Hôm nay,  

Tháng 11, Lễ Tạ Ơn: Chiếc Kính Gãy

19/11/201600:00:00(Xem: 14295)

Tác giả: Phan
Bài số 4972-18-30672-v7111916

Nhân mùa Lễ Tạ Ơn bắt đầu, mời tiếp tục đọc về Tháng Mười Một, bài thứ 3 của Phan. Chiếc Kính Gãy là chuyện trên đất Mỹ. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.

* * *

blank
Kính gãy (gọng).

Mùa Lễ đã về, lễ Tạ ơn đến gần từng ngày với những sớm mai thức dậy trong hơi thu lành lạnh, những chiều về bát ngát trời thu trên những cánh đồng…Tôi nhớ lắm những người quen kẻ còn người mất, thương đám trẻ trong nhà không còn háo hức đợi quà mà chúng đang tất bật đời sống của những người đã trưởng thành, những người cố nhín chút thời gian đi mua quà cho người thân của chúng khi ngày lễ Tạ ơn đã cận kề.

Tôi còn nhớ lễ Tạ ơn đầu tiên năm tôi đến Mỹ. Tôi nghĩ riêng trong lòng, xứ giàu người ta bày vẽ quá, lễ này lễ nọ để bán thiệp, bán quà… những hình thức thương mại thật đa dạng, phong phú ở xứ tư bản. Nhưng chỉ lễ Tạ ơn năm sau tôi đã nhìn ra, làm thương mại ở xứ giàu dù sao cũng còn nhân đạo hơn làm thương mại ở xứ nghèo là chế tạo ra đồ giả, thuốc tây giả, hàng nhái…bất chấp an toàn thực phẩm và sức khoẻ của người khác.

Những suy nghĩ bước đầu hội nhập ấy tôi nhớ rõ vì đó là những suy nghĩ đầu tiên về lễ Tạ ơn trên mảnh đất dung thân mà mình vừa tới được. Những ý nghĩ cụ thể hơn khi ấy chỉ là một ngày nghỉ được trả lương, và một buổi tối ăn uống với gia đình.

Nhưng hội nhập sâu hơn vào đời sống Mỹ tôi mới hiểu thêm được ý nghĩa của ngày lễ Tạ ơn. Tại sao hàng năm lễ Tạ ơn lại được xem như quốc lễ; tại sao muôn người đều hoan hỷ đón mừng lễ Tạ ơn… Bởi ngoài lịch sử của lễ Tạ ơn đầu tiên trên nước Mỹ đã quá đẹp, và ngày lễ này ngày càng đẹp đẽ hơn với thêm nhiều ý nghĩa về tình người, nhân bản, từ bi… mà tôi đã may mắn được làm người chứng.

Sau lần nước Mỹ bị khủng bố, tôi bị mất việc. Hàng tuần lãnh tiền thất nghiệp đã tới những tuần cuối rồi cũng chưa tìm được việc làm khác vì kinh tế Mỹ lúc ấy tuột dốc nên việc làm ít. Tôi nghe lời người bạn cùng mất việc với tôi, và theo anh ta đi làm công việc dễ nhất trong thành phố là đi giao pizza tận nhà cho khách hàng đặt hàng (order) qua điện thoại.

Ôi, bao nhiêu tự ái, tủi thân cứ nhỏ lệ âm thầm mỗi tối khi ngồi đếm những đổng tiền tip trong ngày có được để sinh tồn. Nhưng cũng bao nhiêu tự ái, tủi thân ấy chấp cánh bay đi vào một lễ Tạ ơn để tôi an nhiên sống, thậm chí thích nghề giao pizza tận nhà từ món quà của thượng đế ban cho.

Hôm đó gần lễ Tạ ơn, trời đổ nước đá bào chứ không phải tuyết, những hạt mưa đá nhỏ tí teo tung tăng trên đường theo gió. Tôi trợt chân trước cửa nhà một khách hàng, không bị thương nhưng gãy mất cái kính.

Bà chủ nhà là một bà cụ Mỹ trắng rất phúc hậu. Bà lo lắng và thương cảm cho tôi đến cảm động. Tôi đã ngồi xuống sofa nhà bà, uống tách trà nóng do bà mời. Tôi đã làm một việc sai trái với nội quy cho người đi giao pizza là không được phép làm như thế, không được bước vào trong cánh cửa nhà của khách hàng. Nhưng trước thịnh tình của người bản xứ thì phải biết xử sự sao cho ra một người Việt Nam?

Tôi quên hết nỗi lo sợ có thể mất việc nếu ông quản lý ở tiệm pizza biết được. Tôi cảm ơn bà cụ đã vỗ về tự ti mặc cảm trong lòng tôi vào một đêm đông. Tôi chỉ cái bảng tên đường gắn trên khung cửa cách biệt phòng khách với nhà sau trong nhà bà. Tôi hỏi: “Bà thích Elvis Presley lắm hả?” Vì tôi thấy trên khung cửa ấy là tấm bảng màu xanh lá cây, chữ trắng, và ghi là “Elvis Presley. Blvd”

Bà cụ như trẻ lại tới thời bà còn con gái, bà huyên thuyên kể về kỷ niệm. Tôi chỉ hiểu được đó là món quà của người bạn trai đầu tiên đã tặng bà khi hai người đi xem buổi ca nhạc của Elvis Presley. Đó là lúc ông cụ đã đói bụng nên mò từ trên lầu xuống, hỏi: “Pizza tới chưa?”

Mọi chuyện cứ diễn ra như theo ý Chúa. Sáng hôm sau tôi đi làm. Nhà tôi nhờ đem trả đồ mà má xấp nhỏ đã mua ở Trung tâm thương mại Collin Creek mà người Việt quen gọi là Collin Creek Mall. Sao tôi lại thấy một khách hàng khác cũng đi trả đồ như tôi. Cô ta trả lại hai cái đồng hồ treo tường be bé, xinh xinh, trên mặt đồng hồ có in hình Elvis mờ mờ, có cả chữ ký của Elvis nữa.

Tôi đợi cô trả xong thì xin mua. Cả hai cái đồng hồ có sáu mươi đô la, vị chi có ba mươi đồng một cái. Tôi cần một cái để thay cái đồng hồ Toyota ở nhà, hồi mua xe người ta cho quà. Nhưng nó đã rơi và vỡ kính. Tôi nghĩ đến bà cụ nên mua hai để tặng bà một. Tôi nghĩ thầm, chắc bà cụ vui lắm vì cái đồng hồ này độc đáo là mỗi giờ Elvis lại hát một câu trong những bản nhạc ngày xưa ông hát. Món quà tặng này biết đâu có thể làm bà cụ mỗi giờ mỗi trẻ lại khi hoài niệm và yêu mến Elvis Presley.


Đâu ngờ ý Chúa đã an bày, tới hôm lễ Tạ ơn năm ấy. Tôi không có cơ hội đi giao pizza đến nhà bà nên đợi hết giờ làm thì lái xe đến nhà bà. Bấm chuông để tặng bà cái đồng hồ. Bà vui đến ứa nước mắt với một người Việt nam vô danh, tôi thì khóc được với một người bản xứ đã tặng tôi cái kính mới vào lễ Tạ ơn năm ấy. Bà nói với tôi, “Cái kính gãy của anh đã rơi khỏi túi áo lạnh của anh nửa cái. Sáng hôm sau tôi thấy trên sofa, nên tôi đi đặt làm cái kính mới cho anh, theo độ của cái kính gãy. Anh thử lại xem có vừa mắt không…?”

Chúng tôi thành bạn vong niên với nhau cho tới lúc bà mất. Tôi thành bạn nhậu của ông nhà sau khi bà mất đến lúc ông phải vô viện dưỡng lão…

Từ đó tôi cảm nhận về ngày lễ Tạ ơn qua lăng kính mới. Nếu cứ nhìn cuộc sống qua bảng giá, cộng thuế ở Mỹ này thì cuộc đời khô xảm lắm! Mỗi người chỉ còn là cái máy in tiền để đi mua và trả thuế. Tôi hiểu thêm ý nghĩa của lễ Tạ ơn là sự cho đi và nhận lại; dù chỉ một câu chúc mừng nhau, món quà mọn, nhưng làm ấm lòng nhau cho cuộc sống thăng hoa tới người người cảm nhận được hạnh phúc quanh mình. Nên tôi hiểu được một người bạn đã trò chuyện với tôi trước lễ Tạ ơn gần đây, cô ấy nói, “Ngày xưa em cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày quy y, em không ăn thịt gà nữa. Cứ lễ giết gà về là em ráng làm những việc tốt, lớn nhỏ gì cũng hồi hướng công đức cho tất cả những con gà sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn…”

Có phải lễ Tạ ơn đã cứu rỗi một người, rồi ý nghĩa ngày lễ thấm sâu thêm vào lòng người để mỗi người hướng thiện theo cách riêng? Để mỗi năm lễ Tạ ơn về, ai cũng ráng sắp xếp công việc để có thể tham gia vào những bữa ăn miễn phí tổ chức bởi các Hội Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những người không nhà. Ai từng đến với những bữa ăn này, thường sang năm lại đến vì thôi thúc của lòng từ bi đã thức dậy trong tâm khi nhìn những người nghèo đứng xếp hàng trong gió lạnh để nhận một phần ăn từ những người thiệm tâm. Ai có thể đứng ngoài tình người dửng dưng cho được. Phải đứng về một phía, nếu ta không là người cho thì ta sẽ là người nhận. Chẳng ai đứng ngoài xã hội mình đang sống được cả.

Với lễ về năm nay, tôi vừa gãy cái kính do bất cẩn. Ta thán với người bạn xa,“sao tôi xui dữ vầy nè?” Bạn tôi gợi ý, đi tìm cái kính cũ xài đỡ đi, rồi tính sau. Tôi chỉ tìm ra cái kính của bà cụ năm xưa cho, cũng đã gãy… Tôi hỏi tại sao những người cho không cung cấp đủ kính cho tôi dùng - là ý nghĩ trong mùa Tạ ơn này! Nhưng nhờ không có kính nên tôi chẳng nhìn xa được nên nhìn vào lòng mình là khỏi cần kính. Tôi thấy rõ ra mình cứ đứng mãi bên phía người nhận nên bên cho hụt người! Tôi gọi cô bạn đã quy y, “Cho anh đóng góp chút đỉnh vô bữa ăn cho người không nhà mà nhóm con lai của các em tổ chức. Nếu hôm đó anh có thời gian thì anh sẽ góp một bàn tay với anh chị em…”

Một trong những ý nghĩa của lễ Tạ ơn là sự cho và nhận. Ở đâu cũng nhiều người rộng lòng nên ở đâu cũng có rất nhiều người đang cần những tấm lòng nhân ái của mọi người. Nếu Tạ ơn chỉ gói ghém với những người mà ta từng thọ ơn thì danh sách những người ta phải mang ơn, đền ơn sẽ dài hơn trí nhớ chúng ta nhiều bởi không ai tồn tại trên đời mà không từng mang ơn người khác. Chúng ta được sinh ra làm người, đã là một ân sủng của Tạo hoá. Tôi không biết xuất thân của ai, nhưng bản thân thì tôi rõ. Từ đứa bé đủ cơm no áo ấm, mỗi ngày đến trường. Rồi lớn lên trong mù mịt tương lai vì lịch sử sang trang. Rồi vượt thoát đến miền đất hứa, trải qua bao nhiêu hoàn cảnh khi hưng lúc khó… Tôi không thể một mình vượt qua tất cả để tồn tại đến bây giờ mà ơn thọ từ cái kính của người bản xứ đã tặng tôi, làm thay đổi cái nhìn của một người di dân theo hướng thiện tâm và tích cực hơn…

Mùa Tạ ơn về, lễ Tạ ơn cận kề với bao tấp nập ngoài phố thị, trên môi cười trẻ nhỏ, lo toan trong ánh mắt những người lớn còn khó khăn… Tôi đã đủ cơm ăn áo mặc, một việc làm ổn định, một chỗ ở không phải sợ nắng mưa. Tôi Tạ ơn xứ sở này đã cho tôi biết bao nuôi dưỡng và dung thứ để tôi có hiện tại. Tạ ơn quê nhà đã đón nhận tôi từ một sinh linh bé bỏng, cho tôi thật nhiều kỷ niệm tuổi thơ, cả nỗi nhớ thương quê dạt dào trong lòng người viễn xứ khi lễ Tạ ơn về.

Tạ ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục. Tạ ơn thầy cô đã dạy dỗ cho tôi từ vỡ lòng tới khai trí. Tạ ơn anh chị em trong nhà đã chia cay xẻ đắng với nhau khi vận nước đổi thay, cha tù mẹ bệnh… Tạ ơn bạn bè đã lắng nghe và chia sẻ cùng tôi. Tạ ơn em mùa về khơi gợi biết bao nỗi niềm. Tạ ơn cả lời thơ dòng nhạc đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi theo năm tháng…

Tạ ơn đời khoan thứ bao dung…

Thanksgiving 2016

Phan

Ý kiến bạn đọc
20/11/201602:58:13
Khách
Bài viết Tạ Ơn quá xúc cảm. Cám ơn tg Phan. Chúc anh và gia đình nhận và cho thật nhiều ơn phước trong mùa lễ
20/11/201601:00:25
Khách
Tạ ơn cả những nhà văn, nhà thơ đem lời hay, ý đẹp đến với mọi người chứ đừng đem sự hận thù, hiềm khích, kỳ thị... trên cái xứ sở Cờ Hoa đẹp đẽ này. Cám ơn tác giả. Mong bài viết sau.
19/11/201618:31:44
Khách
Kính cận thị ít khi 2 bên cùng 1 dộ, mắt nặng mắt nhẹ,nếu bà cụ đưa nửa kinh gãy của anh cho thợ kính làm lại bên kia cùng 1 dộ chắc anh phải ra tiệm thử mắt làm lại tròng kính khác. Nhưng như vậy là quý quá rồi, bà cụ biết làm sao hơn.
19/11/201616:31:50
Khách
...và tạ ơn toàn thể những quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh hay mất một phần thân thể trong cuộc chiến chống quân Cộng sản xâm lược để cho tôi có những ngày sống bình an ở hậu phương .

Một bài viết hay trong mùa Lễ Tạ Ơn .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,345,730
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.