Hôm nay,  

Bão Cát Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên

21/11/201600:00:00(Xem: 11366)

Tác giả: Hoàng Đình Minh Long
Bài số 4974-18-30674-v2112116

Tác giả cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2003 với 4 bài viết tươi tắn, tinh tế và tử tế. Mong Hoàng Đình Minh Long sẽ tiếp tục nhịp viết mới trở lại.

* * *

blank
Gió bão thổi cây cỏ lăn băng ngang xa lộ.

Qua Mỹ vào đầu tháng 8 năm 1991 khi mùa hè nam Cali còn nóng bức. Vậy mà hơn ba tháng sau, khi chuẩn bị đón lễ Tạ Ơn lần đầu tiên tại Mỹ, trời mùa đông thật lạnh lẽo. Vì mới qua Mỹ, không khí ngày lễ Tạ ơn tuy mới lạ với một người từ VN mới qua nhưng nó thật đặc biệt và nhiều ý nghĩa đối với tôi và gia đình.

Theo lịch sử kể lại thì vào năm 1621, người da đỏ đã chia sẻ những thu hoạch mùa màng với người di dân trên chiếc tàu MayFlower khi những di dân này đến bắc Mỹ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại, lễ tạ ơn là dịp để mọi gia đình xum vầy với nhau và cảm tạ ơn trên vì muôn ơn lành. Đó là đối với xã hội Mỹ.

Riêng gia đình tôi, lễ Tạ Ơn đầu tiên năm ấy còn có ý nghĩa đặc biệt vì đây là lần đầu đoàn tụ, sau trên dưới 10 năm xa cách. Anh lớn của tôi rời gia đình đi vượt biển năm 1981. Hơn một năm sau, đến lượt ba tôi vượt biển sau khi ra trại tù cải tạo gần 2 năm. Gia đình chúng tôi phải trông ngóng trên dưới 10 năm cho đến được đoàn tụ qua chương trình bảo lãnh vào tháng 8 năm 1991.

Bữa ăn tối đêm lễ tạ ơn thật ấm cúng với đầy đủ các món ăn người bản xứ ăn vào đêm ấy. Một con gà tây khoảng 24 lbs do hãng của ba tôi tặng cho nhân viên. Tuy nhiên, để làm cho món gà tây nướng ngon và hợp khẩu vị VN hơn, ba má tôi độn nếp, đậu phộng, nấm, lạp xưởng bên trong bụng con gà tây. Lớp mật ong bên ngoài làm cho con gà tây nướng có màu nâu thật đẹp. Dĩ nhiên là gà tây thì phải có mashed potato, gravy và bắp luộc. Ngoài ra, để cho dễ nuốt, ba má còn nấu thêm súp măng cua ăn cho ấm bụng trong khí trời lạnh cóng của mùa đông. Ngoài đồ ăn ngon, buổi tối hôm đó còn đầy ắp tiếng cười không những của gia đình tôi mà còn của những người bạn của anh tôi. Những anh này gia đình còn ở VN cho nên ba và anh tôi mời họ đến ăn tối cho vui.

Tuy bữa tối rất vui nhưng ba anh em chúng tôi vào giường ngủ lúc khoảng 10:30pm vì sáng hôm sau chúng tôi sẽ lái xe đi San Jose để thăm gia đình Dũng, hàng xóm cũ bên VN của gia đình tôi. Gia đình Dũng rời VN theo diện HO vào đầu tháng 7 năm 1991.

Vì trời lạnh, dậy sớm hơi khó, ba anh em chúng tôi mãi gần 10 giờ mới ra xe. Trước khi ra xe, má tôi gói gần nửa con gà tây để chúng tôi mang lên nhà Dũng vì không biết trên đó có gà tây ăn không. Ba má tôi không đi theo vì ba tôi muốn sửa lại cái phòng khách cho rộng rãi hơn. Bận bịu đi làm cả năm, ba muốn tận dụng dịp lễ để làm cho thật nhanh. Ba anh em chúng tôi lấy chiếc xe Nissan Maxima màu bạc đô của ba để lái đi San Jose. Hai ông anh tôi ngồi phía trước còn tôi ngồi phía sau với nửa con gà tây thơm phức.

Lên xa lộ I-10 được 15 phút, chúng tôi đổi qua xa lộ I-5 tại downtown Los Angeles. Đường xá tương đối vắng vẻ vì hầu hết mọi người còn nghỉ ngơi sau đêm Thanks Giving với nhiều đồ ăn và rượu chè. Vì thành phố Los Angeles nằm trong lòng của rặng núi San Gabriel, chúng tôi phải leo qua dãy núi này trước khi đến Ventura county. Mới từ VN qua, tôi hay so sánh VN với Mỹ. Tôi nhớ lại cái cảm giác lo lắng khi chiếc xe du lịch chở tôi đi Đà lạt vào năm 1986. Khi lên đến đỉnh của ngọn đèo trước khi vào thành phố, chiếc xe du lịch của chúng tôi và chiếc xe tải chở gỗ ngược chiều phải nhích từng chút một vì hai làn xe quá chật; chỉ cần sơ hở một chút là xe lao xuống vực. Bên Mỹ này thì ngược lại, đường đèo vẫn rộng thênh thang như đường trường.

Anh cả của tôi giải thích cho hai thằng em mới từ VN qua về lịch sử các xa lộ liên bang của Mỹ. Vào thập niên 1950, khi chiến tranh lạnh bắt đầu, tổng thống Esenhower cho xây hệ thống xa lộ liên bang để nếu chiến tranh xảy ra, các xa lộ này được xử dụng để di chuyển dân chúng từ các thành phố đông dân ra ngoài ngoại ô để tránh tổn thất nhân mạng. Các thành phố lớn luôn nằm trong tầm ngắm của các tên lửa đạn đạo của Liên xô. Ngoài ra, các xa lộ này cũng có thể trở thành các phi trường dã chiến cho các máy bay trong trường hợp các phi trường bị tên lửa của Liên xô phá hủy.

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy người Mỹ đặt tên cho các xa lộ rất khoa học. Chỉ cần nhìn tên của một xa lộ, ta có thể biết nó chạy theo hướng nào. Các xa lộ mang số lẻ, như xa lộ 5, chạy theo hướng bắc nam. Các xa lộ mang số chẵn, như xa lộ 10, chạy theo hướng đông tây. Các xa lộ liên bang luôn có chữ I phía trước số, như I10, vì chữ I là viết tắt của chữ Interstate (liên bang hay xuyên bang).

blank
Tác giả 25 năm trước trên cầu treo San Francisco.

Sau khi đổ dốc đèo nửa tiếng, xa lộ 5 hẹp dần, chỉ còn hai làn xe mỗi chiều. Hai bên đường là những bãi đất trống và không còn thấy nhà cửa. Trong thành phố hôm nay đã ít xe, ra đến ngoại ô thì xe cộ lại càng ít. Phía trước chúng tôi là chiếc Cadillac khá to do một ông Mỹ đứng tuổi lái. Anh tôi vượt qua ông vì ông ta lái hơi chậm. Lúc này, chúng tôi cảm nhận gió thổi mạnh phía bên ngoài vì xe hơi rung và tiếng gió hú khá ồn. Lúc gần đến Bakersfield thì thỉnh thoảng một cây cỏ lăn (một loài cây thường thấy trong các phim cao bồi Mỹ) bị gió thổi băng ngang qua xa lộ. Anh tôi cẩn thận tránh các cây cỏ lăn này. Nhờ ba tôi giữ xe rất kỹ cho nên sơn xe rất bóng và mới. Các cây cỏ lăn này mà đụng vào xe chắc chắn sẽ làm trầy sơn xe. Thế là anh tôi lái xe chậm lại vì số cây cỏ lăn bị gió thổi bay ngang qua xa lộ ngày càng nhiều. Ông Mỹ lái xe Cadillac có vẻ không quan tâm mấy về cái vỏ xe của mình, có lẽ xe Mỹ cứng cáp hơn xe Nhật, cho nên ông ta qua mặt chúng tôi mặc cho các cây cỏ mây đập vào phía trước xe của ông ta.

Tuy chạy chậm lại, xe chúng tôi cũng vẫn bị các cây cỏ lăn đập vào xe. Lúc đến Bakersfield thì tầm nhìn bị giới hạn vì cát và bụi bị gió thổi tung lên. Chúng tôi chỉ có thể nhìn thấy khoảng 3 hay 4 xe phía trước. Vì tầm nhìn bị giới hạn, vận tốc xe của chúng tôi vào khoảng 45 dặm / giờ. Đến khoảng 13 giờ thì chúng tôi chỉ còn nhìn thấy xe Cadillac của ông Mỹ kia phía trước. Lúc này gió xoáy thật mạnh và cơn bão cát lên đến cực điểm. Dĩ nhiên là cửa xe phải quay lên hết để cho bụi và cát không lọt vào. Anh lớn nói với chúng tôi:

“Nguy hiểm nhất lúc này là ai đó phía trước tự nhiên đạp thắng; phía sau không thấy là sẽ xảy ra tai nạn dây chuyền.”

Ngay lúc đó, cả anh tôi và ông Mỹ bật đèn emergency lên để giúp cho các xe thấy nhau. Anh tôi cứ giữ khoảng cách an toàn với xe ông Mỹ mà chạy. Tôi để ý đồng hồ đo tốc độ và thấy vận tốc của chúng tôi khoảng 20 dặm/giờ. Lúc này chúng tôi bắt đầu cảm thấy đói bụng. Vì cơn bão cát quá lớn, chúng tôi không thể nhìn thấy các bảng chỉ đường từ xa. Khi thấy lối ra thì đã quá trễ để xuống xa lộ cho an toàn. Vả lại, nếu có xuống xa lộ mà bão cát lớn như vầy không biết bước ra xe có thở nổi không. Thế là chúng tôi quyết định cứ chạy từ từ theo đuôi chiếc xe Cadillac.

Không biết bao lâu cơn bão cát sẽ ngừng mà cái bụng thì cồn cào đòi đồ ăn, thế là tôi mở con gà tây ra và phân phát đồ ăn cho hai ông anh phía trước. Vì quá đói cho nên chẳng bao lâu, phần gà mang theo chỉ còn xương và da mà thôi, chẳng còn gì để mang lên chia sẻ với gia đình hàng xóm cũ. Lúc đó mấy anh em tự bào chữa:

“Chắc nhà tụi nó cũng có gà tây”

Sau khoảng hơn một tiếng chìm trong cơn bão cát, chúng tôi lại được thấy bầu trời trong xanh và xe di chuyển với vận tốc trên 70 dặm / giờ. Lúc chạy trên highway 152, ngang qua hồ chứa San Louis, anh lớn kể cho chúng tôi nghe là đã hơn 7 năm rồi (từ 1984 đến 1991), Calif bị hạn hán cho nên thiếu nước trầm trọng. Các hồ chứa Calif như hồ này chứa nước từ các con kênh đào mang nước từ các tiểu bang khác về.

Đang ngắm trời xanh bên trên và hồ chứa nước bên dưới cũng như rặng núi phía trước thì cái nệm giường từ chiếc xe pick up truck phía trước tung lên trên không trung rồi bay về phía xe chúng tôi. Với phản ứng tự nhiên, chúng tôi cúi rập người xuống để... né. May quá, cái nệm bay qua nóc xe chúng tôi mà không hể đập vào kiếng xe. Thật hú vía! Nếu chẳng may mà cái nệm kia đập vào kiếng xe thì chắc là đã có tai nạn.

Sau kinh nghiệm suýt bị nệm giường đập vào xe này, mỗi lần thấy xe phía trước chở đồ cồng kềnh là tôi tránh xa ngay vì không biết là tài xế xe kia có cột đồ chắc chắn không.

Vì cơn bão cát mà chúng tôi tới nhà Dũng trễ hơn dự tính và cũng chẳng có gà tây để tặng bạn. Gia đình Dũng cũng có 5 người như nhà tôi. Có điều là nhà tôi có 3 anh em trai thì Dũng có anh và chị.

Khi vào nhà chúng tôi mới biết là ba má Dũng sáng nay đi theo xe một người họ hàng xuống thăm một gia đình bạn gần nhà ba má tôi. Thì ra kẻ đi lên người đi xuống. Ba má Dũng cũng phải đi qua cơn bão cát cho nên gọi về hỏi xem ba anh em chúng tôi tới nhà Dũng an toàn chưa. Tạ ơn trên, cả ba má Dũng và ba anh em chúng tôi đều đi qua cơn bão cát và đến nơi an toàn.

Mở TV lên, chúng tôi mới biết là một tai nạn dây chuyền đã xảy ra tại Bakersfield do con bão cát gây ra khỏang 15 phút sau khi ba anh em chúng tôi đi qua. Nói một cách khác, nếu chúng tôi rời nhà trễ 15 phút, có lẽ chúng tôi đã là một trong những xe trong tai nạn dây chuyền kia.

Tôi hôm đó, ba anh em Dũng và ba anh em tôi có một bữa ăn tối tràn ắp tiếng cười. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm tại khu xóm trong khu Kiến thiết ở Phú nhuận.

Sáng hôm sau, vài người bạn của anh em Dũng và chúng tôi leo lên 2 xe chạy xuống San Francisco chơi. Tôi cứ hay đùa rằng ai xuống thăm người thân ở San Jose cũng phải chạy xuống San Francisco để đi cầu. Sở dĩ tôi đùa như thế là San Francisco có cầu treo Cựu kim sơn (Golden Gate Bridge) rất nổi tiếng. Tôi còn nhớ khi ở VN, cuốn sách dạy tiếng Anh Streamline có nói về cái cầu này. Cây cầu này là cây cầu treo đầu tiên trên thế giới. Để tránh cho cầu khỏi bị xét rỉ, người ta phải sơn cây cầu quanh năm. Vì cây cầu quá lớn, người ta phải tốn đúng một năm để sơn hết cây cầu. Vừa sơn xong thì lại phải bắt đầu sơn lại.

Kiếm chỗ đậu xe xong, chúng tôi đi bộ lên cầu treo. Cảm giác của tôi lúc đó thật khó tả. Tôi cảm thấy hạnh phúc đi được tản bộ trên cây cầu nổi tiếng mà khi xưa mình đã được biết qua cuốn Streamline. Tôi thích thú ngắm nhìn các dây cáp to lớn chạy từ mặt cầu lên tuốt trên cao. Gió biển cộng và gió do xe cộ tạo ra làm cho tôi lạnh cóng dù có mặc hai lớp áo khá dày.

Gần cầu treo là một đảo nhỏ nằm ngay giữa vịnh San Francisco, nơi có nhà tù nổi tiếng Alcatraz. Người Việt Nam hay đùa gọi là nhà tù Ao cá tra. Nhà tù này hoạt động từ năm 1934 cho đến năm 1963. Nơi đây là giam giữ các tội phạm hình sự dữ dằn nhất là vì nước biển bao bọc xung quanh nhà tù trên hòn đảo nhỏ này. Al Capone, một tay giang hồ khét tiếng từng bị giam tại đây. Những tên tù gan dạ nhất muốn vượt ngục trước hết phải vượt qua vòng vây an ninh chặt chẽ của nhà tù. Sau đó, chúng phải tìm cách vào đất liền.

Có tất cả 14 lần các tù nhân toan tính vượt ngục nhưng đều thất bại. Chỉ có một cuộc vượt ngục của 3 phạm nhân (Frank Morris và hai anh em Clarance Anglin và John Anglin) được xem là thành công. Vào nửa đêm ngày 11 rạng sang ngày 12 tháng 6 năm 1962, ba tù nhân này để các mặt nạ làm bằng giấy trên giường của họ để cho nhân viên nhà tù đi tuần tra không để ý. Họ thoát ra khỏi nhà tù và leo lên một chiếc bè bơm hơi để bơi vào đất liền. Vào năm 1979, sau nhiều năm điều tra, FBI kết luận là 3 tù nhân đã chết đuối trong vì nước biển quá lạnh. Tuy nhiên, cho tới ngày hôm nay, không ai biết số phận của họ ra sao.

Sau vài tiếng tham quan cầu treo và các thắng cảnh gần đó, chúng tôi lên xe chạy vào downtown San Francisco để vừa kiếm đồ ăn vừa tham quan các tòa nhà cao vút của trung tâm thành phố. Tuy California lúc nào cũng bị động đất đe dọa và vì thế không có nhiều cao ốc như New York, các trung tâm lớn của các thành phố lớn như San Francisco hay Los Angeles vẫn có những cao ốc với 40 tới 50 tầng. Trung tâm thành phố San Franciso cũng như Los Angeles nơi tôi ở, có những nghệ sĩ đường phố biểu diễn góp phần làm cho cảnh tượng thêm sinh động. Bên cạnh các nét đẹp thì cũng có những người vô gia cư một phần nào làm xấu đi hình ảnh của thành phố.

Ba anh em chúng tôi ngủ lại nhà Dũng tối thứ 7. Sáng Chúa nhật chúng tôi cùng nhau tham dự thánh lễ rồi chia tay nhau. Chuyến về lại Los Angeles êm thắm và chúng tôi về đến nhà chiều Chúa nhật.

*

blank
Tuổi trẻ Việt bên cầu Lễ Tạ Ơn 1991.

Một phần tư thế kỷ đã qua nhưng lễ Tạ ơn đầu tiên trên đất Mỹ với cơn bão cát vẫn mãi là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên.

Năm nay chuẩn bị đón lễ Tạ ơn lần thứ 26, trong lòng tôi vẫn có cùng cảm xúc như cách đây 25 năm. Đối với nhiều người, nhất là trẻ con, thì Giáng sinh là ngày lễ vui nhất trong năm. Riêng tôi, lễ Tạ ơn là ngày lễ tôi thích nhất vì những lý do sau. Lễ tạ ơn báo hiệu sự bắt đầu của một mùa lễ dài trong khi Giáng sinh thì gần như là sự kết thúc của mùa lễ nghỉ. Lễ Giáng sinh thì phải lo chuyện mua sắm quà cáp trong khi lễ Tạ ơn thì người ta (đầu bếp) chỉ lo nướng con gà tây. Mùi thơm mùi gà tây nướng tỏa ra từ khắp mọi gia đình đưa tôi về kỷ niệm thời ấu thơ khi nhà nhà ở VN nấu bánh chưng ngày tết.

Sau một năm ăn kiêng và tập thể dục, thức ăn đầy tràn của lễ Tạ ơn quả là một xúc tác giúp mọi người ăn ngon miệng. Vì quá nhiều tiệc tùng cuối năm, hầu như ai cũng bị bớt ngon miệng khi Giáng sinh đến. Một cái thú khác mà tôi thích trong ngày lễ Tạ ơn là xem các trận bóng bầu dục trên TV.

Ngày lễ Tạ ơn đoàn tụ đầu tiên cách đây 25 năm gia đình tôi có 5 thành viên. Lễ Tạ ơn mấy năm gần đây số thành viên trong gia đình tăng lên 15. Cám ơn những người da đỏ đã tốt bụng chia sẻ thu hoạch ngày mùa với những người di dân đầu tiên vào năm 1621 và cám ơn tổng thống Lincoln đã chọn thứ năm của tuần thứ 4 tháng 11 là ngày lễ Tạ ơn để chúng ta có những giây phút đầm ấm bên gia đình. Cám ơn nước Mỹ đã mở rộng vòng tay đón tiếp người VN sau cuộc chiến để chúng ta được biết đến lẽ Tạ ơn. Riêng bản thân tôi, xin cám ơn Thượng đế đã cho gia đình đoàn tụ cách đây 25 năm và ba anh em tôi an toàn vượt qua cơn bão cát năm ấy.

Tháng 11 năm 2016

Hoàng Đình Minh Long

Ý kiến bạn đọc
23/11/201618:34:22
Khách
Cơn bão cát năm 1991 làm 14 người chết và 114 người bị thương theo báo LA Times tường thuật: http://articles.latimes.com/1991-11-30/news/mn-94_1_dust-storm
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,940
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến