Hôm nay,  

Nhà Dưới Chân “Đồi Sim”

30/07/201600:00:00(Xem: 10684)

Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 4880-18-30580-vb7073016

Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới của tác giả kèm tin vui ông vừa bình phục sau cơn bệnh. Cầu chúc Ông vui khỏe.

* * *

Tôi không thể ngờ rằng: sau khi vào nhà thương thông tim trở về, tôi lại bị khá nhiều biến chứng, đến nỗi phải gọi xe cứu thương đưa tới phòng cấp cứu thêm hai ba bận nữa! Cứ thế bệnh tình kéo dài hơn tháng rưỡi trời mới dần hồi phục.

Suốt quãng thời gian nằm tịnh dưỡng, để dỗ dành giấc ngủ hầu quên đi cơn đau, tôi hay miên man nghĩ về quãng đời từng trải qua. Nhớ hồi còn “chân ướt chân ráo” mới tới Mỹ: mỗi lần có dịp đi ngang qua khu nhà riêng biệt, vợ tôi vẫn thường ước ao: ngày nào đó sẽ được làm chủ một trong những căn nhà nho nhỏ, xinh xinh ấy. Thế mà chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã “tậu” được ngôi nhà khang trang hơn điều mơ tưởng rất nhiều.

Trở lại phòng khám sáng nay, sau khi y tá làm đủ các loại thử nghiệm chung quanh lồng ngực, bác sĩ vào chúc mừng và báo cho tôi biết: Tim tôi đập không còn bị lỗi nhịp nữa. Tôi vui mừng trở về nhà, ngồi trước bàn phím computer, nhớ lại niềm ước mơ ngày trước của vợ tôi. Tôi muốn ghi chép lại vài niềm vui, nỗi buồn từng diễn ra quanh ngôi nhà thân thương, để mừng ngày “con tim đã vui trở lại”, nhân đó để riêng tặng người đã chung chia niềm vui cũng như nỗi buồn và đồng hành cùng tôi trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

*

blank
Ngôi nhà và những người thân thương.

Mỗi khi nghĩ suy hay có ai đó hỏi về nơi đang ở, tôi thường liên tưởng ngay tới hai câu kết bài thơ “Nhà Tôi” của thi sĩ Yên Thao:

Nhà tôi ở cuối thôn đoài

Có giàn thiên lý, có người tôi thương

Đến khi phổ nhạc, ông Anh Bằng đã sửa chữ “thôn” ra chữ “chân”. Điều đó, khiến tôi có cảm tưởng như cố nhạc sĩ tài hoa này viết phần kết bản nhạc ấy cho riêng ngôi nhà tôi vậy. Vâng, “nhà tôi ở cuối chân đồi”, riêng giàn thiên lý trong vần thơ lẫn dòng nhạc được thay thế bằng đủ các loại hoa; còn “người tôi thương” thì nhiều, nhiều lắm!

Hoa trong vườn nhà tôi, từ những đám hoa dại lẫn các loài hoa được mua từ vựa cây kiểng đem về trồng đều nở theo mùa, tùy thuộc vào lượng nước từ trời cao đổ xuống. Năm nào mưa nhiều, mặc tình cho muôn hoa khoe sắc, đua nở. Nổi trội, xôm trò nhất phải kể đến loài Tần Ô: loại hoa dại tựa như hoa cúc nhỏ, nở vàng rực rỡ dưới ánh mặt trời. Trọn quãng thời gian hoa nở rộ, mọi “người tôi thương” trong nhà như được sống giữa “động hoa vàng”, hòa lòng vào hồn thơ Phạm Thiên Thư, qua nét nhạc tuyệt vời của Phạm Duy đi kèm với giọng Thái Thanh thánh thót. Hoa vàng vừa tàn, thì đến lượt bông lau trắng xóa cứ thế đua nhau vươn thẳng lên cao. Với cảnh thiên nhiên phơi bày trước mặt, nếu có thêm một bầy trâu, thì hình ảnh lịch sử với “dũng tướng tí hon” Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau tập trận liền hiện ra ngay trong đầu.

Đường vào nhà tôi có đồi dốc khá cao, đôi lúc khiến người quen lái xe đường bằng phẳng hơi bị run tay. Cho nên, nhiều khách lần đầu đến chơi thường lầm tưởng tôi ở tận non bồng. Họ đâu biết rằng: nhà tôi ở cuối ngọn đồi mang tên “Lynwood”. Lynwood đã bị tôi Việt hóa cho riêng mình thành “Đồi Sim”, dù vẫn biết “Lyn” với “wood” không đồng nghĩa và cũng chẳng chút liên hệ gì tới “đồi” với “sim”. Nhưng bởi vì tôi yêu thương và mê luôn cả cuộc sống đời thật lẫn thơ văn có liên quan đến màu sim tím của thi sĩ Hữu Loan.

*

Nhà tôi tọa lạc trên khu đất rộng hơn nửa mẫu Mỹ (acre), tương đương hơn một sào rưỡi nếu tính theo người Bắc và hơn nửa công đất nếu tính theo người Nam. Khu vườn trông càng rộng rãi hơn bởi phía đằng sau ngôi nhà toàn cây cao bóng mát - nhìn xuyên qua khung cửa sổ chẳng khác chi một khu rừng nhỏ. Còn bên hông, phía ngoài dãy hàng rào thấp lè tè là nguyên một khoảng trống như đất hoang - giải ngăn cách ngôi nhà với xa lộ liên bang 805, lúc nào cũng tấp nập xe cộ.

Bởi cây cối mặc sức tự nhiên đâm chồi nẩy lộc, lôi kéo thú hoang tới trú ngụ khá đông, nên con cháu tôi vẫn ví von, vườn nhà mình y như “zoo” vậy. Quanh cái sở thú bé nhỏ đó, có các loại hiền lành như: sóc, thỏ,… cũng không thiếu các loại dữ dằn như: rắn, chồn,…và đôi lúc về đêm còn nghe văng vẳng cả tiếng chó sói tru tréo nữa. Có lần cả nhà kéo ra xem một gia đình gồm 6 con chồn, lông lốm đốm hai màu đen - trắng, thản nhiên dẫn nhau diễn hành quanh khu vườn.

Bướm ong cũng rủ nhau tới. Bướm thì đủ loại sắc màu, chỉ bay lượn vờn những cánh hoa. Chớ ong kéo theo hàng đàn làm tổ, khiến tôi phải tốn hao bạc ngàn, để trả công cho mấy chuyên viên đến diệt bầy ong và lấy đi cái tổ to tướng nằm tận bên dưới sàn nhà. Riêng chim chóc, mỗi độ xuân về suốt từ sáng tới chiều, đủ các loại cứ chao lên chao xuống, bay tới bay lui, tìm nước uống, mổ thức ăn của vợ tôi thường mang ra ngoài vườn “chiêu đãi” chúng.

Nhắc đến chim muông hay loài có lông cánh, tôi nhớ lại cái thuở còn nuôi gà ngoài vườn. Nhìn đàn gà con mới mua về tung tăng chạy nhảy trong chiếc lồng, con cháu tôi có thêm niềm vui trước lúc đến trường cũng như sau khi tan học về tới nhà. Tiếc thay niềm vui không được trọn vẹn, bởi chẳng hiểu vì sao một con gà con bỗng dưng lăn đùng ra chết, làm cháu gái tôi nước mắt ràn rụa, cứ thế sụt sùi và nức nở mãi.

Phần tôi, từ khi đàn gà lớn lên, vẫn hay mở cửa chuồng cho chúng ra bên ngoài thong dong đi tới đi lui đôi ba giờ mỗi ngày. Nhờ vậy, bạn bè đến chơi đều tấm tắc khen thịt gà đi bộ vừa dai lại thơm phưng phức. Nhưng đến một hôm đàn gà tan tác giữa ban ngày ban mặt, bởi có tới 3 con gà trống oai phong lẫm liệt, to béo nhất đàn bị chồn vồ. Vết tích sót lại chỉ vài nhúm lông bê bết máu, vương vãi quanh sân vườn. Thế là vợ chồng tôi buộc lòng phải làm thịt hết để ăn dần. Nhưng khổ nỗi, cắt tiết xong một con, tôi không thể nào cầm nổi con dao lên cứa cổ tiếp con thứ hai nữa. Cuối cùng, chúng tôi đành phải phân chia nhờ người quen tới mang gà về ăn giúp. Cũng kể từ đó chuồng gà biến thành cái kho chứa thức ăn cho chó, mèo cùng chim chóc.

Ngoài việc nuôi gà ra, chuyện chim muông quanh nhà tôi cũng không thiếu bao điều lý thú. Bởi lâu lâu lại được ngắm chim mẹ tha từng cọng cỏ, nhánh cây khô đem về làm tổ. Lúc trên nhánh ổi, khi bên mái hiên nhà,… Cứ thế, ngắm cho tới lúc mấy cái trứng chim nhỏ hơn đầu ngón tay út lần lượt lấp đầy ổ. Rồi tới cảnh chim mái kiên nhẫn nằm ấp suốt ngày này sang ngày khác, ấp cho đến khi chim con mổ vỏ lúc nhúc chui ra, nghếch mỏ lên chiêm chiếp đòi mẹ mớm mồi.

Còn mỗi lần nhìn các đôi chim âu yếm, tôi liên tưởng ngay tới mấy vần thơ mượt mà, da diết của thi sĩ Sông Cửu - một ông bạn thân tình, gởi gấm lòng mình về quê hương mãi tận bên kia bờ Thái Bình:



Đó! Em có nghe không?
đôi chim câu gù trên vòm cây
tiếng gà rừng đã vỗ cánh gáy
quả đất vừa quay một vòng
cũng như hạnh phúc và tình yêu
vẫn luôn đồng thời hai mặt...
Bên nầy - đón ngày mới
Bên kia - nối đêm dài...
(Trích từ bài thơ Hạt Nắng)

blank
Chim công dạo chơi quanh chuồng gà.

Những chuyện đáng ghi nhớ diễn ra quanh ngôi nhà dưới chân “Đồi Sim” thì nhiều lắm! Riêng một câu chuyện tôi có thể đoan chắc sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi, bởi nó xảy ra đúng vào ngày “30-4”. Hôm đó tuy rơi vào ngày thứ Sáu, nhưng buổi lễ tưởng niệm 29 năm Quốc Hận tại San Diego cũng có khá đông người tới tham dự.

Lễ tan trở về nhà, thay bộ quân phục “trây di” ra xong, vừa định thả mình xuống chiếc sofa, hướng mắt nhìn ra hàng cây cao vút sau nhà cho nỗi buồn “Quốc Hận” vơi đi, vợ chồng tôi chợt nghe liên tiếp mấy tiếng kêu vừa to, vừa lạ từ bên ngoài patio vọng vào. Cả hai ngước mặt nhìn nhau, cùng tức tốc đứng dậy, bước vội ra mở cửa. Vợ tôi giật nẩy mình, còn tôi trố mắt nhìn một con công thật to, lông màu xám, mình trắng ngà, cổ màu xanh lá đang đứng trước ngưỡng cửa. Công đứng đó, người đứng ngay bên cạnh. Tuy mới gặp gỡ lần đầu, lại nhìn nhau thân tình một lúc khá lâu.

Trong lúc còn đang bối rối, chợt vợ tôi mở rộng thêm cánh cửa, tránh sang một bên, vui vẻ, nhỏ nhẹ hỏi han:

- Công có muốn vào nhà chơi không?

Thế là Công điệu đà, oai vệ thẳng tiến vô nhà. Công bước đi từ đôi chân cho đến thân mình và luôn cả cái đầu, đôi mắt đều nhịp nhàng như một diễn viên múa điêu luyện. Vợ chồng tôi lê chân tới đâu Công nhún nhảy theo tới đó, gục gặc cái đầu ra vẻ ngắm nghía hết phòng ăn, đến nhà bếp, vào cả phòng ngủ rồi ra phòng khách. Như một vị khách lịch lãm đến viếng nhà, Công ngước mặt nhìn lên bàn thờ gia tiên, như thầm thì nguyện cầu, rồi mới thong dong dạo tới dạo lui trong nhà. Đến lúc Công nhìn ra phía ngoài patio, vợ tôi hiểu ý, liền kéo cánh cửa sang một bên để Công bước ra vườn.

Sau đó, vợ tôi rải thức ăn chim ra mời “khách”, Công chẳng ngó ngàng tới, có lẽ bởi loại hạt li ti, nhỏ bé, chỉ thích hợp cho mấy loài chim con. Thấy chẳng còn thứ gì khác nữa, vợ tôi bèn đem thức ăn chó mèo ra “đãi”, “khách” niềm nở từ tốn mổ từng hạt một. Và kể từ hôm đó Công cứ quanh quẩn ngoài vườn, lâu lâu lại đến bên cửa kêu to lên vài tiếng, như tỏ ý muốn được vào trong nhà dạo chơi.


Tôi phì cười khi nghe vợ tôi nêu ra thắc mắc: Công ngủ như thế nào vào ban đêm? Băn khoăn mãi cho tới một đêm trăng sáng vằng vặc, vợ tôi mới tự tìm ra lời giải đáp. Bởi hôm ấy, lúc đứng rửa chén bát sau bữa ăn tối, nhìn qua khung cửa sổ, thấy Công đang ngủ trên một nhánh khá to vắt ngang thân cây, đầu hướng thẳng vô nhà. Từ đó, mỗi đêm vợ tôi có thêm cái thú vừa lo việc bếp núc vừa ngắm Công ngủ, để cảm nhận mình đang hạnh phúc được sống gần gũi với thiên nhiên giữa nơi phố thị. Những đêm lạnh lẽo, mưa to gió lớn, Công vẫn nằm nguyên đó. Chỉ riêng vợ tôi chợt nghe lòng xót xa. Nhưng “cũng may Cali trời mưa ít, không như Sài Gòn”, nên đêm đêm Công ngủ chẳng mấy khi phải chịu cảnh ướt át.

Kể từ lúc kế hoạch nuôi gà gãy đổ nửa chừng xuân, cái chuồng chung quanh đầy hoa khoe sắc thắm vẫn nằm nguyên đó. Công rất thích dạo chơi tại nơi này. Từ ngày Công đến, cánh cửa chuồng lúc nào cũng rộng mở đón chào Công. Đã đôi lần Công bước vào đó, nằm tránh nắng hay trú mưa. Thấy vậy, có người khuyên tôi khóa cửa chuồng lại, để Công mãi mãi thuộc về riêng mình. Nhưng là người từng bị giam cầm sau ngày buộc phải buông súng, là người đã từng đem mạng sống ra đánh đổi lấy tự do, tôi không thể đang tâm cướp đi sự tự do của bất kỳ ai, dù đó chỉ là một con thú hoang.

Vì muốn “khách” vừa lòng, vợ tôi bỏ ra nhiều ngày tìm kiếm, mới mua đúng loại thực phẩm dành riêng cho loài công. Nhưng chẳng hiểu sao Công chỉ thích chung chia thức ăn với hai con chó mèo.

Mỗi sáng, thức ăn vừa được đổ vào đĩa, chỉ mỗi mình Công bệ vệ bước tới, mổ rất từ tốn. Công “chén” màu lợt xong rồi tới đậm,… tuần tự hết màu này mới mổ sang màu khác. Trong khi đó, chó lẫn mèo nằm im chờ đợi. Chắc cả hai con đều ngầm hiểu: “Đàn chị” ăn no nê, đi khỏi rồi mới đến lượt mình. Thêm một điều lạ nữa, lúc chó mèo đang ăn, hễ thấy Công mon men tới, vội vàng nhường lại chỗ ngay.

Thực ra, nhìn dáng vẻ bề ngoài tuy bệ vệ, to gấp đôi ba lần con gà trống, nhưng bồng trên tay mới hay Công nhẹ tênh, chẳng hơn gì một con gà mái. Vậy mà cả chó lẫn mèo to lớn hơn gấp bội, đều “xếp de” và ngoan ngoãn nhường bước trước cái uy dũng, nhất là tia mắt nhìn long lanh, đầy kiêu hãnh. Dáng vẻ Công đã đẹp sẵn, nhưng trông càng đẹp hơn với chòm lông nâu pha sắc đỏ trên đầu, chẳng khác chi chiếc vương miện xinh xắn.

*

Công đến nhà được chừng đôi ba tháng tự dưng mất dạng. Cả nhà tìm kiếm mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng Công đâu.

Đêm xuống, nhìn lên cành cây, Công không còn nằm trên đó nữa. Tới khi vừa chợt thoáng nghĩ, chắc Công bỏ đi rồi, thì bỗng nhiên nghe tiếng Công kêu vang, đang đứng chờ bên ngoài khung cửa, ngay cạnh chén nước trong cùng cái đĩa đựng thức ăn sạch bóng. Vợ tôi mang thức ăn đổ ra đĩa, Công ăn uống no nê xong, rỉa lông vỗ cánh, la lối như bày tỏ niềm vui, rồi lại biến mất, lần này còn lâu hơn trước. Thấy hơi bất thường, tôi bèn núp trong nhà, âm thầm theo dõi. Chừng đó mới hay, ăn uống vừa xong Công một mạch chạy thẳng lên lưng chừng đồi, nằm nghếch mỏ hướng nhìn về ngôi nhà. Suy tính mãi tôi vẫn chưa rõ nguyên do, chỉ biết tiếp tục dõi mắt theo Công. Mãi đến khi Công trở xuống đòi ăn, tôi liền bảo vợ tôi:

- Để anh leo lên đồi xem nó làm gì trên đó.

Đến nơi, tôi trố mắt trước một cái ổ khá to, gọn gẽ, đẹp đẽ ẩn dưới bóng mát một lùm cây, bên trong có 5 quả trứng to gấp mấy lần quả trứng gà. Tôi mới hiểu ra suốt vài ngày nay Công vắng bóng là vì bận ấp trứng. Tôi vội vàng lấy hết trứng đem vào nhà. Đến khi quay trở lại, thấy trứng đã bị đánh cắp, Công chạy đôn chạy đáo, chạy tới lui tìm kiếm mãi, còn kêu lên biết bao tiếng thảm thiết, não nùng. Tuy lòng đau, nhưng tôi không thể làm gì khác hơn, bởi trứng không có trống, ấp đến chừng nào mới nở con!

Nỗi buồn mất trứng phai dần, Công trở lại nếp sống bình thường. Rồi cứ thế hàng năm Công đẻ 2 lần, lần nào cũng đúng 5 trứng, chỉ khác nhau ở chỗ: mỗi lần chuẩn bị đẻ, Công đều xây ổ mới. Nhờ vậy khách tới nhà chơi, trước khi khoe và giới thiệu Công quý, tôi thường hay vui đùa hỏi xem có ai muốn ăn món nem công không, tôi sẵn lòng đi tìm bắt công để mang ra đãi. Đến khi nhìn rõ Công thong dong đi lại quanh mấy bụi hoa, chẳng ai đang tâm muốn thưởng thức món nem công trân quý nhất trên cõi đời nữa. Thế là tôi dọn trứng Công luộc ra thay thế. Trứng Công không khác gì trứng gà, trứng vịt là mấy, khác chăng là cái vỏ có vằn màu hơi ngà ngà, cầm hơi nặng tay và nhiều tròng đỏ.

Có lần sém chút nữa tôi đã giết hại Công, bởi nghe theo lời nhà thơ Sông Cửu xúi dại:

- Lấy trứng Công rồi, chú bỏ trứng gà lộn vô cho nó ấp. Như vậy, chú không phải nghe tiếng Công than khóc vì mất trứng, lại có được bầy gà con để nuôi cho lớn, rồi mần thịt mời tui tới lai rai năm ba chai.

Làm đúng bong lời ông bạn già: Nửa đêm hôm ấy, tôi nghe vài tiếng Công kêu la rồi im bặt. Vợ chồng tôi sinh nghi có điều gì không ổn xảy đến, liền xách đèn ra tận ngoài ổ tìm Công. Đến nơi, nhìn thấy Công cứ dáo dác đi loanh quanh ổ, mùi chồn hôi nồng nặc, 5 quả trứng gà để vào ban sáng giờ chỉ còn lại 2, cùng với mớ vỏ trứng vương vãi trên đám cỏ. Tôi đoán biết ngay Công vừa phải chiến đấu với bầy chồn hung hãn xông ra cướp trứng. Tôi vội vất hết trứng gà đi để bảo vệ an toàn cho Công. Lúc trở vào nhà tôi tạm an tâm khi chợt nghĩ: Chắc Công sẽ không sao, vì nguyên bầy gà to lớn không thể chống chọi nổi với loài chồn, nhưng một mình Công nhỏ bé hơn lại sống an toàn, nhởn nhơ quanh khu vườn suốt mấy năm trường.

*

Rồi đến một hôm, sợi dây “cable” truyền hình dẫn vào nhà tôi bị hỏng, người thợ leo lên nóc nhà sửa chữa suốt từ trưa đến gần tối vẫn chưa xong. Tôi lại quên bẵng đi giờ giấc Công thường nhảy lên nóc nhà, để từ đó bay qua cành cây ngủ. Công nghĩ sao tôi không rõ, chỉ biết đoán mò là vì cuộc sống đang yên ổn, bình lặng bỗng nhiên bị khuấy động, Công mới phải bay đi tìm chỗ ngủ khác ngay trong đêm.

1 ngày, 2 ngày, 3 ngày,… cứ thế vợ chồng tôi mặc tình trông ngóng, bóng Công vẫn biệt tăm. Chẳng hiểu con chó, con mèo có vui không khi ngày ngày không còn phải kiên nhẫn chờ đợi Công mổ từng hạt thức ăn nữa? Hay lại u sầu vì mất bạn! Tôi bỏ ra mấy ngày liền lội bộ, lái xe vòng lên vòng xuống “Đồi Sim” nghe ngóng, tìm kiếm bóng dáng Công, nhưng hoàn toàn “bặt vô âm tín”. Chắc Công đã quên mất lối quay về!

Cái buồn bị mất một thứ mình mến thương không đến nỗi làm tôi tê tái, khi chợt nghĩ tới bao năm tháng Công trở thành “thành viên” trong một gia đình luôn sống êm đềm, thoải mái, gần gũi bên nhau. Chút buồn bã mất Công của vợ chồng tôi tan biến ngay khi nhận được điện thoại của một người bạn, ở trên một khu đồi khác, cách nhà tôi năm bẩy dặm đường gọi tới báo tin:

- Hôm qua lúc ra sau vườn, em thấy một con công giống y chang Công nhà anh chị. Nó nhìn em một lúc rồi vụt bay mất.

Vợ tôi tươi ngay nét mặt đáp:

- Công nhà chị bay đi cả tuần nay rồi! Giờ biết chắc nó còn sống chị mừng lắm.

Tìm hiểu sơ qua về loài chim quý, tôi biết đời sống một con công dài chừng 15 năm trời. Công đã sống với gia đình tôi ngoài 5 năm. Sự hiện diện của Công trong suốt thời gian ấy, ngoài chuyện làm cho khu vườn sinh động hẳn lên, Công còn mang lại một ít giá trị về vật chất, qua việc đã đẻ cho chúng tôi tổng cộng 10 lần, mỗi lần 5 quả trứng. Như thế, hơn một phần ba cuộc đời Công đã gắn bó với chúng tôi, quả là quãng thời gian khá dài. Hợp tan, tan hợp là lẽ thường tình, biết vậy nên đâu còn gì để tôi phải nuối tiếc!

*

Sáng nay, tôi phải rời nhà sớm, vào bệnh viện để lo mọi thủ tục chuẩn bị cho việc mổ cườm trong mắt. Mấy câu hỏi thông thường liên quan tới bảo hiểm y tế, sức khỏe, thuốc uống,… nhân viên nhà thương hỏi đi hỏi lại chẳng khác gì lần mổ con mắt trái. Riêng một câu hỏi:

- Ông ở địa chỉ hiện tại bao lâu rồi?

Khiến tôi phải nhẩm tính một lúc mới đáp:

- Ngoài 32 năm rồi, thưa cô!

Nhân viên bệnh viện mỉm cười đáp lại:

- 6 năm sau ngày ông dọn tới ngôi nhà đó, tôi mới chào đời.

Tôi dãi bày thêm:

- Đó là cái địa chỉ cuối cùng của cuộc đời tôi.

Quay trở ra phòng chờ đợi, tôi tiếp tục miên man nghĩ ngợi về nơi chốn mình đang trú ngụ. Tính đến giờ này, chúng tôi ở trong ngôi nhà dưới chân “Đồi Sim” đã dài hơn hẳn quãng đời tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Việt Nam. Chính vì thế mà ngoài chục năm nay, vợ chồng tôi đã xác quyết chọn “Đồi Sim” là địa chỉ cuối cùng cho đời mình. “Đất lành chim đậu”, nước Mỹ quả là mảnh đất lành, nên “con Hồng, cháu Lạc” tìm về đậu ngày một nhiều thêm. Biến nơi đây trở thành chốn có đông đảo người Việt sinh sống nhất hải ngoại. Nhà tôi may mắn được xây cất trên mảnh đất lành đó, nơi Công từng đậu lại suốt mấy năm trường.

Tôi chạnh lòng nghĩ tới quê hương Việt Nam: chẳng biết đến khi nào mảnh đất thiêng liêng đầy ắp kỷ niệm ấy mới lành trở lại, để “bầy chim lưu lạc tha hương” còn mong có ngày quay trở về với cội nguồn, non nước, dân tộc. Trở về với mảnh đất từng có thời cực lành. Mảnh đất được pha trộn bằng mồ hôi, nước mắt và luôn cả máu xương của hàng hàng lớp lớp con cháu vua Hùng, đã dày công tạo nên cơ đồ, để lưu lại cho thế hệ mai sau!

Sapy Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
03/08/201621:10:37
Khách
[ Công ngủ như thế nào vào ban đêm?] May quá chú không đọc "lái" hai chữ công ngủ theo kiểu VN. Thêm 1 nụ cười vào bài văn của chú nhé. Đọc bài của chú thấy tâm hồn nhẹ nhàng làm sao.
03/08/201616:58:29
Khách
Tôi vẫn không hiểu là làm sao Bác biết trứng không có trống mà hai bác và bạn bè xơi đến 50 quả. Biết đâu lại có trống và nở ra một số baby công dến chơi với hai bác nhiều năm nữa.
31/07/201602:59:22
Khách
Với nội dung và lời văn như vậy hèn chi mấy phen tác giả đã được giải thi viết .

Một câu chuyện lý thú về loài công .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,330,234
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.