Hôm nay,  

Bicycle Club

05/10/201600:00:00(Xem: 11585)

Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bài số 4933-18-30633-vb4100516

Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2016, với bài “Bốn Ngọn Đèn Cầy”. Bà cũng từng nhận giải năm 2011, với loạt tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.

* * *

Nếu bạn là cư dân của Riverside, San Diego, Los Angeles, Orange county hoặc là bất cứ nơi đâu của tiểu bang CA và có ai hỏi bạn Bicycle club là gì mà bạn ngớ ngẩn trả lời có lẽ đó là một cái câu lạc bộ cho mấy tay thích đua xe đạp, tụ tập lại để chia xẽ kinh nghiệm và cùng nhau huấn luyện mong ngày nào đó có thể tham dự Tour De France, hoặc bạn tưởng đó là một công ty mua bán, sữa chữa xe đạp thì bạn là một người ngớ ngẩn…. đại phước!

Không bạn ơi, Bicycle club không có một chút dính dáng gì tới đua xe, đạp xe, sữa xe hết. Nó là một cái câu lạc bộ để cho người ta vô đó cờ bạc, để cho người ta vô đó tìm vui (?) hay hủy hoại chính mình và gia đình!

Tiểu bang CA cấm đánh bài, cấm cá độ vì thế Bicycle club được lập ra (hình như vào năm 1979 và là nơi đầu tiên)như một câu lạc bộ công cộng trong đó những người tham gia có quyền đánh bài và ăn thua với nhau, chủ nhân của nó chỉ mướn người ngồi chia bài, quản lý cá cược, chung tiền và lấy xâu nhưng không ăn thua với các tay bài.

Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao chỗ nầy có cái tên là Bicycle ? có người hóm hỉnh trả lời là vì khi mình vào đó thì đi bằng xe hơi Lexus, Mercedes, Mazda, Honda, Toyota nhưng khi trở ra thì thua hết chỉ còn có cái bicycle mà thôi. Người có mặt nơi nầy bảy mươi phần trăm là Á đông phần lớn là Việt Nam, Cao Miên, Phi và Trung Hoa.

Ai đến nơi nầy ? Bạn đừng nghĩ là chỉ có mấy kẻ ăn không ngồi rồi, rãnh rang chẳng có chuyện gì làm nên mới la cà tới đó cho qua ngày tháng. Không bạn ơi, nơi đó đủ hạng người, thất học có, đại học có, bác sĩ có, kỷ sư có, nội trợ có, vợ tướng tá có, người đứng trên đỉnh cao của cộng đồng có, người thấp hèn giựt dọc có, chủ tiệm phở, chủ tiệm nail, giám đốc văn phòng thuế vụ, bảo hiểm, lãnh welfare, tiền già, tiền bịnh, thất nghiệp…hạng nào cũng có. Thượng vàng hạ cám!

*

Chị bỏ VN di cư sang Canada. Anh bỏ VN di cư sang Mỹ. Hai người quen nhau khi còn ở VN. Qua đây anh tìm kiếm thăm hỏi và sau cùng kiếm ra chị. Anh qua Canada cưới chị và bảo lãnh chị qua Mỹ.

Vào năm 1975 kéo dài tới đầu thập niên 80, người VN ở Mỹ giống như các em bé mới lên ba tuổi. Lái xe lạng quạng quên bật đèn ra hiệu quẹo trái, ăn đồ Mỹ hamburger chưa quen, nói tiếng Mỹ accent nặng như chì, hiểu biết về nước Mỹ cũng lạng quạng, còn luật lệ của Mỹ thì mờ như sương…

Tôi còn nhớ chúng tôi ở tỉnh Ferndale, một tỉnh nhỏ cách xa San Francisco 6 tiếng lái xe, chỉ có một con đường đại lộ duy nhứt, một cái chợ Safeway duy nhứt, một cái bưu điện duy nhứt và bất cứ cái gì khác cũng chỉ có một cái duy nhứt. Bốn tháng sau, tháng 08 /1975, tôi được giấy báo ra bưu điện lấy thơ bảo đảm. Thơ gia đình gởi qua Pháp rồi từ Pháp gởi qua Mỹ. Tôi nhìn nét chữ người chị trên bao thơ, nhìn cái địa chỉ thân yêu đường Võ Tánh quận 1, tôi bật ra khóc nức nở. Chẳng những nước mắt tuôn tràn mà tôi cầm lòng không được phải để những tiếng hụ hụ bật ra khá lớn từ cổ họng khiến cho nhân viên và khách hàng bưu điện (dĩ nhiên toàn là người Mỹ) nhìn tôi ngậm ngùi và sẵn sàng kêu 911 nếu tôi ngã ra.

Khi ông xã tôi lãnh tôi và đám con cháu ra khỏi trại tị nạn và dọn về Ferndale (ông xã tôi người Mỹ và đang đóng quân ở đó), tất cả tỉnh đều hay biết. Nhà thờ và dân chúng thì đem tới quần áo, khăn mặt, đồ hộp, bánh kẹo. Học sinh thì tụ tập rủ bọn nhỏ ra sân để dạy chúng nói tiếng Mỹ, dạy chúng chơi football. Ơn nghĩa nầy biết lấy gì báo đáp ?...

Một ngày kia người bạn ở tận bên Hawaii kêu qua chỉ cho tôi đi xuống phố tàu ở SF, mua bún khô và luộc lên thành bún tươi. Thế là hai vợ chồng lái xe 15 tiếng, 6 iếng đi 6 tiếng về và 3 tiếng shopping. Ngày hôm sau, tôi làm chả giò, nước mắm, bún cùng rau tươi. Tôi và tụi nhỏ ngồi xuống chưa kịp ăn lại có môt màn hụ hụ nữa: nhớ nhà, nhớ nội, nhớ ngoại, nhớ ba má, nhớ VN, nhớ gỏi bò khô, nhớ sầu riêng, mít, xoài, nhớ cái hẽm nhỏ với tiệm chạp phô của chú Xún, nhớ những ly nước mía, nhớ phần linh hồn mình đã gởi gấm lại quê hương …Ông xã tôi cũng trợn trắng mắt chào thua. Sao cái gì cũng khóc hết vậy cà ? Không biết mình có cưới nhằm một ả bịnh tâm thần không?

Nói vòng vo vậy để các bạn biết là bọn đi trước chẳng sung sướng gì đâu. Cái gì cũng thiếu, cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ hết.

Ở VN mình có xe hơi đâu cần mua bảo hiểm, mà lúc sau nầy gần 1975, có mua bảo hiểm thì cũng chỉ là một chuyện dỏm dáng mà thôi, muốn thưa kiện đòi bồi thường thì khó còn hơn lên trời. Nhưng ở Mỹ thì không có bảo hiểm không được. Đụng xe không có bảo hiểm trước nhất bị mất bằng lái, bị phạt. Nếu là lổi của mình mà chi phí bồi thường quá cao thì nếu có nhà sẽ bị nạn nhân kiện để úp nhà, không nhà thì họ thưa mỗi tháng phải bị trừ lương, thất nghiệp thì cái án treo đó, khi nào có tiền thì lại bị trừ. Ôi v.v…và v.v..

Vậy muốn đi học ESL, muốn đi làm chui, làm thiệt, muốn đi bác sĩ, đi chợ thì phải mua bảo hiểm xe. Và xin trở lại với đoạn đầu…

Từ Canada qua, chị đi làm cho hảng bảo hiểm và hai năm sau đó mở một văn phòng bán bảo hiểm. Trước hết chị xin người chủ tiệm cho thuê áo cưới cho chị để một cái bàn bureau để ở góc tiệm và hai cái ghế cho khách hàng ngồi. Sau sáu tháng chị ra riêng thuê hẳn một văn phòng rộng 900 thước vuông vì khách hàng của chị nườm nượp như hội chợ. Chị là người VN đầu tiên bán bảo hiểm xe,nhà và đời sống nên người VN định cư thời đó tiếng Mỹ chưa rành và phần lớn đều đổ xô tới kiếm chị.

Nếu bạn là một broker bảo hiểm thì, trừ ra hảng AAA, bạn có thể ký hợp đồng đại diện cho Farmer, State Farm và một số nhiều các hảng khác để mở văn phòng riêng. Các agent người Mỹ mở văn phòng riêng, nếu một ngày tốt trời họ bán được năm, bảy cái policy thì đã là …hách rồi. Nhưng chị VN nầy không bán cho 5 người mà là bán cho 30 người! và bán mỗi ngày! rồi lần lượt tiệm ăn, tiệm phở, tiệm bánh mì, tiệm giò chả v…v … mở ra và chủ tiệm lại bắt buộc mua bảo hiểm cho tiệm ăn và số khách hàng của chị tăng lên chóng mặt và account cùng nhà cửa của chị mua cũng tăng lên chóng mặt.

Ở Bolsa thời điểm đó, nếu bạn là chủ tiệm, nếu bạn có cái xe, cái nhà…hầu hết đều biết chị. Ngay cả đài truyền hình số 7, khi làm phóng sự về cuộc di cư của người VN và sự gia nhập của họ vào xã hội Mỹ, họ đã đến phỏng vấn chị và chị được tặng danh hiệu là người phụ nữ di cư VN thành đạt nhất cộng đồng (ở thời điểm đó).


Một ngày kia có một người cựu ca sĩ, đã từng là vợ của một nhân vật cao cấp trong chánh quyền VN, tới văn phòng chị để mua bảo hiểm cho tiệm vàng của bà. Nhìn số khách hàng ngồi chờ đợi, nhìn vào sự tất bật của chị để kịp thỏa mãn đống giấy tờ, bà bỉu môi nói:

- Bây giờ bà đã có tiền, có cơ sở vững chắc, sao bà không mướn một người manager trông coi văn phòng, giấy tờ để bà được thong thả mà enjoy cuộc đời một chút. Nếu bà muốn, tôi sẽ chỉ cho bà cách làm ăn nầy, vừa thảnh thơi, vừa vui thú mà tiền lợi nhuận thì gấp 10 lần cái văn phòng của bà!

Trong ba nghiệp thì Tham đứng đầu phải không bạn? Nếu bà ấy rủ tôi thì chưa chắc gì tôi đã từ chối lời quyến rủ đó. Đưa ra năm ngàn ngày thứ hai, tối chúa nhựt lấy lại năm ngàn vốn cộng một ngàn tiền lời, 20 phân, 1 tuần lễ! xanh xít đít đuôi! Có ai còn nhớ bốn chữ nầy trong văn chương miền nam những năm còn pháp thuộc không? Đó là bốn chữ Pháp cinq, six, dix, douze (5,6,10,12) của mấy ông chà và (Ấn Độ) cho người nghèo VN mình vay. Vay năm trả sáu, vay mười trả mười hai, có nghĩa là 20 phân lời một tháng. Còn nữ trang, vàng bạc, hột xoàn à, tụi nó mua 10 mà khi máu nổi lên thì bán lại 3. Mình đón đầu nó lời 7 phân ngon ơ!

Và theo bà ca sĩ, chị đặt bước đầu tiên xuống địa ngục Bicycle Club!

Nhân không biết gây ra khi nào nhưng quả thì bắt đầu trổ ra ngay đây.

Lúc đầu là cho vay, sau đó vì cho vay mà đòi lại không được hoặc là mua toàn là hột xoàn giả nên chị xoay ra cờ bạc để gỡ gạc lại. Tin hay không, chị là một người rất ghét cờ bạc. Chị tới Bicycle club với mục đích cho vay chớ chẳng phải đánh bài. Ghét của nào trời trao của đó, ghê quá.

Chị chỉ là một người làm việc văn phòng với tấm lòng thiện lương, miệng không nanh, đầu không sừng, móng tay không vuốt nhọn, chỉ bước vào thế giới đó với một chữ tham thì chết là cái chắc.

Tôi thường hay thắc mắc tự hỏi Nghiệp là gì? Tại sao có người không thù oán gì với mình hết lại làm cho mình tan nhà nát cửa? Kiếp trước mình đã làm gì họ? Lại có người thù ghét mình thấu xương nhưng trong vòng lẫn quẫn vô tình, họ lại khiến mình hưởng biết bao là ơn phước. Họ đã nợ gì mình?

Chị theo bà ca sĩ gia nhập vào nghiệp báo. Đó là một xã hội khắt khe và tàn nhẫn. Nghề nghiệp cao quí, tánh tình lương thiện, ăn nói lễ độ, nhân nghĩa tràn đầy… là đồ bỏ. Năm mươi hai lá bài sẽ quyết định ai là người cúi đầu trước mặt bạn dù người cúi đầu là bác sĩ còn bạn chỉ là người ít học nhưng đủ tàn nhẫn cầm dao. Ai là người khẽ nói vào tai bạn “tao cho mầy 3 ngày để chạy cho đủ tiền còn không tao sẽ khứa nhượng con vợ mầy” dù bạn là nhân viên công lực còn hắn là cựu tù nhân…Từ trên thượng đỉnh hoa thơm cỏ lạ chị đi lần xuống vũng bùn lầy tối tăm, đau khổ.

Ông bà mình thường nói thương thì cho bạc cho vàng chớ chẳng ai dẫn đàng đi buôn ý là không ai chỉ cho người khác mánh lới nghề nghiệp của mình vì sợ họ sẽ mở tiệm cạnh tranh.

Muốn bán bảo hiểm trước hết bạn phải làm việc cho văn phòng tư nhân hoặc hảng bảo hiểm. Khi bạn rành công việc thì người broker sẽ ký giấy sponsor cho bạn đi thi lấy bằng agent. Để được một broker hoặc hảng bảo hiểm Mỹ sponsor thì bạn phải qua cả năm làm việc vì họ rất có qui tắc.

Nhưng chị thì trái lại, những năm 80 đó, chị đã đở đầu cho không biết bao nhiêu người đi thi lấy bằng bán bảo hiểm dù họ chỉ mua sách về tự học một tháng, dù họ chưa bao giờ làm cho chị môt ngày, rồi họ mở ra văn phòng cạnh tranh cùng chị đầy hết đất Bolsa nhưng chị vẫn thản nhiên và nói là chị vui vì đã giúp cho đồng hương có công ăn chuyện làm, cá ngoài hồ quá nhiều, mạnh ai nấy vớt mà! Đã có nhiều người nhờ vào sự rộng lượng của chị, được chị đỡ đầu đi thi lấy bằng cấp, tự mở văn phòng, nuôi nấng con cái học thành tài rồi ngày nay các con lại nối nghiệp và phát triển rộng lớn thêm dựa vào những bước đầu tiên chị đã thoải mái  dẫn đàng cho họ đi buôn!

Một người tốt bụng và nhân hậu như thế tại sao lại có một cái nghiệp quá thảm thương? Chị đi từ một người di cư trắng tay, gia nhập thành công vào xã hội thương mại của Mỹ tới một người mất hết tất cả, từ văn phòng, nhà cửa, đất đai, tiền bạc, chí tới tình yêu… Tôi tin là có bạn sẽ bỉu môi chê bai chị tham lam nên mới bị sạt nghiệp và bạn sẽ không có một chút lòng thông cảm, trắc ẩn nào cho chị, nhưng bạn ơi những tao ngộ trên đường đời thật là thiên hình vạn trạng, không sao đoán trước được…

Tôi thường hay nói với các bạn tôi là tôi rất kính trọng và biết ơn ông Thần Đổ Bác. Họ lại tưởng tôi là một fan của Bicycle Club. Không không bạn ơi, tôi kính trọng và biết ơn là vì ngài đã để yên cho tôi, không thèm nhìn đến mặt tôi, không thèm kêu gọi tên tôi, không thèm nhận tôi làm đệ tử. Từ trong gia đình ra đến các bạn bè và người quen, tôi đã từng nghe và thấy biết bao người thề thốt, hứa hẹn nặng lời trước đức Chúa và đức Phật, ngay cả đem tánh mạng ra để bảo đảm cho lời thề bỏ cái tội nghiện cờ bạc của mình nhưng khi Thần Đổ Bác đưa ngón tay ra ngoắt thì mây bay gió thổi, lời thề liền theo trận bão bay đi không còn dấu vết.

Tôi không trách phiền chê bai gì những người vướng vào vòng cờ bạc vì đó là nghiệp duyên của họ. Chỉ xin bạn, nếu bạn đọc bài nầy, bạn hãy làm giống như tôi là kính trọng và biết ơn ông Thần để ngài “leave you alone.” Kính nhi viễn chi. Đại phước của bạn không phải là cậu con trai ra trường bác sĩ, không phải là cô con gái gả cho ông luật sư, là bạn có hai chục căn nhà cho mướn,là bạn có một cái account với nhiều số không đằng sau số một mà là bạn ngớ ngẩn trả lời là Bicycle club là một nơi để người ta đua xe đạp, sữa xe đạp, mua xe đạp!

Đó quả nhiên là Đại Phước!

Riêng chị, ngày hôm nay chị đã bình tâm và tin rằng mình đã trả hết nghiệp rồi. Ông thần sẽ để yên cho chị hưởng phước của tuổi già giữa sự thương yêu và thành đạt của các con.

Tôi nguyện rằng những sự giúp đỡ của chị cho rất nhiều đồng hương bở ngỡ với những bước đầu trong một xã hội xa lạ, trong đó có tôi, sẽ cải tạo và xóa bỏ hết những nghiệp xấu mà chị đã vương mang. Tôi thường hay nói với các con là để mở cái văn phòng ở Long Beach, để làm đủ tiền thong thả nuôi các con qua bậc đại học, tôi dĩ nhiên mang ơn tất cả khách hàng đã ủng hộ tôi mấy chục năm qua và trên hết là hai người bạn đã dẫn dắt tôi vào nghề bảo hiểm và di trú: chị và một người bạn khác.

Tôi viết theo sự hiểu biết và gặp gỡ của riêng tôi. Nếu có gì khác biệt, xin các bạn thông cảm.

Lệ Hoa Wilson

Ý kiến bạn đọc
08/10/201604:20:03
Khách
Những người tưởng lầm Bycicle club là hội của những người đi xe đạp là những người ngây thơ nhưng rất khôn ngoan, tạo hóa đã ưu đãi những người này, và đã cho họ một món quà vô cùng giá trị mà không bao giờ mất được.
06/10/201617:29:22
Khách
Xin cám ơn tác giả...dù miệt mài với bức sơn thủy...đôi lúc mắt đời lầm tưởng núi rác bên kinh...
06/10/201609:37:01
Khách
Đó quả nhiên là đại phước
Cuối cùng bà đã có kết luận.
Trong cuộc đời của bà bà có nhiều ân nhân nhưng có lẽ theo tôi đại ân nhân của bà là một người ca sĩ, đã từng là vợ của một nhân vật cao cấp trong chính quyền Việt Nam. Nhờ bà đó mà bà đã tìm ra lối sống trong cuộc đời này.
Nếu không, nói ví dụ thôi, bà tiếp tục làm ăn và không chừng bà cũng ra ứng cử tổng thống Mỹ và hơn bảy mươi tuổi vẫn chưa được yên thân già.Chúc mừng bà
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,611,286
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến