Hôm nay,  

Cô Em Chồng và Bà Mẹ Mỹ

11/08/201600:00:00(Xem: 11736)

Tác giả: Dinh Trần
Bài số 4889-18-30589-v56081116

Tác giả tên thật là Trần Dinh Thị; Quê hương Thừa Thiên Huế. Nữ hộ sinh Quốc Gia Huế 1963. Nursing Assistant 2000. Nghỉ hưu từ 2013. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài viết của bà nói lên cảm xúc biết ơn đối với quê hương thứ hai, với những người đã giúp tôi trong việc xây dựng cuộc sống mới.

* * *

Ở Mỹ, tôi có đến ba cô em chồng. Được cô em chồng thứ ba điện thoại cho biết Sharon không được khỏe, tôi vội vàng thu xếp đi thăm. Sharon l vị ân nhân lớn của gia đình chúng tôi. Từ nhiều năm nay, bà vẫn sống cạnh Kim Liên, cô em chồng thứ thứ nhất của tôi.

Portland, Oregon hôm ấy đang cơn mưa đầu mùa. Nhưng với lòng quý trọng đối với Sharon thì mưa gió cỡ nào cũng không cản bước chân tôi.

Tôi đã lái xe chậm cẩn thận 45 phút đến nhà cô em chồng an toàn. Tôi bước chân vào nhà gặp Liên trước tiên. Liên nói nho nhỏ sợ Sharon nghe:

- Chị Dung mới qua à?

- Chị nghe cô Út nói Sharon bệnh rồi phải không?

Liên đưa ngón tay lên môi ra dấu đừng nói thêm. Tôi gật đầu rồi lặng lẽ đến bên cửa phòng nhìn vào. Trên chiếc giường cũ phía giữa phòng, Sharon đang nằm ngủ, hai tay còn giữ cuốn sách nhỏ để trên ngực. Trông bà không đến nỗi tệ nhưng có hơi ốm hơn mọi khi.

Chị em chúng tôi đều biết tánh nết của Sharon. Bình thường, khi mạnh khỏe ai nhờ chuyện gì bà cũng vui vẻ cố làm hết mình, nhưng đến khi đau ốm thì bà trốn tránh không muốn ai hỏi về bệnh tình của mình hay tỏ ra lo lắng.

Khi hai chị em lui ra, Liên nói:

- Sức khỏe của bà vẫn bình thường, không có bệnh gì nặng chỉ thỉnh thoảng ăn không tiêu cái bụng sình lên làm cho bà khó thở. Bác sĩ xem rồi nói không sao, đã cho bà uống thuốc, chị yên tâm đi.

Tôi không hỏi thêm, nhưng hiểu là dù Sharon bệnh nặng hay nhẹ thì bổn phận của chúng tôi phải tận tình chăm sóc lo lắng bà.

Nhớ có lần gia đình xum họp trong ngày giỗ, các chị em chúng tôi bảo nhau là Sharon thiệt tội. Bà hi sinh cả cuộc đời gần mấy chục năm nay để thương yêu và đùm bọc cho gia đình chị em mình như một người mẹ. Biết lấy gì đền ơn bà cho xứng đáng. Liên nói: Bà đâu có thiếu gì, mình phải sống tử tế với bà trong hiện tại đến lúc bà già yếu bệnh tật, mình phải hết lòng chăm sóc.

Câu nói ấy của Liên luôn in trong trí nhớ tôi nên mỗi lần nghe Sharon yếu bệnh là tôi không thể không quan tâm.

*

Kim Liên thua tôi 3 tuổi. Liên qua Mỹ với chồng và 2 con. Chồng Liên là một sĩ quan trong ngành không quân nên những ngày cuối của tháng Tư 1975, chú ấy có cơ hội thoát thân sớm.

Những năm đầu tiên gia đình mới định cư, ban ngày vợ chồng Liên đi làm, tối đến cả 2 chịu khó đi học mỗi tuần 3 buổi về anh văn ở t trường cộng đồng (PCC) và Sharon chính là cô giáo dạy anh văn của họ. Gia đình Liên cũng sớm vượt qua được những vất vả khó khăn, có công ăn việc làm, con cái vào trường học ổn định. Nhưng rồi ông chồng sau mấy năm cuộc sống ở Mỹ đã được ổn định, có tiền bạc rủng rỉnh, bắt đầu tụ tập ăn chơi xả láng, còn giở thói vũ phu với vợ. Trong hoàn cảnh tứ cố vô thân ở xứ người cô giáo Sharon là người để cho Liên tâm sự. Ở Mỹ chuyện bạo hành vũ phu là điều tối kị, người đàn bà luôn luôn được bảo vệ và cô giáo Sharon là người đầu tiên giúp đỡ che chở cho Liên.

Có lần Liên sợ quá chạy trốn đến nhà cô giáo xin ở lại, bà Sharon sống độc thân thương tình cô học trò trẻ đã không từ chối. Vì thương con nên Liên nhiều lần đã bỏ đi rồi cũng nhiều lần vì chồng năn nỉ nên trở lại. Chỉ 1 thời gian ngắn chồng tánh nào vẫn tật đó, ngựa quen đường cũ nên cuối cùng hai người phải đi đến đường li dị. Hai con ở với mẹ. Liên ra đi với hai bàn tay trắng không cần gì hết, tất cả đều để lại cho chồng chỉ mong thoát thân.

Sharon chính là người đã giang tay để đón nhận mẹ con Liên. Sharon xuất thân là thư ký của hãng bảo hiểm, ban đêm còn tự nguyện dạy anh văn cho những người mới đến định cư ở Mỹ. Cô giáo rất nghiêm nghị chánh trực nhưng không thiếu lòng nhân hậu, cô giáo giúp đỡ cho tất cả học sinh của mình.

Cô giáo sống độc thân, ngày mà cô cưu mang mẹ con Liên thì cô 45 tuổi và học trò 33. Từ đó họ sống với nhau tình cảm của Sharon đã vực Liên đứng dậy như 1 người mẹ thương yêu con gái và 2 cháu. Với tấm lòng quảng đại của bà tiên, Sharon đã giúp Liên nuôi lớn được 2 con nên người…

Sau ngày gia đình đổ vỡ Liên chỉ biết chăm chỉ làm việc để nuôi con, lo kiếm thêm tiền gửi về Việt Nam nuôi cha mẹ và anh em còn nghèo khó. Nàng chỉ có nguyện vọng muốn đưa anh em ruột thịt của mình qua Mỹ. Kết quả Liên đã lần lượt bảo lãnh được 4 gia đình, trong đó có chúng tôi qua trước rồi đến 2 cô em gái và 1 cậu em trai.

Tôi qua Mỹ năm 1996. Chồng tôi là nhà giáo, sĩ quan biệt phái nên đi học tập cải tạo 2 năm 7 tháng, mà tiêu chuẩn đi diện HO phải 3 năm trở lên. Do đó chúng tôi qua Mỹ theo diện đoàn tụ cô em chồng Kim Liên bảo lãnh, không được sự giúp đỡ nào từ chính phủ, chỉ trông nhờ gia đình mà Liên thì bân đi làm suốt tuần nên mọi việc đều do một tay Sharon giúp đỡ.

Khi đó Sharon đã nghỉ hưu sớm nên Sharon chỉ bày tận tình mọi điều để chúng tôi sớm hòa nhập với cuộc sống mới. Sharon không từ chối bất cứ việc gì, bà bận rộn với chúng tôi suốt ngày, nào chở đi kiếm việc làm, đi học anh văn vào bữa tối, có thì giờ rảnh là bà bắt chúng tôi phải tập đọc tập nói tiếng anh với bà. Lúc nào bà cũng nói: cố gắng lên, chỉ cần mỗi ngày học một chữ.


Thời gian đó kinh tế Mỹ đang lên nên chúng tôi được may mắn trong vấn đề đi kiếm job. Liên nói: ở Mỹ này ngộ lắm chị ơi, kinh tế khi lên khi xuống, có khi đến 5, 7 năm mới thay đổi.

Một buổi chiều thứ 6 cuối tuần, mới khoảng 5 giờ chiều nhưng tiêt trời đã vào dông, bên ngoài tối đen như mực và lạnh cóng. Bước vào nhà vừa ấm áp lại vừa ngửi được mùi thơm của thức ăn làm tôi sẵn đang đói, bụng càng cồn cào thêm.

Mâm cơm đã dọn sẵn trên bàn ăn 1 dĩa thịt gà luộc, chặt thành miếng nhỏ vàng óng ả, đặt cạnh 1 chén nước mắm gừng thơm phức, 1 tô canh bầu lại có cải xào với thịt bò nữa, đặc biệt là Sharon ăn được hết trừ nước mắm, chén đĩa muỗng nĩa napkin sắp sẵn cho 4 người ăn. Ôi! Sharon và Liên thật chu đáo. Mâm cơm đậm mùi quê hương, tình ruột thịt và tình thương của Sharon. Ăn xong tôi giành rửa chén bát nhưng Liên bảo:

- Đừng, Sharon nói để Sharon làm, nếu chị giành là Sharon giận đó.

Rồi Liên kéo tôi lên nhà trên, chỉ vào ba thùng giấy lớn và nói:

- Sharon đã kiếm được chỗ ở cho anh chị rồi. Apartment nằm bên kia đường, may quá người ta vừa mới dọn ra. Ngày mai chị qua xem nếu thích thì Sharon sẽ đứng kí bảo lãnh cho chị thuê, còn 3 cái thùng này chị xem đi, cái nào không thích thì để lại. Phần lớn do Sharon đã soạn sẵn hôm nay em mới cho vào thùng.

Xong Liên đưa thêm cái phong bì và nói: Đây là chút đỉnh tiền của 2 cháu (lúc đó 2 con Liên đã có gia đình) để thuê xe dọn nhà. Tôi nhìn 3 cái thùng đầy ắp vật dụng và cái phong bì nằm trong tay, lòng xúc động đến nghẹn ngào.

Dọn về nhà mới chúng tôi thường đi ngủ sớm, chồng tôi được làm ở một công ty sát nhà, còn tôi phải đi 2 bus mới đến sở làm nên phải thức dậy khoảng 4:30 AM.

Một buổi chiều mùa đông, bỗng nghe tiếng gõ cửa ông xã tôi vội vàng chạy ra nhìn vào cái lỗ thông nhỏ ở cửa lớn để kiểm tra, thì ra đó là Sharon (trời lạnh và tối mà Sharon đi đâu vậy trời). Hai đứa tôi nói với nhau, chồng tôi mở cửa ra.

Sharon không chịu vô nhà, tay cầm một cái gậy và đôi giầy, tất cả đều có đinh ở dưới để giành đi khi đường có tuyết hoặc đá. Sharon nghiêm trang nói ngày mai có thể có tuyết, sáng sớm trời rất lạnh, sẽ có đá mỏng trên đường đi, tất cả cái này (bà đưa đôi giày và cây gậy cho chồng tôi) rất cần cho vợ anh đi từ nhà ra bus và từ bus vào hãng.

Tôi vui mừng đón nhận, mới qua chúng tôi đâu có biết để chuẩn bị, sau này nghe nói có người té trên đá mỏng khi sáng sớm trên đường đi hoặc ở hiên nhà đến gãy tay. Tôi vội vàng cám ơn và nói Sharon về cẩn thận. Nhìn dáng Sharon đi ra trên hành lang lạnh lẽo của chung cư, tôi thật ái ngại và thương thầm, sao lại có người có lòng nhân hậu như vậy, đột nhiên tôi có cảm giác như thấy hình bóng mẹ tôi khuất dần theo.

Từ đó về sau chúng tôi có 1 đại gia đình sống yêu thuong và đùm bọc lẫn nhau. Các gia đình em Liên qua sau cũng được giúp đỡ như nhau. Sharon là người lúc nào cũng chăm sóc người khác từng chút một.

Riêng về phần chồng tôi, anh ấy là anh trưởng trong gia đình nên anh tiếp tục phụ với Kim Liên để lo cho gia đình các em mới qua và luôn cả cha mẹ còn lại bên Việt Nam.

Nhưng cuộc đời không có gì là vĩnh cữu, người vắng mặt trước tiên trong đại gia đình là ông xã của tôi. Anh ấy ra đi sau 1 cơn bệnh nặng mặc dầu bác sĩ và người thân đã tận tình cứu giúp. Tôi ở lại cố gắng thay chồng làm tròn bổn phận của người chị dâu trưởng để cho anh ấy dù ở bên kia thế giới cũng vui theo mỗi hành động của tôi, tuy nhiên sự cô đơn, thương nhớ đã làm cho tôi thực sự không thể nào vui sống được, tôi đâm ra chán nản gần như bị stress. Lúc đó Liên và Sharon là 2 người an ủi và chăm sóc tôi nhiều nhất. Có lần Liên nói:

- Em bây giờ không cần gì hết, con cháu là kho báu là niềm vui nhất trên đời. Chị cũng phải cố gắng lên để đưa con cháu qua, rồi chị sẽ ổn

Hoặc là:

- Chị không phải là chị dâu, chị là chị ruột của tụi em. Chị nhớ lúc nào cũng có tụi em ủng hộ.

Ông bà ta thường ví von: "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng". Ý bảo những cô em chồng thường khó chịu đáng sợ, có thể mất chồng như chơi…Nhưng với tôi Kim Liên là người đàn bà can đảm, là cô em chồng tuyệt vời, câu nói kia xưa rồi chắc không thích hợp hay là bởi vì cô em chồng của tôi quá dễ thương nên không hợp với câu nói đó. Còn bà Sharon, một người Mỹ, một người xa lạ, vậy mà với trái tim nhân ái Sharon đã trở thành bà mẹ như chỗ dựa an lành để chúng tôi có niềm tin mà phấn đấu. Nhờ Liên và nhờ bà, chúng tôi đã thích ứng hòa đồng với cuộc sống mới, nên cuối cùng tôi cũng đã thành công bên con cháu, bên bà Mẹ Mỹ.

Năm nay, Sharon đã 85 tuổi.

Tôi cảm nhận được cuộc sống trên trái đất này là vô cùng quý giá, ở đâu cũng phải lao động để thành công, ở đâu cũng có niềm tin và nhân ái. Nếu sống đúng nghĩa chân chính, chúng ta sẽ gặt hái được quả ngọt, đón nhận yêu thương và cho mọi người cả trái tim nhân hậu của mình.

*

Tiếng Liên vọng lại từ phòng Sharon:

- Sharon thức dậy rồi. Chị ở lại chờ mấy em thế nào tụi nó cũng qua thăm Sharon. Chị em mình cùng ăn cơm với nhau.

Sharon cùng đi ra với Liên, tôi bước tới gần ôm Sharon:

- Hi Sharon. How are you?

Sharon cười vỗ vỗ lên vai tôi:

- Im Ok…Im Ok. Thank you

Hạnh phúc vỡ òa…

Dinh Trần

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,299,158
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo