Hôm nay,  

Còn Dấu Chân Người

24/08/201600:00:00(Xem: 9504)

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 4898-18-30598-vb4082416

Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm. Bài viết mới được tác giả lời trân trọng: "Kính dâng Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nhân lễ giỗ 2 năm của Cha, ngày 18 tháng 8.

* * *

Riêng tặng em Mai Phương, Seattle, Hoa Kỳ."

1.
Làng Bồ Câu Trắng. My chỉ biết rằng đó là một ngôi làng do một vị linh mục từ Quảng Trị vào Bình Tuy lập nên để làm nơi trú ngụ cho các giáo dân của Người. Người mang một cô nhi viện và một trường học từ Quảng Trị vào. Do đó tất cả cư dân của Người đều là người Quảng Trị. Như em Phương vậy.

Ngày gặp em Phương lần đầu, My thấy yêu mến ngay đôi mắt đen láy của em. Em Phương chớp nhanh đôi mắt ấy, nói với My:

"Em vui quá, em đã gặp được chị."

My chưa hết bồi hồi, lí nhí đáp:

"Chị cũng rất vui."

Những câu đầu tiên họ nói với nhau là thế.

Ngày đầu. Phương tự mình ngồi xuống ghế, không cho My đỡ. My cố nén không cho vẻ cảm động lộ ra. My sợ một cử chỉ vụng về của mình sẽ khiến Phương mặc cảm. My quay mặt vào tường như để nhìn vào một tấm gương vô hình. My bắt gặp trong tấm gương ấy nét mặt đầy cảm xúc của mình, nét mặt muốn khóc.

Làng Bồ Câu Trắng. Dòng chữ rất quen thuộc mà khi gửi thư cho em Phương, My thường ghi lên bì thư. Nghe như tên một ngôi trường hay một công sở. Đơn giản. My chưa một lần đến đó. Nhưng My nghĩ mình sẽ đến đó. My vẫn tưởng tượng ra cảnh những đoàn người từ Quảng Trị chạy về nơi ấy trong "Mùa Hè Đỏ Lửa", tìm thấy một vùng đất mới có thể dung thân. Và vị linh mục đã từng gắn bó với họ khi mọi người ở vùng địa đầu, cùng chạy trong đoàn người ấy, đã tiếp tục chăn dắt, dạy dỗ đàn chiên hiền lành. Một tấm lòng từ ái. Cái tên "Bồ Câu Trắng" đã nói lên hết ước nguyện của Người.

My có một cái quán tính đáng ghét – My tự cho là như vậy – đó là cái gì trở thành thân quen rồi thì My không tìm hiểu gì thêm. Làng Bồ Câu Trắng đã như một cái tên quá quen.

Em Phương chỉ ở Sài Gòn một tháng. My đi học về, thỉnh thoảng ghé thăm em tại nhà của vị bác sĩ đỡ đầu cho em. Hai chị em thơ thẩn trong sân, ngồi bên nhau trò chuyện.

"Chị, mai mốt em về lại Bình Tuy, sẽ ít khi vào Sài Gòn, vì bác sĩ nói chân em không có gì để lo lắng nữa. Em sẽ tiếp tục đi học."

"Chị sẽ nhớ em nhiều lắm. Chị sẽ có dịp lên thăm em."

" Hai chị em mình lại viết thư cho nhau nhé chị!"

"Phải, lại viết thư, em hở!"

"Chị nhớ ghi địa chỉ là…"

"…Làng Bồ Câu Trắng."

2.
Thương em Phương quá, em gái nhỏ mới bảy tuổi đã mang mệnh điêu linh với vận nước. Em đã kể nhiều về em cho My biết qua những bức thư từ lúc "làm quen", vậy mà đến khi gặp em My đã không nén được nỗi bàng hoàng. Quê em ở ngoài vùng hỏa tuyến. Em đi lễ nhà thờ vào một buổi sáng Chủ nhật. Năm đó em mới bảy tuổi. VC pháo kích nhà thờ. Giáo dân người chết kẻ bị thương. Một mảnh đạn pháo cắt đứt đôi chân của em. Người ta tưởng em đã chết, nhưng em không chết, em cố gắng kêu lên: "Cứu con với!" Em được cứu, rồi được đưa lên tàu bệnh viện của Mỹ. Họ chữa lành vết thương cho em. Nhưng từ đó em gắn liền với đôi chân giả và một cặp nạng.

Em nhắc nhiều về gia đình, có bà ngoại, mẹ em và các em của em, kể cả người cha của em đã tử trận. Và không quên nhắc về một người cha chung, vị linh mục đã cùng dãi nắng dầm sương với giáo dân của mình. Thương em quá! Và thương cả vị linh mục nhân từ. Thương cả Làng Bồ Câu Trắng.

My chưa đi thăm được em Phương như đã muốn. Nhưng My đem hình ảnh "người cha" vào một câu chuyện. Truyện dài đã hình thành. Ngôi làng cũng ẩn hiện hình bóng thân thương của "Bồ Câu Trắng". Khi đọc xong truyện dài của My, bác Chủ bút đã giao liền bản thảo cho người thư ký đánh máy. Bác khích lệ:

"Bác hài lòng truyện này lắm. Cháu đã gom góp, chắt lọc những con người thực tế để thành nhân vật."

"Cháu cám ơn bác."

Giống như những tác phẩm trước, mỗi khi bác Chủ bút "gật đầu" là chỉ độ một, hai tháng sau truyện đã xuất hiện trên kệ các nhà sách. Trình tự không thay đổi: tác giả viết tay trên giấy thường, nhà xuất bản cho người đánh máy ra làm vài bản để nộp xin giấy phép và đưa cho nhà in để sắp chữ. Đương nhiên là bản thảo viết tay được trả về tác giả để "giữ làm kỷ niệm". Sau đó là chờ in. My thường xin phép bác Chủ bút để vào nhà in xem người ta sắp chữ. My cảm động lắm. Từng con chữ bằng kim loại nhỏ xíu được chọn sắp trên khung như trẻ em chơi "đồ hàng". Vậy mà bao nhiêu sách báo đã được chào đời từ những món "đồ hàng" ấy.

"Còn dấu chân người", tên của truyện dài đang chờ in.

Và… không bao giờ được in.

3.
My ôm đống sách cũ đi cất. Ba má anh chị nhìn My ái ngại. Ai cũng muốn nói lời an ủi. Nhưng không có lời nào được thốt ra. My lên gác, ngồi xuống bên đống sách, giở ra xem lại từng cuốn sách đã xuất bản. Rồi còn một lô bản thảo nữa. Cũng may mình còn giữ được cả đây. May mà truyện nào họ cũng đánh máy rồi trả "bản gốc" về cho mình. May mà…

A, cuốn bản thảo mới nhất! Nó không có bản sách in. Nó như em bé trong bào thai chưa ra đời. My giở tập bản thảo ra. Có hình ảnh em Phương trong này. Nhưng là một em gái toàn vẹn, chạy như bay trên đồi nương rừng rẫy. Ai đó đã nói rằng người viết văn như là phù thủy, biến hóa cuộc đời theo ý muốn của mình. My mong muốn gì? My mong muốn ai cũng được nguyên vẹn, vui tươi và hạnh phúc. Vì thế em Phương tha hồ chạy nhảy, tha hồ làm việc với đôi chân thoăn thoắt của em. "Phù thủy" còn dựng nên cho em một người lính bị rớt máy bay và lạc vào rừng rẫy của em, để em yêu, để em hạnh phúc, để em buồn… Người lính đó là phiên bản tích tụ từ nhiều người lính mà My đã gặp. Chưa hết, "phù thủy" còn mang cả vị linh mục vào, để Người luôn là điểm tựa, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc vô tận cho đàn bé thiên thần trong truyện. Phải đặt cho Người một cái tên. My quên chưa hỏi tên thật của vị linh mục Làng Bồ Câu Trắng. Thôi thì không cần phải tên thật, truyện mà! Cha Đạo! Ồ, Cha Đạo! Sao mình lại tìm được một cái tên có ý nghĩa như vậy nhỉ! Vậy thì, vâng, Cha Đạo…

My ôm tập bản thảo trước ngực, tưởng như mình đang ngồi viết say sưa, thả những dòng chữ xuống trang giấy. Rồi My nhớ ra rằng My phải tìm chỗ để cất đống sách in và bản thảo này thôi. Đã hết rồi! Nhà xuất bản đã bị đóng cửa. Bác Chủ bút đã đi đâu rồi. Không còn tòa soạn, không còn báo, không còn sách. Tất cả đều bị cấm lưu hành.


4.
Cha Đạo! Cha đã mang vết thương giùm người lính, mang giùm em Phương sự tật nguyền. Vị "Cha" ngoài đời chắc sẽ phì cười khi thấy mình hiện ra trong truyện. Nhưng… để xem thử nhân vật giống mình được bao nhiêu phần trăm.

Trích truyện:

"Trên khung cửa, một tấm áo đen xuất hiện. Một người tầm thước, tóc bạc hết phân nửa mái đầu, mang một đôi giày màu đen – chỉ chừng ấy, bộ áo, dáng người, mái tóc, nét mặt – đủ cho Trúc đoán người là vị cha chung của Cát Tường và bầy trẻ nhỏ."

Ở một chương khác:

"Bây giờ Trúc mới nhận thấy rõ dáng đi của Cha có vẻ hơi khập khiễng. Vì Cha đã già chăng? Có lẽ đúng. Ngay lúc đầu gặp Cha, Trúc đã thấy mái tóc của Cha bạc hết phân nửa. Không biết cuộc đời đạo hạnh của Cha bắt đầu từ khi nào. Nhưng chắc chắn Cha sẽ tiếp tục cuộc đời ấy cho đến chết. Vì Cha đã chọn làm người cha chung cho một đàn con nhỏ nơi đây rồi."

Trong một đêm đầy sự sợ hãi:

"Cha đang cởi nốt chiếc giày còn lại. Cát Tường se sẽ quỳ xuống bên chiếc chân gỗ của Cha. Tự nhiên, nước mắt rơi xuống. Cát Tường khóc ngon lành…"

Rồi thì:

"Cái bóng áo đen của Cha Đạo quyện đầy khói, trắng mờ như mái tóc."

Đây nữa:

"Cát Tường run run bước tới, qua từng hàng ghế. Trước mặt Thập Tự Giá, cái hình hài thân quen đang lặng im như một chiếc bóng. Tấm áo đen cũng bạc màu như đất. Mái tóc trắng là hình ảnh cô quạnh nhất đời. Và đôi mắt, khi người quay lại, không phải là hai giếng khô hạn, mà đang rơm rớm lệ."

"Cát Tường bàng hoàng ngước nhìn Cha Đạo. Ôi, trong đôi mắt già nua đang rơm rớm lệ kia, có phải đã chứa đựng cả tình thương bát ngát của Chúa? Cha đâu có bắt chúng con học thuộc lòng kinh sách, hay phải sống như các nhà tu. Vì Cha còn muốn có một ngày Cha gửi chúng con về đời. Nhưng Cha ơi, con đã thấy, cái hạnh phúc cá nhân, tuy hân hoan lắm nhưng dễ tan vỡ lắm! Cha không ép con sống đời đạo hạnh, nhưng khi con rời bỏ nơi này, không làm một cánh tay của Cha nữa, chắc Cha cũng buồn lắm. Chính đôi mắt của Cha, bao năm khô khan, hôm nay long lanh lệ, đã nói với con đầy đủ."

"Cát Tường nhìn thấy Cha Đạo đang bước nhanh qua khoảng sân đất mềm. Phía trước Cha là bé Ngoan. Bước chân của Cha khập khiễng vội vã nhưng không đi mau bằng đôi chân của đứa trẻ. Cái chân của Cha! Cái chân gỗ! Cái chân của một thời trả giá cho cuộc đời vị tha, đạo hạnh, trả giá cho một con tim bác ái. Cái chân nhắc nhở cho một đêm ở làng cô nhi này, cái chân cứu người thương binh, đêm đã trở thành một kỷ niệm se lòng…"

My gấp tập bản thảo lại, khe khẽ thốt lên: "Cha Đạo ơi! Con thương Cha quá!"

Như đang thương tác phẩm chưa ra đời của mình.

5.
My cố ý tìm kiếm em Phương. Ôi đã bao nhiêu năm không liên lạc với em. My vẫn chưa bao giờ đặt chân đến Làng Bồ Câu Trắng. Một sự thiếu sót quá lớn phải không? Và chắc là phải tìm bằng internet vậy. Internet, từ ngữ mà vào cái thuở chị em mình quen nhau chưa hề nghe nói đến. Cái thuở mà người ta muốn liên lạc với nhau thì gửi thư qua bưu điện là thông dụng nhất. Khẩn cấp lắm thì đánh điện tín hay còn gọi là "đánh dây thép". Sang nhất là nói điện thoại. Nhưng bây giờ người ta khá quen với cái máy computer, vào internet, viết email… chưa kể những phương tiện khác. Thật là tiện lợi! Vậy sao mình không thử nhỉ? My gõ "Làng Bồ Câu Trắng". Không có gì. Người ta không biết nên không có thông tin về nơi đó chăng? Phải rồi! Có lẽ sau cái ngày "Ba Mươi Tháng Tư" ấy Làng Bồ Câu Trắng cũng không còn. My thất vọng.

Mà Trời xui, em Phương lại tìm được My qua một trang "báo mạng", do em đọc bài của My và xin địa chỉ email từ "chủ web". Cám ơn internet!

Cha Đạo còn ở lại trong nước, em Phương chỉ biết đến đó, vì em cũng đã sang Mỹ. Em Phương đã có một mái gia đình thương yêu tại Seattle.

Bây giờ thì hai chị em có thể đi thăm nhau, nói chuyện điện thoại, gửi email… My tiếp tục làm "phù thủy", chắt lọc từ những nhân chứng sống để làm nên các nhân vật của mình.

Có lúc My nghe các bạn "méc" My rằng truyện dài "Còn Dấu Chân Người" đã "được xuất bản" ở trong nước. Mà My không biết. Ồ thôi thì mình đã ra đi rồi, coi như không còn sống. Nhà xuất bản có tìm cách liên lạc với My để "xin phép" – My nghe kenhư vậy. Nhưng thôi. My không liên lạc, nhưng cũng ngầm cám ơn họ. Dù sao thì độc giả cũng đã có cơ hội đón nhận tác phẩm này.

Cái bóng áo đen mờ bụi, mái tóc trắng, nụ cười nhân từ của Cha Đạo vẫn luôn ẩn hiện trong tâm. Mà, ôi, Cha ơi, con chưa nhìn thấy Cha bao giờ!

6.
Người bạn từ Việt Nam gửi cho My vài dòng tiểu sử của một người:

"Cha được thụ phong linh mục vào một ngày cuối tháng tư 1965, chỉ mười năm trước ngày Sài Gòn thất thủ. Ngay sau đó vị tân linh mục được điều đến vùng sát vĩ tuyến 17 làm phó xứ Đông Hà, Quảng Trị. Hai năm sau Cha lập cô nhi viện và trường Trung học Tư thục Đắc Lộ. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Cha gồng gánh trường Đắc Lộ và cô nhi viện vào Bình Tuy, lập nên xứ Đông Hà, lập làng Thiếu nhi Bồ Câu Trắng. Tiểu sử của Cha không phải là tiểu sử của một người khoa bảng với nhiều bằng cấp, học vị, chức tước, nhưng là tiểu sử của một người khai phá. Khai phá vùng rừng núi hoang vu cằn cỗi thành vườn tược trồng trọt và chăn nuôi trù phú. Khai phá những tâm hồn, những phận đời nghèo khổ vì chiến tranh, gieo vào đó những hạt mầm nhân ái bằng cuộc sống tận tụy, hy sinh, phục vụ."

My thấy mình hóa thành Cát Tường của "Còn Dấu Chân Người", chơi cút bắt với đàn bé ngây thơ, chạy băng qua nương rẫy, gặp lại "Cha Đạo" ở đỉnh đồi. Bóng áo đen của Cha bay nhẹ trong gió. Nỗi ao ước gặp Cha để nói câu "Cha ơi, con thương Cha" - như Cát Tường nói - được thỏa.

Và người bạn đã làm giúp My một việc. Bạn thuật lại:

"Cỗ quan tài đơn sơ được đặt gần sát nền nhà thể hiện sự khiêm nhường vâng phục của Cha lúc sinh thời, cuộc đời ấy vì người nghèo và mở ra cho người nghèo, như cuốn Kinh Thánh đặt trên nắp quan tài Cha đang lật đến những trang cuối, như khẩu hiệu Cha chọn khi được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục phó địa phận Phan Thiết vào năm 2001: Tin Mừng cho người nghèo khó."

Vào lúc 0 giờ ngày 18/08/2014, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Bề trên sáng lập Tu đoàn Bác Ái Xã Hội, đã được Chúa thương gọi về, hưởng thọ 82 tuổi.

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,325,323
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XX - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2018 tới 30 tháng Sáu 2019 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 11 Tháng Tám 2019, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Father's Day 2019, mời đọc bài viết mới của Hoàng Chi Uyên. Tác giả là một chuyên viên xã hội từng nhận giải thưởng lớn khi được bình chọn là nhân viên xuất sắc trọn năm 2003 và phụ trách Phòng Xã Hội, thuộc Trung Tâm Cao Niên thành phố Milpitas, Bắc California, và đã về hưu. Tháng Ba 2019, bà góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc" kể về hoạt động xã hội; Bài thứ hai: "Ban Cướp Biển," hồi ký về nhóm điều tra chống cướp biển trại tị nạn Pulau Bidong.
Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013. Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước.
Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết mới được “Viết trong ngày sinh nhật 88 của Mẹ,” Tựa đề được trích từ lời kết của bài viết xúc động: “Căn bệnh Alzeithmer với mẹ cũng là một may mắn trong muôn vàn bất hạnh. Cái quên, cái lẫn sẽ làm mẹ có thể sống được với tôi, với con cháu thêm một thời gian.”