Hôm nay,  

Tôi Đang Sống Giữa Little Saigon

12/12/201600:00:00(Xem: 16387)

Tác giả: Năng Khiếu
Bài số 4989-18-30689-vb2121216

Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2015. Bài mới của bà được viết nhân dịp Ngày Lễ Chạ của tháng Sáu 2016.

* * *

Khu nhà chúng tôi nằm sau chợ ABC trên đường Bolsa, thuộc thành phố Westminster, nhưng mỗi lần đi chợ phải vòng ra đường Magnolia mất mươi phút mới đến chợ được vì “gần nhà mà xa ngõ”.

Dọn về căn nhà này mười lăm năm rồi. Nhân số trong gia đình, gồm bảy người: Mẹ tôi, nhà tôi, tôi, và bốn đứa con, một gái, ba trai. Lúc đó giá nhà còn tương đối thấp, nhưng ngân sách eo hẹp chúng tôi chỉ mua được căn nhà ba phòng, nhờ có được phòng Familyroom rộng rãi, nên có chỗ cho các cháu xoay sở. Thời điểm đó người mua còn được “cò kè bớt một thêm hai” chứ không như bây giờ, muốn mua căn nhà vừa ý thường phải trả lên một, hoặc vài chục ngàn nữa mới mua được.

Tuy cách Phước Lộc Thọ gần một block đường, nhưng nhờ bức tường xây ngăn cách, nên khu dân cư này khá yên tĩnh, không tấp nập ồn ào như những đường phố chính bên ngoài. Từ khu vực nhà tôi ở, “đi dăm bước” đã có thể sống lại được không khí của Saigon năm xưa, nhưng là Saigon nhỏ (Little Saigon). Và lái xe khoảng mười lăm phút là tới biển.

*

Hồi chúng tôi mới dọn đến khu này, còn là một “Hợp Chủng Quốc nho nhỏ” với nhiều sắc dân. Nhưng những năm sau này giá nhà tăng vọt, người bản xứ phần đông di chuyển đi nơi khác, để khỏi phải ngửi mùi mắm chưng, mà giá nhà lại rẻ. Con đường nhà chúng tôi ở là đường cụt lối circle. Hai bên đường chỉ độ hai chục căn nhà, mà quá nửa là nhà đầu đen gốc Mít. Có điều tôi không thích la cà hay tán dóc với thiên hạ, lúc rảnh tôi chỉ mê đọc sách và viết lách. Sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng” được vài năm đầu, rồi cũng có lúc phải ngó qua hai bên tả hữu để thấy nhau. Hồi ấy bên trái là nhà ông bà Patrick Hogan đã trọng tuổi, gốc Ái Nhĩ Lan ở Mỹ đã nhiều đời, họ kể rằng tổ tiên họ đến Mỹ trên chuyến tàu Mayflower. Ông bà sống rất bảo thủ, giới thiệu với con trai tôi, bằng cái last name qúy tộc, và quá khứ là thầy giáo dậy ở Đại Học Irvine California. Khổ nỗi, tiếng Anh tiếng u của tôi chỉ đủ hỏi thăm được vài câu về sức khoẻ, hoặc chuyện trời mưa nắng. Các con chúng tôi, lớn lên tại Mỹ quen với sự riêng tư, biết kính trọng người lớn tuổi, và giữ phép lịch sự cần thiết của quan hệ láng giềng. Nếu có party thì giờ giấc đúng theo quy định của địa phương, trong thành phố. Dần dần ông bà Patrick Hogan cũng có thiện cảm với chúng tôi.

Nhưng đầu năm 2011, hai cụ Patrick Hogan quyết định về sống với con ở tiểu bang Illinois. Cây trục treo bảng bán nhà được dựng lên. Ngày cho xem nhà (Open House) người ra kẻ vào tấp nập. Chúng tôi hồi hộp không biết người hàng xóm mới là ai? Người nước nào? Hiền hay dữ?

Một buổi sáng vừa tưới xong buị hoa cúc trước nhà, đang định quay vào, thì có người gọi: “Chào chị, chị cho tôi hỏi thăm một chút”. Tôi giật mình quay lại, thấy người đàn bà trung niên từ căn nhà đề bảng bán bước đến, đi cùng chồng và hai người con, bà tự giới thiệu về mình. Nhìn vẻ mặt phúc hậu của bà, tôi có cảm tình ngay và thầm nghĩ mình sắp có người đồng hương làm hàng xóm, tôi vui vẻ tiếp truyện, và trả lời những thắc mắc.

Ngày ăn mừng tân gia, chúng tôi cũng được mời tham dự. Chuẩn bị quà cáp sẵn sàng, để cùng mọi người đến chúc mừng. Qua câu chuyện tôi được biết ông bà có hai người con. Người con gái đầu đang tu tại dòng Mến Thánh Giá ở Los Angeles, tôi thầm nghĩ, hèn chi trông bà hiền như “bà cố”. Người con trai thứ đã tốt nghiệp, đang làm việc tại một hãng thuốc tây lớn ở Irvine. Một năm sau chúng tôi nhận được thiệp mời dự đám cưới con trai của ông bà. Ông Cố ngoài sáu mươi nhưng còn khoẻ mạnh, ông làm assembly ở hãng điên tử. Bà Cố đã nghỉ hưu non, người gốc Cần Thơ, thật thà đơn sơ “có sao nói dzậy”, nên tôi và bà rất hợp nhau, rồi nẩy sinh mối chân tình như chị em. Bà chăm sóc vườn rau sau nhà lúc nào cũng xanh mướt, đủ các loại rau cải, rau thơm… Bên nhà tôi thì các cháu nuôi ba con chó phá như giặc, nên chỉ trồng những trái leo trên giàn như mướp hương, hoặc bầu bí. Tôi và bà cứ biếu qua biếu lại những thành phẩm của mình trồng tỉa được. Chúng tôi cũng trao đổi số điện thoại, để những lúc có gì cần gọi cho nhau, và gửi gấm nhà cửa mỗi khi đi vắng.

blank
Một góc của giàn bầu.

Nhà ông bà Cố mấy năm nay thêm được hai đứa cháu nội đông vui hẳn lên, trong không khí đầm ấm, ba thế hệ sống chung một mái nhà. Con trai ông Cố phải xây thêm restroom, vì ham giá rẻ, mướn ông thợ quen trong xóm, ai ngờ ông ta tha lôi mấy cái nẹp cửa cũ, ở nơi khác đem về sơn lại rồi ráp vào. Vài tháng sau, tình cờ ông Cố thấy mối trắng từ trong nẹp cửa chui ra từng đàn, ông sợ để lâu những con mối sẽ lan nhanh, nên thuê một công ty diệt mối do người Việt Nam đứng thầu. Gia đình ông bà Cố thu dọn đồ đạc, và mang theo những đồ qúy giá nhưng nhẹ nhàng, như có ghi trong tờ hợp đồng, rồi đến nhà người em ở tạm. Trước khi đi, ông Cố nhờ đôi bên hàng xóm trông chừng nhà giùm. Nhờ hai sân nhà gần nhau, nên chúng tôi luôn để mắt sang nhà ông ngày cũng như đêm, nghe tiếng xe tôi thường vén mành ngó qua. Thường ngày chúng tôi đi lễ lúc 5:00 giờ sáng và trở về lúc 6:00 giờ, nhưng không thấy động tĩnh gì.

Căn nhà trùm mối vẫn im lìm, phủ kín bởi tấm bạt nhiều mầu, trông như một gói quà giáng sinh khổng lồ. Đến ngày thứ ba thì được tháo gỡ. Theo như lời ông chủ thầu dặn, thì thợ sẽ đến làm vào lúc 9:00 AM. Nhưng mới 7:00 AM, bình minh vừa ló rạng, đã thấy bốn chàng Mexican đến gỡ bạt, họ vừa làm vừa nói chuyện om xòm bằng tiếng Spanish. Các con tôi chưa đi làm, đứng bên sân nhà ngó qua, không thấy Amigo nào kêu bị rạch bạt, cạy cửa hay mất trộm gì. Khoảng hơn 8:00 giờ là xong xuôi,họ thu dọn chiến trường gọn ghẽ.

Chưa tới 9:00 AM ông Cố lò mò về, nhìn tấm giấy (note) dán trước cửa, cho biết trong nhà đã hết hơi độc có thể vào clean nhà được. Theo như hợp đồng ông Cố đến thùng thư lấy chìa khoá, mở cửa vào nhà thu dọn lau chùi một hồi, ngồi nghỉ mệt tại phòng khách, tìm remote- control mở T.V. coi, nhưng hỡi ôi! Khi ngửa cổ lên tường thì chiếc T.V. 65” không cánh mà bay luôn với bộ wallmount, ông liền chạy vào các phòng kiểm soát, thì thấy mất thêm hai chiếc T.V. 55” nữa, là ba cái T.V. 4K và một ít đồ lặt vặt. Ông Cố liền gọi cho ông chủ thầu, ông này trả lời là bây giờ đang ở xa lắm không thể đến được, cứ báo Cảnh Sát để họ làm việc rồi tính sau. Được tin vợ và con ông Cố cũng về tới nơi, con trai ông liền gọi báo Cảnh Sát. Khoảng nửa tiếng sau Cảnh Sát đến, chụp hình từ cửa chụp vào, không thấy dấu vết gì để lại, đến hiện trường lấy dấu tay. Rồi lấy khẩu cung từng người một, Cảnh Sát hỏi có nghi ai không? Có muốn điều tra, đưa ra toà bắt nó ở tù không?.... Trả lời xong, ông Cố dẫn Cảnh Sát qua nhà tôi để nhờ làm nhân chứng. Năm ngày sau, ông Cố đến Sở Cảnh Sát Westminster để xin report. Cảnh Sát ghi đã phỏng vấn ông chủ thầu và công ty diệt mối. Họ nói bốn công nhân của họ khai là, có một cửa kính đàng sau nhà không lock.?.!..?..!..Huề cả làng. (Nhà ông Cố không có insurance đền đồ mất trộm).

Nghe tin hàng xóm đến hỏi thăm và an ủi: “Thôi của đi thay người” lần sau nên tìm Công Ty diệt mối của người Mỹ chắc ăn hơn. Người thì nói đừng nên giao chìa khóa cho ai, hãy tự tay mình đóng và mở cửa, hoặc lần sau nên tháo T.V. mang theo.v..v… Người thì đoán bốn anh chàng Mễ rỡ bạt chụp mối, đã cuộn T.V. trong tấm bạt, khiêng ra chiếc xe Van lớn đậu trước cửa. Bà Cố nói: “Tội nghi ngờ còn nặng hơn tội ăn cắp”. Ông Cố thở dài nghĩ “Mất trâu rồi mới lo rào dậu” phải chi có ai nói với mình trước thì đỡ qúa. Thật ra thì khu này rất an ninh, nhưng nghe đâu bây giờ nhiều nhà chụp mối là nạn nhân của bọn “Chà đồ nhôm” nó lấy bất cứ thứ gì có thể bán được.

Vậy các bạn tình cờ đọc được những dòng chữ này, nếu ở trong trường hợp như nhà ông bà Cố, thì nên đề phòng trước.

Phía phải bên nhà tôi là gia đình anh chị Đặng. Tuổi chừng năm mươi, có ba người con gái. Anh chị mua nhà trước chúng tôi cả mười năm. Khoảng năm 2012, sắp trả hết tiền nhà, anh chị mượn nợ nhì, để xây nhà mới. Sau nửa năm, một căn nhà lầu rộng gần 3000 sqft, khang trang đẹp đẽ, thay thế căn nhà cũ. Anh đứng ngắm nghía mãi, rồi quyết định xây thêm hàng rào phía trước cho kín đáo, mà không thuê thợ, tự làm lấy. Anh bắt đầu tiến hành vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Anh mua về nào gạch, nào xi măng đã trộn sẵn, và những cây sắt cứng, chở trên chiếc xe truck nhỏ. Tay bưng, vai vác tất cả vật liệu cất vào sân. Thế là mỗi buổi chiều từ sở về, cơm nước xong, tay mang găng, chân đi giầy bốt cẩn thận, anh đào chân móng đúc cột… Vài ngày sau tôi đi bộ trên đường qua nhà anh đứng lại xem, những trụ cột đúc xi măng cốt sắt đã khô cứng. Từ đó khi những tia nắng chiều sắp tắt, cho đến khuya với ngọn điện mờ mờ, tay cầm bay, tay xúc vữa, anh cắm cúi làm như một người thợ chuyên môn. Thỉnh thoảng có vài người đi ngang, đứng lại xem nhắc nhở anh, phải thận trọng giữ gìn sức khoẻ, đừng cố quá mà thành quá cố, anh phá lên cười để lộ hàm răng trắng đều, trông thật hiền hòa. Bẵng đi một thời gian không nhớ là bao lâu, thì một hàng rào xây xinh xắn và vững chắc hoàn tất.

Một tuần sau, vào lúc nửa đêm, nghe tiếng còi hụ của xe emergency chạy vào khu vực chúng tôi, và dừng lại trước cửa nhà anh Đặng. Vài phút sau trên xe chở bệnh nhân, được nhân viên cấp cứu đẩy từ trong nhà ra, vợ và con anh lái theo sau xe cứu thương. Sáng hôm sau tôi qua hỏi thăm thì được biết anh Đặng bị xuất huyết và chóng mặt té xỉu, nên phải gọi xe cấp cứu. Vài ngày sau gặp chị ra xe đi làm, tôi hỏi thăm anh Đặng đỡ chưa ? Chị cho biết anh đang nằm trong bệnh viện Orange Coast Memorial, Bác Sĩ cho chụp CT scan, rồi nội soi, nhưng chưa biết chính xác, có thể bị ung thư bao tử hoặc ruột già, chờ kết quả biopsy. Hàng xóm rủ nhau đi thăm rất đông, ai cũng mến anh vì tánh tình vui vẻ cởi mở, lại hay giúp đỡ mọi người.

Sau vườn nhà anh Đặng có cây nhãn cao như cây cổ thụ, trái rất sai, có năm trúng mùa đậu cả ngàn trái. Thường vào đầu mùa thu tiết trời mát mẻ, nhãn chin, anh hái những chùm nhãn trái tròn, ngọt lịm, hột nhỏ như hạt tiêu, biếu khắp xóm.

Mùa hè đến, cây ổi xá lị sau nhà tôi chín, tôi cũng bắt chước anh biếu khắp lượt. Giáp tết, tôi lại hái quýt ngọt biếu mọi nhà, biếu anh để cúng. Đúng ý, hằng năm anh tự qua hái vừa quýt vừa bưởi cả thùng, đem về trưng từ phòng khách, đến bàn thờ trước cửa, những trái quýt chín đỏ mọng nước, bên cạnh những trái bưởi xanh, to tròn còn cả cành lá. Anh hay nói đùa, người ta đặt là Quận Cam thật không sai, vì những cây thuộc họ nhà cam, như: Buởi, chanh, quất, quýt, cho trái quanh năm, lại xanh tốt, mùa đông cũng như mùa hạ.


Một buổi trưa chị đón anh về nhà, chờ lấy hẹn đi chemotherapy. Tế bào ung thư đã phá hoại hồng huyết cầu, làm người anh xụt cân thấy rõ, không mấy chốc anh đã còm nhom, xám ngoét trông thật tội nghiệp. Sáng nào anh cũng lững thững đi bộ từ đầu đường, rồi dừng chân cuối đường để hít thở mạnh hơn, hầu hồi phục lại sức lực cần thiết cho cuộc sống. Anh kể, nhờ còn sức chịu đựng, nên cơ thể anh có phản ứng thuận lợi sau khi nhận ba set chemo… Sau ca giải phẫu ở nhà thương về, một thời gian sau Bác Sĩ cho đi chụp CT scan lại, kết quả các tế bào ung thư không còn ăn lan ra nữa. Nhưng anh rất yếu không thể đi làm được, chỉ ở nhà coi sóc nhà cửa và thỉnh thoảng phụ chị bán hàng, vì chị có một cửa hàng bán quần áo trong mall Phước Lộc Thọ.

Vài năm nay chị buôn bán ế ẩm, không đủ tiền để trả paymonth hàng tháng, nên phải cho ba người share phòng, thật là phiền phức từ trong nhà ra đến ngoài đường, vì ba chiếc xe luôn đậu trật vị trí, làm phiền hàng xóm. Còn những đứa con anh chị ở nhà thấy không thoải mái, nên đi học xa, hay làm việc hơi xa một tí là chúng lấy cớ ra ở riêng. Anh chị lắc đầu tâm sự: “Sai một ly, đi một dặm”.

Tết năm nay anh không còn nữa, mỗi lần đi ngang nhà anh, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn tiếc thương.

Nhìn xéo qua góc bên kia đường là gia đình ông bà Nam, đã về hưu lâu rồi, chỉ quanh quẩn với vườn hoa trước cửa và dàn gấc sau nhà. Ông bà đông con nhiều cháu lắm, bà nói: “Thời của bà đâu có biết kế hoặch là gì, cứ vô tư đẻ đến hết trứng”. Bà là người hiền lành, nhưng khuôn mặt hằn nỗi khắc khổ. Còn ông trông ốm yếu hom hem, chắc bị ảnh hưởng của những năm tháng tù “cải tạo” khi xưa, nhưng ông rất siêng năng, làm việc luôn tay. Ông bà Nam có vẻ mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, các con lớn đều có cơ ngơi riêng, còn người con út chưa có gia đình đang ở chung, nhưng rất lễ phép, gặp ai cũng chào hỏi. Đặc biệt hai bên nhà từ trước ra sau, ông dựng những giàn gấc leo kín sân. Khoảng tháng mười gấc chín, lủng lẳng những quả gấc no tròn đỏ rực, cả hàng vài trăm trái, ăn không hết, bà bỏ mối cho người quen. Gấc ở Mỹ trồng khó hơn bên Việt Nam, vì phải lấy nhụy từng cánh hoa, và phải trồng đủ cặp một cây đực, một cây cái, để đến khi hoa nở thì lấy phấn ở hoa đực chấm vào hoa cái, mới đậu trái được. Chứ không như bên Việt Nam cứ để tự nhiên vì có nhiều ong bướm. Năm nào bà Nam cũng ương những cây gấc con, để ai cần thì bà cho, bà còn tỉ mỉ hướng dẫn cách trồng, cách lấy nhụy và phân biệt hoa đực, hoa cái. Nhà tôi cũng bắt chước xin giống về trồng cho vui, bà cho hai cây, hai năm sau dây gấc leo đầy giàn, nhưng nở toàn hoa đực. Phải trồng thêm hai cây khác, hai năm sau nữa mới ra được cây cái, đến mùa hoa nở, mỗi sáng khoảng mười giờ là lúc lấy nhụy tốt nhất, tôi phải căn để chấm từng chiếc hoa. Mỗi năm giàn gấc nhà tôi cũng đậu được vài chục trái, để phân chia cho anh em, và biếu bạn bè ăn lấy thảo. Trong xóm tôi, những nhà trồng được gấc, lại nấu xôi đưa biếu nhà kế bên, vào những dịp lễ cuối năm.

blank
Một góc của giàn gấc.

Đó là những người hàng xóm quanh nhà, tôi thấy mình không đơn độc nơi đất khách, và cảm thấy an tâm khi những ngưới láng giềng cùng tiếng nói, cùng phong tục tập quán. Tôi luôn có cảm tưởng như mình đang sống giữa Saigon khi xưa.

Khu nhà tôi ở, những ngày lễ Halloween, rất ít nhà trưng bày hình ma quái trước cửa. Mùa Noel, rồi new year cũng lưa thưa vài nhà giăng đèn. Nhưng những ngày Tết Nguyên Đán, thì rộn ràng cả xóm, nhà nào cũng có cây mai, cây đào nở hoa trước cửa, trong nhà thì bánh chưng bánh téc,dưa món dưa hành, mứt sen mứt bí đầy bàn. Nhà này biếu nhà kia theo kiểu “Ông mất khúc giò bà thò chai rượu”. Năm nào mà những ngày Tết rơi vào cuối tuần thì vui từ trong nhà, ra tới ngoài ngõ, ngoài chợ, ngoài đường. Trong sự giới hạn của bài viết, tôi chỉ xin kể một vài điểm quan trọng, và phác họa vài nét tiêu biểu, trên đai lộ Bolsa là con đường huyết mạch chính, của những sinh hoạt ngày Tết, để giới thiệu với các đồng hương Việt Nam ở nơi khác, nếu có dịp xin mời ghé về Little Saigon Nam Cai thưởng ngoạn.

*

Vì hoàn cảnh chúng ta rời bỏ quê hương, xa Saigon như bài hát của NS Nam Lộc “Saigon ơi! Tôi đã mất người trong cuộc đời. Saigon ơi! Thôi đã hết thời gian tuyệt vời. Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi….”. Định mệnh có đưa ta đến một đất nước xa xôi nào dù Mỹ, Canada, Luân Đôn hay BaLê. Ở một góc nào đó ta vẫn giữ lại tên Saigon thân thương.

Kể từ ngày 18 tháng 6 năm 1988 khu Little Saigon Thành Phố Westminster thuộc Quận Cam (Orange Country) miền Nam California chính thức được đặt tên. Từ đó đã phát triển lớn mạnh về mọi lãnh vực. Đây là một địa danh thu hút nhiều người Viêt Nam “Chọn nơi này làm quê hương” đông nhất trên thế giới. Nên vô hình chung đã được mọi người chấp nhận là “thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn Cộng Sản”. Thật vậy, những buổi meeting để ủng hộ những nhà tranh đấu trong nước, hoặc những cuộc biểu tình quy mô của đồng bào Việt Nam Hải Ngoại, để chống đối những phái đoàn Việt Cộng xuất hiện, với mục đích bắt tay với Mỹ, rồi xoè tay xin viện trợ…..Hoặc mới đây chống Formosa gây ô nhiễm môi trường biển Việt nam. Không ai bảo ai, hàng hàng lớp lớp đã đổ về cả rừng cờ vàng, nổi bật những biểu ngữ chống Cộng, tập họp trước Khu Phước Lộc Thọ, tại Tượng Đài Đức Thánh Trần trong khu Hà Nội Plaza, hoặc tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ trên đường All America way, rồi từ đó kéo nhau đến địa điểm đã ấn định, như trước Toà Đại Sứ, hay tòa Tổng Lãnh Sự của CSVN để phản đối, trong trật tự.

Vinh dự nhất cho người Việt tỵ nạn, chính là ông Thị Trưởng thành Phố Westminster là người Việt Nam còn rất trẻ, ông vừa mới được tái đắc cử thêm nhiệm kỳ nữa. Hơn thế các thành phố quanh “Thủ Phủ của ngưòi Việt Tỵ Nạn Cộng Sản” nằm trong Quận Cam, có nhiều chính trị gia là người gốc Việt lãnh nhiệm, nhờ sự vận động của các vị đó, nên mới đây con đường nhỏ nằm bên phải Phước Lộc Thọ, được đặt tên SAIGON tuy không dài lắm, nhưng là giao điểm của ngã tư Bolsa – Saigon trên bản đồ thành phố. Những ai đã có dịp đặt chân đến đây, nhìn con đường mang tên SAIGON đều xúc động, và nhớ đến năm xưa Saigon đã từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Tại đây, phố xá cũng có những con đường ngang dọc, có các tiệm đủ món “ăn chơi” đặc sản ba miền. Rồi tiệm phở, tiệm bánh. Tiệm trái cây tươi như: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thanh long….. Tiệm tóc, tiệm nail, tiệm bán quần áo..v..v. toàn đề tên Việt Nam, người bán hàng nói rặt tiếng Việt ta. Còn nói đến chợ bán thực phẩm, ôi thôi kể sao cho xiết, cả hàng chục ngôi chợ quanh vùng đầy đủ các thức, thịt cá, hải sản, mắm muối, rau củ không khác gì quê nhà (lại bảo đảm an toàn thực phẩm hơn).

Ai muốn sắm vàng, hột soàn thì lên lầu Thương Xá Phước Lộc Thọ, có hàng trăm tiệm nằm sát nhau, đủ các mẫu mã thời trang, mà tiền công lại rẻ. Ai đau răng, nhức đầu, đã có các phòng mạch, Nha Sĩ, Bác Sĩ gia đình, BS chuyên khoa Việt Nam, chiếm 80% trong số các Bác Sĩ quanh vùng.

Theo truyền thông báo chí thì những năm gấn đây, người Việt Hải Ngoại từ khắp nơi trên nước Mỹ, cũng như tại Úc châu và Âu Châu, thường chọn về ăn tết tại miền Nam Cali nắng ấm, hơn là về Việt Nam. Vì tại thành phố Westminster, chính quyền địa phương tạo mọi phương tiện, cho cư dân cũng như các đoàn thể, được tự do tổ chức những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, với đầy đủ nghi thức, lễ lạc. Nhất là năm nào ngày mùng một tháng giêng, tết âm lịch, nhằm vào ngày cuối tuần như năm nay (ngày thứ bảy 28 tháng 01 năm 2017 dương lịch) thì đông vui hết cỡ.

Đặc biệt hơn nữa vào những ngày giáp Tết, có hàng chục địa điểm bán hoa rải rác quanh vùng, đủ loại, đủ màu sắc làm tăng vẻ đẹp của ngày Tết truyền thống. Riêng trước Phước Lộc Thọ có hẳn một chợ hoa, chiếm trọn bãi đậu xe, bán trước Tết cả tháng. Mỗi ngày từ 9:00 giờ sáng tới 11:00 giờ khuya, để bà con vừa chọn lựa, vừa thưởng lãm. Còn có nhiều cửa hàng bán các món ăn khoái khẩu cho khách thập phương thưởng thức. Chợ hoa trước cửa chợ Bến Thành, người mua tha hồ lựa, hoa mai, hoa đào. Những chậu hoa lan đất cả chục vòi, nở vừa tới chưng ba tháng cũng chưa tàn. Rồi các “Gánh hàng hoa” đủ loại hoa hồng, hoa huệ, hoa glaieul màu huyết dụ không thua gì Đalạt, dọc theo hành lang khu chợ ABC, bán với giá bình dân của vỉa hè.

Thời tiết Nam Cali thật là tuyêt vời, mùa hè chỉ khoảng tháng 7 – 8 là nóng như hạ Saigon, còn mùa đông từ tháng 12 – 01 là lạnh như Đà Lạt. Những tháng còn lại là mùa thu mát mẻ quanh năm. Nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, là lúc Đông vừa tàn, Xuân mới lập tiết trời ấm áp, cây cối cựa mình đua nhau đâm chồi nẩy lộc. Còn có mưa xuân bay nhè nhẹ để lan, huệ tỏa hương thơm trong gió hiu hiu.

Thu hút đông đảo đồng hương nhất, phải nói đến buổi Diễn Hành Tết trên đại lộ Bolsa. Riêng tôi năm nào cũng có mặt từ sáng sớm, để cùng với hàng chục ngàn người từ khắp nơi đổ về, tham dự cuộc diễn hành đầu xuân do các đoàn thể, các cơ sở thương mại tư nhân bảo trợ. Độc đáo nhất là các đoàn múa lân, các môn phái võ đường, họ đứng biểu diễn ngay trên Đại Lộ, trước khán đài rất đẹp mắt. Những tà áo dài cổ truyền đủ màu sắc, đứng thành hàng trên các xe hoa, tăng thêm phần lộng lẫy. Từng đoàn người đông đảo trong các bộ quốc phục chỉnh tề, đại diện cho các tôn giáo. Các em học sinh trong đồng phục của ban nhạc, vừa đi vừa biểu diễn thật sống động. Các Hội cựu quân nhân, trong các bộ quân phục của binh chủng mình thật oai nghiêm (nhưng chỉ tội các vị lão niên tướng đi hơi dệu dạo). Các đoàn xe của các chức sắc Hội đồng thành phố.v.v..Lần lượt đi về điểm cuối là đường Bushard, buổi diễn hành kết thúc vào lúc quá trưa.

Vui Nhộn nhất là hai hội chợ tết, mở cửa ba ngày cuối tuần, từ 9: 00 AM tới 10:00 PM đã thành công trong nhiều năm qua. Riêng Thành phố Westminster được phép đốt pháo, từ các cơ sở thương mại, các địa điểm hành lễ, trong khuôn viên hội chợ…….. thoải mái đốt những tràng pháo dài cả thước nổ dòn tan thơm lừng mùi thuốc pháo, đúng hương vị ngày Tết. Và còn nhiều điều muốn nói, nhưng kể mãi thì chắc bài viết không chấm dứt được.

Bây giờ dù phải sống tha hương nơi xứ người, tôi lại được sống giữa Little Saigon “Thủ Đô của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản”. Sống giữa những người đồng hương thân quen, ngay từ trong xóm nhỏ, ra tới các đường phố chung quanh. Đó là niềm an ủi, vì tôi đã tìm được hình bóng Saigon năm xưa.

Năng Khiếu.
Westminster 12/8/2016
Giải thưởng Việt Báo
Tôi tên là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện H.O. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí, tại Westminster.

Ý kiến bạn đọc
28/01/201903:12:43
Khách
Chi oi bai chi Việt de thuong y nhu noi dung truyen vay! Doc ma thay duom am tinh dong huong thuc su chu khong phai nhung gi em da gap tren xu nguoi va tinh nguoi Việt! Hy vong luon co nhung tinh nguoi am ap khong chi cung con pho chi nhi?
28/03/201717:25:49
Khách
Cám ơn anh BN đã đọc bài và chia sẻ, chúc anh luôn vui vẻ và hạnh phúc. Khi nào có dịp mong anh trở lại thăm Cali một chuyến.
20/12/201623:54:41
Khách
Đọc bài viết của tác giả Trần Năng Khiếu,người đọc bỗng dưng muốn về sống tại Cali quá!Lời văn giản dị ánh lên một tâm hồn bình dị,nhưng thật phong phú tình người.Cám ơn tác giả nhiều nhiều.
Bá Nha
20/12/201619:45:23
Khách
Bài viết gợi nhớ Saigon thuở xưa.Lối viết giản dị,tự nhiên,nhẹ nhàng,nhưng đi sâu vào lòng người đọc.Cám ơn tác giả đã cho ta những phút hồi tưởng về quá khứ.
16/12/201606:32:28
Khách
Chèn ƠIiii ...dòm giàn bầu, giàn gấc...thấy nhớ quê hương quá..! Cám ơn tác giả ...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Tác giả vượt biên từ Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois;
Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001,
Tác giả là cư dân San Jose, vừa mở một “Câu Lạc Bộ nuôi ong”, tại một khu đồi núi gần ngoại thành. Sau đây là lời Nguyễn Viết Tân giới thiệu ông bạn:
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Người viết là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân vùng Little Saigon. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2014, với hàng loạt bài cho thấy tấm lòng và sức viết mạnh mẽ,
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại Học cộng đồng SPSCC,
Thứ hai đầu tuần, 31-10, là Halloween 2016. Mời đọc truyện ma. Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, với sức viết mạnh mẽ, Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951 tại Bình Dương, nguyên là giáo viên dạy anh ngữ, sang Mỹ năm 1985, hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Nhạc sĩ Cung Tiến