Hôm nay,  

Mùa Tam Diệp Thảo

26/05/201600:00:00(Xem: 10689)

Tác giả: Tôn Nữ Thu Dung
Bài số: 3827-17-30327-vb5052616

Trước Tháng Tư 1975, tại Saigon, tác giả từng cộng tác với tuần báo Tuổi Ngọc và là một trong những cây bút học trò được bạn đọc yêu mến. Chỉ mới định cư tại Hoa Kỳ ít năm trước đây, Thu Dung dự Viết Về Nước Mỹ 2013 và nhận giải thưởng đầu tiên. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

* * *

(Tặng Lưu thị Hồng Loan, cô bạn bé nhỏ ngày nào nay đã là một Mẹ Bề Trên đáng kính.)

Cả ngày hôm ấy, Hoài không chịu ăn bất cứ một thứ gì Melisa đút cho cô. Cô ngậm và phun ra hoặc cô mím môi câm lặng.

Melisa tìm tôi than thở: Em chán lắm, thương thì thương nhưng đành chịu.Tôi đang vội dọn dẹp để về, xe hư, tôi sợ nhất bị chờ ở trạm xe bus ban đêm, lạnh, buồn và nguy hiểm. Tôi nói: để mai đi.

Vậy mà về nhà vẫn nghĩ hoài để thao thức cả đêm. Tôi có cái tật cứ ôm tất cả những bất hạnh của người khác để đầu độc tâm hồn mình khi thấy mình không làm gì được trước các nỗi đau. Cả nhà không ai muốn cho tôi làm việc trong nursing home, nhưng hơn ai hết, tôi biết rất rõ Chúa đã cho tôi đôi tay biết cách xoa dịu vết thương, vì thế tôi chọn công việc này giữa vài công việc khác mà tôi có thể. Tôi không muốn nói với ai về những điều mình nghĩ, sẽ gây nhiều hiểu lầm, tôi biết, tôi đang ở trong vài tầm ngắm… khi lỡ lời nói một điều gì đó, sẽ có những viên đá ném tới không chút đắn đo và không cần suy nghĩ từ vài người tôi đã từng cho rằng họ là bạn… bởi thế tôi lặng lẽ làm trước khi có ai lên tiếng hỏi.

Công việc hơi nhọc nhằn, đôi khi dơ bẩn nhưng đem lại cho tôi số tiền (đủ sống) và niềm vui (to lớn) lẫn nhiều nỗi buồn (khó cưỡng). Tôi luôn nhớ lời Soeur Hiệu Trưởng: Làm được điều gì cho ai là phải làm ngay đừng chần chừ ngần ngại…

Giờ ăn trưa tôi tới cạnh bàn ăn của Hoài. Cô vẫn ngậm miệng và phun cho kỳ hết khi Melisa lừa lừa đút được chút gì. Melisa chán nản lau miệng cho cô và dọa: Nếu cô không chịu ăn, bác sĩ sẽ chuyền thức ăn bằng ống, rất đau! Hoài òa lên khóc.

Tôi biết, Hoài không hiểu, không nhớ gì cả nhưng cái giọng dọa nạt của Melisa làm cô tủi thân. Không trách được Melisa, cô còn quá trẻ và thiếu kiên nhẫn để làm những công việc như thế này… Cô có quá nhiều nỗi lo khi phải một thân một mình trên đất Mỹ… Cô đang lo sợ đủ thứ: Sợ chiều nay kẹt xe lại đi học trễ, sợ thẻ xanh hết hạn trước khi tốt nghiệp nếu không qua nỗi các đợt thực tập, kể cả cô cần phải về để tắm táp trước khi đến lớp chiều nay để tránh cái ý nghĩ bọn bạn học con nhà giàu khịt khịt mũi khi cô đi ngang, cô đã làm thêm việc vào ban đêm và tới giờ này thì cô vô cùng mỏi mệt, nhiều lần tôi nghe cô khóc nức nở trong phòng tắm…

Bởi thế, tôi vừa dỗ Hoài vừa phải trấn an cô… tôi vỗ nhè nhẹ lên tay Hoài và nói với Melisa: Thôi về đi, để đó! Hoài nhìn tôi bằng đôi mắt bé thơ buồn rầu, sao lòng tôi cứ đau đớn bởi những điều người khác rất thản nhiên?

*

Nếu Hoài là một bệnh nhân không chịu ăn thì Thomas là một bệnh nhân không chịu ngủ. Thomas là một họa sĩ. Cậu ấy bị một tai nạn xe hơi nghiêm trọng khi: Em đang nhìn những đốm nắng chấp chới trên cánh một con bướm xanh khi nó bay rất chậm qua một thung lũng vàng rợp Tam Diệp Thảo… và cậu đã bị tổn thương cột sống, từ đó cậu vẽ tranh bằng cách ngậm chiếc cọ trong miệng… Không biết cậu ấy có thi vị hóa nguyên nhân tai nạn của mình hay không, nhưng nếu thật vậy thì quả là hạnh phúc. Trong những câu chuyện cổ tích tôi đọc hồi nhỏ có một truyền thuyết như sau: Ai được nhìn thấy một cánh bướm xanh chập chờn lượn qua một cánh đồng Tam Diệp Thảo thì linh hồn người đó sẽ trở thành bất tử… Nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi trong những lúc chăm sóc cậu: Linh hồn bất tử để làm gì khi thân xác em bị giam cầm trên một chiếc xe lăn?

Màu Tam Diệp Thảo cứ rực rỡ và nao nức đến đau lòng khi tôi nhìn thấy nó rợp trong vườn xanh cỏ. Tôi hái một bó và cặm vào chiếc ly thủy tinh bé nhỏ cho Thomas vào mỗi sáng… nó rực rỡ lung linh trong vài giờ rồi rũ xuống héo tàn buồn thảm… Tôi vỗ nhẹ vào vai Thomas khi thấy đôi mắt cậu cứ đọng hoài trên bàn ngủ: sáng mai chị sẽ hái nữa cho em. Thomas cười, nụ cười của một bé thơ vừa nghe lời hứa về một món quà yêu thích. Tôi nói: Giờ thì em ngủ đi, chị sẽ kể cho em nghe câu chuyện về Tam Diệp Thảo…

...Cỏ ba lá chính là cây me đất, thỉnh thoảng có người vẫn tìm được trong đám cỏ ba lá đó, có một cây bốn lá. Vì nó rất hiếm nên người ta thường quan niệm rằng ai tìm được cây cỏ bốn lá đó là sẽ có được Hạnh Phúc hoặc May Mắn.

Câu chuyện kể rằng nếu đứa bé trên thế gian can đảm bước vào rừng sâu, đi mãi đi mãi qua bao thác ghềnh với một trái tim dũng cảm sẽ tìm được loại cỏ bốn lá (four-leaf clover) - loại cỏ sẽ mang lại nụ cười hạnh phúc mãi mãi - nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ. Khi tìm được ngọn cỏ bốn lá, đứa trẻ sẽ đứng trong gió, đặt ngọn cỏ vào trái tim nồng ấm và hát khúc ca đồng dao. Mỗi lá trên ngọn cỏ tượng trưng cho một thứ quý giá nhất của cuộc sống.

Lá thứ nhất đứa bé thì thầm: đó là hy vọng

Lá thứ hai đứa bé mỉm cười: là niềm tin

Lá thứ ba: là tình yêu

Và lá cuối cùng: là sự may mắn

Bốn món quà thượng đế ban tặng cho mỗi đứa trẻ khi chúng mới ra đời nhưng để tìm được chúng đứa trẻ ấy phải mãi đi tìm, tìm trong rừng sâu của cuộc đời với trái tim dũng cảm... Truyền thuyết vẫn tiếp tục đến ngày hôm nay, và truyền thuyết mãi là truyền thuyết vì mỗi đứa trẻ sinh ra lớn lên mãi đi tìm công danh và sự nghiệp nên chúng lãng quên con đường tìm đến với ngọn cỏ bốn lá mà thượng đế trao cho. Đến khi chúng vấp ngã, chúng mới nhớ đến khúc đồng dao của ngày xưa. Chúng thẫn thờ và than thở.

Nhưng đứa trẻ đâu biết thượng đế trên cao đang mỉm cười:

Khi đứa trẻ đau vì vấp ngã, đó là tình yêu

Khi đứa trẻ tin rằng mình không cô độc khi vấp ngã, đó là niềm tin

Khi đứa trẻ nhìn thấy những đứa trẻ khác còn đau khổ hơn mình, đó là sự may mắn

Và khi đứa trẻ nghĩ rằng mình phải đứng dậy là đi tiếp, đó là niềm hi vọng..

Câu chuyện tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại giúp ta hiểu được một chân lí:

Có những điều thật giản đơn nhưng đủ làm ta mỉm cười và có những con người dù lặng lẽ - nhưng lại khiến trái tim ta bừng lên hạnh phúc…

Chiếc giường ngủ đầy những thiết bị y khoa của Thomas như cầm tù thân xác cậu mà linh hồn cậu thì đang lững thững ở một chốn hoang vu nào đó, giấc ngủ đến với cậu thật thanh thản bình yên... Và tôi đau đáu với nỗi niềm: đêm mai, tôi sẽ có câu chuyện nào tuyệt vời hơn truyền thuyết Tam Diệp Thảo để dỗ cậu vào giấc ngủ?

*

Nếu với Thomas, tôi chỉ biết về cậu qua những câu chuyện kể thì với Hoài, cô là một phần tuổi trẻ của tôi. Khi tôi nhận việc, anh Lâm, người hướng dẫn đã nói: Dân Nha Trang ha? Bàn giao cho cô case này... đồng hương!

Tôi không còn nhận ra Hoài nữa... Đầu tháng Ba năm 1975. Hoài 16 tuổi, thị trấn thất thủ, Hoài theo các chị chạy loạn... Từ trại mồ côi, Soeur Bernard cho mỗi đứa một tay nãi gồm gạo sấy, mì gói, đường, kim chỉ may, vài bộ áo quần và một ít tiền. Soeur căn dặn không được rời nhau và làm dấu thánh cho từng đứa. Soeur ở lại vì còn một số bé bại liệt không di chuyển được. Cả bọn vừa đi vừa lẫn chuỗi đọc kinh.

Hoài được gởi vào trường mồ côi của các Soeurs từ năm 3 tuổi, mẹ cô không một lần trở lại thăm chắc vì áp lực gia đình hoặc xã hội khi sinh một đứa con khuyết tật... Cô lớn lên nơi đây, đơn giản, xinh đẹp, thánh thiện như một thiên thần câm lặng, chỉ có nụ cười sáng rực là làm ấm áp hồn người.

Trên con đường chạy loạn dần dần thất lạc lẫn nhau, chỉ có bé Lim là Hoài khư khư ôm chặt, cô cột nó bằng chiếc võng mây riết sát quanh mình, con bé độ chừng vài tuổi... Về tới Suối Dầu, Soeur Bề Trên bật khóc khi thấy hai chị em tơi tả và những vòng dây siết bầm tím quanh thân... Hoài sợ con bé rơi mất trong biển người hỗn loạn. Không còn nỗi sợ hãi nào nữa khi được về cạnh các Soeurs, nép mình vào những đôi tay từ ái... Tình yêu thương của các soeurs xóa dần những nỗi đau thương ám ảnh... chỉ có Lim, nó cứ hét gào khi không thấy mặt Hoài và quanh quẩn theo cô như một chiếc đuôi!

Hoài trở lại với công việc của mình, chăm sóc các bé mồ côi và khuyết tật cùng các soeurs. Cô không biết hát, không biết kể chuyện, không biết vỗ về... nhưng cô biết nựng ru bằng những tiếng âm ư và đôi tay ấm áp... khi cô ôm một bé thơ đang la khóc, đôi mắt và vòng tay cô làm bé dịu đi và lim dim ngủ...

Những ngày ấy, tôi vẫn thường mang đến Dòng những thuốc men, quần áo mà bạn bè và người thân ở nước ngoài gởi về tiếp tế để Soeur lo cho các bé. Tôi gặp Hoài thường xuyên, cô bày tôi nói chuyện bằng ngôn ngữ thể hình, cô luôn dễ thương, duyên dáng, nhẹ nhàng, thanh khiết như một thiên thần... chỉ có bọn chúng tôi lăn sớm ra đời kiếm sống là bị nhiễm độc trần gian để tập khôn ngoan, tập lọc lừa, tập gian trá, thật sự chúng tôi tập hoài không được vì lúc nào cũng sợ những cái nhìn nghiêm khắc của các soeurs. Mỗi lần đến gặp Hoài, ngồi nói chuyện vớ vẩn với cô hay cả khi chẳng nói gì chỉ gặp nhau cười và ra dấu từ xa, lúc ra về tôi như có thêm chút năng lượng sống và cảm thấy mình được rửa sạch chút bụi bặm phố phường.

Thuở ấy, thỉnh thoảng các tổ chức từ thiện quốc tế đến thăm Dòng, phát thuốc, khám bệnh, nhổ răng, tặng quà... những em bé cứ khóc thét lên nếu không có Hoài bên cạnh mặc cho tôi có mỏi miệng ru hời ru hỡi... Vẻ xinh đẹp đằm thắm dịu dàng của Hoài đã lọt vào mắt xanh một chàng bác sĩ. Tình yêu không biết có tác động thế nào đến Hoài không, chúng tôi, bọn nhóc tuổi tác tương đương đương nhau, chưa đứa nào biết tình yêu là gì có hơi ganh tị dù rất mừng cho Hoài.

Tôi hỏi soeur: Hoài có yêu Mike không?

Soeur nghiêm trang: Hoài ngoan, con bé làm mọi điều theo ý Chúa!

Tôi vờ than vãn: Sao Soeur không giới thiệu Mike cho con. Con cũng rất ngoan mà. Mike vừa đẹp trai, vừa giàu có, vừa mang quốc tịch Mỹ, đỡ tốn công tốn của con đi vượt biển hoài không lọt.

Soeur cốc đâu tôi bằng chiếc nhẫn sắt như ngày tôi còn nhỏ: Hòai được yêu vì nó mang cái đẹp của sự yên lặng, tĩnh tại. Con không có được điều đó, con lách chách cả ngày như một con khướu... làm người ta vừa yêu vừa ái ngại... Con thông minh nhưng thiếu sự khôn ngoan!

Chưa có nhận định nào chính xác làm tôi vui dường ấy... Tôi tò mò lắm...vẫn là những buổi trưa trong giờ các bé ngủ, Hoài ngồi yên lặng trên hiên nhà nhìn ra những vạt Tam Diệp Thảo đong đưa hoa vàng, nhiều khi tôi và nó cùng ngớ ngẩn đi tìm cho bằng được những cọng cỏ bốn lá dù biết rằng hiếm hoi không tưởng. Tôi hỏi nó: Nếu tìm thấy một ngọn cỏ bốn lá Hoài sẽ mơ được điều gì?

Mẹ, nó trả lời bằng hai bàn tay chéo nhau trên ngực. Tôi lặng người đau nhói. hỏi tiếp: Yêu Mike không? Hoài cười, mắt nó hiền như mắt bò với hai hàng mi rợp bóng, dịu dàng xinh đẹp.

Bằng cách nào đó, họ cưới nhau và đem cả Lim ra đi. Lim vẫn luôn là một cái đuôi quấn quýt với Hoài từ nhỏ. Nghe Soeur nói họ làm việc ở Ethiopie, ở Sudan... những nước Châu Phi nghèo khổ... Hoài vẫn luôn là một cô bé ngoan, tìm cách giúp đỡ cho nhà Dòng bằng mọi cách.

Rồi Soeur Bề Trên mất, rồi tôi đi xa, rồi Dòng bị giải tán dời đi nơi khác. Thỉnh thoảng mới có một vài Email liên lạc rủ nhau quyên góp cho Dòng. Rồi thất lạc nhau trong đời, dù vẫn biết khi cần, chỉ lên tiếng thôi thì cạnh mình sẽ vẫn đông đủ bạn bè.

Tôi không biết gì về cuộc sống tiếp theo của Hoài... chắc rằng nó luôn vui vẻ, an phận, hạnh phúc vì được dấn thân và cống hiến như lời răn dạy của Soeur bên cạnh những người mình yêu thương. Tôi luôn nghĩ vậy về nó khi nhớ lại một cô thiên thần bé nhỏ của ngày nào xa xưa...

Cho đến khi tôi nhận việc nơi này - Forest Park Care Center - thì Hoài đã ở đây 14 năm, trước đó nó ở đâu đó mà trong hồ sơ không ghi nhận... Thời gian làm tôi bật khóc, Hoài đã cô đơn bất hạnh trong bao nhiêu năm kể từ khi nó lên đường? Nó nhảy lầu tự tử vì trầm cảm. Trong hồ sơ là địa chỉ liên lạc và số điện thoại của vợ chồng người em gái: Mike và Lim! Tôi mương tượng điều đã xảy ra, anh Lâm nói: Lâu lắm rồi Mike và Lim không tới, mỗi lần họ tới Hoài lại bị những cơn động kinh khủng khiếp!

Tôi không nói với anh Lâm những gì mình biết. Những trưa ngồi im lặng bên nhau... không biết Hoài nghĩ gì mà cứ chảy nước mắt, tôi ôm đầu nó tựa vào vai mình, đong đưa đong đưa... ngoài cửa sổ cũng là một vườn Tam Diệp Thảo xanh mượt mà với những hoa vàng lay lay trong gió...Tôi ước gì được trở lại những ngày cũ của ký ức êm ả xưa kia...

Tôi không giận Mike và Lim... Tôi nhắn tụi nó số điện thoại mình. Qua thời gian, tôi hiểu Tình Yêu đôi khi còn là khổ nạn! Một đêm, tôi nghe giọng Mike nghẹn ngào gọi đến từ một vùng băng giá xa xôi: Dee, tôi không phải là một người độc ác... nhưng Tình Yêu đâu phải đơn thuần là một lễ vật chỉ để hiến dâng! Tình Yêu là một sự tương tác, Bạn có hiểu...

Tôi hiểu, dù đã quá muộn màng.

Sống, phải luôn mở lòng yêu thương khi có thể... và cũng không nên oán trách cuộc đời khi bất hạnh như một chiếc thánh giá mà ta phải tự mang vác đến hết phận người!

Tôn Nữ Thu Dung

Ý kiến bạn đọc
20/06/201718:04:50
Khách
Chuyen hay
28/05/201602:57:47
Khách
Lim là đáng trách nhất. Cứu nhân thì nhân trả oán. Thật không sai. Hoài nên trở về làm việc với các sơ. Hai kẻ không tim đó không xứng đáng để nhớ hay hận.
27/05/201607:30:56
Khách
Tên tiếng Mỹ của nó là CLOVER, Jane MNT
27/05/201607:28:19
Khách
Rất cảm ơn các bạn đã đọc và góp ý.
26/05/201620:47:36
Khách
https://en.wikipedia.org/wiki/Clover

Clover or trefoil are common names for plants of the genus Trifolium (Latin, tres "three" + folium "leaf"), consisting of about 300 species of plants in the leguminous pea family Fabaceae. The genus has a cosmopolitan distribution; the highest diversity is found in the temperate Northern Hemisphere, but many species also occur in South America and Africa, including at high altitudes on mountains in the tropics. They are small annual, biennial, or short-lived perennial herbaceous plants. Clover can be evergreen . The leaves are trifoliate (rarely quatrefoiled, cinquefoil, or septfoil), with stipules adnate to the leaf-stalk, and heads or dense spikes of small red, purple, white, or yellow flowers; the small, few-seeded pods are enclosed in the calyx. Other closely related genera often called clovers include Melilotus (sweet clover) and Medicago (alfalfa or 'cavalry clover').
26/05/201615:15:54
Khách
Chuyện hay và buồn lắm. Xin cám ơn tác giả.
Xin nhắn riêng với Mike và Lim, nếu có ngày nào họ đọc được bài này: Đời có nhân, có quả. Hãy chờ xem.
26/05/201612:45:40
Khách
Có ai biết tên tiếng mỹ loài hoa tam diệp thảo ?
26/05/201612:44:00
Khách
Chuyện thật rúng động và thương cảm . Chuyện làm tôi nhớ lại phim về cuộc đời nổi tiếng của đieu khắc gia ( quên tên ) , nổi tiếng tạc hai bàn tay , trưng bày tại phyladelphia. Cô học trò yêu ông đến nỗi ghen tương .tranh đua nghề nghiệp với ông và cuối cùng điên loạn sống suốt đời trong đó.
Chỉ người có tâm bồ tát mới hạnh phúc bên người nghệ nhân vì tim họ như tim Phật , yêu rất nhiều người ! , !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhân từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho tới những ngày tháng cuối đời,
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả là một Kỹ sư về hưu, đang sinh sống ở Orange County và đã nhận được giải Danh Dự năm 2016. Trong những bài VVNM của ông, có nhiều bài viết lấy thú vật làm đề tài,
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/ Donna Nguyen. Cô đã từng đóng góp khoảng 16 bài Viết Về Nước Mỹ dưới ba bút danh trên. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, cô từng sống ở vài tiểu bang như Indiana,
Nhạc sĩ Cung Tiến