend ở một nhà hàng Tàu. Ước mơ khiêm nhường trông giàn máy hãng cua cũng phai nhạt dần đi theo thời gian và tất nhiên tôi cũng quên hẳn ước mơ sửa đầu máy VCR của mình trước đó. Anh bạn Việt Nam đã bỏ khu apartment đi mua nhà riêng được vài năm. Lúc này anh đã được chủ cửa hàng sang lại cho căn tiệm và tự đứng ra làm chủ. Không được dịp gặp anh ta nhiều nhưng tôi nghe nói công việc làm ăn của anh không được khấm khá lắm. Lúc này đầu máy DVD đã bắt đầu xuất hiện nên các đầu máy VCR xuống giá rất nhiều. Do đó nếu hỏng, người ta sẵn sàng mua máy mới chứ chả ai bỏ ra $20, $30 để sửa như trước kia nữa. Tôi ngẫm nghĩ thấy mình may mắn đã không tiếp tục theo đuổi ước mơ thủơ mới đặt chân đến Virginia của mình.

Sau khi ra trường với mảnh bằng kỹ sư cơ khí, tôi đã may mắn kiếm được công việc đúng với khả năng ở một hãng lớn ngay tại địa phương nơi tôi ở. Thời gian cứ tuần tự trôi và qua những kinh nghiệm rút ra trong cuộc sống ở Mỹ cũng như trong công việc ở sở hàng ngày đã khiến các ước mơ viễn vông kiểu xưa kia của tôi cũng dần biến mất để thay thế bằng các kế hoạch tương lai thực tế hơn. Anh bạn Việt Nam từ thời tôi mới chân ướt chân ráo lên Virginia nghe nói đã phá sản, nợ nần chồng chất và phải bỏ đi tiểu bang khác sinh sống. Ôi cái hình ảnh kiểu mẫu lý tưởng của tôi ngày xưa ấy may mà không thành sự thật với tôi. Giả sử ước mơ đầu tiên trên đất Mỹ của tôi trở thành hiện thực thì liệu tôi có tránh khỏi cảnh phá sản vỡ nợ như anh bạn Việt Nam kia không? Và rồi nếu ước mơ thứ hai đứng trông giàn máy của hãng thịt cua của tôi thành sự thật thì liệu với tình trạng nước biển ô nhiễm và đánh bắt quá nhiều khiến số lượng cua xanh (blue crab) của vùng vịnh Chesapeake này bị giảm sút thì liệu tôi có đủ sống với số giờ làm việc ít ỏi dựa vào mùa đánh bắt cua chỉ có vài tháng trong năm như hiện nay hay không?

Nước Mỹ đã khiến tôi có bao nhiêu ước mơ không thành sự thật, đồng thời nước Mỹ lại cho tôi cơ hội để có được một cuộc sống bình yên, cho tôi cơ hội để được tự do phát biểu những điều mình muốn nói, cho tôi cơ hội để được làm những việc đúng với khả năng của mình. Nước Mỹ đã giúp tôi hiểu được rằng muốn biến ước mơ của mình thành sự thật thì cần phải có sự cố gắng cũng như kế hoạch cụ thể chứ không thể mơ ước theo kiểu sung sẽ tự nhiên rụng vô miệng mình. Trong suốt hai mươi sáu năm qua, nước Mỹ đã cho tôi quá nhiều thứ nhưng ngược lại thời gian đã lấy đi của tôi cũng không phải là ít. Vật quý giá nhất mà thời gian đã nhẫn tâm cướp đi từ tôi chính là ba tôi, người cùng mẹ tôi luôn làm đầu tầu cho gia đình chúng tôi từ ngày di cư từ Bắc vô Nam năm 1954 đến ngày bỏ xứ ra đi năm 1989.

Ba tôi, người cựu sĩ quan tiểu đoàn trưởng năm xưa đã chỉ huy điều động cả tiểu đoàn cùng gia đình binh sĩ di cư trên chuyến tầu xuôi về miền nắng ấm tự do, người sau khi giải ngũ đã từng giữ chức vụ cao cấp trong ngành quan thuế của Việt Nam Cộng Hòa. Thế mà để giữ vững mái nhà che chở nắng mưa cho vợ và đàn con sau ngày 30 tháng 4 nhằm tránh phải nhìn cảnh các con phải lam lũ ở các vùng kinh tế mới, ba tôi đã phải làm những công việc chân tay nặng nhọc phơi nắng phơi mưa ở ngoài đường một thời gian dài. Lúc qua Mỹ khi đã ở độ tuổi ngoài 60, thay vì sống nhờ vào anh tôi đã sinh sống ổn định, ba tôi lại một lần nữa chấp nhận công việc nặng nhọc làm trong một xưởng máy (machine shop) chuyên sản xuất các thiết bị tinh vi được cắt bằng tia nước (water jet) chỉ để có thể tiếp tục trợ giúp cho tôi cùng người chị khi đó còn ở trại tị nạn Phi và gia đình hai người chị khác còn kẹt lại ở Việt Nam. Cái năm ba tôi đủ tuổi về hưu và hưởng tiền xã hội cũng là năm tôi tốt nghiệp ra trường kiếm được công việc vững chắc. Những tưởng từ đây ba tôi sẽ được an hưởng tuổi già và tôi sẽ có dịp để báo đáp lại phần nào những gì người đã làm cho tôi thì cũng là lúc ba tôi bị phát hiện ra căn bịnh hiểm nghèo và đã qua đời không lâu sau đó.

Nước Mỹ đã tạo cảm hứng cho tôi có được bao ước mơ ngay từ thủơ còn trẻ người non dạ. Những ước mơ đó đôi khi giờ đây tôi cảm thấy thật ngây ngô do xuất phát từ đầu óc của một người chưa hiểu biết gì nhiều về nước Mỹ như tôi khi ấy. Rồi nước Mỹ cũng đã cho tôi trở nên thực tế hơn để có những kế hoạch cho tương lai một cách chín chắn thay cho những mơ ước xa vời. Thế mà giờ đây tôi lại có một ước mơ, một ước mơ có lẽ còn viễn vông hơn cả các ước mơ của những ngày xa xưa trước kia. Ước mơ giờ đây của tôi là một ngày kia tôi được quay trở về với quãng thời gian mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, khi tôi vẫn còn ba. Khi ấy mẹ tôi vẫn còn khỏe mạnh nhanh nhẹn để ngày ngày sau một buổi làm việc mệt nhọc, chúng tôi lại được cùng nhau quây quần ăn những bữa cơm tối do mẹ tôi nấu, được nghe ba tôi kể lại những câu chuyện ngày xưa khi còn trong quân ngũ. Nước Mỹ, miền đất của những ước mơ, liệu có thể giúp được tôi chế ra chiếc máy đi ngược thời gian này hay không?

Tháng 11 năm 2016

Thảo Lan

Ý kiến bạn đọc
01/05/201718:17:17
Khách
cảm ơn câu chuyện của chú, vì nó khẳng định rằng quá trình quan trọng hơn kết quả vậy nên hãy tận hưởng quá trình dù nó có vất vả nhưng chỉ cần có cố gắng thì tương lai sẽ tốt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,614
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến