Hôm nay,  

Chốn Dừng Chân

16/08/201600:00:00(Xem: 11897)

Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 4892-18-30592-vb2081416

Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XVII, với sức viết mạnh me, tác giả có tên trong danh sách chung kết.

* * *

Tôi đến Los Angeles vào buổi trưa. Trời nắng rưng rức. Nắng chảy gắt trên con đường ngoài sân bay. Trời xanh trong khiến tôi liên tưởng đến một tùy bút của (Lê Uyên) Phương, “không có mây trên bầu trời thành phố Los Angeles”, và một câu nói của nhân vật nam trong tùy bút ấy, "chắc anh đang lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa thành phố Los Angeles và thành phố đầy những đám mây trắng của chúng ta". Cái cảm giác ngầy ngật, bềnh bồng sau một chuyến bay dài làm tôi bước không vững, lúc tiến đến chỗ kiểm tra giấy thông hành, người nhân viên phi trường bảo tôi phải sang một ô cửa khác, làm trong nhiều phút đồng hồ tôi đã ngơ ngác, tưởng chừng như mình cũng đang lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa những tháng năm đã trôi qua trong cuộc đời, giữa nơi này với nơi kia, thành phố này với thành phố nọ…

Tôi đứng yên nhìn người nhân viên làm chiếu khán nhập cảnh một hồi, mà không nhận ra mình cần phải làm gì. Cũng không nhớ ra tôi đã chẳng còn là khách du lịch nữa, nên muốn dợm hỏi tại sao tôi lại cần phải sang ô cửa khác, thì một nhân viên ngồi trong quầy nói sẽ hướng dẫn tôi đến chỗ làm thủ tục. Lúc thấy tôi đi theo ông, đôi ba người đứng trước và đứng sau lưng tôi không nghe chúng tôi đối thoại những gì đã vội vã dõi mắt nhìn theo tôi một cách ngờ vực. Không biết họ nghĩ tôi không hiểu tiếng Anh, hay nghi ngờ tôi đang phạm pháp điều gì hay chăng.

Phải mất đi rất lâu, cho đến lúc nhìn thấy một người thanh niên châu Á ôm xấp hồ sơ với vẻ mặt lo lắng bất an đứng bên cạnh, tôi mới “ngộ” ra. Bất giác, như một phản xạ tự nhiên, tôi cũng nhìn xuống mớ giấy tờ của mình. Nhân viên phỏng vấn đã dặn dò tôi cẩn thận rằng khi xuống khỏi phi cơ thì tất cả hồ sơ phải được cầm sẵn trên tay. Cả kết quả xét nghiệm phổi và giấy khám sức khỏe cũng phải cất một chỗ thuận tiện để dễ dàng lấy ra khai trình nếu như bất ngờ bị đòi hỏi gì đó. Tôi xốc lại mớ hồ sơ cho thẳng thớm, rồi đặt cái áo dạ xuống chiếc valise xách tay. Cái áo trông có vẻ kệch cỡm, quê mùa và trái khuấy giữa thời tiết oi bức khi chung quanh không biết bao nhiêu người mặc áo hở vai, váy ngắn. Bỗng dưng tôi thấy mình như một người rớt xuống từ hành tinh khác. Tôi bật ra một câu hỏi thầm rất kỳ quặc, là tôi đã đến Hoa Kỳ rồi sao?

Đến Hoa Kỳ? Tôi rảo mắt nhìn quang cảnh rộn rịp, đầy người qua lại ở chung quanh với cảm giác rất khác thường. Cái thành phố này, cái phi trường này, tôi đã đến và đi không biết bao nhiêu lần kể từ ngày con tôi sang đây sống, vậy mà sao hôm nay hệt như bài “Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh, “con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ”, tôi cũng thấy mọi thứ đều rất lạ. Người tôi lao chao. Tim đập nhanh lên thấy rõ. Đến nỗi tôi phải tự trấn tĩnh, đây đâu phải là lần đầu mình xa xứ, đâu phải là lần đầu mình rời bỏ một đất nước, và cũng chẳng làm sai điều gì, chẳng vi phạm bất cứ luật lệ nào…, vậy thì có gì để mà bồn chồn như vậy chứ!

Lúc nộp giấy tờ xong trở lại ghế ngồi, tôi ngẩn ngơ tự hỏi có phải chăng vì mới vừa giã từ những gì đã trở thành quen thuộc, con đường vẫn qua lại hằng ngày, đám quán hàng hay tới lui, lũ cây khuynh diệp rũ lá trên lối về, hay bầu không khí đầu mùa đông thanh bình ở thành phố ấy nên lòng bỗng trở nên chao động?

Sáng hôm tôi ra đi, trời tháng bảy ở miền nam bán cầu đã trở lạnh với những cơn gió se sắt trên đầu mũi, buốt giá trên bờ vai, khiến tôi ngậm ngùi nghĩ đến chuyện từng một lần rời miền đất này đến cả mười lăm năm mới quay trở lại, và không biết lần đi này sẽ là bao giờ… Sau đó suốt hai tiếng đồng hồ ngồi chờ phi cơ chuyển tiếp ở phi trường Nadi của Fiji, lặng yên một chỗ, mở mắt lớn nhìn những người nhạc công trong các bộ quần áo sặc sỡ, chơi guitare bập bùng sôi nổi, nhìn những kios bán điêu khắc hoa hòe chào đón du khách, tôi như người không còn sức lực, như đang bị con sóng cuộc đời đẩy trôi đi mà không thể mình níu lại. Một cách hết sức mâu thuẫn, tôi đã rơi nước mắt dẫu chuyện ra đi này là do chính tôi chọn lựa. Thở dài nhiều lần khi nhớ đến một bài hát của Trịnh Công Sơn, “nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ. Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà…”, tôi buồn bã hỏi lòng, hai chốn, một là nơi chôn nhau cắt rốn, và một là nơi đã vớt mình lên khỏi những khốn khó lầm than, vậy thì nơi nào sẽ là quê hương, nơi nào là chốn quê nhà?

Không kể lần sang Âu châu làm việc, và lần trở lại Sydney, thì tôi đã có hai lần ra đi lớn trong cuộc đời. Khoảng thời gian giữa chia ly và đoàn tụ của cả hai đều là sáu năm. Nhưng tâm lý chung, có lẽ sáu năm chờ đợi ở Việt Nam với tôi đã dài hơn, lê thê hơn. Thật khó có thể làm tôi quên đi bầu không khí ngột ngạt, tù túng và quãng đời buồn bã như một bức tranh tối tăm thời tôi sống ở huyện lỵ chỉ vài con đường dẫn ra chợ, một góc vuông chật hẹp với một ngôi giáo đường, dăm tiệm tạp hóa, đôi ba hàng quán bán vật dụng gia đình… Lúc ấy con tôi mới vừa lên lớp hai, nhưng thỉnh thoảng lại chạy về nhà khóc mếu máo vì bị cô giáo miệt thị chuyện có bố vượt biên. Lâu lâu cô thêm một lời đe dọa không bao giờ được quàng khăn đỏ, không có cái “vinh dự” làm “cháu ngoan bác Hồ” thì lớn lên sẽ không được vào đoàn, không thi được vào đại học… Và rồi như thể sợ con tôi không hiểu, hoặc không “truyền đạt” đúng những điều ấy cho tôi nghe, có lần cô giáo còn khẳng định với em tôi lúc tới đón cháu, rằng cuộc đời và tương lai con bé chắn chắc sẽ không ra gì.

Tôi không biết lòng thù hằn, đấu tranh giai cấp của cô giáo lớn đến ngần nào, mà cô không ưa chúng tôi ra mặt. Nhà chồng của cô ở sát nách nhà chúng tôi, hàng xóm láng giềng, nhưng chẳng bao giờ qua lại với nhau, hay nói đúng hơn là bên cô giáo không qua lại với bên tôi. Chưa bao giờ chúng tôi nghe được một câu chào hỏi bình thường không xỏ xiên khi chạm mặt. Sự “cao sang” và “trong sạch” của một gia đình cách mạng không cho phép họ kết bạn, giao du với phần tử tiểu tư sản, tầng lớp “ăn bám xã hội” như gia đình chúng tôi. Trước khi cô giáo về làm dâu nhà ấy, sự cách biệt đã lớn, lúc cô “phát hiện” ra con tôi học lớp của cô thì cái khoảng cách ấy càng tăng hơn. Nhà có hai ngõ đi riêng, nhưng gia đình cô giáo không hề dùng cái ngõ có dính hàng rào với bên chúng tôi hệt như chúng tôi bị dịch hay bịnh truyền nhiễm.

Cuộc sống cơ cực, nghèo nàn. Cả người ở lại lẫn người ra đi đều lây lất giống như nhau. Trong lúc tôi đang nợ nần ngập đầu sau những chuyến đi không thành và một chuyến đi trót lọt của chồng tôi, thì anh cũng ngất ngư ở tị nạn, đến lúc được định cư tại một tỉnh miền nam nước Úc thì lại không có việc làm. Tôi đã gắng hết sức để qua ngày đoạn tháng, khi có dịp tôi vẫn cố làm cô giáo vừa lòng, nhưng vào cái thuở mà lòng tự trọng, nhân ái, cùng nhân phẩm gần như đã biến mất, việc đội đá vá trời có lẽ còn dễ hơn khiến cô giáo vui. Chuyện khó quên nhất vào ngày hiến chương các nhà giáo. Sống ở một nơi chỉ có một sạp bán hoa duy nhất, tôi đã phải dặn đi dặn lại cô bán hàng và phải trả bằng một giá cắt cổ mới mua được mười đóa hoa hồng cho con bé mang tặng cô, vậy mà đến chiều về mặt mày con tôi tang thương như mất sổ gạo, hai mắt đỏ hoe trĩu nước mắt. Gặng hỏi mãi, cuối cùng con bé mới kể:

- Cô giáo gọi con bằng “mày” mẹ ạ. Cô bĩu môi, nói bố mày vượt biên mà mẹ mày keo kiệt, tặng cho cô có mỗi bó hoa.

Tôi chưng hửng. Hoàn toàn không biết phải nói điều gì, vì gia đình tôi vốn không cho phép và không ai xưng hô “mày, tao”, nên đối với con tôi, bị gọi “mày” có nghĩa là bị mạt sát, bị khinh bỉ. Nhưng hơn thế, là vì tôi không tưởng tượng được làm sao cô giáo có thể nói những lời vô liêm sỉ như vậy với trẻ con. Nhìn vẻ mặt buồn bã và thất vọng của con bé, tôi thương đến não ruột, loay hoay cố kiếm một lời an ủi. Nhưng không biết có phải vì vẫn còn đang bàng hoàng lẫn khó chịu hay không mà tôi lại bật ra một câu hỏi rất vô duyên:

- Vậy bạn con tặng cho cô những gì?

Con bé cúi nhìn xuống đất, lí nhí đáp không biết. Mãi một lát sau thấy tôi im lặng quá, nó ngước lên buồn bã:

- Cô nói bộ mẹ mày không có xà bông Camay hay sao!

Chuyện cũ, chuyện cũng chẳng lớn lao gì để giữ lại trong lòng hay để thù hận, oán ghét gì cô, nhưng thỉnh thoảng nó lại hiện ra với tôi khiến tôi không vui. Tôi lại nhìn quanh. Lại tự hỏi. Không biết vì chuyện di dân, chuyện đi định cư ám ảnh, hay là vì vẻ khúm núm sợ sệt của người thanh niên có lẽ đến từ Hoa lục và không biết nói tiếng Anh đứng ở bên cạnh như đang vẽ lại chân dung tôi thuở ấy, nên tôi chạnh lòng nhớ lại chuyện xưa?

Cái chuyến đi đầu tiên của tôi ra khỏi nước tuy không bất trắc, không khổ sở và đầy nguy hiểm như hàng triệu thuyền nhân phải chịu đựng, nhưng cũng lắm nỗi gian nan. Và không rõ những người xin xuất cảnh đoàn tụ gia đình ở các nơi khác như thế nào, riêng tôi và những người quen chung quanh thì như đi trong bóng đêm vì hoàn toàn chẳng có được cơ hội nhìn thấy, hoặc được nghe một thông báo công khai nào đó trên báo chí, hay truyền thanh, truyền hình.

Chúng tôi chỉ truyền miệng nhau những… tin đồn. “Nghe đồn” thì đi nộp hồ sơ, “nghe đồn” thì chạy vạy, “nghe đồn” thì mang “bì thư” tới chỗ nọ, chỗ kia… Không thấy thông báo, không được hướng dẫn chính xác, nên dân cò mồi xuất hiện lừa lọc người làm đơn khắp nơi. Thỉnh thoảng có người thu hết đủ can đảm đi hỏi thăm thông tin về chuyện đi ở của mình tại các “cơ quan chức năng”, thì chỉ nhận được một câu trả lời, “có gì mới chúng tôi sẽ báo cho biết”.

Người miền nam lúc ấy dùng chữ “đi Nguyễn Du”, “xuống Nguyễn Trãi”, “qua Alexandre de Rhodes”, “tới Nguyễn Thị Minh Khai”…, để gọi các văn phòng chuyên về xuất cảnh. Chẳng lần ra lối đi nhưng hầu như ai cũng đã phải chạy. Chạy theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Tôi ở huyện, “nghe nói” mua hồ sơ ở Sài gòn, chạy về tới Sài gòn mới biết hồ sơ chỉ bán cho người có hộ khẩu ở “thành phố”. Chạy bở hơi tai, toát mồ hôi hột vì không biết chỗ để mua, cũng không ai chỉ, đến khi kiệu được mấy tờ đơn xin xuất cảnh về tới nhà là hết còn muốn thở, nhưng rồi lại phải chạy. Chạy đi mua… thuốc lá! Chạy cho ra hàng nhập từ nước ngoài. Rồi sau đó là chạy đi “phân phối”. Chạy từ tổ trưởng khu phố, chạy qua tới phường, lên thị trấn, đến huyện rồi cuối cùng là tỉnh, để có được những chữ ký và con dấu của các vị đầy tớ nhân dân.

Hồ sơ của tôi theo thứ tự đã được tổ trưởng “xác nhận đương sự hiện sống ở số nhà…, đường…”, vác qua đến phường được ghi thêm câu, “xác nhận lời chứng của tổ trưởng”, mang lên công an đồn thị trấn thì được “xác nhận đương sự có hộ khẩu thường trú tại phường…”, rồi huyện là “chứng nhận theo lời khai của đương sự”. Tới tỉnh, thú thật là tôi đã hết còn… tỉnh táo để nhớ tỉnh xác nhận điều gì, mà chỉ nhớ từ lúc làm hồ sơ đến lúc ấy là ba năm.


Ba năm… tro than hương lửa chẳng hề mặn nồng, đúng ngày hồ sơ của tôi được gửi ra tới trung ương thì có lịnh ngưng xét đơn xin xuất cảnh. Mẹ tôi nói “thấy chưa!” trong khi tôi tối tăm mặt mũi, chẳng thấy được điều gì. Nhưng không hiểu sao sống vật vờ thêm ba năm trong mòn mỏi, tưởng… tuyệt hậu, thình lình tôi bỗng nhận được một lá thư “báo cho biết” ngày đi phỏng vấn.

Cầm lá thư trên tay mà tôi cứ ngỡ mình đang nằm mơ vì thân phận người xin đi đoàn tụ vào thời điểm ấy chẳng khác gì người xiếc đi trên dây, chỉ trông mong vào… vận hên xui may rủi y hệt như xổ số. Phỏng vấn là xổ số. Có visa là xổ số. Được nhận hộ chiếu (thông hành) là xổ số. Có thư thông báo có chuyến bay là xổ số. Nói như thế vì đi phỏng vấn không có nghĩa là sẽ đậu, mà đậu rồi chưa chắc sẽ được cấp hộ chiếu, đến lúc có hộ chiếu lại chưa chắc sẽ được… bay!

Thời ấy Sài Gòn là nơi phát vé cho người ở các tỉnh phía nam, tính từ Nha Trang đổ vào. Khi bị hoãn chuyến bay, người ở ngay Sài Gòn hay những tỉnh lân cận còn có thể về lại nhà chờ đợi thư báo chuyến tới; người ở miền trung hoặc xa hơn thì dở khóc dở cười, vì về hay ở cũng đều tốn như nhau. Nhiều gia đình lại đã bán nhà, bán đất, không còn chỗ để quay về. Sau này khi có dịp đi đó đi đây nhiều lần, tôi nghĩ hay là người ta đã đẩy chúng tôi xuống hạng “last minutes”, phải đợi đến lúc có chỗ dư mới được lên máy bay. Nhưng chồng tôi bảo không thể là như vậy, bởi vì anh đã bị buộc phải trả tiền vé “full”, không giảm giá, không được chọn ngày giờ, không được chọn hãng bay, lại còn phải trả tiền bảo hiểm theo qui định của bộ di trú Úc từ người cho đến hành lý.

“Trời kêu ai nấy dạ”, chúng tôi, khoảng độ bốn mươi người đã đến Bangkok vào một buổi trưa, được đưa tới một barrack để chờ kiểm tra hồ sơ và khám sức khỏe lại một lần nữa. Nhiều người xôn xao, nhiều người rầm rì nói có lẽ cao ủy Liên Hiệp Quốc không tin kết quả khám sức khỏe của Việt Nam. Tôi nhớ lại cảnh khám sức khỏe “đại trà” của nhà nước xã hội chủ nghĩa thời ấy, nghĩ bụng nếu Liên Hiệp Quốc mà tin được chắc cũng lạ đời. Bởi thay vì chia ra thành nhiều tốp hoặc nhiều ngày khác nhau cho dễ, người ta đã “lùa” chúng tôi, hơn cả một trăm mạng lớn bé già trẻ đi khám sức khỏe ở bịnh viện Chợ Rẫy cùng một lúc y hệt như lính Đức quốc xã lùa dân Do Thái vào trại tập trung. Đã vậy, hơn một trăm mạng đó, người đầu tiên phải chờ người cuối cùng khám xong một thứ rồi mới được “lùa” đi khám thứ khác. Tất cả phải xong chiều cao mới qua cân, xong tai mới qua mắt, xong mũi mới tới họng, xong máu mới tới nước tiểu… Con tôi đã ốm một trận nên thân sau ba ngày lê lết chờ đợi từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối ở các… phòng hơi ngạt ấy.

*

Loay hoay nhiều năm yên lành, tôi bỗng lại lụi hụi làm hồ sơ… xin xuất cảnh. Tuy nhiên lần này thì nhiều thứ đã khác. Tôi không còn phải sống những tháng ngày dài chật vật với đói nghèo, không còn thấy mình bé nhỏ trước cuộc đời, đơn độc trước thế lực của xã hội và nơm nớp sợ hãi giữa những thù hằn, ganh ghét như thuở ấy. Phương tiện truyền thông cũng đã quá thuận tiện, “long distance” không còn là điều đáng sợ. Đã vậy khi sắp xếp được công việc, thì tôi còn đi qua đi về thăm con cháu một cách dễ dàng. Không gian và thời gian dường như ngắn lại rất nhiều.

Nhưng cũng chính vì thế, chính vì sự dễ dàng ấy mà tôi lại phân vân. Thành thật mà nói cái xứ sở Hoa Kỳ mà tôi “biết”, cơ hồ như “biết” một người mình chưa từng tiếp xúc, hay gần gũi, mà đã nghe rất nhiều điều không hay về tư cách, về phẩm giá của người ấy. Hơn hai mươi lăm năm sống ở hai châu lục khác nhau, mỗi ngày ít nhất là một lần tôi đã nghe người dân bản xứ than vãn về nước Mỹ, về người Mỹ, trong đó có những chuyện chẳng phải lỗi của người Mỹ. Chẳng hạn như rất nhiều người Úc tỏ ý khó chịu khi cho rằng xướng ngôn viên trên đài truyền hình, truyền thanh Úc ngày nay gần như chỉ dùng giọng Boston, thay cho giọng Úc với cách phát âm tuy rất khó nghe nhưng không thể lẫn với bất kỳ một dân tộc nói tiếng Anh nào khác trên thế giới. Nhiều người khác ca thán văn hóa Mỹ đã làm “lũng đoạn”, làm hư văn hóa đất nước mình. Cả Úc lẫn Đức đều có đến hơn năm mươi phần trăm talkshow, series, kịch truyền hình, phim tài liệu, chương trình ca hát…, rồi đến các show nấu ăn, du lịch vân vân, đều là sản phẩm của Mỹ. Kể cả những show truyền hình khác không phải xuất phát từ Mỹ, mà nay đã biến thành The Voice Australia, Australias got talent…tại Úc, hay Deutschland sucht den Superstar, Lets dance (Dancing with the stars)… tại Đức, cũng bị lên án là “copy” Mỹ, “xài đồ Mỹ”.

Một người chưa đến Hoa Kỳ, chưa từng sống, cũng chưa biết nhiều về xã hội lẫn văn hóa đất nước này, nhưng nghe mãi những điều ca thán như vậy, tôi nghĩ đến một lúc nào đó cũng sẽ có những thành kiến không tốt. Không biết bao nhiêu người đã “khuyên” tôi không nên di dân sang Mỹ và còn tỉ mỉ kể rất nhiều chuyện họ từng “tai nghe” (mà “mắt… không thấy”!) để tôi “suy nghĩ cẩn thận” trước khi xúc tiến hồ sơ. Tính tôi bình thường ít khi so đo hay than vãn, bởi tôi hiểu ở đâu cũng không thể đòi hỏi có được “mọi sự như ý”, nhưng thói thường, cứ hễ có được quyền chọn lựa thì con người lại đem lên bàn cân, lại tới lui so sánh. Tôi cũng đã suy nghĩ và cân nhắc các điều kiện ở những nơi tôi được phép sống rất lâu rồi mới quyết định đi hay không.

Và lvì ại đi, ở, cho nên lại dính dáng tới giấy tờ. Trước ngày được phỏng vấn, bộ di trú Hoa Kỳ gửi cho tôi lá thư yêu cầu tôi nộp giấy chứng nhận lý lịch tư pháp ở cả ba nơi tôi từng sống. Tôi viết đơn ủy quyền cho một cô bạn ở Đức làm giúp nên chẳng biết cô có đụng chuyện gì bực mình hay không, nhưng với sở cảnh sát Úc thì đã là chuyện không vui mà với Việt Nam lại còn… hỡi ơi hơn. Tại Sydney, tôi phải đi tới đi lui một trạm cảnh sát gần nhà khi làm tờ giấy chứng nhận ấy. Tôi đã bị hẹn nay hẹn mai vì lúc thì phòng chụp hình lấy vân tay không xử dụng được bởi cảnh sát đang hỏi cung tội phạm, lúc thì nhân viên lo vụ police check này nghỉ phép, lúc thì có cuộc họp bất ngờ... Tôi đã đến, đi nhiều lần như thế, nhưng ngày đi nhận visa, tôi mới biết ra người ta đã đưa nhầm cho tôi tờ khai chỉ được xử dụng trong nước Úc!

Sai, nên phải làm lại. Tôi bực mình nên không trở lại chỗ cũ mà đến một trạm cảnh sát khác. Và để không bị sai sót lần nữa, tôi tỉ mỉ kể cho người nhân viên phụ trách lăn tay nghe từng chi tiết một. Cậu cảnh sát, tôi gọi thế vì chắc có lẽ nhỏ thua tuổi con tôi, đã rối rít xin lỗi, và cuối cùng đã quyết định gọi điện thoại cho giám đốc sở đòi phải miễn lệ phí cho tôi. Trên đường về nhà, tôi cứ bật cười một mình, nhưng chẳng phải vì không bị trả thêm tiền, mà chỉ vì nhớ đến chuyện mình bị “ra giá” ở Việt Nam. Cháu tôi gọi sang bảo:

- Họ đòi sáu trăm đô sẽ làm nhanh cho mình, cô tính sao?

Theo điều 48 luật lý lịch tư pháp của Việt Nam năm 2009, thời hạn cấp lý lịch tư pháp cho một người sống tại Việt Nam được quy định là mười ngày, người ở hải ngoại cần thời gian lâu hơn nhưng không thể quá hai mươi ngày. Và lệ phí là một trăm ngàn đồng Việt Nam (khoảng 5 đô la) cho một lần cấp. Tôi không những chỉ đọc suông điều luật này trên internet, mà còn chịu khó đi đến tận lãnh sự quán của Việt Nam tại Sydney để hỏi cho rõ ràng, vì vậy tôi đã la thằng cháu:

- Mắc mớ gì cho tiền tụi nó, đi mua tờ đơn về tự làm cho cô. Cô sẽ gửi về sáu trăm đô để cho con xài.

Thằng cháu tôi bỏ thì giờ ra đi làm giấy tờ cho tôi, phần thấy chuyện trả sáu trăm đô quá vô lý so với giá cả quy định, phần khác sợ tôi rầy. Nhưng cũng tương tự như tôi bị đi tới đi lui ở Sydney, thằng nhóc đã mất ba buổi làm chỉ để lấy được tờ đơn mà lần nào cũng bị đưa trật cho đến khi phải… “làm đúng thủ tục”. Tuy nhiên lúc đem giấy tờ về huyện ký mới xanh xao vàng võ hơn, vì người ta đã đòi cho bằng được chữ ký của các cựu cán bộ công nhân viên làm việc ở phường khóm thời tôi sống tại đó. Viết đến đây, không lẽ tôi phải xuống một câu vọng cổ, chứ các quan chức, cán bộ thời ấy cũng đã xin đi… đoàn tụ với ông bà từ khuya, lấy đâu ra người mà ký cho tôi. “Tận cùng bằng số”, thằng cháu đành năn nỉ tôi để cho nó “thực hiện nghĩa vụ” cho rồi. Lòng vòng mất gần ba tháng, khổ công thằng nhóc trầm trầy trầm trật chạy vạy, mà cuối cùng số tiền bỏ ra chỗ này chỗ kia cũng lên tới năm trăm!

*

Người nhân viên thị thực chiếu khán mang hồ sơ trở lại bàn làm việc tự bao giờ mà tôi không hay. Mãi đến khi ông gọi tên tôi hai, ba lần gì đó tôi mới giật mình đứng lên. Anh chàng thanh niên người Hoa ngồi cạnh tôi nhấp nhỗm đứng lên theo với vẻ mặt hết sức lo lắng. Tôi muốn làm nói câu gì đó cho anh ta yên lòng nhưng không biết phải nói như thế nào để anh ta có thể hiểu. Tôi không biết tiếng Hoa và anh ta thì không biết tiếng Anh. Tôi đưa tay lên làm một cử chỉ trấn an. Nhưng ngược lại điều tôi muốn, trông anh ta có vẻ còn hoảng sợ hơn khi thấy tôi rời chỗ của mình.

Bỗng dưng anh ta khiến tôi chợt nhớ đến hình ảnh của mình gần ba mươi năm trước trong ngày đi đoàn tụ. Nhớ mình cũng chẳng hiểu người ta nói gì dầu có học chút ít tiếng Anh thời đi học. Cũng thấp thỏm và có lẽ cũng ngổn ngang, mơ hồ với cuộc sống đàng trước mặt. Cũng sợ hãi sẽ không được nhập cảnh dầu giấy tờ đã được chứng minh hợp lệ, được đóng dấu và cấp chiếu khán từ mấy tháng trước. Và chắc có lẽ, cũng lo mình sẽ bị trả về “thiên đường chủ nghĩa”…

Tôi quay đầu lại, mỉm cười với người thanh niên, bảo tôi sẽ nhờ người nhân viên thị thực hộ chiếu kiếm cho anh ta một thông dịch viên dầu biết anh ta sẽ không hiểu tôi nói gì. Cuối cùng tôi nheo mắt nói thêm, “dont worry, be happy” với hy vọng anh ta có thể đoán được những chữ cuối cùng.

Tôi bước tới quầy thị thực chiếu khán. Người nhân viên ngỏ lời xin lỗi vì đã bắt chúng tôi phải chờ hơi lâu. Tôi mỉm cười đáp không sao và cám ơn ông. Ông mỉm cười lại. Rất tươi tắn. Và với một giọng rất lịch sự, vui vẻ, ông nói với tôi, “Welcome to America, madam”.

Tôi nhận lại hồ sơ và sổ thông hành, ngước mặt nhìn lên hàng chữ chào mừng rồi bước đi. Tôi nhớ em gái tôi bảo “cứ sang đây sống rồi sẽ thấy được cái hay cái dở của nước Mỹ” và lời nửa đùa nửa thật của con bé, “ở đâu cũng có cái hay, cái dở, nhưng ở đây thì dầu gì đi nữa cũng hơn ở quê ta”. Tôi bật cười một mình. Cái cảm giác mình là tuyển dân Chúa xưa kia được dẫn ra khỏi xứ Ai Cập để khỏi làm nô lệ và đang được dẫn vào đất hứa đượm sữa và mật ong đến với tôi.

Tôi nhủ lòng, phải, trước mặt tôi là một đất nước tự do và dân chủ, là cuộc sống có cháu có con, có sẵn nơi để cư trú, có chút đỉnh chữ nghĩa để không gặp khó khăn khi tiếp xúc với người bản xứ, và hơn nữa còn có Đấng chăn dắt hằng ngày. Vậy thì chẳng có lý do gì để tôi phải lắng lo, bồn chồn hay do dự…

Tôi dừng lại ở trạm điện thoại công cộng, gọi cho các con bảo tôi đã đến nơi bình an. Nói tôi sẽ ở lại California thêm vài hôm rồi mới bay thêm một chặng nữa rồi mới về Dakota. Và tôi nói với mình. Ngày mai tôi sẽ đi mua một mớ thức ăn và hải sản để mang về nhà.

Phải, tôi sẽ về nhà. Cái chốn dừng chân, cái destination cuối cùng của tôi sẽ là ở đó.

Hoàng Nga

Ý kiến bạn đọc
09/05/201810:50:29
Khách
lại đọc được chuyện quá hay không thua gì truyện của ông PHAN (nhưng hơi ít hơn) . Mong có được nhiều sáng tác hơn để có nhửng chia sẻ đầy cảm xúc trong cỏi sống tạm nầy . Thành thật cảm thông và cám ơn
02/09/201602:23:59
Khách
Bài viết này của tác giả làm người đọc nhớ đến những giòng nhạc của F. Chopin mang tên là "Tristesse". Thật là một sự trùng hợp tài tình giữa văn chương và âm nhạc mà không phải ai cũng làm được nếu không do thiên phú.

Mong tác giả vui, khỏe và tiếp tục sáng tác để khỏi phí phạm tài năng mà Thiên Chúa đã đặc ân ban cho.
21/08/201613:45:07
Khách
Thành thật cám ơn anh.
16/08/201622:14:13
Khách
Cả nội dung câu chuyện lẫn lời văn đều hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,312,826
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến