Hôm nay,  

Cái Duyên Nơi Cửa Phật

14/11/201600:00:00(Xem: 13348)

Tác giả: Triều Phong (TPN)
Bài số 4967-18-30667-vb2111416

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới của ông là một sinh hoạt Phật sự vùng Dayton - Ohio.

* * *

blank
Hòa Thượng Jampa Kalsang.

“Phật hoá hữu duyên nhân” là câu trong sách Phật mà tôi hay bắt gặp đâu đo, nhưng chỉ hiểu một cách đại khái. Mãi gần đây, mới có dịp cảm nhận được cái lý sâu xa về chữ duyên trong Phật Pháp.

Tôi về Dayton- OH (quê vợ) này đã gần bảy năm và thường đi lễ Chùa Tịnh Quang nhưng thú thật tôi không biết về nguồn gốc thành lập của chùa này nhiều lắm. Chỉ nhớ Chùa Tịnh Quang ngày trước rất nhỏ ở dưới phố Dayton, tại một vị trí vô cùng bất lợi, parking lot thì bé xíu rất bất tiện cho đồng bào lui tới trong các dịp lễ lạc.

Nghe nói Chùa Tịnh Quang được thành lập đâu vào các năm đầu của thập niên 1990 và trải qua những đời hội trưởng trước. Dần dà, chùa phát triển với số lượng phật tử tham gia mỗi ngày một đông dù rằng chùa không có thầy trụ trì và cư dân Việt vùng này chỉ trên dưới hai ngàn người.

Mấy năm trở lại đây ông hội trưởng sau cùng, nhận thấy điạ thế chùa quá bất tiện nên đã tìm mua được một ngôi Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo không còn sử dụng để làm thành chùa hiện tại.

Diện tích nhà thờ này rất lớn, có nhiều phòng, có basement to, có chỗ đậu xe rộng rãi, có mấy cây đại thụ bên hông che nắng cho nhà thờ khiến cho khuôn viên nhà thờ rất mát mẻ, tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo. Chỉ có điều là nó nằm ở khu lao động của thành phố nên hơi vắng vẻ và thiếu an ninh đôi chút.

Sau khi tậu được ngôi chùa cho phật tử, ông hội trưởng đã sắp xếp bên trong, sửa sang bên ngoài, thỉnh tượng Phật Di Lặc về an vị trước tiền đình và dọn một khu đất sạch sẽ, quang đãng bên cạnh chùa để làm chỗ thờ phượng Phật Bà Quan Âm với hồ sen có nước chảy róc rách suốt đêm ngày khiến cho khuôn viên chùa trở nên đẹp, tôn nghiêm và mang dáng dấp của một cơ sở tôn giáo hơn.

Ông hội trưởng theo sự giới thiệu của một vị phật tử, đã thỉnh Thầy Tâm Hiền về làm Sư Trụ Trì cho Chùa Tịnh Quang. Có thầy lo phần việc chánh đại diện cho chùa rồi, ông yên tâm từ chức hội trưởng.

Thầy Tâm Hiền là người tôi từng biết từ hơn hai mươi lăm năm về trước bên trời tị nạn Palawan-The Philippines khi tôi tới bái Phật tại Chùa Vạn Đức do Hòa Thượng Thích Giác Lượng lập ra ở trại PFAC (The Philippine First Asylum Camp). Khi Thầy về làm trụ trì chùa Tịnh Quang ở Dayton- Ohio, chúng tôi vui mừng gặp lại nhau. Đó là lý do Thầy Tâm Hiền thường yêu cầu tôi tới giúp việc chùa!

Ngày Hai Mươi Ba Tháng Mười năm 2016, Chùa Tịnh Quang có tổ chức buỗi lễ đón tiếp Giáo Đoàn Tây Tạng tới viếng thăm, giáo hóa, chuyển pháp luân cho bà con Phật tử trong vùng. Ba ngày trước lễ đón tiếp giáo đoàn, tôi được Thầy Trụ Trì điện thoại yêu cầu tôi làm MC (Master Ceremony - xướng ngôn viên) cho buỗi lễ. Thầy muốn tôi đến chùa để họp và sắp xếp công việc đón tiếp giáo đoàn. Trong cuộc nói chuyện, thầy còn cho biết sẽ có Đại Đức Thích Viên Pháp từ Nam Cali về làm thông dịch giúp chùa.

blank
Thầy Tâm Hiền dâng lễ.

Đọc sách “Viết Về Nước Mỹ năm 2016,” tôi biết Đại Đức Thích Viên Pháp là tác giả bài “Du tăng hoằng pháp lợi sanh” nhưng chưa từng gặp thầy. Thế mà bây giờ chuẩn bị gặp gỡ nhau, giải thích thế nào nếu không phải là cái duyên theo thuyết nhà Phật?

Bởi, nếu tôi không năng lui tới chùa lạy Phật thì làm sao tôi có dịp được gặp lại Thầy Tâm Hiền, rồi bây giờ lại có duyên cùng làm việc Phật sự với Thầy Viên Pháp?

Trước lễ hai hôm, một đêm tôi đi làm về sớm hơn thường lệ nhằm ghé tạt qua chùa và không quên mang theo cuốn “Viết Về Nước Mỹ năm 2016”. Sau khi nhấn chuông và đứng đợi, từ trong bóng tối ở ngoài nhìn vào tôi nhận ra ngay người đang mở cửa cho tôi là Thầy Thích Viên Pháp.

Vái chào thầy rồi tôi xuống basement ngồi đợi thầy múc cháo cúng linh xong và trong lúc trò chuyện tôi nói là tôi có biết thầy dù chưa gặp khiến thầy hơi ngạc nhiên không hiểu nguyên do nào? Tôi lấy sách “VVNM 2016” đưa cho Thầy Viên Pháp xem bài và hình của thầy xong rồi chỉ sang bài của tôi. Thầy mừng và vui lắm, thế là nhờ cái “duyên viết về nước Mỹ” mà bỗng chốc tôi với thầy đã trở nên gần gũi như quen tự thưở nào!

Hôm lễ, tôi đến Chùa Tịnh Quang trước gần một tiếng đồng hồ để làm việc với Thầy Viên Pháp. Trước sân chùa, Thầy Tâm Hiền đã cho người treo những dây mang cờ Phật giáo từ trên nóc xuống tới bãi cỏ. Ngay trên cao của mặt tiền chùa có treo một tấm “băng rôn” chào đón Giáo Đoàn Tây Tạng bằng Anh Ngữ.

Đúng mười giờ sáng, trong cái không khí lành lạnh của trời thu, gió thổi lan man, những chiếc lá vàng nhè nhẹ rơi trên thảm cỏ thì sân chùa đã rộn rịp đồng bào phật tử với áo quần sặc sở từ tứ phương đổ về. Trong số đó có hai ngưòi từ Iowa sang và vài đạo hữu người Mỹ sống quanh đó tới tham dự. Tuy vậy vẫn không được đông lắm, chỉ ước độ chừng khoảng trên dưới một trăm người thôi.

Trong khi chờ đợi giáo đoàn từ thành phố Cincinnati tới, Thầy Viên Pháp đã mời mọi người vào chánh điện và nói sơ qua về tiểu sử của các Thầy Tây Tạng cùng cách thức cũng như quá trình đi tu của họ cho phật tử nghe để mở mang thêm kiến thức một cách rất lý thú.

Khi đồng hồ điểm mười giờ bốn mươi lăm, tôi mời Thầy Tâm Hiền và các em thiếu nữ với những tà áo dài thướt tha trong Ban Dâng Hương mang các giỏ hoa đầy màu sắc cùng toàn thể phật tử ra tận bãi đậu xe tiếp rước giáo đoàn. thì trong chùa anh Sơn, người phụ trách âm thanh kỹ thuật, cũng bắt đầu mở máy cử ba hồi chuông trống Bát Nhã, khiến cho không khí đón rước sôi động và trang trong hẳn lên.


blank
Phật tử Chùa Tịnh Quang đón phái đoàn Tây Tạng.

Lúc Giáo Đoàn Tây Tạng vào chánh điện lạy Phật xong và theo vị trí sắp sẵn Thầy Trụ Trì Chùa Tịnh Quang ngồi ở bàn bên phải dưới chánh điện, các vị Sư Tây Tạng thì ngồi phía bên trái. Trên kia, Hoà Thượng Jampa Kalsang, ngồi giữa chánh điện dưới tượng Phật Thích Ca. Bên phải Ngài là một vị Thượng Tọa Tây Tạng, người chịu trách nhiệm dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh và cạnh đó là Thầy Viên Pháp sẽ chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho phật tử nghe.

Sau khi mọi người an tọa, tôi bắt đầu giới thiệu thành phần quan khách. Hướng dẫn giáo đoàn có Hòa Thượng Lampa-Kalsang, Thượng Tọa Tenzin-Kyacho, Thượng Tọa Lopsang-Dhondup, Đại Đức Jampa Samten, Đại Đức Jampa-Jorden. Về phía Ohio có Thượng Tọa Thích Tâm Hiền, Chánh Đại Diện cùng Đạo tràng Chùa Tịnh Quang và phật tử, Đại Đức Thích Viên Pháp từ Nam Cali tới làm thông dịch viên cho buỗi lễ cùng một nữ đệ tử từ San Jose qua để tháp tùng Giáo Đoàn Tây Tạng.

Mở đầu buổi lễ, TT Tâm Hiền vái chào HT Jampa-Kalsang và phát biểu đôi lời chào đón, vấn an chư vị sư tăng bằng Anh Ngữ. Đoạn Ngài qùy xuống bái Phật và lạy chào Hòa Thượng Jampa-Kalsang. Ngài Jampa Kalsang cũng cúi đầu đáp lễ rồi mời Thầy Tâm Hiền về an vị nơi bàn trụ trì.

Tiếp tục chương trình tôi mời mọi người đứng lên làm lễ chào cờ. Đầu tiên là Quốc Ca Hoa Kỳ, kế tiếp là Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa cùng Phật Giáo Ca do mấy em Lớp Việt Ngữ của chùa được Cô Thảo phụ trách trình bày. Sau cùng là một phút Mặc Niệm cho những người đã hy sinh vì lý tưởng tự do.

Sau nghi thức chào cờ, Thầy Viên Pháp mời Hoà Thượng Jampa tiến hành buổi lễ. Đầu tiên Ngài ngỏ lời cám ơn Thầy Trụ Trì và phật tử đón tiếp. Hòa Thượng và Giáo Đòan Tây Tạng vô cùng cảm kích sự tiếp rước rất long trọng và đầy đủ nghi thức của Chùa Tịnh Quang. Sau đó Hoà Thượng Jampa bắt đầu tụng kinh bằng tiếng Phạn Âm, cầu nguyện Âm siêu-Dương thới. Thuyết pháp Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên rất lâu. Giọng Ngài mạnh, khi trầm hùng lúc bay bổng đôi khi lại rù rì và có lúc ngân nga vang vọng như thác đổ khiến tôi có thể cảm nhận được cái sự huyền bí trong lời kinh tiếng kệ của hoà thượng, dù không hiểu nghĩa tiếng Phạn. Đây là lần đầu tiên tôi tham dự buổi lễ do các Sư Tây Tạng chủ trì và thấy mình đã “feel” được câu kinh tiếng kệ của Phật pháp!

Rồi Ngài cho một đại đức đi phát cho mỗi người một cây bột nhỏ tròn và dài bằng ngón tay. Ngài kêu mọi người dùng tay trái nắm chặt cây bột này và lấy ngón tay cái ấn đầu cây bột mạnh xuống. Vài phút sau Ngài bảo một vị Đại đức đi thu hồi những cây bột này cho vào một cái mâm và Hoà Thượng Jampa đặt một tượng Phật nhỏ vào giữa mâm đoạn đọc kinh dăm ba phút.

blank
Người viết và Thầy Thích Viên Pháp.

Kế tiếp, hai vị đại đức lấy mấy bao nylon đen trải xuống thảm xong đặt lên đó hai cái mâm to để hứng nước. Mọi người xếp hàng, lần lượt tiến lên chỗ hòa thượng ngồi. Nơi đó Ngài có đặt sẵn một thùng nước đã được chú niệm. Rồi từng năm người một quỳ xuống, đầu cúi sát vào mâm. Bên trên Ngài Jampa-Kalsang cứ lâm râm cầu kinh tay liên tục múc nước rưới nhè nhẹ lên đầu phật tử. Trong lúc đó hai đệ tử của Ngài ngồi túc trực hễ thấy mâm nước khá nhiều thì bưng đổ vào xô chứa nưóc đã dùng.

Tiếp theo, Hòa thượng đặt tượng Đức Vân Thù Sư Lợi nho nhỏ vào một cái khay cũng nhỏ bằng gỗ, phật tử lại xếp hai hàng và lần lượt đi lên nơi hoà thượng ngồi, quỳ xuống, cúi đầu để Ngài đặt cái khay đó lên đầu, miệng Ngài liên tục đọc kinh, khấn nguyện. Trước khi bước ra hoà thượng còn tặng cho mỗi người một sợi dây nhỏ màu đỏ để đeo tay. Sợi dây này đã được chú niệm nhằm đem phước báu, bình an đến cho người mang nó cùng hai bịch nhỏ. Một bịch thì đựng một chút cát mà Ngài giải thích là cát lấy từ một nơi nào đó rất linh thiêng bên xứ Tây Tạng còn bịch kia lại chứa những viên thuốc tròn, nhỏ li ti màu nâu dùng để uống mỗi ngày một viên lúc ốm đau. Hai bịch này nên được để trên bàn Phật là tốt nhất!

Theo lời Hoà Thượng Jampa thì tất cả các hình thức kể trên là cách giải trừ bệnh tật cầu an của Phật Giáo Tây Tạng mà hôm nay Ngài mang đến đây để giúp chữa bệnh cho đồng bào phật tử Dayton như một sự ban phước nhằm đáp lại thịnh tình mà mọi người đã dành cho giáo đoàn.

Buởi lễ kéo dài đến hai giờ rưỡi chiều mới chấm dứt. Mọi người đã cúng dường cho giáo đoàn một ít hiện kim tùy hỷ theo khả năng cũng như mua một số phật phẩm ủng hộ giáo đoàn. Ngoài ra Hoà Thượng Jampa còn cho biết Ngài có một tu viện lớn ở Nam Cali hiện đang có ba trăm tăng sĩ trẻ đang tu học và Ngài kêu gọi mọi người ai có khả năng muốn phát tâm lành thì thí phát bảo trợ mười đồng ($10.00) một tháng cho mỗi tu sĩ thì báo cho Ngài hay.

Ngoài ra, Ngài cũng cho biết giáo đoàn sẽ lưu lại đây ba hôm trước khi về lại Cincinnati nên phật tử nào muốn mời giáo đoàn về nhà riêng làm lễ thì các vị cũng rất sẵn lòng gieo duyên.

Riêng tôi thì nhờ cái nhân duyên ấy mà tôi cùng Thầy Viên Pháp và Thượng Tọa Tâm Hiền đã cùng nhau tổ chức để buổi đón tiếp được hoàn mỹ hơn với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của nhiều bà con phật tử khác.

Buổi lễ với sự góp mặt của các phật tử gần xa để góp phần công đức cầu nguyện Quốc thới, Dân an, tất cả chúng sanh, chúng ta, giải trừ nghiệp chướng, bệnh chướng, phiền não chướng, để cuộc sống nhân sinh của chúng ta thêm nhiều an lạc, và cũng để cầu nguyện cho thân bằng quyên thuộc đã quá vãng của chúng ta “Ân triêm Phước quả” được sanh thiên thượng, đã hoàn thành tốt đẹp. Mọi người ra về đầy mãn nguyện trong chánh niệm!

Nam Mô Hoan Hỷ Quang Lâm Bồ Tát

Mùa Thu, Dayton-Ohio

Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
21/11/201616:53:51
Khách
Chị Annie ơi,
Làm sao quên chị được chứ nhất là bây giờ chị đã thành hoa hậu VVNM 2016 rồi ! Chúc mừng! Chúc mừng!
Ngày nào có dịp trở lại Cali em sẽ quậy phá chị một bữa, bắt chị thưởng muộn thằng em này...hehehe!
Chúc chị cùng gia đình được nhiều hạnh phúc.
TP
17/11/201604:22:14
Khách
Triều Phong còn nhớ chị Annie hôm đi lãnh giải không?
TP còn viết là vẫn khỏe.Cho chị gửi lời thăm nhiều.
Chừng nào về Cali chơi nhớ imeo cho chị. Mời TP ghé chơi, ăn quà vặt ở chợ đêm Bolsa.Nhà chị gần đó. OK
15/11/201604:39:55
Khách
Tác giả có duyên như vậy là do nghiệp đã vơi bớt thôi chứ chưa hết hẳn đâu mà cừ .
Duyên-Nghiệp là hai phạm trù trong triết học Phật giáo . Nếu duyên tăng thì nghiệp cũng tăng (nguỵ biện ? :)).
15/11/201603:25:06
Khách
Chào anh Hùng và anh Bình,
Cám ơn hai anh và cũng chúc hai anh cùng gia đình khỏe luôn.
Mến,
Triều Phong
14/11/201623:13:12
Khách
Thăm anh và gia đình khỏe.
14/11/201613:15:53
Khách
Lành thay! Lành thay! Một nếp chùa thể hiện nền văn hoá Việt nơi đất lạnh tình nồng của những người xa quê hương cùng nhau nương tựa tinh thần.
Xin thưa với quý thầy là không sớm thì muộn sẽ có "phật tử" ở Việt Nam mời quý thầy về thuyết pháp hay dạy thiền. Nếu nhận lời thì chắc chắn sẽ dính vào cái bẫy của bọn quỷ dữ. Ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn có 15 ngôi chùa, 14 chùa là của tụi chúng rồi! Ngay cả vị hoà thượng đi tu từ thuở thiếu niên, nay đã 85 tuổi mà còn bị chúng dụ vào bẫy. Xin quý vị hãy cảnh giác.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,285,725
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới của ông về quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của cô là một du ký, đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ hai của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây là bài viết thứ tư của bà, về thảm họa Alzheimer’s đang gia tăng khắp thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung . Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu, nơi ông đang làm việc.
Lời giới thiệu: Tôi là một nữ cư dân của California. Mi Thu là tên viết văn của tôi, hàng mi mùa Thu. Thật ra, tên nàylà âm của chữ MeToo, tên của phong trào nạn nhân lên tiếng tố cáo những người đã xâm phạm tình dục. Câu chuyện sau đây là có thật nhưng các tên đã được thay đổi vì hiện giờ tôi không thấy cần phải tiết lộ danh tánh những người trong chuyện. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8, 2017. Bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà. Bài viết đầu tiên kể chuyện từ miền Đông về Little Saigon dự họp mặt liên trường tỉnh Tây Ninh. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến