Hôm nay,  

Thất Vọng và Hy Vọng

01/04/201600:00:00(Xem: 10880)

Tác giả: Nguyễn Trung Tây
Bài số 3788-17-30288vb6040116

Tác giả từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm 2010. Ông là một Linh mục Dòng Truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago. Nhiệm sở hiện ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.

* * *

Mở cửa văn phòng, tôi gặp chị và bạn…

Thấy tôi, chị khóc nức nở,

— Cháu mới sáu tuổi, làm gì nên tội mà phải bị ung thư?

Tôi gặp bạn, bạn than phiền,

— Nhớ lại cảnh vợ mình bị hải tặc Thái Lan bạo hành, tôi vẫn không thể nào hiểu được con người và chiều sâu dã thú...

Lắng nghe những lời chia xẻ của chị và của bạn, tôi xót xa trong lòng. Tôi muốn nói nhiều, nhiều thật nhiều, hy vọng chị và bạn sẽ bớt đi những giọt nước mắt phiền muộn. Nhưng thật lòng tôi biết tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi về mối tương quan giữa cuộc sống và thất vọng. Nhưng tôi nói xin cho tôi được có cơ hội để chia sẻ về nỗi niềm thất vọng của một người...

Cả chị và bạn cùng đều bật miệng hỏi lại,

— Cha muốn nói ai?

Tuần Thánh của người Công Giáo nếu phải đặt tên cũng là tuần của thất vọng. Đức Giêsu thất vọng bởi Giuđa, người môn đệ thân cận đang âm mưu rập rình bán đứng sư phụ. Đức Giêsu thất vọng bởi Ngài thấy trước Phêrô sẽ chối từ mối liên hệ thầy trò không phải chỉ là một, mà là ba lần nơi công cộng. Trong Vườn Cây Dầu, Ngài mang theo ba người môn đệ thân cận hy vọng sẽ được ủi an. Nhưng không, Phêrô, Giacôbê, và Gioan mệt nhọc thân xác tiếp tục nhắm mắt ngủ yên trong Vườn không hề hay biết mặt đất đang rung chuyển bởi vó ngựa quân lính La Mã. Thất vọng này nối tiếp thất vọng kia, bởi trên cây thánh giá, Đức Giêsu cảm nhận được sinh lực của tuổi ba mươi đang dần dần bốc hơi khô cạn trong thân xác. Và thật đúng như vậy, khi cửa ngôi mộ đá chầm chậm đóng lại chôn lấp một xác chết, chẳng có còn gì sót lại gì cho Đức Giêsu và những người môn đệ hy vọng vào một ngày mai.

I. Nỗi Niềm Thất Vọng

Vào đêm Đức Giêsu bị bắt trong Vườn Cây Dầu, tất cả những môn đệ của Người đã hoàn toàn mất hy vọng vào Thầy của mình. Bởi thế họ đã bỏ Thầy, bỏ tất cả chạy lấy người. Tuy nhiên, bởi Phêrô vẫn còn chút hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, ông đã liều lĩnh đi tới sân Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Nhưng rất tiếc, Phêrô cũng không khám phá ra được điều gì khác hơn ngoài việc ông tự nhiên lại mang lấy phải cái vạ chối Thầy vào người.

Vào khoảng ba giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó, bầu trời của kinh thành Giêrusalem lúc đó đã tối lại càng tối đen hơn cho những người môn đệ của Đức Giêsu, khi chính họ chứng kiến giây phút cặp mắt thất thần của Đức Giêsu đang từ từ nhắm chặt lại.

Cuối cùng, trong khi đứng nhìn tảng đá của ngôi mộ được ông Giuse Arimáthêa chầm chậm lăn lại che kín một xác chết, mọi người môn đệ của Đức Giêsu biết rằng đã không còn gì để họ hy vọng. Họ hoàn toàn thất vọng vào một tương lai trong Đức Giêsu.

II. Mầu Nhiệm Thương Khó

— Bạn đang đứng ở đâu trong khi những giọt mồ hôi máu đỏ của Đức Giêsu đang rớt xuống, thấm sâu vào lòng đất đen trong Vườn Cây Dầu? Bạn có nghe thấy tiếng Đức Giêsu đang năn nỉ những người môn đệ thân tín, những người bạn bè ruột thịt thân thiết trong suốt một khoảng thời gian dài là làm ơn cố gắng tỉnh thức để chia xẻ nỗi niềm cô đơn với Ngài hay không? Bạn nghĩ gì khi Đức Giêsu bị bạn bè đâm, không phải là sau lưng nhưng ngay trước mặt, bằng một cái hôn nồng nàn thắm thiết? Bạn thấy gì khi Đức Giêsu bị tất cả mọi người bỏ rơi, đứng chơ vơ giữa một rừng gươm sắc, giáo mác, và những kẻ chống đối Ngài? Trong hoàn cảnh bơ vơ lạc loài này, Đức Giêsu sẽ quay sang ai để tìm kiếm cảm thông, chia xẻ, và an ủi? Bạn có nhìn thấy vòng gai sắc nhọn đang đâm thâu qua đầu Ngài? Máu đỏ lại rơi xuống. Thịt da lại rách tan. Bạn có ước lượng được cây thánh giá đang đè lên vai của Đức Giêsu nặng khoảng bao nhiêu pounds hoặc là bao nhiêu ký hay không? Có thể chúng ta vẫn không bao giờ biết được sức nặng thật sự của cây thánh giá, nhưng ít ra chúng ta biết là cây thập giá nặng lắm, nếu không Đức Giêsu đã không té ngã ba lần dưới sức nặng của hai cây gỗ đan chéo vào nhau. Cả ba lần Đức Giêsu té ngã xuống mặt đường ngập đầy đá sỏi của kinh thành Giêsuralem, bạn đang làm gì? Bạn đứng ở đâu? Bạn có thấy Ngài té ngã xuống mặt đường, và đá sỏi tiếp tục cào rách nát khuôn mặt của Ngài ra không?

Tôi tiếp tục chia sẻ,

— Trên đỉnh núi Sọ, bạn có nghe thấy tiếng búa sắc nhọn đang đập xuống những đầu đinh, và những đầu đinh sắc nhọn đang đâm xuyên qua hai chân và hai tay của Đức Giêsu hay không? Bạn có thấy trời đang kéo mây đen che kín đỉnh đồi Calvê hay không? Bạn nghĩ gì khi đất đá của Núi Sọ rung động, mồ mả của những người đã chết bật tung nắp, màn trong đền thờ Giêrusalem xé rách ra làm hai vào giây phút Đức Giêsu nhắm chặt mắt lại? Bạn nghĩ gì khi bộ ngực gầy gò ốm yếu của Đức Giêsu không còn di động lên xuống theo nhịp thở yếu ớt nữa?

III. Mầu Nhiệm Phục Sinh

Nhưng tạ ơn Trời, tạ ơn Đất, tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì câu chuyện thất vọng của năm xưa không dừng lại ở đoạn ông Giuse đang từ từ lăn tảng đá che kín lại ngôi mộ đá. Hai ngày sau, sứ thần từ trời cao ngự xuống đẩy tảng đá che kín ngôi mộ của Đức Giêsu sang một bên. Nhờ thế người ta mới biết là ngôi mộ được niêm phong bởi lệnh của Quan Tổng Trấn Philatô tự nhiên trở thành ngôi mộ trống (Mátthêu 27:62-66). Nhờ những người phụ nữ Do Thái dẫn nhau đi ra ngôi mộ vào buổi sáng sớm của ngày hôm đó, người ta mới biết xác Đức Giêsu đã biến mất. Ngôi mộ đá đã lạnh ngắt lại càng trở nên lạnh ngắt với khăn liệm nằm chơ vơ lạc loài (Máccô 16:1-8, Luca 24:12). Nhờ Maria Mađalêna còn vấn vương với ngôi mộ trống sau khi Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến đã bỏ về nhà, chúng ta mới biết ngôi mộ đá trở nên ngôi mộ trống chính vì Đức Giêsu đã sống lại (Gioan 21:11-18). Và nhờ hai người môn đệ, một người tên là Clêôpas, thất vọng bỏ thành phố Giêrusalem ra đi, chúng ta mới hiểu tại sao ngôi mộ của Đức Giêsu đã trở thành ngôi mộ đá trống (Luca 24:13-35). Nhờ những người môn đệ của Đức Giêsu mất hy vọng bỏ về lại Bắc Galilê tiếp tục hành nghề ngư phủ trên Biển Hồ, chúng ta mới biết Đức Kitô đã thực sự phục sinh, bởi vì Ngài đã hiện ra bên bờ biển vào một buổi sáng sớm, trong khi những người ngư phủ đang thất vọng với khoang thuyền trống vắng không một con cá (Gioan 21:1-14). Nhờ những nhân chứng phục sinh tiên khởi vừa được liệt kê ở trên, chúng ta biết ngôi mộ đá trở thành ngôi mộ trống bởi vì Đức Giêsu đã phục sinh, và Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người trong chúng ta.

Trong phạm trù Kitô học, Đức Kitô Phục Sinh trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mọi người trong chúng ta bởi vì Ngài cũng đã từng thất vọng với cuộc sống. Trong nguyện đường của thị trấn Nazareth, Ngài thất vọng nói, “Không có ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê hương của mình” (Luca 4:24). Trong Vườn Cây Dầu, Ngài buồn phiền thở than, “Lạy Cha! Nếu được, xin cất chén đắng này xa con” (Máccô 14:36). Trên đỉnh núi Sọ, Ngài thất vọng kêu lớn tiếng, “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Sao lại bỏ rơi con”? (Matt 27:46).

Cuộc sống nào mà lại không có những nhọc nhằn, những phiền muộn, và những thất vọng? Đức Giêsu cũng đã từng thất vọng, nhưng Ngài không bao giờ tuyệt vọng. Lúc nào Ngài cũng chấp nhận và tin tưởng vào bàn tay quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa quyền năng, mặc dù Ngài thất vọng vào đám đông của thị trấn Nazaret, những người đồng hương đang bịt mũi khinh bỉ gốc gác thợ mộc của Ngài. Lúc nào Ngài cũng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn rực rỡ hơn, dù rằng Ngài đang bị mọi người bỏ rơi trong Vườn Cây Dầu. Lúc nào Đức Giêsu cũng hy vọng vào Nước Trời mặc dù ánh mắt của Ngài đang lạc thần, mờ đi, và xám đen lại vào khoảng 3 giờ chiều của ngày thứ Sáu hôm đó. Và đúng như Ngài đã từng tin tưởng, chấp nhận, và hy vọng, cuối cùng Ngài đã sống dậy từ trong kẻ chết, và Ngài đã trở thành Đức Kitô Phục Sinh. Ngài trở thành Niềm-Hy-Vọng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta về một cuộc sống với niềm hy vọng vào một Thiên Chúa quyền năng nhưng nhân hậu.

Bạn thân,

Ai trong chúng ta lại chẳng có những lúc sống với thất vọng, với tuyệt vọng? Ai trong chúng ta lại chẳng có những giây phút hoàn toàn mất tin tưởng vào ngày mai bởi vì giấc mơ của mình trong vòng bao nhiêu năm vừa chợt sụp đổ như hai tòa nhà cao ngất trời của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế đang từ từ sụp đổ vào một buổi sáng mùa thu ngày 11 tháng 9 năm 2001? Ai trong chúng ta chẳng có những lúc bừng con mắt dậy, thấy mình trắng tay? Tương tự như Giuđa và Phêrô đã từng một lần cảm nghiệm, giờ này chúng ta mất hết, bây giờ chúng ta trắng tay!

Những mất mát trong cuộc sống khiến ai chẳng cảm thấy buồn phiền tiếc nuối. Cách đây khá lâu, có rất nhiều người cũng đã cảm nghiệm được sự mất mát to lớn cho một giấc mơ. Nhìn hòn đá đang từ từ che kín ngôi mộ, nhiều người có cảm tưởng mình đang lăn tảng đá chôn lấp giấc mơ của chính mình. Còn gì nữa mà mơ! Có người bỏ về làng tiếp tục nghề đánh cá. Có người âm thầm ngồi than khóc trong bóng tối. Có người treo cổ tự sát.

Cuộc sống là một tổng hợp của những buồn và vui, khóc và cười, mất và được. Có những lúc nổi giận, đốt hết. Có những lúc từ bi, thứ tha. Có những lúc mất hết, trắng tay. Những mất mát trong đời là một phần của cuộc sống. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận ánh sáng ban ngày và bóng tối ban đêm. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình đang còn trẻ và mình cũng đang già. Chấp nhận mất mát cũng như chấp nhận mình là con của bố và của mẹ, có những người chị, người anh, và người em.

Nhưng chấp nhận không thì cũng chưa đủ. Phải hy vọng, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, rực rỡ hơn. Hy vọng như người con hoang đàng, hai người phụ nữ, một người bên giếng nước Giacóp, một người trong nhà ông Biệt Phái Simon, đã hy vọng những dĩ vãng những lỗi lầm của mình sẽ được quên đi, sẽ được xóa nhòa. Hy vọng như Phêrô đã từng hy vọng là mình sẽ được thứ tha. Thất vọng như Giuđa đã từng tuyệt vọng vào một ngày mai. Cành cây bên vệ đường là nơi người mất hy vọng tìm đến. Một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống. Hy vọng như hai người môn đệ trên đường Emmau (Luca 24). Vào một buổi sáng mùa Xuân, có hai người mất hy vọng đang đi với nhau. Nhưng Niềm-Hy-Vọng (Đức Kitô Phục Sinh) đã tới với họ. Niềm-Hy-Vọng chuyện trò với họ. Và bởi Niềm-Hy-Vọng, họ quyết định quay về Giêrusalem, thành phố của mất hy vọng. Họ quay về để tạo dựng lại một niềm hy vọng mới. Bao nhiêu người chứng kiến cảnh tảng đá đang từ từ chôn lấp một xác chết. Họ thất vọng. Họ cảm nghiệm đắng cay cho một mất mát. Nhưng rồi họ lại hy vọng, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cuối cùng đúng như họ mơ ước Mùa Hy Vọng đã tới gần hai ngàn năm.

Nguyễn Trung Tây

Ý kiến bạn đọc
03/04/201607:04:59
Khách
Tin Mừng Phục Sinh- Chúa GiêSu đã sống lại; không biết phải hiểu như thế nào nếu tôi chưa từng lo buồn và đau khổ? Nếu tôi chưa từng nằm trong màn đêm của thương đau, chán nản và ê chề- liệu Tin Mừng ấy có làm tôi ứa nước mắt và reo vui như khi đang ở dưới vực sâu cô đơn đói lạnh- lại thấy ánh sáng và một sợi dây thừng mầu nhiệm đang thả xuống ngay tầm tay tôi với đến?
Cơ hội đó không đến chỉ một lần mà đến rất nhiều lần trong đời tôi khi tôi nghiệm suy lại quãng đời rất dài… Con đường gian nan có đích đến không bao giờ là con đường nhàm chán. Bởi tôi có Chúa ở cùng.

Cảm ơn Linh mục- tác giả đã đưa ánh lửa của HY VỌNG một lần nữa, rọi sáng trong mùa Phục Sinh. Kính.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,754,039
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến