Hôm nay,  

Gìn Giữ Tiếng Việt Nơi Xứ Người

03/12/201600:00:00(Xem: 16418)

Tác giả: Mỹ Đức Phạm Nguyễn
Bài số 4982-18-30682-vb7120316

Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học viện Ngôn ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).

* * *

blank
Bìa sách “VIETNAMESE /An Introductory Reader” do Đại học UC Reverside và Viện Việt Học xuất bản.

Tiếng Việt là hành trang đầu tiên mà người Việt mang theo khi định cư ở Mỹ cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Tôi được may mắn là dùng hành trang vô giá đó làm vốn liếng dạy học nơi quê hương thứ hai của mình.

Tôi từng có thời gian huấn luyện kỹ năng sư phạm và hướng dẫn các giáo sư tiếng Georgian và tiếng Armenian, hai ngôn ngữ nước Georgia và Armenia thuộc khối Liên Xô cũ vừa được đưa vào Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng sau này, viết sách giáo khoa dạy tiếng mẹ đẻ của họ, từ đó dần dần hình thành trong tôi một niềm mơ ước được biên soạn một chương trình dạy về tiếng Việt và viết sách dạy Việt ngữ.

Tiếng Việt, “tiếng nước tôi, tiếng lòng tôi”, đã trải qua bao thăng trầm từ ngày được tạo sinh cho đến hôm nay. Tôi tâm nguyện rằng đối với một “gia tài của mẹ để lại cho con” như thế, tiếng Việt phải được truyền trao cho thế hệ trẻ sinh ra ở xứ người hay cho các em qua đây từ lúc nhỏ.

Mơ ước đó ngày thêm dạt dào mãnh liệt. Nên mới ngày đầu dạy ở UC Riverside là tôi bắt tay ngay vào việc vừa dạy vừa viết tài liệu giảng dạy. Đây là giai đoạn ngập tràn thử thách. Có biết bao lần đang dạy trong lớp mà hốt hoảng lo lắng không biết tuần này có viết kịp bài để dạy tuần sau hay không. Có biết bao lần phải tham khảo các đồng nghiệp chuyên về ngữ học để cập nhật hóa những thông tin viết trong sách. Có khi chỉ một tiếng than của sinh viên mà phải chỉnh sửa lại rất nhiều.

Tôi còn nhớ một sinh viên du học sinh ở Đan Mạch, có bố người Đan Mạch và mẹ người Việt Nam. Em hoàn toàn không biết gì về tiếng Việt cả. Em học tiếng Việt cốt để vui lòng mẹ. Hôm đó khi yêu cầu em áp dụng mẫu câu vừa học để nói một câu dài hơn, em buột miệng “Torture!” (Cực hình!). Nghe mà giật mình!

Tối đó về nhà suy nghĩ, tôi hiểu được những khó khăn của em và cũng thấy được rằng để giúp các em học hiệu quả hơn cần phải có một hoạt động chuyển tiếp sau khi học một mẫu câu và trước khi áp dụng mẫu câu đó vào một tình huống phức tạp hơn. Thế là các đoạn đối thoại ngắn và mở với những từ gợi ý và các chỗ trống phải điền vào được viết thêm trong tài liệu giảng dạy. Quyển sách đã viết được một nửa rồi nhưng tôi phải đi ngược lại để cặm cụi viết thêm vào hoạt động này.

Cứ như thế, sau một thời gian dài soạn thảo, dạy thử nghiệm và điều chỉnh, quyển sách được viết xong năm 2008. Đến khi cầm trên tay quyển sách dạy tiếng Việt đã thành hình, tôi hiểu rằng ước mơ của tôi không thể nào thực hiện bởi một cá nhân mà còn có những góp ý của sinh viên, có cả sự phối hợp giữa Viện Đại Học UC Riverside và Viện Việt Học, hình bìa do họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ và bìa sau do họa sĩ Nguyễn Đồng trình bày. Viện Việt Học xuất bản và phân phối sách. Tôi chỉ góp bàn tay nhỏ bé để duy trì và phát huy tiếng Việt nơi xứ người bằng tâm huyết soạn sách của mình và tặng toàn bộ tiền bán sách để góp thêm vào chi phí điều hành các sinh hoạt của Viện.

Đây là một quyển sách gồm ba phần: phần dạy và học tiếng Việt, phần bài tập ứng dụng, và phần tự điển bỏ túi Việt-Anh, Anh-Việt của các chữ trong quyển sách, các mẫu câu, các điểm văn phạm và các thành ngữ Việt.

Nói theo người Mỹ thì đây là quyển sách “3 trong 1”. Thông thường sách Mỹ gồm hai phần: sách học và sách bài tập và hai phần này luôn tách rời thành hai quyển sách riêng biệt, nhất là khi áp dụng cho loại sách giáo khoa ngoại ngữ. Khi biên soạn, tôi đã băn khoăn rằng nếu làm như thế giá thành quyển sách sẽ rất cao vì vậy tôi đã gộp chung ba phần với nhau như đã trình bày ở trên để tiết kiệm cho sinh viên. Sách có thể dùng trong hai khóa học, hai lục cá nguyệt, hay trong ba khóa học, ba tam cá nguyệt, tùy theo trường, tức là dùng được cho một năm học trọn vẹn với giá khiêm tốn đến không ngờ.

Nói về nghề đi dạy, không gì thú vị hơn được dạy những tài liệu do chính mình soạn ra, thử nghiệm rồi sửa đổi đến hoàn chỉnh. Tôi được may mắn là có thể tự biên soạn tất cả tài liệu dạy và học cho tất cả các lớp, từ sơ cấp đến cao cấp. Mấy năm nay Viện Đại Học Riverside đã thúc giục in ấn quyển sách thứ hai cho trình độ trung cấp. Tài liệu đã có đủ rồi, tên sách cũng được đặt xong. Nhưng thời gian để xem xét lại cho thật hoàn hảo thì đành xin khất thêm một thời gian nữa.

Muốn nắm bắt được một ngôn ngữ như tiếng Việt ở mức độ giao tiếp căn bản, thường sinh viên phải mất ba hoặc bốn khóa học. Mỗi khóa học gồm mười tuần với 40 giờ. Vị chi là ba, bốn mươi tuần (300 đến 400 giờ) với rất nhiều bài kiểm tra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đại đa số các em khi bắt đầu học ở khóa thứ nhất gần như không biết gì về tiếng Việt. Nếu có thì chỉ võ vẽ năm ba câu hoặc năm ba chữ không đi đến đâu và phần lớn là không biết đọc, không biết viết. Tôi thường cho các em nhiều bài tập về nhà. Nhìn các em than thở, nhăn nhó, khổ sở thấy rất thương. Nhưng biết sao hơn, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Các em cũng hiểu như thế mà!

Rất nhiều em ngạc nhiên không ngờ rằng chỉ sau ba, bốn mươi tuần mà từ không biết gì hết trở thành biết nhiều như vậy. Và tôi được gọi là “tiger mom”. Đặc biệt hơn nữa có một số em nói rằng sự tiến bộ trong tiếng Việt của các em đã đem niềm vui đến cho bố mẹ, ông bà, là cầu nối các em với gia đình. Vì các em nói bố mẹ các em không giỏi tiếng Anh nên họ thường thực tập nói tiếng Anh với các em. Những lúc các em có vấn đề gì cần chia sẻ hoặc xin ý kiến của bố mẹ thì gặp không ít trở ngại về ngôn ngữ. Tiếng Anh của bố mẹ chưa nhiều, tiếng Việt của các em không đủ nên có khi sự thông cảm, hiểu biết của hai bên bị hạn chế. Tôi vẫn thường nhắc nhở các em rằng ông bà, cha mẹ, họ hàng là những nguồn học tiếng Việt hiệu quả nhất, họ là những quyển sách tiếng Việt không bao giờ có trang cuối, và các em được học miễn phí nữa vì vậy các em nên tận hưởng suối nguồn trí tuệ hạnh phúc đó.

Sinh viên Mỹ hay Mỹ gốc Việt cho dù biết chút ít tiếng Việt hay không biết gì cả, sau thời gian học nói trên sẽ biết cách mặc cả khi đi mua sắm, hiểu được người bán khi họ nói “bán mở hàng” hay “bán lỗ vốn”; biết gọi món ăn ở nhà hàng Việt và nếu đi du lịch hay công tác đến Việt Nam thì biết ăn ở nhà hàng không phải cho tiền típ. Các em cũng sẽ biết cách thuê phòng khách sạn, thuê phòng tư gia và biết rằng nhà ở xứ Việt luôn luôn mở cửa rộng và hàng xóm ở đâu cũng thân thiện biết rõ nhau. Các em biết “nhà mặt tiền” đắt hơn “nhà trong hẻm” và khi mua nhà người Việt thường trả tiền mặt một lần là xong. Khi hỏi đường biết dùng “đi lòng dòng mà không thấy”. Khi ốm đau thì nói “đi khám bác sĩ” (không phải đến để bác sĩ khám), và biết “giác, lể, xông” với “dầu gió xanh”, còn biết đa số người Việt trên quê hương không có bảo hiểm sức khỏe, răng hay mắt. Các em biết ở Việt Nam ai cũng giữ tiền mặt trong nhà, ai cũng thích đô la Mỹ và muốn đổi đô la Mỹ lấy tiền Việt thì nên đổi chợ đen ở tiệm vàng và hỏi “ Một đô Mỹ “ăn” bao nhiêu hôm nay?”. Và cũng biết “dầu thơm, bị hư, bị bể, bị té,” là tiếng miền nam còn “nước hoa, bị hỏng, bị vỡ, bị ngã” là tiếng miền bắc. Biết khi nào dùng “xem, coi, đọc”, “chơi, đánh” và “cặp, đôi”. Các em cũng biết đại đa số người Việt “mê coi bóng đá như điên” và các bà các cô thì “ghiền xem phim bộ Đại Hàn”.


Qua quyển sách tôi biên soạn, nhiều em chưa đi Việt Nam nhưng cũng biết quý bà quý cô Việt Nam thích da trắng và sợ da cháy nắng lắm nên ra đường trùm kín mặt và mang găng tay dài lên đến vai. Các em cũng không lầm lẫn “tiền thuê” với “tiền thuế”, “mượn” và “cho mượn”, “muốn” và “mướn”. Thêm vào đó, các em cũng biết nói “đi dô” theo người miền nam và “đi gia” theo người miền bắc nhưng phải viết “đi vô”, “đi ra” thì mới đúng. Khi mùa lễ Tết đến, các em viết được thiệp khi cần và phân biệt được khi nào dùng “thân chúc, kính chúc, mến chúc”; tặng quà thì biết dùng đúng người để “thân tặng, mến tặng, kính tặng, kính biếu”…

Khoảng cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, khi Việt Nam bắt đầu xây dựng khách sạn ba sao, bốn sao, năm sao thì với đầu óc hóm hỉnh, thích khôi hài của người Việt, nhóm chữ “khách sạn ngàn sao” cũng ra đời ngay. Khi biết nghĩa của câu tiếng lóng này, sinh viên Mỹ cũng như Việt đều cười sảng khoái. Mặt khác, trong khi tiếng Anh đơn giản quá thì các em bị điên đầu với chỉ một động từ “wear” thôi mà tiếng Việt có bao nhiêu là chữ tương đương: “bận, mặc, mang, đi, đội, đeo, quàng, choàng, xức, bôi (nước hoa)”.

blank
Sinh viên gốc Việt trình diễn múa nón trong Đêm Văn Hóa tại UCR.

Cũng qua những điều đã học trong quyển sách, tôi thường hỏi các em sẽ có những lời khuyên nào cho bạn sắp đi Việt Nam thì một số ý kiến thực tế được đưa ra dù nhiều em chưa từng về thăm quê hương mình:

- “Ở khách sạn mini ít tốn tiền.”

- “Đi xe ôm. Không đi tắc-xi nên không bị chặt chém.”

- “Ăn cơm bụi. Ngon mà rẻ.”

Tôi cũng hỏi nếu các em về hoặc đến Việt Nam thì các em tự nhận mình là người nào.

Em thứ nhất đáp:

- “Mỹ.”

- “Tại sao?”

- “Vì đẻ ở Mỹ.”

Em thứ hai trả lời:

- “Tây ba-lô.”

- “Tại sao?”

- “Vì có ba-lô và có ít tiền.”

Em thứ ba, nhờ trong giờ học thường ghi chép đầy đủ, nghe hai bạn trả lời liền cãi lại:

- “Sai hết. Là Việt kiều.”

- “Tại sao?”

- “Mấy you mang họ Việt Nam và vẻ ngoài mấy you là châu Á.”

- “Trời!”

Bất kể nhận mình là Mỹ, Tây ba-lô, hay Việt kiều, các sinh viên thường cho là cách xưng hô trong tiếng Việt phức tạp nhất.

Khi hai người nói chuyện với nhau, tiếng Anh chỉ có “you” và “I”. Đối với tiếng Việt, ngoài “tôi” ra, gần như có thể dùng tất cả các chữ sau đây cho cả hai bên: “con, cháu, anh, chị, em, mày, tao, cô, bà, ông, chú, bác…”. “Aunt” trong tiếng Anh có thể là “cô, dì, bác hay bác gái, thím, mợ” và “uncle” có thể là “bác, bác trai, chú, cậu, dượng” trong tiếng Việt. Có em sinh viên dí dỏm kết luận: “Điên cái đầu!” Một số em còn nắm bắt sự cập nhật của tiếng Việt, khi biết có ba chữ Việt đã được cho vào tự điển Oxford của nước Anh và được phổ truyền khắp thế giới. Đó là: “bánh mì, phở, áo dài”.

Các dấu trong tiếng Việt, cụ thể là dấu hỏi và dấu ngã gây nhiều khó khăn. Khi nào thì dùng “nửa” và “nữa”? Còn “rưởi” và “rưỡi” khác nhau thế nào? “sủa, sửa, sữa” có khác nhau không? Các nguyên âm và các phụ âm cuối cũng vậy. Làm sao phát âm, rồi viết những chữ sau đây chính xác và dùng đúng nghĩa: “khác, khát, khách, khắc, khấc” với “các, cát, cách, cắc, cấc” hay “mắt, mắc, mất” và “mặt, mặc, mật” hoặc “rẻ, rể; rẽ, rễ”; hoặc “tai, tay, tây”? Phải đọc “củi, cửi; tụ, tự; bối, bới, bói” thế nào cho đúng đây?

Chưa hết đâu! Âm “-ng” trong tiếng Mỹ chỉ ở vị trí cuối chữ. Tiếng Việt thì “-ng-” ở cả hai vị trí đầu và cuối một chữ. Nên có em phải lâu lắm mới phát âm rõ ràng cặp từ “ngon” và “nong”. Lại nữa, tiếng Anh không có âm “-nh”. Làm sao mà nói “nhắng” và “ngắn” đây. Cũng có khi “ăn thịt bò” lại nói hay viết là “ăn thịt bồ” làm cả lớp cười vui vẻ.

Chao ôi! Đó mới kể sơ sơ. Còn bao nhiêu thử thách khi học tiếng Việt nữa!

Và như thế, từng chữ, từng thành ngữ, từng bài học, từng giờ học, quê hương Việt Nam như những nét chấm phá cứ tuần tự trải dài trước mặt các em dù thực tế cách xa muôn dặm đường trường. Nhiều khi lòng tự hỏi lòng không biết đến thế hệ thứ ba, thứ tư thì tiếng Việt và văn hóa Việt ở hải ngoại sẽ ra sao. Dù “lực bất tòng tâm” nhưng nếu có thể làm được gì cho quê hương thì tôi tin rằng những người Việt tâm huyết đều hết lòng gắng sức. Nhưng có lẽ ngày sau có thể không ảm đạm như chúng ta nghĩ bây giờ. Với hiện tình quê nhà từ chính trị đến môi trường, nhiều người muốn rời bỏ và ra đi lắm. Tôi cho rằng họ sẽ là người tiếp nối văn hóa và tiếng Việt mến yêu ở hải ngoại dù con cháu chúng ta ở Mỹ có thể sẽ là nhiều thế hệ sau thứ hai, thứ ba.

Để gìn giữ tiếng mẹ đẻ nơi xứ người thật hiệu quả, người dạy phải kết hợp ngôn ngữ với địa lý, lịch sử, thi ca, văn học, du lịch, với những chuyển biến về thời sự và nhận thức của con người trên quê hương nữa. Và cũng còn đòi hỏi tâm nguyện cùng chung tay gìn giữ từ gia đình, cộng đồng, truyền thông, các tổ chức văn hóa và tôn giáo, và đặc biệt là các hội sinh viên Việt Nam tại các đại học Hoa Kỳ, Vietnamese Students Associations, VSA.

Mỗi năm những hội sinh viên này thường tổ chức Đêm Văn Hóa Việt với sự tham gia rất sôi nổi và tích cực của những sinh viên gốc Việt. Các em bỏ rất nhiều thời gian luyện tập một chương trình văn nghệ rất đặc sắc. Có những vở kịch nói lên căng thẳng và xung đột giữa cha mẹ và con cái gây ra bởi những khác biệt về văn hóa. Có những màn vũ thắm đẫm tình tự quê hương. Có những hoạt cảnh lịch sử rất hùng tráng. Bằng tất cả khả năng, bao giờ tôi cũng hết mình cổ vũ, khuyến khích, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các em tham dự hay hỗ trợ những hoạt động hướng về quê hương này của VSA.

Nhớ lại mấy chục năm về trước khi đất nước đắm chìm trong cuộc nội chiến Bắc Nam và cuộc chiến ngày càng leo thang. Biết bao nam sinh đang học đến tuổi động viên phải rời bỏ nhà trường để nhập ngũ bảo vệ chế độ cộng hòa miền nam. Một nhà giáo thời ấy mà nay tôi không nhớ được tên đã cảm tác viết một bài thơ làm xúc động nhiều người trong đó có câu:

“…Rồi các em như người không quá khứ.
Kỷ niệm tìm về lòng có xanh xao.”

Còn tôi, mỗi năm trong bữa tiệc chia tay, thường tư lự nhìn các em sinh viên rồi tự đổi vài chữ ở hai câu thơ trên để nói lên nỗi bâng khuâng của mình:

“…Rồi các em như con tàu rời bến.
Kỷ niệm tìm về lòng có xanh xao.”

Xin gửi đến tất cả học trò thân yêu khắp nơi của tôi, dù có thể đã xa lắm rồi, tình mến thương mãi mãi. Chúng ta quả có duyên lành nên đã từng là thầy trò với nhau. Riêng với các học trò gốc Việt ở Mỹ, đã học lâu rồi, mới học xong hay vẫn đang học, hãy nhớ rằng tiếng Việt là gia sản quý báu của các em. Hãy gìn giữ và nuôi dưỡng để mãi mãi là của mình.

Xin gửi đến các hội sinh viên VSA, California, đặc biệt là VSA ở UC Riverside, và UVSA, Tổng hội sinh viên Việt Nam, California và các tổng hội sinh viên Việt ở các tiểu bang khác tất cả lòng trân quý của tôi. Nhờ được tưới tẩm từ gia đình đưa đến những đóng góp của các em mà văn hóa Việt được nở hoa trong các đại học Mỹ khắp nơi.

Xin mượn những câu Kiều mà Tổng Thống Mỹ Obama đã nói ở Hà Nội tháng 5 vừa qua để khép lại bài này.

“Rằng trăm năm cũng từ đây,
của tin còn một chút này làm ghi.”

Mỹ Đức Phạm Nguyễn

Ý kiến bạn đọc
13/12/201602:15:47
Khách
Kính gửi Toà soạn Việt Báo
Tôi tên Nguyễn Quý Đắc, công chức trước năm 1975.
Tôi xin góp vài ý kiến cá nhân sau khi đọc các phản hồi của độc giả về bài viết của tác giả Mỹ Đức Phạm Nguyễn.
- Tôi hiểu trong ngữ cảnh “to wear” của tiếng Anh, rõ ràng chữ này đơn giản nhiều so với bao nhiêu chữ dùng trong tiếng Việt nếu mang cùng nghĩa.
- “Thập niên” hay “thập kỷ” đều có nghĩa là “10 năm”. Bản thân hai chữ này không hề mang màu sắc chính trị. Nếu đề nghị dùng “thập niên” thay cho “thập kỷ” khi viện lẽ rằng Việt cộng dùng “thập kỷ” nên ta phải tránh thì hoàn toàn vô lý bởi “thập kỷ” đã được dùng tại miền nam trước năm 1975.
- Chữ kép “thập kỷ” được tự điển Hán học giải thích là “từng khoảng thời gian 10 năm của một thế kỷ, tính từ năm đầu của thế kỷ trở đi”.
- Chúng ta không thể nào tách bạch hiểu riêng hai chữ “thập” là “mười” và tự suy “kỷ” là “thế kỷ” tức “100 năm” cho nên giả định “thập kỷ” phải là “10 thế kỷ” tức “1.000 năm” vì điều này hoàn toàn sai. Trong “Hán Việt Tự Điển” của học giả Đào Duy Anh (được biên soạn trước khi cụ Phan Bội Châu mất, tức là trước năm 1940-1941), “kỷ” mang hai nghĩa: 1. Có nghĩa là “năm”, tức một năm; và 2. Có nghĩa “12 năm”, tức một giáp và nghĩa này là nghĩa cổ, ngày nay không còn dùng phổ biến nữa. Tôi chưa thấy một tự điển Hán học nào ghi rằng “kỷ” đồng nghĩa với “thế kỷ” tức là 100 năm và cũng không có ba chữ ghép “thập thế kỷ” để rồi giả định hiểu tắt thành “thập kỷ” tức là 1.000 năm cả. Khi nói đến một nghìn năm, chữ dùng đúng phải là “thiên niên kỷ”.
- Nếu đã từng tìm hiểu về Hán học, ở trình độ sơ đẳng, chúng ta hiểu rằng một chữ kép không phải luôn luôn đồng nhất về nghĩa với từng chữ cấu thành. Xin đơn cử môt ví dụ: “trụ sở” không cùng nghĩa với “trụ + sở” bởi lẽ chữ kép này là sự biến âm qua thời gian của chữ “trú sở” trong tiếng Hán.

Kính gửi giáo sư Mỹ Đức,
Tôi mong rằng sự giải thích trên đây với khả năng hiểu biết hạn hẹp của tôi nói lên sự kính trọng không chỉ riêng cá nhân tôi mà còn nhiều độc giả thầm lặng khác nữa đối với một nhà giáo tận tụy, cống hiến bao thập kỷ cho nghề dạy. Những học trò nào được sự dìu dắt nâng bước của cô ắt thành tài, thành danh.
Kính chúc cô sức khỏe để tiếp tục gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người.

Nguyễn Qúy Đắc
So fresh and so clean.
06/12/201609:39:12
Khách
Bài viết của chị làm tôi nhớ đến câu hát "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" biết là bao!
Tiếng Việt của chúng ta thật là phong phú, đa dạng và công việc "Gìn Giữ Tiếng Việt Nơi Xứ Người" thật không đơn giản chút nào; truyền bá tiếng Việt đến những người bạn Mỹ và đến thế hệ con cháu chúng ta lại càng khó khăn và phức tạp hơn! Cảm ơn bài viết của chị đã nói lên nỗi lòng cũng như "bề chìm" của công việc đòi hỏi rất nhiều nghị lực và tâm huyết này!
Hồi chúng tôi dọn nhà từ miền Nam lên miền Trung của tiểu bang California, con trai duy nhất của chúng tôi chỉ mới 9 tuổi. Ở đây rất ít người Việt và hoàn toàn không có các lớp Việt Ngữ ở nhà thờ, ở Chùa như ở các thành phố lớn của Bắc và Nam Cali. Muốn con học tiếng Việt, chúng tôi đã mua sách về nhà dạy cháu ráp vần, dạy cháu đọc và viết. Tôi vẫn còn nhớ khi học âm "ep" cháu đọc đi đọc lại "Bà cho bé dép đẹp, bé đi lẹp xẹp" và phì cười mỗi khi nhớ đến câu này, cũng như tôi đã phải sửa nhiều lần để cháu quen nói được "gội đầu" thay vì "giặt tóc".
Cứ mỗi thứ sáu, tôi lại bắt cháu viết cho tôi một đoạn ngắn phải có sáu câu đầy đủ chủ từ, động từ về bất kỳ một vấn đề nào đã xảy đến với cháu trong tuần, trong ngày. Cháu vò đầu bứt tai, nhưng vẫn viết, và tôi vẫn giữ đầy đủ các bài viết đó cho đến ngày hôm nay.
Giờ đây, con tôi đã là một chàng trai 22 tuổi. Cháu biết nghe và nói được tiếng Việt đủ để xã giao căn bản và gọi món ăn khi vào nhà hàng Việt Nam. Cháu viết được tiếng Việt có dấu, trong điện thoại cầm tay của của cháu có bộ chữ tiếng Việt và cháu biết cách đánh dấu tiếng Việt theo kiểu "Telex" rất nhanh và đúng. Cháu còn biết có những website để giúp cháu tra dấu và lỗi chính tả nếu cần viết tiếng Việt cho một ai đó mà không có bố mẹ bên cạnh để hỏi. Điều này chứng tỏ rằng, ít nhiều, sự kiên nhẫn dạy dỗ của chúng ta đều có tác động đến thế hệ trẻ hải ngoại trong việc gìn giữ tiếng Việt.
Gần đây, trong một lần dọn dẹp nhà cửa, mẹ con tôi có dịp ôn lại những trang viết "sáu dòng" kỷ niệm năm xưa, đọc lại và được một trận cười ra nước mắt vì những câu chữ kỷ niệm ngô nghê nhưng vô cùng đáng yêu thuở ấy!
Cảm ơn bài viết đầy tâm huyết của chị và chúc chị thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình "Gìn Giữ Tiếng Việt Nơi Xứ Người" rất đáng trân trọng và tán đồng, ủng hộ.
06/12/201606:01:41
Khách
Nếu muốn dùng chữ Hán Việt để chỉ quãng thời gian 10 năm thì phải viết là "thập niên" (thập là 10, niên là năm) nếu viết là "thập kỷ" tức là 10 thể kỷ. Một thế kỷ có 100 năm -- "thập kỷ" có tới một ngàn năm (100 x 10 =1.000 năm)
Cô giáo Mỹ Đức đáng khen cô viết hay không sai chánh tả như cô giáo kia mới hay viết sai chánh tả
con cò lặn lội thành ra con cò "lặng lội",v,v
06/12/201601:48:14
Khách
Dạy tiếng Việt là gìn giữ vốn quý của tiền nhân. Tiếng Việt còn. Người Việt còn. Tiếng Việt phong phú và giàu hình ảnh giàu âm thanh chắc mọi người đều đồng ý khi đi vào thơ văn cũng như ca dao tục ngữ...cho nên chỉ việc lãnh hội các từ vựng giao tiếp thôi mà các em đã phải toát mồ hôi hột là vậy. Giao tiếp trước đã rồi từ giao tiếp đi đến làm quen với tục ngữ thành ngữ (idiom) trong cách nói chuyện hàng ngày, rồi đến ca dao, vần điệu...là cả một quá trình dài cần phải luyện tập cọ xát với thực tế. Trong ý hướng tốt đẹp để lại cho hậu bối một ý nghĩa để tìm về cội nguồn, xin thành thực gởi một bông hoa cảm ơn đến tác giả. Chúc tác giả nhiều an mạnh.
05/12/201621:00:40
Khách
Một số các vị cứ không thích người viết dùng chữ mà quí vị không biết là chụp cho cái mũ cối đội chơi, đổ thừa rằng chữ đó là của Việt cộng. oẹ oẹ.
05/12/201620:24:26
Khách
Cô Mỹ Đức là giáo sư Anh Văn mà dám nói tiếng Anh đơn giản? Thật là thiển cận lắm.
05/12/201619:47:43
Khách
Cô Mỹ Đức xài chữ Việt cộng "thông tin " trong sách nghe chán thiệt. Bài này nói về ngôn ngữ tại sao không dùng chữ "từ ngữ mới " trong sách thì đúng hơn nhiều.
Chữ Việt cộng "tưới tẩm " từ gia đình nghe chán lắm. Tại sao không dùng "nuôi dưỡng và giáo dục" từ gia đình?
Chữ Việt cộng nữa "suối nguồn trí tuệ " của ông bà cha mẹ, thở dài chán ngán.
05/12/201616:44:11
Khách
- Độc giả Khanh H., con cháu không biết tiếng Việt mà còn cám ơn thượng đế ư?
- Độc giả Wowang, thử tự vấn xem bản thân ông đã làm được điều gì để gìn giữ tiếng Việt nơi xứ người? Có chăng ông dùng tiếng Việt nhằm miệt thị, chỉ trích, chụp mũ cộng sản cho những người có tâm huyết ra sức duy trì tiếng Việt ở xứ Mỹ này? Ông đừng tự đắc cho rằng mình là một thành viên của Việt Bút, dù chưa có một bài viết đóng góp cho Viết Về Nước Mỹ ngoại trừ một đoản văn tóm tắt về sinh hoạt ăn chơi của nhóm, mà giở giọng điệu kẻ cả lên mặt dạy đời các nhà giáo chân chính.
04/12/201622:30:38
Khách
Vấn đề tiếng Việt bây giờ đã tốn rất nhiều giấy mực với chữ nghĩa Việt Cộng và tiếng Việt
trong sáng của miền Nam trước năm 75. Phần đông những tên đầu sỏ Việt Cộng đều
học hành ít ỏi, nên chúng dùng tiếng Việt bừa bãi, không phân biệt được các danh từ,
tĩnh từ, động từ....cấu kến văn phạm, ngoài ra còn tiếng Hán Việt, tức tiếng Việt được
mượn từ tiếng Tàu, người Việt mình dùng lâu ngày, quen đi, thành ra tiếng Hán-Việt,
Việt Cộng càng lú nên dùng và diễn dịch sai nghĩa, bây giờ, nó biến thành chữ nghĩa
đặc thù của nhà sản, mà chúng đã tự hào nhận là "đỉnh cao trí tuệ" ! Chúng dạy cả
nước nói và dùng thứ tiếng Việt, tạm gọi là "hổ lốn", và nó đang "xâm lăng" tiếng Việt
ở ngoài nước, với hàng ngày, nghe đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí.....những
từ ngữ từ trong nước, với tiếng Việt pha trộn, nửa Việt, nửa Anh. Cứ mỗi ngày, mở
đài truyền hình nọ, được nghe : tin tức "lai", hay parking rộng rãi ! "xì căng đan" thay
vì tiếng Việt "vụ tai tiếng" !
04/12/201616:55:23
Khách
Cám ơn tác giả đã cho người đọc một bài thật lôi cuốn, thật giá trị, nhiều công phu.
Thăm Ông mạnh. Trân trọng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,059,391
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến