Hôm nay,  

Làng Yên

15/06/201600:00:00(Xem: 10359)

Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 3842-17-30342-vb4061516

Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003. Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm.

Sau đây là bài viết mới của tác giả.

* * *

(Thương mến gửi về Dì Hue P., “Làng Yên” Rossmoor, Walnut Creek, California)

1.

Dì nói với Angel, giọng vỗ về:

“Ăn giỏi đi con, rồi ngủ nhé! Đêm nay con hãy làm quen với chốn này.”

Angel nhìn Dì, rồi nhìn quanh nhà, xem ra không hài lòng mấy. Dì ứa nước mắt, nói như năn nỉ:

“Ngoan, má thương. Con không thương má sao?”

Hình như Angel cảm động. Nó bắt đầu chạm vào cái món khoái khẩu của nó. Cả ngày nay nó đã không thèm ăn uống. Dì đoán, bằng trực giác của Dì, nó nhớ ngôi nhà quen thuộc, trong đó nó cũng có những góc quen thuộc của riêng mình. Nó có chiếc nệm riêng ở góc phòng gia đình, bởi nó cũng là một thành viên của gia đình. Nó có góc ăn uống ở nhà bếp. Và hầu như ngóc ngách nào trong nhà, ngoài vườn, cũng đều là của nó.

Vậy mà Angel lại phải đến đây. Xa lạ. Đó là quyết định của Dì. Những ngày tháng ray rứt buồn thương sau khi Chú ra đi đã khiến Dì héo hắt. Chú đã nhắn nhủ Dì hãy vui sống. Chú đã chuẩn bị cho Dì mọi thứ cho một cuộc đời không có Chú. Dì đã dặn lòng hãy vui sống. Thế mà không được. Nhưng Dì không thể tự cho phép mình đầu hàng. Dì phải tự lo. Muốn thoát ra khỏi tất cả những ray rứt buồn thương đó, với Dì, là phải xếp hết lại. Xếp lại không có nghĩa là chối bỏ, mà là để sống tới. Dì quyết định bán ngôi nhà của Chú và Dì, tìm một nơi chốn mới. Để đừng phải ngày ngày rớt nước mắt trước những cây hoa hồng, lặng lẽ nhìn mặt trời khuất dần sau cây sồi to lớn, thờ thẫn khi nghe tiếng chim kêu nhau dậy mỗi buổi sáng. Dì xếp lại hết, tạm quên, cho lắng lòng.

Căn nhà nhỏ, nhà mới, chỉ cách xa cảnh cũ hai mươi phút lái xe. Nhưng là một môi trường hoàn toàn khác. Như là một cảnh phim mới, một chương sách mới. Và trong đó, có Dì, Trường Giang và Angel.

Như thấu hiểu câu hỏi cảm động của Dì, Angel gục gặc cái đầu, lúc lắc “mái tóc”. Dì cười:

“Chà, tóc đã dài rồi nhé con! Mấy ngày nay lo dọn nhà không cắt “tóc” cho con được. Chiều nay mình sẽ “chỉnh đốn” lại mọi thứ ha! Bây giờ thì ăn, uống, cho má vui nghen con!”

Trường Giang từ nhà thờ về. Angel mừng, vẫy đuôi. Nó sẽ được anh Trường Giang dắt đi dạo. Đi bộ, nó cũng cần đi bộ chứ! Mà Trường Giang cũng cần làm quen với mọi thứ ở đây. Hầu như cả ngày anh chỉ làm việc trong nhà thờ. Thì giờ ít ỏi còn lại là chăm sóc nhà cửa một chút. Căn nhà này không lớn, nên công việc chắc sẽ đơn giản hơn. Còn Dì, Dì muốn ngồi lại một mình, trong căn nhà mới này, ít ra là hôm nay, để được yên tĩnh một chút.

Hai anh em mới đi được năm phút đã trở về. Trường Giang xuất hiện ở khung cửa, trên tay bồng Angel. Dì chưa kịp hỏi, Trường Giang đã nói nhanh:

“Mẹ, Angel xỉu. Mình đưa nó đi bác sĩ ngay.”

2.

Angel đã già quá rồi! Vâng, nó đã 15 tuổi. Tuổi của loài chó như vậy không phải là 15, mà là 105.

Bác sĩ nói với Dì:

“Angel lâu nay bị tiểu đường, bị lòa mắt, bị ung thư gan. Bây giờ ung thư phát tán khắp cơ thể. Nó già quá, đã hết sức chịu đựng rồi. Bà hãy quyết định. Nếu giúp nó đi sớm, nó sẽ không phải chịu đau đớn nhiều. Nhưng chính bà cũng phải can đảm lên. Tôi hiểu điều này rất khó khăn đối với bà.”

Dì nghe mình thở không nổi. Dì hít một hơi thật sâu, cố gắng giữ bình tĩnh. Lâu nay Angel đã vật vã với nhiều thứ bệnh. Dì cho nó đi chữa bệnh nhưng chỉ là nấn ná thêm cho nó ở lại với Dì. Việc gì đến sẽ đến… Dì nhìn Trường Giang. Anh chớp nhẹ mắt thay cho lời nói. Dì nhìn Angel, lúc này như đang chìm vào giấc mê. Nó không còn sức lực nữa. Trong cái cơ thể nhỏ nhắn kia, các bộ phận đã suy mòn. Mấy năm nay sức khỏe của Angel kém dần. Nhiều lần Dì tưởng nó không qua khỏi, nhưng như có một phép lạ khiến nó lại đứng lên. Ngày Chú mất, nó nằm phục bên giường Chú, nước mắt ứa ra. Rồi khi việc của Chú đã xong, nó quấn quýt bên Dì không rời, như an ủi, như khích lệ. Và bây giờ về căn nhà mới, Angel có lẽ tự thấy mình đã hết bổn phận với Dì.

Dì muốn nói như bao nhiêu lần đã nói với Angel: “Con, con hãy ở với má một thời gian nữa nhé!” Bởi nó như là một thực thể nối kết giữa Dì và Chú. Chú đã từng cưng chiều nó, và nó từng quấn quýt với Chú không rời. Nhưng bác sĩ của nó đã nói nếu ráng chữa trị thì nó sẽ sống, nhưng sống lay lắt trong sự đau đớn, chỉ có nghĩa là một sự đày đọa mà thôi. Vậy chỉ có Dì là người quyết định cho nó. Phải giúp nó một lần cuối cùng.

Khoan đã! Tôi có tàn nhẫn quá không? Sao tôi lại là người quyết định cho nó chết?...

Dì gục đầu… Bỗng đâu trong trí nhớ mù sương, hình ảnh của Chú trong những ngày cuối cùng hiện ra. Chú héo hắt. Chú vật vã. Chú đã chịu đựng. Chỉ có Chú mới thấu được sự đau đớn đó. Và chịu đựng tột cùng cho đến ngày Chú ra đi.

Dì nhìn Trường Giang. Anh lại chớp mắt thay lời nói. Và Dì nhìn bác sĩ, gật đầu.

Bác sĩ hỏi:

“Bà có muốn ở bên cạnh Angel không? Điều này cũng xin tùy ý bà, nếu bà thấy đau lòng quá thì xin bà cứ giao Angel cho chúng tôi.”

“Sao?”

Dì hỏi rồi trả lời như nói với chính mình:

“Có, có chứ! Chồng tôi đã chết trên tay tôi. Nay đến Angel, chắc nó cũng muốn có tôi trong phút này.”

“Vâng. Xin bà yên tâm. Angel sẽ được ra đi trong yên bình.”

Dì cúi xuống, thì thầm với Angel:

“Nhẹ nhàng thôi, con à! Một chút xíu thuốc mê. Con sẽ ngủ ngon. Con sẽ hết đau đớn. Ngủ nhé, con. Ngoan, má thương…”

Dì nấc lên trong khi đọc một bài kinh cho Angel. Dì nghe tim mình vỡ ra từng mảnh.

3.

Trường Giang lại đi giúp ở nhà thờ. Dì nói mai mốt Dì cũng sẽ theo vào để giúp. Sau bao nhiêu điều xảy ra, Dì muốn yên tĩnh phần nào đã. Yên tĩnh một chút! Sao mà khó khăn, hiếm hoi quá! Trong một thời gian ngắn, Dì đã phải chấp nhận nhiều chuyện không vui.

Dì nghĩ mình phải ra khỏi nhà thôi. Hãy nhìn ngắm bầu trời, tìm một chút gió mát. Không gian thật yên tĩnh. Dì thấy trước tiên, ngay trước nhà mình, những cây thông cao vút. Loại thông giống như thông Đà Lạt của Dì. Chú chưa từng thưởng thức cảnh này, bởi nếu còn Chú, chẳng bao giờ Chú chịu vào đây sống. Chú luôn nói Chú là người “còn trẻ”. Mà đây là làng senior, dành cho “người già”.

Khi Chú không còn, Dì đã cân nhắc rất nhiều để đi đến quyết định bán căn nhà và vào đây sống. Dì có một người chị họ, sống ở Việt Nam, khi chồng mất bà không muốn thay đổi chút gì những vật dụng trong nhà, bà vẫn muốn mỗi ngày ra vào cảm thấy như ông còn sống. Và bà vẫn giữ như vậy suốt mười năm nay. Còn Dì, ban đầu cũng thế, nơi đâu trong nhà Dì cũng để ảnh của Chú, như thể những sinh hoạt của Chú cùng với gia đình không chút thay đổi. Nhưng rồi cả năm dài trôi qua, Dì thấy mình chìm ngập trong một bầu không khí trầm uất. Dì đã xin Chú cho Dì cất giữ những hình ảnh vào trong, và thay đổi cảnh sống. Dì muốn đứng dậy thật sự, đứng dậy mà không có Chú, bởi Dì đã chấp nhận rằng Dì không còn Chú.

Dì đã vào đây, làng Rossmoor.

Tôi đã già ư? Tạm gọi là vậy. Nhưng mỗi người tùy hoàn cảnh của mình mà có những cách chọn lựa.

Dì tiếp tục đi. Dì chào một bà cụ. Bà chào lại. Ồ, đây là người khó tính nhất làng, Dì biết vậy vì bà cụ đi vào căn nhà đối diện với nhà Dì. Ngay khi nhận chìa khóa nhà, Dì đã được nghe lời cảnh báo của ông quản lý rằng người láng giềng này rất khó tính. Chỉ cần có nhà nào để nhạc văng vẳng lọt vào tai bà là bà sẽ đến than phiền, thậm chí “mắng vốn”. Dì mỉm cười. Dù sao bà ấy cũng đã chào lại mình.

Dì đi dần xuống một con dốc. Những cây phong hai bên đường đã đổi màu lá đỏ. Đường vắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua. Dì cũng thấy được những chiếc xe bus nhỏ. Đó là xe chở cư dân trong làng đi chợ, đi bác sĩ, hoặc đến trung tâm sinh hoạt. Không gian bình yên. Hoa cỏ bên đường làm dịu đôi mắt. Những người đi bộ trên lề đường, gặp nhau chào hỏi – hello, thế là đủ. Có người dắt theo chú chó nhỏ. Dì nhìn theo, ngẩn ngơ…

Dì đi thong dong. Cứ như là đôi chân tự động chuyển theo độ dốc. Bỗng nhiên một cảm giác thật lạ đến trong lòng Dì. Cảm giác bình yên.

Dì tự hỏi Rossmoor nghĩa là gì nhỉ? Hình như nó không có nghĩa gì cả. Một nơi thật dễ thương như thế này mà cái tên không có nghĩa gì cả, thật tiếc. Dì mỉm cười một mình, nghĩ: “Hay ta gọi nó là Làng Yên?” Làng Yên. Cái tên hợp với lòng ta trong lúc này. Khi mọi việc xảy ra… và cuối cùng ta chấp nhận được, cái ta tìm thấy là sự bình yên quý báu. Ta sẽ không còn khóc lóc nữa. Ta sẽ nhìn con đường phía trước. Ta sẽ đi thật vững vàng.

Đôi chân dẫn Dì đến khu sinh hoạt. Khác với cảnh vắng vẻ trên đường, trung tâm này lại có một không khí sống động. Người ta đến từ các khu vực khác nhau trong làng. Qua tìm hiểu trước khi quyết định dọn về đây, Dì biết rằng “Làng Yên” bao gồm nhiều loại nhà, từ loại “co-op”, condo cho đến “single-family home” các kiểu, tùy theo khả năng và ý thích của người mua.

Đây quả là một thành phố thu nhỏ. Có đầy đủ những nơi vui chơi, xem phim, xem hòa nhạc, phòng tập thể thao, phòng tập khiêu vũ, phòng đánh bóng bàn, bi-da, sân chơi tennis, hồ bơi, tiệm ăn, quán rượu, phòng hội họp, phòng computer, các lớp học nghệ thuật… Còn ngoài xa kia là cả một sân golf rộng rãi và một công viên đầy nai.

Dì đi lang thang qua các “khu phố”. Dì có cảm tình với nơi đây nhưng hình như mọi thứ chưa thấm nhập được vào hồn mình chút nào. Vẫn như đứng trước một người bạn mới. Dì tự cười mình. Ừ thì là bạn mới, rồi sẽ quen dần. Dì đưa mắt nhìn theo các cụ ông, cụ bà, tay trong tay, đi dạo. Có người đi một mình. Có nhiều người ngồi cùng với nhau, trò chuyện, uống trà. Và đến một lúc, Dì ngồi xuống băng ghế, cạnh bên một người phụ nữ. Họ chào nhau. Và Dì cũng chào cả chú chó nhỏ bên cạnh bà. Chú chó tỏ vẻ thân thiện, nó đến chạm nhẹ vào chân Dì. Đôi mắt nó tròn xoe. Dì vuốt nhẹ đầu nó. Bỗng Dì thấy nhớ “mái tóc” chưa kịp cắt của Angel. Angel có đôi tai xòe to, lông phủ đầy hai bên như mái tóc của một cô bé gái, Dì vẫn thường xén bớt cho nó xinh. Bây giờ thì Dì không còn có dịp cắt “tóc” cho nó nữa.

Người phụ nữ tỏ vẻ ái ngại khi thấy lệ ứ đầy đôi mắt Dì. Bà nắm lấy bàn tay Dì, như một cử chỉ chia sẻ. Bỗng nhiên Dì thấy lòng nhẹ bớt. Dì nói cám ơn bà. Bà chỉ cười.

Một lát sau, bà nói:

“Tôi vào phòng mỹ thuật, cô cùng vào với tôi chứ?”

Dì gật đầu ngay, như một phản xạ.

“Có, cám ơn bà.”

“Tôi muốn giới thiệu lớp làm đồ gốm.”

Hai người đi vào một gian phòng rộng. Bà tự giới thiệu. Hóa ra bà là người phụ trách lớp học này, bà Mary.

“Cô hãy từ từ tìm hiểu. Môn học này không khó, nhưng đòi hỏi tính kiên nhẫn và sự trầm lắng của tâm hồn.”

Dì đi quanh, nhìn ngắm các tác phẩm được trưng bày trong phòng. Mỗi một vật là một kiểu khác nhau. Cũng có giá bán gắn lên mỗi tác phẩm. Như vậy tác giả, ngoài việc thể hiện tâm tư mình, còn có thể có “lợi tức” cho mình và góp phần làm việc thiện. Dì mỉm cười thú vị.

Các học viên ngồi sau những chiếc bàn rộng và thấp, chăm chú làm công việc của mình.

Bà Mary bảo Dì ngồi vào chỗ của bà.

“Cô hãy thử đi!”

Bà chỉ cho Dì từ lúc nhào đất sét, đặt lên đế, cho đến cách tạo thành một chiếc bình. Dì nghe lòng lâng lâng một cảm giác kỳ lạ. Khi chiếc đế bắt đầu quay, hai bàn tay Dì đi theo vòng quay đó, da chạm vào đất sét, nghe ướt, mịn. Đất sét bỗng có hồn. Đất biến thành thịt xương, da dẻ. Đất đan quyện lấy mười ngón tay. Dì nhớ Chú, nhớ Angel. Như thể Dì đang ôm mớ tro của Chú, mớ tro của Angel trong hai bàn tay…

4.

Dì hoàn thành tác phẩm đầu tiên: một chiếc bình cắm hoa. Dì tự tay vẽ lên đó những chiếc lá thu vàng. Dì sẽ không ghi giá bán, chuyện đó để dành cho những tác phẩm sau này. Chiếc bình này Dì sẽ “khoe” với Chú và Angel. Hai cha con vẫn được ở gần nhau bởi Dì đã đặt hai chiếc bình tro bên nhau trên kệ tủ cao. Chưa hết, Dì sẽ khoe với Trường Giang, “ông mục sư” của Dì. Trường Giang lúc nào cũng trầm tĩnh, mà khi nói thì lời nào cũng chí lý.

“Mẹ, tất cả những gì Mẹ có nơi cõi này đều là tạm thôi. Là Ông Trời cho Mẹ mượn. Chú, Angel, nhà cửa, tiền bạc, ngay cả con đây cũng chỉ là Ông Trời cho Mẹ mượn. Ngày nào Ông Trời lấy lại thì đành.”

Và Trường Giang vẫn luôn là người cùng Dì đọc kinh mỗi ngày. Dì cảm thấy mang ơn cuộc sống hiện tại. Và Dì vui khi mọi người trong trung tâm gọi Dì là “cô trẻ”. Dì cười, tôi còn trẻ lắm sao? Mọi người cùng cười vui với Dì. Họ trông cũng trẻ. Và Dì tự trả lời rằng ít ra là trẻ trong tâm hồn của mình. Đối diện với chuyện sinh lão bệnh tử và đứng vững, đó là còn trẻ.

Hôm nay ra khỏi nhà Dì gặp lại “bà cụ khó tính” ở nhà đối diện. Bà cụ chào trước, Dì chào lại. Dì muốn gợi chuyện với bà, nhưng chính bà lại gợi chuyện trước. Bà chỉ tay lên cao, nơi đầu bức tường gỗ ngăn mảnh vườn nhỏ của nhà Dì với bên ngoài, nơi có một nụ hoa hồng vươn lên từ đó, hỏi Dì:

“Sao nhà cô lại có cây hoa hồng cao thế?”

Dì cảm động, “khoe” với bà cụ:

“Dạ phải, cây hoa hồng này lạ lắm bà ạ, khi tôi đem chậu hoa hồng từ nhà cũ về đây, nó cũng nhỏ nhắn như những cây khác. Rồi ngay hôm Angel của tôi ra đi, có một nhánh mọc vươn cao và trổ bông hoa thế này, mọi người có thể thấy nó từ bên ngoài.”

Bà cụ lẩm bẩm:

“Lạ nhỉ! Vậy là cây hoa có linh hồn chăng?”

“Bà nói đúng. Tôi tưởng tượng đó là Angel. Nó trở thành người tự do. Tự do cuối cùng. Tự do tuyệt đối. Đứng từ đây, chúng ta có thể thấy bông hoa vươn lên đến cây thông cao lớn ngoài này.”

Xem chừng bà cụ cũng cảm động. Bà chớp nhanh đôi mắt già sau cặp kính trắng. Bỗng bà nói như tâm tình:

“Tôi tên là Ann. Chồng tôi mất lâu rồi. Tôi không có ai bầu bạn. Tôi… tôi có thể trò chuyện với cô không?”

Dì nói ngay:

“Có thể lắm chứ, bà Ann. Và không riêng với tôi, bà có thể làm bạn với nhiều người nữa. Dưới chân đồi, ở trung tâm sinh hoạt, có biết bao nhiêu điều thú vị.”

“Có, tôi có biết. Nhưng từ lâu tôi không hứng thú.”

“Hy vọng bà sẽ thấy hứng thú. Trước mắt, mời bà tham gia vào nhóm chia sẻ của tôi, vâng, là một nhóm thân ái, giúp nhau học hỏi, trò chuyện, chia sẻ, đơn giản thế thôi.”

Bà cụ nhẹ gật đầu. Dì nắm bàn tay xương xẩu của bà cụ, nghe thương mến.

Tháng 3, 2016

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,203,377
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Ba truyện kể về “Nhân Duyên” sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo năm Kỷ Hợi 2015.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây là bài viết đầu năm mới Kỷ Hợi của bà.
Chương trình America's Got Talent (AGT) trên truyền hình NBC, ra mắt từ tháng Sáu 2006, tới nay đã trụ được 13 mùa, tiếp tục làm mê mẩn 12 triệu khán giả hàng tuần. Simon Cowell, nhà sản xuất của AGT, vào danh sách báo Time bình chọn 100 nhân vật thế giới tạo nhiều ảnh hưởng nhất. Sang năm 2019. Simon 60 tuổi. Show chung kết AGT The Champions mùa thứ 13, gồm những màn trình diễn hấp dẫn của các tài năng đã thắng giải từ khắp thế giới, được sắp xếp thành 7 chương trình TV, trình chiếu đúng dịp Tết Kỷ Hợi. Riêng chương trình cuối, công bố kết quả AGT 2019, sẽ chiếu ngày Thứ Hai 18/02/19. Sau đây là bài viết của Tố Nguyễn, tác giả lần đầu viết về nước Mỹ và đã nhận giải đặc biệt 2018.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây là bài viết đầu năm của tác giả.
Thứ Năm tuần này là Ngày Tình Yêu / Velentine Day 2019, đánh dấu đúng 750 năm ngày 14 tháng Hai năm 269, khi Giám mục Valentine bị hoàng đế La Mã Claudius Đệ Nhị cho lệnh chặt đầu, vì làm phép kết hợp các đôi lứa theo nghi thức nhà thờ. Nhân ngày đặc biệt này, mời đọc bài viết thứ ba của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, cựu nữ sinh Trưng Vương, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân Lafayette, Louisiana. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la!
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới về Tết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay. Bài viết mới sau đây kể về lớp dạy văn chương Việt tại UC Irvine.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài ông viết đầu năm mới Kỷ Hợi.
Nhạc sĩ Cung Tiến