Hôm nay,  

Ký Sự Đổi Đời

09/12/201600:00:00(Xem: 11878)

Tác giả: Phương Điền Nguyễn
Bài số 4987-18-30687-vb6120916

Tác giả là một nhà báo Việt ngữ tại Atlanta. Ông viết tin, bình luận… với bút danh Phương Điền Nguyên. Một trong những mục ông phụ trách là “Thư Atlanta về Sài Gòn” với bút hiệu Bình Thiên. Lần thứ nhất ông dự VVNM với bài ”Cô Thắm Qua Cầu… Golden Gate,” được giải Đặc Biệt 2009. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ lần thứ nhì, khi tác giả nay đã 78 tuổi.

* * *

Tôi đến thăm người bạn thời trung học, từ hơn nửa thế kỷ xa xưa. Giờ bạn là công nhân lão niên hồi hưu với nhà cao cửa rộng trong một sub-section. Có được cơ ngơi này là do vợ chồng tần tảo bôn ba lúc qua Mỹ gần bốn thập niên về trước.

Họ miệt mài kiếm tiền nuôi một dòng 3 con teenager chân chưa vững lúc vượt ngàn trùng sóng nước. Vậy mà 20 năm sau, pay off nhà trước thời hạn mortgage hơn 300 ngàn đô. “Tiền căn nhà” này sẽ bán, chia đều cho ba đứa khi Ông-Bà trước sau sẽ về thẳng đại ngàn.

Đằng nào thì cũng “phải đi” với hai bàn tay trắng như lúc chào đời trên cõi ta bà và để phải lòng nhau thành đôi uyên ương có những lúc good&bad times. Đến khi trực nhớ những lúc chí thú ganh đua, ông được ơn trên đưa tay nâng thân cả vợ chồng ông kịp lúc. Nên giờ ông muốn “trả ơn đời” mà gia cảnh vẫn thấy hình như còn thiếu lời tri ân lúc được ơn thiên thượng giúp vực anh chị có thêm niềm tin, cứng đôi tay vững đôi chân trên các highways để sinh hoạt hay làm ăn với tha nhân. Vì vậy mối giao tình cộng hưởng đó còn ấm hơn tuyết lạnh để mau thành công. Đó là chuyện đã hơn 30 năm qua..! Tuy vậy, vẫn còn đâu đó nhiều điều nữa “Diễm xưa…”

Trong tổng kết tình hình bôn ba cho rõ nét, đính kèm “sự lưu đày hải ngoại” thiếu vắng khung cảnh quen nhìn. Đứa con nào cũng thương ba mẹ gian nan, xông pha lo cho gia đình tận tình nên chúng cần mẫn học hành với ý chí vượt lên để kết quả không phụ lòng ai. Có đứa còn được Tổng thống Mỹ gởi giấy khen. Và sau này lớn lên ra riêng, nhà của chúng có đứa mua gần ba mẹ để sớm hôm thăm nom hay nhờ vả coi cháu. Có đứa ra riêng mua trong những sub-divisions khác tiện đường đến sở/gần nhà ông bà. Cuối tuần, lũ con mang cả gia đình, cháu nội/ngoại 11 đứa đến nhà ba mẹ ăn cơm, nói chuyện tếu làm quà mọi người vui. Cái gốc gia đình này tựa như “giàn mướp, bí/bầu” vẫn tưởng còn mọc trên quê hương, trổ các nụ hoa loe vàng tỏa hương thu hút “lũ ong bướm con lăng xăng trở về, hút thêm mật ngọt của thế hệ thứ nhất bằng những câu chuyện cười thoải mái.”

Mà tất cả sự hợp quần được cũng nhờ bà khéo léo quán xuyến… nhìn suốt các nhu cầu của một cộng đồng gia tộc gần 20 người phải có như miếng ăn nấu theo truyền thống gia đình, hay nhiều lúc bà khuyên răn con cháu câu nhẹ nhàng kiểu “giơ cao đánh khẻ,” hoặc cưng chìu cháu nội/ngoại như nhau. Lúc vắng ai thì “chị Hoà hỏi em Thu còn đâu Thi?”. Rồi cũng có những lúc bà càm ràm: “Tôi mà mất rồi thì không có đứa nào thèm về thăm ông đâu. Ôi, ta già kềnh rồi đừng có khó quá…!” Đôi điều ghi nhận sơ qua gia đình này cũng tạm đủ.

Giờ ta… cũng nên nhìn lại những hiểm nguy tìm trong cái chết, thà sống tự do của gia đình ông được phước toàn hảo khi trước...

Những thập niên 80+, của thế kỷ 20. Vũng Tàu vẫn êm sóng cho dù lòng người ngoài mặt tỏ vẻ không có gì âm thầm toan tính… để ra khỏi nước. Vòng núi lớn Thích Ca Phật Đài quanh các gộp đá, người người núp chờ vượt biên mà bao lo lắng ngoài mặt vẫn lạnh lùng tựa như mặt biển cũng lặng sóng trời êm.

Chiếc “ghe cào” 3 blocks máy được đại tu, sửa thêm phần thân - từ 7 thước dài 9.50 mét, lòng ngang 2.50 mét – để gia nhập đoàn ghe đánh bắt của Sở Thủy Hải Sản hợp tác xã (HTX) Vũng Tàu. Vì ghe nhỏ được ra khơi, và đi về trong ngày. Lúc gần đến Bến Đình - thì chủ ghe mua cá từ các ghe đánh bắt thật sự theo “giá chợ đen” để đem về HTX bán lại giá chánh thức cho hợp pháp.

Ròng rã mấy tháng như ghe “chăm chỉ làm ăn” mà thực tế canh me để vọt. Trên mình chủ tàu mặc “áo giáp vải” nhiều túi để dễ cất tiền, thuốc lá và vàng khi cần hối lộ. Cũng phải nghiên cứu khí tượng thì mua tin tức của đài “Hoa Sen” do Liên Sô thiết lập cho csVN. Và nhớ… tránh những “cồn vắt” là (bãi cát vàng di động) trôi theo vận nước… ròng/lớn dễ kẹt chân vịt thành hại người.

“Thuyền viên gì mà da trắng bóc... Tụi bây đi phơi nắng cho có Vitamin D để đen da dùm tao..!” Chủ ghe cười cười bảo các “công tử thuyền viên.”

Trong gian nan/thử thách để có kinh nghiệm rồi lại phải đổi thành “ghe câu” đi dài ngày ngoài biển. Như vậy mới có tiêu chuẩn dầu cũng như nước ngọt nhiều hơn! “Bãi đáp… di dân” là chân cầu Giáp Độ để “ém quân ta còn nhí.” Bên công an “bán bãi” muốn cho an toàn thì họ cho Làng Văn Hóa chiếu phim đêm đó - rồi cho thành phần công an không phải đệ tử ruột ra đó gác an ninh. Còn “công an nhà” ra bãi “tiễn người lúc ghe vượt.”

May thay! Ghe lênh đênh trên biển bao la 4 ngày 3 đêm đến “dãy nước trong” phân chia vùng biển Mã Lai. Chủ tàu thấy những chiếc ghe đến trước chìm (rất an toàn) nằm dưới đáy biển. Làm chủ tàu thì phải đeo phao bơi vô đất liền để liên lạc chính quyền. Lên lộn bãi! Một bên của dân chài (canh me người tỵ nạn để kiếm chút cháo bào ngư). Một bên khách du lịch đang tắm biển ngập tràn tiếng cười vui. Và dân hạ bạc quanh đó thấy mất mối “ăn” nên rượt người tỵ nạn chạy té khói để làm tiền. Thấy vậy, du khách ngoại quốc liền binh vực và gọi phôn cầu cứu Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ (UNHCR) trên đảo.

Sau đó, chính quyền Mã cho tàu Blue Bird rước đám người này ra Paulo Bidong. Họ cho gia đình chủ ghe ở trong khu “Sick Bay” mà nhóm tỵ nạn trước gọi nơi này là “Nửa Hồn Thương Đau.” (Vì Mã Lai phần lớn đạo Hồi cấm ăn thịt heo, nhảy đầm... Tuy nhiên, muốn ăn lén thịt heo quay thì phải biết cách liên lạc với các anh Ba Tàu)…

Khoảng thời gian 4 tháng sau, họ đưa nhóm “boat people” đến Senga-Bisi để chuẩn bị ra khu Transit đi Bataan của Phi để học văn hóa Mỹ (Orientation) hơn 3 tháng. Và để rồi… nước Mỹ chỉ cách có mấy bước chân nhẹ hều lên phi cơ bay đến Hoa Kỳ?!

Và ngày 13 tháng 8, 1983 gia đình ông đặt chân “an toàn xa lộ“ trên xứ Tây Hoa. Mà trước khi vượt biên, ông nhìn các dự tính phòng hờ... Ông đã gởi tiền bán tiệm vải của cha ông đã đi trước - cho các người thân còn bám trụ lại ở VN. Nếu không may bị bắt thì ông về có tiền đi tiếp. Còn nếu may mắn trót lọt thì xem như món tiền này gởi lại cho các người thân làm vốn. Nay gia đình ông đã toại nguyện. Và giấc mộng tự do theo phong cách sống nhẹ nhàng trên đất mới “của một thời đen tối tưởng chừng như không tưởng” lại thực hiện được trong lúc này… như Lưu Nguyễn lạc thiên thai! Và…

Trở lại những ngày đầu đến Hoa Kỳ. Gia đình ông được sponsor chở đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Là người giúp gia đình ông ổn định khi đi mướn dùm nhà; lúc bán lại cho chiếc xe tốt, rẻ để làm chân đi làm như lựa thư hay đi lấy hàng về để các con làm hoa giấy…

Bà vợ thì được con dân Chúa trong hội Thánh giới thiệu hãng “Teimmer” để sửa/may quần áo. Cặp vợ chồng này ra đi từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối mới về. Thu nhập của ông bà được $14.00/ngày - mà có lúc lái xe về, nhìn đèn mờ mắt, chạy sai luật bị cảnh sát phạt $40. Ôi, 1 đồng dollar lúc đó vừa mới có trong tay nên “lớn” như cái bánh xe. Tiếc ơi là tiếc…!

Tuy lận đận, cơ cực nhưng ông bà vẫn dạy các con câu châm ngôn “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” để gởi tiền về người thân và bà ngoại đang ngóng chờ tin từng phút lo lắng. Con nào cũng có tên trong danh sách tặng quà cho gia đình. Đứa còn nhỏ quá chưa làm ra tiền thì ba mẹ cho để tập chúng biết tri ân người… dựng đời/và sự nghiệp ở phương xa. Còn bản thân ông thì có cộng đồng hỗ trợ xin việc làm trong hãng Carton Production làm thùng giấy. Chủ/manager, David Copperfeild vốn là một đại úy cựu chiến binh Mỹ phục vụ tại VN hai nhiệm kỳ. David có lần đụng trận với Việt cộng, đơn vị ông được binh chủng Nhảy Dù của VNCH cứu nên ông thích người Việt lắm.

Như gặp lại “cố nhân,” David trả lương cho ông $7.00/giờ [là lương gấp đôi thời 1983] để học lái xe forklift xúc thùng thành phẩm chất lên cao rồi sáng bốc dỡ xuống giao người của hãng mua đến lấy. Sau một năm được lên $8.50/giờ. Nên, có biết bao đồng nghiệp Mỹ ganh tị kiếm chuyện… để mượn tiền uống rượu. No problem! Ông quan niệm “có sao cũng chẳng làm chi. Dù có việc gì cũng chẳng làm sao” nên ông vẫn cho họ mượn tiền lúc họ cần. Ông thấy họ cũng dễ thương, vì xài không suy nghĩ nên mới “cạn tàu.” Ông thì vẫn tự tin sự tiêu dùng gói ghém từ nhỏ của mình nên tiền nuôi 3 đứa kể như “gạo đong” từng pound mà vẫn đủ.

Nói cho công bình hơn, nếu không nhờ bà xã chu toàn với nghề sửa quần áo trong một tiệm đông khách của chủ Mỹ đã nói ở trên thì cũng lắm “te-tua.” Nhưng, coi vậy chớ sự bực bội của chị sau 10 năm làm công cứ bị đứa con của ông chủ đi ra/đi vào nhìn đồng hồ… như kiểm soát! Chị phiền lắm, cứ than thở với người bạn. Nên lúc ông chủ lớn đi chơi về, chị xin nghỉ làm vì lúc này được con dân Chúa giúp mở tiệm Alteration riêng.

Tuy tự tin để tự lập đã thấm sâu vào bản ngã của mọi thành viên trong gia đình. Mà lúc chị báo tin sẽ ra mở tiệm riêng, một chỗ khiêm tốn chưa biết huê lợi ra sao, nhưng tiền rent mỗi tháng chi ra đều đều cố định vừa đủ như tiền lương làm công. “Thôi, lấy công làm lời.” Chị tự nhủ. Cả nhà lo toan…Vậy mà mới đó đã…

38 năm trôi qua như một giấc mơ tràn đầy ân phước trong đời sống phong trần xen lẫn good & bad times!

Ông được “ơn trên kêu gọi.” Ông vừa đi làm vừa đi học Thần Học 4 năm để trở thành mục sư quản nhiệm hội thánh giúp cộng đồng Việt ở Doraville. Hệ thống này có nhiều Missions cho các cộng đồng Baptist khác như Lào, Miên, Mễ, Haiti... Giữa lúc này, với chức vụ mục sư thì phải tự cống hiến những việc nào để người Việt chú ý vào Hội Thánh như mở lớp Anh ngữ, dạy lái xe. Không có tài trợ mà ông vẫn phải tiên phong vì cửa Thánh. Và trong lúc số lượng Hội Thánh dư mà người vào đạo thì “kiếm khó.” Trong số 10 người đến nhờ các dịch vụ, ở lại Hội Thánh chỉ 1-2 là may.

Phục vụ ở đây hơn thập niên thì sức khỏe mục sư sa sút vì stroke nên phải bỏ dở việc học và tìm người thay thế. Và phần việc của vợ mục sư là hỗ trợ chồng trong các Mục Vụ hằng tuần như chuẩn bị cơm nước trước lễ để tan buổi giảng, giáo dân ăn thông công. Thời gian này các con đã ra đại học. Đứa bác sĩ. Đứa chủ tiệm Nail. Đứa phụ tá nha sĩ.

Cho nên nhìn lại thời kỳ gian lao trốn chạy để “tạo lập đại gia đình này…” đứa chủ tiệm Nail nói chuyện với người làm móng: “… Sau này các du sinh đến Hoa Kỳ bằng máy bay dễ quá, nên người ta coi thường sự ra đi. Họ không cần biết… đi du lịch… thì bằng máy bay. Có tiền thì đủ mọi cách đi. Cách nào cũng được! Miễn thoải mái thì thôi! Tuy nhiên, nó rất khác với việc trốn chạy để vượt biên. Nên họ không biết cuộc trốn chạy CS bằng chiếc ghe 2-3 blocks mong manh như chiếc lá trôi giạt để đối phó với sóng đại dương hầu như vô vọng, chỉ biết cầu khẩn thôi. Hoặc chạy cuống cuồng lúc bị bọn cướp biển Thái săn đuổi… Nên các bạn chưa biết tận cùng của sự sợ hãi như thế nào!

Từ 1954, không ai có một ý niệm đi Tây, đi Mỹ ra sao. Sau lần VNCH thua đậm 1975, dân miền Nam đành “chơi cút bắt với Việt cộng lúc trốn chạy khỏi nước bằng chiếc ghe mong manh mới được quốc tế gọi là “boat people.” “Thuyền Nhân, ôi lại Thuyền Nhân!” Trong từ ngữ đó có cả nghĩa “liều mình theo thân phận...” Rồi người đi tìm tự do sống rải rác trên khắp thế giới. Nhiều nhất là Hoa Kỳ hơn 2 triệu người.

Vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton cho VN bình thường hóa và người Việt gởi dollars về cho thân nhân. Có năm lên hơn 13 tỷ. Đồng tiền “Hồ” trở thành giấy in lộn… có nhiều số sau đuôi. Do đó, nhân dân Việt tích lũy đồng đô cho con/em làm du sinh đi kiếm chút kiến thức là món “quà tự do” của chế độ Cộng Hòa đã dùng hình thức này cai trị dân. Và quan chức Việt cộng hối mại quyền thế cũng dùng tiền cứng này. Và nhiều lúc họ đỏng đảnh/kiêu hảnh/kênh kiệu đi Mỹ du lịch, bước chân chim sáo lên cầu thang máy bay nhẹ tênh như vừa mới rớt dép râu. Đâu ai nghĩ “boat people tiền sử ” phải đánh đổi mạng sống như thế nào mới có chữ “thuyền nhân,” ổn định rồi mới có tiền để gởi dollars về như hôm nay! Như thế, câu chuyện cũng tạm đủ cho 41 năm di tản qua My.

Một tô Phở Tri ân Tâm Hồn Mỹ-Việt.

Phương Điền Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,219,680
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến