Hôm nay,  

Anh Ngữ và Tôi

10/11/201600:00:00(Xem: 12578)

Tác giả: Sao Nam Trần Ngọc Bình
Bài số 4962-18-30662-vb5111016

Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản.

* * *


Năm 1954 lên lớp Đệ Thất tôi may mắn được Thầy Lê Bá Khanh dạy Anh Ngữ.

Phải nói là rất may mắn vì hồi đó thầy giáo dạy môn này không có bao lăm nên nhiều Trường phải lấy thầy dạy môn Pháp ngữ thay thế.

Dĩ nhiên,thầy dạy Pháp Ngữ để thay thế thầy dạy Anh Ngữ, nếu không qua một khóa tu nghiệp nào về tiếng Anh thì học trò làm sao phát âm cho đúng.

Thế mới khổ cho cả thày lẫn trò nữa.

Hai Giáo Sư Lê Bá Khanh và Lê Bá Kông là hai vị Thầy nổi tiếng lúc bấy giờ tại Hà Nội về dạy tiếng Anh.

Sách học lúc bấy giờ là quyển L’Anglais Vivant 6 ème Bleu do một giáo sư người Pháp soạn cho học sinh Pháp nên học sinh Việt ta vì chưa có sách nên đành học ké chứ biết làm sao bây giờ!

Nắm được nhu cầu của học sinh nên Thầy

Kông đã soạn một bộ sách dùng kèm với cuốn L’Anglais Vivant 6 ème Bleu đó là 2 cuốn Ngữ Vựng và Văn Phạm

Về cuốn Ngữ Vựng Thầy Kông đã nghĩ ra cách chua phiên âm tiếng Anh bằng tiếng Việt để học sinh trên toàn cõi Việt Nam hồi đó nếu gặp phải khó khăn trong cách phát âm cho chuẩn thì cứ theo lối phiên âm đã ghi trong sách mà tự học.

Tôi còn nhớ khi mở cuốn Ngữ Vựng ra học tôi đã loay hoay không biết làm sao để tập phát âm.

Tôi bèn hỏi anh tôi:

“Làm sao học đây anh? Tiếng Anh khó quá?”

Anh tôi bèn đứng lên chạy qua phía bên tôi và nói:

“Đây này thí dụ như chữ “abaft” thì cách đọc người ta sẽ chua là “ơ ba:ft” với dấu nhấn giọng đánh vào âm trước chữ “ba:ft”. Khi phát âm chữ này, âm “ơ” đọc nhẹ còn âm sau là âm “ ba:ft” thì bắt buộc phải nhấn mạnh với âm “a” hơi kéo dài một chút vì âm “a:” đi kèm với hai dấu chấm. Nếu biết rồi thì tiếng Anh không khó đâu! Em cứ học đi rồi sẽ quen thôi.” Anh tôi khuyến khích.

Cái hay và đặc sắc của cuốn Ngữ Vựng này là thày Kông đã sáng tác ra cách chua phiên âm bằng tiếng Việt nhờ thế mà học sinh mới lên lớp Đệ Thất hay tự học có thể phát âm thật đúng âm tiếng Anh mà không sợ sai.

Nghe anh tôi chỉ dẫn, tôi như người đang ở trong bóng tối tự nhiên cảm thấy mình ở trong ánh sáng chan hòa và thấy cách phát âm của người Anh không còn khó nữa.

Khi di cư vào Miền Nam năm 1954 tôi đang học lớp Đệ Lục và đã học hết cuốn sách “L’Anglais Vivant 6 ème Bleu.”

Cuốn này nếu học kỹ và nhớ hết thì người học có một số vốn tối thiểu về Ngữ Vựng và Văn Phạm đủ để nói những chuyện thường ngày nên tôi cũng bạo phổi tập nói tiếng Anh với một ông sĩ quan người Mỹ khi chiếc chiến hạm mà ông phục vụ ghé thăm Việt Nam Cộng Hòa đậu tại bến Bạch Đằng ngay trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân.

Phải nói là cách hành xử của ông sĩ quan này đúng là phong cách của người Mỹ có học như lịch sự, nhã nhặn, vui vẻ và dễ mến.

Dĩ nhiên chỉ qua vài câu xã giao thì ông ấy biết tỏng tôi chỉ là một thanh niên mới lớn, đang tập nói tiếng Anh nên khi trả lời các câu hỏi của tôi ông nói rất chậm để cho tôi có thể hiểu được ông ấy muốn nói gì. Sau mỗi câu trả lời ông đều hỏi xem tôi có hiểu lời ông nói hay không.

Ông đã hành xử như một ông thày đối với tôi hơn nữa ông lại coi tôi như một người trưởng thành qua cung cách mà ông đối đáp. Cho đến nay làm sao tôi quên được cách cư xử rất nhã nhặn, rất lịch sự, rất người này của vị sĩ quan người Mỹ này.

Ngoài cuốn Ngữ Vựng nói trên Thầy Kông còn cho xuất bản cuốn Văn Phạm và Luyện Dịch kèm theo cuốn L’Anglais Vivant nữa. Trong đó có phần giảng về Văn Phạm và phần Luyện Dịch các câu từ Việt sang Anh Văn cũng như phần sửa các bài tập Văn Phạm trong cuốn L’Anglais Vivant đi kèm theo theo mỗi bài.

Lúc bấy giờ tôi chỉ biết học và làm theo từng phần một như được chỉ dẫn.

Bây giờ tôi mới nhận ra cuốn Văn Phạm và Luyện Dịch rất giá trị và thật là “hết xẩy,” cho người mới học tiếng Anh như tôi,nói theo tiếng bây giờ.

Những người từ nhỏ chỉ học tiếng Việt thôi nay phải học tiếng Anh thì vấn đề tập dịch cho quen những câu từ tiếng Việt ra tiếng Anh và dịch những câu từ tiếng Anh ra tiếng Việt phải là ưu tiên hàng đầu nếu muốn nói được tiếng Anh.

Nếu không làm những bài tập như thế thì làm sao diễn tả điều mình muốn nói cho người nói tiếng Anh hiểu.

Cứ dịch và phản dịch như thế đến một lúc nào đó thì thói quen này sẽ trở thành bản năng và khi đó không cần dịch nhẩm trước trong đầu câu mình muốn nói thì câu này sẽ bật ra như một phản xạ tự nhiên.

Đây là điểm son của cuốn sách khiến học sinh cứ kiên nhẫn theo đúng sách thì sẽ đạt kết quả như ý muốn.

Khi di cư vào Nam tôi lại tiếp tục học cuốn L’Anglais Vivant 5 ème Beige nữa và sau đó là học lớp Hoàn Bị tại lớp Anh Ngữ Ziên Hồng ở Đông Tây Học Đường trên Đường Hai Bà Trưng.

Lớp Hoàn Bị này học đọc truyện và dịch những bài báo ngắn từ tiếng Anh sang tiếng Việt và những bài văn ngắn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Tài liệu giáo khoa chính của lớp học là hai cuốn “Các Truyện Hay Viết Bằng Anh-Việt Đối Chiếu” mà soạn giả là Thầy Lê Bá Kông.

Trong lớp Hoàn Bị này Thầy giảng bằng tiếng Anh cho học viên quen.

Sau khi mãn khóa lớp Hoàn Bị tôi nạp đơn xin học Anh Ngữ tại Hội Việt Mỹ trên Đường Mạc Đĩnh Chi.

Sau khi qua khảo hạch tôi được xếp vào lớp 13 tại lớp này các bạn học của tôi phần đông là theo học ở đây từ lớp 1 đi lên.

Khi theo học lớp này tôi mới thấy được cái hay của phương pháp mà Thầy Kông hướng dẫn khi các học viên cùng lớp muốn nói điều gì tôi thấy họ rất khó khăn để nói cho có mạch lạc.Có lẽ vì tại Hội Việt Mỹ họ không được học cách dịch và phản dịch chăng?

 Tôi vẫn còn nhớ một kỷ niệm khó quên khi được một anh bạn người Mỹ hỏi:

“Ông chỉ cho tôi cách đọc chữ “không” thật đúng như người Việt xem sao?”

Tôi nói với ông ta:

“Ông phát âm chữ “knock” với âm “k” ở vị trí cuối của chữ “knock” kéo dài thì ông sẽ phát âm đúng chữ “không” của người Việt. Trong chữ “không” này âm “kh” của người Việt nằm ở vị trí đầu tiên trái lại âm “kh” của người Mỹ lại nằm ở vị trí cuối cùng vì thế ông không phát âm được chữ “không” đúng như giọng của người Việt! Bây giờ ông thử xem sao đi!” Quả nhiên theo lời tôi sau khi thử lối ba lần ông ta đã phát âm đúng chữ “không” như người Việt ta.

Để thưởng công cho tôi sau khi phát âm đúng ông ta đã tặng tôi một nụ cười mà vẻ tươi mát vẫn còn lại trong tâm tư của tôi cho đến khi tôi viết mấy giòng chữ hoài niệm này!

Đến khi tôi gia nhập vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tôi lại có may mắn được điều về nắm một Đại Đội canh gác chung quanh Phi Trường Vĩnh Long và kiểm soát sự ra vào cổng phi trường của công nhân người Việt-với sự phụ tá của hai ông trung sĩ-làm công nhân cho Đại Đội Trực Thăng của Tiểu Đoàn 502nd Không Binh Hoa Kỳ. Tôi không ngờ là khi làm ở đây tôi lại có dịp xử dụng cái vốn Anh Ngữ của tôi khi được các phi công Mỹ yêu cầu bay chung với họ để yểm trợ quân ta.

Mỗi lần được yêu cầu tôi lại xách theo cái máy PRC-10 để tiện việc liên lạc khi cần.

Có lần VC tấn công một cái đồn của Nghĩa Quân, Tiểu Khu mang quân tiếp viện,đồng bào ở gần đồn tản cư ra khỏi vùng chiên sự bằng ghe. Nông dân Miền Nam mặc đồ bà ba đen nên trong con mắt của quân nhân Mỹ sang giúp ta bảo vệ tự do thì những người ăn vận đồ bà ba đen đều là VC hết.

Viên phi công muốn bắn, tôi ngăn ông ta:

“Ông không bắn được. Họ là dân đang chạy từ vùng giao tranh ra vùng an toàn. Ông có thấy không trên những chiếc ghe này toàn là đàn bà, con nít. Nếu ông cứ bắn tôi sẽ báo cáo cho Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu(TTHQ/TK) và lần sau khi các ông yêu cầu tôi bay chung tôi sẽ từ chối!”

Nghe có lý nhưng để vớt vát viên phi công hỏi ngược lại:

“Ông có phải là VC không?”

“Nếu là VC tôi không bay chung với ông hôm nay!” Tôi thản nhiên đáp.

Có lần đồn Tân Phú, nơi bảo vệ an ninh xa cho phi trường Vĩnh Long, bị chúng bắn quấy rối. Tôi báo cáo cho Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn Không Binh và xách chiếc máy truyền tin PRC-10 đi bay cùng hợp đoàn gồm hai chiếc trực thăng mà người Mỹ gọi là Fire-Fly (Trực Thăng Đom Đóm): một chiếc có đèn rọi với ánh sáng cực mạnh bay dẫn đầu, tôi ngồi trên chiếc này còn chiếc kia là chiếc có võ trang hai khẩu đại liên và hai giàn hỏa tiễn ở hai bên hông.

Bay một lúc, nhìn xuống không biết bao nhiêu là ghe có đèn, đây là ghe của dân đánh cá nên lúc nào cũng có đèn sáng. Tôi cho viên phi công hay Trưởng Đồn cho biết chỉ có hai chiếc tam bản thôi và yêu cầu viên phi công coi lại xem sao.

Cầm tấm bản đồ xoay đi xoay lại viên phi công quay về phía tôi cho biết ông ta bay lạc sang Cần Thơ!

Hú hồn!

Chỉ sau ít phút đổi hướng từ trên trực thăng tôi đã thấy hai du kích VC đứng trên tam bản chĩa súng bắn lên chiếc phi cơ soi đèn trên đó có tôi!

Nhưng làm sao bắn trúng vì ánh đèn quá sáng thì hai trái hỏa tiễn từ chiếc phi cơ có võ trang bay ở phía sau đã phóng trúng mục tiêu.

Khi quay lại để kiểm tra mục tiêu tôi chỉ thấy những làn sóng xô nhau đập vào bờ sông!

Có lần ông trung sĩ kiểm soát giấy tờ ở cổng ra vào cho biết có người kiếm tôi. Người tìm tôi là một ông già. Gặp ông tôi hỏi:

“Bác Hai à, bác cần con giúp gì không?”

Ông ta trả lời:

“Tôi là thứ ba. Thiếu Úy à!”

“Vâng thưa bác Ba, bác cần con giúp gì không?”

Bác Ba cho biết bác tổ chức đám cưới cho con gái. Bác muốn nhờ tôi báo cho toán bay tuần tiễu ban đêm của Tiểu Đoàn Trực Thăng biết địa điểm để tránh trường hợp hiểu lầm.

CS tìm đủ cách để phá hoại lòng tin của đồng bào đối với lực lượng quân đội Hoa Kỳ sang giúp ta. Chúng có thể từ địa điểm gần nơi có đám cưới bắn xẻ lên trực thăng tuần tiễu trên không và trực thăng bị bắn sẽ đáp trả. Đạn không ít thì nhiều sẽ bay lạc vào nơi đang có đám cưới.

Tôi bèn hỏi cho rõ nhà bác Ba ở gần con kinh tên gì và chấm tọa độ rồi báo cho Phòng Hành Quân của Tiểu Đoàn biết.

Một hôm Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Yếu Khu Phi Trường nói:

“Bình à! Nhiệm vụ của ông là Phi Trường, ông bay theo trực thăng nếu ông chết tôi làm sao báo cáo.”

Tôi hiểu Vị Chỉ Huy của tôi muốn nói gì.

Phục vụ ở phi trường công việc tuy có bề bộn nhưng tôi vẫn cố giành thì giờ để học thêm tiếng Anh qua Mục Anh Ngữ của Đài Phát Thanh Saigon. Mục này có một bài Chính Tả bằng tiếng Anh.

Cứ mỗi sáng tôi chạy xe gắn máy xuống Ngã Ba Cần Thơ mua tờ báo Thời Luận do Ông Nghiêm Xuân Thiện làm chủ nhiệm. Tôi đọc và tra từ điển những chữ mới và học cách phát âm cũng như nghĩa của từng chữ. Bài học này có thể nghe trên làn sóng Đài Phát Thanh Saigon vào lúc 8 giờ tối trên làn sóng ngắn và 11 giờ đêm trên làn sóng trung bình. Để tránh trở ngại nếu bất ngờ có chuyện gì xẩy ra trong đơn vị nên tôi chọn xuất 11 giờ đêm mở Đài để chăm chú lắng nghe rồi viết theo.

Tôi coi người đọc bài chính tả Anh ngữ trên Đài phát thanh Saigon cũng là một ông Thầy qua làn sóng. Ông Thầy này cũng theo đúng phương pháp sư phạm như ở trường là cứ mỗi câu Thầy đọc ba lần cho trò nghe.

Lần thứ nhất để trò nhận diện “người yêu” của mình. Lần thứ hai trò sẽ “vẽ lên khuôn mặt người yêu.” Lần thứ ba “đọc và sửa lại khuôn mặt người yêu cho đúng.”

Lần đầu và những lần sau lần nào kiểm lại tôi cũng thấy “mặt mũi người yêu của mình đầy những vết sẹo” và thấy mình được “ăn thật no”vì bài chính tả của tôi có tới 40 cái hột vịt lận.

Thế rồi dần dần số hột vịt cứ xuống cho tới khi vịt không còn trứng đẻ ra nữa nên khi mua báo về tôi không mở ra coi bài chính tả như trước đây mà chờ tới giờ là mở radio ra nghe và viết.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết mặt, biết tên Ông Thầy phụ trách Mục này của Đài Saigon năm xưa. Nếu Thầy còn sống xin thầy cho em gởi lời thăm sức khỏe và chúc Thầy vạn sự tốt lành.

Năm 1965 tôi đổi về Sư Đoàn 9 và phục vụ tại Trung Tâm Hành Quân của Sư Đoàn. Tại đây vốn Anh Ngữ của tôi lại có dịp được mang ra xử dụng khi tôi làm chung với các cố vấn trong Trung Tâm Hành Quân của Sư Đoàn.

Công việc trong Trung Tâm Hành Quân chỉ là theo dõi các diễn biến xảy ra trên toàn lãnh thổ của Khu Chiến Thuật do Sư Đoàn 9 phụ trách đó là Khu 41 Chiến Thuật.

Một hôm viên sĩ quan Mỹ trực cùng ca với tôi đang nói chuyện qua phone bỗng lăn trên bàn làm việc mà cười, vừa cười ông ta vừa kêu tôi:

“Ông Bình gọi Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Vĩnh Long (TTHQ/TKVL) liền đi! Tại Mỹ không có cái chuyện này!”

Cũng vừa lúc đó đường dây nóng của Tiểu Khu Vĩnh Long (TK/VL) reo lên. Phía bên kia là giọng nói của viên Sĩ Quan Trực T/K:

“Đây không phải là tản thương mà chỉ là chuyển bịnh thôi Đại Úy!”

Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe nói thế. Vị sĩ quan liền giải thích đây là trường hợp một viên sĩ quan vừa bị bà vợ quá ghen nên đã dùng dao cắt mất “của quí” nên Trung Tâm Hành Quân của Tiểu Khu phải xin trực thăng chuyển bịnh.


“Tại Mỹ không có cái chuyện này,” lời chàng sĩ quan Mỹ trực, có nghĩa ở Mỹ không có ông chồng nào bị vợ cắt của quí. Tôi đã tin lời chàng ta nhiều năm, cho tới khi sống trên đất Mỹ, đọc tin anh Mỹ John Wayne Bobbitt bị cô vợ Lorena Bobbitt dùng dao cắt “của quí”, ném ra ngoài đồng. May mà sau đó khúc bị cắt được tìm thấy và giải phẫu nối lại. Chuyện vợ chồng Bobbitt cho thấy khi lòng ghen hận lên cơn thì ở đâu cũng giống nhau mà thôi.

Năm tôi 15 tuổi tôi đã phải mang kính cận thị. Mang cặp kính này tôi thấy có nhiều trở ngại trong đời sống, nhưng cũng nhờ cặp kính đó mà tôi không trở thành “điệp viên không không thấy.”

Trong một dịp tháp tùng Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn 9 đến địa điểm đóng quân của Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn tại Quận Lỵ Càng Long, tỉnh Vĩnh Bình trên chiếc trực thăng Chinook để tham dự cuộc hành quân Long Phi xxx tại tỉnh Vĩnh Bình. Khi máy bay tới địa điểm rồi tôi cứ thấy phi cơ bay đi bay lại trên không chứ không hạ cánh liền như thường lệ. Nhìn xuống tôi chỉ thấy sương mù dày đặc

Người lính Mỹ ở phía sau đuôi của phi cơ chăm chú trả lời qua intercom với viên phi công.

Lúc đó tôi đang đứng gần anh lính Mỹ này. Loại phi cơ này cánh cửa phía sau chỉ đóng kín có một nửa. Chỉ nghe một tiếng “bụp”một cái và lửa bốc cháy trong lòng phi cơ ngay trước mặt tôi.

Tôi chỉ kịp “nói tiếng Anh bằng tay” là kéo vai anh lính Mỹ và chỉ vào đám cháy. Rất nhanh nhẹn anh này bèn giật cái bình chữa lửa treo ngay trên đám cháy và chĩa vào đám cháy và xịt liền.

Đám cháy tắt liền một khi và lúc đó phi cơ cũng đã đáp được xuống mặt ruộng đã được gặt xong.

Tôi vội vàng chạy ra khỏi phi cơ cùng với viên cố vấn người Mỹ. Tới bờ ruộng khá cao cả hai chúng tôi cùng núp xuống. Chờ lối 5 phút sau viên cố vấn đứng lên nói:

“Bây giờ ông có thể trở về phi cơ để lấy đồ!”

Nói xong ông ta giải thích:

“Lần sau nếu bị nữa nhớ chạy cho lẹ nhé vì đám cháy tuy đã bị dập tắt nhưng vẫn có thể là lửa vẫn cháy ở bên trong cái ống dẫn xăng và phi cơ sẽ bị nổ tung.”

Ông ta tiếp:

“Cái ống dẫn xăng có hai lớp, giữa hai lớp là một loại keo. Khi đầu đạn xuyên qua tạo nên một cái lỗ thủng.Lớp keo sẽ tự động hàn kín cái lỗ thủng đó.

Rất may mắn là chỉ có rất ít xăng thoát ra ngoài gây ra đám cháy mà bình chữa lửa đã dập tắt được.”

Chúng tôi lội ruộng, may mắn là loại ruộng khô không có nước về nơi đặt Bộ Chỉ Huy Nhẹ của Sư Đoàn 9.

Cảm thấy bị ngưa ngứa ở ống quyển tôi lật ống quần lên thấy có máu thì ra tôi đã bị thương. Sau này tôi mới biết là khi đầu đạn xuyên thủng vỏ phi cơ bằng nhôm thì những miểng nhôm này đã xuyên vào chân tôi ngay sát ống quyển.

Đại Tá Trần Bá Di, Tư Lệnh Sư Đoàn cho trực thăng tản thương tôi về Bệnh Xá của Sư Đoàn và ra lệnh cho Bác Sĩ Trần Văn Đỗ chiếu điện xem cái ống quyển của tôi có bị gẫy hay không.

Rất may mắn là không sao. Nhưng toàn bộ cái mặt của tôi bị rộp lên như cái bánh đa nướng. May mắn tôi được Thiếu Úy Nhung Phòng 5 Sư Đoàn cho tôi nửa ống thuốc kem thoa mặt còn lại mà trước đó Thiếu Úy đã cho một anh lính dùng để xoa vào mặt bị nám do nấu cơm bằng lò chạy bằng dầu bị nổ cháy. Nhờ ống kem còn lại tôi được miễn xếp hàng đi chơi với mấy ông bạn ma vào ngày Halloween!

Nhưng nhờ bị cận thị và mang kính cận nên mắt tôi không bị rộp vì sức nóng của lửa xăng máy bay và tránh khỏi phải cầm gậy mà quờ quạng mỗi lần cần di chuyển.

Quả thật Ông Trời đã cho tôi bị cận để cứu tôi khỏi cảnh mù lòa mà bây giờ khi tôi quá 70 rồi tôi mới nhận ra. Xin Cám ơn Ông nhé!

Năm 1969 có một Sự Vụ Văn Thư cho phép sĩ quan ở các đơn vị tác chiến được làm đơn xin thuyên chuyển về các đơn vị Nha Sở Trung Ương ở Saigon.

Tôi làm đơn và được chấp thuận cho đổi về một quân trường chuyên môn ở Saigon.

Tại đơn vị mới tôi được cho đi học một khóa chuyên môn tại nước ngoài. Khi gần tới ngày mãn khóa Trường giao cho các Trưởng Đoàn một đề tài thuyết trình về đất nước yêu quý của mỗi nước kèm theo một dàn bài gợi ý.

Anh Trưởng Đoàn ngỏ ý nhờ tôi giúp soạn bài và thuyết trình. Tôi nhận lời và sau khi tan học tôi vào Thư Viện của Trường kiếm những sách nói về lịch sử nước Việt mến yêu với một giải giang sơn gấm vóc, cẩm tú chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu cùng hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những tiền đồn canh gác trên biển của nước Việt thân thương trải qua hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của những con dân nước Việt mến yêu.

Bài thuyết trình khá dài nên tôi được sự tiếp tay của một anh Đại Úy Hải Quân cùng khóa học.

Khi tới phần nghỉ giải lao lối 5 phút anh bật máy thu âm và cho máy chơi bài “Ngậm Ngùi” thơ Huy Cận, phổ nhạc Phạm Duy để cho không khí buổi thuyết trình thêm hấp dẫn.

Ngày hôm sau vị sĩ quan người Mỹ phụ trách hướng dẫn ba sĩ quan học viên tụi tôi đi chơi vào mỗi cuối tháng-đây là tập tục của Trường chuyên môn này- cho tôi biết ý kiến về bài thuyết trình:

“Ông Bình ơi! Bài thuyết trình được lắm!”

Khi trở về Saigon làm việc tôi như người mộng du khi cứ nghĩ về cái kỷ niệm êm đềm lúc tôi đứng trên bục, thuyết trình về nước Việt Nam với hơn 4000 năm văn hiến cho các sĩ quan Đồng Minh của Việt Nam Cộng Hòa lắng nghe.

Đây là dịp may ngàn năm một thuở mà!

Ai mà chẳng có tâm trạng sung sướng hạnh phúc như tôi khi được dịp nói về đất nước yêu quý mà mình hằng mến yêu, trân quý cho các bạn ngoại quốc như Đại Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan cùng lớp nghe cái hay, cái đẹp của dân tộc mình mà mình vẫn yêu thương hết mực!

Còn gì hãnh diện cho bằng!

Ngày tháng trôi qua nhanh một hôm đơn vị tôi phổ biến một Sự Vụ Văn Thư về việc nạp đơn thi tuyển làm Giảng Viên Anh Ngữ cho Trường Sinh Ngữ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. (QLVNCH)

Sở dĩ gọi là Trường Sinh Ngữ vì Trường có hai khoa: Anh Ngữ và Việt Ngữ.

Anh Ngữ để dạy cho các quân nhân của Quân Lực VNCH sẽ đi tu nghiệp ở Mỹ và ở các nước Đồng Minh và Việt Ngữ để dạy cho quân nhân các nước tham chiến tại Việt Nam như Thái Lan, Phi Luật Tân, Mỹ, Úc,Tân Tây Lan nói tiếng Việt.

Tôi nạp đơn xin đi dự thí. Hai ngày sau Trung Tá T. Chỉ Huy Trưởng kêu tôi lên văn phòng.

Ông nói:

“Cho Bình về suy nghĩ ba ngày. Nếu Bình đi thì khi muốn trở về nghành thì khó đấy!”

Trung Tá T. là người thành thật, lo cho đàn em, dễ mến, lịch sự, nhã nhặn, sống đạm bạc.

Ông là người tự học ngoài giờ làm việc và đã lấy được văn bằng Cử Nhân Luật, có lẽ vì thế mà Ông luôn luôn khuyến khích những ai cầu tiến.

Tôi luôn luôn nhớ tới Ông, vị Chỉ Huy Trưởng kính mến, cho tới bây giờ.

Ba ngày sau tôi lên trình diện. Ông bắt tay tôi nở nụ cười thật tươi và hỏi:

“Bình quyết định sao?”

Tôi trả lời:

“Xin Trung Tá cho tôi đi”

“Thôi nếu Bình đã quyết định thì cứ đi. Ở đâu, đơn vị nào cũng là phục vụ đất nước mà! Bình cứ yên tâm đi!Khi nào muốn trở về thì cứ cho tôi biết tôi sẽ giúp!”

Sau khi thi đậu vào Trường Sinh Ngữ Quân Đội, tôi trình diện Thiếu Tá C., vị Chỉ Huy Phó để chào từ biệt. Ông nói:

“Cho Bình đi thi với hy vọng Bình bị trượt để khi trở về Bình sẽ yên tâm làm việc, ai dè Bình lại đậu. Bình đi vui vẻ nhé!”

Qua đơn vị mới là Trường Sinh Ngữ Quân Đội tôi được theo một khóa học cấp tốc về Lối Tiếp Cận Dạy Ngoại Ngữ bằng Phương Pháp Thính-Thoại (Aural-Oral Lingual Approach.) Thầy Nguyễn Văn Sở là người phụ trách môn học này, các Bà Thầy và Ông Thầy người Mỹ phụ trách các môn khác.

Dạy học, ứng chiến ban đêm liên miên. Một năm sau tôi được lên đường đi Hoa Kỳ để theo học Khóa Giảng Viên Anh Ngữ tại Viện Ngữ Học Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ở Lackland TX lối 28 tuần tức là 7 tháng.

Trong lớp Giảng Viên Anh Ngữ tại Viện Ngữ Học thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Lackland AFB TX tôi được học các môn:

- Văn Phạm do Bà Dorothy Eagle.

- Văn Chương Mỹ do Ông Upham.

- Teaching Methodology (Phương Pháp Dạy Thính-Thoại Aural-Oral Approach) do Ông John Hernandez.

Khi sắp mãn khóa mỗi khóa sinh phải viết một bài Tiểu Luận. Học trò được tự ý lựa đề tài trong danh sách các đề tài mà Thầy giáo đã đưa ra.

Lớp học cả thầy và trò lúc nào cũng vui vẻ. Có lần cả lớp muốn lòi tròng mắt ra khi một bà thầy lối 70 rồi mà giới thiệu cho học trò trong lớp một thanh niên trẻ măng: “Đây là vị hôn phu của tôi!”

Nghịch phá tuy có nhưng vẫn luôn luôn trong vòng trật tự và lòng kính thầy như trong câu “tôn sư trọng đạo.”

Vì số khóa sinh người Việt học ở đây khá đông nên tình thân giữa thầy trò trở nên gắn bó. Có lần tôi xin thêm giấy trắng để làm bài tập. Bà thầy tay trao tờ giấy trắng cho tôi còn nói giỡn:

“Không có ‘giấy chùa’ đâu nghe!” Bà rành sáu câu lối nói đùa của các đệ tử người Việt trong lớp!

Có lần một anh bạn ngủ gục trong lớp đã thế lại còn ngáy vang lên như đang ngủ tại phòng. Bà thầy mắt tròn xoe như viên bi màu xanh lá mạ la lên:

“Nó ngáy kìa! Nó ngáy kìa!” Làm cả lớp cùng cười ồ lên.

Người ngáy thì dễ tỉnh, nghe tiếng cười trong lớp anh bạn đang ngáy tỉnh liền ngơ ngác vì không hiểu chuyện gì hỏi: “Cái gì vậy? Cái gì vậy?” Làm cả lớp lại cười ồ lên một trận cười thứ hai.Thật là hết ý.

Tháng ngày qua mau thấm thoắt đã đến ngày mãn khóa. Theo học khóa này đối vối tôi thật là thỏa lòng ước mơ! Một chuyến Mỹ du tuyệt vời tưởng như ngoài tầm tay với!

Rồi cái ngày chết tiệt 30 tháng 4 tới.

Tôi phải đi tù mà không biết ngày nào ra. Cái nghiệp tiếng Anh vẫn theo tôi như bóng với hình!

Một hôm viên cai tù trong Trại Long Giao hỏi tôi:

“Anh Bình, anh dạy tiếng Anh?”

“Vâng! Đúng!”

Viên cai tù hỏi thêm:

“Anh dạy tôi được không?”

“Được chứ!Cán bộ cứ có sách là tôi dạy được mà! Tiếng Anh không có gì khó hết! Cán bộ cứ yên tâm!”

Thế mới biết dân ta hiếu học biết bao!

Không biết vì lý do gì chỉ sau khi nói chuyện với tôi ít ngày viên cai tù này bị đổi đi chỗ khác.

Chúng tôi được lệnh không được tiếp xúc với anh ta.

Năm 1976 tôi và một số anh em bị chuyển ra Trại Tù Sơn La. Chỉ vài ngày sau lại một viên cai tù khác đến hỏi tôi về việc học tiếng Anh.

Ngày hôm sau chúng tôi bị tập họp để nghe Trưởng Trại Tù này nói chuyện.

Hắn nói:

“Nước ta là nước độc lập, dân chủ. Điều này không có nghĩa là người dân muốn làm gì thì làm. Chẳng hạn muốn đi đâu thì cũng cần báo cho CA khu vực biết một tiếng! Còn như muốn học tiếng nước ngoài ngay cả tiếng Liên Xô (lẽ ra hắn phải nói là tiếng Nga mới đúng) thì cũng phải nằm trong chính sách của Đảng và Nhà Nước huống chi lại là tiếng Anh!”

Cũng như lần ở trại tù Long Giao thêm một viên cai tù cũng lại bị “cho đi chỗ khác chơi” có lẽ vì dám cả gan tính học tiếng Anh với tù!

Năm 1980 tôi và một số anh em bị chuyển trại về trại tù Gia Trung, Tỉnh Pleiku.Tại trại tù này lại viên cai tù khác mà Cộng Sản (CS) gọi là Quản Giáo hỏi tôi:

“Anh dạy tiếng Anh? Tên tôi nếu đổi ra tiếng Anh thì tên của tôi là gì?”

Tôi trả lời:

“Vâng! Vẫn như vậy không có gì thay đổi cả!”

Tôi tủm tỉm cười trả lời.

Đến tháng 10 năm 1985 tôi nhận giấy ra trại. Tính ra tôi ở tù đúng 10 năm, 4 tháng, 1 ngày.

Khi trình diện Công an Phường, viên công an nói:

“Tôi đã coi hồ sơ của anh. Anh không được dạy tiếng Anh. Nếu anh muốn dạy phải có phép của Công an. Anh hiểu chứ?”

Tôi biết tay này chỉ muốn tôi ra lề đường vá ruột xe gắn máy!

Tôi biết tôi phải làm gì!

Chú em tôi giới thiệu tôi với bà vợ của cặp vợ chồng chuyên bán đồ cổ “chui.” Nói là chui vì hồi đó cộng sản VN chưa “đổi mới” nên cứ có món đồ cổ nào muốn bán thì cặp này phải gởi ở cửa hàng quốc doanh và ăn chia với cửa hàng này. Bà vợ muốn học tiếng Anh nên tôi có chỗ dạy tiếng Anh liền.

Sau đó tôi vào dạy tại Trung Tâm Ngoại Ngữ TBC ở Miếu Ông Bổn (nơi đây vào năm 1968 trực thăng Mỹ bắn lầm làm chết mấy vị Đại Tá) Đường Hải Thượng Lãn Ông Quận 5, Chợ Lớn, do anh ĐMT cũng là Giảng Viên thuộc Trường SNQĐ điều hành.

Sang thời đổi mới theo kinh tế thị trường, bà học trò của tôi mời tôi giúp bà đứng làm thông dịch để phụ bà trong việc bán đồ cổ cho khách ngoại quốc cho đến ngày tôi lên đường đi Mỹ theo chương trình H.O của chính phủ Mỹ.

Có lần tôi gặp một vị khách người Pháp ông này nói tiếng Anh rất sõi ông cho biết ông ta là luật sư ở Paris.

Sau khi ngã giá món đồ cổ ông ta hỏi tôi:

“Anh có biết nói tiếng Pháp không?”

“Dạ, chỉ võ vẽ thôi!” Tôi trả lời và liền hỏi ông ta bằng tiếng Pháp, “Ông khỏe không? Chừng nào ông trở về Pháp?” Để chứng minh là tôi không nói dối.

Thế là ông ta thấy tự ái của người Pháp được vuốt ve vì có người nói được tiếng Pháp ở cái xứ mà ảnh hưởng của Pháp hầu như bị lãng quên khi người Mỹ hất cẳng người Pháp khỏi Việt Nam năm 1954.

Ông “nâng tôi lên liền” ông ta nói với qua bà học trò -chủ tiệm đồ cổ- lúc đó đứng gần đó giọng vui tươi:

“Tôi mua món đồ cổ của bà vì người làm cho bà nói được tiếng Pháp lẫn tiếng Anh đấy nhé!”

Quay qua tôi ông ta nói: “Chừng nào ông qua Paris chơi nhớ ghé nhà tôi nhé!”

Miệng nói tay ông cầm cái carte visit đưa liền cho tôi!

Đến khi qua Mỹ tôi lại có dịp sử dụng tiếng Anh khi đi làm việc. Năm 2009 khi tôi đã về hưu hoàn toàn tôi cũng vẫn còn dịp sử dụng vốn tiếng Anh trong việc làm thông dịch thiện nguyện cho những bịnh nhân người Việt tại thành phố nơi bây giờ đã là quê hương thứ hai của tôi.

Tiếng Anh theo tôi gần suốt cuộc đời cho tới nay. Có thể là do duyên nghiệp từ kiếp trước, nên tiếng Anh và tôi cứ như hình với bóng cho tới bây giờ, khi thấy và con cháu đều mang quốc tịch Mỹ.

Thu 2016

Sao Nam Trần Ngọc Bình

Ý kiến bạn đọc
12/11/201622:57:43
Khách
Chào Ông TH. Long
Cám ơn Ông đã giành thì giờ quý báu để đọc bài viết và gởi lời cám ơn.Thăm sức khỏe Ông và gia đình.Trân trọng
12/11/201604:13:12
Khách
Chào Ông Twin
Cám ơn Ông đã góp ý.Thăm Ông và gia đình.Trân trọng
11/11/201606:05:23
Khách
Ông bạn ơi, ông bạn đừng dùng chữ "hỗ trợ" nữa, vì "hỗ trợ" là sự giúp đỡ của cả hai phía. Phải nói là "giúp đỡ" tôi mới đúng ý nghĩa!
10/11/201619:37:40
Khách
Cám ơn tác giả với trí nhớ rõ nét về chuyện năm xưa. Thích thú với đoạn ông ii công tác với phi công trực thăng.
Chúc ông mạnh khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,541
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản:
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về ngày đầu đi học của trẻ con ở Mỹ ngày nay và trẻ con ở VN ngày xưa thuở ông còn bé
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tác giả có Bố mất tại trại tù Vĩnh Phú và người chồng biệt tăm trong trại tù cải tạo của cộng sản. Cô cũng từng là nhà giáo tại trường trung học Vũng Tầu và đã phải bỏ dạy.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến