Hôm nay,  

Sống Vì Người

17/06/201600:00:00(Xem: 16314)

Tác giả: Phương Hoa
Bài số 3845-17-30345-vb6061716

Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Sau đây, thêm một bài viết mới.

* * *

blank
Em bé nước nghèo mở quà.

“Hạnh phúc là cho, và sống vì người khác.”

Câu nói trên của nhà văn, nhà thần học Tô Cách Lan Henry Drummond thật chính xác để nói về cách sống của bà Mary và chồng Austin Webb.

Trong đời sống, người Mỹ rất chú trọng việc làm thiện nguyện. Người lớn tuổi thì đi làm thiện nguyện cho vui, để tránh sự nhàm chán sau khi về hưu không có việc gì làm, hoặc cần vận động cho tay chân giữ được sự linh hoạt, đầu óc minh mẫn. Giới trẻ, sinh viên, học sinh thì làm thiện nguyện để học thêm kinh nghiệm, để lấy điểm tốt (good credit) khi xin việc làm hay muốn được nhận vào trường tốt. Riêng vợ chồng bà Mary, họ chẳng những bỏ toàn thời gian làm thiện nguyện, mà còn bỏ ra tâm huyết và tiền bạc để giúp người. Hạnh phúc của người khác mới chính là hạnh phúc của họ.

Cặp vợ chồng này là cựu chiến binh Hoa Kỳ từng phục vụ bên Việt Nam trước năm 1975. Hiện tại tuy đã về hưu, tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng việc làm của hai ông bà khiến người ta phải khâm phục. Hình như cuộc đời của họ bây giờ là của người khác chứ không còn là của họ nữa. Vậy mà họ rất hạnh phúc và yêu đời. Ông bà bận rộn lu bù về chuyện làm việc nghĩa đến nỗi một người bạn của bà Mary đã nói đùa là lịch làm việc hàng ngày “cho thiên hạ” của vợ chồng bà dày kín không thua gì một nguyên thủ quốc gia.

Bà Mary là cựu nữ Không Quân Hoa Kỳ, từng làm quản lý văn phòng ở bộ chỉ huy binh chủng Không Quân tại phi trường Tân Sơn Nhất Sài Gòn trong những năm 1970-72. Sau khi bà được điều sang Việt Nam, ông Austin Webb cũng là một Không Quân, tình nguyện xin đi Việt Nam phục vụ cho gần người vợ trẻ. Ông được chỉ định làm cố vấn cho một đơn vị quân đội tại phi trường Bình Thủy và mỗi cuối tuần thì lên Sài Gòn để vợ chồng đoàn tụ. Hết thời hạn làm việc bên Việt Nam, trở về Mỹ vợ chồng bà Mary vẫn phục vụ trong ngành Không Quân cho đến ngày giải ngũ.

Sau khi về hưu, bà Mary giữ chức thủ quỹ cho Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam ở Marysville Cali, thiện nguyện từ năm 2006, tính đến nay đã hơn 10 năm, cùng thời gian bà làm cố vấn thiện nguyện cho hệ thống AARP/Tax Aide nổi tiếng, phục vụ khai thuế miễn phí giúp người cao tuổi và những người dân có thu nhập thấp trong thành phố. Bà còn đến giúp bán hàng mỗi tuần một ngày tại AFB Thrift Shop để gây quỹ cho phi trường quân sự Beale, Marysville.

Chồng bà, ông Austin Webb giải ngũ sau 26 năm phục vụ trong quân đội và hiện cũng là một thành viên trong ban điều hành của Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam Marysville. Austin là người có công rất lớn trong việc phụ giúp ông Dann Spear xây dựng nhà Bảo Tàng này. Ông thường bỏ nhiều thời gian đi dạo khắp nơi, chợ trời, garage sale, yard sale, và các tiệm bán đồ cũ để tìm mua gom góp lại những kỷ vật thuộc về chiến tranh, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam mà ông từng tham dự, đem về trưng bày trong Viện Bảo Tàng. Ông thường nói đó là ngôi nhà thứ hai của mình, nên ông có bổn phận phải chăm sóc vun quén nó. Khi nào rảnh ông Austin đều đến Bảo Tàng phụ giúp trang trí sắp xếp hoặc đón tiếp hướng dẫn khách đến viếng thăm. Những ngày lễ lớn là những ngày ông bận “tối mặt tắt mũi” để giúp giám đốc bảo tàng lo sắp xếp, chuẩn bị các thứ.

Nhưng bận rộn hơn hết, là việc ông bà tham gia chương trình “Samaritan's Purse Operation Christmas Child”, tổ chức từ thiện được hình thành từ một hội thánh Tin Lành. Việc làm của ông bà đã giúp rất nhiều cho sự học hành của trẻ em ở những nước nghèo thuộc thế giới thứ ba trên toàn cầu. Cho tới lúc này, các nước nhận được sự trợ giúp của chương trình “Samaritan's Purse Operation Christmas Child” như Guyana, Bangladesh, Philippines, Mexico, Panama, Rwanda, Mongolia, Nepal, và hàng trăm nước khác nữa. Mỗi năm sau Christmas, vợ chồng bà Mary bắt đầu mua sắm dần dần, khi nào có thời gian và tìm thấy hàng giảm giá, để dành vào khoảng tháng Mười Một thì bắt đầu đóng gói. Năm nào họ cũng đóng gói từ hai đến ba trăm thùng quà đem ủng hộ chương trình để họ kịp gửi đi phân phát cho trẻ em trước lễ Giáng Sinh.

Trong một ngày thứ Bảy đến viếng Bảo Tàng Việt Nam hồi tháng Mười Một, nghe ông giám đốc nói vợ chồng bà Mary thời gian này đang bận túi bụi về việc đóng gói quà, nhà tôi đã gợi ý muốn đến phụ giúp để họ đỡ bớt phần nào vất vả. Tôi cũng đồng lòng nên gọi cho bà Mary làm hẹn sẽ đến giúp.

Thứ Bảy tuần sau đó chúng tôi đi Yuba. Đây là một thành phố nhỏ nhưng xe cộ lúc nào cũng đông đúc với nhiều khách vãng lai. Thành phố quy tụ nhiều trung tâm mua sắm, nằm cạnh dòng sông Yuba nổi tiếng có nhiều vàng, và đến mùa thu thì cá salmon kéo về. Trên đường về nguồn đẻ trứng, ngang qua khúc sông này cá salmon thi nhau phóng lên từng đàn đùa giỡn trên mặt nước, hấp dẫn du khách dừng chân ngắm chúng, và nhất là hấp dẫn các tay câu.

Khi chuẩn bị vào Freeway thì hai hàng xe trước mặt chúng tôi bỗng đỏ rực đèn thắng đuôi. Dòng xe bò bò kéo dài từ hồ Ellis Marysville đến lối vào freeway 20 về hướng thành phố Yuba. Ngả vào xa lộ 20 đã bị kẹt. Tôi càm ràm, vì sợ trễ giờ hẹn với bà Mary. Xe chạy chậm làm hơi nóng bốc lên ngột ngạt dù bây giờ đang là mùa đông.

blank
Bà Mary và ông chồng Austin Webb.

Tôi bấm nút hạ cửa kính xuống. Một luồng gió mát lạnh từ hồ nước mênh mông bên phải thổi vào xe thật dễ chịu. Cái cảm giác dễ chịu như khi tôi nhận lời ông xã, đánh đổi thời gian nhàn rỗi cuối tuần dạo phố shopping để đi làm một việc có ích phụ giúp bà Mary và ông Austin.

Chúng tôi dừng xe cũng vừa đúng lúc ông Austin lái chiếc truck ra khỏi garage đậu trước sân, đầu xe hướng ra đường để tiện bề chất hàng.

- Xin lỗi chúng tôi đến trễ một chút vì bị kẹt xe. Nhà tôi nói với ông Austin.

- Ồ không sao đâu! Austin nói. –Chúng tôi mới bắt đầu thôi, vì sáng nay Mary bận đi mua thêm một số bút chì để dành chêm vào những cái thùng nào còn chỗ trống.

Chúng tôi theo ông vào nhà. Bà Mary mừng rỡ chào hỏi xong đưa chúng tôi vào căn phòng kế bên phòng khách.

- Đây là số hàng chúng ta sẽ đóng gói hôm nay. Bà nói.

Tôi ngạc nhiên nhìn dãy thùng giấy chất cao vời hai bên vách và không biết cơ man nào đồ đạc, quần áo, giày mũ, đồ chơi, game sắp chữ…đặc biệt là vô số sách vở, sơn khô, bút chì, bút màu, nói chung là dụng cụ học đường, nằm chất đống ngổn ngang trên sàn nhà.

Chúng tôi bắt đầu sắp hàng hóa vô thùng theo sự hướng dẫn của bà Mary. Sách vở, giấy, bút mực, cục tẩy, bút chì thì mỗi thùng đều giống nhau. Áo quần, đồ chơi, games, mũ, thì bỏ những thứ phù hợp vào thùng có ghi sẵn cho nam hay nữ và độ tuổi. Vừa làm việc, ông Austin cho chúng tôi biết việc làm này là từ tâm nguyện của bà Mary. Họ làm liên tục đã 16 năm qua, ông là người ủng hộ và “phụ việc” cho bà, vì công việc chính của ông là giúp giám đốc Dann Spear chăm sóc nhà Bảo Tàng.

Có chúng tôi phụ giúp, bà Mary hơi rảnh tay nên chạy ra chạy vào lấy thêm thùng trống và mang thêm những thứ hàng hóa bà còn cất giữ nơi nhà kho. Bà vừa “chỉ huy” chúng tôi, vừa vui vẻ kể chuyện về việc những đứa trẻ ở các nước nghèo đã liên lạc với bà sau khi nhận quà mừng như thế nào, vừa giải thích về tổ chức từ thiện “Samaritan's Purse Operation Christmas Child”.

Bà Mary cho biết, chương trình này kêu gọi mọi người “Hãy chuyên chở tình yêu của Thượng Đế đến cho trẻ em nghèo trên thế giới” bằng cách làm đầy các hộp đựng giày của mình với những vật dụng cần thiết đem tặng cho tổ chức, và từ đây họ sẽ sắp xếp để gửi đến cho các em. Đây là một tổ chức từ thiện rất lớn, trải rộng ra khắp thế giới, nhiều chi nhánh đã được mở ra ở các nước như Australia, Canada, Germany, Ireland, Hong Kong, Netherlands, và Anh Quốc. Kể từ khi thành lập vào năm 1990 đến nay là 26 năm, Operation Christmas Child đã gom góp và phân phát hơn 124 triệu hộp quà đến trẻ em nghèo của hơn 150 quốc gia trên thế giới. Chỉ riêng năm 2015, tổ chức đã nhận và gửi đi trên 11 triệu hộp giày đầy những vật hữu dụng cho các em đến trường.

Khi mọi người đóng gói được hơn một nửa số hộp giấy, gần hai trăm hộp – bà Mary đã mua loại hộp lớn chứ không phải hộp giày như chương trình khuyến khích – thì bà kêu dừng tay nghỉ giải lao. Chúng tôi kéo nhau qua bên phòng khách. Bà mang ra ổ bánh kem sô cô la bà tự nướng và một bình trà mời chúng tôi thưởng thức.

Nhìn chiếc bình trà nhỏ xíu với sáu cái tách cũng tí hon bằng sứ bóng loáng có hoa văn tre trúc màu xanh mực và hình mấy ông tiên, nhà tôi nói với vẻ xúc động:

- Trời ơi! Bộ tách trà đẹp quá! Giống hệt như bộ tách trà cổ của ông cụ tôi khi xưa. Lúc nhỏ tôi là đứa thường châm trà trong bộ tách như thế này mỗi khi nhà có khách đến viếng. Nhưng sau đó thì chiến tranh ào đến và tàn phá cả ngôi làng chúng tôi. Nhà bị đốt cháy, các vật dụng kể cả tủ đồ cổ chén bát làm bằng gỗ gụ cũng bị cháy hết. Chúng tôi bỏ chạy ra thành phố chỉ còn lại hai bàn tay trắng.

- Tôi xin lỗi! Austin chép miệng: -Đúng là chiến tranh tồi tệ thật. Vừa rót trà ra tách ông vừa nói. - Tôi cũng rất thích bộ đồ trà này. Mary đã cẩn thận mang chúng về từ Việt Nam, và chúng tôi đã giữ gìn gần bốn chục năm.

Rồi ông chỉ tay qua cái tủ lạnh cá nhân ở góc phòng ăn: -Cả cái tủ lạnh kia nữa, bà ấy cũng tìm cách gửi tàu thủy đem về đây. Những kỷ vật này rất quý giá và đầy ý nghĩa đối với chúng tôi.

- Oh My God! Tôi kêu lên. –Bà ấy hay quá đi! Cả cái tủ lạnh mà vẫn đem về được từ nửa vòng trái đất!

Nói xong tôi bưng tách trà bước lại quan sát cái tủ lạnh nhỏ đặt trên chiếc bàn gỗ thấp. Đã bốn chục năm qua mà tủ lạnh vẫn còn mới tinh, còn nguyên cả cái nhãn hiệu “Panasonic” bằng bạc óng ánh. Tôi chợt bàng hoàng khi thấy lá Cờ Vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa và lá Cờ Sao của Hoa Kỳ làm bằng kim loại mỏng đâu chéo vào nhau, được gắn trên cánh cửa tủ lạnh bên cạnh rất nhiều hình hai ông bà khi còn trẻ, mặc quân phục của binh chủng Không Quân. Việc này cho thấy, dù bốn chục năm qua sau chiến tranh, cặp vợ chồng này vẫn còn lưu luyến, có cảm tình sâu đậm với đất nước tôi, nơi mà họ từng sát cánh chiến đấu với các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Trong khi bà Mary cắt bánh, nhà tôi hỏi động lực nào khiến cho bà đủ kiên nhẫn theo đuổi bền bỉ, đã 16 năm qua và hiện vẫn đang tiếp tục, cái công việc vừa tốn công tốn của vừa tốn nhiều thời gian như thế này. Bà Mary chợt dừng tay, khựng lại một lúc rồi nói với giọng xúc động:

- Từ trước đến giờ chưa có ai hỏi tôi câu này cả. Cho nên cái lý do đặc biệt đã ngủ yên trong tôi. Bà trả lời với ánh mắt xa xăm, mơ màng: -Lý do chính là tôi theo chân một người thượng cấp, Mr Rowdybush, khi tôi làm việc dưới quyền ông ở phi trường Tân Sơn Nhất bên Việt Nam.

- Ồ! Tôi kêu lên. - Thế sao? Vậy ý tưởng giúp cho trẻ em nghèo này bà có từ khi còn phục vụ ở Việt Nam? Ông xếp cũ của bà khi ấy đã làm gì? Hỏi xong tôi bước lại ngồi xuống sofa cùng mọi người, chờ bà trả lời.

- Ông ấy nhờ tôi đặt hàng hóa, quần áo, giấy vở, bút mực và đồ dùng từ hảng Sears bên Mỹ gửi qua Việt Nam rồi ông tự tay đem đi phân phát cho các trẻ em nghèo, vô gia cư đang sống khắp nơi trên đường phố Sài Gòn. Mỗi lần tặng quà, ông dắt theo một người thông dịch và luôn khuyên các em nên đến trường học để tìm tương lai cho mai sau. Ông làm vậy liên tục suốt trong thời gian ba năm ông phục vụ bên Việt Nam.

- Trời! Tôi kêu lên trong sự xúc động, lẫn khâm phục. –Ông Rowdybush đúng là người có trái tim Bồ Tát. Làm việc trong quân đội ông ấy đâu có nhiều thời gian rảnh, mà ông đã cố gắng làm công việc từ thiện một cách nhiệt tình như thế.

- Đúng vậy! Rowdybush quả có trái tim nhân từ, nên tôi rất nể phục ông ấy. Bà Mary đáp lời tôi. -Ông còn có đức tính khiêm nhường nữa, ông làm việc này mà không hề cho ai biết, ngoài tôi là người thường giúp ông đặt hàng. Điều này ngự trị mãi trong tim tôi. Sau về Mỹ nhớ lại việc Rowdybush làm ngày trước nên tôi bắt đầu tham gia vào chương trình này. Tôi biết, cũng có rất nhiều người gửi quà cho tổ chức từ thiện, nhưng không ai làm liên tục và trong một thời gian dài như chúng tôi đâu. Mr. Rowdybush đã qua đời, ước gì ông ấy còn sống đến giờ để thấy việc làm đầy ý nghĩ của ông ngày xưa bên Việt Nam có người nối bước đến hàng chục năm sau.

- Thế trong những thùng quà của ông bà gửi cho tổ chức, có thùng nào được họ gửi đến tặng các trẻ em Việt Nam không? Tôi hỏi.

- Không! Bà Mary đáp lời. –Đây là điều tôi rất muốn, nhưng đáng tiếc vì hai nước chưa thật sự giao thương hay vì lý do khắc nghiệt nào đó mà chương trình chưa có liên hệ phục vụ đến Việt Nam, mặc dù họ đã giúp trên 150 quốc gia khác.

Bà dừng lại một chút rồi nói tiếp: - Tôi ước gì một ngày nào đó tổ chức sẽ làm việc với Việt Nam để tôi tận tay xếp những thùng hàng gửi qua cho các bé. Rồi bà bộc lộ: -Thật ra thì cũng còn một lý do nữa khiến cho tôi theo đuổi việc làm từ thiện này. Bà dừng lại, đẩy đĩa bánh vừa cắt qua cho tôi: -Chị ăn đi! Tài nướng bánh của tôi không đến nỗi tệ lắm đâu.

Tôi bưng đĩa bánh màu nâu với lớp sô cô la dày đặc thật hấp dẫn lên nhưng chưa ăn, mà nhìn Mary chờ đợi để biết cái lý do thứ hai bà vừa nói.

Bà biết ý nên tiếp tục:

- Khi làm việc bên Việt Nam, có lần tôi phải ra vùng ngoại ô Sài Gòn. Khi xong chuyện tôi đi bộ một đoạn ra xe để người ta chở về lại căn cứ. Đi ngang qua khu nhà ổ chuột, tôi thấy một bé gái mặc chiếc áo đầm màu hồng cũ kỹ rách tả tơi, nhưng mặt mũi nhìn rất dễ thương. Bé đứng một mình trước cửa, và khi thấy tôi thì mắt bé sáng lên, đưa tay ra nói “Hello!” có vẻ như muốn xin thứ gì đó. Mary dừng lại một lúc, rồi nói tiếp với vẻ mặt thoáng buồn: -Nhưng khi đó tôi chẳng có thứ gì trong tay để cho bé hết. Tôi cũng không thể dừng lại ôm đứa bé dễ thương một cái, vì e ngại có hiểm nguy nào từ bên trong ngôi nhà cũ ấy như tôi đã được cảnh báo, “VC” có thể ẩn nấp trong nhà dân bất cứ lúc nào. Trên đường về tôi cứ nghĩ mãi đến đôi mắt và bàn tay đưa ra của đứa bé, định bụng có dịp sẽ mua quà đem trở lại ngôi nhà ấy để tặng. Nhưng rồi tôi đã không có cơ hội thực hiện. Bà chợt thở dài: -Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ đôi mắt cùng khuôn mặt thơ ngây đó và cảm thấy mình mắc nợ đứa bé. Cho nên, mỗi khi đóng gói đồ đạt vào thùng, tôi thường nghĩ đến bé gái trong chiếc áo đầm hồng cũ kỹ đứng nhìn tôi trước cửa ngôi nhà xiêu vẹo ngày xưa.

Tôi thật sự xúc động vì tấm lòng nhân hậu hiếm thấy của bà bạn Mỹ. Trong cuộc sống bận rộn hàng ngày của bà, có biết bao nhiêu thứ để nhớ, để bận tâm, thế mà bà vẫn mãi băng khoăn về một khuôn mặt bé thơ tình cờ nhìn thấy ở một đất nước nghèo trong thời kỳ bị chiến tranh tàn phá. Đặt đĩa bánh xuống, tôi cầm lấy tay người đàn bà hiền đức: - Mary! Bà quả là có tấm lòng nhân hậu vô biên. Thượng Đế sẽ ban phúc lành cho bà!

Và tôi chợt nghĩ, mình cũng nên làm chút gì đó để ủng hộ bà bạn Mary trong việc làm từ thiện này.

- Mary nè! Tôi nói với bà, trong lúc nhà tôi và ông Austin đang sôi nổi nhắc lại chuyện thời chiến tranh Việt Nam. –Tôi sẽ viết một bài về tổ chức “Samaritan's Purse Operation Christmas Child” để quảng bá việc làm của họ với cộng đồng Việt chúng tôi. Hy vọng là sau khi bài đăng sẽ có thêm nhiều người từ tâm ủng hộ để giúp cho trẻ em nghèo trên thế giới.

- Vậy thì tốt quá! Mary nói giọng vui mừng hớn hở. –Nếu chị giúp chia sẻ, trải rộng thông tin cho nhiều người biết về tổ chức làm việc nghĩa này thì quý hóa vô cùng! Việc này dễ lắm, chỉ cần lên Google đánh vào “Samaritan's Purse Operation Christmas Child” thì sẽ tìm ra cơ sở nào gần nhất để đem quà đến ủng hộ.

Không đợi tôi trả lời, bà hào hứng tiếp luôn một hơi, chia sẻ những kinh nghiệm để tiết kiệm tiền, tốn ít mà mua được nhiều vật dụng, khi đi mua đồ đóng gói vào hộp giày để đem đến cho tổ chức, mà bà kinh nghiệm trong 16 năm qua.

Đó là, hàng năm hãy để mắt đến những đợt giảm giá lớn trong các ngày lễ quan trọng. Độ tuổi của trẻ em mà tổ chức này giúp đỡ là 2-4, 5-9, 10-14 tuổi. Những thứ quý giá nhất cho tụi nhỏ là sách vở, bút mực, dụng cụ học đường, “Cũng giống như trẻ em của chúng ta ở Mỹ thôi”, bà nói với nụ cười hiền hòa. Tiếp đến là kem, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm, và quần áo.

- Những ngày lễ giảm giá thật tuyệt vời! Sau lễ Độc Lập cửa hàng giảm giá cho “Back To School”, trở lại trường, tôi đã mua mấy trăm quyển vở có kẻ ô, đóng bằng lò xo ở Walmart giá chỉ có 17 cent/quyển, và sau lễ Giáng Sinh tôi đến Walmart rinh về hai trăm tá bút chì có trang trí đủ loại sắc màu rực rỡ, mà giá chỉ có 50 cent/tá. Thật là không tin nổi! Đối với mỗi gia đình có con đang độ tuổi đến trường, một tá bút chì là đủ cho bọn nhỏ. Và chỉ cần một hộp quà rẻ tiền mỗi năm, người ta có thể mang đến niềm vui, ước mơ, và biến đổi cuộc đời của đứa trẻ ở một nước nghèo! Bà Mary nói.

Sau khi chúng tôi hoàn tất đóng gói ba trăm thùng quà, bà Mary lấy ra cho xem nhiều tấm hình trẻ em từ các nước gửi cho bà với vẻ mặt tươi cười khi chúng mở thùng quà, và những bức thư cám ơn viết bằng tiếng Anh đơn sơ mộc mạc bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi nhận được quà từ một người bên nước Mỹ xa xôi gửi đến tặng các em. Nhiều phụ huynh cũng viết thư cho vợ chồng bà Mary, bày tỏ lòng biết ơn vì nhờ những món quà ấy mà con cái họ có động lực để học hành khá hơn.

Có thư bà mẹ từ một xóm nghèo bên Philippines đã viết:

“Nếu ông bà thấy được khuôn mặt kinh ngạc, đôi mắt mở to mừng vui như có lệ, cùng nụ cười toét

miệng lúc nhận hộp quà, và sau khi mở quà, cầm lên tay những vật dụng học đường của con trai tôi David Lance và đứa cháu gái Gia Angela Amante, thì trái tim tử tế của ông bà hẳn là sẽ xúc động lắm, và sẽ biết rằng niềm hạnh phúc của tụi nhỏ không thể nào đo lường được. ”

Một học sinh tiểu học tên Shem Jay thì viết: “Những món quà con nhận được của ông bà hồi cuối năm 2014 rất quý giá cho việc học của con. Con vô cùng hạnh phúc và đã cố gắng học, nên đến mùa hè năm nay, con đã được đứng hạng 1st danh dự của lớp. Con hứa sẽ học giỏi tiếng Anh hơn nữa để có thể viết thư cho ông bà hay hơn.”

Sau đó hai người mời ở lại dùng cơm nhưng chúng tôi từ chối.

- Những thông tin thật vui về các đứa trẻ nghèo và việc làm này của ông bà đã khiến chúng tôi vui lây đến nỗi không ăn mà đã no. Tôi cười và nói trước khi ra cửa.

Dù hiện tại đã dọn đi xa, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với hai người bạn này. Cách sống vì người khác của họ quả là không ai sánh kịp. Ngày xưa khi ở trong quân đội, vợ chồng bà Mary đi chiến đấu, rồi sang Việt Nam phục vụ giúp gìn giữ hòa bình tự do. Giải ngũ, ông bà lại cũng “chiến đấu” vất vả làm thiện nguyện toàn thời gian, bỏ tiền bạc lẫn công sức để đổi lấy niềm vui được nhìn người khác hạnh phúc.

Điều làm cho chúng tôi cảm động và khâm phục nhất, là việc vị chỉ huy người Mỹ Rowdybush đã âm thầm giúp đỡ trẻ nghèo Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh tàn phá quê hương tôi, cho các em quần áo, thức ăn, sách vở để đi học. Và việc bà Mary nối gót vị chỉ huy để tiếp tục làm công việc giúp đỡ cho trẻ em các nước nghèo trên thế giới được đến trường. Còn nữa, câu chuyện chỉ một lần không đáp ứng được ánh mắt muốn xin “thứ gì đó”của đứa bé Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, mà bà Mary đã luôn canh cánh bên lòng, cảm thấy mình mắc nợ bé, cũng đã làm tim tôi lay động mỗi khi nhớ đến.

Có lẽ tôi cũng nên “nối gót” bạn tôi ngay từ bây giờ, liên hệ với tổ chức “Samaritan's Purse Operation Christmas Child” và bắt đầu gom góp mua đồ đạt giảm giá sau các kỳ lễ, để dành đến trước Giáng Sinh thì đem đi ủng hộ. Tôi cũng mong có một ngày, bà bạn Mary sẽ được cơ hội đóng gói những hộp quà và nhờ tổ chức Operation Christmas Child gửi cho trẻ em nghèo bên Việt Nam, để bà cảm thấy được nhẹ lòng.

Quý vị độc giả nếu có ai muốn tham gia tổ chức từ thiện này, hãy vô trang web sau đây và tìm địa điểm gần nơi mình ở.
http://www.samaritanspurse.org/what-we-do/operation-christmas-child/

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
23/06/201604:14:03
Khách
Hòa Nguyễn thân mến,
Không ngờ một sinh viên trẻ gốc Việt như Hòa Nguyễn mà lại có tấm lòng trăn trở về quê hương đất nước như vậy. Câu nói của Hòa, "Hơn bao giờ hết, đây là lúc thế hệ trẻ người Việt cần thay đổi để làm mạnh tinh thần "lá lành đùm lá rách" và góp sức cho một thế giới không còn những đứa trẻ Việt phải ngửa tay xin lòng thương hại của bất kì ai" thật làm xúc động lòng người. Nhưng cũng thật đau lòng, Hòa đúng lắm, có lẽ thời đại này đất nước mình không có được sự "minh bạch" nên người ta chẳng có ...hứng thú gì mấy vấn đe làm thiên nguyện để giúp người... Mong thay đất nước có một ngày sẽ được những lớp trẻ như Hòa làm thay đổi...
Cám ơn Hòa đã đọc bài và viết những lời chia sẻ rất chân tình.
Chúc Hòa luôn thành công và hạnh phúc
Thân mến,
Cô Phương Hoa
22/06/201622:07:10
Khách
Cô Phương Hoa thân mến!
Con mới đọc bài xong nè cô. Bài của cô đã để lại ấn tượng sâu sắc về việc làm việc thiện ở Mỹ và cả ở Việt Nam. Con cũng có lần tham gia quyên góp và đóng gói quà cho trẻ em trong thời gian tham gia sinh hoạt với một nhóm học sinh ở trường UC Berkeley. Từ khi qua bên này sống con mới hiểu về khái niệm làm từ thiện. Con đã ngạc nhiên khi thấy rất nhiều những hoạt động khác như khai thuế miễn phí đã thu hút số đông người tham gia một cách nhiệt tình. Nhìn lại thời gian sống bên Việt Nam, con thấy đất nước mình cần nhiều hơn nữa những tổ chức tình nguyện. Tại sao mình phải mong chờ sự đóng góp của người nước ngoài trong khi người trong nước hoàn toàn có thể giúp đỡ lẫn nhau. Lòng nhân từ thì con nghĩ con người nào cũng có nhưng ai là người hay tổ chức đáng để người dân tin tưởng và quyên góp tiền và sức. Phải chăng vấn đề "minh bạch" lại một lần nữa được đặt ra và cần được giả quyết triệt để. Thật con không ngạc nhiên khi thấy mọi người hăm hở tham gia các tổ chức được quản lý từ các nước như Nhật Bản và Mỹ. Tết vừa rồi con có mua tấm lịch của em họ con gửi qua với mục đích làm từ thiện cho một tổ chức dạy tiếng miễn phí cho học sinh khó khăn của Nhật "Nihongo No Hanashikata". Nó nói hoạt động của tụi nó còn được người Pháp ủng hộ nữa. Con thấy vui vì những hành động như vậy đã xuất hiện. Nhưng điều con mong ước là thật nhiều tổ chức của người Việt mình được tin tưởng và phát triển. Vấn đề lập tổ chức làm thiện nguyện bên Việt Nam lại trở nên cần thiết hơn nữa khi bao cảnh thương tâm cần được giúp đỡ và nó còn có thể thay đổi tư duy sống và giúp hiện thực hóa cả ước nguyện du học của thế hệ trẻ được học ở những trường danh tiếng của nước ngoài hay trong nước. Vì những trường như thế không nhận những học sinh chỉ giỏi mà không có "tâm" hay ước nguyện làm cho thế giới này tốt đẹp và lành mạnh hơn. Hơn bao giờ hết, đây là lúc thế hệ trẻ người Việt cần thay đổi để làm mạnh tinh thần "lá lành đùm lá rách" và góp sức cho một thế giới không còn những đứa trẻ Việt phải ngửa tay xin lòng thương hại của bất kì ai. Cảm ơn cô đã viết toàn những bài có chất lượng như thế này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,082,391
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến