Hôm nay,  

Cathy

05/11/201600:00:00(Xem: 13081)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 3777-17-30277vb6031816

Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi” và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng Việt Báotừ nhiều năm qua. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Một hôm tôi mở “facebook” -một trang mạng phổ biến trên internet- ra coi, bỗng ngạc nhiên hết sức. Tôi phải nhìn kỹ hai ba lần, có phải là Cathy, vợ Nathan hông ta? Hình ảnh một cô Cathy mà tôi quen biết hăm mấy năm qua, sao lạ quá. Nửa tin nửa ngờ, đọc kỹ lại tên họ, đúng là Cathy. Cô rất khác rất lạ rất trẻ rất “mi nhon” trong chiếc áo đầm và đôi giày gót cao lên trời đang rất thịnh hành của các cô gái thời nay. Tất cả những thứ “rất” ấy đều nằm trên mình Cathy.

Dĩ vãng kéo về, tôi nhớ Cathy ngày xưa.

*

Năm 18 tuổi, ở một vùng quê xa, họ gặp nhau trong tiệm bán dụng cụ nhạc. Họ yêu nhau, cưới nhau, giản dị như định luật âm dương của đất trời. Cathy đang là một sinh viên theo nghiệp đàn dương cầm. Lấy chồng, cô bỏ học để làm vợ. Bao nhiêu mơ ước trở thành một nhạc sĩ tan theo chăn gối. Đôi vợ chồng trẻ sống êm đềm hạnh phúc trong căn nhà xưa của ông bà cô để lại. Cha mẹ cô đã chia tay nhau khi cô còn nhỏ, cô được người bà nuôi dưỡng, bây giờ bà đã mất rồi nên bao nhiêu tình thương cô dành hết cho chồng. Nathan chồng cô, một thanh niên trong quân ngũ, cũng xa gia đình như cô cho nên họ rất giống nhau. Gia đình tôi là hàng xóm, tôi thường đi ngang nhà cô nên chuyện chào hỏi, biết sơ về gia cảnh nhau là bình thường.

Năm sau cô sinh đứa con gái đầu lòng. Cuộc sống làm vợ làm mẹ đã tự nhiên biến cô thành một người nội trợ đảm đang. Đồng lương lính ít ỏi của chồng chỉ vừa đủ để khỏi đói mà thôi.

Con dần lớn, cuộc sống ngày càng chật vật. Có những lúc, cô phải đếm từng đồng xu để có đủ mà mua cây kem chấm vô chocolate ấm cho con ăn. Cô ngắm nhìn con bé chấm mút ngon lành cây kem mà ứa nước mắt. Rồi đứa con thứ hai ra đời, một bé trai bụ bẫm dễ thương. Nhà đã nghèo càng nghèo thêm. Cô ráng ra công làm mọi thứ.

Cô kể tôi nghe, cô học theo tài bếp núc của bà nội, một người đàn bà khỏe mạnh, tương trưng cho người đàn bà thời Mỹ mới lập quốc, tất cả mọi thứ đều làm tại nhà. Từ may áo quần chăn gối tới vắt sữa bò sữa dê, nặn từng ổ bánh mì, sên từng hũ mứt, nén từng keo đậu keo cá, muối từng tảng thịt nai thịt mểnh người chú đi săn thường xuyên ghé cho, để dành ăn dần.

Bà cô thường kể, khi xưa bà đã theo gia đình, di chuyển từ miền Đông Nam qua đây bằng xe wagon, gọi là wagon train, là một đoàn xe kiểu như xe ngựa bên Việt Nam nhưng lớn hơn nhiều. Cái phần lồng xe có mui như cái mái vòm tròn che nắng mưa, như một cái phòng nhỏ để chở đồ đạc và cho vợ chồng con cái ngủ nữa. Phải đủ rộng và lớn mới chở hết tất cả nồi niêu xoong chảo, cái bàn cái ghế, thức ăn nước uống và đôi khi, có người còn rinh nguyên cái đàn dương cầm nữa.

Họ kéo nhau đi thành đoàn, theo sự chỉ huy của một người dẫn đường, biết rõ khúc nào đi bình an, khúc nào có thể sẽ bị dân da đỏ tấn công, cho nên, lúc nào họ cũng thủ sẵn những cây súng tự vệ. Họ còn tập cho thanh niên thiếu nữ biết cách bắn súng khi bị da đỏ bao vây, họ sẽ quay đoàn wagon thành vòng tròn, già cả đàn bà con nít trốn tránh bên trong.

Họ bền bỉ khổ ải di chuyển chậm chạp trong bão tuyết, gió mưa, vượt luôn qua ngọn đồi “Donner Pass”

Địa danh Donner Pass là một đoạn đường núi chông gai hiểm trở, khi xưa, vào thời lập quốc, có một đoàn wagon vì thời tiết xấu, lên núi trễ nên bị kẹt lại. Trong cơn bão tuyết mù trời, cả đoàn chết hết phân nửa. Nửa đoàn còn lại, nghe nói họ sống sót là nhờ đã ăn thịt người chết.

Bây giờ, đó là một thắng cảnh rất thu hút khách du lịch thích cảnh núi non trùng điệp với thông reo với tuyết trắng, an toàn di chuyển trên xa lộ và ấm áp bên trong khách sạn. Họ có thể ngắm làn nước hồ trong xanh và nghe kể về lịch sử “wagon train” khi xưa.

Khi có chồng cô nhớ lại những câu chuyện dỗ giấc ngủ của người bà yêu dấu và muốn trở thành người vợ như bà, luôn hy sinh cho chồng con. Vài năm sau, khi có hai mặt con, chồng là lính thường xuyên vắng nhà, lẻ loi cô độc nhưng với hai con đang lớn dần, lương lính tính liền, hết sức thiếu thốn. Cô trồng cà chua và vài loại dưa để dành ăn. Cô khéo léo dùng những cái áo nịt ngực cũ để bợ từng trái cà chua đang chín mọng, hay cắt hết dây nhợ, còn lại hai cái khung, làm hai cái miếng nhấc nồi. Rồi nghe lời khuyên của tôi, cô quyết định mở lớp dạy đàn tại nhà. Cô đăng báo tìm học trò. Những cô cậu bé nhỏ lai rai tới nhà cô, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Thời ấy, tuy nghèo nhưng đôi vợ chồng trẻ vượt qua và rất êm ấm. Cô yêu chồng với tất cả nhiệt tình của cô gái quê mới lớn, và chồng cô, cũng là một cậu thanh niên đầy hoài bảo, biết nắm lấy cơ hội. Từ một gia đình đổ vỡ, cha mẹ ly dị, cậu quyết tâm sẽ không để gia đình cậu đi theo vết xe đổ ấy, cho nên khi được đề cử tiếp tục việc học dưới quỹ tài chánh của chính phủ, cậu ghi danh học liền. Trong vòng mấy năm cậu đã lấy được mảnh bằng tốt nghiệp đại học và vẫn tiếp tục học lên cao nữa. Đời lính, hễ có thêm bằng cấp cao thì chức vụ cũng cao theo.

Thời gian ấy cô sinh thêm đứa con trai nữa. Bấy giờ trai gái có đủ, sau khi bàn tính với nhau, thương vợ, không muốn Cathy phải dùng thuốc ngừa thai, Nathan đã nhờ tới phẩu thuật cho mình để vợ không còn sinh sản gì nữa.

Thế là, tỷ lệ thuận với bằng cấp, bằng những năm tháng ra xứ lạ quê người, bảo vệ tự do, đi chiến đấu ngoài sa trường, hết trận chiến Kuwait tới Afghanistan tới Bagdad, Nathan được thăng chức, ngày càng cao, lương càng lớn.

Có điều không ai ngờ, khi các con còn nhỏ, lo cho con, nuôi con lớn lên mà không có chồng kề bên tiếp tay, cô đã quên săn sóc cho mình. Từ một cô gái mảnh dẻ, cô trở thành một thiếu phụ trung niên, mập phì. Thêm vào đó, sự cô đơn vắng chồng khiến cô hình như mang chứng bịnh, người ta gọi là trầm cảm. Có những ngày, sau khi các con tới trường, học hành vui đùa cùng chúng bạn thì người vợ người mẹ cô đơn nầy ngồi ngoài sân, tay ngắt từng lá, bỏ. Cô có thể ngắt lá vàng lẫn lá xanh, ngắt bỏ cả những bông hoa đang khoe sắc thắm, với đôi mắt vô cảm, vô hồn. Tối đến, cô sẽ ngồi rồi nằm rồi mơ màng nửa thức nửa ngủ với tivi còn đang chiếu hết phim nầy tới phim kia.


Cô như thế đó, ngay cả khi chồng cô từ chiến trường trở về, cô cũng lạnh nhạt, vẫn ngủ nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế bành trong phòng khách.

Thêm vài năm nữa trôi qua, chồng cô càng đi đi về về thì cô càng xa càng vắng. Bây giờ đứa con út cũng đã vào năm thứ nhứt đại học, một hôm, bất chợt cô ngồi dậy, thay vào bộ quần áo thể dục. Cô bắt đầu chạy. Cô chạy từ nhà tới sân vận động thành phố. Nơi ấy có khán đài lớn, sân rộng, có bậc thang bằng gạch. Từ dưới lên trên là cả trăm nấc. Cô chạy từ trên xuống dưới từ dưới lên trên, rồi chạy vòng quanh sân vài quận. Mỗi ngày, hình như cô chỉ nghĩ tới cái sân vận động ấy mà thôi.

Rồi cô vô bếp, liệng vô thùng rác những vỉ thịt gà thịt heo thịt bò. Cô bắt đầu ăn kiêng. Cô chỉ ăn rau củ trái cây. Cô hoàn toàn ăn chay như thế.

Thể dục, ăn chay, vô cảm. Thân hình cô xẹp xuống từ từ. Càng sụt bao nhiêu cân mỡ là cô càng hăng hái chạy bộ và ăn kiêng bấy nhiêu. Quả là quá hay, quá giỏi.

Sáu tháng sau.

Từ gần 165 cô sụt xuống chỉ còn 95 cân. Nghĩa là, bấy giờ cô như một bộ xương cách trí. Từ quần áo cỡ số 16 còn cỡ số 3. Da thịt cô nhăn lại, nhưng khi cô xỏ vô cái áo cưới của hai mươi lăm năm về trước, thân hình cô gọn gàng trong chiếc áo đã vàng màu thời gian.

Từ thay đổi thể xác, tâm hồn cô cũng thay đổi luôn. Cô bắt đầu diện những bộ quần áo thời trang cỡ tuổi hăm mấy.

Ngày nọ, lên facebook cô thấy có người bạn muốn tìm cô. Ấy là người bạn nam thời trung học. Mừng như bắt được thời gian, cô trở lại hoạt bát như xưa. Họ dùng face book tìm lại vài người bạn xưa và hẹn gặp nhau. Gặp lại nhau trong một quán bar, họ như sống lại tuổi trẻ, thời ăn chưa no lo chưa tới. Thế rồi sau lần đó, cô thay đổi hẳn. Chồng đi vắng, con học xa, cô thường xuyên ra khỏi nhà.

Cô đi đâu? Cô đi vào quán bar, cô vào những nơi có đặt bàn đánh bi da. Cô bắt đầu tay cầm chai bia tu miệng ực, tay cầm cây cơ thụt những trái banh đủ màu. Trái banh lăn tròn thì cô cũng quay cuồng trong một lối sống quá mới mẻ quá vui vẻ đối với cô.

Cô đang sống lại thời mới lớn. Lập gia đình sớm, cô đã đánh mất thời gian quí báu ấy, buộc mình trong trách nhiệm với gia đình lúc quá trẻ. Bây giờ, con đã lớn, nhà cửa khang trang đã có, chồng vẫn còn miệt mài trong chiến tranh, xa mặt cách lòng, cô như bứt xiềng xích, thoát ly khỏi cuộc sống làm người nội trợ, điên cuồng trở lại thành cô gái mười tám.

Giống như nỗi đam mê chạy trên sân vận động, chạy lên chạy xuống mấy trăm nấc thang, sụt đi mấy chục cân, từ người đàn bà “phì lủ” trở thành người thiếu phụ mà khi nhìn xa xa sau lưng người ta lầm tưởng là môt thiếu nữ trẻ. Chính cô cũng tin như vậy. Mình còn trẻ mà! Cô đam mê facebook, suốt ngày kè kè cái điện thoại di động để texting, mùi nồng nàn quán bar, bàn bi da, đám bạn mới, mười người bạn mới ấy, hết tám là đàn ông. Họ gặp cô hằng đêm, uống bia, thụt bida, tán chuyện gẫu. Họ gọi cô là “hey, baby”.

Hầu như hằng ngày cô tự chụp hình mình rồi bỏ vô facebook. Cô khoe mười đầu ngón tay sơn màu khi xanh khi đen. Cô bận những chiếc áo xinh xắn hở hang, những tấm hình chụp chung cô khoe là những người anh em, “bạn tốt” của cô. Có lẽ cô chưa biết những mánh lới, lợi dụng và gian xảo của người đời.

Chồng đánh trận miền xa trở về, cô vẫn đi chơi hằng đêm, gối chăn nguội lạnh. Đôi khi Nathan cố gắng đi theo để có thể hòa đồng và tìm hiểu về vợ thì trước mặt chồng, cô thản nhiên sẵn sàng dang rộng hai tay ôm choàng lấy những người đàn ông mà cô giới thiệu là “các anh ấy xem tôi như người em gái...”

Cathy không biết, hay không ngờ rằng, mình đã đi quá giới hạn. Đành rằng nam nữ bình quyền, Cathy tưởng mình có tự do muốn làm gì thì làm, cô quên cô là người đã có gia đình, cô quên hẳn câu thề trước mặt Chúa trong ngày thành hôn. Cô quên hẳn những lời dặn dò của người bà “wagon train” và tấm gương lo cho chồng thương con, tão tần suốt cuộc đời của bà.

Ra đường, Nathan là một sĩ quan cao cấp, ai nấy nể vì, quân lính đi ngang là dơ tay lên chào răm rắp. Về nhà, Nathan là một người quá sức hiền lành, quá trọng nể yêu thương vợ nên đăm ra thành người có thể nói là nhu nhược. Phần Cathy, sau bao lời khuyên giải của chồng cô coi như pha, dĩ nhiên tình nghĩa vợ chồng coi như luồng hơi nóng thổi qua cục nước đá.

Hiện nay, hai người còn đang phân vân, người ở giang đầu người giang vĩ. Không biết chừng nào dứt khoát xây đập ngăn đôi. Mấy đứa con đang ở giữa con sông dài, băn khoăn lo lắng, hết nhìn xuống cuối sông thì nhìn lên thượng nguồn.

Hai tháng nữa, Nathan sẽ phải đổi đi tiểu bang rất xa trong hai năm, sẽ theo chiến hạm lênh đênh ngoài đại dương đôi ba tháng. Các con đã vô nội trú hết rồi, không còn phải lo cái ăn cái mặc cho chúng, lần cuối, muốn cứu vãn tình thế, anh yêu cầu vợ đi theo, sẽ sắm chỗ ở cho cô trên bờ. Nhưng, Cathy nói sẽ không theo chồng vì cô không thể xa những bạn bè của cô.

Bởi vì, đi theo chồng, có nghĩa là Cathy sẽ phải bỏ lại lối sống hoang đàng chi địa, bỏ lại những người “anh em bạn tốt” của cô trong mấy quán bar có bàn thụt bida vui vẻ kia.

Tình nghĩa vợ chồng có thắng nổi tình cảm nông cạn ngốc nghếch bồng bột nổi loạn của “cô gái mười tám” muộn màng giả tạo kia hay không?

Ngoài đời, ta thấy thân thể cô gầy trơ xương, làn da nhão, xếp li, xệ. Cô quên đi sự thật, hăm mấy năm đã trôi qua trên người cô, đã lấy đi sự trong sáng của đôi mắt, sự mềm dẻo và tính đàn hồi của làn da rồi.

Cô u mê với cái thân thể 100 cân hiện tại của mình quá rồi. Nhìn vào “tấm gương phù thủy,” cô tự “mà” hai con mắt của mình, lậm vô vòng khói sương ảo tưởng. “Bà phù thủy tấm gương” đã hù cô rằng, nếu cô theo chồng, cô sẽ trở lại là bà nội trợ béo phì, mộc mạc quê mùa. Cô rùng mình nhớ lại, trong mỗi buổi tiệc tham dự với chồng, nhìn những bà vợ quần là áo lụa thon mảnh thời trang, còn cô, một người đàn bà trung niên, chẳng có bộ quần áo nào mặc coi cho được. Cô thường ngồi trong góc, buồn rầu.

Cô nhìn vào gương, cô tự chụp hình để đưa lên facebook, mỗi ngày. Cô vui vẻ hài lòng thấy hình ảnh một thiếu nữ đang bận chiếc áo đầm cỡ số 3. Và cô lập lại lần nữa, cô sẽ không theo chồng đâu.

“Đèn nhà ai nấy sáng” không biết dài dài trên con đường “hành quân” của Nathan có làm điều gì có lỗi với vợ hay không, chứ bây giờ, ở ngoài nhìn vào, thấy tức dùm cho Nathan quá.

Ngày đi, Nathan cầm túi hành trang, bước lên chiến hạm, lòng não nề, đau xót xa./.

Viết dùm cho một người.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Ý kiến bạn đọc
15/11/201617:15:05
Khách
Cảm ơn Thanh Hà đã đọc và góp ý kiến rất đáng trân quí. Tôi thường mong những lời phê bình chân thật như vầy. Tôi sẽ cố gắng để viết cho hấp dẫn hơn. Mong bạn vẫn đọc bài của tôi.dù hay hay dở, bạn Thanh Hà nhé.
15/11/201617:10:55
Khách
Cảm ơn Người Thích Đọc và cảm nghĩ của bạn.
Chúc bạn luôn vui.
11/11/201612:27:02
Khách
Bài này Bảo Xuân viết không hay. Có lẽ câu chuyện đáng ngạc nhiên đối với tác giả, vì quen với cô Cathy trước kia,nhung với khách đọc thì chả có gì là hấp dẫn.
07/11/201600:43:58
Khách
Tội nghiệp cho người chồng hiền lành, mà cũng tội nghiệp cho cô vợ bị "mà" hai con mắt vì tấm gương phù thủy . Chuyện nầy cũng tương tợ chuyện mấy bà sửa sang nhan sắc cuối mùa, cũng vì tấm gương phù thủy mà bỏ chồng con, gây đổ vỡ gia đình . Cám ơn tác giả, viết trơn tru mạch lạc y như ngồi kể chuyện ...đời xưa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,818,515
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến