Hôm nay,  

Tôm Hùm Cali

22/11/201600:00:00(Xem: 17167)

Tác giả: Nguyễn Viết Tân
Bài số 4975-18-30675-v3112216

Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.

* * *

Lâu lắm rồi, có lẽ đã hơn 30 năm, tôi thường ra ghềnh đá cách bờ biển chừng một cây số ngồi câu tôm hùm.

Ngày đó mới qua Mỹ, không biết luật lệ nên chẳng mua license, lại đi câu bất cứ tháng nào trong năm, và "nhớn bùi, bé mềm" bắt tuốt luốt, con to con nhỏ đều nhốt hết vào bao.

Cũng may chưa bị bắt phạt hay ra toà lần nào thì tôi...bỏ nghề.

Không phải đơn giản nói bỏ câu là bỏ ngay được, đó là một đam mê ai vướng vào còn khó bỏ hơn là bỏ bài bạc hay thuốc lá.

Sau này tôi biết đi câu tôm hùm có nhiều luật lệ, nếu mình không tuân theo thì bị phạt rất nặng.

và có một lần tôi còn bị con sóng lớn như sóng thần, ầm ì từ ngoài khơi chạy vào bờ, rồi hốt tôi lúc ấy đang ngồi trên mỏm đá mà quăng xuống biển như một chiếc lá. Không biết do tôi cầu nguyện, do phước đức ông bà để lại, mà cơn sóng kế tiếp lại đưa tôi lên gần một cây cột điện, tôi ôm cứng vào đó, và thoát chết. Lúc đó toàn thân tôi đầy vết thương chảy máu vì đã bị sóng nhồi trên những hòn đá to như căn nhà, đầy cạnh sắc với vỏ hàu.

Suýt chết nên tôi đành từ giã câu kéo.

Bẵng đi mấy mươi năm - Tưởng tình đã quên, cuộc tình đã yên - giờ về hưu thì vui với mảnh vườn, làm bò cho cháu cưỡi ở phòng khách, ai dè mấy đứa cháu kêu bằng chú, còn sức thanh niên, mua một chiếc tàu để đi câu cá và đến mùa thì đi bắt tôm.

Vậy là máu giang hồ trong tôi bỗng nổi dậy. Thế là "Ra khơi, biết mặt trùng dương thấy đời mênh mông biết ta hãi hùng", nói bằng lời ca bài Ra Khơi của Phạm Duy.

Sao lại hãi hùng?

Số là gần đáy chiếc tàu phía sau đuôi có một con bù lon, tháo nó ra lúc rửa tàu cho nước có chỗ thoát, lúc gắn trở lại đứa cháu tôi quên xiết cứng.

Ra khơi cũng khá xa, con ốc đó vì sự rung chuyển của máy tàu nên dần dần lỏng ra và tuột mất, thế là nước tràn vô lòng tàu.

Ban đầu đứa cháu đang ngồi chăm chú bỏ mồi cá vào lồng nên không để ý, nhưng khi con tàu chìm phía sau, ngóc đầu lên thì nó biết liền, vội lấy con ốc sơ cua và cúi xuống gắn lại. Lớ ngớ làm sao nó rơi tòm xuống biển và con ốc kia cũng tuột tay rơi luôn.

Nó trèo lên cầm tay lái thay vợ rồi nói:

- Má, chú và em (vợ nó) mặc áo phao vô đi.

Tôi nghe mà ngán, nhìn bà chị dâu nói nhỏ: "Không lẽ mình chết non như thế này? Mình chưa tới 70 mà!"

Nó mở hết tốc lực mà phóng vào bờ nhưng càng phóng nhanh, con tàu càng ngóc mũi lên cao và phía đít thì chìm nghỉm.

Khi vào đến cảng biển, tàu lớn hay nhỏ đều phải giảm xuống 5M/hr. nghĩa là tàu chạy chậm rì, không thấy sóng gợn lên phía sau, nhưng vì sợ bị chìm, nên thằng cháu cứ mở ga lớn. Những tàu khác lẫn những người trên bờ huýt sáo réc réc... như tiếng còi, đưa tay ra dấu chậm lại nhưng nó cứ tỉnh bơ.

Tôi nói thế nào Habor Patrol cũng ra bắt, nhưng nó nói khi mình bị nguy cấp như thế này họ sẽ không phạt đâu, mà còn giúp kè tàu mình cho tới bến nữa.

Từ cửa biển chạy vào tới chỗ ụ lên xuống chỉ khoảng 20 phút mà sao tôi cảm thấy lâu như hàng mấy giờ.

Tàu được móc vào trailer rồi kéo lên bờ, lúc ấy nước trong lòng tàu mới tháo ra như vòi rồng.

Mấy tàu Mỹ gần đó anh nào cũng hỏi han và sau khi biết cớ sự, đã để lại cho 1 con ốc sơ cua.

Đợi đến gần tiếng đồng hồ mới hết nước, xiết ốc vào và cả bọn quyết định ra khơi nữa, vì mồi đầu cá đã gài hết vào lồng tôm, bây giờ tháo vất đi để về cũng ngán ngẩm quá.

Hôm ấy xuất hành đã bị trục trặc, mà ra khơi kéo lồng tôm cũng chẳng ra gì, bắt được có 3 chú cua nhện coi nhan sắc rất ư là xấu xí.

Trước đây khi chưa đến mùa tôm, tôi cũng có lần theo các cháu và hai bà chị đi gần gần trong bờ, chỗ có bè bán cá mồi và mực cho các tàu đi câu ngoài khơi. Chúng tôi chỉ luẩn quẩn gần đó để câu cá nục và cá lù đù mà thôi, chứ các cháu đi câu với nhau thì đi xa lắm, chúng đưa về cá tuna to như con heo con, cá hồng, cá mú và cá đuôi vàng, loại nào cũng tươi rói và ăn rất ngon, kể cả ăn sống theo kiểu Nhật.

Tôi không hỏi kỹ hiện nay giá mua license cho mỗi người là bao nhiêu. Muốn đi bắt tôm hùm thì bắt buộc phải có fishing license thì họ mới bán cho giấy phép bắt tôm.

Riêng đối với những kẻ gần đất xa trời, yêu tiếng nhạc giun dế và đang lãnh tiền hưu như tôi thì chính quyền ưu đãi nên cả 2 thứ cộng lại chưa đến 20 bớp.

Thật là rẻ so với những người còn trẻ, chắc phải gấp 10 lần.

Mùa bắt tôm từ đầu tháng 10 hàng năm đến 15 tháng 3 năm sau, nghĩa là gần cả nửa năm, tha hồ mà đi bắt.

Mỗi người được thả 5 lồng (gọi là hoop net) nhưng trên mỗi tàu dù đi bao nhiêu người cũng chỉ có thể mang theo 10 cái lồng mà thôi, mỗi lồng nếu mua mới thì giá khoảng 100 đô. Lồng này khá nặng vì có 2 vòng sắt tròn và lưới đan như một cái rổ lớn với cái hộp đựng mồi nằm ngay giữa.

Trong một lần cập bến, những người có license được mang về 7 con, nếu mà bắt được tới số đó thì đã được kể là trúng mánh, chứ người bắt thì đông, mà tôm sinh sản và lớn lên rất chậm.

Trên tàu bắt buộc có một cái thước đo tôm. Tôm phải dài hơn 3 inch 1/4, mà không phải là đo toàn thân đâu nghen, đó là chiều dài từ hốc mắt đến giáp giới giữa đầu với cái mình. Tóm lại nó phải nặng ít nhất từ 1 pound (nửa kí) trở lên.

Cuối tuần rồi, mấy chú cháu sửa soạn đồ lề, thức ăn nước uống, mồi cá...mãi mới xong thành thử ra đến nơi thì phố biển đã lên đèn. Tàu cất cao mũi lao đi như tên bắn.

Hôm nay biển êm nhưng mỗi lần sóng nhồi thì tàu rớt xuống mặt nước cái ầm đến thốn xương sống.

Ra đến chỗ có tôm cũng hơn tiếng đồng hồ. Đó đây nhấp nháy đèn phao xanh tím của những tàu khác như những vì sao.

Khi xuống hết 10 lồng bẫy chúng tôi bày trái cây, bánh mì ra ăn chừng nửa tiếng để đợi, lòng dạ bồi hồi, náo nức nên mới 20 phút đã giục nhau đi kéo lồng lên coi thế nào.

Trước đây cứ 2 người nắm dây rồi kéo rất mệt nhọc, lại ướt hết cả mình, nhưng hôm nay mấy thằng cháu đều có tay nghề đã chế ra một hệ thống ròng rọc nên kéo khoẻ re.

Hai lồng đầu tiên trống hốc làm nhụt nhuệ khí quá, nhưng đến lồng thứ 3 thì có 2 con, một con lớn được giữ lại còn con nhỏ thì cho về nhà.

Từ đó về sau tôm lên đều đều, có khi một mẻ thấy lổm nhổm trong đó gần chục con.

Tôm thì nhiều nhưng được phép bắt chẳng được bao nhiêu, chúng tôi chỉ đem về được gần 30 con mà con lớn nhất hơn 4 pound (2kg). Nếu con vừa cỡ để bắt, nó đã hơn 4 năm tuổi, còn con to này phải sống gần 20 năm rồi.

Có nhiều người không phân biệt rằng có hai loại tôm:

- Tôm Maine là ở Atlantic Ocean có hai càng thiệt bự, và con to nhất có thể đến 20kg. Giá tại siêu thị ABC chừng 8$/p.

- Tôm Pacific không có càng nhưng có 2 râu dài như 2 cần ăng ten, con lớn nhất cũng khoảng 8kg mà thôi. Loại này đôi khi có bán ở chợ Đông Lợi, chứ siêu thị thì chưa thấy. Giá nó mắc gấp hơn 2 lần loại kia vì ăn rất ngon và đỡ nặng vì trừ đi 2 cái càng.

Cả hai loại đều có thể sống đến hơn 75 tuổi.

Người ta nói ăn tôm hùm sẽ tăng cholestoron, nhưng riêng tôi bây giờ chẳng muốn kiêng cữ gì nữa, muốn ăn gì cứ ăn, miễn đừng tham thực nốc cho nhiều.

Cái gì cũng vừa vừa phải phải, chứ cái gì cũng kiêng thì sống chẳng có gì thú vị, vì trong thân thể thiếu chất này chất kia có khi còn tịch sớm nữa là khác.

Nguyễn Viết Tân

Ý kiến bạn đọc
24/11/201618:58:41
Khách
Xin toà soạn xóa bỏ phần này vì lỗi typo đã sửa xong cho comment trước. Cám ơn.
24/11/201618:53:33
Khách
Thân chào chị Oanh Nguyễn,
Cám ơn chị đã trả lời dùm cho tác giả. Tôi biết lệ phí mua license chứ. Khi tác giả dùng chữ bớp thì những người thời VNCH sẽ hiểu là 100. Còn những người sau 75 thì sẽ không hiểu chữ này. Tôi chỉ mong tác giả nói rỏ hơn để mọi người đều hiểu giống nhau mà thôi. Mong chị và tác giả thứ lỗi nếu có hiểu lầm. Just my 2 cents.
24/11/201604:15:18
Khách
Theo tôi hiểu thì tác giả viết 20 bớp có nghĩa là 20 đô la, chứ nếu nó là 2 ngàn thì ai dám mua license đi câu? Mà người trẻ tuổi thì ông cho biết sẽ mắc gấp 10 lần có nghĩa là 20 ngàn đô cho 1 năm à?
23/11/201621:51:44
Khách
Chữ bớp hay bò thời VNCH có nghiã là 100 đồng. Xin tác giả cho biết 20 bớp theo tác giả là 2,000 hay 20 đồng. Cám ơn.
23/11/201616:06:18
Khách
Tùy theo tiểu bang cho phép thiếu niên 13 hay 14 tuổi đã có thể lái tàu thể thao, tuy không có bằng lái như xe hơi, nhưng phải qua 1 lớp học và được cấp Boater Education Card. Nếu có tai nạn thì phải báo cáo, nếu say rượu thì bị cấm lái lâu dài v v...Những người lái tàu chở khách hay tàu câu thương mại, đi đánh cá tôm thì bắt buộc phải có bằng Captain (Thuyền trưởng). Sau vụ hỗn loạn tại New Orleans, chính quyền còn có lệnh thuyền trưởng phải có quốc tịch Mỹ, làm tàu đánh cá đánh tôm của người Việt khốn đốn. Những người không có quốc tịch đành phải mướn 1 anh Mỹ làm thuyền trưởng mà hầu hết thời gian trên tàu anh ta cứ ngồi chơi rồi lãnh lương.
23/11/201600:12:52
Khách
Đúng rồi. Người Việt đánh cá ở Louisiana lúc ấy xài lưới có mắt nhỏ xíu, lại đánh gần bờ nên con gì cũng thu vô lưới mình ráo nạo nên mới có trận hỗn chiến xảy ra giữa người Mỹ địa Phương và đám dì dân mới qua. Bây giờ ở lâu thì biết luật lệ rồi.

Trở lại chuyện câu tôm của tác giả. Không biết mấy người việt mua tàu mà có học lái tàu không nhỉ ?
22/11/201618:29:17
Khách
Nghe nói khoảng cuối thập niên 70, một số người Việt ở vùng New Orleans, do không biết hay không tôn trọng luật lệ địa phương, bắt giữ cá tôm bất kể lớn nhỏ và ra khơi đánh cá tôm suốt cả ngày, bảy ngày một tuần, nên bị dân bản xứ địa phương phản đối kịch liệt. Ngoài ra, họ còn bị nhóm kỳ thị chủng tộc KKK tấn công nữa.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,482,980
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 28 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục thêm bài mới.
Tác giả là một dược sĩ tại Toronto. Với bài viết đầu tiên “Hai Bà Đầm,” ông đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Ba năm sau, 2014, ông góp thêm bài “Hồi Ký Của Một Người Tên Ông.” Năm 2016, thêm bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ.” Sang năm 2018, thêm bài thứ tư, “Đứa Con Lai...Hải Tặc.” Bài viết mới thứ 5 “Chuyện Tình...Hải Tặc” là phần kết của câu chuyện. Bạn đọc Viết Về Nước Mỹ trên Việtbao Online chỉ cần double click vào tên tác giả ở đầu bài, sẽ thấy bài cũ của cùng tác giả. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp và hết.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông, sống trong trại lính, làm việc theo một hợp đồng dân sự. Chuyện làm việc ở Trung Đông, bài đầu đã được phổ biến ngày 4 tháng 5. Sau đây là bài viết thứ hai, chuyện của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan.
Tác giả tên thật Huỳnh Thị Huệ, 69 tuổi, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO. hiện đang là cư dân Downey, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là chuyện đau thương có thật của gia đình, khi ntgười con trai tử nạn trên xa lộ vì bị một anh Mễ không giấy tờ say rượu lái xe.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết gần đây là ký ức Mậu Thân của cô bé thời mới lớn. Và sau đây, thêm một bài viết mới.
Từ 2005, tác giả Hoàng Đức, một nhà giáo hưu trí tại Westminster, góp bài “Dodautre tại Mỹ” và nhận giải đặc biệt Viết về Nước Mỹ. Mười ba năm sau, 2018, thêm một bài mới của Hoàng Đức 2018. Theo tiểu sử do tác giả mới tự sơ lược, tại Việt Nam, 1963-1975, ông là Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp. Sau 1975 là mười năm thất nghiệp. Công việc tại Hoa Kỳ từ 1985: High School Teacher; College Instructor, sau đó là Social Worker. Về hưu từ 2002. Mong ông tiếp tục viết và bổ túc địa chỉ liên lạc.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà là chuyện tấm hình một cô bé học trò 15 tuổi. Tấm hình từng qua tay kẻ trộm, trở thành bùa hộ mạng của một thuyền nhân, với những tình tiết éo le dài gần một đời người lưu lạc.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến